top of page

Accept: Thêm một câu chuyện có hậu

Nước Đức, nơi sản sinh ra những Beethoven, Bach, hay Wagner, có lẽ thừa sức để trở thành một thế lực trong âm nhạc hiện đại (và dĩ nhiên cả nhiều ngành khác) không kém gì hai thế lực Anh và Mỹ, nếu như không có những tham vọng bá chủ của những kẻ độc tài, những người đã níu kéo đất nước đầy tự hào này lại sau 2 cuộc thế chiến. Nước Đức ở thập niên 70s và 80s bỗng trở nên nhỏ bé khi mất đi gần một nửa theo hệ “Đông Âu”, một hệ thống vốn được thiết kế không quá cởi mở với thế giới huống chi nói chuyện nhạc nhẽo. Những nỗ lực phát triển âm nhạc ở phía Tây Đức trong giai đoạn này, có chăng cũng chỉ được đón nhận từ nước Anh láng giềng, thị trường âm nhạc lớn nhất ở châu Âu, với cái biệt danh “Kraut” Rock – rock cải bắp. Quả là không xứng với vị thế của dân tộc Teuton lẫy lừng này.


Accept, ban nhạc thành lập ở cuối thập niên 70s ở Solingen, lúc ấy thuộc về Tây Đức, có lẽ cũng chịu số phận hẩm hiu như bao ban nhạc Metal của Đức thời đó với sự thiếu vắng của những hãng đĩa lớn và cả sự giao lưu lẫn ảnh hưởng từ âm nhạc của những nước lân cận. Cũng giống như Scorpions, Accept chọn hát tiếng Anh ngay từ đầu để vươn mình ra thế giới.


Tôi chắc chắn rằng ở một thực tại song song nơi nước Đức không phải oằn mình xây dựng lại và bù đắp cho các nước khác sau thế chiến, Accept chắc hẳn sẽ cực kỳ nổi tiếng. Đây nhé, họ tạo ra Thrash từ trước khi Thrash Metal trở nên thịnh hành với “Fast As a Shark” có lẽ là bản nhạc đầu tiên chơi với chân bass đôi từ đầu chí cuối với tốc độ nhanh điên cuồng. Họ có một tay guitar hero với Wolf Hoffmann, người được mệnh danh là một trong những tay guitar neoclassical đầu tiên, và một ca sĩ siêu đẳng với Udo Dirkscheider, người vừa có sự kết hợp tuyệt hảo giữa cái đẹp của Ian Gillan trong Deep Purple với cái khí chất của Bon Scott trong AC/DC. Accept thậm chí còn ra sòn sòn tới 8 album trước khi họ tan rã lần đầu vào cuối thập niên 80s. Ngoài album kinh điển Balls To The Wall (1983), những album kỳ vĩ khác như Restless and Wild (1983) hay Russian Roulette (1986) chắc hẳn đều ít nhiều luôn có mặt trên giá đĩa của những tay mê Metal chính hiệu và thú thực, chất “nhạc” trong những album này chắc chắn hay hơn đa số các Glam Metal band ở nước Mỹ ở thập niên 80s, nơi ngoài lối sống thác loạn và sự vui vẻ triền miên thì không có quá nhiều sự độc đáo trong mỗi band.



Đối với tôi, âm nhạc của Accept ở giai đoạn đầu thập niên 80s cực kỳ đặc trưng ở 3 yếu tố:


  • Tiếng guitar: người nghe có thể nhận ra tiếng guitar của Accept ngay khi câu riff được cất lên. Họ chơi guitar nặng nhưng giàu giai điệu và lối chơi guitar cực kỳ trau chuốt tới từng câu riff. Tiếng guitar nặng nhưng vẫn có độ “giòn” và thô ráp khi người chơi không có ý định tạo ra một thứ âm thanh quá “sạch” cộng với cách chơi nhạc biến chuyển liên tục có lẽ đã trở thành đặc trưng của thứ rock cải bắp đến từ nước Đức này, thứ âm thanh mà sau này Helloween đã đẩy lên một tầm cao mới.


  • Lời hát của ca sĩ: dù biết rõ lời lẽ không phải là điểm mạnh của những ban nhạc không nói tiếng Anh, những ban nhạc từ Đức luôn có cách tạo ra giai điệu bay vọt lên trên nền câu riff. “Head Over Heel” là một ví dụ điển hình, khi giai điệu của câu hát luôn bay lượn theo cách của nó trên nền câu riff như ngựa đi nước kiệu phía dưới – thứ mà Scorpions từng làm rất tốt trước khi họ trở thành một Glam band thị trường như những người Mỹ khác ở thập niên 80s. Một điểm đặc biệt nữa trong phần hát của Accept là những phần bè hoành tráng ở phía sau như những khúc quân hành, thứ khiến cho người nghe khó có thể nhịn được mà không ê a theo như những bản anthem hoành tráng.



  • Sự khó lường trong cấu trúc nhạc: nếu như “Krautrock” là để chỉ một thể loại nhạc ở thập niên 70s thiên về pha trộn giữa nhạc điện tử và Psychedelic, Accept và những ban nhạc Đức khác chui ra ở cuối thập niên 70s ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tính “progressive” trong thể loại này. Đâu đó sẽ luôn có sự thay đổi về nhịp hay tốc độ, và những chỗ khác có thể sẽ có những câu nhạc hoặc đoạn hook bỗng dài hơn bình thường. Tôi đã từng tự cười một mình khi được những đoạn nhạc của Accept trong album Metal Heart (1985), khi có tới vài bài như “Midnight Mover” hay “Too High To Get It Right” có những câu trống đúng kiểu Thrash Metal một-hai, nhưng thay vì chơi với kick-snare ở nửa đoạn đầu, nửa đoạn sau sẽ được đảo lại với snare-kick nghe đầy thách thức. Xin được dành sự bán tín bán nghi dành cho Lars Ulrich vì tôi nghĩ anh này đã copy kiểu chơi đảo ngược này trong không ít những bài của Metallica như trong “Orion” (1986) hay cả trong “One” (1988). Chả gì thì Lars Ulrich cũng là người gốc châu Âu và cũng là một trong những tay “buôn” băng cassette nổi tiếng ở Mỹ thời đó – những người góp công đưa những ban nhạc “hiếm” tới được với người nghe ở Mỹ.



Nhưng ở trong vũ trụ của chúng ta hiện giờ, Accept đã bị mắc kẹt một cách bất công giữa thập niên 80s chỉ toàn là Thrash Metal nện mạnh và Glam Metal điệu đà. Accept, cũng như khá nhiều band từ châu Âu như Iron Maiden, Judas Priest hay cả Scorpions thời Uli Jon Roth cũng không thể hòa nhập với những phong trào này. Ai cũng biết những Scorpions hay Europe đều dần dà phải thay đổi phong cách sang tóc bông xù và quần bó sát để có thể tiếp tục trụ lại với thị trường âm nhạc thời đó. Nhưng vì nhiều lý do, Accept và rất nhiều band ở châu Âu đã không lựa chọn để thay đổi chính họ.


Những thành công le lói của Accept ở thời điểm này có lẽ chỉ là vài lần lưu diễn ở Mỹ, mà nổi bật nhất có lẽ vẫn là lần đi chơi khởi động cho Iron Maiden trong Powerslave World Tour. Và mặc dù Accept vẫn còn được biết đến ở châu Âu nhiều lắm, nghiệt ngã thay khi chỉ tới nửa sau của thập niên 80s, ngay cả những ông lớn như Iron Maiden cũng không thể quay lại với thị trường Mỹ.


Với khối kẻ mê Metal ở Mỹ, mặc dù vẫn “kết” âm nhạc của Accept, vấn đề to đùng của band này lại là hình ảnh của họ khi họ vô tình nom “ăn theo” kiểu của Judas Priest. Nhất là sau khi album Balls To the Wall ra đời với cái bìa đĩa đầy ngụ ý và cả những bài hát về giới tính. Nước Mỹ xem ra vẫn luôn khá “nhạy cảm” trong khi đối với những kẻ đến từ châu Âu, nghệ thuật luôn có phần dành cho sự tranh cãi và thị phi.


Mọi việc tệ hơn với Accept sau đó khi ca sĩ chính Udo Dirkschneider quyết định rời band để theo đuổi sự nghiệp solo vào năm 1987. Mặc dù cả band vẫn hò nhau sáng tác và thu nhạc cùng Udo trong album đầu tay của anh này (Animal House 1987), Accept dường bị đánh quỵ xuống tới thắt lưng khi phải đi tìm một ca sĩ mới thay cho Udo. Câu chuyện này khỏi phải nói thì ai cũng biết là khó có hậu, khi lịch sử âm nhạc đã có quá đủ các câu chuyện thương tâm với những ca sĩ không tiếng tăm được giao mic thay một tượng đài đã ra đi, như Blaze Bailey từng tủi nhục với Iron Maiden thay cho Bruce Dickinson, hay Tim Ripper Owen đã bị bỉ bôi khi tham gia Judas Priest thay cho Rob Halford.  


Thế rồi sao đó mà năm 1992, Udo Dirkschneider quyết định tạm ngưng ban nhạc U.D.O của mình để quay trở lại Accept. Nhưng trong bối cảnh nhạc Grunge đang càn quét thế giới, Accept bỗng trở thành một con khủng long chật vật trong một thế giới lạ lẫm. Chưa kể, đây chỉ là một cuộc “tái hôn” tuyệt vọng khi các thành viên trong ban nhạc vốn đã không có cùng chí hướng từ lâu lắm rồi.



Chỉ kịp gây chú ý với một vài bản ballad như “Amamos La Vida” hay bản cover “Pomp and the Circumstance” của Sir Edward Elgar, Accept lần này bị đánh quỵ xuống tới tận đầu gối và dường như không thể gượng dậy được nữa. Họ tan rã vào năm 1996 sau album Predator nhạt nhòa. Và trong khi ban nhạc U.D.O trở lại đầy mạnh mẽ và liên tục gặt hái thành công với với các album ra đều đặn hầu như mỗi năm hoặc hai năm, Accept từ 1996 chỉ lác đác xuất hiện trong vài buổi diễn nhỏ lẻ mỗi khi Udo rảnh. Wolf Hoffmann trong thời gian này cũng kịp ra album solo Classical (1997) chơi lại các bản nhạc cổ điển có ảnh hưởng tới anh.


Kế hoạch tái hợp Accept nhìn chung là không tưởng.


***

Vào cuối thập niên 2010s, tay bass Peter Baltes, thành viên trong đội hình kinh điển của Accept bỗng gọi điện cho một ca sĩ không quá tiếng tăm tới từ New Jersey tên là Mark Tornillo tới jam cùng anh và Wolf Hoffmann. Vốn là một fan của Accept từ thời trao đổi băng cassette lậu, Mark Tornillo quyết định tới chơi cùng hai vị này mà không ngờ họ lại hợp rơ với nhau đến thế. Kéo thêm được tay guitar Herman Frank từ đội hình Balls to the Wall và tay trống Stefan Schwarzmann từ đội hình Accept cuối thập niên 80s, Hoffmann quyết chí tái hợp lại Accept.


Nhưng trước tiên, quyết định tuyệt vời nhất mà Hoffmann và các đồng đội từng đưa ra, là họ sẽ không cố gắng tìm kiếm một người thay thế Udo Dirkschneider nữa. Đây có lẽ là sai lầm tày đình mà Iron Maiden và Judas Priest trước đây đã từng mắc phải khi họ có ca sĩ mới. Thứ duy nhất mà Accept giữ lại là âm thanh của họ và cách làm nhạc giàu sự biến chuyển. Và lần này họ sẽ viết nhạc để cho Mark Turnillo, một ca sĩ người Mỹ, hát.


Dần dà, Accept phát hiện ra Mark Tornillo có một âm vực còn rộng hơn cả Udo, và vì thế khi chỉ cần pha một chút giọng khàn, anh vừa có thể hát được những bản Accept kinh điển theo cách của Udo, lẫn hát những bản Accept mới phảng phất tinh thần của một ca sĩ của Accept trong đó nhưng vẫn theo cách của Tornillo.


Điều thay đổi thứ hai mà đội hình Accept mới đưa tới, đó là phần lời nay được góp bút thêm bởi chính Mark Tornillo. Tôi cho rằng đây là điều khá quan trọng bởi những ca khúc của Accept trước đây đa phần đều được viết lời bởi Gabby Hoffmann, vốn là quản lý cũ của ban nhạc kiêm vợ của trưởng nhóm Wolf. Dẫu cho cô  này có giỏi tiếng Anh đến mấy thì hẳn việc có thêm một người Mỹ biết hát góp phần chăm chút cho từng câu chữ thì sẽ khiến cho lời lẽ linh hoạt vần vò cũng như hát lên nghe hợp lý hơn.


Và có lẽ may mắn hơn cả, Accept lần này quyết định giao định mệnh của họ cho nhà sản xuất Andy Sneap, vị phù thủy của Heavy Metal thời đại mới với khả năng làm mới thứ âm thanh “thời tiền sử” này và góp công đem Heavy Metal tới với một lượng fan trẻ trung mới toe.


Kết quả là album Blood of the Nations (2010) với 13 bài dài tới 73 phút. Một album đầy tham vọng nhưng khi bật lên thì hoàn toàn không có bài nào là filler. Một sự trở lại đầy xứng đáng của Wolf Hoffmann sau 14 năm Accept không hoạt động. Nếu có thể được chọn, Blood of the Nations có lẽ là một trong những album trở lại kỳ vĩ nhất của nhạc Rock.


Tiếng guitar của Wolf Hoffmann có thể nhận ra ngay từ khi track đầu tiên “Beat the Bastards” cất lên. Và tất cả những gì tinh túy nhất của Accept thời đầu thập niên 80s đều có ở đây và được sắp xếp khéo léo để không thứ nào trở nên thừa mữa. Đó là sự sôi động trong “Teutonic Terror,” điên loạn trong “Locked and Loaded”, tiếng hát bè hoành tráng trong “Blood of the Nations”, và cả bản power ballad có thể kiếm thêm vô khối các fan trẻ như “Kill the Pain”.


Không thể không nhắc tới track chủ đạo “Blood of the Nations”, bởi có lẽ đã từ lâu lắm rồi, nhạc Metal của thời đại mới không đem lại cho tôi cái sự hứng khởi và tươi mới như câu riff trong bài này. Và như thường lệ, chủ mic của Accept, lần này là Mark Tornillo, vẫn luôn biết cách hát vọt lên trên những câu riff như ngựa phi nước kiệu bên dưới.


Không dừng lại ở màn ngược dòng ngoạn mục này, Accept dường như không có dấu hiệu chậm lại và liên tục ra thêm 5 album nữa cho tới thời điểm này, dẫu rằng các thành viên của ban nhạc cũng đã bắt đầu ngấp nghé ở tuổi thất thập. Tại sao phải thay đổi cỗ máy khi nó vẫn đang chạy tốt đúng không?


Nếu như bạn từng tới nước Đức và nghe radio ở đất nước này, có một điều khá kỳ thú là tất cả các kênh radio phát nhạc Rock đều phát nhạc hát bằng tiếng Anh. Người Đức vốn không lạ gì về cái sự đam mê Metal của họ, và có lẽ không quá ngạc nhiên khi Ozzy Osbourne hay Metallica lừng danh vẫn luôn là những cái tên thường nghe thấy trên radio.


Nhưng điều nghe có vẻ hiển nhiên này cũng thể hiện một sự thật tréo ngoe khi nhiều ban nhạc Đức cũng không có đất diễn ngay trên chính đất nước của họ, nếu như họ không hát bằng tiếng Anh.


Thế nên dù thích hay không, những ban nhạc Đức “ăn khách” nhất có lẽ vẫn là những người giỏi sinh ngữ hơn cả, những người có thể hòa trộn giữa giai điệu với lời hát vần vò mang nhiều ý nghĩa. Đó có lẽ là lý do chính khi chỉ có Scorpions vươn ra được tầm thế giới, trong khi những ban nhạc như Accept hay Helloween, dẫu được khán giả khắp nơi ngoài Mỹ thích lắm rồi nhưng có lẽ mãi chỉ là ban nhạc “hạng hai”. Còn Rammstein thì là là ngoại lệ cmn rồi.




Và còn gì tuyệt vời hơn khi vào năm 2024 sau album Humanoid, Accept bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mỹ thêm một lần nữa.


Hẹn gặp lại!


Kcid

94 views
bottom of page