top of page

Tố chất nhạc Blues của Howlin’ Wolf

Lần đầu tiên Hubert Sumlin được trao cơ hội để chơi thử guitar cho Chester Arthur Burnett (còn được biết đến với nghệ danh Howlin’ Wolf), cậu thanh niên trẻ nhận được lời khuyên của sếp Burnett, người hơn cậu tới 20 tuổi như sau: “Cậu chưa sẵn sàng chơi nhạc của tôi đâu. Cậu nên về nhà và thử dành thời gian nghĩ xem mình nên làm gì, có thể là một ngày, một tuần, một tháng, hoặc thậm chí cả một năm, bao nhiêu lâu cũng được. Nhưng chỉ quay lại đây khi cậu đã sẵn sàng và khi cậu đã biết cách phải chơi nhạc của tôi như thế nào. Lúc đó tôi mới tuyển cậu được”. Sumlin chưa bao giờ là một tay guitar xoàng. Anh chơi đàn từ năm lên 8 tuổi và từng lẻn vào show nhạc của Burnett khi vẫn còn là một cậu bé. Nên để nói là Sumlin không hiểu nhạc của ông kể cũng không phải.


Thế là Hubert Sumlin đã về nhà và ngẫm nghĩ rất nhiều, thậm chí còn cầu nguyện và đặt nguyên cây đàn dưới gối ngủ. Anh không biết mình thiếu cái gì nhưng anh hiểu rõ Chester Burnett hoàn toàn nghiêm túc khi đưa lời khuyên đó. Thế rồi một buổi sáng, Sumlin tỉnh dậy và nảy ra ý định chơi thử đàn mà không dùng miếng gảy. Vào thời điểm đó, anh đã quen chơi guitar bằng pick tới 8 – 9 năm rồi nên để quay về cách dùng các đầu ngón tay vê các dây đàn mới thật lạ lẫm. “Smokestack Lightnin’” của Burnett được Sumlin chọn đánh thử. Điều kỳ lạ là tiếng đàn của anh bỗng chốc có hồn hơn hẳn trước đây, và hay hơn nhiều so với những gì Sumlin từng nghĩ mình có thể làm được. Tất cả mọi thứ, âm sắc, âm thanh phát ra từ cây đàn nay đưa bài nhạc Blues của Burnett đẹp hơn lên rất nhiều.


***

Có những điều kỳ lạ về nhạc Blues mà trong đó có một điều đáng nhắc tới nhất là sự “đơn giản” trong công thức âm nhạc của dòng nhạc này. Với đa phần các bài chạy trên vòng lặp của 3 hợp âm trải dài trên 12 khuông nhạc (đôi lúc là 8 hoặc 16) theo công thức truyền thống, sẽ không ngoa khi bảo nhạc Blues nghe dễ đoán và thậm chí có người bảo nếu bạn nghe 1 bài nhạc Blues thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã được nghe cả 100 bài nhạc Blues khác rồi. Dĩ nhiên đây chỉ là cách nói vui của những người không phải là fan của dòng nhạc này, nhưng với những người mê Blues như các thành viên của EmoodziK, bất chấp công thức được tái sử dụng trong suốt thời gian từ khi hình thành đến giờ, chúng tôi vẫn luôn tìm thấy sự mới mẻ và lôi cuốn trong các tác phẩm của những nghệ sĩ chơi “thứ nhạc của Quỷ” này. Thậm chí, với những thể loại nhạc biến thiên khác như Rock N’ Roll, Soul, R&B, v.v., những khoảnh khắc bluesy luôn khiến bài nhạc đó hấp dẫn hơn rất nhiều lần. Đó là vì những hợp âm 7 cộng với những nốt nhạc blues (là những nốt giáng bậc 3, bậc 5 và bậc 7 trong một âm giai trưởng) luôn tạo nên độ căng mà hợp âm liền sau đó giải tỏa mọi cảm xúc đẹp tới mức nghe mãi không bao giờ nhàm chán.


Để đi theo dòng nhạc Blues thì không phải là khó, nhưng, để cảm và hát hoặc chơi nhạc Blues cho ra chất thì là một câu chuyện khác hoàn toàn. Tương tự như câu nói của Chester Burnett với Hubert Sumlin, câu hỏi với một người chơi nhạc Blues thường là “You got the blues?” (mà có thể tạm dịch là “Cậu có tố chất blues hay không?”). Không có một câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi này, mà đối với mỗi nghệ sĩ, họ đều phải đi tìm đáp án cho riêng mình.


Vậy đối với chính Chester Burnett, người được biết tới với cái tên Howlin’ Wolf - một trong những huyền thoại nhạc Blues, khởi nguồn bằng dòng Delta Blues, sau đó cùng với Muddy Waters để đóng góp cho sự phát triển của Chicago Blues, thì ông có được những gì để chơi thứ âm nhạc này? Ông có tố chất nhạc Blues không?


Thứ đầu tiên mà Burnett có là khả năng sáng tác những bài nhạc Blues tuyệt hay từ những ngày đầu. Sẽ là điều không công bằng cho Burnett nếu lầm tưởng âm nhạc của ông trở nên hay hơn từ khi Willie Dixon tham gia sáng tác, nhất là khi có nhiều bài hit đều do Dixon viết. Thực tế là ban đầu Burnett không cảm thấy thoải mái khi hãng ghi âm Chess Records đề nghị Dixon, thành viên chơi bass trong band của Burnett, thay ông sáng tác, dẫn đến việc album thứ hai Howlin’ Wolf (1962) (hay còn được biết đến với cái tên “The Rocking Chair Album” bởi hình bìa nổi tiếng và để phân biệt với album cùng tên phát hành sau này vào năm 1969) có đến 9 trên 12 bài gắn tên Dixon là tác giả, trong khi Burnett chỉ có 2 track, giảm cơ hội để ông có được nguồn thu đến từ tiền bản quyền tác giả sau này. Chỉ là những ca khúc do Willie Dixon – cây viết nhạc chủ lực của hãng Chess Records cũng dễ hút khách và thành công về mặt thương mại hơn thật, không chỉ với Burnett, mà còn cả Muddy Waters, người cũng ký hợp đồng với Chess Records. Thực tế là sự ganh đua đố kỵ giữa Chester Burnett và Muddy Waters cũng liên quan đến cả việc mỗi người họ đều cảm thấy như Dixon đang viết những bài nhạc Blues hay hơn dành cho kẻ còn lại.


Có điều, với cá nhân tôi, những sáng tác của Chester Burnett cũng hay không kém mấy bản như “Spoonful” hay “Little Baby” mà Dixon viết cho ông. Để cảm nhận được âm nhạc thuần khiết của Chester Burnett, những album như Moanin’ In The Moonlight (1959) và The Real Folk Blues (1965) là những nhạc phẩm đậm chất riêng của người nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khốn cùng mà lát nữa tôi sẽ nói đến. Nhìn chung, các bài nhạc do Burnett sáng tác không đi theo những giai điệu phức tạp và liền mạch như cách Dixon viết. Đổi lại, lối hát chậm rãi từ tốn với những khoảng lặng lại chứa đựng đầy chất tự sự của Burnett. Như bản “Moanin’ At Midnight”, mỗi câu hát của ông được ngắt nghỉ bằng tiếng kèn harmonica xen giữa cũng do Burnett thể hiện, khiến cho bài hát dù phần lời đơn giản và ngắn gọn nhưng lại nói lên được nhiều về cảm xúc. “How Many More Years” có tiết tấu nhanh hơn nhưng các câu hát lặp trong lyrics cũng rồi sớm dừng để cho ban nhạc chơi các đoạn lick song hành giữa kèn harmonica và guitar trên nền trống, bass và piano phiêu lãng. Ngay đến ca khúc nổi tiếng vào những ngày đầu sự nghiệp của ông, “Smokestack Lightnin’”, bên cạnh một vài chỗ ca từ thay đổi trong 2 khuông nhạc đầu của mỗi đoạn, thì nó còn đơn giản hơn nữa bởi một hợp âm Em được chơi suốt trong cả bài.


Những yếu tố tưởng chừng như đơn giản trong cách sáng tác nhạc và lời của Chester Burnett vì vậy có thể bị lầm tưởng là âm nhạc của ông ai cũng có thể chơi được. Nhưng nếu như vậy thì Burnett đã không phải gây khó dễ với tay guitar trẻ Hubert Sumlin mà tôi có kể tới ở đầu bài viết. Chỉ cho đến khi Sumlin nghĩ ra việc thay đổi cách chơi bằng ngón tay, thay cho miếng gảy pick thì Burnett mới cảm nhận được cái hồn trong âm sắc đàn của Sumlin và để anh trong dàn đội hình chính thức chơi nhạc cùng ông mãi cho đến khi ông qua đời.

 

Đến đây tôi muốn nói tới yếu tố thứ hai mà Burnett nắm giữ để làm ra thứ nhạc Blues để đời. Đó là tiếng đàn và tổng thể hòa âm.

Ngày 15 tháng 1 năm 1928 mãi mãi là ngày Burnett không bao giờ quên khi ở tuổi 17, ông lần đầu tiên được sở hữu cây đàn guitar. Điều may mắn nữa xảy đến với Burnett còn là ông được học đàn từ chính Charlie Patton, nghệ sĩ nhạc Blues nổi tiếng, người nắm giữ kỹ thuật chơi đàn bậc thầy tại vùng Delta lúc bấy giờ. Patton có lối chơi đầy nhịp điệu và cá tính, với những cú nhéo dây lẫn kiểu chơi slide siêu đẳng. Khi Patton tình cờ phát hiện cậu thanh niên Burnett ngồi ôm cây đàn tập chơi theo nhạc của mình bên ngoài quán, Patton đã kéo ngay Burnett vào để hướng dẫn, truyền dạy những ngón đàn. Bàn tay quá khổ chỉ hợp làm nghề nông của Burnett khiến ông loay hoay chơi những câu đàn tinh tế của nhạc Blues. Đổi lại, lối chơi theo nhịp điệu của Patton lại phù hợp cho những ngón tay to dài của Burnett nhanh chóng học theo. Kể từ đó Burnett được bám càng đi diễn cùng với Patton, trở thành cặp đôi lệch lạc nổi tiếng tại thành phố Ruleville, Mississippi. Người đàn ông lớn tuổi Charlie Patton thấp bé nhẹ cân với nước da nâu sáng diễn cạnh cậu thanh niên kém ông gần 20, Chester Burnett, cao hơn 1m90, nặng hơn 120kg với nước da sẫm màu. Quãng thời gian đó đã giúp Burnett thuần thục chơi và thấm nhuần nhạc Blues của vùng Delta.

Vậy nên, dù cho kỹ thuật chơi đàn của Burnett không đạt được trình độ bậc thầy như Patton do những hạn chế ở đôi bàn tay quá khổ, khả năng cảm thụ nhạc Blues học được từ Patton giúp ông phát triển cho ban nhạc của riêng mình sau này một cách hiệu quả. Sự kỹ tính và yêu cầu cao trong cách chơi nhạc cụ và hòa âm tổng thể của Burnett với những thành viên trong ban nhạc là điều giúp cho những nhạc công được ông tuyển chọn đều là những thành viên sáng giá. Đó là những Willie Johnson với tiếng đàn guitar khàn đặc như cách Johnson thể hiện trong bài “How Many More Years”; Jody Williams với lối chơi hợp âm trên cây guitar độc đáo trong bài “Baby How Long”; Otis Spann – nghệ sĩ piano chơi dòng Chicago Blues hàng đầu, người mang tới không gian  phiêu đến mê hoặc cho biết bao nhiêu bài của Burnett (như “Spoonful” là một ví dụ) cũng như cho kỳ phùng địch thủ của ông, Muddy Waters; và kể cả chính Chester Burnett cũng là một nhạc công tài ba với vai trò khi thì chơi guitar rhythm, khi thì đệm nhạc bằng những nốt trầm lên cao dần đều, hay khi đảm nhiệm slide guitar làm chủ đạo trong “Little Red Rooster”, hoặc chuyển sang harmonica với khả năng tạo những âm sắc dầy chắc nịch trở thành nhạc cụ chính song hành với guitar mà ông học được từ Sonny Boy Williamson.


Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể không nhắc lại cái tên Hubert Sumlin – người được tạp chí Rolling Stone xếp hạng vị trí 43 trong số 100 cầm thủ guitar vĩ đại nhất mọi thời đại. Nếu như trong các bài do Chester Burnett sáng tác, tiếng guitar của Sumlin được tiết chế vừa đủ phục vụ cho bài nhạc, nhưng lại vẫn đủ tạo dấu ấn qua các câu riff ấn tượng như trong “Smokestack Lightnin’”, thì ở album Howlin’ Wolf (aka “Rocking Chair Album”) phát hành năm 1962, các ca khúc sáng tác bởi Willie Dixon dường như mở rộng lối cho Sumlin thể hiện tài năng chơi đàn của mình. Những tiếng đàn nhéo dây hoàn hảo và những câu lick với số lượng nốt nhạc chơi vừa phải để các âm vang lên cũng hay như những khoảng lặng là biệt tài của Sumlin. Nhờ công của Sumlin mà album Howlin’ Wolf được tạp chí Mojo xếp hạng số 3 trong những album chơi guitar hay nhất mọi thời đại, là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ Rock N’ Roll khác, từ Cream cover lại “Spoonful”, The Rolling Stones cover “Little Red Rooster”, cho tới The Doors chơi lại “Back Door Man” theo cách của họ. Lối chơi của Hubert Sumlin cũng mang tầm ảnh hưởng lớn tới các guitarist khác, từ Jimi Hendrix, Eric Clapton, Jeff Beck, cho đến Jimmy PageStevie Ray Vaughan.


Nhưng trên tất cả, yếu tố thứ ba quan trọng nhất giúp cho Chester Burnett có thể tạo ra những tác phẩm nhạc Blues hay để đời, dù cho đó là các bài do ông hay Willie Dixon sáng tác, hay được chơi bởi đội hình ban nhạc từ đời đầu hay về sau này, thì tựu chung lại sức hút lớn nhất trong âm nhạc của Burnett là giọng hát của ông.


Người ta nói để có được tố chất nhạc Blues bên trong thì người đó phải hát được bằng cả trái tim và nỗi đau. Nhìn lại cuộc đời của Burnett, không thể có cái tên nào chuẩn xác hơn nghệ danh “Howlin’ Wolf” được gắn liền với ông. Từ thuở bé, ông đã bị người mẹ ruồng bỏ, để rồi ông phải tìm tới xin ở cùng người bác bạo hành tàn nhẫn. Những trận đòn roi của ông bác là thứ khiến Burnett hầu như không dám đặt chân vào căn nhà, mà chỉ tìm quanh những ngóc ngách phía ngoài để ngủ qua đêm. Như một chú sói cô độc, tuổi thơ dữ dội của Burnett dưới sự bỏ rơi của người mẹ và độc ác của ông bác dường như là tác nhân hình thành nên góc khuất gai góc có phần bạo lực của Burnett, khi mà bàn tay của ông từng nhuốm máu của những con vật nuôi gia súc gia cầm, và thậm chí cả một mạng người mà ông thoát tội sau khi ra tay vì một sự tức giận ghen tuông. Điều may mắn duy nhất đến với đời ông là khi Burnett chạy trốn khỏi nhà ông bác và đi bộ trên đôi chân trần hơn 130km để tìm được nơi trú ẩn yên bình với người bố đẻ.


Sự nghiệp âm nhạc của Chester Burnett cũng đến rất muộn. Mãi tới tuổi 41, ông mới có được cơ hội ghi âm các bài hát của mình. Âu cũng vì Burnett đã phải vật lộn với công việc ngoài đồng từ khi ở cùng ông bác cho đến khi chuyển đến ở với bố, và cũng mất một quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cho tới khi được giải ngũ vì chứng rối loạn hoang tưởng và suy nhược thần kinh. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ nhận thấy Burnett đã sống một cuộc đời cùng cực gian truân, thứ đã nuôi dưỡng cho một “Howlin’ Wolf” trỗi dậy.


Lối hát và trình diễn nhạc Blues của Burnett vì vậy có sức hút mãnh liệt với những ai có cơ hội được thưởng thức. Trên sân khấu, có những lúc ông bò hẳn trên tứ chi và lắc hông mạnh như một con thú hoang dã. Giọng hát khàn thô ráp của Burnett, kết quả của những lần viêm amidan từ thuở nhỏ gây tổn thương tới dây thanh âm, chứa đựng đầy cảm xúc nỗi đau của một con sói cô độc. Khi hát, Burnett có lúc ngân nga, lúc nghe ai oán, khi như đang nói, khi thì lại như tiếng sói tru lên, mối lối thể hiện độc đáo của riêng mình Burnett, hay nói đúng hơn là người nghệ sĩ mang nghệ danh Howlin’ Wolf.


Nhờ chất giọng nam trung dầy, ông còn có kiểu hát bóp nén một số cơ trong họng lại để tạo ra âm sắc khác lạ giống như lối hát giọng cổ họng (“throat singing”) của người Tuva (Nga) và Mông Cổ. Để làm được như vậy, Burnett đã tự tập luyện mọi lúc mọi nơi, khi ông còn diễn cùng Charlie Patton, trong những tháng ngày làm ruộng cày đồng, cho tới khi tự vác đàn đi diễn dạo khắp nơi ở giai đoạn đại khủng hoảng, phải hát suốt từ 12 tiếng đồng hồ chỉ để kiếm một chiếc bánh mỳ lót dạ.  


Thế nên âm nhạc của Chester Burnett aka Howlin’ Wolf mang đậm chất Blues, đơn giản mà chân thực trong cảm xúc và ca từ, giống như ông từng hát trong bài “Smokestack Lightning”: “Whoa-oh, stop your train / Let a poor boy ride / Why don't ya hear me cryin'? / Whoo-hooo, whoo-hooo / Whooo” để kể về lần ông chạy trốn khỏi ngôi nhà địa ngục của ông bác và làm lại cuộc đời tại Delta, nơi bố của Burnett đã giang tay che chở, tạo điều kiện cho ông phát triển tình yêu với nhạc Blues, trước khi chuyển đến ở tại Chicago để gây dựng sự nghiệp âm nhạc huyền thoại cho đến cuối đời.


***

Một buổi tối sau show diễn, lẽ thường tình là các thành viên ban nhạc sẽ cùng Howlin’ Wolf thu dọn nhạc cụ, đồ nghề để chất lên xe tải, nhưng Hubert Sumlin – tay guitar của nhóm lại vắng mặt vì mải chạy theo cùng cô gái mà cả hai để mắt tới nhau trong suốt show diễn. Cô gái đó còn ngồi ngay trên chiếc amplifier của Sumlin như để đánh dấu chủ quyền với tay guitarist cho buổi tối hôm đó. Xong xuôi công chuyện, Sumlin trở lại vừa đúng lúc cả nhóm hoàn tất việc dọn dẹp trước ánh mắt tức giận của Wolf. Ông hét lớn, mắng như tát nước vào mặt cậu vì phải dọn đồ hộ “thằng nhãi con”. Bị chạm tự ái trước mặt mọi người, đợi lúc Wolf quay đi chỗ khác, Sumlin mới dùng hết sức của mình để thụi thẳng vào mặt ông. Người Wolf không hề nhúc nhích. Ông chậm rãi quay lại và vả một tay vào mặt Sumlin. Với thân hình to lớn cao 1m91 và nặng tới 120kg, dễ hiểu sao cú vả của Wolf có thể khiến Sumlin ngã lăn ra phía sau cả đoạn dài. Cậu lồm cồm đứng dậy hét vào mặt ông trước khi bị vả thêm phát nữa khiến người cậu lăn tiếp ngược về phía sau, lần này gẫy thêm mấy cái răng.

Sáng ngày hôm sau, Hubert Sumlin bị vợ đánh thức. Cậu không ngờ Howlin’ Wolf đã ngồi chờ trong xe suốt cả đêm phía trước nhà. Wolf xin lỗi và đưa Sumlin tiền để đi sửa bộ nhá ông gây ra cho cậu guitarist trẻ tuổi tài năng mà ông quý như con. Howlin’ Wolf là như vậy. Như một chú sói đầu đàn, bản tính khẳng khái không cho phép ông nhẫn nhịn trước bất kỳ ai, nhưng cái tâm là điều giúp ông lôi kéo được lòng trung thành từ những đồng đội trên cùng chiến tuyến. Điều tốt lành đến với những năm tháng cuối đời của Wolf là ông đã không còn là con sói cô độc nữa. Ông đã tìm được sự bình yên với những người anh em trong ban nhạc và sự nể trọng của biết bao nghệ sĩ Rock N’ Roll cho những cống hiến với dòng nhạc Blues nói chung và nhánh Chicago Blues nói riêng.


RIP Chester Burnett aka Howlin’ Wolf (10.6.1910 – 10.1.1976)


RIP Hubert Sumlin (16.11.1931 – 4.12.2011)



***

Hẹn gặp lại!


Kink

149 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page