top of page

Helloween: Liệu sẽ có một cơ hội thứ 3?

“Metal Đức là phải có chút gì đấy mang hương vị trộn giữa mù tạt và bắp cải muối, vừa mang màu sắc của những khúc quân hành lại phải pha âm hưởng nhạc kịch opera. Bạn có thể nhận ra Metal Đức ngay lập tức, vì không có người Mỹ hay người Anh nào chơi như vậy. Lấy ví dụ hai album cùng thời là Breaker của Accept và British Steel của Judas Priest: nặng như nhau, nhưng Accept đích thị là nhạc Heavy Metal của Đức không lẫn đi đâu được. Tôi không biết có cách nào có thể mô tả tốt hơn thế nữa!” – Kai Hansen.


Mỗi khi nhắc tới Thrash Metal, ta thường nghĩ ngay tới Big Four của những Metallica, Megadeth, Slayer Anthrax. Hay chí ít cũng là một ban nhạc nào đó có bìa đĩa hình đầu lâu hoặc ca sĩ nhìn hắc ám và mặc áo cánh dơi.


Sự thiếu vắng của những hãng đĩa lớn ở Đức suốt thập niên 70s và đầu 80s đã vô tình khiến khán giả nước này không có quá nhiều ảnh hưởng từ những ban nhạc đã kiến tạo nên nhạc Rock nặng như bộ tam Trinity của nhạc Rock (Black Sabbath, Deep Purple, và Led Zeppelin). Đáng thương thay, những người Đức kiêu hãnh nằm giữa châu Âu chỉ được biết đến nhạc Rock nặng một cách rộng rãi từ giai đoạn cường thịnh của NWOBHM (New Wave of British Heavy Metal), nhưng cũng nhờ đó, họ vẫn giữ được sợi dây liên lạc từ nhạc cổ điển chứ không phải từ nhạc Blues. Thế nên ngoài những ảnh hưởng từ những band nội địa như Scorpions, xem ra ảnh hưởng từ Iron MaidenJudas Priest tới nhạc Rock nặng của Đức và cả một góc của châu Âu xem ra là rõ rệt hơn cả. Nước Đức sau đó sản sinh ra HelloweenAccept, Hà Lan có Helloise, Thụy Điển có Candlemass, và thậm chí kể cả một nước trung lập như Thụy Sĩ cũng có Celtic Frost. Đó là trước khi có thứ gọi là Power Metal, thứ mà bọn tôi vẫn thường gọi lại bằng cái tên “cozy thrash”.


Với tất cả sự ngưỡng mộ dành cho Metallica và Slayer, những người đã liên tục chinh phục những giới hạn của tốc độ trong thập niên 80s với Thrash Metal, có lẽ ngay cả những headbanger lạc quan nhất của thể loại này có lẽ cũng đã từng cau mày với sự đánh đổi giữa tốc độ và giai điệu. Đơn giản vì độ khó và tính “tinh chỉnh” của thể loại này đòi hỏi rất nhiều sự hòa nhịp của mấy con người chơi nhạc đua tốc độ cùng nhau này, trong khi không dễ để kiếm những ca sĩ có thể giữ hơi và hát liên tục những nốt cao và thấp trong khi phải nhả chữ nhanh như điện xẹt. Có đến 3 trong 4 ông của Big Four có ca sĩ vừa hát vừa chạy ngón trên đàn, vì xem ra việc chèn thêm một ca sĩ vào trong ban nhạc đã thành hình có vẻ cũng là điều không cần thiết. Trừ một người.


Kai Hansen

Album Walls of Jericho của Helloween phát hành năm 1985 mở đầu theo một cách không thể ngộ nghĩnh hơn. Đó là câu hát “hallo-hallo-halloween”, nghe tựa như “ale-ale-helloween”, trên nền nhạc bài “London Bridge”, và rồi một thứ gì đó thật nặng và rào rạo như những viên đá bị nghiến bởi những bánh xích nặng trịch, tốc độ của cả ban nhạc lẫn giọng hát cháy phổi của Kai Hansen ào vào và cuốn phăng tất cả những đôi tai khó tính nhất.


Cũng từ đó, Helloween thường luôn bắt đầu mỗi album của họ bằng một đoạn nhạc nhí nhảnh để mồi cho âm thành hừng hực và cuốn sau đó dường như được trông đợi sẵn như một thói quen từ các fan của họ. Tôi nói, mỗi khi Helloween không bắt đầu album bằng một đoạn nhạc ngắn, đĩa đó thường không hay!!!


Tất nhiên phần hát trong album đầu tay của Helloween năm 1985 chưa có đạt được kỳ vọng như vừa nói, nhưng âm nhạc của album Walls of Jericho dường như rất hợp thời khi Metallica, Megadeth, hay Slayer đều bắt đầu định hình với Thrash Metal trong giai đoạn này. Đội hình của Helloween cũng gồm 4 người gồm Kai Hansen vừa chơi guitar đôi với Michael Weikath vừa hát, cùng Markus Grosskopf chơi bass và Ingo Schwichtenberg nã súng liên thanh trên giàn trống đã khiến cộng đồng Metal ít ỏi (ít ỏi thật) khi đó phải ngoảnh đầu.


Phải thừa nhận, âm thanh guitar của Helloween không hề giống âm thanh lỳ lợm của Thrash Metal chút nào, dù về độ nặng thì không hề thua kém. Tiếng guitar không quá nén và nhiều âm lượng ở tầng trung khiến câu guitar của Helloween vẫn bay bổng khi cần, mặc dù khi làm vậy hai tay guitar của họ sẽ khó “lấp liếm” được và dễ bị rối nếu như hai người chơi không thật chính xác với nhau. Còn phần trống của Ingo Schwichtenberg thì tôi cho rằng đã đi trước những người đồng nghiệp thể loại thrash từ nước Mỹ của họ vài bước. Âm thanh cuốn, nặng nhưng biến chuyển khó lường giữa các trường đoạn khiến cho âm nhạc của Helloween nghe thật cuốn mà không cần quá quan tâm đến chất lượng hát của Kai Hansen. Hãy nhớ rằng ở bên này của bờ Đại Tây Dương không có thứ gọi là Thrash Metal, mà chỉ có NWOBHM, thứ cũng tôn trọng sự chính xác và giai điệu nhưng hãy còn thua xa về mặt tốc độ và độ nặng. Xem ra, Helloween ngay từ đầu đã tạo ra một cuộc cách mạnh từ chính âm nhạc của họ, dù rằng nếu đem điều này ra cho những người nghe nhạc Anh-Mỹ, thì chả khác gì một cuộc phân chia bằng tung đồng xu khi chắc chắn người ưa kiểu này sẽ không trọng thứ mà kiểu kia mang lại.


Và khi khán giả vẫn còn tranh cãi xem đó là thứ âm nhạc kiểu thrash hay không, Kai Hansen đã làm một việc mà không thrash band nào dám làm khi đó: tuyển cho mình một ca sĩ để chuyên tâm vào chơi guitar.


Vốn thừa nhận giọng hát của mình nhiều phần gào hơn là phần hát, Kai Hansen đã khai quật được một ca sĩ lúc ấy mới 18 tuổi mang cái tên Michael Kiske. Tự nhận mình là một người tự đào tạo mà không qua trường lớp, Michael Kiske đã dám hát theo cách không có nhiều ca sĩ nhạc metal lúc ấy có thể làm. Với giọng hát chắc chắn ăn đứt Kai Hansen, Michie không chỉ giúp Hansen mở toang sức mạnh và sự biến chuyển trong âm nhạc của Helloween với phần chơi guitar đôi thậm chí còn chính xác hơn cả album đầu tay, để sau đó giúp tạo ra thứ âm thanh độc nhất vô nhị của họ: một giọng hát cao vút bay vọt lên trên nền guitar nặng trịch, với tiếng trống và bass liên thanh nhưng cực kỳ chính xác ở dưới.


Quan trọng hơn cả, họ đã có một ca sĩ có thể hát vừa nhanh vừa giai điệu.


Keeper Of The Seven Keys Part I được phát hành vào năm 1987, một năm sau khi Metallica ra Master Of Puppets, Slayer ra Reign In Blood, còn Bon JoviSlippery When Wet. Nếu như đây là thập niên 70s và có trong tay một hệ thống phát hành tốt hơn, âm nhạc của Helloween đảm bảo sẽ gây được tiếng vang không kém gì mấy album kia, và số phận của họ có khi cũng đã khác. Cũng mở đầu bằng một ca khúc không lời rộn ràng, những “Alive”, “Future World” hay “Twilight Of The Gods” sau đó như mang âm nhạc của Rainbow, Iron Maiden, và Judas Priest hòa vào nhau và vặn nhanh lên vậy. Và ca ca khúc dài tới 13 phút, “Halloween”, với cực nhiều yếu tố progressive trong đó thứ mà Metallica hẳn là rất thèm muốn để làm mà không được. Nếu như trước đó Iron Maiden đã “chế” ra kiểu chơi guitar đôi có sự chuyển đổi hoàn hảo giữa phần rhythm và solo của hai tay guitar mà hầu như không ai có thể làm được như vậy khi chơi live, thì Helloween thậm chí còn khiến mọi người nghĩ bộ đôi guitar của Iron Maiden có vẻ còn chưa… làm hết sức.


Trái với ghi nhận của mọi người sau này, thực tế khi đó là khả năng đến với người nghe của Helloween lúc này cực kỳ tệ. Keeper Part I bán được tới 20.000 bản ở Anh hoàn toàn là đĩa nhập, bởi đã không có một hãng đĩa nào chịu phát hành Helloween ở ngoài nước Đức ở thời điểm đó!!! Album thứ 3 của họ, Keeper of the Seven Keys Part II thậm chí lọt vào tới vị trí 30 ở UK và single “Dr. Stein” còn leo tới vị trí 57. Xin đừng nhắc đến việc Helloween có bán được đĩa ở Mỹ hay không, dù chắc chắn đây cũng là vấn đề không hề mới với âm nhạc đến từ nước Đức, khi họ không thể có được khả năng phân phối tuyệt vời như ở hai thị trường đã được xác lập kia. Đã không có một Napster xuất hiện khi đó!


Hóa ra châu Âu tưởng như không biên giới, lại hóa ra cũng có đầy hạn chế của nó lẫn sự phân biệt vùng miền. Trăm sự cũng tại nước Đức đã quá bị cô lập sau Thế chiến thứ 2, khiến cho nghệ thuật của họ cũng vô tình bị bóp nghẹt đường ra thế giới. Họ gọi thứ âm thanh của Helloween là “Power Metal”, trong khi người Đức thì gọi đó là bằng cái tên Teutonic Metal đầy tự hào. Ngay chính cái tên Teutonic (nôm na là "người Đức") cũng đã có chút ý thức hệ phân biệt khá rõ ràng, bởi ai cũng biết người Đức luôn ngạo nghễ với sự "thượng đẳng" của họ, nhưng ngược lại cũng tự tách mình ra khỏi phần đông thế giới như thế nào.


Nhưng trước mắt, Helloween có một sứ mệnh: phải phục hưng âm nhạc Teutonic.


Teutonic Metal

Thị trường ở Anh có lẽ là nơi duy nhât ở thập niên 80s và đầu thập niên 90s tỏ ra ưu ái với các ban nhạc đến từ Đức, như là một luồng gió lạ so với âm nhạc đặc sệt từ nước Mỹ. Accept có lẽ là ban nhạc được ưu ái nhất trong thời gian này với sự mới lạ của họ, với tốc độ và sự chính xác khó tin, thứ đã dần trở thành mặc định trong đầu người nghe. Xin không được nhắc tới Scorpions trong thời gian này, vì họ không có tay guitar đủ tốt để so với Accept hay Helloween (dù họ đã từng). Nhưng có lẽ ít người để ý, âm nhạc Teutonic vốn đã được phát triển và vẫn âm ỉ giữa châu Âu trong suốt một thời gian dài suốt từ thời Baroque.


Nhịp độ có lẽ là điều đầu tiên được nhắc tới với âm nhạc từ nước Đức, hay vùng ‘Teutons’. Có ba quốc gia ở thời Baroque mang triết lý âm nhạc rõ rệt (trong đó không có nước Anh): Ý, Pháp, và Đức. Người Ý thì nổi tiếng về khả năng trình diễn siêu việt và những vị virtuoso, người Pháp thì lịch lãm và trang trọng với những âm hưởng đầy tiết chế, còn người Đức thì có lẽ đâu đó ở giữa của sự tinh tế của người Pháp và sức sống của người Ý. Từ "Bach bố" tới "Bach con", Beethoveen hay Wagner sau này, người Đức luôn chiếm một vị trí không thể thay thế trong nền âm nhạc cổ điển tới phục hưng. Cho tới khi những người con cháu của họ ở thế kỷ 20 bị xử ép trong một cuộc đua không cân sức mang tên thị trường.


Nhịp độ (tempo), có lẽ là thứ đặc sản không thể chối cãi trong âm nhạc của người Đức, dù rằng họ có cả hai thái cực của những người nhất nhất tuân theo sự chính xác của tempo như Felix Mendelssohn, hay cố tình tạo ra sự biến chuyển trong nhịp độ như Richard Wagner, có lẽ tất cả đều thừa nhận âm nhạc của Đức luôn biết cách sử dụng nhịp độ để đạt được mục đích của họ.


Vượt lên trên tất cả những khó khăn về thị trường và khác biệt ngôn ngữ, Accept là band đầu tiên đưa khái niệm Teutonic tới với thế giới và đưa âm nhạc của họ thành chuẩn mực với những Breaker (1981) và Restless and Wild (1982), và Helloween là người tiếp nối với Walls of Jericho cùng bộ đôi Keeper.


Đến nỗi khi sang đến thập niên 90s, báo chí Anh đã quay ra bỉ bôi album Objection Overrule (1993) của Accept là một album nghe “chậm như AC/DC”, và chê bai họ cố làm ra vẻ AC/DC làm gì cho mắc công. Căn nhà Teutonic dường như đã thành một "thành trì" trong đầu người nghe ngoài nước Đức suốt thập niên 80s, và việc tiếp theo của Helloween là… rời bỏ nó.


Với sự ra đi của Kai Hansen sau album Keeper pt. 2.


Sự trỗi dậy của Andi Deris

Không Kai Hansen, phần còn lại của Helloween chỉ là một đám láo nháo và tất cả hãy còn quá trẻ và nông nổi để cùng nhau đi chung một con đường. Hai album tiếp theo cùng Michael Kiske, Pink Bubble Go Apes (1991) và Chameleon (1992) đều thất bại thảm hại. Một lý do to đùng khác mà ai cũng biết là là cá tính của Michael Kiske và tính khù khoằm của Michael Weikath. Nhưng rồi Weikath cũng làm cái việc mà kiểu gì cũng phải làm: sa thải Kiske, nhận lấy hình ảnh “kẻ xấu” người phá nát Helloween, và đứng ra dẹp yên ban nhạc.


Và họ may mắn có được Andi Deris từ band Pink Cream 69. Michael Weikath lúc này cũng đã trường thành hơn trong vai trò người viết nhạc, và cùng nhau, cặp Deris-Weikath đã đưa Helloween trở lại với Master of the Ring (1994) và Time of the Oath (1996). Thế là ở giữa thập niên 90s đầy lạ lẫm của Grunge và Brit Pop, bỗng dưng mọi người lại được nghe thứ âm thanh Teutonic Metal lạo xạo đó.


Nếu như Michael Kiske đã từng mở ra cả một chân trời mới cho Kai Hansen thỏa sức sáng tạo với cây đàn guitar, thì Andi Deris lại khơi mạch sáng tạo cho Michael Weikath, tay guitar còn lại từ bộ đôi kinh điển. Dù giọng không cao và khỏe như Kiske, Andi Deris lại có thể hát gào và có độ nhấm nhẳng trong cách hát, thứ khiến cho Helloween trở nên đa dạng hơn và thú thực, tôi cho rằng họ đã không còn là Power Metal từ sau Master of the Ring.


Dĩ nhiên Kiske có thể hát gào, thứ mà thỉnh thoảng ta vẫn nghe thấy trong các album của Unisonic sau này, nhưng ở thời thịnh của Helloween, cái tôi của anh quá lớn để làm điều đó. Kiske chỉ đơn giản là sẽ hát nếu anh thích, và không ai, kể cả Kai Hansen, có thể bắt Kiske phải hát thế nào. Anh bèn trở thành người ăn chay không lâu sau đó để chứng tỏ mình đúng.


Ngược lại, tôi luôn cảm thấy thú vị với Helloween ở thời của Andi Deris, với sự sáng tạo đầy hiệu quả của họ dù không cần quá lời hát. Như “Where The Rain Grow” với phần lời đơn giản nhưng phần guitar solo ở giữa dày đặc. Michael Weikath đã làm mới cách trình diễn guitar của những “Victim of Faith” hay “Alive” trước đó cùng Kai Hansen để trở thành … hiện đại hơn.


Nhưng thật tiếc là nhạc của Helloween vẫn chỉ được biết đến ở trong phạm vi châu Âu và không bao giờ có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ. Có lẽ cũng chung số phận như Iron Maiden, những thứ âm nhạc mang màu sắc fantasy của châu Âu luôn thu hút những rủi ro tiềm ẩn khi đi lưu diễn ở Mỹ. Mà một khi đã không lưu diễn, thật khó có thể có chỗ đứng ở thị trường nơi đây.


Sự ghẻ lạnh của nước Mỹ

Hãy nhìn Thrash Metal, Death Metal, hay Metalcore - nước Mỹ có lẽ luôn là nơi những thứ nhạc cực đoan nhất tìm tới. Sức tàn phá, thậm chí có cả sự bạo lực luôn ẩn hiện trong âm nhạc nơi này. Âm nhạc từ châu Âu, dù sao vẫn luôn hướng tới cái gốc xa xưa của họ là nhạc cổ điển, hơn là cái gốc gần hơn là nhạc Blues như nhạc Rock Mỹ. Sức tưởng tượng, giai điệu và tính duy mỹ do vậy vẫn luôn là chủ đề len lỏi trong nhạc của châu Âu. Black Metal và Melodic Death, những thứ âm nhạc ít ỏi lọt được vào thị trường Mỹ cũng phải ít nhiều nhờ đến những yếu tố bạo lực và hung hãn. Chí ít thì một ban nhạc cũng cần phải có một ca sĩ biết hát một cách hầm hồ như kiểu của Blind Guardian, band chơi Power Metal hiếm hoi hiện diện được ở đây.


Thế xem ra giữa ba vị ca sĩ của Helloween, có lẽ chỉ có giọng của Kai Hansen là hợp với thị trường Mỹ hơn cả.


Việc hát bằng tiếng Anh có lẽ cũng gây khó cho Helloween, vì người Mỹ vốn mang tính cục bộ có lẽ không cảm thấy liên quan với những lời lẽ đầy khí phách Teutonic kia. Việc các band của Đức khi muốn nổi tiếng ở tầm cỡ như Scorpions thì họ cần phải hát nhạc bằng tiếng Anh. Nhưng chỉ cần hát không đúng chủ đề, họ sẽ không còn được để ý nữa.


Trong khi đó như Rammstein, ban nhạc hiên ngang mang chất Đức ra khoe khoang và hat bằng tiếng Đức, thì lại nổi như cồn ở các thị trường ngoài nước Đức.


Phải chăng khi người nghe không còn bị thành kiến bởi ngôn ngữ nữa, họ sẽ chỉ còn tập trung vào âm nhạc? Giống như tôi, giống như bạn, những người nghe nhạc tiếng nước ngoài nhiều và tự nhiên giảm phần chú ý đến âm nhạc Việt Nam vì bị thành kiến bởi thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình?


Và màn trở lại của Kai Hansen

Đã cần tới hơn 20 năm để những cái đầu ương ngạnh có thể ngồi lại được với nhau, dù rằng tất cả đều biết công thức chiến thắng của Helloween là gì:


· Kai Hansen thì viết nhạc còn Michael Kiske thì hát

· Kiske không được hát giọng trong một mình mà phải có thêm sự gào thét

· Quan trọng nhất là phải có đoạn nhạc ngắn intro ở đầu album


Michael Kiske đã tái hợp cùng Kai Hansen trong dự án tuyệt vời Unisonic từ năm 2013. Họ đụng phải Michael Weikath trong lần đi diễn chung. ‘Anh đã làm gì mà chú không thể bỏ qua cho anh?’ – Weikath đã hỏi, và rồi tất cả lại trở thành bạn của nhau mà không cần có câu trả lời cho Weikath.


Kai Hansen đã tóm gọn tất cả trong lần những người cũ và người mới của Helloween tụ tập với nhau: ‘Nếu anh em ta không làm lại Helloween, tất cả chúng ta chỉ là một lũ ngốc!’.


Và khán giả lại có dịp chiêm ngưỡng Helloween ở thời đỉnh cao, nay với 3 tay guitar và 2 ca sĩ rưỡi (Kai Hansen vẫn thỉnh thoảng hát). Album live Pumpkin United tuyệt hay đã phát hành năm 2019, và sau đó là album đôi Helloween năm 2021 đều thỏa mãn những fan gộc của họ. Tất cả các tiêu chí đều được tick.


Tôi sẽ không đi quá xa khi tán dương Kai Hansen hay Michael Weikath như là những nhạc sĩ vĩ đại như Bach hay Beethoven, dù rõ ràng Helloween vẫn luôn là một trong số những band ít ỏi của Đức, bên cạnh Accept hay Scorpions, đã kiến tạo nên những công trình âm nhạc đáng nể lọt được ra ngoài thế giới. Ít nhất là khi họ vẫn đang sống và tiếp tục làm nhạc.


Tôi cũng sẽ không mấy khi nhìn lại vô số những lần bước hụt của Helloween mà ngược lại, ý chí sắt đá của những người Đức tếu táo này luôn là thứ tôi giữ lại trong đầu mình bởi họ luôn biết cách quay trở lại.


Bởi biết đâu nhiều năm sau này, thế giới mới hiểu ra Teutonic Metal, như cách họ đã chiêm nghiệm ra những nhạc soạn nhạc vĩ đại khác trước đó?


Hẹn gặp lại!


Kcid

653 views

Recent Posts

See All
bottom of page