top of page

Muddy Waters: nhạc Blues có đứa con tên Rock N’ Roll

Khi Alan Lomax – một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc tìm đến Mississippi vào năm 1941, ông có hai mục đích. Thứ nhất là để ghi âm nhạc Folk cho Thư Viện Quốc Hội. Thứ hai là để tìm gặp Robert Johnson. Tuy nhiên khi tới Mississippi ông mới hay tin Johnson đã chết từ 3 năm trước đó. Người dân địa phương liền giới thiệu Lomax đến gặp Muddy Waters.


Sau khi kết thúc bữa tối, Muddy Waters đã ôm cây đàn guitar mượn của Lomax để chơi và hát cho Lomax ghi âm. Khi nghe giọng hát và tiếng đàn của Waters, Alan Lomax vô cùng phấn khởi vì ông biết mình đã tìm ra một “Robert Johnson” mới với thứ âm nhạc Blues đồng quê thuần khiết nhất. Và cũng nhờ lần thu âm đó, sau khi nghe lại giọng hát của chính mình qua băng ghi âm, Muddy Waters mới nhận ra ông có thể hát nhạc Blues hay đến vậy và sau đó củng cố niềm tin cho bản thân để theo nghiệp âm nhạc.


Năm 1943, Waters quyết định chuyển tới Chicago, một thành phố lớn và náo nhiệt, nơi mà ngày đó là trung tâm đô thị của nhạc Blues tại nước Mỹ. Với cây guitar thùng và một chiếc vali, Waters ban ngày đi làm lái xe tải và ban tối chơi nhạc tại các quán rượu nhỏ. Nhưng vì nhạc của Muddy Waters chơi bị chìm nghỉm trong âm thanh ồn ào của quán, ông đã quyết định dùng cây guitar điện mà người chú tặng để thay thế cây đàn thùng. Từ đó Waters luyện một lối chơi mới với những ảnh hưởng của nhạc Blues truyền thống kết hợp với âm thanh amplifier tân tiến. Ngày đó Waters đã tạo ra một âm thanh mới của Chicago Blues với cây đàn điện làm chủ đạo.


Nếu như người ta nói Chuck Berry là ông tổ của nhạc Rock N’ Roll thì Muddy Waters là cha đẻ của nhạc Chicago Blues hiện đại, là người đầu tiên lập band chơi nhạc Blues bằng guitar điện, góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của Rock N’ Roll sau này.


***

Nhạc Blues tôi chơi trông có vẻ bình thường và dễ bắt chước, nhưng không hề đâu nhé. Họ nói nhạc Blues của tôi là thứ nhạc Blues khó chơi nhất trên thế giới.” – Muddy Waters trong một lần phỏng vấn vào năm 1978.


***

Sinh ra vào thâp niên 1910, McKinley Morganfield lấy tên nghệ danh Muddy Waters từ nickname mà mọi người đặt cho cậu bé chỉ thích chơi bên mấy vũng bùn lầy. Waters lớn lên ngay tại Clarksdale, Mississippi nơi người ta nhận là quê hương của nhạc Blues. Khi ông bước sang tuổi 13, Waters đã chơi harmonica một cách thuần thục và có thể kiếm tiền tiêu vặt bằng việc biểu diễn trên những con phố. Nhưng phải đến khi ông được chứng kiến Son House biểu diễn thì cuộc đời của ông mới rẽ sang một ngả khác.


Giống như Robert Johnson, Muddy Waters theo chân Son House đến những nơi House biểu diễn tại thị trấn ông sinh sống. Waters bỏ hẳn tiền dành dụm 2 Đô La rưỡi (tương đương 40 Đô vào năm 2022) để mua một cây đàn guitar ở tuổi 17 và tự tập chơi. Nhưng khác với Johnson, Waters chưa từng “bán linh hồn” mình để nắm lấy kỹ thuật chơi đàn như lời đồn người ta kể về Johnson.

Kỹ thuật chơi đàn của Waters được nhiều người nói là không hề phức tạp. Thế nhưng cái khó để bắt chước lại là cách chơi của ông. Và để nghe rõ nhất cách chơi này thì album The Complete Plantation Recordings (phát hành năm 1993) và Folk Singer (phát hành năm 1964) sẽ là hai album tuyệt đỉnh để thưởng thức bởi đây là các nhạc phẩm được ghi âm chơi toàn bộ bằng đàn acoustic trọn vẹn của Waters và nó thể hiện những sắc thái rõ nét nhất của Delta Blues qua phong cách “Muddy Waters”.


Khi tập chơi đàn thùng, Waters học hỏi theo những nghệ sĩ nhạc Blues tại đồng bằng sông Mississippi Delta ngày đó, trong đó có Robert Johnson, Charley Patton và dĩ nhiên Son House. Tuy vậy, thời điểm đấy những người góp phần phát triển dòng nhạc Blues có quá ít những tiêu chuẩn hay khuôn mẫu của cách chơi và lối hát. Nhờ thế mỗi người sẽ học theo lứa trước nhưng không bắt chước rập khuôn mà họ chơi lại theo khả năng của mình, tạo nên phong cách của riêng từng người.


Với Muddy Waters, ông thường dùng kỹ thuật hammer-on và pull-off cùng với vuốt dây liền tiếng (legato slide) để tạo sự biến đổi cao độ các nốt được mượt mà. Tuy nhiên thay vì đeo slide vào ngón áp út như nhiều nghệ sĩ, Waters lại đeo slide ở phía đầu ngón út, cỡ nhỏ hơn chỉ vừa đủ chặn trên 3 dây đàn. Và lối chơi đặc trưng nhất của ông là ở các nốt nhạc ông chọn và chơi nó vào đúng khoảnh khắc đầy ngẫu hứng kết hợp với âm sắc phát ra rung vang mang nhiều cảm xúc, giống như tiếng hát của Waters vậy.


Trong album The Complete Plantation Recordings với các nhạc phẩm mà ông Alan Lomax ghi âm lại phần trình diễn của Muddy Waters ngay tại nhà vào năm 1941 và 1942, âm thanh mono vẫn lưu giữ lại được không khí “cũ kỹ” mộc mạc của Delta Blues qua giọng hát và tiếng đàn guitar được chỉnh tuning theo open G mà Waters ưa thích ngày ấy. Ông chơi khi thì plucking, khi thì strumming, khi thì slide, khi thì vê dây. Kỹ thuật chơi đàn của ông lúc đó đã linh hoạt và dù âm thanh chất lượng thu âm kém vẫn không che khuất được những câu đàn chơi lúc to lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm, song ca cùng giọng hát dầy tiếng và có hồn, ví dụ như trong bài “I Be’s Troubled”.


Những âm thanh thô mộc này được làm sáng rõ hơn qua album Folk Singer sau này nhờ kỹ thuật thu âm đã phát triển, khiến cho các bài hát nghe tựa như Waters đang ngồi hát ngay bên cạnh người nghe vậy.


Ca khúc “My Home Is In The Delta” ở đầu đĩa là ví dụ của việc giọng hát của Muddy Waters ngân nga lúc to lúc nhỏ với âm lượng lên xuống như các câu đàn guitar vang lên vậy. Âm thanh slide guitar mộc mạc lúc cất lên sáng loáng rồi ngân vang, nhưng có lúc lại ngắt tiếng đột ngột. Cách chơi của Waters là vậy, rất ngẫu hứng và khó đoán. Rồi như trong bài “Long Distance”, có những lúc nốt nhạc được bật ra từ phần solo nghe như thể dây đàn sắp đứt đến nơi.


Trong album Folk Singer, khi mà mỗi nốt nhạc cất lên ở một khoảnh khắc chậm hơn với phách nhịp của bài, dù chỉ một chút thôi, giống như cách hát của Waters, sẽ tạo cảm hứng phiêu được truyền từ người chơi đến đôi tai người thưởng thức. Nhưng đó cũng là cái khó để người khác có thể chơi lại chuẩn xác được, vì chỉ cần lệch nhịp dù chỉ một tích tắc, hay âm sắc kém về âm lượng hoặc chói tai hơn chút, là đã khác với âm nhạc của Muddy Waters rồi.


Vì thế những âm thanh mộc là điều người Anh mong chờ từ Muddy Waters trong lần lưu diễn của ông vào năm 1958. Họ muốn nghe Delta Blues thuần khiết trên cây đàn acoustic. Nhưng nhạc Blues chơi trên cây guitar điện mới là những thứ Waters được nhớ đến và là di sản chính mà ông để lại.


Vào giữa những năm 50, khi giới trẻ ở Mỹ bắt đầu chuyển sang nghe nhạc Rock N’ Roll, Muddy Waters vẫn trung thành với nhạc Blues cùng ban nhạc của mình để biểu diễn tại Chicago và các vùng miền phía Nam nước Mỹ. Dù sao thì ông cũng đã từng thành danh với một trong những đội ngũ ban nhạc giỏi nhất lịch sử nhạc Blues, bao gồm nghệ sĩ virtuoso thổi kèn harmonica – Little Walter, guitarist thứ hai trong band (cùng với Waters) – Jimmy Rogers, tay trống Elga Edmons và pianist Otis Spann. Sau này ban nhạc đó của Waters được ví như “đội hình ban nhạc rock đầu tiên” với các thành viên tiếp tục những bước tiến lớn trong sự nghiệp riêng của họ.


Đến khi không có thêm thành công đáng kể nào nữa tại Mỹ, Waters bèn mò sang nước Anh để mở rộng thị trường. Có điều việc chơi nhạc Chicago Blues với nhạc cụ điện thì không còn thời thượng như Rock N’ Roll tại Mỹ, mà lại quá ồn ào so với dòng Delta Blues mà khán giả Anh ưa chuộng.


Trong khi Chicago Blues là sự giao thoa giữa nhạc Blues truyền thống với amplifer tựa như một phong cách Blues mang âm lượng lớn hơn phù hợp với một vùng đất công nghiệp hóa ồn ào, thì Delta Blues là một dòng âm nhạc thuần khiết mang đầy đặc trưng vùng đồng quê. Đồng bằng sông Mississippi là nơi khí hậu ẩm ướt và nghèo khó, khiến cho người dân địa phương phải tự chế những cây đàn 3, 4, 5 hoặc có khi chỉ 1 dây với chất lượng kém luôn bị lệch tông, vì vậy lối chơi bằng slide đã trở thành một phong cách phổ biến với Delta Blues. Dù vậy, kể cả với Delta Blues hay Chicago Blues thì kiểu chơi slide trên guitar thùng hay guitar điện đều không đơn giản như nhiều người tưởng. Thực tế là để tạo ra âm thanh đẹp mượt mà, rung vang một cách có hồn thì không mấy ai chơi được như Muddy Waters, người đã thành thục cả trên hai loại nhạc cụ.

Ngày ấy khi đến nước Anh, Waters mang theo mình con Fender Telecaster đỏ để giới thiệu thứ nhạc Chicago Blues. Đêm diễn đầu đúng là thảm họa, không phải vì kỹ thuật chơi, mà vì sự thất vọng của những khán giả dưới đó, tựa như việc Bob Dylan sau này bị người yêu nhạc la ó khi thấy Dylan lôi cây đàn điện ra diễn vào giữa những năm 60. Báo chí viết những lời nhận xét về đêm diễn của Muddy Waters như sau “Tiếng Guitar Gào Thét và Tiếng Piano Rên Hú”. Waters và nhạc công piano Otis Spann vì vậy đã phải giảm âm lượng cho những buổi diễn tiếp theo.


Tưởng như lần lưu diễn đó là một thất bại, nhưng điều mà Muddy Waters không ngờ tới là show diễn của ông đã mang nguồn cảm hứng lớn cho một loạt những thế hệ nghệ sĩ mới, những người sẽ chơi nhạc Rock N’ Roll tại nước Anh sau này, từ Keith Richards, Mick Jagger, Jimmy Page, Jeff Beck, cho đến Pete TownshendEric Clapton.


Chính nhờ người Anh mà đến thập niên 60, Muddy Waters mới vực lại được sự nghiệp của ông. Lời ca ngợi của những nghệ sĩ đến từ đất nước này dành cho các huyền thoại nhạc Blues trong đó có Muddy Waters thì một lượng lớn người nghe nhạc tại Mỹ mới được khai sáng và tìm mua các album của ông. Trong khi các album như The Best of Muddy Waters (1958), Muddy Waters At Newport (1960) đã được những Keith Richards, Jimmy Page, Jeff Beck, Eric Clapton lùng sục để nghe và là cảm hứng làm nên Rock N’ Rock của nước Anh mang đi xâm nhập nước Mỹ vào những năm 60 thì nay dân Mỹ - đặc biệt những ai ở ngoài ranh giới của miền Nam mới nhận ra được họ đã thiếu sót thứ gì. Một số ít nghệ sĩ Mỹ may mắn hơn như Jimi Hendrix đã tìm đến âm nhạc của Waters từ ngày nhỏ.


Nếu phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Eric Clapton khám phá ra âm thanh cho mình từ việc lĩnh hội nhạc của Muddy Waters và ban nhạc The Rolling Stones phải đặt tên dựa trên bài hát “Rollin’ Stone” của Waters, thì tại Mỹ , ông là guitarist đầu tiên mà Jimi Hendrix được nghe và sợ chết khiếp lúc còn bé bởi những âm thanh Chicago Blues ồn ào hơn, nhưng mà lại vẫn thuần Blues nguyên chất không chút pha tạp Jazz hay Rock.


Bài “I Can’t Be Satisfied” trong album The Best Of Muddy Waters có câu riff cực bắt tai và mê hoặc, thứ mà chắc chắn những nghệ sĩ tìm cảm hứng từ nhạc của Waters đều chịu ảnh hưởng. Âm thanh slide guitar qua bộ amplifier hơi đặc tiếng hơn khiến những nốt đàn ở dải trầm nghe càng ma quái nhờ kỹ thuật rung điêu luyện của Waters.


Bài “Rollin’ Stone” trong album đó cũng vậy. Câu riff được vuốt lên nốt Bb và nhấn với âm lượng to hẳn tạo một ấn tượng khó quên. Nếu như nhạc Blues mà Waters chơi qua đàn acoutisc mộc mạc gần gũi thì qua tiếng đàn điện, những nốt nhạc vang lơ lửng mang hiệu ứng rõ rệt hơn và nổi bật hẳn giữa những khoảng trống ngưng nghỉ của bài nhạc trong “Rollin’ Stone”.


Những bài chơi cùng cả band như “(I’m Your) Hoochie Coochie Man” cũng mang nét đẹp của sự hòa âm tinh chuẩn với tiếng kèn harmonica chơi cùng tiếng đàn guitar như một câu riff nhạc Rock sau này. Ấn tượng của bài này là sự đối lập giữa khúc đầu khi các nhạc cụ ngừng chơi sau nhịp đầu tiên để lại khoảng lặng để giọng hát Waters cất lên trước khi các nhạc cụ lại xuất hiện như một cách để vào nhạc vào mỗi đầu khuông, và rồi sau đó khi trống và bass đánh những nhịp đều đặn thì âm thanh lảnh lót trên những phím đàn piano mới xuất hiện.


Khi chơi nhạc cùng cả band, nhạc cụ guitar không cần đóng nhân vật chính nữa, mà vai trò được hoán đổi với cả harmonica và đôi lúc là piano. Những câu riff và rồi solo của harmonica trong ca khúc “I Just Want To Make Love To You” có thể được ví sánh ngang như vai trò của cây guitar điện trong nhạc Rock N’ Roll sau này. Với âm thanh hơi khàn đặc của harmonica qua kỹ thuật chơi điêu luyện của Little Walter, không khó để tưởng tượng sức ảnh hưởng tới những ban nhạc Anh Quốc như The Rolling Stones khi đưa nhạc cụ này vào âm nhạc của họ.


Đến cả album Electric Mud phát hành năm 1968 không đạt kỳ vọng khi âm sắc bluesy đặc trưng của Waters bị chìm nghỉm, nó vẫn là nguồn hứng khởi cho loạt nghệ sĩ như Led Zeppelin sáng tác ra câu riff cho bài “Black Dog” hay Jimi Hendrix phải chơi ít nhất một bài trong album đó trước mỗi lần bước lên sân khấu.


Khi mà thời điểm Muddy Waters tìm lại được thành công một lần nữa nhờ làn sóng British Invasion xuất hiện, có lẽ chính ông mới nhận ra âm nhạc Rock ngày ấy, với các band như Cream, The Animals, John Mayall And The Bluesbreakers, The Yardbirds, Fleetwood Mac, và dĩ nhiên The Rolling Stones, lại mang nhiều DNA của nhạc Chicago Blues ông chơi đến vậy.


Bảo sao người ta cũng phải ghi nhận Muddy Waters là một trong những người giúp đặt nền móng cho thể loại Rock N’ Roll sau này. Nhất là khi nếu không có Waters giới thiệu với người trong hãng ghi âm Chess Records, thì liệu ông tổ nhạc Rock N’ Roll – Chuck Berry có được cơ hội phát triển âm nhạc của mình khi chân ướt chân ráo đến vùng đất Chicago hay không.


All you people, you know the blues got a soul

Well this is a story, a story never been told

Well you know the blues got pregnant

And they named the baby Rock & Roll

Muddy Waters said it, you know the blues got a soul

James Brown said it, you know the blues got a soul

Well the blues had a baby and they named the baby rock & roll

Ray Charles said it, you know the blues got a soul

John Lee Hooker said it, you know the blues got a soul

Well the blues had a baby and they named the baby rock & roll

Otis Redding said it, you know the blues got a soul

Queen Victoria said it, you know the blues got a soul

Well the blues had a baby and they named the baby Rock & Roll

- “The Blues Had A Baby And They Named It Rock & Roll” – album Hard Again (1977) -



Hẹn gặp lại!

Kink

339 views

Recent Posts

See All
bottom of page