top of page

R.E.M.: Mãi không hợp thời

Khi họ tụ họp để chuẩn bị cho album cuối cùng mà ban nhạc phải thực hiện theo nghĩa vụ hợp đồng ghi âm với hãng, kỳ lạ là cả ba người đều có chung một suy nghĩ. “Mình nghĩ các cậu sẽ hiểu. Sau album này, mình sẽ cần một quãng thời gian dài để nghỉ ngơi” - đáp lại chia sẻ này của Michael Stipe, Peter Buck đáp “Nghỉ hẳn luôn có được không?”. Stipe quay sang nhìn thành viên còn lại là Mike Mills nhún vai “Nghe hợp lý đấy”. Và thế là cả ba người họ đã bắt tay vào ghi âm album thứ 15 mang tên Collapse Into Now với tâm thế của một dự án âm nhạc cuối cùng trong 31 năm sự nghiệp của ban nhạc R.E.M. Phần hạ màn của họ diễn ra thực sự trọn vẹn, không để lại nhiều nuối tiếc.


Tiếc sao được khi sự nghiệp và khối âm nhạc mà R.E.M. để lại cho đời quá nhiều những tuyệt tác vừa tạo những đột phá, vừa mang sự đa dạng mà không nhiều ban nhạc và nghệ sĩ khác có thể bì được. Chỉ là, vâng, rất tiếc là hầu như các câu chuyện đều có cái “nhưng”, với số đông dường như R.E.M. giờ đây bỗng chốc là một cái tên đã bị bỏ quên.

 

Trong một video trên YouTube của Rick Beato luận bàn về ca khúc hay nhất của ban nhạc R.E.M., có một comment của chính George Hanson – vị nhạc trưởng phụ trách điều khiển dàn nhạc thu âm cho 4 track trong album Automatic For The People của band. Phần comment của Hanson nhắc tới một lần gặp gỡ giao lưu, và để gây ấn tượng với một cô gái đối diện, Hanson khoe rằng mình có tham gia trong album nhạc của R.E.M. Thế nhưng cô gái đó không mấy bận tâm chỉ cho đến khi ông nhắc tới cái tên John Paul Jones huyền thoại – người đã biên soạn cho dàn nhạc mà Hanson sau đó đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng.

 

Đã có những cuộc bàn luận về những ban nhạc vĩ đại nhất thế giới và chúng dĩ nhiên không thể thiếu The Beatles, Led Zeppelin, Pink Floyd, The Who và mới hơn là The Police, Nirvana hoặc Radiohead. Thế nhưng nếu cái tên R.E.M. được nhắc đến giữa một nhóm bạn, sẽ có những cái nhíu mày băn khoăn trước một đáp án không rõ là đùa hay thật của người phát ngôn ra chúng.

 

“Lỗi thời” là một từ không chuẩn xác, nhưng “Không hợp thời” sẽ thích hợp hơn nếu dùng để miêu tả về sự nghiệp của một ban nhạc tài năng như R.E.M. Mỉa mai thay như chính lời của Michael Stipe, giống như tên album nổi tiếng của họ - “Out of Time”, ban nhạc luôn trong tình thế hoặc “quá sớm”, hoặc “quá trễ” với biến đổi của thời thế.

 

***

Quá Trễ

 

R.E.M. có được thành công thương mại sau khi họ rời I.R.S. để ký hợp đồng ghi âm với ông lớn Warner Bros. Records. Cho tới khi album Out Of Time (1991) được phát hành cùng với single nổi tiếng “Losing My Religion” thì ban nhạc mới được nếm vị ngọt của đỉnh cao thế giới. Cùng với việc được phát đi phát lại với tần suất liên tục của “Losing My Religion” trên các kênh radio và truyền hình MTV, VH1, album Out Of Time leo lên vị trí số 1 bảng xếp hạng ở cả Mỹ lẫn Anh Quốc. Với con số 4,2 triệu bản chỉ riêng tại Mỹ và 12 triệu bản toàn cầu, thật khó để nghĩ rằng một ngày R.E.M. lại nhanh chóng bị bỏ quên.


Điều đầu tiên đó là sự thành công đến với họ có phần quá trễ trên con đường sự nghiệp. Tại thời điểm thị trường số đông biết đến R.E.M., album Out Of Time và single “Losing My Religion”, ban nhạc đã phát hành được tới 6 album trước đó, khởi đầu từ những năm tháng nửa đầu thập niên 80. Nếu không phải là những fan thời kỳ đầu, và nếu không dành thời gian mày mò lại âm nhạc của band trở về trước thì không ai biết được âm nhạc của R.E.M. đã khác biệt và xuất sắc (theo một cách khác) đến nhường nào. Với cá nhân tôi cũng vậy, đã có một quãng thời gian dài tôi luôn định hình trong suy nghĩ về phong cách nhạc nhẹ nhàng, có phần chậm rãi của R.E.M. qua đúng hai ca khúc “Losing My Religion”, và sau này là “Everybody Hurts” trong album Automatic For The People (1992).

 

Kể ra cũng khó trách những người nghe tới cái tên R.E.M. vào đầu thập niên 90, khi mà ban nhạc có sự chuyển đổi phong cách nhạc (như họ vẫn luôn làm trong suốt sự nghiệp) trong Out Of Time với những nhạc cụ khác thường được sử dụng khi sáng tác và thu âm. Âm thanh Folk Rock của đĩa nhạc này thể hiện bằng âm sắc của những nhạc cụ như đàn harpsichord trong bài “Half A World Away”, kèn phím melodica trong “Endgame”, mandolin trong bài “Losing My Religion”, v.v. Chuyển sang album Automatic For The People, R.E.M. giới thiệu người nghe đến với những âm thanh chậm rãi hơn qua bài “Drive”, “Sweetness Follows”, “Monty Got A Raw Deal”, rồi trầm lắng và đượm buồn hơn với “Nightswimming”, “Find The River” và dĩ nhiên “Everybody Hurts”. Vậy nên những người biết tới ban nhạc ở thuở thập niên 90s có thể chưa quen với một track có tempo nhanh hơn như “Ignoreland”, nhưng nó lại là sự gợi nhớ cho các fan về một R.E.M. của ngày xưa.


Sự thành công của R.E.M. đến có phần trễ cũng vì chỉ 6 tháng sau khi Out Of Time được phát hành, album Nevermind của ban nhạc Nirvana đã xuất hiện, nhấn chìm tất cả những gì mà hãng Warner Bros. hẳn dự định. Âm nhạc Alternative Rock mà ban nhạc khởi nguồn tiên phong suốt gần 10 năm đã không kịp cưỡi sóng để vươn lên khi mà dòng nhạc Grunge đã nhanh chóng trở thành thứ âm nhạc hợp thời làm bá chủ thế giới. Và đây cũng chính là yếu tố sớm dẫn tới sự thất vọng của những fan biết đến R.E.M. muộn sau này khi chứng kiến sự thoái trào của ban nhạc mà tôi sẽ nói tới trong bài viết.

 

***

Quá Sớm

 

R.E.M. được ca ngợi là ban nhạc đã tạo ra dòng Alternative Rock được biết bằng cái tên College Rock ở thuở sơ khai. Gọi là College Rock vì ở giai đoạn những năm đầu tiên sự nghiệp, đặc biệt khi band còn đang ký hợp đồng thu âm với hãng I.R.S., danh tiếng và doanh số bán đĩa của R.E.M. phụ thuộc nhiều vào mức độ phủ sóng trên kênh radio tại các trường đại học ở Mỹ. Bắt nguồn từ Athens, Georgia, radio của Trường đại học Georgia là nơi lan toả thứ nhạc Rock mới lạ không thể tìm thấy trên các kênh mainstream. Âm nhạc bật cho đám sinh viên có thể không phá cách như dòng Post Punk nhưng vẫn đủ thô ráp hơn nhiều âm thanh của đàn synth xuất hiện trong dòng New Wave phổ biến ngày đó.

 

R.E.M. được lập nên bởi 4 thành viên đều là những sinh viên tại ngôi trường Georgia, bao gồm Michael Stipe (ca sĩ chính), Peter Buck (guitarist), Mike Mills (bassist kiêm hát phụ) và Bill Berry (trống). Sau những cái tên ngớ ngẩn như "Cans of Piss", "Negro Eyes", và "Twisted Kites", cả hội đồng ý chọn “R.E.M.”. Khác với một số nguồn thông tin về ý nghĩa đằng sau của “R.E.M.” (viết tắt của cụm từ “rapid eye movement”) được dựa trên trạng thái khi đôi mắt chuyển động nhanh trong giấc ngủ, Stipe chọn từ này hoàn toàn ngẫu nhiên từ cuốn từ điển. 


Thế rồi ban nhạc nhanh chóng có được thành công trong giới sinh viên qua mấy bản single, đĩa EP Chronic Town (1981) và sau đó là album phòng thu đầu tay Murmur (1983). Bảo R.E.M. là nhóm nghệ sĩ tạo ra College Rock và sau này thành Alternative Rock không hẳn vì mỗi chuyện âm nhạc họ khác biệt với mainstream và tạo sự lan toả trong phạm vi của giới sinh viên các trường đại học, mà còn vì ngay từ đĩa Murmur đầu tiên này, ban nhạc đã đem đến những sự mới mẻ chưa từng thấy ở các band trước đó. Họ loại bỏ những thứ quá phổ cập như các đoạn guitar solo hay tiếng đàn synth trong các bản ghi âm của mình. Thay vào đó R.E.M. tạo những bản hoà âm lạ lẫm ban đầu nhưng khi quen tai thì lôi cuốn vô cùng ở thứ năng lượng, không trẻ trâu như dòng nhạc Punk, mà lại bụi bặm hơn New Wave / Synth Pop.

 

Bảo sao đến một tạp chí (thời còn uy tín) như Rolling Stone ngày đó còn dám đặt Murmur - album của một ban nhạc mới toe lên vị trí số 1 của năm, trên cả một đĩa nhạc đình đám như Thriller của Michael Jackson. Không chỉ Rolling Stone, hàng loạt những nhà phê bình âm nhạc khác đều không tiếc lời khen ngợi cho đĩa đầu tiên của R.E.M., mở màn cho chuỗi những album được liệt vào hạng nếu không phải là tuyệt phẩm thì cũng thuộc hàng xuất sắc của từng năm đó. Đó chính là Reckoning (1984), Fables Of The Reconstruction (1985), Lifes Rich Pageant (1986), Document (1987) được phát hành dưới thời hãng ghi âm I.R.S., và tiếp đến là Green (1988), và dĩ nhiên Out Of TimeAutomatic For The People dưới thời Warner Bros. Như đã nhắc đến ở trên, các album phát hành trước Out Of Time, vào những năm 80 tính từ album Green đổ về trước, đều có phong cách nhạc khác hẳn những gì fan thế hệ sau của R.E.M. có thể mường tượng. Từ Murmur cho đến Green, màu sắc tuổi trẻ thể hiện rõ rệt qua số lượng các track có nhịp điệu dồn dập đầy năng lượng. Đều đặn mỗi năm một album, vậy mà R.E.M. vẫn tạo được sự khác biệt rõ rệt trong từng đĩa, nhưng vẫn giữ được chất lượng âm nhạc cao nhất để mỗi lần một nhạc phẩm được phát hành, người nghe lại gặp một số bỡ ngỡ, trước khi quen thuộc và bị lôi cuốn bởi những bản hoà âm sáng tạo tuyệt vời này. Cá nhân tôi cũng trở thành một fan của R.E.M. sau khi viết bài viết này.


Bởi vậy, tôi thấy sự so sánh ví von R.E.M. như một The Smiths phiên bản Mỹ có một số điểm khá đúng (dù thực tế The Smiths ra đời muộn hơn R.E.M. 2 năm). Đó là thứ âm nhạc mang nét rất riêng khi giai điệu hát chỉ là một phần trong các giai điệu nhạc cụ chơi bởi các thành viên trong band. Đó là việc ít chơi âm thanh rè, không có guitar solo và hoàn toàn thiếu vắng tiếng đàn synth. Đó là cách sáng tác trên những vòng hợp âm mới mẻ và sáng tạo. Và quan trọng nhất là sự toàn tài của từng thành viên trong ban nhạc. Điểm khác biệt lớn nhất của R.E.M. nằm ở việc từng thành viên đều tham gia sáng tác, rồi tiền bản quyền được chia đều và tình bạn giữa họ được gìn giữ lâu bền.

 

Trong R.E.M., tay trống Bill Berry là người có lối chơi thông minh không phô trương. Các bài nhạc của band được Berry lựa chọn nhịp điệu không biến đổi cầu kỳ, nhưng lại hiệu quả cao cho không gian cảm xúc cần có cho từng bài. Đặc biệt hơn, với tính cách tập trung làm việc gọn gàng, anh là người giúp giữ được thời lượng các bài của band ở mức độ vừa đủ, không bao giờ tạo hụt hẫng mà cũng không bao giờ kéo dài lê thê. Điểm mạnh này của Berry càng bộc lộ rõ hơn khi anh để lại một lỗ hổng lớn trong R.E.M. sau khi rời nhóm.

 

Tay bassist Mike Mills thì được biết đến với nhiều câu bass giai điệu song hành với giọng hát của Michael Stipe và tiếng guitar của Peter Buck. Cũng lại là một thành viên thành thạo nhiều nhạc cụ, Mills còn là người rành nhất về nhạc lý. Anh giúp hoàn thiện các sáng tác của R.E.M. được phong phú trong vòng hoà âm và chỉn chu trong cấu trúc bài. Thêm nữa vai trò quan trọng không kém của bassist này là giọng ca hát bè cùng Stipe tạo thêm một lớp giai điệu đan xen rất riêng của ban nhạc.

 

Tay guitarist Peter Buck có lẽ là thành viên sáng tạo nhất band nhờ lối chơi đa màu sắc của anh. Tiếng đàn phát ra từ các nhạc cụ guitar clean, đàn mandolin được Buck chơi rải theo các nốt là âm thanh đặc trưng của R.E.M. Đã rất nhiều lần tôi phải há hốc mồm trước những câu đàn không cần phô trương kỹ thuật, nhưng vô cùng sáng tạo. Trong những album đầu tiên của band, khi mà giai điệu hát của Stipe có những lúc theo lối khó đoán thì tiếng đàn của Buck lại là giai điệu chính bắt tai nhất của bài. Kể cả sau này, đặc biệt từ album Green khi anh dùng nhiều hơn phơ tè cho cây guitar của mình thì những câu riff mà Buck chế ra cũng vẫn tạo hiệu quả cao cho màu sắc bài nhạc.

 

Rồi, đến frontman của band, Michael Stipe, người mang lại thứ dễ nhận biết nhất khi nghe R.E.M. vì giọng hát của anh. Chịu ảnh hưởng bởi thần tượng Patti Smith, Stipe có kiểu hát hơi ê a, rền rĩ, cả khi giai điệu bài nhanh hay chậm. Phải nói là chất giọng rất khác lạ so với một ca sĩ của một ban nhạc Rock này sẽ có thể khiến một số người nghe không hợp tai cho lắm. Với cá nhân tôi, thường kiểu giọng này sẽ khó để làm tôi cảm nhận được cảm xúc bài hát, giống như anh Billy Corgan trong The Smashing Pumpkins. May thay chất giọng của Stipe có chút khàn đục trong đó khiến cho đa phần các bài của R.E.M. vẫn hấp dẫn đối với tôi, ngoại trừ một số bài có tempo chậm rãi và chơi theo phong cách ballad nhẹ nhàng trong giai đoạn đầu.


Với đội hình ban nhạc hoàn hảo, cùng thứ âm nhạc đột phá và mới mẻ, ở một đẳng cấp chất lượng cao đồng đều xuyên suốt liên tục qua nhiều album đáng nể như vậy, đúng ra R.E.M. phải sớm vào hàng ngũ những huyền thoại được nhắc tên nhiều trong cộng đồng yêu nhạc Rock chứ. Nhưng không, tài năng của họ bộc lộ quá sớm và chỉ đa phần trong cộng đồng sinh viên, mà không kịp lan tỏa ở một diện rộng tầm cỡ khắp nước Mỹ và thậm chí trên toàn thế giới, mãi cho đến khi album thứ 7 được phát hành. Điều này dẫn tới số lượng người biết đến R.E.M. mà thực sự đào sâu lại các tác phẩm đầu tiên để nghe, cảm nhận và tự tin đưa band vào danh sách những ban nhạc vĩ đại nhất thế giới cũng chỉ là một con số hạn chế, không đủ để tiếp tục truyền tai nhau cho những fan yêu nhạc thế hệ sau này.

 

***

Quá Sớm hay Quá Trễ

 

“Mâu thuẫn” trong những giai đoạn thăng trầm của sự nghiệp R.E.M. nhìn lại cũng đều nằm ở việc: Sai thời điểm. Ở giai đoạn đầu tiên trong thập niên 80 (đặc biệt vào thời kỳ còn hợp đồng ghi âm với hãng I.R.S.), khi ban nhạc phát huy sự sáng tạo đa màu sắc nhất thì danh tiếng và thành công thương mại lại chưa đủ lớn. Theo một cách nhìn khác, âm nhạc của họ đi trước thời đại có phần quá sớm.

 

Thế rồi khi R.E.M. được Warner Bros. nâng đỡ quảng bá thì cũng là lúc ban nhạc chín muồi và ở đỉnh cao nhất cả về chất lượng lẫn doanh thu qua hai album Out Of Time và Automatic For The People trong đầu thập niên 90. Ngay sau đó, họ đã vấp phải 3 vật cản lớn nhất. Vật cản thứ nhất là sự thống trị của nhạc Grunge áp đảo những gì R.E.M. đang trên đà phát triển. Vật cản thứ hai là bước hụt của họ qua album liền sau đó, Monster (1994). Mặc dù về mặt giai điệu, đĩa nhạc này không hề tệ, nhưng sai lầm trong lựa chọn một âm thanh to rè của tiếng guitar đã lấn át những cái hay ho nhất của Monster, tạo sự hụt hẫng cho những fan mới của band. Vật cản thứ ba là khi R.E.M. có sự thụt giảm về chất lượng nhạc kể từ khi tay trống Bill Berry rời nhóm, khiến cho niềm tin gây dựng lại với người hâm mộ qua album rất hay New Adventures In Hi-Fi (1996) – đĩa nhạc cuối cùng có sự góp mặt của Berry cũng lại đổ vỡ chóng vánh. Âm nhạc của R.E.M. đã không đủ níu giữ chân fan hâm mộ của thập niên 90, những người chưa kịp tìm tòi âm nhạc của R.E.M. của những ngày đầu. Chẳng phải đó là do thành công về thương mại đến với ban nhạc quá trễ ư?


Kurt Cobain từng phải ngả mũ trước tài năng viết nhạc của R.E.M. nhưng anh đã ra đi quá sớm trước khi có cơ hội được hợp tác với Michael Stipe. Black Francis cũng phải thừa nhận album Murmur của R.E.M. đã tạo nguồn cảm hứng cho cách sáng tác nhạc của mình ra sao. Sức ảnh hưởng của một ban nhạc tiên phong như R.E.M. lan rộng tới loạt các ban nhạc như Pixies, Nirvana, Radiohead, Coldplay, Pearl Jam, Alice In Chains, v.v. Âm nhạc của họ không nhất thiết phải giống với R.E.M., nhưng họ nắm được tinh thần của các không gian âm nhạc khác nhau nhờ vào âm sắc nhạc cụ và những biến đổi kỳ diệu của hợp âm giữa các khúc nhạc trong một bài. Hoàn toàn nhờ vào tư tưởng nhạc đi trước thời đại, có phần quá sớm của các thành viên trong R.E.M. thì thị trường âm nhạc mới có những ban nhạc đình đám kể trên.

 

Ngày hôm nay tôi ngồi nghe kỹ lại album Collapse Into Now (2011) cuối cùng của R.E.M., cũng vì 3 thành viên còn lại khi viết nên một nhạc phẩm chia tay với người hâm mộ, họ đã tạo nên một màn encore đáng kinh ngạc qua đĩa nhạc này. Khác với những album trước đây thường mang theo một chủ đề nhạc nhất định, ví dụ như album Accelerate (2008) rất hay liền trước đó có một nhịp điệu nhanh, như thể luôn trong một trạng thái “tăng tốc”, thì Collapse Into Now lại bao hàm một chủ đề tổng quát của những gì các fan đã từng biết đến. Âm thanh mạnh mẽ có, giai điệu nhịp nhàng có, tiết tấu dồn dập có, không gian lắng đọng có. Những nhạc cụ lạ rất “kén tiếng” trong nhạc Rock nhưng được dùng hiệu quả trong các album của R.E.M. như đàn mandolin, accordion, kèn trombone, cũng xuất hiện trong Collapse. Và các bạn biết không, đến cả câu guitar solo cũng bỗng dưng xuất hiện trong bài "Alligator_Aviator_Autopilot_Antimatter" đầy bất ngờ. Nhưng tựu chung lại một màu sắc buồn của lời chia tay ẩn khuất sau đó.

 

Với tôi, đây là một album hay của R.E.M. Thế nhưng, với nhiều người, họ vẫn mong chờ nhiều hơn thế. Có những người ước muốn R.E.M. giải tán từ khi Bill Berry rời nhóm. Có những người còn mong muốn R.E.M. dừng chân với album Automatic For The People để có được một bộ discography hoàn hảo. Bởi với nhiều fan cứng, họ cho rằng sự tan rã của ban nhạc xảy đến có phần quá trễ.

 

Bản thân tôi chỉ nghĩ để có được 15 album trải dài trong 3 thập kỷ như R.E.M. mà phần lớn đạt chất lượng cao đến như vậy thì rất ít nghệ sĩ nào có thể bì được. Quan trọng là không bao giờ là quá muộn để chúng ta tìm nghe lại âm nhạc của họ.


Hẹn gặp lại!


Kink

729 views

Recent Posts

See All
bottom of page