top of page

Crowded House: Two hits wonder?

Updated: Apr 2

Theo các bạn thì đâu là cách tốt nhất để không bị gọi với cái tên mỉa mai là ban nhạc One-hit-wonder (ban nhạc đứng cao trên bảng xếp hạng với một bản hit duy nhất trong sự nghiệp). Theo tôi thì việc này khá đơn giản, hãy làm ra hai bản hit. Đó cũng là cách mà Crowded House đã làm – chính xác hơn thì sau bản hit đình đám “Don’t Dream It’s Over” leo tới no 1 ở nhiều nước thì bản hit “xịn” nhất sau đó của họ “Weather With You” chỉ leo được tới no 7 ở UK – nhưng ngần ấy hẳn đã đủ để ban nhạc Pop Rock tuyệt hay này thoát ra khỏi cái nhóm “bị nguyền rủa” của những kẻ mang tiếng là One-hit-wonder. Chưa kể, vào năm 1996 khi Crowded House quyết định tan rã, họ chơi farewell show ở ngay trước cửa của nhà hát con sò ở Sydney trước hơn 100 ngàn người yêu mến họ, những người tự gọi mình là “Crowdie”. Con số đó thêm một lần nữa khẳng định Crowded House chắc chắn không phải One-hit-wonder.



Được thành lập vào năm 1984 ở thành phố Melbourne nước Úc bởi Neil Finn, ca sĩ chính kiêm guitar tới từ thị trấn nhỏ bé Te Awamutu, New Zealand; cùng hai thành viên khác là Nick Seymour chơi bass và tay trống Paul Hester (từ album thứ ba có thêm ông anh Tim Finn tham gia cùng với vai trò sáng tác và hát), Crowded House nhanh chóng vươn tầm ra thế giới và làm được điều mà không nhiều rock band ngoài AC/DC làm được, với hơn 15 triệu đĩa bán được chỉ với 4 album trước khi họ tan rã vào năm 1996. Chả thế mà Neil Finn và các đồng đội đã gây ra những cuộc “nội chiến” nho nhỏ khi cho đến tận giờ, các fan vẫn chưa thôi cãi nhau xem Crowded House là ban nhạc của Úc hay của New Zealand.


Nói có sách, mách có chứng, bài “Four Seasons in One Day” vẫn luôn được một nửa số fan hâm mộ coi là bản anthem dành cho thời tiết ẩm ương của thành phố Auckland xứ Kiwi, cho tới khi Neil Finn phải đích thân giãi bày rằng bài đó được viết về Melbourne bên xứ sở Chuột túi nơi có thời tiết đỏng đảnh chả kém Auckland tẹo nào.


Rồi thì khi Crowded House có buổi trình diễn trước hơn trăm ngàn người ở Sydney, họ cũng được chính quyền thành phố “ưu ái” gỡ bỏ luật giới hạn tiếng ồn khi chơi nhạc ngoài trời. Thế là Crowded House có quyền chơi nhạc lớn hơn cho đám đông của họ, đặc quyền mà trước đó khối kẻ như Björk, ban nhạc The National, hay Florence + The Machine từng khóc đòi thảm thiết mà không bao giờ có được.


Nhưng mọi thứ cũng không đến dễ dàng với Crowded House, mặc dù trước đó Neil Finn đã có khá nhiều thành công với Split Enz. Khi Crowded House ra album đầu tay mang tên họ, không chỉ 1 mà thậm chí 3 single phát hành đầu tiên (“Mean To Me”,  “World Where You Live”, và “Now We’re Getting Somewhere”) đều đã rơi vào quên lãng. Và mãi tới tận ca khúc single thứ 4 của họ, “Don’t Dream It’s Over” được phát hành năm 1987 và sau đó bay vèo lên top các bảng xếp hạng, thì cái tên Crowded House và album của họ mới bắt đầu được biết tới. Không chỉ thế, ca khúc này sau trở thành một chuẩn mực của âm nhạc thập niên 80s và không ít những nghệ sĩ lừng danh đã phải ghen tị vì đã không thể viết được một ca khúc như vậy.


Ca khúc bắt đầu với đoạn dạo khá lạ tai khi chuyển giữa các hợp âm sus xung quanh Eb và Eb7 (Ebsus2, Eb7sus2, Eb7sus4), mà cái trò chơi hợp âm sus 2 (hợp âm Eb thay nốt G bằng F) và sus 4 (hợp âm Eb thay nốt G bằng Ab) khiến cho cảm giác của đoạn nhạc luôn chơi vơi không xác định bởi vì hai nốt “lạ” trong hợp âm sus kia đều không hiện diện trong cả hợp âm trưởng lẫn thứ. Nó khiến cho người nghe không thể định hướng được giữa giọng trưởng hay thứ, và cái cảm giác đó cứ kéo dài dai dẳng khi Neil Finn chơi liền tù tì toàn hợp âm sus ở đoạn dạo cho mãi tới câu hát thứ hai ("there is a freedom within") rơi vào hợp âm thứ (Cm), bài hát mới bớt miên man và dường như được ghim lại một cách chắc chắn.


Không chỉ có phần rhythm xuất sắc, phần lời lẽ của “Don’t Dream” có lẽ cũng là một điểm nhấn khó tả khi nó nói về cuộc sống và các suy nghĩ mông lung không có gì cụ thể (như “Try to catch the deluge in a paper cup”); trước khi kết lại bằng ý tưởng “đừng mơ mộng nữa nhá”. Khối người cho rằng ông này hát về chiến tranh (“there’s a battle ahead, many battles are lost”), nhưng cũng đầy người nghĩ rằng ông này hát về tình yêu (“they come they come, to build a wall between us”). Bài này được viết khi Neil Finn tá túc ở nhà ông anh Tim để trốn cái đám media chuyên quấy rầy. Anh vốn viết bài này ở E, nhưng sau khi nghe nói hợp âm buồn nhất quả đất là Eb, anh đã không ngần ngại giảm xuống nửa cung.


Không chỉ thế, album Crowded House còn trình làng một loạt ca khúc đáng nghe như “Something So Strong”, “Tombstone”, những bài hát mang màu sắc điển hình thập niên 80s.


Điều thú vị là tới album thứ hai, Temple of Low Man (1988), những sự so sánh về Neil Finn với The Beatles bắt đầu ngày một nhiều. Rất nhiều các ca khúc trong album này, và nhất là “Into Temptation” có âm hưởng giống như nhạc của Beatles với giọng hát của Neil Finn lúc bay lượn trên nền rhythm như Paul Macca, lúc lại gằn tới như John Lennon. Và không biết sự so sánh hơi quá mức này có phải là điều hay cho Crowded House hay không nhưng album Temple of Low Man này rõ ràng bán không tốt như album trước, mặc dù không ai có thể phủ nhận ca khúc “đinh” của album, cũng là ca khúc cuối cùng của album “Better Be Home Soon”.


Đây cũng là ca khúc mà Neil Finn đã trình diễn trong đám tang của Paul Hester, tay trống có khả năng nện mạnh trời phú nhưng luôn phải ém mình chơi trong thứ nhạc Pop Rock thiên về âm thanh guitar clean và bổ trợ cho giọng hát đầy giai điệu của Neil Finn. Hester đã phải trải qua giai đoạn khó khăn về tinh thần ở giai đoạn cuối với Crowded House, và đã tự tìm đến lựa chọn tự kết thúc cuộc đời mình vào năm 2005, trước khi Crowded House chuẩn bị tái hợp.


Tay bass Nick Seymour cũng có lối chơi “cứng như trứng” trên mức cần thiết so với một tay bass chơi cho một ban nhạc Pop. Đây là điều mà Seymour nhiều lần không hề giấu diếm, không đâu xa ngay bản “Don’t Dream” nọ khi những câu lick bass của anh xen vào giữa đoạn dạo cũng như sau những phần điệp khúc đầy thú vị với những nốt chạy lòng vòng né nốt gốc. “Fall At Your Feet” trong album Woodface (1991) cũng là một ví dụ khác khi câu bass chắc mập của anh như móc từng khúc ruột của người nghe ra thành một đoạn dài thòng và sau đó cuộn nó lại và tung lên không trung. Tôi thật tình chưa nghĩ ra một ai chơi nhạc pop mà chơi bass tưng như vậy trừ Paul Macca.


Album Woodface cũng là một album đánh dấu sự chín muồi và khả năng làm ra thứ âm nhạc nhiều tầng lớp của Crowded House với không biết bao nhiêu là lớp guitar được thu âm. Album này được sáng tác trong thời gian Neil chạy về Úc từ Los Angeles và tìm thấy cảm hứng từ studio mà ông anh Tim Finn mới xây ở Melbourne (lại dính dáng tới Tim Finn) và thế là hai anh em nhà Finn cùng nhau viết một loạt những “Chocolate Cake”, “Weather With You”, “It’s Only Natural”, “There Goes God”, và bản “Four Seasons in One Day” đình đám nọ. Kết quả chính là album Woodface với Tim tạm thời tham gia Crowded House, và một vài kết quả khả quan với “Weather With You” làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng.


Tay guitar Ed O’Brien của Radiohead đã từng thú nhận đây là album anh từng cần tới mỗi khi cần nghe một thứ gì đó, còn nhà sản xuất lừng danh Quincy Jones thì khen ngợi Neil Finn hết lời về khả năng viết nhạc tạo ra nhiều không gian của anh sau album này.


Kể ra so sánh thì cũng vô chừng, nhưng rõ ràng với trình độ chơi nhạc không khác gì những ngôi sao nhạc Rock như bộ ba Neil Finn, Paul Hester, và Nick Seymour nhưng được tiết chế để hát những ca khúc nhẹ nhàng với lời lẽ được chắp bút cẩn thận, cùng lối phối bè tuyệt vời giữa anh em nhà Finn và Seymour, họ thừa sức mạnh để công phá các bảng xếp hạng với những ca khúc Pop dễ nghe và tôn giọng của Finn. Chỉ tiếc là cuộc chơi của họ sau đó dừng lại vào năm 1996 sau album thứ tư không quá nổi bật. Dĩ nhiên khi Neil Finn tái hợp lại Crowded House ở nửa sau thập niên 2010s, tay trống Paul Hester đã không còn ở đó rồi và điều này thực sự khiến cho khán giả nhận ra tầm quan trọng của anh trong âm nhạc của Crowded House – một người luôn biết tiết chế và chơi để phục vụ cho bản nhạc một cách tốt nhất.


Điều có lẽ là dở nhất trong cách làm nhạc của Crowded House, có lẽ là cách đặt tên các ca khúc của họ vì đôi khi nó hơi “ảo diệu” và cá nhân quá, và không tạo ra được cảm giác tò mò cho người khác tìm nghe nhạc của họ (“Fall At Your Feet”, “Whispers and Moans” hay “Fame Is” là mấy ví dụ về những cái tên không quá khêu gợi).


Nhưng tin tôi đi, mỗi khi tôi tới chơi và mở nhạc của Crowded House ở nhà hàng của một người bạn, “Don’t Dream”, “Weather”, “Flat on your face”, hay “Better Be Home” luôn là những ca khúc có đầy đủ câu chuyện và cảm xúc nhẹ nhàng giúp những vị khách ở quán ngồi lại lâu hơn. Nhạc của Crowded House, với những lời lẽ luôn được sắp đặt chỉn chu, nhiều hàm ý  nhưng không quá cụ thể, những đoạn nhạc vừa có sự nghiêm túc trong cảm xúc lại vẫn có sự thoải mái trong cách thể hiện luôn đem lại sự hứng khởi nho nhỏ cho người nghe như được dạo qua những đoạn phim ngắn.


Không ngạc nhiên khi với trình độ như vậy, Neil Finn là cái tên được Fleetwood Mac mời tham gia khi Lindsey Buckingham lừng danh quyết định rời bỏ cuộc chơi vào năm 2017. Ta chợt nhận ra giọng Finn hợp với tiếng guitar dày bè hóa ra khá là giống Lindsey Buckingham, để rồi khi Neil Finn hòa ca cùng Stevie Nicks, sự kỳ diệu trong lối hát bè và âm nhạc dày tiếng guitar của Fleetwood Mac dường như vẫn giữ được sự vẹn nguyên.


Anh Neil Finn này không phải dạng vừa đâu!


Hẹn gặp lại!


Kink

304 views

Recent Posts

See All
bottom of page