top of page

Album hay 2021



2021 có lẽ là một năm còn đặc biệt hơn 2020, vì khả năng "troll" của nó. Thật vậy, nếu như mỗi chúng ta đều cảm thấy đã "doom" lắm rồi vào năm 2020, thì 2021 bỗng trồi lên và "xé bài làm lại" cho tất cả mọi người. Những kỷ lục buồn được xác lập, những ngày tháng dài vô tận về giãn cách, và hơn tất cả, những câu hỏi trước đây về việc sau này "bình thường mới" sẽ như nào, thì nay câu trả lời càng trở nên tăm tối hơn.

Chúng tôi sẽ "hào phóng" hơn trong việc lựa chọn album hay nhất của năm nay, bởi vì các bạn, những độc giả của Emoodzik (và cả chúng tôi), là những người xứng đáng để được nghe thêm những gì thú vị nhất. Dĩ nhiên là trước khi biết được sau sẽ thế nào.

Bởi vì đằng sau tất cả những album thú vị của năm nay, 2021, là những show diễn tiếp tục bị hủy bỏ mà không định trước, những khán phòng trống hoắc, và cả những lời hứa trở lại của các nghệ sĩ mà sẽ phải tiếp tục cần thêm sự kiên nhẫn của chính những người ủng hộ họ.

Hãy tự cho mình một cơ hội thử một trong những album dưới đây, vì biết đâu đấy, bạn chợt phát hiện ra thứ gì hay ho trong cái khoảng thời gian vốn dĩ đã rất nhạt này. Xin thứ lỗi vì list dưới không theo một thứ tự gì cả.


1. Mastodon - Hushed and Grim: Album metal hay nhất tháng, và có khi hay nhất năm luôn.


2. Billie Eilish - Happier Than Ever: sâu và trầm lắng. Nhạc của cô bé vẫn cuốn nhờ phần nhạc sáng tác giai điệu cực ngọt và cách làm nhạc thưa mà hiệu quả của ông anh Finneas biến album này tôi thấy còn trọn vẹn hơn cả đĩa trước đó. Hay tuyệt


3. Tyler, The Creator - Call Me If You Get Lost: rất hay! Có âm sắc raw giống như mấy album đầu của anh mà tôi rất kết. Có vẻ Tyler đọc bài viết của tôi nên đĩa này anh quay lại rap nhiều hơn.


4. Iron Maiden - Senjustsu: album đôi được mong chờ của Iron Maiden, và xem ra đĩa này nghe phần nhạc có sự cân bằng hơn đĩa trước (Book of Soul và The Final Frontier). Iron Maiden đã khéo léo sắp đặt những thứ họ làm giỏi nhất trong đĩa này mà không bị lạm dụng như những album trước, khiến cho những ca khúc progressive của họ dù rất dài nhưng nghe không hề bị sốt ruột hay nhàm chán.


5. Smith/Kotzen - Smith/Kotzen: hero của tôi (Adrian Smith) và hero của ai đó (Ritchie Kotzen) cùng chơi là ngon rồi.


6. Damon Albarn - The Nearer The Fountain, More Pure The Stream Flows: tôi nói các bạn có thể thấy kỳ lạ nhưng những bài buồn nhất mà tôi thích lại là của Gorillaz. Album solo này của anh Damon càng minh chứng cho cách làm nhạc này của anh. Đẹp vô cùng!


7. Silk Sonic - An Evening With Silk Sonic: một album tuyệt hay giữa hai anh Anderson PaakBruno Mars. Nó là sự dung hoà giữa cái phiêu trong nhạc của Paak với cái ngọt ngào trong nhạc của Mars. Yếu điểm duy nhất chỉ là album thời lượng hơi ngắn.


8. Nas - King’s Disease II / Magic: khi Nas thể hiện siêu năng lực thì anh làm được 2 album xuất sắc của năm, gồm King’s Disease II và đĩa Magic vừa mới ra đầy bất ngờ vào những ngày cuối năm.


9. Halsey - If I Can’t Have Love, I Want Power: một trong số ít album năm nay tôi nghiện ngay từ lần đầu được nghe. Dưới bàn tay sản xuất cùng sự hỗ trợ viết nhạc của Trent Reznor và Atticus Ross, album này có lái theo hướng nào cũng đều hay xuất sắc. Nói thật tôi phục Halsey 8 thì nể Reznor 10. Làm sao mà từ người làm nhạc Industrial Rock, có thể làm nhạc phim và nhạc Pop hay như vậy được.


10. Jazmine Sullivan - Heaux Tales: một nửa là phần skit về các câu chuyện của những người phụ nữ và xen kẽ là các bài hát được Jazmine vẽ lên đẹp không tưởng. Không dễ nghe như album trước nhưng có thể bắt đầu bằng “Pick Up Your Feelings”, “Price Tags” và “The Other Side” để làm quen. Và quả như bài viết trước của tôi về Jazmine, năm nào cô ra đĩa thì năm đó có cả Adele. Haizza

11. Armand Hammer & The Alchemist - Haram: cái hình bìa thủ lợn gớm ghiếc này lại là đĩa Hip Hop hay nhất từ đầu năm tới giờ. Cũng lại là beat của phù thuỷ The Alchemist, bộ đôi Armand Hammer gồm 2 anh Billy Woods và Elucid thể hiện màn rap cực chất.


12. Arlo Parks - Collapsed In Sunbeams: phát hành từ tháng 1 mà giờ tôi mới biết để nghe, nhờ giải thưởng Mercury. Quả không hổ danh được vinh danh cho album của năm.


13. The Killers - Pressure Machine: ban nhạc gây bất ngờ và hẳn là khó chịu với nhiều fan với âm nhạc chậm và lắng hơn rất nhiều. Có điều tôi lại tìm thấy cảm giác dễ chịu khi nghe album này.


14. Jon Batiste - We Are: thôi thì ít ra cái đề cử Grammy năm nay cũng có hữu ích cho tôi tìm nghe được album hay như này.


15. Liquid Tension Experiment - LTE3 các cụ đánh hay quá đĩa quay lại track đầu lúc nào mà mình vẫn tưởng các cụ đang phiêu


16. JPEGMAFIA - LP!: tuyệt vời


17. James Blake - Friends That Break Your Heart: album này của James có những giai điệu dễ nghe hơn các đĩa trước, và có những track đi sâu vào tâm gan như “Life Is Not The Same”, “Say What You Will”, và ca khúc cùng tên album.


18. Little Simz - Sometimes I Might Be Introvert: phần production tuyệt hay gồm cả những phân đoạn trống của nhạc châu Phi, và những câu rap tâm sự rất hay của cô rapper người Anh này.


19. Sufjan Stevens & Angelo De Augustine - A Beginner’s Mind: âm thanh nhẹ nhàng và ảo diệu.


20. Garbage - No Gods No Masters: âm thanh trải dài của Industrial, Punk, Alternative Rock kéo người nghe về ban nhạc thời đầu. Sự đa dạng trong âm thanh không làm mất đi tính tổng thể cho album rất hay này.

21. Helloween - Helloween: tên giống hệt album đầu tay của họ và nhạc thì cũng giống như những gì hay ho nhất họ đã từng làm. Không mới. Nhưng nặng, dày, và nghe giống Helloween quen thuộc.


22. Michael Schenker Group - Immortal: đây là album của supergroup mới đúng, với màn góp giọng của hai ca sĩ "gộc" Joe Lynn Turner và Ronnie Romeo cùng Derek Sherinian chơi keyboard và Simon Philips trên giàn trống. Vẫn kiểu nhạc dựa trên những hợp âm thứ khá "dễ đoán", Michael Schenker và các đồng đội vẫn tạo ra được phần nhạc nghe rất mới và phần âm thanh được sản xuất hay kinh khủng. Dĩ nhiên với giọng hát của cặp Romeo/JLT thì bài nào hát lên chả hay. Hơi tiếc ở 2 - 3 track cuối khá giống filler, nhưng nhìn chung cả đĩa nghe cuốn và là một chỉnh thể hòa hợp. Hy vọng đội hình này sẽ đi biểu diễn và ra album live.


23. Lost Symphony - Chapter III: lại một chương trình collaboration hoành tráng và lần này có vẻ mang nặng phần hòa âm từ Marty Friedman. Dù phần hoành tráng từ âm nhạc và cả những nghệ sĩ tham gia thì không thiếu (Nuno Bettencourt, Alek Skolnicks, Jeff Loomis, v.v.), sự xuyên suốt giữa các mảnh ghép vẫn là thứ đôi lúc còn hơi gấp gáp.


24. Tremonti - Marching In Time: Tremonti hát càng ngày càng hay, nhưng dường như vai trò chơi guitar của anh cũng ít lại. Chả sao, phần guitar vẫn rất nặng và xem ra chơi khá hợp ý với keyboard. Đâu đó có hơi phảng phất không khí của Alter Bridge và cả Creed ngày xưa, nhưng người nghe vẫn thừa sức nhận ra đây là nhạc kiểu Tremonti chứ không phải ai khác.


25. Myles Kennedy - The Ides Of March: ban đầu nghe từng single riêng thì tôi chưa rõ nhạc album này ra sao, nhưng ngay khi nghe trọn vẹn toàn bộ thì thấy đây là album hay nữa sau đĩa đầu tay xuất sắc của anh Myles.


26. Nick Johnston - Young Language: thật vui khi thấy Nick càng ngày càng biến hóa và làm dày hơn âm thanh của mình. Album này bắt đầu có người hát cùng.


27. John 5 - Sinner: album chơi mạnh mẽ từ đầu đến cuối, và lần này đáng chú ý với sự tham gia của những cái tên đình đám như Dave Mustaine và những ca sĩ khác để tạo ra sự cân bằng cho album của John 5, vốn thường chỉ thuần instrumental. Chỉ hơi tiếc là không có một khoảng chậm lại trong suốt cả album.


28. Tom Morello - The Atlas Underground Fire: cứ tưởng Tom Morello sẽ chơi hòa tấu instrumental, nhưng không, anh vẫn kết hợp với các ca sĩ để làm nhạc. Album này khiến tôi nhớ đến album solo đầu tay của Slash, rất mạnh mẽ, nhưng có lẽ hơi lan man. Hãy chờ đĩa tiếp theo xem sao.


29. Dream Theater - A View From the Top of the World: phong độ ổn định của Dream Theater. Có cái thú vị là album này ra ngay sau khi John Petrucci ra album solo của anh (Terminal Velocity) và sau đó là album cực hay của Liquid Tension Experiment LTE3, nơi mà Mike Portnoy đều tỏa sáng. Nó chỉ khiến cho người nghe chợt so sánh với phần trống của Dream Theater và tiếc khi tay trống của DT vẫn mãi giống như một người thợ cần cù.


30. Cradle of Filth - Existence Is Futile: album có sự cân bằng vừa đẹp và là một trong hai album metal đã nhất của tháng. Cái còn lại là số 13.

31. Biffy Clyro - The Myth of the Happily Ever After: Simon Neil chắc hẳn là ca sĩ hay bị bỏ quên nhất khi nhắc đến những người hát rock hay nhất. Anh còn phụ trách guitar, keyboard, và cả violin trong đĩa này.


32. Jerry Cantrell - Brighten: Jerry Cantrell có thể gọi band này là Jerry Cantrell In Chains. Âm nhạc của đĩa này gợi nhớ đến rất nhiều phần của Alice In Chains trước đây, và hình như Jerry đã can thiệp hơi nhiều vào phần trống của các tay trống của anh, vì nó nghe khá giống với kiểu của AIC đời cũ trừ việc không phải ai cũng nện mạnh được như Sean Kinney.


33. Blackmore's Night - Nature's Light: ông già lỳ và bà già gân. Nhưng tôi thích nhất mấy track không lời.


34. Carcass - Torn Arteries: bọn tôi không dám chém về death metal nhiều, nhưng nghe album này phần rhythm thấy rất hay và có vẻ như từ đầu năm đến giờ chưa có đĩa nào làm được như vậy.


35. Robert Plant & Alisson Krauss - Raise the Roof: nửa đầu album nghe rất vào còn nửa sau nghe hơi ... mất tập trung nhỉ


36. Paul Gilbert - Werewolves Of Portland: hay hơn đĩa trước của anh


37. Sleater-Kinney - Path Of Wellness: ban nhạc này lại không làm một ai thất vọng. Lạ cái là lần đầu nghe bỡ ngỡ bao nhiêu thì đến lần hai là đã thấy thân quen và thấm lắm rồi.


38. Wolf Alice - Blue Weekend: một trong số ít album đang được đánh giá cao nhất năm nay.


39. H.E.R. - Back Of My Mind: cắt gọt đi 1/3 đĩa cho đỡ dài thì ok hơn. Nhìn chung là ấn phẩm R&B hay . Bài “Trauma” với Cordae và bài “Come Through” với Chris Brown rất được.


40. St. Vincent - Daddy’s Home: như bìa đĩa, âm nhạc của album này mang một màu sắc cổ với những giai điệu sâu sắc mà phải nghe thêm mới ngẫm hết được.

41. J. Cole - The Off-Season: không đáng thất vọng tẹo nào. Có thể không đạt một tổng thể thống nhất chặt chẽ của một album như KOD hay 4 Your Eyez Only, từng bài dù sao vẫn có cá tính rất đặc biệt.


42. Hayley Williams - FLOWERS For VASES / descansos: đĩa solo bất ngờ thứ hai của cô gái. Âm nhạc lắng đọng của Folk hơn đĩa Petals For Armor, thế nên dù không độc đáo bằng nhưng vẫn giữ nét cá tính trong giọng hát và nhạc của cô.


43. Tomahawk - Tonic Immobility: nhóm rock supergroup có ca sĩ Mike Patton của Faith No More. Đây là đĩa nghe cực đã tai rất đáng để thử.


44. Benny The Butcher & Harry Fraud - The Plugs I Met 2: sự kết hợp giữa một nhà sản xuất làm beat duy nhất với một rapper đã tạo ra nhiều tác phẩm rất hay, xuất hiện nhiều trong tháng này. Dưới bàn tay của Fraud, Benny - cũng là thành viên cùng nhóm Hip Hop với cái tên Griselda cùng Conway và Westside Gunn, đã làm nên một bản EP xuất sắc từ đầu chí cuối.

Benny The Butcher, 38 Spesh - Trust The Sopranos: anh Benny này rap sòn sòn phết. Nhưng mà hay!

Benny The Butcher - Pyrex Picasso: beat đĩa hay thì nhạc của rapper giỏi lại càng hay


45. Manchester Orchestra - The Million Masks Of God: đĩa nhạc Indie Rock tuyệt hay của ban nhạc đến từ Mỹ


46. Squid - Bright Green Field: album đầu tay thể loại Post Punk và New Wave của ban nhạc tới từ Anh Quốc hay tuyệt vời các bác ợ.


47. Vince Staples - Vince Staples: một album hay, dù không có phần instrumental điên đảo như các album trước nhưng nhạc đủ chill để cảm nhận lời rap của anh.


48. Leon Bridges - Gold-Diggers Sound: đây rồi, album R&B mà tôi tìm đây rồi.


49. Aesop Rock & Blockhead - Garbology: khác với tên và bìa đĩa, nghe không rác rưởi tẹo nào. Beat hay rap hay thì chê sao được.


50. Tinashe - 333: lại một album R&B hay của năm

51. Lana Del Rey - Chemtrails Over The Country Club: album này có màu sắc khác hơn trước nhưng vẫn lưu được nét rất Del Rey của cô. Tôi tò mò không biết album tiếp theo mà cô đã tuyên bố sẽ phát hành tháng 6 này, Rock Candy Sweet sẽ có thử nghiệm gì mới nữa.

Lana Del Rey - Blue Banisters: Lana lại thành công với công thức nhạc buồn, với những thứ mới mà cô để trong đoạn cuối các bài như tiếng hát thảm thiết đến lạc giọng trong “Dealer” và “Black Bathing Suit” trên nền trống loạn xị, hay bị autotune như tiếng guitar điện ở “Living Legend”.


52. Viagra Boys - Welfare Jazz: album thể loại Post-Punk thuộc hàng xuất sắc.


53. Genesis Owusu - Smiling With No Teeth: album đầu tay có phần nhạc cực sáng tạo, một sự kết hợp sáng tạo và lạ tai dù giữa Hip Hop và Jazz/Funk của nghệ sĩ đến từ nước Úc này.


54. Yelawolf - bộ 4 album phát hành trong tháng 4 - Mud Mouth / Slumafia / Turquoise Tornado / Mile Zero: hay nhất là đĩa Mud Mouth với âm thanh gần nhất phong cách Rap của anh ở Love Story và Ghetto Cowboy. Các album kia vẫn khá ổn và nhìn chung là mỗi đĩa đều có phong cách riêng, không bị lẫn với nhau dù phát hành ồ ạt.


55. Conway the Machine - La Maquina: sau đĩa From King To A God, Conway lại tạo ra một tuyệt phẩm khác. Mà đây mới chỉ là bộ các bài rap để fan nhạc Hip Hop của anh nghe tạm khi album chính thức với Shady Records đáng nhẽ phải được phát hành từ lâu rồi.


56. Dry Cleaning - New Long Leg: âm nhạc post punk là album đầu tay của ban nhạc tên kỳ cục này. Cô ca sĩ chính chỉ có nhiệm vụ thì thào các câu lời, trong khi tiếng guitar cực hay lại là phần giai điệu chính


57. Jorja Smith - Be Right Back: kiểu hát ỉ ôi rất riêng nhờ chất giọng dễ nhận khiến tôi thực sự bị cuốn. Một bản EP rất chất lượng.


58. Iceage - Seek Shelter: album thể loại Post Punk của ban nhạc đến từ Đan Mạch có những khoảnh khắc hay đến lặng người, một cảm giác hơi kỳ cho thể loại nhạc này :)


59. Isaiah Rashad - The House Is Burning: hay lắm đấy, đặc biệt là khâu production ảo diệu và những khúc jazzy xuất hiện bất ngờ.


60. Jungle - Loving In Stereo: chỉ cần nghe tiếng bass vừa funky vừa soulful lúc vào bài “Keep Moving” là đủ biết đây sẽ là đĩa hay.


Hẹn gặp lại!

950 views

Recent Posts

See All
bottom of page