Good Charlotte chắc chắn là một ban nhạc Pop Punk ngay từ lúc bắt đầu. Đúng kiểu Punk mà chơi với chỉ 3 hợp âm, trống nhanh và cuốn, guitar pằng pằng, cùng với vẻ bề ngoài nhìn chất đường phố ngông nghênh chả coi ai ra gì. Họ không ngần ngại giấu diếm điều đó với album đầu tay Good Charlotte, và liền ngay sau đó là album The Young and Hopeless với thứ nhạc Punk mạnh mẽ và chủ đề đầy tự sự về việc sao tôi lại nghèo mà nó thì giàu. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói và Good Charlotte sẽ có thể là một ban nhạc Pop Punk khác tiếp nối truyền thống của những Blink-182 hay The Offspring, nhưng đột nhiên năm 2004 họ lại phát hành một album cực kỳ khác lạ và đáng chú ý: The Chronicles of Life and Death.
Tôi còn nhớ khi Good Charlotte ra The Chronicles, thời điểm đó tôi hoàn toàn chưa có ý niệm gì về việc một Punk band có thể trở nên lỗi thời ngay cả khi họ thật nổi tiếng – dù rằng American Idiots của Green Day cũng ra vào năm này. Thực tế là mỗi khi nhìn xung quanh trong đám Pop Punk khi đó chỉ có Green Day, Blink-182, The Offspring, hay Sum 41, khi tất cả bọn họ đều vẫn trung thành với công thức nhạc 4 gam của mình, tôi đã luôn tự hỏi đến khi nào thì họ cảm thấy mệt mỏi. Tôi từng lờ mờ nhận ra việc các Pop Punk band sẽ tự làm khó mình khi không thể thoát ra khỏi cái kiểu nhạc đó, trong khi việc thay đổi sang một thứ nhạc khác sẽ hoặc khiến họ hụt hơi với khả năng chơi nhạc hạn chế, hoặc sẽ khiến các fan ghẻ lạnh.
Good Charlotte có lẽ ít nhiều khác biệt với các Punk band khác, trước hết là vì họ không tới từ California, sau nữa là vì họ xuất thân từ nghèo khó và muốn trở nên thật nổi tiếng. Cứ gọi họ là “poser” cũng được với kiểu tóc và cách tạo dáng đầy thái độ trong hai album đầu tiên. Ngay cả sự phản kháng trong âm nhạc của họ cũng khá dễ đoán và có phần hơi “nhàm”. Thây kệ, miễn là ăn tiền, Good Charlotte sẵn sàng đi vào những lối mòn viết nhạc đánh đổi lấy sự đồng cảm của người nghe với những nội dung dễ gần, cũng chỉ để trở nên thật nổi và nổi hơn nữa. Rõ ràng họ không có cái rào cản trong tâm thức như những Punk band khác, khi vẫn muốn đông người chứng kiến tính cách bất cần của họ, nhưng lại không muốn trở thành Pop band!?!!
Good Charlotte bắt đầu từ khi tay guitar Billy Martin tình cờ trông thấy hai anh em sinh đôi nọ trong một quán café ở Indiannapolis. Có một căn phòng nhỏ ở phía sau thường được để đó cho các band tới dợt chơi acoustic. Hai gã này không có gì đặc biệt chỉ với cây acoustic và ngồi hát bè với nhau – mà theo kinh nghiệm của Billy thì mấy ông ôm đàn ra quán toàn là bọn sĩ diện hão. Nhưng hóa ra hai tay này hát bè với nhau cực hay trong một ca khúc được biên soạn khá là kỹ lưỡng. Billy đã phải tấm tắc trong đầu là hai anh em nhà này giỏi thật.
Tới từ Warldolf, Maryland, ở chiều ngược lại anh em nhà Madden, Joel (hát) và Benji (guitar) cùng nhìn lên và thấy ông Billy Martin chỉ toàn là tóc dreadlock từ đầu đến chân. Cũng phải thôi, đây là cuối thập niên 90s và Korn là ban nhạc thanh niên nào chả thích. Rốt cục sau màn chào hỏi, ba ông đều khoái Korn và kết thân nhau từ đấy. Cùng với người bạn Aaron Escolopio từ cấp 3 chơi trống và tay bass Paul Thomas, 5 người trở thành Good Charlotte từ khi Billy Martin hãy còn đang học cấp 3. Họ kiếm gig chơi ở bar thường từ 11 giờ đêm tới 1 giờ sáng, giờ chải ai quan tâm mấy đến nhạc nhẽo. Số bài của Good Charlotte lúc đó thậm chí còn chả đủ chơi nên họ sẽ phải chơi lại một bài đến vài lần cho đủ set. Anh em nhà Madden lúc này đã học xong cấp 3 và giã từ sự nghiệp học hành để tập trung cho âm nhạc, còn Billy thì sẽ lái xe mất 2 tiếng sau mỗi show về lại nhà để sáng ra lại đi học. Tất cả đã trui rèn Good Charlotte thành một band chơi live đầy nhẫn nại và sự đoàn kết đồng cam cộng khổ giữa các thành viên từ khi còn rất trẻ.
Tua nhanh đến năm 2002, Good Charlotte lúc này đã sẵn sàng để tàn phá các bảng xếp hạng với chất Pop Punk và các ca khúc hit ăn khách như “Little Thing”, “Lifestye of the Rich and Famous” và “The Anthem” trong album The Young and Hopeless (2002) của họ. Tay trống Aaron Escolopio lúc này đã không còn chơi cùng band và hãng đĩa đã phải cất công mời tay trống phòng thu Josh Freese lừng danh chơi trống trong album này. Kết quả là cái bìa album chỉ có 4 người nhìn thật lạ lẫm, cùng thứ âm nhạc Punk đầy năng lượng cho đám thanh niên mới lớn, và cả 5 triệu đĩa bán được ở Mỹ. Good Charlotte đã lấy lòng được rất nhiều người nghe khi đó với chất Pop Punk không thua gì Blink-182 hay The Offspring.
Thế nhưng trong khi các band Pop Punk khác vẫn tiếp tục đào sâu vào những chủ đề quen thuộc với giới trẻ đó, thì đột nhiên vào năm 2004, Good Charlotte làm album theo một hướng khác hoàn toàn. The Chronicles of Life and Death (2004) chơi nặng, chậm lại và có màu sắc đầy u ám. Tiếng keyboard như trong những bộ phim kinh dị lẩn quất khắp nơi. Dĩ nhiên đó là trước khi thứ âm nhạc emo trở nên thông dụng nhờ công của My Chemical Romance.
Và sau đây là những lý do mà tôi thích album này.
1. Đây không phải album Pop Punk
Còn gì thú vị hơn trong âm nhạc khi nghệ sĩ thuộc thể loại này bỗng dưng đá sang thể loại khác. Rapper hát R&B, rocker hát Rap, boyband đánh nhạc cụ. Trong trường hợp này, Good Charlotte đã thể hiện được họ có thể làm được thứ nhạc Rock khá ngon nghẻ mà chả cần phải dính tí ti ông cụ gì vào cái gốc Pop Punk của mình.
Good Charlotte đã đem tới các ca khúc có nhiều hơn 3 gam kiểu Punk truyền thống. Tiếng guitar được căn thật nặng và trống không còn chơi với nhịp độ 1-2-3-4 thường thấy. Thậm chí không ít lần, tay guitar Billy Martin đã thể hiện vai trò lead guitar của mình với những bản solo như trong “S.O.S” hay “The Chronicle”.
Hãy lấy “S.O.S” làm ví dụ. Bài hát nói về sự bế tắc trước những tình huống khó xử khiến ta đôi lúc phải gào lên cầu cứu sự cảm thông, dù rằng rất nhiều lần sự kêu gào của ta chỉ rơi vào khoảng không vô ích như chiếc tàu đắm trong vô vọng. Bài hát có bố cục và tiếng đàn rất tự nhiên theo kiểu nhạc Rock, với phần guitar acoustic dạo đầu, phần verse có riff đầy trắc trở, phần điệp khúc, và cả phần solo lẫn outro đầy khắc khoải – thì đúng rồi, tôi đang khen một Punk band nên bất cứ thứ gì nhiều hơn 4 gam và tiết tấu nhanh đều đáng chú ý. “S.O.S” có lẽ cũng là một trong những ca khúc của Good Charlotte khiến người ta muốn cầm lấy cây đàn và chơi theo.
Phần hòa âm với giàn dây cũng là một điểm nhấn trong album này. Với sự cộng tác của David Campbell, và phần chơi keyboard được đảm nhiệm bởi gã đa năng Billy Martin.
Đó cũng là thứ đầu tiên đập vào tai người nghe ngay từ phần mở đầu của album.
2. Chris Wilson tay trống dị
Có lẽ đó đã là một thứ luật bất thành văn: Punk band nổi phải có tay trống giỏi. Chứ sao, với phần guitar và bass thường khá là đơn điệu với kiểu nhạc này, thứ khiến cho những bài hát trở nên lôi cuốn thường tới từ tay trống nếu không phải là những lời lẽ được viết ra siêu hạng. Green Day, Blink-182, hay Sum 41 đều sở hữu những tay trống đáng mơ ước. Avril Lavigne cũng luôn có những tay trống session siêu hạng trong các album Pop Punk của mình. Chẳng nhìn đâu xa thì hiệu ứng của Josh Freese cũng đã có thể thấy rõ trong album Young and Hopeless, với thứ nhạc của Good Charlotte lúc đó còn chưa định hình nhưng đã bán được tới 5 triệu bản, một con số đáng mơ ước.
Chris Wilson tham gia Good Charlotte ngay sau khi họ phát hành Young and Hopeless và đi tour cùng band trước khi vào phòng thu cho The Chronicles. Anh nhanh chóng thể hiện sự khác biệt của mình, dù rằng không phải lúc nào lối chơi của anh cũng là Punk Rock.
Không cần nhìn đâu xa, sự quái đản của Chris Wilson có thể được thấy ngay trong phần dạo đầu của ca khúc hit “I Just Wanna Live”. Đoạn mở đầu bài này là tiếng đàn synth theo kiểu báp-đùm-báp-đùm một hai. Nhẽ ra tiếng kick sẽ thường rớt vào tiếng "báp", thì bỗng nhiên được đẩy vào ngay nhịp số hai kia và tiếng snare rớt vào nhịp số một. Rất nhiều lần khi mới nghe, ta có cảm giác tiếng trống đuổi theo và đảo ngược cho khớp với tiếng synth một hai kia, nhưng rốt cuộc đó chỉ là màn kỹ xảo tung hứng giữa phần keyboard và trống.
“Ghost of You”, “S.O.S” đều là những bản cách tân của Punk Rock khi tiết tấu trống được điều tiết để phù hợp với câu riff, thay vì chỉ chơi một hai và dồn.
Không biết có phải trùng hợp hay không, nhưng từ sau khi Chris Wilson rời Good Charlotte sau The Chronicles, họ đã không còn album nào bán tốt như Young and Hopeless và Chronicles nữa. Việc thu ra một album nghe thật hoành tráng là một chuyện, việc ban nhạc có hai tay guitar chơi không quá xuất sắc (thường thấy ở Pop Punk) nhưng cũng không có một tay trống múa may được ở phía sau có lẽ sẽ dễ hại chết họ trong các buổi biểu diễn.
Sự ăn ý giữa tay bass Paul Thomas với Chris Wilson trong album này cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Với cây đàn bass 5 dây của mình, Paul Thomas tạo ra được nhiều âm thanh trầm giống kiểu của Nu Metal hơn so với Punk Rock truyền thống. “The World Is Black”, ca khúc gần nhu trần trụi với tiếng acoustic và tiếng synth nhí nhảnh, sẽ không thể có sự ăn giơ tuyệt vời ở phần rhythm nếu thiếu tiếng bass của anh này.
3. Nhiều ca khúc cùng mô típ
Các ca khúc Punk Rock nghe na ná nhau thì chắc cũng nhiều, nhưng việc cố ý tạo ra những album mà trong đó hầu như đều có những ca khúc “sinh đôi” thì tôi mới chỉ thấy ở Good Charlotte. Không biết có phải vì họ có hai anh em sinh đôi là Joel và Benji Madden có cùng một ý tưởng trong hai bài hay không, album của Good Charlotte đầy rẫy những bài phối âm cầu kỳ nhưng nghe lại na ná nhau.
Điển hình nhất là “Walk Away (Maybe)” và “Predictable” trong album The Chronicles này. Ngoài ra, có thể kể đến “Break Apart Her Heart” và “All Black” trong Good Morning Revival (2007), “40 oz. Dream” và “Life Can’t Get Much Better” trong Youth Authority (2016), rồi thì “Shadow Boxer” và “Self Help” trong Generation Rx (2018).
Có thể không nhiều người thích kiểu “nhân rộng” ca khúc như thế này, nhưng dù sao đó cũng là một điểm nhấn đặc trưng trong các album của Good Charlotte.
4. Viết nhạc theo cách họ giỏi nhất – sự thân quen
Good Charlotte, hay cụ thể là anh em Benji và Joel Madden không bao giờ ngần ngại nhắc đi nhắc lại về những thứ quen thuộc xung quanh họ. Bố mẹ họ bỏ nhau. Họ lớn lên trong nghèo khó. Album Young and Hopeless thì ngập tràn những câu chuyện quanh ông bố, còn album The Chronicles thì đầy những trăn trở của thanh niên như chuyện sinh tử, cuộc sống, các mối quan hệ và thậm chí đâu là chỗ có thể đặt lòng tin. Dù thích hay không, những người quen nghe nhạc của anh em nhà Madden đều cảm thấy như họ đã quen cặp đôi này từ lâu lắm rồi, và dĩ nhiên họ cũng chả ngần ngại nhắc lại mấy chuyện này trong các album phía sau của họ.
Nếu như mô típ của mấy bài giật đùng đùng như “Walk Away” và “Predictable”, cùng kiểu nhạc nhí nhảnh như “I Just Wanna Live” hay “The World Is Black” dễ bắt tai người nghe, bài cuối “In This World (Murder)” dường như ít được để ý tới. Tôi cho đây là một track kết thúc album đầy xứng đáng, khi nó kết lại cái ý tưởng làm một album nhạc đi ngoài punk pop, và hứa hẹn những ý định âm nhạc thú vị mà Good Charlotte có thể tiếp tục theo đuổi sau này.
Đáng ngạc nhiên, “In This World” có phần lời lẽ khá là chỉn chu nói về việc nếu phải sắp kết thúc cuộc đời thì ta làm gì. Quan trọng hơn, phần nhạc của “Meet the Maker” cho thấy nhiều ý tưởng âm nhạc của Good Charlotte vượt xa khỏi những hạn chế của Pop Punk thông thường. Đó là cấu trúc bài hát phức tạp hơn bình thường, phần guitar solo, cách thay đổi tempo giữa bài, lẫn phần dây solo ở cuối khiến cho bài hát bỗng trở nên linh hoạt và nhiều biến chuyển hơn hẳn.
Tôi đã từng nghĩ Good Charlotte có thể trở nên nguy hiểm tới chừng nào nếu như họ tiếp tục làm ra những thứ nhạc như thế này. Dĩ nhiên sau đó Good Charlotte bỗng trở nên hết thú vị. Có thể do họ không có một tay trống xứng tầm, hoặc chỉ đơn giản anh em nhà Madden chỉ có thể đưa họ tới xa tới đây thôi. Chẳng phải anh em nhà Madden kia sau đó cũng đã loay hoay đến nhường nào trong album solo của riêng họ, The Madden Brothers, khi không có những người chơi nhạc quen thuộc xung quanh.
5. Tính thẩm mỹ trong làm nhạc
Album The Chronicles of Life and Death được phát hành với hai phiên bản, tượng trưng cho Life và Death. Album Life có bìa đĩa được minh họa như một cuốn sách mới phát hành, còn bản Death thì có bìa đĩa nhu một cuốn sách đã cũ mèm sau cả trăm năm. Tất cả hình minh họa trong album này đều được thực hiện bởi cầm thủ đa năng Billy Martin, người sau này đã trở thành họa sĩ vẽ cho Marvel trong suốt thời gian Good Charlotte ngừng hoạt động ở thập niên 2010s.
Dưới bàn tay của Billy Martin, bìa đĩa của The Chronicles cũng được trình bày như một cuốn truyện tranh với các nhân vật theo trường phái kinh dị hài kiểu như Adams Family hoặc kiểu những nhân vật của Tim Burton, kèm theo lời bài hát như những đoạn dẫn truyện.
Thẩm mỹ cũng là một thế mạnh giúp Good Charlotte có thể gây dựng lượng fan trung thành hùng hậu. Đó là những đoạn video clip nhìn đúng chất Punk từ California (dù rằng họ tới từ phía bờ Đông).
Tôi cho là Good Charlotte đã tung hết vốn liếng với album này, và cùng với việc họ nổi tiếng quá nhanh, anh em nhà Madden sau đó đã không còn có thể tập trung vào âm nhạc như trước nữa. Việc cặp kè và lập gia đình với mấy cô đào ăn chơi ở Hollywood như Cameron Diaz và Nicole Ritchie rõ ràng không giúp gì cho sự tập trung và sự nghiệp của họ. Good Charlotte lâu lâu lại tạm nghỉ rồi tái hợp, tất cả đều vì những lý do cá nhân. Điều đó có thể tốt cho cặp anh em sinh đôi nọ, nhưng rõ ràng không thể tốt cho những người còn lại, những người lâu nay luôn phải sắm vai phụ cho sự nổi tiếng của nhà Madden. Đó có lẽ cũng là lý do khiến Billy Martin quyết tâm theo đuổi nghề vẽ và đã gặt hái rất nhiều thành công với Nickelodeon, Marvel, và Disney.
Thêm một ví dụ về sự cố gắng từ nghèo khó để vươn lên trở thành nổi tiếng, và cũng lại một ví dụ về việc khối người không sẵn sàng cho sự nổi tiếng như thế nào.
Hẹn gặp lại!
Kcid
Comments