Cách đây đã lâu, bọn tôi đã từng đề cập tới mối quan hệ của anh em nhà Gallagher như là một trong những mối quan hệ hục hặc bậc nhất trong nội bộ một ban nhạc. Và hôm nay có lẽ là dịp tốt để được nhắc tới một mối quan hệ khắc khẩu nhưng đầy thú vị không kém, giữa hai (trong ba) tay chơi nhạc của The Police: tay trống Stewart Copeland và tay bass/ca sĩ chính Sting.
“Sting đã từng cư xử như một cục mứt hồi trước. Và giờ thì cậu ta đã biến thành cục mứt thật!” - Stewart Copeland.
Thú vị là ở chỗ, Copeland ghét Sting thì đã đành, dường như chả ai trong giới âm nhạc ưa Sting cả. Riêng khoản này thì hẳn là ăn đứt anh em nhà Gallagher. Nhắc đến Sting là nhắc đến sự giả tạo. Gì nữa, đanh đá. Hời hợt. Quê kệch. Vụ quê kệch thì tôi có thể hiểu được, vì Sting vốn là người gốc phía Bắc nước Anh từ Newcastle. “Geordie”, hay “dân mỏ”, vẫn là biệt danh mà mấy người từ phía Nam hay chọc đám trên đó. Tôi cá là nếu mọi người không quá bận rộn, chắc hẳn đã có một cuộc thi xem ai sỉ nhục Sting giỏi nhất. Nhân tiện thì Brian Johnson của AC/DC và Mark Knopfler cũng là hai trong số rất nhiều “Geordie” nổi tiếng khác mà không bị ghét. Cũng có thể tại Sting người phía Bắc mà tập tành nói giọng London?
“Mấy bộ hài cốt già nua ẩm mốc” – John Lydon của Sex Pistol đã từng mô tả về tour tái hợp của The Police nhẹ nhàng như thế.
“Bất cứ ai đã 60 tuổi mà vẫn cho mình là Sting thì đều là thằng ngốc” – Simon Cowell trả lời phỏng vấn Piers Morgan.
“Bố tôi đạp phải chân gã và gã cáu bẳn lại, dù mới chỉ là tay ca sĩ trẻ măng nhưng đã có thái độ rất punk. Bố tôi dĩ nhiên như kiểu một con khủng long đứng cạnh gã dù lúc đó ông mới 32 tuổi. Sting la lên ‘đừng có đạp lên đôi giày da lộn màu xanh của tôi’, và bố tôi chỉ đáp lại rằng ‘tao sẽ đạp lên cái đầu thối của mày trong 1 phút nữa”. “Bố tôi” chính là John Bonham qua lời kể của Jason Bonham.
“Thỉnh thoảng tao cũng thấy sợ khi phải là Ozzy Osbourne. Nhưng sự thể có thể còn tệ hơn, nếu như tao là Sting.” – John Osbourne, tự là Ozzy.
Có nhiều khán giả thậm chí ghét Sting chỉ vì tên anh là một động từ chứ không phải danh từ!?!?? Đến như ông bạn tôi hồi học cấp 2 còn ghét Sting đến mức đã gọi Sting là “khốn nạn” từ hồi bé tí đấy. Theo lý lẽ của ông này, Sting toàn lấy bài của Bryan Adams đi hát để nổi tiếng trong khi không viết lại được cho Bryan Adams bài nào cho ra hồn. Dĩ nhiên, Bryan Adams thì khỏi phải nói lúc nào cũng nằm trong danh sách hâm mộ của đám thanh niên thời ấy, nên xem ra ca sĩ nhạc Pop mà có giọng hát như ca sĩ hát Metal (tôi không có ý là còn gớm hơn cả Bryan Adams) cũng đáng để bị ghét rồi.
***
Thanh niên chơi bass Gordon Sumner, lúc ấy hãy còn là anh giáo gõ đầu trẻ, đã được tay trống Stewart Copeland thu nạp vào band của mình trong một lần đánh quán. Ấn tượng với giọng hát và khả năng chơi bass điêu luyện, Copeland không ngờ Sting còn có khả năng viết nhạc. Chiếc áo len màu vàng có sọc ngang màu đen (hoặc cũng có thể là áo màu đen có sọc vàng) tối nào cũng mặc trên sân khấu của anh đã khiến đám khán giả lập tức liên tưởng tới một con ong và gọi anh là ‘Sting’ từ đấy.
Khi còn chưa có tiếng tăm, Sting đã chấp nhận đây là ban nhạc của Copeland, và ngay khi họ may mắn tìm được tay guitar có lối chơi sử dụng hiệu ứng ảo diệu là Andy Summers, cái tên The Police ra đời và ban nhạc ba mẩu này nhanh chóng tìm được chỗ đứng của mình với thứ âm nhạc pha trộn tạp pí lù từ punk tới jazz tới reggae. Thành công nhanh chóng của The Police cũng nhờ ba ông chơi nhạc đều đến từ những cái gốc khác nhau, và thứ âm nhạc mới mẻ của họ dường như xuất hiện thật đúng lúc khi phong trào punk đã bắt đầu thoái trào.
The Police thu với nhau 5 album và đoạt 6 giải Grammy cho sự nghiệp âm nhạc ngắn ngủi của họ. Dù hục hặc với nhau như vầy (hoặc chí ít làm đám báo chí Anh Quốc đã chăm chăm tập trung quá mức vào những mâu thuẫn nội bộ của ban nhạc này), không ai có thể phủ nhận sức hút từ khả năng viết nhạc tuyệt với của Sting với những “So Lonely”, “Message In The Bottle”, cho tới dĩ nhiên là “Every Breath You Take” sau này. Ấy là chưa kể khả năng viết nhạc của Stewart Copeland với Andy Summers cũng đều ở hàng cự phách với những ca khúc tuyệt vời như “Bombs Away” hay “Reggatta de Blanc”. Chỉ có điều, sức ảnh hưởng không thể chối cãi của Sting càng ngày càng bao trùm và dường như từ album thứ 3, anh em bắt đầu cảm thấy mình như là người làm thuê cho Sting. Ghét!
Một ví dụ điển hình là Sting ghét cay ghét đắng bài “Behind My Camel”, một ca khúc mà Andy Summers sáng tác. Ngày Andy thu bài đó trong phòng thu, Sting giấu biệt hết đám băng thu âm đi để Andy không thu được. Chả cần, Andy Summers thậm chí còn tự thu phần bass cho bài này và The Police sau còn đoạt được một giải Grammy cho bản instrumental hay nhất dành cho “Camel”. Cũng có thể do Sting hơi “nhạy cảm” với trò đùa tế nhị của tay guitar của mình khi đặt tên cho bài hát: có gì đằng sau con lạc đà của tớ ư? Một đống mứt.
Mãi rất lâu sau này khi The Police tái hợp, Sting với Copeland mới nhận ra họ vẫn có thể là bạn và những cư xử thời đó đúng nghĩa là từ những gã trai tỏ ra nguy hiểm. Hai ông bạn già cũng nhận ra sự khác nhau trong quan điểm âm nhạc cũng là thứ khiến họ không thể hòa hợp được. Với Sting, âm nhạc là một thứ trị liệu và là nơi giải thoát của anh khỏi thế giới nhọc nhằn, trong khi với Copeland, âm nhạc là để vui vẻ. Không có âm nhạc, hóa ra họ vẫn là bạn. Còn khi cùng nhau làm nhạc, họ không thể dung hòa. Đỉnh điểm là vào năm 1983, Stewart Copeland thậm chí lao vào đấm Sting không trượt phát nào và gẫy luôn cả xương sườn của tay ca sĩ của The Police - sau đó đã phải đi cấp cứu trong bệnh viện.
Ban nhạc là thứ bỗng trở nên quá dân chủ và hiền hòa đối với Sting. Anh dần hết chịu nổi việc phải nói với người khác là bài này không hay và anh không thể chấp nhận ý tưởng âm nhạc của ai đó trong album tiếp theo(!) Trong khi Copeland thì luôn tâm niệm mình là con người của tập thể, còn Summer thì không mấy khi xen vào cuộc cãi vã của hai tay kia, rõ là cái tính “diva” của Sting đã ngày một ních rộng cái khoảng cách giữa anh và hai tay còn lại, và nó sớm hay muộn cũng không giúp gì cho sự tồn tại của The Police. Năm 1984, Sting rời nhóm The Police. Và Sting từ đó đã không còn phải đắn đo trước khi nói với ai đó rằng bài hát của họ không đủ hay với anh.
Có lẽ đó là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử khi ban nhạc tan rã ngay ở thời kỳ đỉnh cao phong độ của họ. Đã có không ít lời khuyên dành cho Sting và các đồng đội hãy cắn răng kiếm thêm chút, làm thêm vài cái album, hay thực hiện vài cuộc world tour để đời. Nhưng không, đối với Sting, The Police chỉ kìm hãm sự phát triển các ý tưởng âm nhạc của anh. Anh muốn chơi nhiều hơn 3 cây và thử thách những âm thanh mới. Và kể cũng ngạc nhiên, vì Stewart Copeland cũng đồng tình với việc rã band, khi những thành viên trong ban nhạc không còn toàn tâm toàn ý nữa. Có lẽ từ đây mọi người bắt đầu nhận ra Sting thật đáng ghét.
***
Không còn Andy Summers tài năng, Sting tìm được Dom Miller chơi guitar cho mình. Không còn Stewart Copeland đại tài giữ nhịp, Sting thậm chí còn chiêu mộ được Vinnie Colaiuta lừng danh từ ban nhạc của Frank Zappa. Tận dụng đà đang nổi của The Police, Sting khẳng khái ra đĩa nhạc của mình trong tâm thế mọi người sẽ đón chờ nhạc của mình với tất cả sự tò mò. Chả gì thì Sting cũng viết không biết bao nhiêu ca khúc hit cho The Police. Nhưng thành công trong cả sự nghiệp chơi band lẫn solo như Sting thì khiến nhiều người ngứa mắt.
Kết quả lại y như Sting dự đoán mới chết. Album đầu tay của Sting, The Dream of the Blue Turtles (1985), đã lập tức dành được sự công nhận và dường như việc đả phá các bảng xếp hạng khắp nơi đã trở thành thói quen sau này của Sting. Với sự tham gia của Dom Miller không lâu sau đó, anh này cũng đã nhanh chóng chứng tỏ mình là một tay guitar cự phách có thể cân được bất cứ thể loại gì mà Sting nghĩ ra. “Fragile” hay “Shape of My Heart” chẳng hạn. Ca khúc “Shape” với vòng hòa âm guitar tuyệt đẹp này không ngờ lại có thể trở thành một trong những bài được sample nhiều nhất trong thể loại nhạc r&b và hip hop sau này. Kể cũng là 1 lý do tốt để ghét Sting.
Còn Vinnie Colaiuta, lâu lâu lại đem tới cho âm nhạc của Sting nét jazzy cần thiết cũng như những cú chuyển mình đậm nét progressive đầy tinh tế. Đóng góp của Vinnie Collaiuta rõ nét nhất có lẽ là từ album Ten Summoners Tales (1993), với một loạt những ca khúc “khó chơi” như “Seven Days”, “Field of Gold”, và đặc biệt là “Shape of My Heart”. Khi Vinnie Colaiuta mệt mỏi với lịch lưu diễn dày đặc của Sting và xin rút, Sting vẫn luôn tìm được những tay trống cự phách giữ nhịp cho mình như tay trống gốc punk Josh Freese hay tay trống jazz Manu Katche. Vẫn không có nhiều người nhận ra Sting hóa ra cũng là một bậc virtuoso cùng cây bass, nên có thể thu hút được những kẻ virtuoso khác quanh mình. Thực tế bề dày sự nghiệp solo của Sting đã chứng tỏ xung quanh anh vẫn luôn có những người giỏi nhất chơi nhạc cùng. Kể cũng đáng ghét.
Và phần còn lại trong làm nhạc dĩ nhiên là được đảm bảo từ vị chủ thớt của chúng ta rồi. Tôi luôn bị cuốn hút với những vòng hòa âm của Sting, khi 2 hợp âm đầu thường nghe rất mồi chài như những bài nhạc 4-gam truyền thống, nhưng từ hợp âm thứ 3 trở đi sẽ luôn là thứ gì đó gây ngạc nhiên. Nhạc của Sing luôn đảm bảo không bao giờ thiếu các yếu tố gây ngạc nhiên, âm nhạc nhiều màu sắc và gợi trí tưởng tượng, cùng với cách kể chuyện bằng lời thơ phong phú và lâu lâu thọt vào một câu hát đầy triết lý.
Đến mức Stewart Copeland còn đã từng phải thừa nhận, Sting mà cãi nhau với Copeland về chuyện gì thì chỉ có thua, nhưng kiểu gì gã đấy cũng chui về phòng suy nghĩ và sau đấy phọt ra 1 câu gì đó không liên quan nhưng chiến thắng tất cả các cuộc tranh luận. Chẳng hạn như khi hai tay này cãi nhau về chiến tranh lạnh, Sting đã quay lại với câu lyric đắt giá “the Russians love their children too” trong bài “Russians” của anh. Copeland chỉ còn cách kết luận: không ai cùn bằng nhà thơ.
Chưa kể, thử nghĩ xem nếu không có Sting và The Police thì khán giả chắc còn lâu mới dược biết đến dòng nhạc reggae hay như thế nào – thứ được ‘tiêm nhiễm’ và pha lẫn vào chất punk ngay từ album đầu của The Police – hoặc giả như thứ nhạc của châu Phi đầy màu sác được pop hóa trong “Desert Rose” của anh. Nghĩ về sự đa dạng văn hóa cũng như những thể loại nhạc từ những góc hẻm của thế giới mà gã này đem tới cho thế giới nhạc Pop, kể ra cũng có phần đáng ganh tỵ.
***
Ở tuổi 70, Sting vẫn nhìn thật khỏe mạnh và tiếp tục đi lưu diễn dài ngày. Cho đến tận bây giờ, kể cả chẳng làm gì thì Sting vẫn đều đặn nhận 2000 đô mỗi ngày tiền royalty cho ca khúc “Every Breath You Take”, ca khúc mà theo thống kê không chính thức được phát trên radio nhiều nhất trong lịch sử. Đó là một khoản lương cỡ 750 ngàn đô một năm cho một ca khúc thực ra có lời lẽ hơi bệnh hoạn nhưng ai cũng tưởng là một bản tình ca. Chưa kể, đó chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Sting, thứ lặng lẽ giúp anh trở thành một trong 10 nghệ sĩ giàu nhất nước Anh, sánh vai cùng những bậc phú hào như Elton John hay Paul Macca.
Riêng món này thì bị ghét là phải.
Hẹn gặp lại.
Kcid
Kommentare