top of page

Aesop Rock: rapper “hoạt ngôn” nhất làng Hip Hop

Updated: Nov 5, 2022

Giống như El-P, người sáng lập ra hãng ghi âm Definitive Jux mà Aesop Rock ký hợp đồng, Aesop Rock đã từng phải lấy hết sức bình sinh để nói với mẹ của anh về ý định làm nghề rapper. Ở tuổi 20, Aes quyết tâm bỏ nghề vẽ tranh mà anh học để chuyển hướng đi đọc rap. Do vậy, lúc hỏi ý kiến mấy ông anh “Em nên nói sao với mẹ đây?”, Aes được họ động viên hết mức “Kệ mẹ đi! Mày lớn rồi mày phải được quyền làm điều mày muốn chứ”. Dù vậy, lời thổ lộ của Aes vẫn là một trong những quyết định liều lĩnh nhất của đời anh, bởi ngoài việc anh có thể khiến bố mẹ mình thất vọng, làm rapper vẫn luôn là một mục tiêu đầy thách đố.

Nhưng đời không ai ngờ rằng, ngoài việc Aesop Rock có một chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc Hip Hop, đặc biệt thuộc giới underground, giống như El-P, người đã nâng đỡ anh, Aes còn trở thành rapper có vốn từ đa dạng bậc nhất so với tất cả các rapper khác. Đây là một thành tích đáng nể bởi một rapper da trắng như Aesop Rock (người có nghệ danh dễ gây nhầm lẫn với A$AP Rocky) lại có thể vượt qua bất kỳ rapper nào mà ta nghĩ tới trong một bộ môn được người da màu làm chủ.

Theo nghiên cứu của anh Matt Daniels mà tôi đã từng trích dẫn trong bài viết về nhóm CunninLynguists về những rapper “hoạt ngôn” có vốn từ khác nhau nhiều nhất (dựa trên 35.000 từ đầu tiên được nghệ sĩ đó rap trong các album hoặc mixtape) thì Aesop Rock đứng ở một vị trí số #1 vững chắc với 7.879 từ khác nhau. Aesop nhiều hơn người đứng thứ hai – Busdriver là 555 từ, và hơn hẳn người đứng thứ ba (Jedi Mind Tricks), thứ tư (GZA) và thứ năm (đồng vị trí MF DOOM và nhóm Wu-Tang Clan) ở con số 1.455 - 1.710 từ, nghĩa là nhiều hơn đến 23% - 28%.

Bảng xếp hạng các rapper với số lượng vốn từ khác nhau nhiều nhất (Nguồn: Matt Daniels)

Cái con số 7.879 từ khác nhau trong 35.000 từ mà Aes rap đầu tiên kể từ khi bắt đầu sự nghiệp còn là một tỷ lệ cực lớn: 22,5%. Số lượng 35.000 từ đó tương đương những album và EP đầu tay như sau:

  • Music For Earthworms (1997);

  • Appleseed (1999);

  • Float (2000);

  • Labor Days (2001);

  • Daylight EP (2002); và

  • Khoảng một nửa của album Bazooka Tooth (2003)

Như vậy có nghĩa rằng nếu bạn cứ bốc đại 9 từ ở một trong những album hoặc EP kể trên của Aes, yên tâm là sẽ có 2 từ chưa từng được dùng đến trước đó (Xin lưu ý ở đây là những danh từ số nhiều, số ít, và những biến thể của một từ, ví dụ như “pimp”, “pimps”, “pimpin’” đều được tính là các từ khác nhau).

Và thế là Aesop Rock đã nghễu nghện đứng trên đầu tất cả những rapper huyền thoại khác mà bạn có thể nghĩ tới, cũng bởi vốn từ phong phú này của anh. Thế nhưng liệu điều đó có chứng tỏ anh là rapper giỏi nhất không?

Câu trả lời thì tôi cho là các bạn đều biết.

Về mặt kỹ thuật, sự toàn diện và sức ảnh hưởng thì chắc chắn Aes không phải là rapper ở vị trí đầu bảng. Nhưng ngoài khả năng sáng tác những phần lời đa dạng khó đoán, anh chắc chắn là một rapper cực kỳ tài năng - người có thể đạt được cảnh giới kỹ thuật điêu luyện và đặc biệt là khả năng cảm âm cực tốt, vượt qua khỏi những giới hạn thường thấy trong nhạc Hip Hop.


Hoạt ngôn

Thử tưởng tượng khi bạn sáng tác lời, để phong phú từ ngữ được sử dụng, bạn sẽ cần đọc rất nhiều và kiến thức phải vô cùng đa dạng. Cách viết lời như vậy sẽ giống như một vận động viên chạy tăng tốc từ những quãng đường đầu tiên và dễ bị hụt hơi về cuối, nghĩa là ở các tác phẩm về sau, số từ lặp lại sẽ phải nhiều hơn, và được tái sử dụng từ những album trước. Nhưng có vẻ với Aes thì không như vậy.

một nghiên cứu khác của một account trên reddit với username là “dick-tater-dictator”, bạn này mở rộng đếm số từ cho tới album Malibu Ken (2019). Trên 11 album / EP, với tổng số từ 67.455 từ (ở đây bạn này không đếm mạo từ “a”, “an” hay “the”) thì tổng số từ khác nhau lên tới 13.312, gần gấp đôi con số ở trên. Nghĩa là Aesop Rock vẫn “nặn” ra thêm 5.433 từ mới để bổ sung vào kho tàng từ ngữ mà anh sử dụng trong các bài rap.

Như vậy là với tỷ lệ gần 20% số từ khác nhau trên tổng số số từ được rap trong 11 album / EP thì đây thực sự quả là con số quá đỗi ấn tượng. 11 album / EP là một bộ discography không hề nhỏ, nhưng mà Aes vẫn duy trì được phong độ “hoạt ngôn” khi người nghe chỉ cần bốc đại 5 từ ở bất kỳ nhạc phẩm nào thì cũng yên tâm phải có 1 từ chưa sử dụng bao giờ.

Chính thế nên việc sử dụng các từ lạ, ít thấy, và ít dùng bỗng nhiên lại là chuyện không lạ, dễ thấy, và hay dùng trong phần lời của Aesop Rock.


Thử xem lời của bài “Sick Friend” trong album Appleseed (1999), verse 1 ta có thể thấy các từ theo mô tả như trên, bao gồm “motley”, “goblins”, “javelin”, “sickle”, “comradery”, “sputters”, “ravenous”, “alacritive’”, “carnal”, “anthill”, “Rowers”, “shimmying”, v.v. là những từ nếu không phải tra từ điển thì cũng phải mò trên trang Genius để tìm hiểu ý nghĩa trong văn cảnh của nó là gì. Hoặc như verse 2 của bài này, những từ như “malnourished”, “monarchs”, “loopy”, “axles”, “inhalants”, “etiquette”, “impede”, “barnacle”, “barnstorm”, “perpendicular”, “circuitry”, “cicada”, “alkadiene”, v.v. đều không hề là những từ có thể dễ tìm thấy trong lời các bài rap.

Cứ thế, nếu nhìn ngẫu nhiên một số bài ở các album khác của Aes ta sẽ thấy như track “The Mayor and the Crook” trong album Float (2000) ngoài những tự lạ ra còn có các từ “cataloguing”, “deviltry”, “penciled”, “ire-based”, “tired-faced”, “miser-made” đều là biến thể hoặc ghép lại thành những từ mới một cách sáng tạo trong viết lời của anh rapper này.

Hay như bài “Save Yourself” trong album Labor Days (2001), Aes dùng từ “sheep creep” để gần với “wolf garb”, hay “antenna feeler” ngay cạnh “eye” và “”ear” để tả việc anh trở thành một đài quan sát “observatory”, để các từ này cùng theo một chủ đề được nói tới, chứ không đơn thuần là nhét một từ lạ và khó tìm vào mà không đóng góp thêm ý nghĩa gì cho câu rap. Hay như ở đoạn lời sau đó, Aes còn rap “one for the heartless thievery turning my guardian angel harpless” với những từ ít dùng như “thievery” và “harpless” được sử dụng rất khôn khéo để nói đến việc “trộm cướp vô tâm” (“heartless thievery”) khiến “thiên thần hộ mệnh” của anh bị cướp mất chiếc đàn hạc cầm (“harpless”), vừa gieo vần giữa “heartless” và “harpless”, vừa mang nhiều lớp nghĩa.


Do đó, nếu tua nhanh chút đến album về sau như None Shall Pass (2007), người ta cũng không bất ngờ gì tiếp tục bắt gặp loạt từ lạ lẫm khác như “jittery zeitgeist”, “Huckabee”, “art fuckery” hoặc “NoDoz” như trong bài cùng tên album, những từ sẽ cần phải dùng tới từ điển, rồi xem trong văn cảnh của lời rap, và thậm chí đọc phần giải nghĩa của chúng trên trang Genius để hiểu rõ hơn ý nghĩa mà Aesop Rock muốn nói.

Đây có lẽ cũng là một điểm yếu gây khó gần cho người nghe nhạc của Aesop Rock khi lời rap của anh luôn khó hiểu hơn những bài rap phổ thông khác, một điều tương tự có thể thấy khi nghe nhạc của MF DOOM, hoặc Lupe Fiasco, khi việc đọc lời cùng với một quyển từ điển bên cạnh vẫn còn là chưa đủ.

Kỹ thuật

Vốn từ bao la rộng lớn của Aesop Rock sẽ không đủ để anh được đánh giá cao trên hàng các rapper giỏi. Việc ngôn từ phức tạp đã là thứ khiến anh không trở thành một nghệ sĩ mainstream, nhưng đó cũng chưa bao giờ là điều Aes mong muốn. Bởi tài nghệ của anh đủ để anh có danh tiếng trong giới underground, dù là một rapper da trắng, tương tự như El-P vậy (người còn được biết đến với bộ đôi Run The Jewels cùng với Killer Mike).

Do số lượng từ mà Aes rap luôn dày đặc trong một bar, flow của anh cũng phải điều chỉnh để đáp ứng được mật độ như vậy. Và đây là một nét hay độc đáo của Aesop Rock mà tôi rất thích khi nghe nhạc của anh.

Trong các nhạc phẩm của Aesop Rock, đặc biệt ở các bản đầu tiên, phần beat có nét jazz và lạ tai mang đến sự tự do trong cách thể hiện lời rap của Aes. Anh có kiểu rap không bám chắc theo nhịp điệu đều đặn. Kể ra cũng không nên làm thế khi những con beat mang tính thể nghiệm mà Aes dùng đều có phần trồng liên tục đảo phách. Do đó, flow của Aes thường có độ trễ, hoặc có lúc dồn lại nhiều từ để đẩy nhanh lên, mang cảm giác swing rất phiêu như một nhạc công chơi nhạc Jazz. Anh thỏa sức với những kiểu thể hiện flow nghe chừng không ăn khớp với nhịp, nhưng thực tế lại bám cực sát, chưa bao giờ nhấn sớm hoặc trễ ở những nhịp quan trọng. Với số lượng từ sử dụng nhiều trong bài rap, cách rap này của anh vì thế lại hoàn hảo cho phong cách nhạc của mình, điều mà những ai hợp tai thì sẽ mê ngay nhạc rap của Aesop Rock ngay từ lần nghe đầu tiên.

Dĩ nhiên, khi cần phải rap bám sát theo nhịp thì Aes làm điều đó một cách dễ dàng, thể hiện qua các phần hook, hoặc khi beat sử dụng nhịp trống đều đặn “dễ nghe” hơn, ví dụ như ở album None Shall Pass sau này.

Flow của Aes hay còn nhờ ở cách gieo vần điêu luyện của anh.


Như ở bài “The Mayor and the Crook”, trong đoạn đầu bài, anh rap:

Every tenderfoot cadet bettered slit-throat percentages

Chicken penmanship tied the thirteenth knot (Hangman)

I arrange panoramics of a placid cataloguing where wild dogs sing tailor-made lullabies tried by my offspring

I'll bring the butterflies and he can bring the centipedes

And she'll bring the cadavers set 'em free and let 'em feed

The deviltry penciled me in, but I slept thick through my alarm clock

Silly Billy hid in the barn while farmer charmed the crops

Ở đây tôi chỉ đánh dấu bôi đậm những đoạn vần đa âm để ta hiểu cách viết lời của Aes trong việc kết nối các đoạn bar với nhau. Nhất là khi cách rap dồn dập liên tục, do việc sử dụng nhiều ngôn từ, những đoạn vần đa âm này sẽ khiến phần rap được liền mạch hơn.

Ở bài “Daylight” trong album Labor Days, anh rap:

Put one up for Shackle Me Not, clean logic procreation

I did not invent the wheel, I was the crooked spoke adjacent

While the triple sixers' lassos keep angels roped in the basement

I walk the block with a halo on a stick, poking your patience

Hoặc dầy đặc về vần hơn sẽ là "None Shall Pass":


“Flash that buttery gold

Jittery zeitgeist, wither by the watering hole, what a patrol

What are we to Heart Huckabee, art fuckery suddenly

Not enough young in his lung for the water wings

Fine, sign of the swine in the swarm

When a king is a whore who comply and conform

Miles outside of the eye of the storm

With a siphon to lure out a prize and award

While avoiding the vile and bizarre that is violence and war

True blue triumph is more

Cũng vì vốn từ đa dạng, cách gieo vần của Aes cũng được nới rộng theo khi mà rất nhiều từ được đánh dấu không hề đồng âm hoàn hảo, nhưng lại đủ hao hao để khi rap theo giọng điệu khéo điều chỉnh, tất cả mọi thứ bỗng dưng kết nối làm một, biến các phần rap của Aesop Rock gắn chặt lại với nhau.

Ở đây có thể thấy là sự tinh tế trong cách chọn từ lẫn kiểu flow giúp cho những “bức tường” được “xây” bằng ngôn từ, cả khi Aes xếp nhiều “viên gạch” vào trong đó, chúng không hề bị dồn ứ lại, khiến cho mảng tưởng đó bị đầu thừa đuôi thẹo, hay bị nửa kín nửa hở. Ngược lại, các bài rap của Aes luôn được gắn chắc với nhau, bất chấp việc anh thể nghiệm đủ các từ ngữ mới lạ trong cuốn từ điển dày cộm của mình.

Cảm âm

Không rõ có phải cũng vì sự phong phú trong việc sử dụng từ ngữ hay không mà nhạc của Aesop Rock cũng vô tình đa dạng như ngôn từ được rap vậy. Đây chính là nét đẹp riêng của Aes mang tới cho người nghe nhạc nhờ đôi tai nhạy bén trong việc cảm âm. Sự thể nghiệm trong làm nhạc ngay từ đầu đã giúp các sản phẩm của anh mang những chất liệu độc đáo.

Ngoài đa phần các bài do chính tay Aes tự sản xuất, anh còn có hỗ trợ đến từ những người bạn như Blockhead, Omega OneEl-P. Phần beat của chúng đều có điểm chung: đó là sự phong phú đa dạng, dẫn tới nét riêng trong mỗi bài sẽ nổi bật lên nhờ một kiểu nhạc hay âm sắc của nhạc cụ nào đó.

Giống như vốn từ cực kỳ đa dạng của Aes, ta có thể tìm được vô số nhạc cụ khác lạ trong các bài anh rap.

Đầu tiên, có thể kể đến cây đàn contrabass trong bài “Dryspell” trong bản EP Appleseed (1999). Nó gợi cho ta tới âm nhạc Jazz đột phá trong album huyền thoại The Low End Theory của nhóm A Tribe Called Quest. Trong cùng EP Appleseed này của Aes, bài “1,000 Deaths” còn có bộ gõ làm sáng phần nhịp của beat, cùng tiếng kèn được đưa vào những khúc chuyển nhạc, làm dầy và đẹp cho đoạn instrumental này.


Đến album Float (2000), bắt đầu có những nhạc cụ mới lạ hơn. Trong bài “I’ll Be Okay”, tiếng kèn harmonica và slide guitar được đưa vào cực hợp, dù rằng chúng ta chỉ có thể thấy phần combo này ở những bản nhạc Rock mang phong cách Blues. Rồi “Fascination” có tiếng kèn ở đoạn verse được chơi trên nền bass chơi ngắt quãng, chỉ xuất hiện ở nửa đầu mỗi khuông nhạc, và sau đó là tiếng sáo mang âm hưởng phương Đông lộ diện ở nửa cuối bài. Đây là sự kết hợp kỳ lạ mà phải nhờ tài làm nhạc của Aes thì nó mới thuận tai và hay tới vậy. Đến bài “Oxygen” thì tiếng nhạc cụ Ấn Độ được dùng lại thổi thêm luồng gió mới cho phần nhạc vốn đã phong phú ở album này.


Và cứ thế, người ta có thể tìm thấy đủ các loại nhạc cụ khi thẩm nhạc của Aesop Rock. Ngoài những nhạc cụ trên, còn có violin, banjo, cello, bagpipe, xylophone – những nhạc cụ vốn dĩ đã là khó nhằn khi đưa vào các thể loại nhạc khác như Rock rồi, ấy thế mà nay ta tìm thấy chúng trong beat nhạc Hip Hop. Không dừng ở đó, sức sáng tạo trong làm nhạc của Aes còn vươn xa tới những tiếng hát cầu kinh của đạo Hồi, hoặc cách anh làm beat cả bài bằng những phần solo của nhạc cụ. Như trong album Skelethon (2012), ta nghe được phần solo trống trong bài “ZZZ Top”, tiếng drum fill trên những tom sàn trong bài “Zero Dark Thirty”, và cả tom treo trong bài “Crows 1”, hoặc cả trên nền những câu lick đàn bass vô cùng hay ở bài “Racing Stripes”.


Tóm lại, cảm giác như âm nhạc mà Aesop Rock sản xuất hoặc lựa chọn từ những producer thân quen của anh đều phải có sự sáng tạo vô biên, giống hệt như vốn ngôn từ trong lời rap của anh vậy.

***

Tất cả đường hướng lựa chọn đó trong âm nhạc của Aesop Rock, dù ở cách dùng từ, hay chọn nhạc, đều tinh tế và sáng tạo. Nhưng đổi lại, nó cũng giới hạn đối tượng khán giả nghe nhạc của anh. Thừa biết điều đó, Aes hơn cả hài lòng với vị trí của mình trong làng nhạc, khi anh chưa bao giờ đặt một mục tiêu tới đối tượng khán giả đại trà. Giống như cách Aes chia sẻ khi viết lời, anh muốn chúng phải độc đáo, sao cho khi đọc chúng lên, âm sắc đó được gắn kết với nhau. Và điều kỳ diệu của tiếng Anh chính là có cả triệu cách mà một người có thể biến tấu với ngôn ngữ này để tạo ra những từ mới khác lạ, không chỉ mang thêm sức nặng cho câu từ chữ nghĩa, mà còn có tác dụng gieo những âm vần độc đáo.

Còn như phần nhạc, những âm sắc lạ lẫm của cách sử dụng các nhạc cụ khác nhau, hay cách đưa vào các câu lick của một nhạc cụ làm chủ đạo, cũng giúp phần beat của Aesop Rock luôn mang những không gian âm nhạc mới mẻ, hiếm khi trùng lặp, tựa như phần lời rap của anh vậy.

Chính thế nên âm nhạc của Aesop Rock dù có thể chỉ được đón nhận hạn hẹp trong giới underground, nhưng bản chất của nó không hề bị giới hạn bởi đối tượng người nghe. Ngược lại, âm nhạc của Aesop Rock vươn xa hơn bất kể thể loại nhạc nào, cũng như nội dung của nó cũng vượt qua khỏi bất kỳ cuốn từ điển dầy cỡ nào bạn có thể mang theo người. Bởi vì cả âm nhạc và ngôn từ của Aesop Rock chỉ bị giới hạn bởi chính sự sáng tạo của bản thân anh.

Hẹn gặp lại!

Kunt

227 views

Recent Posts

See All
bottom of page