top of page

Tản mạn (ep. 8): tại sao bài có 1 hợp âm vẫn hay?

Một hợp âm là đủ. Hai là bạn hơi bị cố. Còn ba hợp âm thì bạn bắt đầu chơi nhạc Jazz rồi đấy”. Tôi không thể không quote lại câu phát biểu này của Lou Reed - frontman của ban nhạc The Velvet Underground - ở bài viết này. Tôi đã từng nghĩ Lou đã nói quá khi bảo “một hợp âm là đủ”. Làm sao mà đủ được? Với 1 hợp âm, giai điệu gần như bị bó buộc chỉ chạy trong dải 7 nốt thuộc gam tương ứng, và những nhạc cụ làm nền đa phần chỉ chơi được loanh quanh vài nốt nằm trong hợp âm đó. Vậy làm sao một bài nhạc chỉ dùng độc đúng 1 hợp âm trong suốt 4-5 phút thời lượng mà không khiến người nghe thấy nhàm chán?

Nếu bạn nào từng học đánh đàn organ và chơi phần có nhạc đệm được lập trình sẵn, bàn tay trái của bạn chỉ việc bấm đúng các nốt trong mỗi hợp âm là đủ cả giàn nhạc chơi đệm phía sau cho bàn tay phải đánh solo. Nếu chỉ có đúng 1 hợp âm kéo dài mấy khuông nhạc thì coi như bàn tay trái chỉ việc đặt lên đùi khoan thai.

Nếu bạn từng tập đánh đàn guitar thùng bài “Nothing Else Matters” của Metallica, thì bạn sẽ thấy 4 khuông nhạc đầu chơi hợp âm Em với thế bấm vốn dĩ đã đơn giản, nay các ngón tay phải lại chỉ vảy các dây mở open E - - G B E thì bàn tay trái có bấm trên cần đàn cũng chỉ để trông cho đẹp, chứ không mang lại tác dụng gì.

Tôi nói thế để các bạn tưởng tượng một trong những ví dụ của sự đơn điệu có phần “nhàm chán” từ việc chơi 1 hợp âm trong vài khuông nhạc liền nhau, chứ chưa nói đến sắc thái một màu không đổi của cả bài nhạc hoàn chỉnh.


Ấy thế mà có những bài hát chỉ chơi độc trên đúng 1 hợp âm từ đầu tới cuối, của những nghệ sĩ nổi tiếng mà tôi nói thật là “người trần tai thịt” như bọn tôi nghe rồi mà cứ ngỡ chúng có những biến chuyển đầy lôi cuốn. Lý do vì các bài này được sáng tác và sản xuất đầy tinh tế để che lấp đi điểm yếu hiển nhiên đó.

Các bạn hẳn nhớ bọn tôi từng ca ngợi về sự đa màu sắc và hấp dẫn của các bài sử dụng 5-6 hoặc đến cả chục hợp âm, với những chiêu thức đổi tông giọng và chê sự nhàm tai của các bản hit ngày nay khi lặp trình tự 3 hợp âm từ đầu tới cuối trong bài viết tản mạn về “Cây cầu”.

Và chắc các bạn cũng nhớ, có nhiều bài dù chỉ dùng 2 hợp âm mà vẫn đầy cuốn hút, ví dụ như “Wanna Be Startin’ Somethin’” của Michael Jackson, “Something In The Way” của Nirvana, “Blurred Lines” của Robin Thicke, hay “Fallin’” của Alicia Keys. Tuy vậy, khác với 1 hợp âm, những bài như trên vẫn có được 2 sắc thái về âm nhạc để bài hát được đưa đẩy, như bạn ngồi trên sợi xích đu đang đong đưa vậy.

Nhưng với 1 hợp âm xuyên suốt một bài hát dài 4-5 phút thì làm sao để giữ chân người nghe? Làm sao để cho người ta cảm thấy đủ hấp dẫn mà “đứng yên tại một chỗ” trong chừng ấy thời gian? Đã thế, tại sao có những bài 1 hợp âm lại còn hay hơn vô vàn các ca khúc nổi tiếng trên bảng xếp hạng Billboard ngày nay khi sở hữu “tới” 3 hợp âm mà vẫn mang cái tiếng “nhàm tai”?

Hãy thử bắt đầu bằng một ca khúc nổi tiếng của P!nk, “Get The Party Started”. Nói thật là đây không phải là ca khúc ưa thích của tôi từ cô ca sĩ tài năng này. Lần đầu nghe trên MTV thì điều khiến tôi thiếu hứng thú với bài này là sự đơn giản của đoạn điệp khúc mà không hay biết là vì nó chỉ có độc đúng 1 hợp âm Bm xuyên suốt cả bài. Và như các bạn đều biết, ca khúc 1 hợp âm này vẫn là một bản hit trong đĩa Missundaztood. Dù không thích nó như nhiều người khác, tôi phải công nhận “Get The Party Started” có một tiết tấu đầy funky và giai điệu trầm bổng lên xuống của đoạn verse tạo một ảo giác rằng chúng có một sự đưa đẩy về âm sắc như thể đến từ việc thay đổi của hợp âm.



Đến với ca khúc thứ hai, “Music” của Madonna. Khá hơn bài trên của P!nk là tôi không có một cảm nhận về sự nhàm tai nào rõ rệt như vậy. Hay cái là một ca khúc có cái tên “Âm Nhạc” hẳn hoi mà lại chỉ có độc hợp âm Gm. Đến đây bạn có thấy điểm chung giữa “Get The Party Started” và “Music” chưa? Đó là chúng đều theo phong cách Dance với tempo tương đối nhanh, có như thế mới tạo được hứng thú cho người nghe. Tưởng tượng với 1 hợp âm, nó giống như việc bạn đang ngồi trên chiếc ghế xoay tại chỗ. Nếu nó xoay chậm từ từ thì chả có gì hay ho cả. Nhưng một khi nó quay nhanh hơn khiến khung cảnh hơi nhoè đi là sự hưng phấn bạn sẽ tăng lên. Chính thế nên mấy bài 1 hợp âm phải đạt được hiệu ứng như vậy.


Ngoài việc bài “Music” của Madonna có phần giai điệu được viết rất tốt khi nó tạo được đối lập rõ ràng giữa verse (tông trầm) và điệp khúc (tông cao), âm thanh điện tử ảo diệu, những cú ngắt nghỉ, dừng ở nhịp điệu, biến đổi làm ta thấy sự khác biệt trong không khí nhạc, tạo nên một sự tương phản. Và như việc so sánh với chiếc ghế quay đó, khung cảnh xung quanh dù không thay đổi nhưng chúng vẫn khiến bạn thích thú khi khung cảnh đó quay tròn trước mắt, lúc nhanh, lúc dừng, lúc nghỉ.


Một ví dụ tương tự như “Music” là bài “Slow” cũng khá hay ho mà Kylie Minogue thể hiện ở hợp âm Bbm qua thứ nhạc điện tử rất chill. Bài hát nhấn mạnh sự tương phản rõ nét giữa số track nhạc dầy và dồn dập ở phần verse với âm thanh tĩnh lại hơn ở điệp khúc, tạo cảm giác mọi thứ chậm lại đúng như phần lời “slow”.


Có điều, ngoài Dance ra, các thể loại khác cũng phổ biến việc xuất hiện những ca khúc 1 hợp âm này. Khi nghe “Get The Party Started” của P!nk, ngoài phong cách Dance Pop, bạn thấy tiết tấu có gì hấp dẫn để người ta nhún nhảy không? Đó chính là thứ nhịp điệu groovy. Chính thế nên nhạc Funk có thể sử dụng bài 1 hợp âm vô cùng hiệu quả.



Trong bài “Thank You” của Sly & The Family Stone, thứ nhạc Funk của ban nhạc mang đậm nét của phong cách chơi nhịp điệu đảo phách, khiến cho giai điệu cuối cùng lại trở thành thứ yếu lùi về phía sau để cho nhịp điệu đứng lên làm chủ bài hát. Do vậy, khác các ví dụ trên, bài “Thank You” này có sức hút chủ yếu đến từ âm thanh chủ đạo của tiếng slap bass đầy hút hồn của Larry Graham và nhịp trống funky của Greg Errico. Với kiểu đảo phách trong phần rhythm như vậy, nhạc Reggae của Bob Marley & The Wailers vì thế cũng dễ dàng tận dụng được ưu điểm khi nhịp điệu là thứ ưu tiên trong bài “Exodus” mà không cần quá chú tâm cho một giai điệu đa dạng. Thay vào đó, tiếng bass, tiếng guitar riff, kèn và trống cùng bộ gõ là đã tạo nên thứ rhythm groovy đưa đẩy hơn cả việc đổi hợp âm.


Vậy tại sao người ta lại cứ phải sáng tác theo một hợp âm, khi thực tế là mấy bài này đều có thể chế lại thành 2-3 hợp âm, theo cách biến tấu từ hợp âm gốc, để cho thêm gia vị? Tôi nghĩ phần nhiều nó cũng như một thách thức thú vị với những nhạc sĩ tài ba. Chả thế mà đến ban nhạc bác học như Steely Dan chuyên sáng tác những bài có vô vàn hợp âm phức tạp jazzy lại có hẳn một bài là “Show Biz Kids” chỉ dùng độc một hợp âm Am7. Sự tương phản của bài này không quá rõ như những bản Dance kể trên, nhưng ngoài giai điệu groovy, sự ngẫu hứng như một bản jam dài đến từ tiếng slide guitar điện chơi solo đối ẩm với giai điệu hát chính và hát bè, cũng như những điểm nhấn của tiếng vỗ tay giữa bài và tiếng kèn harmonica cuối bài khiến cho độ dài hơn 5 phút của bản này trôi qua nhanh chóng.



Rồi cả nhạc sĩ được vinh danh của Songwriters Hall Of Fame, Bill Withers cũng thử sức với bài “Who Is He (And What Is He To You?)”. Lạ cái là những gì tôi đã đề cập ở trên không hề được Withers áp dụng, ngoại trừ phần tempo nhanh vừa phải. Rõ ràng là Withers không thèm thay đổi phần trống hay bộ gõ trong suốt cả bài, câu riff guitar cũng được giữ nguyên. Thế nhưng chỉ bằng giọng hát ngọt, câu bass ấm, và thỉnh thoảng có bộ strings kéo phía sau, bài hát vẫn mê hoặc lạ thường.


Nếu như các bài hát với nhiều hợp âm, sự hấp dẫn của nó phụ thuộc khá nhiều vào cách thức tạo độ căng (tension) từ một hợp âm bậc 5 và sau đó giải toả bằng hợp âm tông chính của bài theo cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên với bài 1 hợp âm, ta không có được công cụ hữu ích này. Thế nên tạo độ căng từ các hình thức khác là vô cùng quan trọng. Ở các ví dụ kể trên, độ căng được tạo bởi sự tương phản giữa các track nhạc to nhỏ, cao thấp, hay việc đảo phách đầy groovy thì ở bài “Who Is He” của Bill Withers, độ căng ông tạo ra từ tiếng strings kể trên và quan trọng nhất là từ chính các nốt giai điệu kết trong mỗi câu hát để chính phần riff guitar lặp đi lặp lại sẽ giải toả ở cuối mỗi khuông nhạc.



Đây cũng là cách Aretha Franklin sử dụng trong bài 1 hợp âm “Chain Of Fools”. Sự ngân nga và luyến láy ở các nốt cần giải toả, hoá ra lại có chung một gốc rễ rất bluesy. Cách thể hiện này vì thế còn xuất hiện ở trong nhạc Rock với ảnh hưởng nhạc Blues như bài “Whole Lotta Love” 1 hợp âm của Led Zeppelin qua lối hát đặc trưng của Robert Plant. Dĩ nhiên, dưới tài nghệ của các thành viên trong ban nhạc, những yếu tố mang lại sự hấp dẫn của một bài 1 hợp âm được Led Zeppelin tận dụng đầy đủ: (1) tempo nhanh, (2) sự tương phản của những đoạn nhạc tối giản nhạc cũ với cao tráo, (3) nhịp điệu groovy nhờ lối chơi đảo phách, (4) độ căng của giai điệu trầm bổng (5) bluesy và phần (6) jam đầy mãnh lực giữa bài.


Câu hỏi cuối cùng ở đây là tại sao mấy bài 1 hợp âm này lại không nhàm tai như mấy bản hit 3 hợp âm ngày nay?

Cái này thì là tuỳ gu nhạc và chưa chắc bạn đã đồng ý với quan điểm của người viết bài. Với tôi, mấy bài 1 hợp âm tưởng như “đơn điệu” này chính ra được produce một cách tinh tế khéo léo để sở hữu những yếu tố mê hoặc mà mấy bản hit thương mại hoá ngày nay không có được. Khi những bậc thầy sáng tác nhạc đã ra tay, thì họ che lấp được sự bó buộc và hạn chế của 1 hợp âm bằng các giai điệu trầm bổng quyến rũ, những nhịp điệu được chơi đầy phức tạp và kỹ thuật. Thêm nữa, các câu đàn phát ra từ các nhạc cụ đan xen làm giàu phần hoà âm, bỗng dưng biến cái điểm yếu 1 hợp âm lại trở thành điểm mạnh cho phần hoà âm tinh xảo của các track nhạc cụ.


Thế nên, những gì diễn ra trong âm nhạc thực sự muôn hình vạn dạng. Và sự sáng tạo được đẩy lên cao nhất cả khi người làm nhạc bị bó hẹp trong một giới hạn nhất định, hoặc âu đó cũng là một cách để họ phá vỡ cái khuôn mẫu làm nhạc của chính mình. Nói cho cùng, để sáng tác ra một bài nhạc 1 hợp âm mà hay thì cũng đáng nể lắm chứ!


Ngoài những ca khúc kể trên, các bạn cũng có thể tìm hiểu một số bài 1 hợp âm sau:

  1. Bob Marley - Get Up, Stand Up

  2. Creedence Clearwater Revival - Run Through The Jungle

  3. Harry Nilsson - Coconut

  4. Cream - Spoonful

  5. Jimi Hendrix - Machine Gun


Hẹn gặp lại!


Kroon

1,244 views

Recent Posts

See All
bottom of page