top of page

3 ngày với Jane’s Addiction



- Ngày thứ nhất: cám dỗ -


Ngay lúc này đây

Em đáng lẽ cần ở cạnh anh và cô ấy

Cùng tận hưởng cảm xúc của bọn anh

Như em từng khao khát

Mà không bao giờ có lại được

Anh nhớ em, Xiola yêu dấu


Người con gái trong bài thơ trên là Xiola Blue – cô bạn gái đầu tiên của Perry Farrell. Khi Farrell quen biết Blue, anh đã 22 tuổi còn cô chỉ 14. Cả hai có một mối quan hệ “bạn và tình” từ thời Farrell còn đang hát trong ban nhạc Psi-Com và cô chính là nguồn cảm hứng chính cho Farrell sáng tác bài “Xiola” cùng Psi-Com. Sau đó cô cũng tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những vần thơ của Perry Farrell nằm trong bản “Three Days” của ban nhạc Jane’s Addiction (JA).


Tiếng bass của Eric Avery bắt đầu vào, gảy những nốt móc kép ở dây trầm, rồi bấm hammer và nhả pull trên dây cao của cây bass, bập bùng như ngọn lửa đầy gợi tình.

Anh đã dọn căn phòng với ánh đèn đêm Giáng Sinh

Cùng vô vàn ngọn nến

Và ga trải giường mới


Tiếng guitar của Dave Navarro và tiếng trống của Stephen Perkins nhẹ nhàng vào sau 4 khuông nhạc. Phần trống của Perkins đầy kiểm soát âm lượng, tiếng gậy chạm nhẹ vào hi hat đều đặn, thi thoảng chiếc hi hat mở ra nhẹ như tiếng thở. Còn câu guitar của Navarro thì ngọt lịm như cái vuốt ve của nhân vật trong bài.

Những đám mây dày đặc phủ kín nhấn chìm tất cả chúng ta trong tấm chăn

Anh muốn chạm vào làn da của em.

Farrell và tác phẩm artwork của đĩa Ritual

Hình ảnh trên chiếc bìa đĩa của album thứ hai – Ritual de lo Habitual (1990) chính là hình minh họa của bài “Three Days” trong album này. Ý tưởng tạo hình minh họa do Perry Farrell thực hiện, trong đó ba nhân vật trần truồng chính là anh và hai cô gái – một người tình cũ Xiola Blue và một người tình hiện tại Casey Niccoli. Chính hình ảnh gợi dục này đã khiến album Ritual bị từ chối đặt lên kệ đĩa của một số cửa hàng bán lẻ ở Mỹ dẫn đến một version bìa đĩa độc mỗi chữ in bên ngoài được phát hành thay thế, một sự việc cũng đã từng xảy ra như với album trước đó. Trên hình bìa Nothing’s Shocking (1988), cặp song sinh khỏa thân có đỉnh đầu đang bốc hỏa là tác phẩm điêu khắc cũng do Farrell tạo ra. Tấm bìa đĩa gây sốc tận não của Nothing’s Shocking này bị 9 trên 11 cửa hàng bán lẻ lớn từ chối bán, khiến cho Farrell và ban nhạc JA đã phải nhượng bộ bọc thêm tờ giấy nâu phủ ở ngoài.


Những hình ảnh đầy nhạy cảm mà anh này cứ bất chấp đưa vào phần nào cũng ảnh hưởng đến doanh số bán đĩa và thành công thương mại cho ban nhạc JA của Farrell. Gọi JA là ban nhạc của Farrell cũng được, bởi vì tay thủ lĩnh và già nhất nhóm này đã từng kinh qua sự nghiệp cùng Psi-Com trước đó, nên ngoài vai trò ca sĩ frontman, anh còn sáng tác lời, góp phần sáng tác nhạc, cùng sản xuất hai album studio chính thống đầu tiên với ông Dave Jerden, và lên định hướng âm nhạc cho JA.


Điều thú vị là rất nhiều bài nằm trong album thứ hai Ritual de lo Habitual đều đã được Farrell và ban nhạc sáng tác từ những ngày còn làm nhạc cho album studio đầu tiên Nothing’s Shocking, trong đó có cả “Three Days”. Có rất nhiều track hay thời đó, mà vì lý do và niềm tin nào đó, Farrell quyết định giữ lại, để dành cho album tiếp theo. Cuối cùng, không chỉ những ca khúc được đưa vào Nothing’s Shocking đều xuất sắc đến trọn vẹn, thì Ritual sau đó, cùng với một số bài được sáng tác thêm về sau, cũng là một tuyệt phẩm hoàn hảo – tạo nên hai album ghi đậm dấu ấn nghệ thuật của JA. Sự thành công của hai album này tạo bước chuyển giao sâu sắc của thập niên 90, mở ra cánh cửa của Alternative Rock / Alternative Metal, dẫn lối cho loạt band về sau như Rage Against The Machine, The Smashing Pumpkins, Tool, System Of A Down, Korn, v.v.


Tất cả xuất phát từ khoảng thời gian đầy thăng hoa của ban nhạc và Perry Farrell.

- Ngày thứ hai: thăng hoa -


Vào ngày Farrell gặp lại cô bạn gái cũ Xiola Blue là lúc anh đang cặp với Casey Niccoli. Cảm xúc của Farrell khi gặp lại người tình xưa sau gần 3 năm và sự cảm phục của Niccoli trước cá tính của Blue đã đưa cả ba con người này lại gần nhau trong một cuộc hành trình mây mưa qua những chất xúc tác đến từ “bột trắng”, “tình dục” và “phim bạo lực”, liên tục, trong thời gian 3 ngày đẹp nhất cuộc đời của Farrell. Một trải nghiệm mang tới cho anh ý tưởng về một bản nhạc để đời của Jane’s Addiction (JA).


Ca khúc “Three Days” được thai nghén từ những ngày đầu năm 1986, nghĩa là còn trước cả thời gian phát hành album Nothing’s Shocking và còn xa mới tới đĩa Ritual. Thực tế là ca khúc được dựa trên câu bass gợi tình của Eric Avery viết ra từ cả trước khi anh và Farrell lập nên band JA. Ca khúc sau đó được phát triển dần trong suốt năm 1986 kéo dài tới 1987 thì hoàn thành. Khi ban nhạc bắt đầu thu âm “Three Days”, cả bốn thành viên cùng chơi live. Họ đã chuẩn bị quá lâu cho bản track này và sự thăng hoa của cả bốn người tạo nên màn trình diễn hoàn hảo ngay trong lần thu đầu tiên.


True leaders gone

Of land and people

We choose no kin but adopt a stranger

The family weakens by the length we travel...oOoh...

All of us with wings...oOoh...

All of us with wings...Oooohhh...

All of us with wings!

All of us with wings!

All of us with wings!

All-of-us with wings!


Ở khúc 4:43 giây, khúc thăng hoa đầu tiên của bài qua câu guitar solo của Dave Navarro sáng lòa (màn trình diễn của Navarro trong bài này được bầu chọn trong top 100 guitar solo hay nhất của tạp chí Guitar World). Có thể nói, sự mạnh mẽ trong âm nhạc của JA phần lớn đến từ các câu riff và solo của Navarro. Nó đẩy được sức nam tính vượt khỏi dòng Hair Metal và giữ lại được những câu đàn solo mà chẳng mấy chốc dần biến mất khỏi nhạc Rock sau đó ở thập niên 90s. Tiếng guitar của anh trong một số bài ở đĩa Nothing’s Shocking có sự gợi nhớ đến phần nào âm thanh “hủy diệt” của Guns N’ Roses trong album Appetite For Destruction phát hành trước đó không lâu. Nhưng hơn thế, Navarro còn có cả những bài thể hiện nhịp điệu funky và phần solo chao đảo. Câu đàn anh chơi có thể không nhiều phần giai điệu ngọt như Slash, nhưng chắc chắn là sự lựa chọn kỹ lưỡng trong âm sắc "ướt át" khiến cho tiếng đàn của anh phù hợp với bài hát của JA, và đặc biệt là hòa hợp với giọng hát cao hơi chói của Perry Farrell. Những gì mà Navarro thể hiện trong các bài như “Had A Dad” hay “Standing In The Shower...Thinking” là minh chứng cho sự phá cách hợp rơ với phong cách nhạc mà Farrell hướng tới.


Với Eric Avery, câu bass của anh không quá cầu kỳ về kỹ thuật, nhưng lại luôn nằm ở phần riff có giai điệu quyến rũ chết người. Kể cả khi Dave Navarro vẫn chơi những nốt nhạc solo sắc lẹm phía trên trong “Three Days” thì Avery vẫn lặp lại những rải nốt trầm phía dưới, đủ ấm áp và rõ ràng, mang một màu sắc ngọt cho nhạc của JA. Avery là vậy. Anh luôn biết mình cần phải có màn chào đón với khán giả bằng câu đàn mang các ấn tượng riêng biệt cho mỗi bài của JA. Nó là phần gảy hai nốt với nhịp điệu giật cục cách nhau quãng 8 trong “Up The Beach”. Nó là câu đàn đều đặn có giai điệu rõ ràng ở “Ted, Just Admit It…”. Nó là gảy giữa các nốt chỉ trên dây E và dây G tạo khoảng trống lớn ở giữa trong “Summertime Rolls”. Hay đó là phần slap bass ở “No One Leaving” hoặc bập bùng các nốt thấp nhất, chủ yếu trên dây E ở bài “Been Caught Stealing”. Nhờ đó, nhiều lúc, phần giai điệu nhất của bài lại nằm trong câu bass mà Eric Avery chơi.


Còn về phía Stephen Perkins, khi Dave Navarro bắt đầu cao hứng trong “Three Days” thì anh nện những cú nện dồn dập. Có điều đến đoạn 6:42 người nghe ngã ngửa ra với loạt những âm thanh của đủ các loại trống và bộ gõ chạy hết từ tai này sang tai kia. Đằng sau phần bass giai điệu đều đặn của Avery, Perkins tha hồ tung hoành những ý đồ trên giàn trống của mình. Không chỉ đạt kỹ thuật cao trong việc chơi trống, cái hay trong cách đánh của anh là, một lần nữa nằm trong đặc tính của nhạc JA. Đó chính là âm sắc, từ cảm nhận trên những cú swing của Perkins khi lướt trên giàn trống, cho đến những tiếng động từ trống tom, bongo và timbale, và cả những phân đoạn hừng hực của cao trào, như trong bài “Three Days”. Cảm giác như phần trống mà Perkins chơi không chỉ nằm ở biến tấu nhịp điệu, mà nó lại rất “âm nhạc” có giai điệu trầm bổng. Do đó, trong một số bài của JA khi các nhạc cụ khác vắng mặt, Perkins phải chế ra các câu “nhạc” cho trống, như ở bài “Ted, Just Admit It…”, đoạn đầu trong “Ain’t No Right”, và dĩ nhiên phần cuối của bài “Three Days” như đã nói ở trên.


Có thể nói Perry Farrell có được bộ sậu chơi nhạc xuất sắc để hoàn thiện ý đồ âm nhạc của anh. Chỉ là sự thăng hoa thì ngắn ngủi và không có gì tồn tại lâu dài được với Farrell.


- Ngày thứ ba: đổ vỡ -


Chỉ hơn 1 năm sau ngày Xiola Blue gặp lại Perry Farrell sau cuộc mây mưa, tháng 6 năm 1987, cô mãi mãi ra đi ở tuổi 18 vì sốc thuốc heroin. Sự cám dỗ, thăng hoa của tình dục và chất kích thích là xúc tác cho sự gắn kết của Blue và Farrell. Thuốc phiện cũng là nguồn gốc cho tên của ban nhạc – Jane’s Addiction (JA), lấy cảm hứng từ chính cơn nghiện của cô bạn cùng nhà với Farrell - Jane Bainter và tay bạn trai buôn mai thúy.


Nhưng trên cả những trải nghiệm từ thứ “bột trắng”, Perry Farrell có mong mỏi cùng ban nhạc tạo nên âm thanh đột phá. Và như tác dụng của thứ “bột trắng”, anh muốn nhạc của JA khiến người nghe bay bổng như thứ nhạc đến từ không gian vũ trụ.


Farrell có đủ các yếu tố đó qua tiếng trống có âm hưởng của bộ lạc qua giàn trống tom và các bộ gõ của Stephen Perkins, qua câu bass đầy gọt dũa mê hoặc của Eric Avery, qua phần trình diễn guitar mạnh mẽ mà vẫn chau chuốt của Dave Navarro; và dĩ nhiên không thể thiếu giọng ca độc đáo, cao và chảnh, hát những lời hát về phụ nữ không giống ai của chính Perry Farrell. Kết quả là nhạc của JA là thứ nhạc Alternative Rock nặng tổng hợp của Led ZeppelinBlack Sabbath mà vẫn kèm theo những êm ái vuốt ve của The Doors, và còn chịu ảnh hưởng của cả Funk lẫn Reggae.


Tiếc cái là ban nhạc JA cuối cùng cũng chỉ lập nên để sau đó tan đàn xẻ nghé. Khi bạn có trong band một người mê mệt nhạc của Joy Division, một người yêu nhạc của Metallica, một người thích Adam And The Ants còn người khác thì thích James Brown, thì bạn thừa biết sự mâu thuẫn tiềm ẩn từ cá tính mỗi con người này. Khi Perry Farrell đề nghị mức phần trăm tiền bản quyền cho anh là 50% cho sáng tác lời, cộng thêm 12,5% cho phần nhạc, một con số lớn hơn hẳn con số 12,5% còn lại cho mỗi thành viên, cả Dave Navarro, Eric Avery và Stephen Perkins đều há hốc mồm. Không chỉ dừng ở đó, nếu như tỷ lệ phân chia mà mỗi người đều có cái lý của họ để đòi phần nhiều hơn thì chính cơn nghiện nặng ăn vào máu các thành viên trong ban nhạc mới là thủ phạm chính khiến họ nổi cơn điên, choảng lẫn nhau trên sân khấu trong lần tour diễn quảng bá album Ritual. Farrell nghiện thì rõ rồi, nhưng Navarro thì còn chìm đắm đến độ anh gần như không có đọng lại trong đầu quãng thời gian ghi âm đĩa Ritual. Navarro chỉ biết khi anh phục hồi lại nhận thức thì album đã hoàn tất. Với Avery thì anh còn ngờ nghệch tán tỉnh cả bạn gái lúc đó của Farrell khiến cho mỗi quan hệ giữa cả hai càng rạn nứt. Chỉ mỗi Perkins còn là tỉnh táo nhất. Nhưng mình anh cũng không đủ níu kéo cả ban nhạc.


Thế nên sự tồn tại của JA thật ngắn ngủi, như chính cuộc đời của Xiola Blue vậy. JA cuối cùng cũng chỉ có vỏn vẹn đúng hai album studio là đủ các thành viên từ những ngày đầu ban nhạc, nhưng sự bùng nổ của sáng tạo từ các cá tính khác nhau đó, dù chỉ ở khoảnh khắc đó thì thực sự vĩ đại. Mãi sau này JA mới có sự tái hợp ngắt quãng và chỉ ra được thêm đúng hai album Strays (2003)The Great Escape Artist (2011), trong đó có Strays nghe khá hay, dù tay bass Eric Avery thì luôn vắng mặt trong hầu hết các lần tái hợp. Nếu như ca khúc “Three Days” muốn nói đến các phân đoạn về tình dục, cái chết và tái sinh, thì có lẽ với ban nhạc JA, chỉ có hai thứ đầu tiên là đúng. Sự “tái sinh” của họ không được bền lâu và quan trọng là sự vắng mặt của Avery, bất chấp những tay bass lừng danh như Flea của Red Hot Chili Peppers hay Duff McKagan của Guns N’ Roses thì cũng không tạo ra phép màu như những ngày đầu có Avery.


Trong khi các bài đều được ghi âm rời rạc bởi từng thành viên và được ghép lại sau cùng, riêng bài “Three Days” lại trở thành bản biểu diễn chung cuối cùng của đầy đủ các thành viên ban nhạc trong studio khi thu âm. Toàn bộ ban bệ của hãng đĩa đã đến xem ngày hôm đó và JA chơi mượt mà từ đầu tới cuối. Perry Farrell đã luôn muốn có một bản trường ca để đời, giống như “Stairway To Heaven” của Led Zeppelin, “Free Bird” của Lynyrd Skynyrd hay “Hotel California” của Eagles, và anh đã đạt được ước nguyện đó với “Three Days”.


Còn gì có thể tuyệt vời hơn quãng thời gian hai ngày thăng hoa với tình dục, thuốc phiện và phim bạo lực? Đó là ba ngày của tình dục, thuốc phiện và phim bạo lực.”


Perry Farrell dẫn lời giới thiệu trên sân khấu trước khi bắt đầu bài “Three Days” vào một ngày tháng 3 năm 1987, chưa đầy 3 tháng trước ngày mất của Xiola Blue.

Hẹn gặp lại!

Kink

372 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page