“I'm still alive but I'm barely breathin'
Just prayed to a God that I don't believe in”
Những lời hát cất lên từ Danny O’Donoghue bỗng trở nên có thêm một lớp nghĩa bên cạnh ý tứ về tình yêu không trọn vẹn từ sau khi người bạn, tay guitar Mark Sheehan đột ngột ra đi sau khi bị bệnh vào năm 2023. Cùng tay trống Glen Power xây dựng nên ban nhạc The Script từ giữa thập niên 2000s sau những năm tháng mà bộ đôi Danny và Mark bắt đầu sự nghiệp âm nhạc trong một boyband với cái tên MyTown mà giờ chẳng ai còn nhớ tới, bộ ba đã cùng nhau bay một lèo từ album đầu tiên khi không mấy người biết cái tên The Script từ đất nước Ireland nhỏ bé, tới những khoảnh khắc huy hoàng tại sân vận động Croke Park ở quê nhà trước 82 ngàn người, cùng bạn bè và gia đình. Để rồi sau 6 album cùng nhau, Mark Sheehan bỗng đột ngột rời bỏ thế giới, và thả trôi những giai điệu đẹp đẽ mà The Script hằng theo đuổi.
Mark Sheehan không đến với âm nhạc và cây guitar ngay từ đầu. Khi đến tuổi mới lớn, Sheehan chọn giao du với đám thanh niên học đòi trở thành giang hồ hẻm: trộm xe hơi, phá làng phá xóm, thậm chí cả đột nhập vào nhà người khác để chôm đồ. Đến một ngày Sheehan chôm tiền nhà để đi chơi, để rồi khi quay về bắt gặp hai vị cảnh sát chờ mình ngay tại nhà.
Bố mất sớm và được nuôi lớn từ mẹ, Mark Sheehan khi đó đã hiểu ra niềm tin và sự kỳ vọng của mẹ anh đã cạn kiệt. Mark quyết định phải thay đổi và may mắn thay, âm nhạc và gia đình đã kéo anh ra khỏi những rắc rối. Quãng thời gian đen tối bỗng trở thành nguồn cảm hứng để Mark viết nhạc.
15 tuổi, Mark Sheehan bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với vai trò nhảy và hát, chứ cũng không phải với cây guitar Gibson như cách mọi người thường thấy. Nhưng xin chớ bị đánh lừa bởi cái tham vọng nghe rất boyband đó, bởi Sheehan đã lẳng lặng tự thiết kế một cái studio cho riêng mình ở sau nhà bằng tiền đi dạy nhảy của mình. Cùng với cậu bạn thân Danny O'Donoghue, cả hai dành tất cả thời gian rảnh trong đó để viết nhạc và cùng nhau mơ về những thứ lớn lao.
Tự tin có thừa, hai ông bạn tuổi teen sau khi tình cờ gặp được Paul McGuinness, quản lý của nhóm U2, ở Studio nơi Mark dạy nhảy; đã không ngần ngại đưa McGuiness cuốn băng demo của họ. Dù không mấy ấn tượng với thứ âm nhạc acoustic và hát bè mà hai cậu nhóc mang tới, McGuinness lờ mờ thấy điều gì đó ở những bản hòa âm nhiều lớp lang mà hai cậu nhóc này tự thu toàn bộ, ông quyết định ký hợp đồng với hai cậu dưới cái tên MyTown cùng với hai ca sĩ khác. Album đầu tay của MyTown đậm chất R&B được phát hành năm 2000, và bộ đôi Mark và Danny bỗng xuất hiện tại Mỹ đi tour cùng với những boyband girlband thời thượng khi đó. Sau 4 năm làng nhàng, MyTown rã đám. Có lẽ cái ngành R&B chật chội không có chỗ cho mấy cậu trai “nửa mùa” tới từ Ireland xa xôi. Nhưng dù sao thì thị trường rộng lớn ở Mỹ vẫn có chỗ cho Mark và Danny ở lại kiếm sống bằng việc sản xuất cho những Britney Spears hay TLC, cũng như cơ hội được cộng tác với những nhà sản xuất danh tiếng như Babyface và học hỏi được rất nhiều từ anh này.
Rồi chỉ tới khi cả hai gặp được tay trống Glen Power vào năm 2005 ở Dublin, những ý tưởng âm nhạc của Mark và Danny mới có thể trở thành ban nhạc The Script. Với khả năng chơi trống đa dạng của Glen Power từ Funk tới Rock và cả Hip-Hop, The Script đã có thể mang theo những âm hưởng R&B ưa thích vào thứ nhạc Pop Rock của mình.
Phải thú thực, tôi không có ấn tượng nhiều với âm nhạc của The Script khi lần đầu nghe họ khi có quá nhiều công thức chiến thắng để tạo ra những bản Pop hit – tôi nghĩ họ chỉ là một band khác chuyên đào đi bới lại 4 hợp âm quen thuộc (I, IV, V, iv) và những giai điệu touchy. Chỉ đến khi tôi phát hiện ra Mark Sheehan cố gắng tạo ra những chuyển biến tinh tế trong các câu đàn, trong khi Glen Power luôn biết cách tạo ra những câu beat thôi thúc và thỉnh thoảng đá thêm những câu chuyển đầy funky giữa phần nhạc nghe tưởng sạch sẽ và giản đơn của họ, tôi bắt đầu để ý hơn và thử bắt theo các hợp âm của họ. Sẽ luôn bắt đầu bằng phần rhythm từ cây guitar của Mark Sheehan hoặc keyboard của Danny, và Glen Power sẽ nhồi nó lên xuống trong suốt cả bài hát của The Script. Và dù nhạc nghe đơn giản, cách The Script chọn chuỗi hợp âm, dù thường vẫn chỉ loanh quanh ở con số 4, xem ra là điểm sáng sủa và gây bất ngờ nhất của họ.
Có khá nhiều ví dụ về âm nhạc của The Script để nhận ra khả năng viết nhạc tuyệt vời của Mark Sheehan. Không phải là một tay guitar thiên về những câu riff đáng nhớ, thế mạnh của Mark Sheehan nằm ở tiếng đàn đầy giai điệu ở phía sau câu hát, và quan trọng hơn là việc anh biết cách chơi tối giản để gợi ý và dẫn dắt đôi tai người nghe, hơn là tạo ra những màn guitar hoành tráng.
Hãy thử đến với hai ví dụ sau đây về câu đàn của Mark Sheehan.
1. “If You See Kay” (Gm Dm C Eb)
Đây chính là bản nhạc đầu tiên khiến tôi phải chú ý tới The Script. Đoạn đầu của “If You See Kay” bắt đầu từ hợp âm thứ và dịch chuyển lùi dần tạo ra cảm giác giống như “Shape of My Heart” của Sting, một bản nhạc đã được quá nhiều người học theo lẫn sử dụng làm sample. Chưa có gì quá đặc biệt cho đến khi vào đoạn verse, Mark Sheehan vẫn chơi cùng mô típ ấy nhưng bỗng kéo chậm lại khoảng 1/8 nốt ở những nốt đầu tiên (nốt gốc) của hợp âm và dường như chỉ gảy lên dây đàn sau khi tiếng trống của Glen Power chấm dứt, thay vì chơi cùng nhịp điệu với phách mạch của trống. Phần rhythm của Mark vì vậy bỗng có cảm giác trễ lại và “nhường” toàn bộ không gian cho phần hát của Danny bay vọt lên.
Thế rồi tôi còn biết Mark Sheehan còn “nghịch ngợm” với các loại tuning không tiêu chuẩn khác nữa.
2. “Nothing” – Chơi ở tuning E-A-D-F#-A-e và chơi theo mô típ D-Asus4-Bm-Gmaj7
Rõ ràng vẫn là mô típ xoay quanh 4 hợp âm “nhẵn mặt” ở giọng D major là D, A, Bm, và G, điều đặc biệt ở câu guitar dạo đầu này là ở chỗ nốt D ở dây 4 chơi xuyên suốt và “lọt khe” giữa nốt gốc ở dây 6 và nốt thứ 5 của hợp âm chơi ở dây 2.
Tôi đã thử chơi theo bài này trên guitar ở tuning tiêu chuẩn, và dĩ nhiên nó có thể chơi được, những ngón tay cứ đá vào nhau đã khiến tôi tò mò xem video biểu diễn của The Script và phát hiện ra thế tay của Mark và Danny siêu đơn giản chỉ với 2 ngón bấm. Nó giúp cho Mark có thể chạy nhảy khắp sân khấu và hát bè.
Câu guitar ở đoạn dạo và verse do đó chỉ tạo ra với 2 nốt chính (và nốt D xuyên suốt kia): E thấp và A cao (và D có sẵn) tạo ra D/E, D thấp và A cao tạo ra hợp âm D5, B thấp và F# cao (và D) tạo ra hợp âm Bm, và A thấp và E cao (và D) tạo ra hợp âm A5; và khi Danny cất giọng hát lên, nốt F# đã biến D5 thành D ở hợp âm thứ hai, và nốt C# đã biến A5 thành A tròn trịa ở hợp âm thứ 4.
Tôi đoán cách căn dây này giúp cho Mark Sheehan chỉ cần nhấn 2 nốt trên phím đàn và “quạt chả” hợp âm với dây buông ở đoạn điệp khúc mà vẫn tạo ra những hợp âm thú vị. Đặc biệt hơn, những dây buông kia đã khiến cho những hợp âm 4 gam thông thường (đáng lẽ là D-A-Bm-G) đã trở nên thú vị hơn hẳn với D-Asus2-Bm-Gmaj7 ở đoạn điệp khúc khi cả ban nhạc cùng quạt lên dây đàn mạnh mẽ.
· Khi chơi ở phím 10 (dây 6) & 12 (dây 2), đó là hợp âm D (D-A-D-F#-A-x)
· Phím 5 (dây 6) & 7 (dây 2), đó là Asus4 (A-A-D-F#-E-x)
· Phím 7 (dây 6) & 9 (dây 2), đó là Bm (B-A-D-F#-F#-x)
· Phím 3 (dây 6) & 5 (dây 2), đó là Gmaj7 (G-A-D-F#-D-x)
Tôi khá chắc về việc Mark chỉnh dây đàn số 2 từ B thành A và giữ nguyên dây 4 là D cũng như dây 6 là E, mặc dù không chắc lắm về việc anh vặn dây 3 thành F# (cũng có thể là E). Nhưng đó cũng là lý do tại sao nhạc của The Script gây tò mò ghê gớm, bởi vì khi nghe qua ta tưởng như đó là 4 hợp âm mà ai-cũng-biết-là-gì-đấy, để rồi khi mầy mò trên cây đàn của mình, ta mới phát hiện ra nó không dễ để bắt chước theo.
Riêng về khoản không dễ để bắt chước theo, tay trống Glen Power thậm chí còn ở đẳng cấp hơn hẳn.
Chơi trống từ năm 8 tuổi, Glen Power bắt đầu học hành bài bản từ năm 15 tuổi từ trường Newpark Music Centre. 16 tuổi, Glen đã bắt đầu chơi trống chuyên nghiệp trong làng nhạc ở Ireland vừa với vai trò lưu diễn và cả thu âm session trong studio.
Điều tâm đắc nhất mà Glen Power từng nghe Mark Sheehan chém khi mới gặp nhau, ấy là lời hứa anh em mình sẽ cùng nhau lên đỉnh. Mark Sheehan đã giữ lời.
Chơi ở trong ban nhạc chỉ có 3 người và thường xuyên lấp đầy những hội trường lớn với hàng chục ngàn khán giả, Glen Power chắc chắn phải biết cách lấp đầy những phần nhạc bằng các câu beat lẫn những câu dồn đắt giá của mình. Thú thực, với tôi Glen Power chơi không khác gì một tay trống Progressive Rock.
3. “Hall of Fame” – đơn giản với (Gm Eb Bb F)
Một bài nhạc Pop pha lẫn chút rap với công thức beat đơn giản. Nhưng để mở đầu, Glen Power có một màn chơi lệch nhịp cực dị và hiếm thấy trong nhạc Pop. Tôi đã từng giật mình vì tưởng như anh tính chơi polyrhythm với phần keyboard miên man, nhưng rồi chỉ thế thôi, Glen Power đã quay lại với nhịp 4 thông dụng trước khi Danny bắt đầu phần rap của mình.
Không hào nhoáng và show off, Glen Power biết cách thể hiện mình chỉ trong một tích tắc và khiến cho người nghe phải giật mình.
4. “This = Love” – Beat lạ (D Bm A Em)
Lại một bản nhạc 4 gam nhưng không nhất thiết phải chơi theo kiểu D-Bm-A-G, The Script lần này thay G bằng Em (hai âm giai có các nốt giống hệt nhau) và khiến cho bài hát trở nên trùng xuống ở hợp âm cuối.
Nhưng quan trọng hơn cả, phần beat cực lạ từ Glen Power mới là thứ khiến bài hát trở nên thật ăn khách.
Glen Power vê trống như một nghệ sĩ nhạc Jazz, rồi nện vào mặt snare tới 3 lần trong một khuông nhạc. Glen Power làm chúng ta nhớ tới Nu Metal ở thời cực thịnh nhất và việc tạo ra một câu riff xuyên suốt cho bài hát của Mark Sheen bỗng trở nên thật đơn giản. Và y như rằng, sau đó có một phần rap để thêm phần hào hứng cho bài này.
Thời gian cuối thập niên 2000s và đầu thập niên 2010s có lẽ là thời của The Script, khi họ liên tục chinh phục UK tới US, đi tour để chơi khởi động cho từ U2 cho tới Paul McCartney lẫn việc xuất hiện trên khắp các chương trình TV như Ellen DeGeneres, Jimmy Kimmel, hay David Letterman. Album đầu tay của họ bán được cả triệu bản và tổng số đĩa mà The Script bán được cũng đã gần tới con số hai chục ngàn.
Bán được nhiều đĩa như vậy, nhưng The Script vẫn chưa thể nào vươn tới tầm của những ban nhạc Pop Rock đại chúng kiểu như Imagine Dragons, những người chắc chắn có vòng hòa âm nghe đơn giản hơn nhiều, một phần cũng bởi họ tới từ đất nước Ireland nhỏ bé, nơi U2 và The Cranberries rõ ràng đã chiếm hết những ưu ái của khán giả, nhưng một phần khác cũng bởi mọi người không ưa ca sĩ chính Danny O’Donoghue.
Đây nhé, Danny liên tục bị chỉ trích là kẻ nhạt nhất trong bộ tứ khi tham gia làm huấn luyện viên cho chương trình The Voice của UK (bên cạnh will.i.am, Jessie J, và Tom Jones). MC của talk show lừng danh James Corden thì chơi chữ khi móc mỉa gọi tên Danny là Danny I-Don’t-Know-Who (thay vì O’Donoghue). Và ngay cả lần hiếm hoi khi The Script được mời tới dự tiệc ở nhà của Bono (nhóm U2), Danny cũng ưu tiên mấy chai riệu của Bono hơn là việc ra bắt chuyện với ban nhạc nổi tiếng nhất Ireland này, tới mức khi không còn có thể đứng vững nổi và phải nhờ Mark Sheehan kéo về, Danny còn kịp té nhào và dùng mặt của mình để trượt xuống từng bậc cầu thang ra tới cửa nhà Bono – ngay trước mặt bốn thành viên nổi tiếng bậc nhất Ireland này.
Tới mức, Danny O’Donoghue đã từng phải cay đắng thừa nhận trong những buổi phỏng vấn: mọi người chỉ thích nhạc của bọn tao chứ không thích bọn tao.
Nhưng không phải vì thế mà mọi người có thể phủ nhận giọng hát mai mái đầy cảm xúc của Danny. Đó có thể là những khúc nức nở như trong "If You Ever Come Back" hay "Exit Wounds", hoặc thậm chí hát một nốt nhưng vút từ nốt gốc lên tới nốt cao hơn một quãng 8 như trong “Breakeven”, ca khúc có lẽ được biết tới nhiều nhất của The Script.
5. “Breakeven“ – (Eb Bb F Gm7) cũng 4 gam nhưng nó lạ lắm.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như nhắc tới The Script mà không nhắc tới bản hit lớn nhất của họ, “Breakeven”. Cũng giống như bài “Nothing” đã nhắc ở trên, cả một đoạn dài trong bài này với dường như tất cả các hợp âm của guitar chỉ chơi với 2 nốt là một điều khá thú vị.
Lần này Mark Sheehan không dùng nốt gốc và nốt thứ 5 trong hợp âm để tạo ra nhạc mà chỉ đích danh hợp âm bằng cách dùng nốt gốc và nốt thứ 3 trong hợp âm. Anh bắt đầu âm đầu tiên với hai nốt chơi qua chơi lại liên tục là Eb và D gợi ý tới hợp âm Ebmaj7, một hợp âm khá chơi vơi để rồi bắt buộc phải giải quyết bằng các hợp âm “tròn trịa” phía sau. Và 3 hợp âm sau đó:
· Bb và D chỉ ra hợp âm Bb
· F và A chỉ ra hợp âm F
· G và Bb chỉ ra hợp âm Gm.
Giai điệu của Danny trong đoạn đầu chỉ ở quanh ở mấy nốt D, C, Bb, F, G rõ ràng đã ghim 4 hợp âm này vào một chỗ và Mark Sheehan không cần thiết phải chơi thêm một nốt nhạc thừa nào nữa.
Cho đến đoạn điệp khúc, có lẽ tất cả đều phải ấn tượng khi giọng của Danny vút lên cả một quãng 8 tạo ra sức căng khủng khiếp, để rồi sau đó những lời lẽ sau đó như tuôn trào không kịp thở.
What am I supposed to do when the best part of me was always you? And
What am I supposed to say when I'm all choked up that you're okay?
Khả năng hát như đuổi theo câu chữ và nhất là khả năng viết những lời lẽ nghe thật đến tận đáy lòng có lẽ là điểm mạnh nhất của Danny.
Những ca khúc như “The Man Who Can't be Moved”, khi Danny viết về một tình yêu dang dở đối với anh, hay như “If You Could See Me Now”, nơi Danny và Mark viết về người cha của Danny và mẹ của Mark vừa mới ra đi không lâu trước đó; đều đã chinh phục được người nghe bởi khả năng tự sự và sự chân thật không hoa mỹ.
The Script có lẽ chưa bao giờ tìm cách làm cho họ trở nên phức tạp hơn, ít nhất là cho tới khi Mark Sheehan ra đi vào năm 2023. Nhưng luôn đau đáu với việc vứt bỏ hết các rào cản trong sáng tạo, cũng như tạo ra sự khác biệt với những ban nhạc hay nghệ sĩ Pop Rock khác, The Script luôn có thừa “kiểu cách” trong cách chơi nhạc tưởng chừng như chỉ với 4 gam thông dụng của họ, khi thì là những hợp âm không đủ đầy, khi thì là những groove không thể lẫn vào chỗ khác.
Nhưng có nhiều chỗ cũng phải nghe méo cả tai mới thấy, các ông ạ.
Hẹn gặp lại!
R.I.P Mark Sheehan (29.10.1976 - 14.04.2023)
Kcid