top of page

Tản mạn (ep. 9): Xếp hạng các MC qua bản Rap Ca - “The Anthem”

Các ông có tin được không? RZA, Tech N9ne, Eminem, Xzibit, Pharoahe Monch, Kool G Rap, Chino XL và KRS-One đã từng được xếp chung trong cùng 1 track với cái tên “The Anthem” được xuất hiện ở album This Or That phát hành tháng 6 năm 1999 của Sway & King Tech và DJ Revolution. Lần đó giống như một sự kiện của nhac Hip Hop, kể cả underground lẫn mainstream, và thời điểm phát hành album này, cũng như single “The Anthem” cùng với video clip có góp mặt của 8 anh tài MC này, dù nhìn “lỗi thời” nhưng vẫn gây hứng thú cho ai yêu nhạc Hip Hop cho đến tận bây giờ.



Thực sự việc tập hợp được số lượng nhiều MC gồm những huyền thoại cùng với các tài năng trẻ trong cùng 1 track, và còn sản xuất được music video cho nó (kể cả có lồng ghép cắt hình) thật đúng là một kỳ tích của Sway & King Tech.


Beat của “The Anthem” được King Tech sản xuất và nó mang một màu sắc thô ráp rất underground, phù hợp với cái chất của nhiều rapper góp mặt trong này. Thế nên bản track này là một cơ hội để từng MC thể hiện trình độ “đâm chém” “bắn tỉa” trên một trận địa bát quái. Xuất hiện chung trong cùng một track thì việc so sánh, cân đo là không tránh khỏi. Thế nên, ở bài này tôi sẽ đi vào từng phần verse của mỗi rapper và sau đó sẽ chấm điểm từng người dựa trên 3 tiêu chí: (1) Gieo vần; (2) Flow; và (3) Mức độ sát thương trong phần lời.


Đây chỉ là ý kiến cá nhân thôi nên bạn nào có nhận định khác xin mời comment dưới bài viết.



1. RZA

Phần mở màn của huyền thoại RZA – kẻ đầu não cho nhóm Hip Hop nổi tiếng Wu-Tang Clan khá là vừa phải và phù hợp. Kể cũng hơi phí khi RZA không tham gia sản xuất beat cho chính bài này khi phong cách của anh sẽ phù hợp với những track nhiều rapper như các tác phẩm anh làm cho Wu-Tang Clan.


Ở phần lời trên, không có nhiều đoạn gieo vần ấn tượng, thứ không hẳn là điểm mạnh khi so sánh RZA, kể cả khi nhìn lại các thành viên của Clan. Ở track này cũng vậy. Tuy nhiên phần lời của RZA vẫn chứa đựng nhiều thứ hay ho.


Thứ nhất là anh mở màn bằng cách phủi đầu khi “dập ghim mõm” bọn MC khác (“get your lips stapled”) cho chúng không hé răng được. Sau đó cách RZA chơi chữ / “wordplay” khi nói lái âm / “tongue-twist” bằng cách rap “scared swordplay” gần giống như chính từ “wordplay” để xuyên thủng đối phương. Câu này có lẽ là câu hay nhất và rất đặc trưng của anh em Wu-Tang khi sử dụng những hình ảnh về kiếm pháp / kung fu trong các bài rap.


Và đoạn sau, anh tiếp tục chơi chữ khi mượn những đoạn lời rất tượng hình qua âm thanh giàn loa khủng trên con xe, và khi dừng, là lúc tiếng snare nện chát to át cả tiếng khẩu súng, và âm bass thì đập vào mặt như bánh pháo M80. (“Snare pops loud as Glock shots / Bass like an M80 in your face”).


Hay!


Chấm điểm: Gieo vấn (6), Flow (7), Mức độ sát thương (9).

TỔNG 22/30

2. Tech N9ne

Tại thời điểm Tech N9ne rap trong bài “Anthem”, anh vẫn còn chưa có được danh tiếng và còn chưa có 1 album studio chính thức nào phát hành. Có thể nói track này gần như là một trong những bàn đạp đầu tiên cho Tech khi anh được đọ sức cùng các anh tài khác. Bản thân SwayKing Tech cũng chủ ý muốn người nghe được biết tới tài năng của Tech N9ne, bằng việc nhét phần verse của rapper này vào ngay verse thứ hai. Ở vị trí sớm đầu bài thay vì về cuối sẽ giảm khả năng người nghe skip sang bài khác, mà cũng lại không phải ở ngay đầu khi có huyền thoại RZA mào đầu và liền sau Tech là rapper da trắng mới nổi Eminem, nên kiểu gì đối tượng nghe rap nào cũng sẽ phải để ý tới. Bản thân Tech N9ne sau khi nghe hết các đoạn lời của những người còn lại, kỹ thuật rap và phần lời đỉnh cao của họ khiến anh có phần nuối tiếc muốn được viết lại đoạn của mình.


Nói thế không có nghĩa đoạn verse của Tech thua kém ai. Ngược lại, nó là màn giới thiệu về bản thân rất đậm chất Midwest của anh. “Khi tỉnh dậy, tao giật ngay cây micro và không bao giờ nghẹn một lời / Phang một đoạn verse là mời cả bọn gangsta ở Cali vào bóc lịch”.


Cách dung từ của Tech cũng mang cách rất sáng tạo. Ở nửa sau, anh nghĩ được các từ để hạ nhục đối thủ mình, vừa lạ tai, vừa tạo vần đa âm tốt.

Bỏ tao ra khỏi bản cypher” vì “mày không thể chơi được với một sniper”, “Flow của mày còn non lắm”, “Lo mà thay cái bỉm đùn của mày đi”.


Và rồi một loạt từ để nói về bản thân “Kẻ giật mic” (“Mic heister”), “Gã điên tâm thần phân liệt” (“psycho alpha-schizo”), “Flow như nòng súng lạnh thôi miên” (“Hypno, cryo gat flow”) mà “không ai có thể đọ được” (“ain’t nobody tighter”).

Cái hay nữa là flow của Tech N9ne trong bài này không kiểu bám nhịp đều đặn như cách anh thường rap trong album của mình, nhưng vẫn giữ được kiểu giọng hơi ngân nga ở một số chỗ nghe rất sướng.


Tóm lại là rất ngầu!

Chấm điểm: Gieo vấn (8), Flow (10), Mức độ sát thương (8).

TỔNG 26/30

3. Eminem

Đây là Eminem của thời anh còn rap với kiểu giọng mũi, mỏng và cao cho nhân vật “bẩn bựa” Slim Shady, thời anh mới phát hành album Slim Shady LP dưới hãng đĩa Interscope. Kiểu rap theo nhân vật Slim của Em thời này mang một phong cách rất lạ và gây sốc, giống như anh thể hiện trong các track khác với tư cách khách mời ở một loạt sản phẩm ngoài lề mang màu sắc underground khác như “Any Man’’, “Rush Ya Clique” (với Outsidaz), “”Green And Gold” (với The Anonymous, Vesuveo, Able), “Hustlers & Hardcore” (với Domingo) hay “Get You Mad” (với chính Sway & King Tech).


Em mở màn bằng việc tuyên bố “Đây là nhà của tao”, ý muốn nói anh làm chủ trò chơi Hip Hop mà những ai có ý phân biệt hoặc coi thường một tay da trắng như anh tham gia vào cuộc chơi của người da màu thì nên suy nghĩ lại. Đó là lý do Em mới rap sau đó là có kẻ khác hét lên “Đây là ghế của tao”, ám chỉ những ai không công nhận anh trong giới Hip Hop, điều mà tình cờ là về sau chính Lord Jamar đã lên tiếng phủ nhận hết tài năng và coi anh như một kẻ “ngoại đạo”.


Đỉnh cao của Em thời này là việc gieo vần đa âm, trong đó đang lưu ý nhất là chuỗi 3 âm tiết kéo dài suốt mấy khuông nhạc, từ “is my house”, “with Wite-Out”, “-$e’s eyebrows” (Em khéo léo khi dùng sở hữu cách cho rapper Ma$e để gieo vần) cho đến “spit five rounds” ở mãi mấy khuông về sau và còn nhắc lại với “Get tied down” ở mấy khuông sau đó.


Rồi Em còn ví việc anh khử “ả đàn bà” của đối thủ (“your hoes”) khi bị “cắm thẳng mũi” xuống trong khi “bị lột trần” “lộn cắm đầu”, tàn độc hơn cả con xe mui trần bị lật úp ngược, một phép ví von rất tượng hình và tàn bạo.


Rồi Em còn gieo vần hai âm sau đó theo cách rất “Slim Shady”. Hỏi mấy ai nghĩ ra gieo vần “duct-taped” (“băng dính dán bịt mồm”) với “fuck rape” (“..éo chơi hấp diêm”), “slut’s leg” (cái này không cần dịch) và “nuts shaved” (“hai bi cạo sạch”), theo đúng chất dark comedy của nhân cách này của Em.


Rất bẩn bựa!


Chấm điểm: Gieo vấn (9), Flow (8), Mức độ sát thương (10).

TỔNG 27/30

4. Xzibit

Ở thời điểm này, Xzibit đã tạo được tiếng vang với 2 album đầu tay rất hay. Nhưng rất tiếc khi anh đã từng có nhiều màn trình diễn tốt khi cân cùng những rapper khác như EminemDr. Dre một cách ngon lành, thì ở phần tham gia của track này, đoạn lời của rapper “X to the Z” không được độc đáo cho lắm. Thứ nhất về phần gieo vần, nửa đầu verse hay hơn nhờ cách gieo vần trong cùng một câu khiến cho giọng trầm ấm của anh flow rất mượt. Tuy nhiên nửa sau khá là đơn giản. Và tổng quan thì anh cũng không có cách dùng từ nào ấn tượng.


Về phần nội dung cũng không có câu chốt hạ nào nghe ấn tượng hoặc sốc hàng như các rapper trước đó, ngoại trừ câu “The X-Man, catch me doing drills in the Danger Room” để nói việc Xzibit (tự gọi mình là X-Man) đang tàn sát các đối thủ khác trong Danger Room (khu tập luyện của X-Men).


Tàm tạm!

Chấm điểm: Gieo vấn (7), Flow (8), Mức độ sát thương (6).

TỔNG 21/30

5. Pharoahe Monch

Đây là một ví dụ của một đoạn verse rất hay của Pharoahe Monch, một MC nổi tiếng giới underground từ thời đầu thập niên 90 trong bộ đôi hip hop với cái tên Organized Konfusion cùng với Prince Po. Chỉ nhìn mỗi cách gieo vần đa âm qua các từ đơn dài có cấu trúc phức tạp hơn là đủ phải kính nể tài nghệ của anh. Không chỉ mang một kỹ thuật phức tạp, Monch luôn có cách viết những đoạn lời rất thông minh mà ta phải ngẫm nghĩ.


Như ở đây nhé, anh mở đầu bằng việc tả mình là kẻ dễ bị hồi hộp dù chỉ có những kích động nhỏ (“I get an adrenaline rush, from minimum thrusts”), là một cách ám chỉ căn bệnh rối loạn tăng động, khiến anh sẽ gây ra một loạt vụ tấn công bạo lực chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Và ví việc hậu quả của nó sẽ như Boris Karloff – diễn viên đóng con quai vật của Frankenstein, với các bộ phận cơ thể xác chết được gắn lên, thì Monch sẽ “cứa cổ” vừa đủ để còn lại ít “thịt thừa” cho “đầu không lìa khỏi cổ”. Cái câu “Why did he have to die like cast metal?” là một cách Monch chơi chữ “die casting” là đúc khuôn kim loại, vừa liên quan đến nhân vật con quái vật được tạo bởi người đã chết, vừa liên hệ tới những miếng kim loại và đinh gắn trên mặt.


Bạo lực nhất từ verse đầu tới giờ mà vừa có được vần đa âm phức tạp và chơi chữ rất hay!

Chấm điểm: Gieo vấn (9), Flow (9), Mức độ sát thương (10).

TỔNG 28/30

6. Kool G Rap

Chỉ cần nhìn màu tô phần vần của đoạn verse trên của Kool G Rap là đủ thấy khiếp sợ dường nào. Không chỉ những phần gieo vần xen kẽ ở trong câu, từ đầu tới cuối anh giữ nguyên được đúng 1 vần đa âm chủ đạo, từ “Tech and Sway” đến “-vestigate”, chưa kể loạt âm vần đó được nhắc trong giữa câu, dưới dạng 3 từ đơn, 2 từ đơn (1 từ 1 âm và 1 từ 2 âm), và cả ẩn trong từ đa âm, như trường hợp “redecorate” và “investigate”, hay sáng tạo tới mức “head of Jakes” cũng thuộc họ âm vần đó.


Thế mới hiểu sao Kool G Rap được coi là huyền thoại vì tài năng đỉnh cao của anh, mà khi nghe tác phẩm solo của G Rap, có thể cảm nhận sự ảnh hưởng lớn lao tới các rapper thế hệ sau như Notorious B.I.G., Nas, Jay-Z, Black Thought và với chính những MC trong track “The Anthem” này, gồm RZA, EminemPharoahe Monch.


Không vì chuyện bó buộc phần gieo vần mà đoạn verse trên giảm ý nghĩa. Ngược lại, nó vẫn là tràng đạn tấn công bằng ngôn từ mà G Rap xả ra, nào thì “vẩy khẩu TEC với Tech và Sway”, “Đứa nào mang nợ sẽ bị dẹp luôn ngay”, “dọn sạch bàn cờ như nước cờ chiếu tướng”, “khi tao phóng hỏa là xóa sạch khu bọn bay”, rồi còn bạo lực hơn là “vặn đứt cổ”, “ngập khắp con phố được trang trí lại bằng máu đổ” “cho tới khi viên cảnh sát tới điều tra”.


Đỉnh cao từ gieo vần, flow cho đến mức độ sát thương bằng lời rất cao!


Chấm điểm: Gieo vấn (10), Flow (9), Mức độ sát thương (10).

TỔNG 29/30

7. Chino XL

Nói về giọng flow thì đoạn verse của Chino XL chính ra nghe là bắt tai nhất trong bản “The Anthem” này. Nếu ai nghe nhạc solo của anh thì cũng sẽ thấy kiểu rap của Chino rất dễ lọt tai nếu quen với kiểu giọng của anh. Thời điểm bản “The Anthem” ra đời thì anh cũng đã có trong tay 1 album hay và một loạt các đĩa đơn. Tuy nhiên cũng đáng tiếc cho anh là Chino cũng không thể nổi tiếng hơn. Về cả giới underground lẫn mainstream, thì sau này, Chino cũng không bì được với những MC tham gia trong này.


Như mọi khi, phần flow của Chino XL hay là nhờ giọng điệu và lối gieo vần đa âm tốt mà anh viết, dù chúng sẽ được đổi trong 2-3 khuông nhạc, nhưng cách truyền đạt phần rap của anh nghe luôn cuốn hút.


Về nội dung của đoạn verse trên, cách dùng từ chọn lọc và không đơn giản của Chino là điểm sáng, khi anh rap “Cuộc nói chuyện gây buồn nôn, lối viết độc hại, dáng đi nguy hiểm” của anh với ý nghĩ thường trực nhất là “Tao nên diệt mày bằng flow nào cho lần này?”. Đúng là flow hay là điểm mạnh của Chino, và như ở bài này anh khẳng định một câu rất đắt “Không gì sinh ra tồn tại trên cõi đời này có thể sống sót với tao” và rằng “Nhân bản tao như cừu, là tao sẽ dọn sạch bọn đối thủ như Tony Randall” (Một diễn viên trong vai phim sitcom chuyên ám ảnh việc lau sạch nhà). Đoạn verse của Chino cũng tếu táo khi có một dòng chửi đối thủ trình kém cỏi như Will Smith.


Nhìn chung là một phần verse rất hấp dẫn và mượt với tốc độ rap nhanh, mà vẫn tạo được một lượng sát thương bằng lời tốt!


Chấm điểm: Gieo vấn (9), Flow (10), Mức độ sát thương (8).

TỔNG 27/30

8. KRS One

Phần kết của bài “The Anthem” được hạ màn bằng không ai khác, huyền thoại KRS One, người được biết đến như MC có khả năng tiêu diệt đối thủ trong các trận rap battle. Khúc chuyển beat của bài ở cuối này cũng bất ngờ và phù hợp sau một chuỗi các verse dài của các MC trước. Có điều, ngoài phần gieo vần siêu hạng như đánh dấu ở trên, nội dung của đoạn verse cũng không quá ác mồm ác miệng để tấn công đối thủ như nhiều phần verse trước đó. Cũng có thể đây là chiêu hạ màn hợp lý vừa phải để người nghe lấy lại trấn tĩnh.


Dù vậy đoạn verse lại chứa đựng một số lời khuyên nhủ quý giá của một MC lão làng như “Never forget: the bigger the budget, the bigger the debt / You gotta be, willin’ to rock in the middle of dry / And in the middle of wet”, nhằm nhắn nhủ anh em đồng môn hiểu được giá trị của bản thân và luôn gắng sức.


Kết lại là vừa phải cho phần hạ màn với màn trình diễn vẫn xuất sắc của KRS One!


Chấm điểm: Gieo vấn (8), Flow (10), Mức độ sát thương (7).

TỔNG 25/30

***

Vậy là tổng kết điểm thì tôi xếp hạng các MC trong bài này lần lượt như sau:

Xzibit (21)

RZA (22)

KRS One (25)

Tech N9ne (26)

Eminem (27) = Chino XL (27)

Pharoahe Monch (28)

Kool G Rap (29)


Dù kết quả thế nào, cái đỉnh của track này phải nói là sự góp mặt của nhiều anh tài Hip Hop trong một bản track chính thức. Hơn nữa, cái cách mà SwayKing Tech lựa chọn các rapper có các phong cách khác nhau, tạo sự đa dạng mà mỗi người đem lại: RZA với phong cách kiếm hiệp, Tech N9ne đội lốt một tên hề ác độc, Eminem mang bản tính bẩn bựa của Slim Shady, Xzibit với phong cách flow ngầu, Pharoahe Monch lựa chọn ngôn từ phức tạp đòi hỏi suy ngẫm, Kool G Rap tấn công trực diện cùng gieo vần đa âm đỉnh cao, Chino XL với lối rap nhanh mượt mà và KRS One cùng phong cách uyên bác; tổng hợp tạo nên bản Rap Ca hay tuyệt đỉnh.


Về mặt hình ảnh, may mắn là “The Anthem” còn được làm thành một music video thú vị có sự góp mặt của tất cả MC ở đây (bao gồm cả Jayo Felony nhưng tôi không nói đến vì anh chỉ góp giọng trong đoạn interlude ngắn). Dù các MC không thể cùng xuất hiện một thời điểm tại trường quay, việc lồng ghép họ vào các khung hình, dù kỹ xảo có phần “cũ kỹ” nhưng vẫn tạo nét độc đáo của video. Trong đoạn video clip, mỗi MC xuất hiện theo cách khác nhau rất chất lượng, cụ thể như sau:

1) RZA trong căn hầm được thắp sáng bằng các bó đuốc và anh nhòe đi khi tự nhân các bản sao của mình nhìn như mấy phim võ thuật theo phong cách Wu-Tang Clan;

2) Tech N9ne thì bước đi giật cục, sơn chữ “VILD” trên trán (tiếng Thụy Điển dịch ra là “WILD”) lúc đứng, lúc vục mặt vào trong nước để rap;

3) Eminem thì xuất hiện trong một căn phòng được lồng ghép với hình ảnh anh rapper cùng các nhân vật trong khung hình phẳng như các tấm bìa cát tông;

4) Xzibit mặc chiếc áo long đứng giữa đàn chó dữ đang muốn giắng khỏi sợi dây xích;

5) Pharoahe Monch mặc áo tu sĩ bay lơ lửng trong quả cầu không khí điện huyền bí;

6) Kool G Rap rap trong nhiều địa điểm khác nhau, với phong cách chuyển cảnh ấn tượng mỗi khi khung hình cũ bị vo lại như tờ giấy;

7) Chino XL thì bị nhốt trong tảng băng chỉ vùng thoát ra được ở khúc cuối;

8) KRS One thì cầm mic rap trước đám đông hò reo trước mặt trong một trận battle.


Vậy đó, với “The Anthem”, tôi thỉnh thoảng lại tìm nghe và xem lại video này để chiêm nghiệm một thời đáng nhớ, không chỉ của mỗi nhạc Hip Hop, mà cả thời kỳ phong độ lên đỉnh về tài năng của tất cả các MC này.


Phê lắm các ông ạ!


Hẹn gặp lại!

Kunt

315 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page