top of page

Heart: Những nữ Rocker tiên phong

Hannah Duston, người phụ nữ 40 tuổi có tới 9 đứa con sống cùng chồng tại Haverhill, Massachusetts, đã không thể tưởng tượng lại có cái ngày đen tối ấy. Thị trấn nhỏ đã bị tấn công bất ngờ bởi những người Anh-điêng và thổ dân đã sát hại rất nhiều người. Chồng của Hannah đã may mắn chạy thoát cùng 8 đứa con, trong khi cô cùng đứa con mới sinh thì bị người Anh-điêng bắt đi cùng một vài người trong thị trấn. Hannah thậm chí đã phải chứng kiến đứa con mới sinh của mình bị người Anh-điêng sát hại ngay sau đó, còn bản thân cô và mấy người khác thì bị trói ở ngoài trời trên một hòn đảo nơi người thổ dân đóng quân.


Đó là một đêm cuối tháng 4, và trong khoảnh khắc đám thổ dân sơ hở, Hanna Duston đã nới được dây trói và thoát ra cùng một vài người khác. Hannah vớ được một cây rìu tomahawk và xông vào trong trại của người Anh-điêng, chém tét đầu cỡ chục người cả lớn lẫn nhỏ. Chạy trốn được một đoạn, Hannah quyết định liều mình quay lại cầm rìu gọt một cái đầu thổ dân mang theo mình để làm bằng chứng và cũng là để kiếm tiền thưởng.


Tôi sẽ không đi vào chi tiết của sự đẫm máu, vì dù sao đó cũng là sự kiện từ thuở hỗn mang của nước Mỹ ở thế kỷ 17. Chỉ biết rằng, Hannah Duston đã nhận được 25 bảng tiền thưởng từ cái sọ người Anh-điêng đó, và hơn 100 năm sau đã trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên được dựng tượng để tưởng nhớ tới sự can đảm của mình. Dĩ nhiên đây là nước Mỹ và ở thế kỷ 21 này, khối kẻ sẽ phản đối bức tượng này vì nó cổ súy cho bạo lực và biết đâu đấy, cả phân biệt chúng tộc. Nhưng dù sao thì bức tượng Hannah Duston tay cầm cây rìu tomahawk vẫn sừng sừng đứng đó ở New Hampshire tới tận bây giờ.


***

Trong suốt 40 năm sự nghiệp của mình, hai chị em Ann Wilson Nancy Wilson vẫn luôn cảm thấy khó chịu mỗi khi được phỏng vấn với kiểu câu hỏi “Tại sao các chị là phái nữ lại chọn chơi nhạc Rock?”. Lẽ dĩ nhiên lâu nay thứ âm nhạc này vẫn thường được coi là đặc quyền của phái mạnh, nhưng kiểu hỏi han đầy thành kiến và vô cảm đó dường như quá thiển cận khi bỏ qua hơn 30 triệu đĩa bán được của ban nhạc Heart trong suốt 4 thập kỷ. Và hẳn là sẽ không có một câu trả lời nào đủ thỏa mãn khán giả một khi họ đã có định kiến về phụ nữ chơi nhạc Rock.


Thế là trong suốt bao nhiêu năm, hai chị em nhà Wilson vẫn luôn trả lời qua loa với bất cứ tay nhà báo hay độc giả nào, dù rằng họ biết có một câu trả lời chắc chắn sẽ làm câm nín tất cả!


“Vì Hannah Duston, tên sát nhân hàng loạt nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ, chính là bà cố tổ của tụi này” - đó là câu trả lời đã không bao giờ được thốt ra.


Chắc chắn đây sẽ là câu trả lời không thể ngầu hơn. Nghĩ xem nếu một ngày tôi tự dưng tìm ra mình là con cháu dòng dõi của Bà Triệu, và tôi chơi nhạc Rock.


Trong sâu thẳm của hai chị em nhà Wilson, những câu chuyện được truyền lại trong gia đình suốt nhiều đời về bà cố tổ chỉ khiến họ cảm thấy rất tự hào về sự mạnh mẽ và lòng can đảm chảy trong huyết quản của mình. Rất nhiều người trong gia đình họ ở thế hệ trước đã gia nhập quân ngũ và chiến đấu, còn hai chị em Ann và Nancy chọn cách cầm cây đàn và chống lại sự định kiến giành cho những cô gái hát nhạc Rock.


***

The Beatles đã mãi mãi thay đổi không chỉ cuộc sống của ba chị em Lynn, Ann, và Nancy Wilson, mà còn rất nhiều trẻ con trên nước Mỹ vào cái ngày định mệnh đó năm 1964, khi bốn chàng trai Anh Quốc xuất hiện trong show truyền hình của Ed Sullivan. Chỉ riêng kiểu tóc lạ mắt của bốn anh chàng kia thôi đã khiến cho Ann và Nancy cảm nhận thấy một sự phản kháng khác thường đang được truyền bá từ mấy nghệ sĩ này. Họ hát về tình yêu theo một cách như thách thức tất cả các giá trị truyền thống cũng như những điều cấm kị trong việc quảng bá âm nhạc đại chúng.


Và trong khi chị cả Lynn cùng đám bạn ở trường của Ann và Nancy thường nhìn Beatles theo cách fantasy – họ tưởng tượng ra mình là bạn gái và vợ của bốn chàng trai tứ quái đó – thì Ann và Nancy Wilson chỉ nghĩ tới một điều: họ sẽ là The Beatles.


Ann và Nancy lao vào tập hát bè và chơi guitar cùng nhau, thứ sau này đã đem họ tới với The Rolling Stones, Deep Purple, và nhất là Led Zeppelin. Sức hút của một tay guitar virtuoso bên cạnh một ca sĩ có thể hát chói vói nhiều cung bậc cảm xúc đã ám ảnh hai chị em nhà Wilson trong suốt chặng đường phát triển của họ.


Trong khi cô em Nancy Wilson với bản tính nhút nhát hơn vẫn dùng dằng giữa việc vào đại học và âm nhạc, cô chị Ann Wilson đã tham gia vào cộng đồng chơi nhạc nhỏ bé ở Seattle từ rất sớm. Ban nhạc tiền thân của Heart cũng được thành lập từ đây với cái tên Hocus Pocus, với bộ khung là ca sĩ Ann Wilson, tay guitar Roger Fisher, người có tiềm năng trở thành một tay guitar virtuoso kiểu như Jimmy Page, và tay bass Steve Fossen. Biết rằng khó có cơ hội để nổi tiếng khi đi ra ở nơi hang cùng ngõ hẻm như Seattle, Hoccus Poccus đã quyết định gây dựng danh tiếng ở Canada theo lời gợi ý của Roger Fisher. Lúc này, tay lead guitar của nhóm đã giới thiệu họ tới ông anh Michael của mình, vốn là kẻ trốn nghĩa vụ quân sự vì không muốn tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nên phải sống lẩn quất ở Canada. Michael Fisher yêu Ann Wilson ngay từ lần gặp nhau đầu tiên, và trong khi Ann quyết định cả ban nhạc sẽ tới Canada, Michael đồng ý trở thành quản lý của ban nhạc. Anh đưa ra một kế hoạch tỉ mỉ 5 năm để bắt đầu sự nghiệp hát trong club ở Canada, để rồi sau đấy sẽ quay ngược trở lại Mỹ sau khi kiếm được hợp đồng ghi âm.


Đổi tên thành White Heart, và sau đó là Heart, ban nhạc tiếp tục rong ruổi cùng nhau như một gia đình. Mặc dù không thích, nhưng Ann Wilson cũng sẵn sàng chấp nhận vai trò “phụ nữ” khi hàng ngày nấu nướng và dọn dẹp cho cả đám khi họ còn chưa có nhiều tiền. Họ chấp nhận rong ruổi trên chiếc xe thùng khắp nơi và đánh từ tiệc sinh nhật cho đến vũ trường. Sự trỗi dậy của nhạc Disco thời gian đó hoàn toàn không giúp gì cho Heart, và thậm chí các bầu sô và chủ vũ trường còn ép họ phải chuyển sang chơi nhạc Disco, cũng như Ann Wilson phải ăn mặc khiêu khích hơn. Dẫu rằng Heart cũng cố gắng chơi vài bài cover kiểu nhu “Night Fever” của Bee Gees để lấy không khí, không ai có thể ép Ann Wilson phải mặc thế nào cũng như việc ban nhạc phải đánh đổi tiếng đàn guitar điện lấy tiếng nhạc Disco xập xình sẽ là điều không tưởng.


Khi Heart bắt đầu có số má hơn trong việc chơi nhạc Vancouver, Ann Wilson động viên Nancy gia nhập ban nhạc. Nhưng không như dự tính của Ann, định kiến dành cho phụ nữ, nhất là phụ nữ chơi guitar, hóa ra tồn tại ngay trong chính ban nhạc của họ. Ngoài việc Ann vẫn luôn bị “giành phần” cho việc nấu nướng và dọn dẹp chỗ ở chung của band, Nancy Wilson thậm chí đã không được ủng hộ để tham gia. Cô em nhà Wilson đã phải audition để được vào band, và sau phần thể hiện khúc dạo đầu của bản “Clap” của ban nhạc Yes, Nancy đã được nhận. Nhưng cũng từ đấy, sự phát triển của Heart luôn phải kéo theo sự giễu cợt dành cho ban nhạc Rock có tới hai cô gái trong band. “Mấy cô này làm gì với các anh trong band nhỉ”, hay “cô kia chơi guitar có cắm vào amply không vậy?” là những thứ phán xét thông thường nhất mà ban nhạc phải trải qua hàng ngày.


Nhưng cũng trong thời điểm này, họ ghi âm được album đầu tay Dreamboat Annnie với hãng đĩa độc lập ở Vancouver lúc đó là Mushroom. “Magic Man” và “Crazy On You” là những điểm sáng trong album đầu tay đều là những ca khúc Ann viết về Michael Fisher. Cũng hên là luật của Canada bắt ít nhất 1/4 nội dung được phát trên radio phải dành cho người Canada, Dreamboat Annie của Heart đã có thời lượng phát sóng đáng kể trên khắp đất nước. Và trong khi “Crazy On You” đem tới có màn trình diễn guitar tuyệt hảo của Nancy Wilson, “Magic Man” đã trở thành hit trước ở Montreal.


Đây là điều mà Heart không thể ngờ tới cho đến một ngày họ bỗng nhiên được gọi đi đánh khởi động cho Rod Stewart ở Montreal thay cho một ban nhạc khác không thể tham gia. Ở một nơi xa lạ và hoàn toàn không nói tiếng Anh, tất cả các khán giả đã hát theo nhạc của Heart. Đó là lần đầu tiên chị em nhà Wilson nhận ra mình có thể làm được điều gì đó trong âm nhạc.


Nhưng cái sự hẹp hòi mà ngành công nghiệp âm nhạc giành cho phái nữ sẽ vẫn luôn ở đó và dường như chưa bao giờ biến mất. Hai chị em nhà Wilson được hãng đĩa “gợi ý” phải chụp hình thật xinh đẹp để lên bìa album Dreamboat, và nhìn bìa đĩa này hẳn ai cũng nghĩ đây là một album nhạc Pop của cặp song ca chứ không ai nghĩ đó là nhạc Rock nặng theo kiểu của Led Zeppelin.


Có tay nhà đài ở Detroit thậm chí trong cuộc phỏng vấn đã nghi ngờ hai người là chị em giả vờ và hỏi thẳng họ có phải là một cặp buê đuê không? Quá giận trước thái độ kỳ thị này, Ann Wilson đã lập tức viết “Barracuda” để chửi xéo những kẻ đầu óc hẹp hòi như gã nhà đài nọ, và rộng ra là cả hãng đĩa Mushroom hẹp hòi của họ. Cùng với đoạn riff sôi sục của Roger Fisher, "Barracuda" đã trở thành một trong những ca khúc nhạc Rock thành công nhất trong lịch sử, còn Heart chuyển sang ký với hãng CBS.


Thành công đến với Heart gần như ngay lập tức sau đó đúng y phóc chiến lược đề ra của Michael Fisher, đỉnh nhất là với Little Queen (1977) bán hết veo 3 triệu đĩa trong một năm. Việc đã có lúc cả 3 album đầu tiên cùng lọt bảng xếp hạng trong cùng lúc và thậm chí 4 album đầu của Heart đều đạt bạch kim dường như chỉ càng tăng thêm sự soi mói của ngành công nghiệp âm nhạc cho hai chị em nhà Wilson. Nào là Ann Wilson hình như có vấn đề về cân nặng, còn Nancy Wilson thì không thể trở thành một lead guitar thực thụ, vị trí chứng tỏ khả năng chơi đàn trong mắt đa số khán giả. Đám con trai trong ban nhạc cũng thường tỏ ra ganh tỵ vì hình ảnh của Heart luôn gắn liền với hai chị em nhà Wilson và thậm chí vào năm 1977, họ còn được lên trang bìa Rolling Stone.


Đám đàn ông đúng là không thể khá được trong cách nhìn phụ nữ chơi nhạc, và đám nhà báo thì dường như là lũ tệ nhất. Tạp chí Cream thậm chí còn bắt đầu bài viết tựa đề "Heart of my piece" bằng chữ “sex” và kết thúc với việc tác giả bài viết kể muốn bỏ ngang cuộc phỏng vấn để đi làm tình với bạn gái trong khi trong đầu còn đang tưởng tượng tới hai chị em nhà này. Có tay nhà báo còn đặt câu hỏi liệu bao nhiêu tiền sẽ đủ cho hai chị em chụp hình khỏa thân ngay trong cuộc phỏng vấn (dù không được đáp lại) và có kẻ thậm chí còn sống sượng hỏi hai chị em có muốn hẹn hò ngay sau đó không.


Những band chơi cùng với Heart, dẫu là band headline chung hay band đánh khởi động cho họ, cũng đều có những thái độ không hay. Dù cho đó là Marshall Tucker Band hay có là Lynyrd Skynyrd lừng danh thì cũng đều là những kẻ phân biệt giới tính. Thậm chí trong một lần dự bữa tiệc của Elton John – một thần tượng của Nancy Wilson – Nancy đã bị chính Bernie Taupin lừng danh vờn để dụ cô lên giường.


Không lâu sau khi album thứ tư Dog & Butterfly phát hành, Ann Wilson phát hiện ra Michael Fisher có “Tuesday”. Chứ sao, cuộc đời của ngôi sao nhạc Rock đầy cám dỗ mà. Họ chia tay nhau và không lâu sau đó, cô em Nancy cũng chia tay nốt ông em nhà Fisher kiêm tay lead guitar của ban nhạc. Michael và Roger Fisher rời khỏi Heart không kèn không trống và bộ khung kinh điển của Heart thời thập niên 70s thế là tan vỡ chỉ sau 5 năm thành công với 4 album liên tiếp.


Dù nhớ khả năng dẫn dắt của Michael cũng như tài nghệ virtuoso của Roger Fisher đến đâu, thì Ann và Nancy Wilson cũng bắt đầu chấp nhân thực tế từ này Heart sẽ hoàn toàn là ban nhạc của họ. Tin tốt là họ đã không còn phải suốt ngày phải lo lắng cho “cảm xúc” của anh anh bạn trai phải chịu đứng sau lưng hai cô gái luôn là đại diện hình ảnh của band.


Nhưng trước mắt, cỗ máy Heart bắt đầu chạy chậm lại và sau 2 album mờ nhạt là Private Audition và Passionworks, ban nhạc bị đá không thương tiếc khỏi hãng đĩa CBS. Kiệt quệ và các thành viên tiêu biểu đã không còn ai – dù tay guitar còn sót lại là Howard Leese đã giúp Heart tìm ra đội hình mới với tay bass Mark Andes và nhất là tay trống cự phách Denny Carmassi đến từ band Montrose – Heart đã chấp nhận ký với hãng đĩa Capitol, hãng duy nhất chịu ký với họ với điều kiện Heart sẽ có thêm những người khác sáng tác cùng. Hai chị em nhà Wilson đã chập nhận buông xuôi và phó mặc hình ảnh của mình cho ngành công nghiệp âm nhạc khi bước vào giữa thập niên 80s.


Tên album tiếp theo là tên ban nhạc, Heart (1985), được ví như là sự khởi đầu (debut) với hãng đĩa mới. Được ăn cả ngã về không chính là đây. Họ bắt đầu hát những thứ người khác viết như “What About Love” được chắp bút bởi Jimmy Vallance, và đặc biệt là “These Dreams” viết bởi Bernie Taupin sau khi bài này không thể bán được cho Stevie Nicks. Album Heart bán được 5 triệu và lần đầu tiên ban nhạc đạt no. 1 trên bảng xếp hạng.


Tiếp tục công thức chiến thắng đó, cặp đôi Tom KellyBilly Steinberg, những người từng viết “True Colours” cho Cyndi Lauper hay “Eternal Flame” cho Bangles, đã sáng tác ra “Alone”, single no. 1 thành công nhất của Heart. Cùng với “Alone”, Diane Warren, người sau này làm ra “I Don’t Want To Miss A Thing” cũng góp sức với “Who Will You Run To”, và album tiếp theo Bad Animals của Heart bán được tới hơn 10 triệu bản – cũng là album bán tốt nhất của họ.


Trót bán mình cho quỷ dữ rồi, thành công của hai chị em nhà Wilson giờ cũng phải đánh đổi nốt với hình ảnh phải khoe thật nhiều ngực và mang thêm giày cao gót. Với sự trỗi dậy của MTV, đó còn có nghĩa là rất nhiều tiền sẽ được bỏ ra để làm thật nhiều video quyến rũ. Ann Wilson bị bắt phải chui vào những chiếc áo nịt chật chội để khi lên video cô trong có vẻ thon thả hơn, còn Nancy Wilson thì phải khoe càng nhiều “khe” càng tốt.


Ngành công nghiệp âm nhạc và khán giả của họ quả là những thứ kỳ lạ trên trái đất này, khi họ sẵn sàng yêu và tung hô một nghệ sĩ nào đó, miễn là người đó phải đáp ứng được các hình mẫu do họ đặt ra. Thành công của Brigade (1990), album thứ 6 đạt bạch kim của Heart với single ăn khách “All I Wanna Do Is Make Love To You” viết bởi Robert “Mutt” Lang cũng không nằm ngoài công thức trên.


***

Hai chị em nhà Wilson nhận ra họ đã đi lưu diễn khắp nơi quá lâu mà quên mất ngôi nhà của mình. Ann và Nancy Wilson quyết định quay lại mua nhà ở Seattle và biến nơi đây thành nhà của họ thêm một lần nữa, nơi họ có thể viết nhạc và thu nhạc. Quãng thời gian trùng xuống ở cuối thập niên 80s giúp hai người có thêm nhiều thời gian ở nhà hơn, và nhờ đó được chứng kiến làn sóng âm nhạc mà không lâu sau đó đã chiếm lĩnh thế giới.


Các đàn em chơi Grunge thậm chí đã có lần cùng nhau làm một show chơi nhạc tribute cho Heart và mời hai chị tới xem. Dù không band nào chơi ra kiểu Rock nặng của họ, năng lượng từ đám thanh niên này thật tuyệt vời. Kelly Curtis, bạn cũ của Nancy Wilson và từng quản lý hình ảnh cho Heart trước đây, giờ đã trở thành quản lý cho một ban nhạc rất được tên là Mother Love Bone, thứ mà sau đã trở thành Pearl Jam sau cái chết của Andrew Wood.


Người Seattle được cái rất bộc trực và thẳng thắn có sao nói vậy. Đám thanh niên chơi nhạc cũng thường hay tụ tập ở nhà Ann Wilson để party tại đây. Luôn có thể tìm thấy đàn guitar trong nhà và cộng đồng chơi nhạc ở Seattle luôn được chào đón – đừng quên rằng thuốc thang và riệu mạnh thì Ann Wilson không bao giờ thiếu. Thế nên việc trông thấy thanh niên Chris Cornell hay Jerry Cantrell ở đó hát hò và lâu lâu ngủ lại nhà bà chị Wilson cũng là chuyện bình thường.


Cho đến một ngày, mấy câu hỏi bâng quơ của Jerry Cantrell đã khiến Ann Wilson bừng tỉnh: “Tại sao âm nhạc của Heart lại bị đẩy xa đến như vậy? Vì sao tụi chị lại phải quay những cái video clip "xuống cấp" như thế?”. Một điều khá rõ ràng là đám trẻ chơi nhạc Grunge ở Seattle sẽ không bao giờ ngại phải thừa nhận sức ảnh hưởng của Heart ở thập niên 70s và từ “Barracuda”, nhưng đám thanh niên ấy chắc chắn cũng là những kẻ đầu tiên công khai phản đối âm nhạc của Heart ở thập niên 80s.


Và thế là lần đầu tiên trong khi đang sound check, Ann Wilson đã phải khựng lại khi đang hát dở bài hit “All I Wanna Do” - một bài hát không phải kiểu của chị em nhà Wilson cho dù đó là một hit đình đám. Đó cũng là lần đầu tiên Nancy thấy chị của mình ngưng hát sau khi đá bắt đầu. Ann Wilson đã không thể hát nếu cô không trở thành chính bài hát đó.


Heart quyết định một lần nữa lại giải tán sau album Brigade. Hai chị em nhà Wilson rủ Sue Ennis, bạn cấp 3 của họ và cũng là người đồng sáng tác rất nhiều ca khúc của Heart (dưới cái tên Conie), lập ra ban nhạc Lovemongers sau khi hội Chữ thập đỏ đề nghị Heart chơi show từ thiện cho binh lính ở chiến tranh vùng vịnh. Vì Heart đã không còn thành viên nào ngoài hai chị em nhà Wilson, họ quyết định chơi acoustic với Ann Wilson chơi bass và Sue Ennis giả lập tiếng trống trên keyboard. Họ còn mang theo hình Ringo Starr cắt ra bằng bìa cứng để “chơi trống” cùng. Đó là lần đầu tiên kể từ lâu lắm rồi, không có ai bắt Heart phải chơi những bản hit và phải khoe ngực. Nancy Wilson có thể tự nhiên trong vai trò lead guitar, chơi những bản nhạc Led Zeppelin mà họ ưa thích thì khi còn nhỏ, trong khi vẫn có thể hát bè cùng Ann trong những bài hát của Paul Simon. Lần đầu tiên kể từ lâu lắm rồi, hai chị em nhà Wilson được chơi với tất cả niềm vui như những đứa trẻ lần trông chờ được nhìn thấy thấy The Beatles trên TV và mơ một ngày được đứng trên sân khấu như những người anh hùng của họ.


Heart vẫn tiếp tục thu và ra đĩa sau năm 2000s, và dù là với đội hình thường xuyên thay đổi, họ từ đó chỉ hát nhạc do ban nhạc tự viết.


Hẹn gặp lại!


Kcid

846 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page