top of page

Nhạc “vàng hoe” của Blondie

Updated: Dec 22, 2024

Các bạn có biết bài Rap đầu tiên được phát trên kênh MTV cũng như giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 là bài “Rapture”? Và nó lại là một nhạc phẩm của Blondie - một ban nhạc theo phong cách chính là New Wave và Punk Rock. Đã có nhiều rapper, trong đó gồm mấy anh bên nhóm Wu-Tang ClanMobb Deep thậm chí còn thú nhận rằng “Rapture” là bài Rap đầu tiên mà họ được nghe trên radio.


Dĩ nhiên, lý do một phần là vì nhạc Hip Hop ngày đó hầu như chưa được phát trên các kênh phát thanh. Thế nhưng nếu như những gì diễn ra ở những năm đầu phát triển của nhạc Hip Hop còn mới chỉ ở quy mô nhỏ và được ít người Mỹ biết đến, thì hai thành viên sáng lập của ban nhạc Blondie là cô ca sĩ Debbie Harry và guitarist Chris Stein đã sớm được trải nghiệm không khí của một đêm nhạc Hip Hop tại một con phố ở Bronx qua lời giới thiệu của người bạn “Fab 5” Freddy Brathwaite từ cuối những năm thập niên 70. Harry và Stein bị mê hoặc trước nguồn năng lượng chưa từng thấy khi chứng kiến hàng loạt những MC tham gia buổi tối hôm đó lần lượt thay nhau freestyle những đoạn lời gieo các âm vần đầy thú vị trên các bản loop từ bàn turntable của các DJ.


Thế rồi sau thành công hiếm hoi của nhạc Hip Hop khi đĩa đơn “Rapper’s Delight” của nhóm The Sugarhill Gang lọt vào danh sách Hot 100, Stein và Harry quyết định làm một bài Rap của riêng họ bất chấp một số lời can ngăn rằng phong trào Hip Hop ngày ấy chỉ là nhất thời và sẽ sớm vụt tắt. Vậy nên có thể nói ca khúc “Rapture” (một cách chơi chữ của từ “Rap”) với một nửa là giai điệu hát và một nửa là phần rap do Debbie Harry thể hiện đã góp sức đưa thứ nhạc lạ lẫm này đến với công chúng. Thay vì phần nhạc nền là các bản sample như đoạn nhạc “Good Times” của CHIC được dùng trong “Rapper’s Delight”, Blondie thu âm hẳn một bản instrumental được viết và thể hiện bởi các thành viên của band để tạo ra một “con beat” hoàn chỉnh theo đúng phong cách CHIC thời thượng lúc bấy giờ, khiến cho “Rapture” trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với số đông người nghe.



Âu cũng là nhờ Blondie ngày đó đã tích lũy được tiếng tăm cho riêng họ, sau quãng thời gian không mấy dễ dàng để tạo dựng hình ảnh và âm thanh của riêng mình, nhất là khi họ bị vấp phải những lời nhận xét không mấy tích cực của thị trường.


Nhạc của họ thể hiện sự tham lam khi muốn nhồi nhét đủ các thể loại khác nhau… nhưng lại không đủ ngón nghề để làm cho ra tấm ra món” - David Byrne - frontman của ban nhạc Talking Heads đã nói như vậy về Blondie.


Chính Debbie Harry sau này cũng cười lớn thừa nhận rằng trong album đầu tay – Blondie (1976), cô và ban nhạc cũng còn loay hoay khi chưa biết họ cần làm gì. Điều duy nhất họ nhận biết được là phải chui vào studio và thu âm. Đĩa nhạc này pha trộn đủ âm thanh Pop có hơi hướng hình thái Punk lẫn Funk trong “Little Girl Lies”, chút Psychedelic như Jefferson Airplane trong track “Rifle Range’’, rồi chất liệu Proto-Punk của Velvet Underground với “Rip Her To Shreds”, và bản ballad mang phong cách của Phil Spector với “In The Flesh”. Thậm chí như một bản review ngày đó nói rằng tiếng đàn Farfisa organ chơi trong đĩa còn gợi nhớ tới nhạc của The Doors. Đến album thứ hai - Plastic Letters (1978), Blondie cũng thu âm khá là gấp rút, chưa kể đến sự căng thẳng và mâu thuẫn dẫn đến chuyện xáo trộn các thành viên trong band. Bởi vậy cho cả đến trước khi album đột phá của Blondie là Parallel Lines được bắt tay vào làm, các bản demo của band hầu như đều thiếu định hướng âm nhạc rõ ràng. 



Trong khi những nghệ sĩ đồng lứa như ban nhạc Ramones có đầy đủ nguyên liệu cho công thức làm nhạc Punk, hay Talking Heads rất khéo trong chuyện tạo ra các nhạc phẩm New Wave mang tính sáng tạo cao trong khuôn khổ giới hạn của họ, thì Blondie lúc đầu hẵng còn góp nhặt mỗi thứ một chút trước khi định hình nên âm nhạc của họ. Giống như lời nhận xét của David Byrne, ý nhạc mà các thành viên của Blondie định gửi gắm trải dài khắp các thể loại, và thường các sáng tác được ấp ủ theo nhiều phiên bản khác nhau, nhưng không có một phiên bản nào thực sự chuẩn chỉnh nếu không có bàn tay của một vị producer vào giúp sức.



Thế nhưng đấy cũng chỉ là một luồng ý kiến được thừa nhận đầy khiêm tốn từ cô ca sĩ của Blondie. Với tôi, dù đĩa thứ ba – Parallel Lines (1978) và thứ tư – Eat To The Beat (1979) hiển nhiên là hai nhạc phẩm thực sự tuyệt vời, hai album đầu tay trước đó chính ra không hề dở chút nào. Dưới bàn tay của Richard Gottehrer trong khâu sản xuất, Blondie và Plastic Letters đều truyền được âm thanh của những năm thuộc thập niên trước đó kết hợp với màu sắc trẻ tươi mới có sự thể nghiệm của một ban nhạc không bị ràng buộc bởi một công thức nào cả. Blondie có thể không có những bước đầu chắc chân như Talking Heads, nhưng rồi cuối cùng họ vẫn đến đích cuối trong nhiệm vụ chuyển tải tinh thần “tự thân vận động” (tạm dịch từ “Do It Yourself”) của các ban nhạc Punk chưa có được danh tiếng mainstream. Đó là cách Blondie, cụ thể là guitarist Chris Stein, người cũng là một nhiếp ảnh gia tài năng, xây dựng hình ảnh ban nhạc qua những tấm hình đầy cá tính của thành viên nữ duy nhất và cũng là cô bạn gái anh – Debbie Harry.


Debbie Harry & Chris Stein
Debbie Harry & Chris Stein

Stein để mắt tới Harry trong lần tình cờ xem show của nhóm nữ Stilettos mà Harry tham gia. Cô gái cảm thấy nóng mặt khi cảm nhận được ánh mắt của gã si tình đang soi mình chằm chằm. Họ nhanh chóng trở thành bạn, rồi Stein tham gia chơi nhạc cho Stilettos, trước khi cặp đôi này yêu nhau và lập ra Blondie. Khuôn mặt to cùng mái tóc nâu vàng nay được nhuộm bạch kim càng tôn lên sự quyến rũ của Debbie Harry. Các tấm hình của Blondie trong đó Harry là tâm điểm gây tò mò với nhiều người trước cả khi họ biết đến nhạc của band. Người ta nhận xét Blondie gây ấn tượng nhờ lối chơi nhạc tưng tửng “nửa đùa nửa thật” nhưng trên cả là vẻ bề ngoài xinh đẹp cool ngầu của frontwoman, dễ dàng ăn đứt những band đồng lứa như Ramones, Talking Heads, v.v. ít nhất là về “sắc đẹp” của kẻ cầm đầu. Đến mức tạp chí Times còn viết về Blondie như một ban nhạc Punk được chụp hình nhiều nhất thế giới.


Nhưng Blondie không hề dùng bề ngoài để che đậy cho âm nhạc còn chưa hình thành rõ nét phong cách của họ ngày đó. Ngược lại, Chris Stein muốn dùng hình ảnh của Debbie Harry thành điểm sáng nhằm quảng bá ban nhạc như cách những nhóm nhạc nữ từng phát triển hưng thịnh trong thập niên trước đó. Âm nhạc của Blondie trong hai album đầu tay vì thế có âm thanh poppy gần gũi với cách phối khí punky hệt như phong cách thời trang của Harry, xinh đẹp quyến rũ mà vẫn cool ngầu cá tính. Blondie mang nét nhạc hơi thô ráp và năng lượng vui tươi của thập niên trước để áp cho những bản nhạc Pop có cấu trúc nhạc được phức tạp và biến chuyển đa dạng hơn.


Cứ như vậy họ lần mò cho tới khi tìm được những bước đi chắc chắn cho mình khi gặp được nhà sản xuất nhạc Mike Chapman cho album thứ ba - Parallel Lines được đánh giá cực cao, dù vẫn không tránh khỏi lời đàm tếu…


Họ bán rẻ mình” - Joey Ramone - frontman của Ramones đã nói như vậy về Blondie sau khi ban nhạc đưa thứ nhạc Disco vào ca khúc “Heart Of Glass”. 


Ở thời điểm tinh thần ngạo nghễ của nhạc Rock nói chung và nhạc Punk nói riêng được nâng cao trong giới, việc Blondie sử dụng chất liệu Disco bị nhiều người coi thường quả là bước đi liều lĩnh, hệt như cách họ đã sử dụng chất liệu nhạc Rap 2 năm sau đó. Không chỉ với mỗi Ramone, nhiều người nghe trung thành từ ngày đầu của Blondie cũng từ bỏ họ khi thấy ban nhạc yêu thích của mình “thương mại hóa” với nhạc phẩm Disco như “Heart Of Glass”, điều cũng khá là dễ hiểu khi sự kiện “Đêm Tiêu Diệt Nhạc Disco” / “Disco Demolition Night” chỉ diễn ra 6 tháng sau khi đĩa đơn “Heart” được phát hành.


Mỉa mai thay đó cũng chỉ là lời phê phán duy nhất Ramone và một số người có thể tìm được để nói về Blondie ở thời điểm ban nhạc tung ra album tuyệt hay Parallel Lines với ca khúc đinh “Heart Of Glass” là đĩa đơn đầu tiên giúp ban nhạc có được vị trí số 1 tại Mỹ. Công lớn cho tuyệt phẩm này được thành hình phải nhắc tới nhà sản xuất nhạc Mike Chapman.



Trên tinh thần làm nhạc vui vẻ từ hai đĩa trước, không khí làm việc nghiêm túc và căng thẳng mà Chapman đem tới như gáo nước lạnh dội thẳng mặt các thành viên trong Blondie. Qua đôi tai cầu toàn của producer này, ngoại trừ đúng thành viên Frank Infante (guitarist) được đánh giá cao về khả năng chơi nhạc, từ Chris Stein (guitarist), Jimmy Destri (keyboardist) cho tới Nigel Harrison (bassist) và Clem Burke (drummer) đều bị Chapman chê là những nhạc công xoàng nhất ông từng gặp. Điểm mạnh của họ chỉ là khả năng sáng tác, nhưng về kỹ thuật, Chapman đều phải kiên nhẫn rèn luyện từng người về cách thể hiện, nhằm tạo ra những bản thu âm chặt chẽ về nhịp điệu lẫn nhạc điệu. Đến Debbie Harry, dù được ông khen ngợi về chất giọng rất riêng, cô vẫn bị dồn ép để thu âm chuẩn chỉnh trong âm điệu và phrasing.


Kết quả là Parallel Lines đã chuyển Blondie từ ban nhạc làm nhạc theo hướng tùy hứng phong cách Punk và New Wave để thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi thứ âm nhạc New Wave và Pop Rock hoàn mỹ. Quả thực là album Parallel Lines quá xuất sắc trong việc thể hiện chất nhạc có nội lực, tiếng nhạc cụ sắc gọn, những hợp âm và nốt nhạc được lựa chọn kỹ lưỡng đâu vào đó và giọng hát tuyệt hay. Parallel không chỉ được giới phê bình ca ngợi tán dương, mà nhạc phẩm này còn giúp đưa Blondie đến những thành công không tưởng về mặt thương mại. Bên cạnh việc “Heart Of Glass” – ca khúc duy nhất trong album có âm thanh Disco giúp ban nhạc phá rào để có được tiếng tăm tại thị trường quê nhà là nước Mỹ, album Parallel cho tới nay đã bán tới 20 triệu bản toàn cầu, đặc biệt tại cả Châu Âu, Úc và Mỹ, nơi mà Blondie đã từng chật vật để tiếp cận người nghe số đông. Khi mà âm nhạc thế giới giờ đây quay lại với âm thanh Disco đình đám một thời, nhìn lại việc Blondie “bán rẻ” phong cách âm nhạc của mình để “bán đắt” danh tiếng và chất lượng âm nhạc ngày đấy hoàn toàn là bước đi đúng đắn.



Bảo sao bất chấp việc các thành viên trong Blondie phải chịu đựng quãng thời gian làm nhạc đầy thương đau với producer cầu toàn như Mike Chapman, họ vẫn chọn ông để hợp tác tiếp trong 3 album liền sau đó, trong đó Eat To The Beat (1979) cũng là album ưa thích của tôi. Quả thực là qua sự rèn dũa của Chapman, âm nhạc của Blondie mới được nâng tầm về trình độ của các thành viên, chứ không chỉ là hình ảnh áp đảo của cô ca sĩ xinh đẹp tài năng Debbie Harry…


Blondie là một nhóm nhạc, chứ không phải nghệ danh của một cô gái” - Debbie Harry – frontwoman của Blondie đã luôn muốn nói như vậy với thị trường âm nhạc.


Quả thực sự liên tưởng giữa nghệ danh Blondie với khuôn mặt của Debbie Harry đã hằn sâu trong suy nghĩ của nhiều người nghe nhạc, nhất là khi mái tóc vàng óng của Harry là khởi nguồn cho cái tên ban nhạc khi cô thường bị những tài xế gọi với lại trong những ngày đầu cô và Chris Stein mới tách ra lập nhóm nhạc riêng. Chưa kể đến chuyện hình ảnh quảng bá cho ban nhạc từ giai đoạn này đã luôn tập trung vào vẻ đẹp cuốn hút của Harry.


Sự chiếm sóng của “cô gái tóc vàng hoe” đã gây ra những khó chịu nhất định trong nội bộ ban nhạc, ngoại trừ Chris Stein – anh bạn trai của cô. Để tránh những hiểu lầm, bộ đôi sáng lập ra ban nhạc là Harry và Stein nhiều lần phải khéo léo đùn đẩy báo chí phỏng vấn các thành viên khác trước khi chuyển máy tới frontwoman của band. Ban nhạc thậm chí còn sản xuất hàng merch với dòng chữ “Blondie Is A Group” nhằm nhắc nhở mọi người rằng Blondie có tới 5 thành viên khác ngoài Harry. 


Thế nhưng chuyện đó vẫn gần như không thay đổi được sự tập trung của mọi lăng kính hướng tới Debbie Harry. Và đúng như tạp chí Rolling Stone nhận định, bất chấp thực tế từng thành viên trong nhóm sở hữu những tài năng nhất định, Harry vẫn là cá nhân duy nhất không thể thay thế được. Ngoại lệ duy nhất trong những kẻ còn lại cũng chỉ là Chris Stein – anh bạn trai và cũng là quân sư cho Harry, khi hai người họ là đầu não cho định hướng nghệ thuật ở cả âm thanh lẫn hình ảnh của Blondie.


Dù vậy, thành quả trong các tác phẩm âm nhạc của band vẫn là đóng góp chung tổng thể và toàn diện của ban nhạc đã có lúc lên tới 6 thành viên này.



Trong album đầu tay – Blondie, Harry và Stein không phải hai cái tên duy nhất đóng góp trong khâu sáng tác. Tay bass Gary Valentine và keyboard Jimmy Destri cũng chung tay tham gia để viết ra các track rất hay như “X Offender”, “Look Good In Blue”, “Kung Fu Girls”. Về phần thu âm, tiếng bass của Valentine và tiếng trống của Clement Burke làm tròn nhiệm vụ tạo dựng ra không khí rộn ràng, được biến đổi theo từng khúc nhạc, dù có những lúc họ có thể làm hay hơn nếu có bàn tay chỉ dẫn kỹ càng. Tiếng keyboard của Destri, đặc biệt qua cây đàn Farfisa organ mang tới màu sắc “cũ” rất thú vị ở album này. Chris Stein cũng thể hiện vừa đủ trên cây guitar của anh để làm đầy cho dải trung với tiếng keyboard của Destri hỗ trợ cho đúng mục đích của bài. Đâu đó có đoạn guitar solo ngắn để đổi mới như trong track “Look Good In Blue”. 


Vậy nên nổi trội nhất quả thực vẫn là giọng hát của Debbie Harry. Lối hát của cô không hề cầu kỳ, nhưng chất giọng mang âm sắc rất riêng giúp cho Harry có thể thể hiện những phần giai điệu xen kẽ nửa đọc nửa hát theo một khí chất rất Punk, có nét ngông nghênh mà không cần gằn hay lên giọng. 


Sang tới album thứ hai – Plastic Letters, keyboardist Jimmy Destri phải góp sức sáng tác tới nửa đĩa, ngang với Chris Stein, điều dễ hiểu cho việc producer Mike Chapman khi tham gia sản xuất cho album Parallel Lines sau đó, luôn khuyến khích hai người này, cùng với Debbie Harry tập trung vào sáng tác, thứ thuộc điểm mạnh của các thành viên trong band bấy giờ. Nhờ đó những giai điệu nhạc vừa bắt tai, cuốn hút, mà cũng vừa đa dạng về sự biến chuyển được tôn lên trong đĩa Parallel qua phần production được tinh chỉnh hoàn mỹ với lối chơi nhạc được cải thiện rõ rệt của các thành viên trong band.


(Từ trái theo chiều kim đồng hồ): Chris Stein, Debbie Harry, Nigel Harrison, Clem Burke, Frank Infante & Jimmy Destri

Lúc này đây, Blondie đã là nhóm 6 cây, trong đó Chris Stein và thành viên mới Frank Infante (tham gia thu âm bass và guitar vào phút chót từ album Plastic Letters) cùng chung vai trò guitar, Jimmy Destri vẫn chịu trách nhiệm keyboard, Clement Burke vẫn ngồi sau dàn trống, thành viên mới Nigel Harrison phụ trách dải trầm qua cây bass và dĩ nhiên Debbie Harry hát chính. Phải nói là nhờ công của Mike Chapman, phần phối khí các nhạc cụ lẫn giọng hát được gắn kết cực kỳ chặt chẽ. Tiếng trống của Burke được chơi chắc tay hơn bao giờ hết, bám chặt theo tiếng bass của Harrison – nhạc cụ được Chapman lựa chọn để thu âm trước tiên cho mỗi bài. Tiếng keyboard của Destri lấp đầy khoảng trống một cách chuẩn xác tạo nên âm thanh funky trong một nhạc phẩm mà phần nhịp điệu nay đã được nâng trình hơn hẳn so với trước, chưa kể tới những đoạn solo keyboard không cầu kỳ nhưng mỗi nốt nhạc đều có trọng lượng của nó như trong track “11:59”. Chính Destri còn là tác giả của ca khúc "Maria" - màn mở đầu vô cùng ấn tượng của ban nhạc Blondie khi trở lại sau 17 năm vắng bóng. Còn tiếng guitar đôi của Infante và Stein thì cuộn vào nhau dầy và sắc hơn rất nhiều. Với trình chơi nhạc cụ đáng nể của thành viên duy nhất được Chapman dành tặng lời khen, Infante mang tới lối chơi cá tính hơn hẳn. Câu riff không quá rè nhưng đủ đậm đặc của anh như trong track “One Way Or Another” mơn trớn cho câu hát mang giai điệu bất cần tuyệt hay của Debbie Harry.



Trên cả, tầm nhìn và sự phóng khoáng trong cách tiếp cận các dòng nhạc khác nhau vẫn là thứ mà hai thành viên sáng lập, Harry và Stein, nắm giữ và dẫn dắt cho band. Nhờ cặp bài trùng này mà nhạc Hip Hop mới được phổ cập rộng rãi hơn qua single “Rapture” như đã nhắc đến đầu bài viết, hay mang nhạc Reggae vào bản cover "The Tide Is High", cũng như có được sự táo bạo khi sử dụng âm thanh Eurodisco trong bài “Call Me” - sáng tác và sản xuất bởi Giorgio Moroder, người được ví như “Cha Đẻ Nhạc Disco”. Sự hợp rơ về định hướng phát triển nghệ thuật của Harry và Stein được ví như cặp đôi John Lennon & Paul McCartney, Mick Jagger & Keith Richards, và mối quan hệ này kéo tới hơn 35 năm, cả khi Harry và Stein không còn yêu nhau nhưng sự quý mến và tôn trọng của mỗi người dành cho kẻ còn lại vẫn gần như nguyên vẹn.


Nhìn lại thì Blondie có thể không nhanh chóng tạo nên dấu ấn trong âm nhạc từ ngày đầu tiên, thế nhưng nhạc phẩm của họ chính ra lại đi trước thời đại bởi nét khác biệt và vượt qua mọi định kiến để trở nên trường tồn, chứ không đơn giản như hình ảnh “cô gái với mái tóc màu vàng hoe” cùng mấy nhạc công chơi thứ nhạc nhạt nhoà mà nhiều người vội vàng đánh giá.



Hẹn gặp lại!


Kink

131 views

Recent Posts

See All
bottom of page