top of page

Busta Rhymes giỏi nhất cướp sóng người khác

Method Man nắm giữ một trong những kỹ thuật flow đỉnh nhất Hip Hop. Tôi thích cả flow của Biggie, Bone Thugs, Eminem, Slick Rick và Snoop. Nhưng không một ai trong những người kể trên có thể liên tục thay đổi nhịp điệu và tốc độ rap nhiều như Busta. Cậu ấy sử dụng cái miệng như một cây đàn piano lướt trên các phím. Flow của cậu ấy thực sự không ai có thể so bì được.


Big Daddy Kane nói vậy về Busta Rhymes sau khi huyền thoại này vừa đưa ra nhận xét trước đó, rằng Busta có kỹ thuật flow giỏi nhất trong Hip Hop luôn, khỏi bàn cãi. Kane lấy bản track “Turn It Up” của Busta ra làm ví dụ, chỉ trong một bài, anh này thay đổi flow đến 7 lần và không ai khác làm như vậy cả.


Để một huyền thoại như Kane phải thốt ra những lời có cánh như vậy thật đáng để Busta Rhymes phải tự hào.


Nhưng đó chỉ là về flow. Thực tế rằng mặc dù Busta Rhymes được bao anh tài trong Hip Hop kính trọng, anh ít khi được nhắc đến như một trong những rapper vĩ đại nhất. Đó cũng vì nội dung rap của anh chưa đủ sâu và các bài trong một album của anh chưa đủ sự đồng nhất về chủ đề, âm sắc, nội dung, hay chất lượng để thành một album kinh điển.

Busta Rhymes có một số album hay đáng để nghe như The Coming (1996), When Disaster Strikes… (1997), E.L.E. (Extinction Level Event): The Final World Front (1998), Genesis (2001). Bên cạnh những bài đỉnh cao như “Woo Hah!! Got You All In Check”, “Put Your Hands Where My Eyes Could See”, “Turn It Up”, “Break Ya Neck”, tuy vậy, cũng có một số track trong mỗi đĩa đó không vươn đủ tới chất lượng cần có, mà giống các bản filler làm đầy các album có thời lượng hơi bị quá dài. Chưa kể, chất giọng gằn và khàn đặc của Busta cùng với cái năng lượng dồi dào khi anh mang tới mỗi lần rap thực ra lại gây mệt tai nếu nghe nhiều nhạc của anh liền tù tì. Đó là lý do album The Big Bang (2006) do Dr. Dre làm executive producer lại là album có sự đồng nhất và hấp dẫn về âm sắc nhất. Sự tối giản trong “Get You Some” với Marsha AmbrosiusQ-Tip, hay “Touch It”, và nhẹ nhàng trong “Been Through The Storm” với Stevie Wonder, hoặc “Legend Of The Falls Off” xen kẽ giúp cân bằng âm nhạc với năng lượng hừng hực từ Busta Rhymes. Cho tới album gần nhất Extinction Level Event 2: The Wrath of God (2020), không còn định hướng của Dr. Dre về nhạc, dẫn tới việc là Busta lại rơi vào cái bẫy của sự hỗn độn, thiếu đồng nhất trong album thời lượng quá dài, dù rằng đây vẫn là một album khá ok.


Thế nên với Busta Rhymes, người ta đa phần thích nghe anh rap điểm xuyết thôi. Và như vậy, sẽ là lý tưởng nếu như Busta Rhymes được cộng tác cùng ai đó và cùng nhau xây dựng bài với tư khách là khách mời hoặc chủ nhà. Những lần như vậy, thực tế đã cho thấy rằng, người yêu nhạc Hip Hop lại sướng rên lên khi Busta cất giọng, và đa phần mọi người đều phải thốt lên rằng “Busta Rhymes ăn đứt những người khác trong bài này”.


Dưới đây là một số trường hợp như vậy:


1. “Scenario” – A Tribe Called Quest ft. Charlie Brown, Dinco D & Busta Rhymes (1991)


Trong bài viết của tôi về nhóm A Tribe Called Quest cùng album The Low End Theory của họ xứng đáng được coi là một trong những album vĩ đại nhất lịch sử Hip Hop, tôi chưa nhắc tới bài track này vì nó mang một nhịp điệu nhanh và hừng hực năng lượng khác với sự sâu lắng của âm sắc Jazz rất phiêu của các bài khác trong đĩa.


Cũng khá chính xác khi gọi bài track này là sân chơi giới thiệu nhóm Leaders Of The New School (LONS), bao gồm Charlie Brown, Dinco D và Busta Rhymes (thành viên Cut Monitor Milo không xuất hiện trong bài này). Tuy nhiên, đúng nhất phải nói “Scenario” là bệ phóng cho sự nghiệp của riêng mình Busta Rhymes.


Tên thật là Trevor Smith, Jr., cái nghệ danh Busta Rhymes được chính Chuck D của Public Enemy đặt cho anh nhờ kỹ thuật gieo vần, cùng với thành viên Charlie Brown sau khi nhóm LONS diễn mở màn cho Public Enemy. Cùng với LONS, Busta Rhymes là một trong những người tiên phong trong phong trào phát triển nhạc Hip Hop dành cho đối tượng người nghe không lớn lên ngoài đầu đường xó chợ, không hiểu được những góc khuất của khu xóm liều, không gắn kết được với những lời rap tự mãn về bản thân rất phổ biến trong Hip Hop. Họ là những người vẫn còn đeo cặp đi học, vẫn có nhà cửa, miếng ăn cơm áo và sự chăm sóc của cha mẹ. Do vậy nhạc rap của Busta và nhóm của anh muốn đi theo hướng tích cực, vui vẻ hơn.


Quay lại bài “Scenario”, xen giữa màn trình diễn rất hay của Phife Dawg, Q-Tip là hai thành viên Charlie Brown và Dinco D của LONS, tuy nhiên phần rap của Charlie không được ấn tượng như D. Và quả nhiên, Q-Tip đã chủ đích dành điều tuyệt vời nhất ở cuối cùng: Busta Rhymes.

Sau khi nghe Busta rap thử 16 bar khuông nhạc, Q-Tip sững sờ và nảy ra ý định tạo màn giới thiệu ưu ái riêng mình Busta với kế hoạch như sau. Q-Tip đề nghị Busta rap 4 câu trong phần verse của Q-Tip, trước khi anh này làm màn shoutout lần nữa cái tên Busta: “So here's Busta Rhymes with the scenario


Chỉ đợi có thế, Busta rap mở đầu: “Watch; as I combine all the juice from the mind / Heel up, wheel up, bring it back, come, rewind / Powerful impact (Boom!) from the cannon!”. Ở đây, anh dùng những từ lóng “heel up”, “wheel up”, “bring it back” đến từ vùng đất Jamaica, gốc gác quê hương của bố mẹ anh để cùng diễn đạt nghĩa “rewind” / “tua lại” để làm nóng bầu không khí.


Vo-cab-u-lary's necessary, when diggin' into my library

Busta ngắt từng âm trong từ “Vocabulary” ra để rap. Vì sao? Khi nghe mới thấy được phần “-lary” đó được vần với từ “library” một cách rõ rệt hơn.

Unh! Unh! Unh! All over the track, man

Unh, pardon me, unh! As I come back!


Phải nghe anh rap đoạn này mới thấy được “cái hồn” trong phần thể hiện, tựa như Busta đang chạy va vào đám đông. Đúng như lời Big Daddy Kane nói, lời rap tuôn ra từ Busta giống như nhạc cụ piano, vì nó lên xuống và biến đổi liên tục. Hơn nữa, chẳng mấy ai lại nghĩ ra cách thể hiện phần lời sáng tạo và sống động như vậy. Giống trong mấy tiết văn, khi giáo viên gọi học sinh lên đọc diễn cảm một bài văn, thì Busta Rhymes sẽ thể hiện xuất sắc nhất khâu này.


Rawr! Rawr! Like a dungeon dragon

Change your little drawers 'cause your pants are saggin'

Try to step to this, I will twist you in a turban

And have you smellin' rank like some old, stale urine

Chưa hết, Busta còn giả giọng gầm “Rawr! Rawr!” của con rồng, thứ âm điệu sau này thành dấu ấn của riêng mình anh. Và nữa, “thứ nhạc cụ piano” của Busta hơi rung giọng, ngân nga lên xuống cao độ của từ cuối câu như “saggin’”, ”turban”, và “urine”, giống như anh đang cố tình đưa nhạc điệu vào lời rap vậy. Phần nghĩa của câu trên nghe cũng thú vị khi Busta ví mấy đứa thanh niên mặc quần tụt giống như bọn con nít tụt hết đũng vì bỉm đầy, và anh sẽ “vặn cổ” chúng như cái khăn cuốn đầu “turban”, khiến người chúng khai nồng nặc vì sợ đái ra quần.

Yo, bust it out before the Busta bust another rhyme

The rhythm is in sync (Unh!), the rhymes are on time (Time!)

Và đúng như lời Busta nói, nhịp điệu của anh luôn khớp nhịp một cách hoàn hảo, kể cả nếu anh có biến đổi flow, nhấn nhá, ngân nga thế nào đi chăng nữa. Vì đây chính là thế mạnh lớn nhất của Busta Rhymes.


Và vậy là chỉ riêng cách thể hiện phần rap một cách khác người trên, Busta gây xôn xao với giới Hip Hop và lấn át hết những người rap cùng, khiến cho ai nhắc tới “Scenario” thì cũng đều chỉ chăm chăm nhắc tới phần rap của Busta.

2. “Simon Says (Remix)” - Pharoahe Monch ft. Lady Luck, Method Man, Redman, Shabaam Sahdeeq & Busta Rhymes (1999)


Bản remix của “Simon Says” trong album Internal Affairs của Pharoah Monch có thời lượng dài gấp đôi bản original vì sự xuất hiện của 5 vị khách. Khá là kỳ lạ là nhiều lần ở thời kỳ thập niên 90 này, khi Busta Rhymes được mời vào làm khách mời rap chung, đoạn verse của anh hầu như đều được đưa xuống cuối cùng, giống như ví dụ kể trên, và bài này.

Có thể do phần verse của anh quá ấn tượng, hay có thể do cách anh thể hiện giọng rap quá nhiều màu sắc, hoặc do cả hai, mà người ta sợ nhét lời rap của anh lên đầu hay vào giữa thì lại làm cái không khí của bài bị tụt xuống về cuối. Thế là một lần nữa, “save the best for last”, đoạn lời hay ho của Busta trong bài này được đẩy làm kết cho bài.

Thực sự phần verse của anh trong bài này được viết chất lượng vô cùng. Miễn bàn về mấy bar mở đầu có flow từ tốn rồi sau đó theo nhịp nhanh chậm thay đổi trong từng câu, rất hiệu quả cho cách dùng từ và gieo vần. Đây nè:

Been thuggin', lovin' the way we flood jewels for nothin'

Lay it over, another ambush and take over

Yo, we don't only get money, we cut the coke and cook the shake over

You better guard your head right, especially if it's late at night

Or find your picture of your autopsy up on the website

Câu “we cut the coke and cook the shake over” nói về lọc chế hàng cấm qua cách tạo âm sắc bắt tai vì lặp phụ âm “c” khi Busta rap “cut the coke” và “cook the shake-over”. Rồi hai vế cuối anh cảnh báo cái nghề này phải luôn canh chừng (“guard your head right”) nếu không muốn hình ảnh khám nghiệm tử thi (“picture of your autopsy”) của mình xuất hiện trên website. Busta gieo 2 cặp vần “especially” cùng “at night” với “autopsy” cùng “website” nghe rất kêu.

Yo, if you ever violate my space

Fuck a fat lip, I'll leave you with a fucking fat face, n****

Busta Rhymes the handsome, I'll hold you for ransom and some

Like the ghost of a haunted house, I'll forever live in a mansion

Nói thật là không thể nghĩ Busta viết thâm như vậy, khi anh đe doạ đứa nào xâm phạm đất sống của anh thì hậu quả sẽ là khuôn mặt sưng vù / “a fucking fat face”, liền sau đoạn “fuck a fat lip”, liền một mạch lặp phụ âm “f”. Sau đó là loạt vần như đánh dấu ở trên.


Bitches, snitches coming out and you know who's showing it

Like when the British civil servants pass secrets to the Soviets

Y'all n****s is seamless blends of seamless friends

Lip on about the results of a bunch of seamless ends

Ở đây bựa cái là Busta gieo vần “bitches” và “snitches” với “British” vừa để mang mục đích flow được chảy, mà vừa đá xoáy ác độc khi gieo vào đầu người nghe một sự so sánh tương đồng giữa người Anh Quốc tuồn bí mật cho bên Soviet với “bitches” hay “snitches”.

Tóm lại là đoạn rap này của Busta Rhymes phải nghe tận tai và ngẫm đoạn lời mới thấm thía sự thâm thuý anh dùng từ trong bài này. Kết quả là phần verse này của anh không chỉ nổi trội so với các anh tài khác trong track này (các bạn xem toàn người giỏi như Pharoahe Monch, Method Man, Redman) mà còn xứng đáng với những sự kính trọng người ta dành cho Busta Rhymes.

3. “We Made It” - Busta Rhymes ft. Linkin Park (2008)


Sự kết hợp của Busta Rhymes với Linkin Park ngày đó khá là bất ngờ và lạ lẫm với tôi. Dù thích cả hai, tôi chưa từng nghĩ 2 phong cách khác nhau của hai nghệ sĩ này lại có thể đặt cạnh nhau để trở thành một track hợp lý đến vậy.


Nói một cách khác, từ góc nhìn của Busta Rhymes, anh sẽ nên rap như thế nào trên nền nhạc ít Hip Hop nhất từ trước đến giờ, với âm thanh chủ đạo piano và một chút guitar được chơi bởi các thành viên ban nhạc Linkin Park, ngoại trừ tay trống Rob Bourdon và DJ Joe Hahn.


Đây đúng ra là single dự định để quảng bá cho album tiếp theo của Busta Rhymes - Back On My BS, nhưng sau khi Busta rời bỏ Aftermath và Interscope, bài “We Made It” này là bài nhạc cuối cùng của anh với hãng đĩa, và do đó không được đưa vào album Back On My BS sau đó.


Chúng ta đã nghe Busta Rhymes rap giọng rap mạnh mẽ khốc liệt như lao vào cuộc chiến khi anh cùng chung một trận địa với những rapper khác, nhưng chưa bao giờ nghe anh lại rap trên nền piano chậm rãi lại với kiểu giọng lên xuống, gần như hát vậy.


See, a n**** survived the worst, but my life is glorious

Better know that I leaped every hurdle and I'm so victorious

Take a look, I'm a symbol of greatness

Now call a n**** Morpheus

As force securin' the win, better believe I'm so notorious

Không chỉ cách rap nhanh lúc đầu sau đó chậm lại về sau để nhấn vào từ “glorious”, “victorious”, “Morpheus”, “notorious”, mà cách Busta cất cao giọng hẳn ở đoạn “symbol of greatness” nghe hay vô cùng. Với Busta, flow của anh không dừng ở biến đổi nhịp điệu, mà còn sự phong phú trong giọng điệu lên trầm xuống bổng.

Anh hẳn cố tình chọn kiểu rap đó để khớp giai điệu nhạc, khiến chúng hợp với đoạn hát điệp khúc của Chester Bennington hơn cả đoạn rap của Mike Shinoda. Nó hay đến độ phần rap ở giữa của Mike bị chìm nghỉm hẳn, và đôi tai của ta chỉ kiếm tìm phần rap của Busta trong verse 3 của bài sau đó.

Rồi, và đáng nhẽ anh có thể lặp lại kiểu flow đó trong đoạn verse 3 - nhanh ở nửa đầu câu và chậm lại để nhấn ở cuối câu như verse 1, thì trong khúc này, Busta rap chậm đều lại hẳn. Rất ít thấy anh rap theo tốc độ này, và với nhạc rap, tốc độ chậm sẽ thường dễ gây buồn tẻ, nhưng Busta không bị mắc phải cái lỗi này. Chính vì một lần nữa ở kiểu rap mà nghe như hát khiến cho mọi người phải gật gù, à không phải Busta Rhymes cậy rap nhanh để lấn lướt Mike Shinoda, mà nếu anh rap chậm thì vẫn cuốn hút vậy.


Look, in case you misunderstand exactly what I'm buildin'

Shit that I can leave for my children's children's children's children

Now on my wake-up I smile to see how far I've come

Fightin' for sales on a strip to I gained the hustle from

4. “Look At Me Now” - Chris Brown ft. Lil Wayne & Busta Rhymes (2011)


Nếu như ở 3 ví dụ trên, ta có một Busta trẻ trung với đầy năng lượng khàn đặc, một Busta có cách chọn từ để rap nội dung thâm thuý dí dỏm và một Busta với flow có tông giọng lên xuống như hát, thì ở thời kỳ về sau này, người ta mới biết một Busta rap nhanh như súng máy.


Bài “Look At Me Now” này nằm trong album F.A.M.E. của ca sĩ R&B Chris Brown. Ở track này Brown cũng đọc rap pha với hát để tạo sự cân bằng với hai anh rapper khách mời.


Track nhạc mở đầu từ từ trước khi Chris Brown rap nhanh hơn dù phần lời khá là vô nghĩa. Và rồi khi Brown rap “I’m done”, toàn bộ nhạc dừng hết lại, và Busta Rhymes cất giọng.

Ayo, Breezy

Let me show you how to keep the dice rollin'”.


Và để giữ được con xúc xắc lăn tròn, Busta vào nhạc với đoạn verse nhanh khiếp đảm.


And I'm feelin' like I gotta get away, get away, get away

Better know that I don't and I won't ever stop

'Cause you know I gotta win everyday-day (Go)

Một trong những tiêu chí để rap nhanh nghe thật “kêu” tai chính là lặp từ. Busta rap “get away” 3 lần liền và lặp từ “day” sau “everyday”.

Hay như đoạn sau đó:

Every time I come, a n**** gotta set it

Then I gotta go, and then I gotta get it (Woo)

Then I gotta blow, and then I gotta show that

Any little thing a n**** think that he be doin' (Ooh-ooh)

'Cause it doesn't matter, 'cause I'm gonna da-da-da-da (Damn)

Then I'm gonna murder everything and anything

A ba-da-boom, a ba-da-bing, I gotta do a lotta things

Busta ngoài lặp từ, còn rap những âm sắc kêu như từ láy trong tiếng Việt, để tả vụ thanh trừng bằng súng ống. Anh rap nhanh rồi ngưng ở giữa thở lấy hơi và bắn tiếp một tràng nữa, đúng kiểu dừng tiếp đạn, trước khi xả một tràng đạn sau đó.

Kiểu rap đó của Busta như vậy bảo sao người nghe bỗng dưng đứng hình khi không ai nghĩ nhịp của bài hát lại quay ngoắt ở giữa như một cú cua gắt đến vậy. Và bảo sao đoạn rap liền sau đó của Lil Wayne trở nên mờ nhạt dù Wayne vẫn giữ phong cách chill vốn có đó của anh. Chẳng qua là như đã nói ở các ví dụ trên, đúng là việc Busta Rhymes xuất hiện quá sớm trong bài như vậy làm nhịp độ bài sau khúc rap của anh bị trùng xuống hẳn.


5. “Worldwide Choppers” – Tech N9ne ft. Ceza, Twista, D-Loc, JL, U$O, Yelwolf, Twisted Insane & Busta Rhymes (2011)


Rồi, ví dụ trên Busta lôi “súng máy” ra tỉa thì chắc chắn ăn đứt về sự áp đảo vũ trang với mấy rapper dùng “súng lục” như Lil Wayne. Nhưng nếu đẩy Busta Rhymes vào nhóm toàn người dùng “súng máy” chuyên rap nhanh thì sao?


Trong bài “Worldwide Choppers” mà tôi đã từng viết về Tech N9ne, Tech tập hợp đủ các anh tài chuyên rap tốc độ siêu thanh gồm Twista, JL, D-Loc, Yelawolf, Twisted InsaneBusta Rhymes. “Chopper” chính là từ chỉ những người rap với tốc độ nhanh, kiểu rap có sức hấp dẫn cao nhờ âm sắc bắt tai.


Riêng chủ nhân bài rap - Tech N9ne cũng trong những rapper có flow đỉnh nhất làng Hip Hop. Anh có thể rap rất nhanh mà cũng có thể đổi flow liên tục một cách sáng tạo và luôn bám nhịp cực chắc.


Vậy nhưng trong màn đọ súng này, Busta chính là người đã cướp sóng tất cả các nhân vật còn lại, gồm cả chính chủ nhà Tech N9ne. Busta không chỉ rap nhanh đơn thuần, mà tốc độ rap của anh vừa chóng mặt, mà vẫn rõ trong cách phát âm. Không chỉ thế, như Kane có khen ngợi tài đổi flow của anh, Busta đã đổi mấy lần flow trong đoạn verse này.

Thực tế là với một bài rap nhanh, việc rap vừa lưu loát vừa giữ chắc một kiểu flow là cần thiết. Nó giống như chiếc xe ô tô đang lái tốc độ cao trên đường cao tốc, việc đổi làn đột ngột là rất nguy hiểm và dễ mất lái. Nhưng bằng một cách nào đó, Busta vẫn chuyển flow mượt mà.


Lần này, anh không dùng chiêu lặp từ để tạo hiệu ứng trong phần lớn đoạn verse, khiến cho các từ trong câu trở nên đa dạng và mang đầy ý nghĩa như đoạn dưới đây mà các bạn có thể đọc và ngẫm:


And then they ask "What in the world is you provin'

When you were already the best?" and "What the hell is he doin'?"

Well, I'ma be choppin' and cuttin'

And breakin' and beatin' and shakin'

And fuckin' everything up 'til I make no further mistake and

Bustin' everything up like a fuckin' angry Jamaican

And shuttin' everything up, especially the ones who be hatin'


Có điều cao trào lại nằm trong 2 khúc sau đó:

- Một là khi Busta cố tình rap kiểu nói lắp để diễn tả kẻ thù run sợ trước uy lực của anh “You hear 'em now? "D-d-d-d-don't do-do-do-do it! / P-p-p-please, wh-wh-wh-why you gotta t-try us?/ W-w-w-w-we already know that you be the nicest". Cách rap này vừa giúp láy âm, vừa diễn tả cách nói lắp sống động nhưng lại rất khó để thể hiện khi thu âm. Vì chỉ cần thừa hoặc thiếu đúng một âm tiết trong đoạn nói lắp đó là lệch ngay nhịp được; và

- Hai là khi Busta bắn như máy khâu “(I'll hit 'em again at a minimum) / (Repeat it, comin' to killin' 'em) / (Then he be gotta be drillin' 'em) / (Thinkin', "They gotta be feelin' him!")”, trong đó mỗi câu trong mỗi ngoặc đơn trên được anh rap nhanh trong khoảng thời gian chưa tới 1 cú gõ của nhịp trống, và chúng cuốn với nhau như 1 từ dài 9-10 âm tiết vậy.

Đây chính là đỉnh cao của chopper mà tôi nghĩ không biết các rapper khác có rén và run lẩy bẩy như cách Busta rap ở trên không nữa. Nhưng rõ ràng là chả ai khoái chí khi bị anh này áp đảo đến như vậy. Đúng là Busta chả nể nang ai, kể cả chủ nhà Tech N9ne.

Do đó, Big Daddy Kane cũng không thật quá lời khi khen Busta Rhymes sở hữu kỹ thuật flow giỏi nhất làng Hip Hop, một kỹ thuật giúp anh xoay sở khá nhiều trong việc rap chọi lại những đồng môn khác.

Tiếc cái là do sự thiếu hụt về đầu tư nội dung và chủ đề, cũng như nhồi nhét hơi tham lam các bài trong một album, Busta Rhymes sẽ khó có được một album kinh điển trong lịch sử Hip Hop. Nên thôi! Busta Rhymes cứ đi chiếm sóng người khác cũng ổn rồi. Ít ra điều đấy chứng tỏ rằng với kỹ thuật thiện chiến như Busta, chắc ít người dám lên sàn để so găng với anh rapper.


Hẹn gặp lại!

Kunt

441 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page