Ngày xửa ngày xưa Maroon 5 từng là một ban nhạc thực sự. Khoan! Ngày xửa ngày xa xưa hơn nữa, những người bạn gồm Adam Levine, Jesse Carmichael, Mickey Madden, và Ryan Dusick từng chơi hẳn nhạc nặng Alternative Metal, Alternative Rock và Grunge dưới nghệ danh Kara’s Flowers, lấy cảm hứng từ tên một cô gái mà cả hội đều cùng có tình ý từ thời trung học.
… Các bạn có bất ngờ không à? Chuyện chơi nhạc nặng ý? Tiếp nhé!
Nhưng do thất bại thảm hại về thương mại với dòng nhạc đó, Kara’s Flowers tan rã, để rồi Maroon 5 sau đó được lập nên bởi những người bạn này, mà tôi xin nhắc lại để chúng ta cùng nhớ, bao gồm Adam Levine - người mà ai cũng biết, Jesse Carmichael (chuyển từ guitar sang chơi thêm keyboard), Mickey Madden (vẫn chơi bass), Ryan Dusick (vẫn chơi trống trong album đầu Songs About Jane nhưng rồi phải từ bỏ vì những chấn thương ở vai và cổ tay sau những chuyến lưu diễn dài ngày) và thành viên thứ 5 mới được tuyển thêm - James Valentine (chơi lead guitar để Levine không cần lúc nào cũng vừa đánh đàn vừa hát và có thể tập trung vào làm một ngôi sao thật sáng). Đó là nguồn gốc ra đời của cái tên Maroon 5. Còn ý nghĩa của từ “Maroon” thì đến giờ vẫn luôn là một bí mật mà chỉ có 5 người này, Chúa trời, và thêm cả Billy Joel mới biết (do Levine tiết lộ với Joel trong một lần gặp mặt).
Tại sao mà tôi phải nhắc lại tên các thành viên của Maroon 5? Bởi cũng như Coldplay, frontman của hai band này chiếm sóng mạnh tới mức không mấy ai biết đến tên những thành viên còn lại. Rồi cũng như Coldplay, ở giai đoạn đầu, vai trò của các thành viên Maroon 5 trong việc sáng tác và chơi nhạc đều có sự đóng góp nhất định. Nói một cách khác, họ đã từng vận hành như một ban nhạc thực sự, khi nhạc được viết và chơi ra sao đều đến từ những buổi tập và jamming giữa các thành viên. “Người ngoài” chỉ xuất hiện với vai trò sản xuất nhạc.
Chuyện này đáng nhẽ sẽ tiếp tục diễn ra như vậy, nhưng sau kết quả không mấy thành công của album thứ ba Hands All Over (2010), Maroon 5 nhận thấy mình phải chuyển hướng. Tương tự như lần thất bại đầu tiên với thứ nhạc nặng về Rock đã khiến Adam Levine và những người bạn phải chuyển sang chơi nhạc lai Pop Rock dưới cái tên Maroon 5, lần này, cả nhóm đã có một cuộc họp bàn căng thẳng để lựa chọn giữa Pop và Rock. Kết quả là nhạc Pop đã thắng, bất chấp một số ý kiến phản đối (tin đồn hình như là tay lead guitarist James Valentine).
Một trong những lý do chính dẫn đến việc Maroon 5 bán đi “linh hồn của ban nhạc” để đổi lấy các vị trí số 1 trên Bảng xếp hạng chính là thành công ngoài mong đợi của single “Moves Like Jagger” hát chung với Christina Aguilera. Một ca khúc bắt tai vô thưởng vô phạt như “Moves Like Jagger” đã mang lại cho Maroon 5 một loạt những thành tích thương mại mà Levine hằng mơ ước. Ca khúc đó đã chuyển bại thành thắng cho chính version phát hành lại của Hands All Over khi cuối cùng album này đã giành được đĩa bạch kim.
Từ đó Maroon 5, hay chính xác hơn Levine, đã rút ra được bài học gì?
Thứ nhất là họ cần phải nắm bắt sở thích nhạc của giới trẻ bằng cách chia sẻ vai trò sáng tác với “người ngoài” nhiều hơn nữa. Chính bài “Moves Like Jagger” ban đầu được mấy nhạc sĩ trẻ viết riêng cho một nữ ca sĩ khác nhưng đã được Levine bỏ tiền ra mua về và sửa lại chút. BÙM!!! Maroon 5 đã có một ca khúc hit thành công chưa từng có.
Thứ hai là việc chơi nhạc theo band không còn ý nghĩa với thời đại mới nữa bởi bằng chứng là bài “Moves Like Jagger” theo thể loại Electropop chỉ cần các nhạc cụ điện tử được program sẵn sàng. Những nhạc cụ khác chỉ cần người chơi giữ nhịp cho Levine cầm mic để làm ngôi sao của buổi diễn. Khi Levine đã có suy nghĩ để phát biểu những câu như “Nhạc Rock đã biến mất” và “Giờ không còn là thời đại của các ban nhạc nữa và tôi cảm thấy họ đang dần tuyệt chủng” thì những thay đổi này của Maroon 5 là điều không tránh khỏi.
Và vậy là từ đó, tôi đã bao lần phải sững sờ khi nghe phải những ca khúc “Payphone”, “Sugar”, “Girls Like You”, “One More Night”, “Don’t Wanna Know”, “What Lovers Do”, “Misery”, v.v. để rồi phải đưa tay chuyển kênh hoặc tắt vội cái tivi trước khi thứ nhạc Pop vô hồn vô cảm đó phá đi tâm trạng của mình.
Đáng buồn là Maroon 5 đã từng là band thu hút sự quan tâm của tôi.
Đúng vậy! Bọn tôi không muốn viết về một nghệ sĩ nào mà không có gì để khen họ. Album đầu tiên Songs About Jane (2002) chính là nhạc phẩm chứng minh Maroon 5 từng là một ban nhạc đúng nghĩa và từng chơi một thứ âm nhạc có hồn.
Songs About Jane không phải là một nhạc phẩm đỉnh cao, nhưng nó có cái duyên dáng để biến album này thành đĩa nhạc ưa thích của tôi. Nghe lại Jane, thật khó tưởng tượng Adam Levine sẵn lòng đánh đổi quá nhiều để có được những ca khúc hit trong những năm gần đây khi hai giai đoạn này tương phản nhau một trời một vực, cả về phong cách lẫn chất lượng.
Ở thời kỳ đầu, Adam Levine và Jesse Carmichael (thành viên chuyển từ chơi guitar sang keyboard) là hai người sáng tác chính, thi thoảng có góp sức của mấy thành viên còn lại. Giai điệu biến đổi lên xuống như nhạc R&B đầy ngọt ngào chất soulful trong thời kỳ này hẳn nhờ ảnh hưởng từ thể loại R&B và Hip Hop mà Levine và Carmichael tìm tới sau thất bại với nhạc Rock của Kara’s Flowers. Số lượng producer cũng vô cùng hạn chế thời kỳ đầu, như album Songs About Jane chỉ có hai người, trong đó Matt Wallace hẳn là người giúp Maroon 5 đi theo hướng nhạc funky qua các nhịp điệu đảo phách như cách ông đã giúp ban nhạc Faith No More tạo ra âm thanh đột phá với album The Real Thing.
Nhưng giờ thì sao? Nếu ta nhìn danh sách credit tác giả thì ngoài Levine, toàn những người viết nhạc được thuê ngoài với số lượng có lúc lên tới 5-6 người trong một bài. Số lượng producer trong một album thì dài ngoằng mà tôi không đếm nổi. Với đội ngũ sáng tác và sản xuất nhạc đông đảo là vậy, nhưng những bài hát của Maroon 5 nghe hời hợt và trơn tuột, khiến cho giọng hát cao mỏng của Levine nghe lại càng vô hồn. Bằng chứng là ca khúc “Lost Stars” mà Levine thể hiện trong soundtrack của phim Begin Again vào năm 2013 cho thấy kỹ thuật hát điêu luyện của anh vẫn còn và giọng hát dù mỏng nhưng tình cảm của Levine vẫn được tôn lên nhờ một bài hát được sáng tác bằng cảm xúc thực.
Trong album Songs About Jane, số lượng hợp âm trong mỗi bài nhiều và thay đổi phức tạp hơn hẳn. Thay vì một chuỗi 3-4 hợp âm theo một vòng lặp xuyên suốt cả bài như tôi từng lấy “Girls Like You” làm ví dụ trong bài viết Tản mạn về những “cây cầu” (đoạn bridge); ở đĩa Jane, các hợp âm đa dạng và lạ lẫm so với nhạc Pop mainstream. Không dừng ở đó, Maroon 5 còn viết những đoạn đổi tông giọng giữa verse và điệp khúc rất hay, ví dụ như bài “Harder To Breathe” hoặc “She Will Be Loved”, hay một đoạn bridge theo một vòng hoà âm mới làm sáng bừng bài “This Love”. Điều tôi thích ở album này còn là cách Levine và đặc biệt keyboardist Carmichael đặt những chuỗi biến đổi hợp âm liên tục, nối liền nhau theo các nốt nhạc đầy thú vị và hấp dẫn, khác xa kiểu chuyển đổi ở nhịp đầu khuông nhạc một cách dễ đoán mà cả đội ngũ sáng tác và làm nhạc hùng hậu nghĩ ra cho Maroon 5 ngày nay.
Nhờ sự biến đổi hợp âm đa dạng và sáng tạo trong Songs About Jane mà giai điệu nhạc được Levine viết cũng mượt mà uyển chuyển hơn. Đã bao giờ tôi nói với các bạn là giai điệu hát hay hơn nhiều nếu hợp âm làm nền đằng sau nhiều màu sắc chưa? Dĩ nhiên có những ngoại lệ mà những bài chỉ với một hoặc hai hợp âm vẫn trở thành các ca khúc kinh điển. Tuy nhiên chắc chắn là hợp âm đa dạng sẽ tạo điều kiện cho giai điệu được bay bổng hơn. Tôi thích giai điệu soulful Levine hát trong bài “Tangled” và “The Sun”. Tôi khoái cách anh kết thúc mỗi câu hát bằng từ đầu tiên của câu sau đó trong bài “She Will Be Loved” tạo sự ngóng chờ như nội dung của ca khúc. Nhờ giai điệu được sáng tác chắt lọc mà những khúc nhạc được Levine hát bằng giọng falsetto ở album Jane nghe tình tứ, chứ không vô cảm như khi anh này lạm dụng giọng giả thanh một cách quá đà đến mức giả trân giống như bây giờ.
Vào thời kỳ đầu này, âm nhạc của Maroon 5 cũng hay hơn nhiều nhờ vai trò của các thành viên được thể hiện một cách rõ ràng. Mỗi người họ chơi phối hợp nhịp nhàng để kiểu nhạc funky và dập dình phong cách R&B được rõ nét. Nếu Maroon 5 không có dịp chơi nhạc theo đúng nghĩa của một ban nhạc mà producer Matt Wallace khuyến khích trong lúc họ jamming, thì chưa chắc đã có những bài như “Shiver” khi cả band chơi theo cùng nhịp hát funky, hoặc phần instrumental outro có chút ngẫu hứng ở “Tangled” và “Sunday Morning”.
Trong album này, Wallace còn sắp đặt những khoảnh khắc để mỗi thành viên ban nhạc được dịp toả sáng, chứ không chỉ một mình Levine.
Ở “This Love” và “Sunday Morning”, tiếng đàn piano của Jesse Carmichael dẫn dắt cả band, còn ở bài “The Sun”, Carmichael sử dụng cây hammond organ để chơi đoạn solo rất hay. Câu bass của Mickey Madden trong “She Will Be Loved” thì chơi những nốt nhạc đối ẩm với tiếng đàn guitar và giọng hát. Còn Ryan Dusick thì chọn cách chơi nhịp trống funky phức tạp trong bài “Tangled”. Không biết có phải để mô phỏng tiêu đề của bài không mà Dusick sẽ đánh tiếng snare ở nhịp 3 thay cho tiếng kick - âm thanh xuất hiện lệch phách liền ngay sau đó, và rồi trong khuông nhạc sau, anh đánh tới 3 tiếng snare đánh lừa đôi tai khán giả tạo cảm giác nhịp 4/4 như bị kéo dài ra.
James Valentine và Adam Levine có lẽ là hai thành viên có nhiều đất diễn nhất. Một loạt các câu đàn funky được hai người chơi hiệu quả, giúp album Songs About Jane này đạt được mục đích nhạc của nó. Không chỉ vậy, ở album này, phần guitar solo lúc của Valentine / lúc của Levine xuất hiện khá nhiều, từ “Harder To Breathe”, “Tangled”, đến “Shiver”, “The Sun”. Chúng không cần quá cầu kỳ, mà vừa đủ với âm sắc bluesy rất hay để chúng ta nhận ra là Maroon 5 không chỉ có mỗi Adam Levine là nhân vật chính.
Sau đĩa Songs About Jane, album thứ hai - It Won’t Be Soon Before Long (2007) và album thứ ba - Hands All Over (2010) không còn hay như đĩa đầu, nhưng người ta vẫn còn nghe được sự phối hợp giữa các thành viên khi chơi nhạc, dù không rõ nét như trước nữa. Vẫn có những bài đáng để lưu lại trong playlist như “Wake Up Call” hoặc “Give A Little More”.
Đấy là tôi mới chỉ nói đến các bản thu studio. Phải xem video ban nhạc diễn live thì mới thấy khả năng chơi nhạc biến tấu và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên mới thật đáng trân trọng.
Nhưng giờ thì sao? Các bài hát của ban nhạc từ sau thành công với “Moves Like Jagger” đã biến các thành viên trong Maroon 5 chỉ là những kẻ ai cũng có thể thay thế được. Với tôn chỉ âm nhạc phục vụ thị trường số đông, Levine và hãng đĩa sẵn sáng phát hành những single mà tiếng trống có thể được program sẵn, tiếng đàn điện tử có thể được tạo dựng bởi một DJ nào đó, và những nhạc cụ còn lại bị đẩy lùi về phía sau.
Như chính Matt Wallace - producer của album Songs About Jane cũng không còn hứng thú hợp tác với ban nhạc nữa bởi họ đã đi quá xa theo hướng nhạc Pop phục vụ số đông. Với ông, điều tốt nhất mà ban nhạc nên làm là quay lại với âm thanh được tìm thấy trong đĩa Jane, đầy riêng tư và chân thành.
Rất tiếc câu chuyện đã không có được cái kết như vậy. Kể từ ngày Maroon 5 tìm được thành công với “Moves Like Jagger”, họ đã lại chuyển mình một lần nữa để có được các bản hit trên bảng xếp hạng, để có thể bán được hơn 100 triệu bản. Chả mấy chốc, cái tên “Maroon 5” bỗng trở thành nghệ danh đại diện cho một mình Adam Levine.
Tôi chợt nhớ đến bài “phỏng vấn” Neal Schon mà Kcid viết về band Journey và câu lạc bộ của những kẻ đã bán 100 triệu đĩa. Thế hoá ra đúng là tất cả đều đã phải hy sinh một thứ gì đó cho Satan để được vào câu lạc bộ này, và thứ mà Levine đã hy sinh để đánh đổi thì tất cả chúng ta đều đã biết.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments