top of page

Điểm “G” trong nhạc của Kali Uchis

Mọi người hẳn đã nghe ra rả về những lời nhận định đại loại như “[điền tên thể loại nhạc] is dead”, và trong đó R&B là một trong những ví dụ điển hình. Với tôi, nếu chỉ nhìn vào thứ gắn liền với R&B mà tôi quen thuộc nhiều nhất, đó là các giai điệu ngọt ngào trữ tình ăn sâu trong ADN của dòng nhạc này, qua các bài nhạc của Babyface, Boyz II Men, Usher, K-Ci & JoJo, TLC, Brandy, Monica, v.v. trong thập niên 90, thì đã có lúc nó đã biến mất. Sau một thời gian bị Hip Hop lấn át và Pop hóa, nhạc R&B mới tìm lại phần nào âm thanh quen thuộc đó trong nhạc của The Weeknd, Frank Ocean, Miguel hay Jazmine Sullivan, dù là âm hưởng Hip Hop và Pop vẫn còn đó và người ta còn phải gán cái mác Alternative R&B cho nhạc của một số nghệ sĩ này.


Thế rồi trong mấy năm trở lại đây, dòng nhạc R&B đã lại tìm được vị trí của mình trên thị trường âm nhạc, và quan trọng nhất là thứ nhạc R&B đầy giai điệu đầy trữ tình đã lấn át Hip Hop để chiếm phần nhiều tỉ trọng trong công thức nhạc của những nghệ sĩ. Họ là Daniel Caesar, H.E.R., Jorja Smith, Kehlani, Silk Sonic (của bộ đôi Bruno MarsAnderson .Paak), và dĩ nhiên có cả nhân vật chính của bài viết này – Kali Uchis.

Điều thú vị là dù những nghệ sĩ này bước chân vượt rào ra khỏi ranh giới có phần hạn hẹp của R&B ngày trước, cái chất giai điệu vẫn được giữ và phối hợp tài tình cùng những dòng nhạc khác hay đến không ngờ. Với Kali Uchis, thứ đem tới khác biệt ở nhạc của cô là những hương vị của cả Neo Soul, Psychedelic Soul, Funk, Jazz và chắc chắn không thể thiếu Reggaeton và Latin Pop, dòng nhạc đến từ những vùng đất với ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha, trong đó có đất nước Colombia, quê nội của Kali Uchis nơi cô đã có khoảng thời gian mấy năm của thời thơ ấu tại đây. Chính bởi cái chất Latin chạy bên trong cơ thể và những năm tuổi thơ của Kali, âm nhạc của cô chịu ảnh hưởng rõ nét qua màu sắc âm nhạc và ngôn ngữ. Vì thế sự “mềm mại” và “gợi tình” là những yếu tố rõ nét trong thứ nhạc R&B được làm khá là phức tạp và trau chuốt mà cô ca sĩ trẻ cực kỳ tài năng này đóng vai trò sáng tác và góp phần sản xuất trong các nhạc phẩm của cô. Nhưng trên cả, một cảm giác mê mẩn được thỏa mãn khi nghe nhạc của Kali lại nằm ở những điểm “G” ẩn chứa trong các bài hát mà chúng ta có thể đi tìm thử.

Điểm “G” trong nốt nhạc

Kali Uchis đã tập tành sáng tác nhạc từ ngày cô học đọc học viết. Vậy nên lối sáng tác nhạc của cô đến một cách tự nhiên, không theo mạch suy nghĩ của một người nhạc sĩ muốn vạch định ra cấu trúc của một bài hát. Cô viết nhạc theo mạch cảm xúc đầy ngẫu hứng, và đã là cảm xúc thì yếu tố bất ngờ luôn là điểm mấu chốt trong âm nhạc của Kali.

Lối làm nhạc này của Kali rất khéo léo nhé. Trong ca khúc “Miami” (ft. BIA) ở album đầu tay Isolation (2018), cô tạo một sự chơi vơi kéo dài trong phần giai điệu. Với một bài hát, nốt nhạc nằm trong hợp âm của tông giọng chính của bài thường sẽ là nốt nhạc giải tỏa lớn nhất (“thường” thôi nhé vì một vài ví dụ khác lát nữa tôi viết sẽ có chút ngoại lệ). Thế nên các bài hát mà chúng ta nghe trên đài đa phần có sự khởi đầu và kết thúc của mỗi khúc nhạc bằng tông giọng chính cùng với các nốt giai điệu chính thuộc trong hợp âm này. Điều này sẽ giảm yếu tố bất ngờ thú vị vì đôi tai đã được làm quen ngay từ ban đầu. Nghe những bài hát đó sẽ giống như việc ta bắt đầu từ trong căn nhà của mình, bước ra đường rồi đi một vòng về lại chính căn nhà đó.


Thế nhưng với “Miami” và nhiều ca khúc khác của cô, Kali đặt người nghe ở một vị trí bên ngoài và dắt tay người nghe đi qua từng khung cảnh để chúng ta không biết được bao giờ sẽ đặt chân vào căn nhà và được thả mình lên chiếc giường mềm mại êm ái. Ở “Miami”, với tông chính là Bm, Kali mở đầu bài bằng hợp âm Em. Không những thế, kể cả khi ở khuông nhạc của hợp âm Em, các nốt giai điệu được ngân nga kéo dài chính lại không nằm trong 3 nốt của hợp âm Em, khiến cho đa phần đoạn verse đều ở trạng thái chơi vơi. Cách viết nhạc này tạo sức căng một chút khiến cho khi tông Bm chính của bài xuất hiện và nốt nhạc giai điệu ngân dài đúng nốt B, mọi cảm xúc đều được giải tỏa:

I can feel it in the air, ooh, Miami / (Miami, Miami, Miami, Miami) / How you pay off all them bills? (How?) Ooh, her panties / (How you gonna pay 'em all?) / When I was just a little girl (I was just a little girl) / Had my sight set on a bigger world / Got myself a visa / And started catching flights to where the grass is greener

Các âm tiết mang âm sắc giải tỏa khi Kali hát ở nốt B được đánh dấu trong đoạn trên tạo cảm giác gần gũi, êm ái khi người nghe được đưa đến những nơi như “Miami”, “panties”, “world” và “greener”.

Phức tạp hơn là bài “Tomorrow” trong cùng album đầu tiên. Được viết ở tông Dm7, nhưng các nốt nhạc trong hợp âm làm giọng chủ đạo chính này lại xuất hiện rất ít. Nếu chỉ nhìn phần hợp âm thì Dm7 thậm chí chỉ đa phần xuất hiện ở đầu và lại không nằm ở cuối mỗi đoạn verse hay điệp khúc. Đã thế khi nó xuất hiện thì các nốt nhạc cũng lại đa phần nằm ngoài hợp âm này. Đâm ra hợp âm xuất hiện nhiều hơn lại là Am7, và trở thành cầu nối với chính đoạn bridge được đổi tông, dẫn đến nốt nhạc có phần giải tỏa lại là nốt E nằm trong hợp âm Am7 này, dù không phải theo một cách truyền thống. Lý do cho lựa chọn cách làm nhạc này có lẽ ở chính tiêu đề “Tomorrow” mà Kali muốn khơi gợi một cảm giác mong ngóng cho một “ngày mai” của thì tương lai.


Cứ vậy, Kali không ngừng tạo những bất ngờ với đôi tai người nghe bằng nhiều cách. Trong album thứ hai bằng tiếng Tây Ban Nha của cô, Sin Miedo (del Amor y Otros Demonios) (2020), có bài “Aquí Yo Mando” theo phong cách Reggaeton trộn lẫn với Hip Hop được chạy trên đúng hai hợp âm. Nhưng lạ lẫm ở cái là khác với nhiều bài có hai hợp âm khác, ca khúc này của cô lại dùng tông giọng chính là Ebm và hợp âm còn lại là E, tức là nốt gốc của hai hợp âm chỉ cách nhau chỉ có 1/2 cung. Thế nên chỉ khi nghe tận tai mới thấy Kali vẫn làm ra được một bài nhạc nghe hợp lý như vậy. Đây nhé, dù đoạn verse có tiết tấu nhanh sẽ khó nhận ra nốt chủ đạo, nhưng ngay từ đầu nốt Eb đã được đàn bass nhấn liên tục làm nền chính cho điểm “G” để đến khi Kali ngân rõ nốt Eb đó trong đoạn điệp khúc lúc cô hát từ “mando” (theo nghĩa tiếng Anh là “I command”), thì nó càng tạo độ nhấn cả về tính nhạc lẫn ý nghĩa nội dung thể hiện quyền tự chủ của Kali.

Hoặc như bài “Moonlight” trong album mới gần đây, Red Moon In Venus (2023), mặc cho tông giọng chính là Gm, bằng cách nào đó Kali chỉ đưa những khuông nhạc có tông chính này vào giữa những khúc nhạc. Đã thế cô đánh lừa cảm giác khi nhấn vào nốt D xuất hiện liên tục trong phần điệp khúc, cụ thể như phần đánh dấu bôi đậm sau: “I just wanna get high with my lover / Veo una muñeca cuando miro en el Espejo / Kiss, kiss, looking dolly, Ithink I may go out tonight / I just wanna ride, get high in the moonlight”.


Có thể thấy nốt D này đúng là nốt bậc 5 của hợp âm Gm – tông chính của bài, nhưng dường như bởi vì nó xuất hiện quá nhiều mà lại không có mấy khi xuất hiện hợp âm Gm chủ đạo, khiến cho khi khuông nhạc cuối của đoạn điệp khúc được viết ở hợp âm D7, thì cụm hai nốt Bb & A của từ “moonlight” như thể kéo hút sâu xuống tạo cảm giác đẹp thỏa mãn vô cùng. Rồi khi nhìn lại, đúng là nốt D xuất hiện nhiều trước đó nằm ở chính nốt gốc của D7 – một hợp âm đáng nhẽ được dùng để hút về tông chính Gm của bài nhưng nay lại mang tới cảm giác giải tỏa đầy lạ lẫm.

Thế nên có thể thấy qua cách viết nhạc của Kali Uchis, nốt nhạc để chạm tới điểm “G” được cô đưa vào mỗi bài không hề đơn giản chút nào. Nó luôn khó đoán để cho đôi tai người nghe tìm tới những cảm giác thỏa mãn mới mẻ. Bởi chẳng phải cái gì mà trở nên quá đỗi quen thuộc thì cũng sẽ giảm dần giảm sự hưng phấn theo thời gian ư?

Điểm “G” trong cấu trúc và không gian bài nhạc

Kali Uchis tạo dựng nên phong cách âm nhạc pha trộn giữa hai nền văn hóa và dòng máu trong cô, nơi mà âm nhạc Doo-Wop và Hip Hop có thể tồn tại song song cùng Reggaeton và Bolero. Bởi vậy Kali có thể chạm tới thứ âm nhạc đa văn hóa và đa sắc tộc, qua cấu trúc bài hát và những không gian âm nhạc mới mẻ.


Trong album Isolation, với những bản như “Flight 22” và “Your Teeth In My Neck”, sẽ có khúc outro hoặc bridge với thay đổi đôi chút trong tiết tấu. Những đoạn nhạc này phần nào làm mới cảm giác cho đôi tai, nhưng cảm xúc biến đổi dồi dào nhất là chính trong những bài như “After The Storm” (ft. Tyler, the Creator & Bootsy Collins) hay “Feel Like A Fool”. Ở trong “After The Storm”, ngoài phần pre-chorus khác biệt trong tính nhạc khá hiếm thấy trong nhạc Pop ngày nay, yếu tố khác lạ về tông giọng cũng được đưa vào. Đó là lúc cả bài giáng xuống 1/2 cung khi đoạn rap của Tyler, the Creator bắt đầu, và rồi chuyển ngang từ tông thứ (Am7) sang tông trưởng (Amaj7) ở phần bridge gần cuối bài, trước khi đoạn instrumental outro quay về tông Am7 ban đầu. Nhờ cách chuyển đổi này, Kali đưa cảm xúc người nghe bay bổng sang những thế giới khác lạ, và chưa kể nó mang tới ý nghĩa tươi sáng hơn nhờ hợp âm trưởng ở cuối, tựa như bầu trời quang đãng xuất hiện sau cơn bão vậy. Tương tự như vậy, “Feel Like A Fool” cũng đưa người nghe tới những cung bậc cảm xúc mới qua phần bridge và outro có phần cao trào tươi sáng.

Rồi khi Kali quyết định thử thách chính mình trong album Sin Miedo, với thời lượng bài hát ngắn hẳn, và cấu trúc lược bớt, các bài trong đĩa cũng không hề phải theo trình tự verse-chorus-verse-chorus dễ đoán. Để bù lại cho thời lượng ngắn không dễ để có những đoạn bridge hoặc outro làm điểm “G” khác biệt như ở album Isolation, Kali lại tinh tế trong cách lựa chọn nhạc nền có màu sắc không gian âm thanh khác nhau. Điểm “G” trong album này vì thế nằm sâu trong phần nhạc cụ. Với ca khúc “La Luna Enamorada” nghe đầy mơ màng theo dòng Bolero cổ điển, đó là tiếng bập bùng phát ra từ dây trầm của nhạc cụ guitar chơi chậm rãi với màu sắc Latin cực tình. Với bài “No Eres Tu(soy Yo)”, âm thanh đàn synth hơi méo tiếng có phần lệch tông, với âm lượng không cần lớn nhưng lại kéo sự hứng thú với người nghe. Với “Que Te Pedí”, ẩn dưới phần kèn chơi thứ nhạc mang không khí của dòng phim noir, thứ nhạc Bolero này được điểm suyết bởi nhạc cụ bass chơi tiếng ở dải âm trung của đàn nhưng không ngân tiếng kéo dài, tạo nên âm thanh đầy sự tinh tế. Hoặc như bài "Vaya con Dios" rất hay đậm chất nhạc phim điệp viên 007, giữa nền giàn dây strings, tiếng đàn guitar được chỉnh âm reverb đầy ảo diệu là âm sắc khêu gợi cho track nhạc này.


Nhìn chung có thể nói, nếu nhìn vào cấu trúc dài và đầy đủ hơn trong đĩa Isolation, người nghe được nâng tầm cảm xúc ở những đoạn nhạc biến đổi trong bridge và outro, thì trong đĩa Sin Miedo, chính độ ngắn trong thời lượng bài hát, nhưng lại đủ tạo sự quyến rũ lại khiến người ta thèm muốn khao khát hơn mỗi khi một track nhạc kết thúc.

Vậy nên Kali Uchis đã kết hợp nhiều yếu tố có từ hai album đầu để đưa vào Red Moon In Venus. Tôi mê cách cô tạo âm thanh chơi vơi ở những đoạn intro để khi vào bài sẽ là sự mềm mượt khó cưỡng. Rồi đâu đó phảng phất tiếng guitar chơi lối chơi cực tình tứ ở “I Wish You Roses”, bài hát được kết bằng phần outro níu chậm tempo cả bài lại. Hay đó là tiếng synth bass chảy mượt được ngắt tiếng sớm để xuất hiện điểm suyết trong “Worth The Wait”, một bài hát cũng được kết với đoạn outro đầy ảo diệu. Cấu trúc chỉ duy nhất một đoạn verse nhưng xuất hiện giữa một phần điệp khúc mở đầu sau đó lặp lại trước khi đến với phần bridge rồi kết thúc bài trong “Love Between…” cũng là cách Kali đưa người nghe qua các cung bậc cảm xúc khác nhau, khi thì chậm rãi đối lập với khi tiết tấu giai điệu dồn dập liên tục, và những khoảnh khắc đổi tông đầy táo bạo. Hoặc với bản nhạc buồn “Blue”, Kali thậm chí không bận tâm viết ra một đoạn intro mà mở đầu ngay bằng lời hát mang giai điệu đầy tâm tư. Cô tạo ra sự tương phản trong nhịp điệu trống khác hẳn nhau giữa từng khúc nhạc và đưa tiếng kèn saxophone đầy da diết điểm suyết trong bài để thể hiện những cung bậc cảm xúc trầm bổng trong câu chuyện tình cảm của mình, trước khi ca khúc kết thúc cũng đột ngột không kém phần mở bài, ở một hợp âm khác tông chính, để lại một nỗi buồn chơi vơi.


Điểm “G” trong tiếng hát của Kali Uchis

Là một công dân Mỹ với gốc gác ở Colombia, Kali Uchis học đọc và viết bằng tiếng Tây Ban Nha trước cả tiếng Anh. Vậy nên Spanglish là thứ tiếng khá phổ biến lai tạp của hai ngôn ngữ được Kali sử dụng giống những người mang dòng máu Latin như cô. Bởi vậy, dưới vai trò viết nhạc và lời, chuyện sử dụng hai ngôn ngữ là điều đến với cô hoàn toàn tự nhiên. Thế nhưng khi cần tiền để có chi phí ghi âm album Isolation, Kali đã ký hợp đồng tại xứ sở nước Anh, nơi mà cộng đồng người Latin rất nhỏ, không đủ để thị trường âm nhạc chú tâm đến âm nhạc và ngôn ngữ phục vụ người dân xứ này. Trong hợp đồng ghi âm của Kali đã ghi rất rõ là chỉ những nhạc phẩm được sáng tác bằng tiếng Anh mới được tính là một album hoàn thiện, trong khi ý định của cô vẫn luôn là phát hành các đĩa nhạc lần lượt tiếng Anh, rồi tiếng Tây Ban Nha, rồi lại tiếng Anh và tiếp đến Tây Ban Nha, v.v. Luật sư của Kali đã phải đấu tranh cho cô để hãng đĩa có thể chấp thuận ghi nhận album Sin Miedo và những album tiếng Tây Ban Nha sau này cũng là những dự án âm nhạc chính quy được Kali hoàn thành theo nghĩa vụ hợp đồng. May mắn thay, tới khi ca khúc “Telepatía” gây sóng trên Tiktok và tạo chú ý cho thị trường biết tới dự án Sin Miedo thì những người trong hãng đĩa mới bắt đầu ủng hộ cô làm các nhạc phẩm theo chất Latin nhiều hơn.

Ngoài sự ảnh hưởng của những dòng nhạc đến từ xứ này, thứ tiếng Tây Ban Nha đã luôn là ngôn ngữ mà Kali thỉnh thoảng pha lẫn vào trong phần lời hát. Kể ra âm sắc của ngôn ngữ này nghe rất gợi tình nhờ lối phát âm nhẹ như hơi thở. Tôi vẫn nhớ ca khúc “How Do I Say” của Usher trong album 8701 đã có những đoạn xen kẽ phần thoại bằng tiếng Tây Ban Nha của cô gái đáp lại tiếng Anh của Usher tạo sự hòa quyện rất thú vị. Do đó, không lạ khi ngoài album đào sâu tiếng Tây Ban Nha, ngay với Isolation, và vừa rồi là Red Moon In Venus, Kali thường hay chêm vào những đoạn lời bằng ngôn ngữ gợi tình đó một cách khéo léo, để rồi theo lối hát mượt như vuốt ve đôi tai người nghe, không ai cần phải hiểu ý nghĩa của những đoạn lời đó mà vẫn có thể cảm nhận bài hát một cách trọn vẹn. Ví dụ như trong điệp khúc của bài “Moonlight”, câu hát tiếng Tây Ban Nha ở giữa được nối liền tiếp bằng đoạn lời “kiss, kiss” khiến cho âm sắc của hai ngôn ngữ được gắn kết tự nhiên và đẹp đến mê mẩn: “I just wanna get high with my lover / Veo una muñeca cuando miro en el Espejo / Kiss, kiss, looking dolly, I think I may go out tonight / I just wanna ride, get high in the moonlight”.

Điều thứ hai mà tôi muốn nói đến trong tiếng hát của Kali Uchis là lối thể hiện giai điệu hát trầm bổng và những lớp vocal phụ họa đằng sau đầy tinh tế. Nếu như khả năng chơi đàn piano giúp cho Kali trong việc sáng tác nhạc thì kèn saxophone lại giúp cô trong việc tìm ra giọng hát cho riêng mình. Xuất phát từ việc học thổi kèn saxophone và chơi trong một ban nhạc Jazz từ nhỏ, khả năng cảm âm của nhạc cụ này cho phép Kali mang vào cách hát của cô một phong cách quyến rũ như chính tiếng saxophone vậy. Cách hát các câu hát giai điệu ở những nốt nhạc có quãng cách xa nhau xuất hiện không hề hiếm, chưa kể tới cách luyến láy mượt mà và nhịp điệu biến đổi giữa các nốt móc đơn móc kép lẫn với chùm 3. Không dừng ở đó, cô tự rèn luyện và khám phá chất giọng và âm vực của mình bằng việc thử thách với những nốt trầm hơn và cả những nốt cao hơn, đến độ Kali đã hát cả những nốt bằng giọng sáo (whistle voice). Những giai điệu và nhịp điệu biến đổi dù trong cùng một khúc nhạc lặp lại của Kali tạo ấn tượng tươi mới khi người nghe bởi không ai biết được khi nào Kali sẽ chọn nốt nhạc ở dải âm cao hay thấp, mà chỉ biết những nốt nhạc cất ra, dù ở phần bè nào thì chúng cũng đều mang nét đẹp riêng.


Đây là lý do với những lớp vocal phụ họa mà Kali đưa vào để tạo hòa âm, cô không chỉ hát những lớp bè cho dầy âm, mà biến chuyển ngẫu hứng như người nghệ sĩ kèn saxophone, biết dùng giọng hát của mình như một loại nhạc cụ để tạo các giai điệu nền, lúc đối ẩm, lúc như một câu nhạc đệm ở các dải âm cao vút. Ví dụ như bài “Miami” với lối hát bè đối đáp sáng tạo, hoặc trong bài “Fue Mejor” với giọng hát phụ ở một quãng gió cao vút hệt như một nhạc cụ kèn saxophone vậy, hay như bài “All Mine” có các lớp hát phụ theo bè và cả những tiếng hát ngân nga đan chéo nhau. Dường như bằng cách thể hiện giọng hát đa màu sắc giống như việc cô đưa hai ngôn ngữ vào bài nhạc, Kali muốn đưa người nghe tới những thế giới âm nhạc song song kỳ ảo đầy mê hoặc.


Thử tưởng tượng, nếu với một Kali Uchis đã làm một bài hát đủ hấp dẫn rồi thì nay có thêm hai, ba hoặc bốn "Kali Uchis" khác nữa sẽ có thể đưa người nghe tới điểm “G” ở một cảnh giới khác ra sao. Vậy mới thấy sự trở lại của âm nhạc R&B trữ tình trong những năm gần đây nói chung, và qua những bài hát của Kali nói riêng thực sự quả là đáng mừng, thậm chí có phần vượt qua cả sự kỳ vọng của tôi.


Hẹn gặp lại!


Kroon

1,267 views

Recent Posts

See All
bottom of page