top of page

Tản mạn (ep. 19): One-man-band

"One-man-band" là khái niệm có lẽ kéo mọi người về thời xa xưa nơi những người hành nghề giải trí tìm cách trình diễn nhiều nhạc cụ ít nhất là gồm phần dây và bộ gõ chỉ bằng tứ chi của họ (đôi khi có cả bộ phận khác) trong cùng một thời điểm. Ngặt cái là trò này thường chỉ gây chú ý với người nghe vì cái sự “lạ” của nó, chứ cũng ít khi tạo ra được sự trầm trồ trước khả năng trình diễn virtuoso của người nghệ sĩ. Bằng chứng là không có nghệ sĩ one-man-band của thời trung cổ nào có thể đọ sự nổi tiếng thậm chí với cả các chú hề; và cái quan niệm “vừa đánh trống vừa thổi kèn” cứ mãi vẫn chỉ mang ý châm biếm cho cái sự đa mang không làm gì tới nơi tới chốn, chứ không phải là một lười khen dành cho những người có tư duy và khả năng kiểm soát hơn người.


Với sự đòi hỏi trong trình diễn và ghi âm nhạc hiện đại, khái niệm One-man-band từ thời trung cổ dường như cũng biến mất với công nghệ ghi âm cho phép thu đi thu lại, cũng như những kỹ thuật phức tạp người ta có thể xài trên sân khấu để tạo ra những lớp lang của âm nhạc. Khái niệm One-man-band của thời hiện đại bỗng khoanh vùng một nhóm nhỏ những nghệ sĩ có khả năng chơi được nhiều nhạc cụ (lắm khi là chơi được tất cả các nhạc cụ) khi thu âm những bài hát của họ. Dĩ nhiên, khi lên sân khấu họ sẽ vẫn phải có ban nhạc chơi cùng chứ cũng chả ai dại gì vừa đánh trống vừa thổi kèn trước hàng ngàn cặp mắt đầy hiểu biết của thời hiện tại, nên xem ra cái khái niệm One-man-band cũng như việc mấy anh này không được nhìn nhận về khả năng ba đầu sáu tay của mình cũng bị mai một đi mấy phần.


Những cái tên như Prince, Dave Grohl cùng Foo Fighters, hay Trent Reznor của Nine Inch Nails có lẽ đã quá nổi tiếng trong giới âm nhạc về khoản này, khi họ đều có thể chơi được vô số các loại nhạc cụ và cũng tự tay chỉnh luôn được cả bàn trộn khi sản xuất. Nhưng có lẽ post này sẽ dành cho những người ít tiếng tăm hơn.


Hôm nay tôi sẽ thử chơi lớn: bạn sẽ hoặc rất thích post này, hoặc sẽ bỏ qua nó. Tôi sẽ thử đặt nguyên một album gần đây (nếu youtube cho phép) của 5 nghệ sĩ không quá tiếng tăm (có lẽ 4 thì đúng hơn vì một trong số họ thực ra rất nổi tiếng và còn được đề cử Grammy), những người mà tôi ưa gọi là One-Man-Band, những người mặc dù chưa chắc đã chơi tất cả các nhạc cụ trong album của họ, nhưng luôn không thiếu sự cầu kỳ trong viết nhạc và ghi âm nhạc để tạo ra những nhạc phẩm kỳ thú. Khái niệm về One-man-band vì thế có lẽ thiên về một vị mastermind tạo ra một nhạc phẩm đồng nhất, dù vẫn có tên của những nhân tố khác trong thu nhạc.


Giai điệu có lẽ là thứ đầu tiên đem chúng ta tới âm nhạc, và liền ngay sau đó là lời lẽ. Xa hơn một chút có lẽ là cấu trúc của bài hát, màu sắc, và phần nhịp điệu phía sau. Xa hơn nữa có thể là những dịch chuyển và tính chương hồi trong bài hát, cũng như những lời lẽ giàu tính truyện hơn. Và có lẽ tuyệt vời nhất là khi ta có cảm giác có thể nắm gọn mấy chục phút âm nhạc như một chuyến hành trình mà có lẽ ta chỉ có thể hiểu được khi theo dõi nó từ đầu chí cuối mà không cần bận tâm đến những bài hát cấu thành của nó (hay kể cả việc album nhạc đó có bản hit nào hay không). Đó là thứ âm nhạc miên man tưởng như bất tận và cuốn tới mức bạn sẵn sàng bỏ tất cả những ưu tiên khác để dành hẳn một giờ đồng hồ chỉ để ngồi nghe trọn vẹn một album.


Tôi vốn thích nhạc hòa tấu (instrumental) cũng bởi khi chơi chỉ với các nhạc cụ, âm nhạc có thể đem mình tới những nơi lạ lẫm không bị ảnh hưởng bởi lời hát cũng như những cấu trúc âm nhạc quen thuộc. Nhưng khi lời hát không còn bị ràng buộc bởi cấu trúc hay sự quen thuộc của âm nhạc đại chúng, sẽ luôn có những khoảng trống thời gian hay sự biến chuyển nhịp độ khi cần để lời hát có thể giãi bày thêm những chi tiết của câu chuyện.


Những album sau đây là vài trong số những sản phẩm uy tín của những năm cuối thập niên 2010s và đầu thập niên 2020s, từ những vị One-man-band có bề dày thành tích từ cả mấy chục năm trước và chưa bao giờ có ý định dừng lại, dù rằng mỗi người trong số họ đều có những công việc ưu tiên hơn bởi rõ ràng làm ra những thứ âm nhạc cầu kỳ và kén người nghe chắc hẳn không thể giúp họ trả hóa đơn hàng thàng. Những album nhạc này bỗng đem tới hy vọng le lói cho tôi về thứ âm nhạc đẹp đẽ ít thương mại, trong thời buổi mà có quá trời nghệ sĩ sẵn sàng biên đi soạn lại 4 phút nhạc của mình và khoác cho nó những chiếc áo chắp vá để bán được nhiều hơn.


Thế nên tôi cũng không kinh ngạc khi những nhạc phẩm One-man-band kiểu này, khi âm nhạc từ trong đầu của mấy vị mastermind càng trở nên phức tạp, những người cô độc trên con đường hành hiệp này vẫn luôn cần có sự trợ giúp của những hào kiệt khắp nơi, những bậc virtuoso sẵn sàng ẩn danh để tạo ra những nhạc phẩm cầu kỳ dưới tên của một người duy nhất. Thế, những cái tên kỳ cựu như Marco Minneman (trống), Jordan Rudess (keyboard), hay Steve Morse (guitar) vẫn họa hoằn xuất hiện đâu đó không mấy đỗi ngạc nhiên. Nếu như có ai đó không chia sẻ cùng quan điểm này có thể ngưng đọc tại đây.


PHIDEAUX


PHIDEAUX là dự án của nghệ sĩ Phideaux Xavier (tên cúng cơm Scott Riggs, một đạo diễn kiêm nhà sản xuất người Mỹ), một người có khả năng chơi được rất nhiều nhạc cụ lẫn hát, cộng với phần trống của Rich Hutchins và một vài nhạc cụ được chơi bởi nhà sản xuất Gabriel Moffat và khi cần thì có sự góp mặt của cả dàn nhạc giao hưởng. Phideaux có lẽ được biết đến nhiều nhất với bộ ba nhạc phẩm “trilogy” của mình bắt đầu từ The Great Leap (2006) tới Doomsday Afternoon (2007) và kết thúc bằng Infernal (2018). Dĩ nhiên rồi, điều hay ho từ những One-man-band này là họ không bao giờ chịu sức ép thời gian hay từ hãng đĩa để phải ra các album của họ.


Nhạc của Phideaux luôn khiến tôi nhớ tới Jethro Tull ở thời đỉnh cao với kiểu hát thủ thỉ nhưng rất “ngấm”, và phần nhạc với tầng tầng lớp lớp nhạc cụ được sản xuất kỹ lưỡng; bởi cảm giác những gì Ian Anderson làm được cùng Jethro Tull ở thập niên 70s dường như vẫn không đủ. Những nhạc phẩm của Phideaux đôi khi còn có cả sự góp mặt của những giọng ca nữ tuyệt đẹp để hát và bè cùng Phideaux.


Điều tôi thích nhất của Phideaux có lẽ là khả năng viết nhạc giàu giai điệu và sự cân bằng hoàn hảo giữa phần nhạc instrumental và nhạc có lời hát. Nhưng trên hết tất cả, chính là khả năng gây ngạc nhiên thích thú với cách khiến cho âm nhạc có thể “dịch chuyển” như qua những chương hồi, mà dường như người nghe không bao giờ có thể đoán trước nước đi tiếp theo của anh.


Và tất nhiên rồi, thứ âm nhạc của Phideaux có đủ các khoảng trống cho từng hơi thở của câu chuyện, lẫn sự giục giã tới thót tim mỗi khi có câu hỏi cần giải đáp. Album cuối trong bộ ba trilogy, Infernal, tưởng chừng như đã không bao giờ xuất hiện, nhưng hóa ra chỉ là để chờ tới khi Phideaux thực sự hài lòng với các ý tưởng trong âm nhạc của mình.


Do not fear

All we want to do is talk

Only words

And then your thoughts

 

Wait! I can’t hear

Don’t you want to tell me something?

‘Cos i hate to stand here wondering

I get bored, you feel pain

And so little time remains

To be bored and feel pain


PORCUPINE TREE


Đây là Prog band của nhà sản xuất lừng danh Steven Wilson chắc nhiều người đã nghe tiếng, với đôi lần được đề cử Grammy cùng bộ não Wilson cũng từng được đề cử thêm vài lần với các nhạc phẩm solo của anh. Vậy xin phép không nhắc nhiều để dành chỗ cho các nghệ sĩ khác ít tiếng tăm hơn (Spiderum có một bài viết khá hay về Porcupine Tree của tác giả Trần Lê Anh Thi ở ĐÂY), và thay vì thế, xin được đi thẳng vào album tôi muốn nhắc ở đây: Closure/Continuation (2022).


Vốn gây được rất nhiều sự chú ý trong ngành prog trong giai đoạn cuối thập niên 90s và thập niên 2000s, Porcupine Tree bỗng ngưng hoạt động vào năm 2010 không hẹn ngày trở lại khi Steven Wilson quyết định tập trung vào sự nghiệp solo của mình. Closure/Continuation ra đời trong một sự ngạc nhiên của rất nhiều người, nhưng có lẽ trong sự ít ngạc nhiên của những người trong cuộc cũng bởi… COVID-19. Bản thân cái tên album này cũng tạo ra sự thắc mắc liệu Steven Wilson có tiếp tục hay sẽ dừng dự án Porcupine Tree này lại. Nhưng quan trọng hơn, với âm thanh đầy mới mẻ sau hơn 12 năm, album này giúp tôi có thể sự tin tưởng rằng những món âm nhạc cầu kỳ và sẵn sàng thử thách những âm thanh mới vẫn luôn đau đáu trong sức sáng tạo của mấy con người này chỉ chờ dịp bộc phát.


Album này rõ ràng nghe tân thời hơn hẳn những album trước mà tôi rât thích như Deadwing nơi ít nhiều âm nhạc luôn đem lại sự liên tưởng tới những âm thanh prog của thập niên 70s. Nhưng cách làm cấu trúc nhạc cầu kỳ với việc thay đổi tempo và nhịp liên tục có lẽ vẫn là thứ đặc sản quen thuộc của Porcupine Tree, và thứ âm nhạc này có lẽ vẫn “kết” với tôi hơn so với các album solo của Steven Wilson trong giai đoạn 2010s cũng bởi sự tham gia của tay keyboard Richard Gabrieri và tay trống sừng sỏ Gavin Harrison.

 

LEGACY PILOT


Trên trang web chính thức của Frank Us, người tạo ra Legacy Pilot, anh có viết:

“Trước hết: âm nhạc là cuộc sống của tôi.

Không có thứ gì trên thế giới này truyền tải cảm xúc tốt hơn âm nhạc.

Chúng ta là loài người. Chúng ta là âm nhạc. Tất cả các ngày trong cuộc đời”


Frank Us tới từ Hamburg nước Đức, người có thể chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ như guitar và keyboard dưới vai trò nghệ sĩ phòng thu và cả sản xuất. Đến khi tuổi đã “chín”, Frank bỗng cảm thấy phải làm điều gì đó với các ý tưởng âm nhạc của riêng mình, nhất là khi anh cảm thấy thứ âm nhạc progressive ngày một thoái trào và đơn sắc dần trong giai đoạn thập niên 2010s.


Bắt đầu với Con Brio (2018), tới nay Legacy Pilot đã ra sòn sòn tới 6 album với album gần đây nhất của họ là Thru the Lens (2024) và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chậm lại.


Rất khó có thể tìm thấy nhiều thông tin xung quanh Frank Us, nhưng với âm nhạc do anh tạo ra và sự góp mặt của những nghệ sĩ sừng sỏ xung quanh như Marco Minnemann hay Todd Sucherman trên dàn trống, Frank Gambale hay Steve Morse chơi guitar, giữa rất nhiều người còn ẩn danh khác, Frank Us rõ ràng không phải là cái tên dạng vừa trong ngành.


Và album năm 2024 của Legacy Pilot có lẽ thuộc dạng dễ tiếp cận nhất trong các album One-man-band trong post này, với phần giai điệu khá lọt tai thiên về nhạc Pop được xây dựng trên phần nhạc hòa tấu và sản xuất tỉ mỉ. Người nghe có thể cảm nhận được sự kỹ lưỡng trong từng nhịp hi-hat và tiếng bấm của phím đàn như cách làm nhạc của Toto, hay sự phiêu du ngập không gian với phần giao hưởng đậm chất Pink Floyd ở khắp nơi.


Thru The Lens (2024) chính là album đã khiến tôi phải biên cái post này, bởi sẽ thật lãng phí nếu những nhạc phẩm thế này không được nhiều người biết đến hơn.

 

BENJAMIN CROFT


Bạn đã từng biết nghệ sĩ nào sẵn sàng đưa cả review về các nhà hàng Ấn Độ lên trang web ban nhạc của mình? Chỉ có thể rút ra 2 điều từ chuyện này: 1- ban nhạc chính là anh, và 2- anh này có thể đồng thời làm được nhiều thứ vãi.


Từ khi còn rất trẻ, Benjamin đã tập tành chơi đủ các thứ nhạc cụ. 7 tuổi, anh thử sức với piano và trumpet. 19 tuổi, anh giành được học bổng ở đại học âm nhạc Leeds, nước Anh, nơi anh dành 4 năm học piano, trumpet, và sáng tác trong cùng một lúc. Ra trường, Benjamin sống ở Anh và Mỹ, chơi nhạc và sản xuất cho rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng trong khi vẫn tiếp tục chơi ở phòng trà – “Có lúc chơi nhạc country, mà hôm sau có thể đã là nhạc kịch và sau đó có thể lại là jazz hay rock” – Benjamin Croft bộc bạch.


Bắt đầu với 10 Reasons To (2019), tới nay Benjamin Croft đã ra tới album thứ ba, We Are Here To Help (2024) và đây cũng là album thực sự đã thuyết phục được tôi phải nghe đi nghe lại hàng chục lần, có lẽ cũng bởi nó thiên về Prog Rock nhiều hơn là Jazz. Cũng giống như những nghệ sĩ One-man-band đề cập trước đây, âm nhạc của Benjamin Croft có lẽ luôn là sự miên man đi tìm các câu trả lời cho các câu hỏi trong đầu của những nghệ sĩ này. Đó có thể là những câu hỏi riêng tư, cũng có thể là những câu hỏi vĩ mô dành cho thế giới, nhưng cách này hay cách khác, điều tuyệt vời là âm nhạc của những vị One-man-band này luôn đẩy người nghe đi theo hành trình suy nghĩ của họ, nơi mà dù câu trả lời không nhất thiết thỏa đáng, nhưng ít nhiều người nghe đều cảm thấy hứng thú suốt chặng hành trình. Robot và hành tinh rác ư? Nghe quen đấy và tôi luôn sẵn sàng có thời gian để nghe về câu chuyện đó.

 

COSMOGRAF


Cosmograf được tạo ra vào năm 2008 khi nhà sản xuất Robin Armstrong (lại một người Anh) quyết định tự sản xuất album của riêng mình ở studio tại nhà, Freed from the Anguish và tới nay đã có 7 album được phát hành. Nhưng Heroic Materials (2022) mới là album dược phát hành gần đây nhất của Cosmograf mà tôi thấy phù hợp với chủ đề của post này: những album không hạn chế về mặt âm nhạc được phát hành ở gần đây.


Hãy tạm thời quên đi trí tuệ nhân tạo AI và những niềm tin sắt đá rằng thứ trí tuệ này có thể thậm chí làm sống lại những tài năng đã khuất, những người chơi nhạc “thật” và những tư duy âm nhạc vĩ đại vẫn còn quanh đây, và Cosmograf là một ví dụ chứng tỏ cho ta thấy, khi cần, những đôi tay và bộ óc kia có thể tái tạo lại những thứ âm thanh từ thập niên 70’s theo một cách không có tỳ vết – điều có lẽ khối người từng ước ao khi muốn tận hưởng âm nhạc của thời 70s với kỹ thuật thu âm tốt hơn.


Heroic Materials, có thể thấy ngay, rất đậm chất Anh Quốc ngay từ chiếc bìa đĩa. Album này kể câu chuyện về một phi công trong thế chiến thứ 2 nhìn lại thế giới đã thay đổi nhiều như thế nào khi đã gần trăm tuổi, với rất nhiều khúc nhạc bi tráng nhưng đáng kể nhất có lẽ là câu hook chủ đề luôn văng vẳng trong album được tạo ra ngay từ bài đầu tiên. Nó tạo ra cảm giác có những thứ của người đàn ông này (hay rộng ra là con người) không bao giờ thay đổi trong khi thế giới vẫn luôn thay đổi. Và điều đọng lại cuối cùng là một người nhận ra sau khi sống quá lâu, bỗng nhận ra họ không còn cảm thấy thuộc về nơi đâu cả.


***

Sự phát triển mạnh mẽ của Spotify và các phần mềm stream nhạc hiện này, ngoài việc khiến tôi hứng thú với khả năng tìm kiếm vô bờ bến những nghệ sĩ ít người biết đến, thực ra khiến tôi dè dặt nhiều hơn với cái sự “định hướng” của những phần mềm nọ, nơi xem ra những thứ ăn khách thường là những thứ được gợi ý một cách an toàn.


Tôi tìm thấy âm nhạc của những người này hoàn toàn từ sự tình cờ, và lượng nhạc của những nghệ sĩ trong bài viết này có lẽ đủ cho người nghe cả vài tuần không hết; chưa kể hãy còn rất nhiều người giống như họ ở ngoài kia mà tôi còn chưa biết tới. Thay vì đi sâu phân tích từng album, tôi muốn chia sẻ những album này để mọi người tự cảm nhận theo cách của mình. Mục đích của bài viết này, hy vọng không dừng lại ở một nghệ sĩ hay album đặc biệt nào đó, mà sẽ mở ra một cánh cửa tới một khu vực có lẽ ít người để ý hơn, nơi dành cho những người ưa tìm tới các ý tưởng mới mẻ khi thế giới âm nhạc hiện đại có vẻ đã nhàm. Tin tốt là tới thập niên 2020s, vẫn có những người làm ra những thứ âm nhạc rất chất lượng.


Và hãy hy vọng đó mới chỉ là sự khởi đầu.


Hẹn gặp lại!


Kcid

272 views

Recent Posts

See All

Comentários


bottom of page