top of page

Nile Rodgers & Bernard Edwards: Good times!

Trong lễ trao giải Grammy lần thứ 56, tổ chức vào năm 2014, Nile Rodgers được lên bục để nhận 3 giải thưởng Grammy đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Với vai trò đồng sản xuất cùng Daft Punk và Pharrell Williams, Rodgers được trao giải "Album of the Year" cho đĩa Random Access Memories, "Record of the Year" và "Best Pop Duo/Group Performance" cho bài “Get Lucky” mà bộ ba nghệ sĩ này hợp tác làm nên kỳ tích. Nếu bạn xem bản MV của bài “Get Lucky” nổi đình nổi đám một thời, bên cạnh hai nhân vật che kín đầu như robot chơi bass và trống của Daft Punk, nghệ sĩ hát chính Pharrell Williams, thì Nile Rodgers chính là anh có bộ tóc dreadlock chơi guitar - người từng được tạp chí Billboard bầu chọn là Top Producer In The World vào năm 1996.


Nile Rodgers, cùng với cộng sự lâu năm Bernard Edwards (đã mất từ năm 1996) bắt đầu sự nghiệp của họ với Big Apple Band từ năm 1972, rồi chuyển ra lập band chơi nhạc Disco nổi tiếng mang tên CHIC. Họ sau đó tham gia chơi nhạc và sản xuất cho nhiều nghệ sĩ từ Sister Sledge, Diana Ross, David Bowie cho tới Madonna, Duran Duran, David Lee Roth. Do đóc, thật khó có thể tưởng tượng khi cái tên huyền thoại Nile Rodgers có mặt trong loạt các nhạc phẩm bán cả trăm triệu bản, cũng như mang về 2 tỷ USD doanh thu từ những bản hit lại phải chờ hơn 4 thập kỷ mới được hội đồng Grammy ghi nhận công lao, trong khi đáng nhẽ rất nhiều tuyệt phẩm của dòng nhạc Disco mà Rodgers cùng Edwards đã tạo nên từ những ngày đầu cho ban nhạc CHIC đều xứng đáng được ghi nhận.

Đấy là tôi chưa nhắc đến cách làm nhạc và lối chơi đàn độc đáo của Nile Rodgers (guitar) và Bernard Edwards (bass) có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới âm nhạc hiện đại như thế nào qua 3 câu chuyện dưới đây.

Câu chuyện thứ nhất – Nhịp điệu

Các bạn có biết điểm chung của các bài “Rapper’s Delight” (1979) của nhóm The Sugarhill Gang, “Another One Bites The Dust” (1980) của Queen, “Rock Your Body” (2002) của Justin Timberlake và “Break My Heart” (2020) của Dua Lipa là gì không? Hãy thử bật mấy bài này lên và nghe thử mà xem: đó là câu bass trong cả 4 bài đều có cùng một motif không hoàn toàn giống nhưng mang các nét tương đồng. Đầu tiên đó là việc cây bass sẽ chơi cùng 1 nốt vào 3 nhịp đầu của khuông nhạc tạo sự nhún nhảy đều đặn, nhưng sẽ nghỉ ngắn một chút để khuông nhạc tiếp theo là các nốt móc đơn và móc kép được bật ra, đưa đẩy ở dải âm cao hơn chút, rồi sau đó lại trở về 3 nốt đen nhịp đầu tiên và lặp lại chu trình này với một vài biến tấu mới.

Và còn một điểm chung quan trọng nữa của chúng là đều lấy cảm hứng từ bài nhạc kinh điển “Good Times” của ban nhạc Disco mang tên CHIC, do hai thành viên chính Nile Rodgers (guitar) và Bernard Edwards (bass) - nhân vật chính của chúng ta hôm nay - lập nên.

Ngày ấy, một điều khiến Nile Rodgers luôn đau đáu trong lòng là tạo dựng lại một khung nhịp điệu mà anh mê mẩn từ bài “Hollywood Swinging” của ban nhạc Kool & The Gang mà ông anh họ của Rodgers, Robert Mickens cũng là thành viên chơi nhạc cụ kèn của band đó. Nhịp điệu groovy này được Rodgers mày mò cả hàng năm trời và chưa bao giờ có thể dựng được bộ khung đó một cách vững chắc,… mãi cho đến một tối. Rodgers quay trở về phòng thu cùng với John Deacon, bassist của ban nhạc Queen, người đã bám càng anh từ buổi nhậu liền trước đó. Trước mặt vị khách mời nổi tiếng, Rodgers cố thể hiện sự chuyên nghiệp của cả band và chỉ cho họ đoạn groove mà anh muốn cả band tập dượt.

Bernard Edwards đến muộn. Anh sững người trước đoạn nhịp điệu mà ban nhạc CHIC đang tập, nhưng nhanh chóng bắt nhịp theo với cây bass đeo trên người. Khi Edwards vẩy dây từng nhịp một ở 3 nhịp đầu khuông, Nile Rodgers nhanh chóng nảy ra ý tưởng và hét lên: “ĐI NGÓN! Mẹ kiếp ông!! ĐI NGÓN ĐI!!”. Sự ăn rơ và đồng điệu trong cảm xúc nhạc giữa Rodgers và Edwards từ ngày đầu mới quen cho đến thời điểm này đã chứng minh họ có thể làm nên điều kỳ diệu. Câu “walking bass” đi ngón các nốt bass trên hòa âm của Edwards đã hoàn thiện bài “Good Times” kinh điển của CHIC.

Dum dum dum …. Da-da-dum-dum-dum

John Deacon ngồi đó chứng kiến thời khắc lịch sử của sự ra đời một trong những câu bass huyền thoại, từ đó viết ra bài hát “Another One Bites The Dust” cho Queen. Còn nhóm The Sugarhill Gang thì thuê mấy nhạc công về chơi và biến tấu chút câu bass của Edwards và guitar của Rodgers để làm nên track “Rapper’s Delight”, trở thành bản hit đầu tiên của nhạc Hip Hop, mang tới danh tiếng cho thể loại nhạc vẫn còn mới toe này lan rộng khắp cả nước Mỹ. Và Pharrel Williams sau khi giúp Justin Timberlake làm ra ca khúc “Rock Your Body” nổi tiếng đã phải cúi chào và nói lời cảm ơn tới Nile Rodgers trong lần gặp mặt đầu tiên.

Bernard Edwards & Nile Rodgers

Lý do cho sự nể trọng đến từ những người trong nghề với Rodgers không chỉ nằm ở câu bass mà Rodgers khơi gợi cho Bernard Edwards, mà còn cả phần guitar rhythm vô cùng đặc trưng, mang một phong cách rất “Nile”. Có thể nói chỉ cần lấy các track ghi âm tiếng guitar của Rodgers và bass của Edwards là đủ tạo nên một bộ nhịp vững chắc (mặc dù công bằng mà nói vai trò của tay trống tài năng - Tony Thompson trong ban nhạc CHIC không hề nhỏ chút nào).

Về phía Bernard Edwards, mặc dù khả năng thượng thừa trên cây đàn bass có thể giúp anh thoải mái làm nhân vật chính trong một bài nhạc, Edwards chọn cách tôn bài đó lên ở dải trầm, đa phần trên hai dây E và A và di chuyển trên 5 phím đầu tiên. Có những lúc anh sẽ tự do bay bổng khi bài hát cần tới giai điệu, nhưng chủ yếu anh mang tới âm thanh dầy chắc nịch và đầy đặn, nhằm tăng sự tương phản với tiếng guitar thanh mảnh của Nile Rodgers. Có điều là không hề khó nhận ra tiếng bass cực hay của Edwards trong nhạc của CHIC kể cả khi anh không phô diễn. Đôi tai nhạy với tông giọng và hợp âm cùng kỹ thuật chơi đàn bậc thầy của Edwards giúp anh dễ dáng sáng tác những câu đàn hay không kém gì câu bass line kinh điển trong “Good Times”, ví dụ như bài “Everybody Dance”, “I Want Your Love”, “What About Me” của CHIC.


Về phía Nile Rodgers, cách chơi của anh lai phong cách giữa dòng nhạc Jazz trong việc trau chuốt âm sắc, và dòng nhạc Funk trong lối nhấn nhá nhịp điệu. Với nhiều cầm thủ guitar, khi họ chơi một hợp âm thì họ biết thế bấm và trình tự các nốt nhạc cho hợp âm đó, khiến cho với cùng một hợp âm, cách chơi của họ sẽ thường bị lặp lại. Nhưng Rodgers nhìn hợp âm theo những góc nhìn rộng hơn. Với anh, một hợp âm sẽ có những sắc thái khác nhau khi anh thay đổi trình tự các nốt, và thêm thắt những nốt mở rộng để thêm gia vị cho chúng. Khi chơi, thường anh chỉ chạm 4 dây cao của đàn và bàn tay trái sẽ di chuyển linh hoạt trên các phím trên cần đàn để tạo những âm sắc khác nhau cho hợp âm. Có điều cách thả lỏng và bấm hờ dây để có được sự xen kẽ của những nhịp ngắt nghỉ, nhịp của những “ghost note” / âm ma, tạo ra tiếng đàn nhấn nhá vào các nhịp phách khác nhau rất funky.

Cách chơi “chucking” này của Rodgers vì thế vừa có sự linh hoạt và ngẫu hứng, lại vừa bám chắc lấy nhịp của bài. Nhưng quan trọng nhất là cách chơi đó có thể nghe rõ trong các nhạc phẩm của CHIC, cũng như những album mà anh sản xuất và tham gia thu âm tiếng guitar. Hơn cả, cách chơi đó ảnh hưởng tới rất nhiều nghệ sĩ chơi guitar khác, mà các bạn có thể nghe thấy trong những ca khúc của nhiều nghệ sĩ khác, ví dụ như bài “Rock Your Body” kể trên của Justin Timberlake, bài “Lovefool” của Cardigans, “Hella Good” của No Doubt, “Rapture” của Blondie, v.v. Điểm chung của những bài đó là phong cách nhạc groovy mà phong cách chơi guitar của Rodgers có thể đưa vào vừa vặn đến hoàn hảo.

Câu chuyện thứ hai – Cấu trúc

Vào cuối thập niên 70, Debbie HarryChris Stein của ban nhạc Blondie đến tham dự một buổi sự kiện ở South Bronx để nghe thứ âm nhạc mới mang tên Hip Hop được trình diễn bởi các DJ và những MC tham gia rap tại trận. Ngày đó bài “Rapper’s Delight” của nhóm The Sugarhill Gang vẫn chưa lên sóng để đưa Hip Hop tới khắp ngõ ngách của nước Mỹ mà dòng nhạc còn đang chập chững này vẫn chỉ gây chú ý ở phạm vi quê hương New York. Ngày đó Harry cũng mới quen Nile Rodgers. Nhận thấy âm nhạc của CHIC được sử dụng rất nhiều trong những buổi event đó, cô mới rủ Rodgers đi nghe thử. Chưa bao giờ để ý tới xu thế âm nhạc mới này, Rodgers hoàn toàn bất ngờ khi buổi sự kiện tổ chức tại một phòng tập thể dục trong khuôn viên trường học lại đông người tham gia đến vậy. Điều bất ngờ hơn với anh là có rất nhiều MC lần lượt lên thử sức với những bài rap của mình, nhưng bài nhạc duy nhất được DJ sử dụng đêm hôm đó là khúc breakdown trong “Good Times”.

Trong các bài nhạc mà Nile Rodgers và Bernard Edwards sáng tác cho CHIC, thay vì viết ra những đoạn bridge sau phần điệp khúc được lặp lại, họ lại tạo ra những khúc breakdown dài. Nếu như các bài nhạc của CHIC mang những giai điệu hát vô cùng bắt tai thì khúc chuyển đoạn breakdown được Rodgers và Edwards sử dụng để tôn vinh vai trò và tài năng của những nhạc công. Là những nghệ sĩ có nền tảng nhạc Jazz sâu sắc, Rodgers và Edwards luôn tìm cơ hội tạo điều kiện để từng người trong ban nhạc có dịp trình diễn khả năng chơi nhạc của họ, như một cách để người nghe hiểu được vai trò của mỗi “đầu bếp” với tài năng “chế biến” của mình. Và cũng vì cái nền tảng nhạc Jazz đó mà ban nhạc chơi thể loại Disco như CHIC lại thường ghi âm những track nhạc dài 6 – 8 phút, và hẳn một bản instrumental như “Savoir Faire”, giúp Rodgers và Edwards phô diễn tài năng và khác biệt họ với những ban nhạc Funk như Parliament / Funkadelic.


Quay lại với khúc chuyển đoạn breakdown mà tôi vừa nói tới ở trên, như một bộ xếp hình Lego được gỡ bỏ sau khi hoàn thiện, bài nhạc của CHIC bắt đầu được từ từ xây dựng lại với từng phần nhạc cụ. Với trường hợp của “Good Times”, khúc breakdown mở đầu bằng tiếng piano điện với các nốt trầm tương phản với đàn bass, rồi dẫn dắt tới tiếng đàn piano cơ âm sắc khỏe, v.v. Cứ như vậy, câu guitar riff của Rodgers là mảnh ghép cuối cùng làm nên khung nhịp điệu chính của bài mà người nghe đã nghe từ trước đó.


Chính bởi những đoạn instrumental như vậy, bài “Good Times” hay như nhiều bài khác của CHIC, ví dụ như “Dance, Dance, Dance (Yowsah, Yowsah, Yowsah)”, “I Want Your Love”, “Chip Off The Old Block” là những đĩa vinyl hoàn hảo để DJ sử dụng cho những MC lên trình diễn đoạn rap của mình. Chưa kể khi từng âm thanh nhạc cụ được thêm thắt vào trong khúc breakdown đó, phần beat càng tăng sự đa dạng và hấp dẫn cho không khí của buổi sự kiện và tạo cảm hứng cho từng MC biến tấu flow rap của họ.

Ngoài khúc chuyển đoạn breakdown, cấu trúc các bài nhạc do Nile Rodgers và Bernard Edwards sáng tác, kể cả cho ban nhạc CHIC của họ và cho những nghệ sĩ khác, thường đẩy đoạn hook lên đầu bài. Cách làm nhạc này có thể phổ biến với âm nhạc của thế hệ sau, đặc biệt như lối viết nhạc của nhạc sĩ nổi tiếng Max Martin, nhưng ngày ấy, đưa câu hook lên đầu bài lại trái ngược với kiểu dẫn dắt từ verse lên đến hook. Điểm chung của nhạc mà Max Martin làm so với phong cách của Rodgers và Edwards chính là tạo ra những bản hit bằng các đoạn hook có giai điệu dễ nhận và bắt tai mở đầu ca khúc. Họ muốn người nghe có cơ hội được cất giọng hát cùng thì đẩy cảm xúc đó lên ngay từ đầu. Chính thế, âm nhạc của CHIC nói riêng và các nhạc phẩm do Rodgers và Edwards sáng tác cho những nghệ sĩ khác nói chung đều có giai điệu hấp dẫn trong các câu hook và giản lược chúng ở các đoạn verse nhằm tạo sự mong chờ cho đến khi câu hook quay trở lại.

Câu chuyện thứ ba – Hòa âm

Khi bài “Good Times” được phát hành trên radio vào ngày 30 tháng 6 năm 1979 thì chỉ vài tuần sau đó, chính xác là ngày 12 tháng 7 năm 1979, sự kiện “Disco Demolition Night” (dịch nôm na là “Đêm Tiêu Diệt Nhạc Disco”) đã diễn ra. Dù là “Good Times” vẫn kịp lên vị trí số 1 của Billboard Hot 100 sau đó, nhưng nó đã trở thành một trong những đĩa đơn nhạc Disco thành công cuối cùng của thập niên 70. Những định kiến với nhạc Disco, hay đúng hơn là sự phân biệt kỳ thị với văn hóa của dòng nhạc này đã khiến các hãng đĩa e dè và tránh né với những gì bị gắn mác “Disco”, chấm dứt chuỗi năm tháng thành công của CHIC. Không chỉ vậy, sự kiện này cũng tác động mạnh đến bản thu âm cuối cùng của album Diana mà Diana Ross phát hành vào giữa năm 1980. Về lý thuyết, bộ đôi Nile Rodgers và Bernard Edwards đảm nhiệm hoàn toàn khâu sáng tác và sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng lại không hoàn toàn phản ánh như vậy.

Khi nghe bản thu âm version đầu tiên của Rodgers và Edwards, Diana Ross không cảm thấy hài lòng và thậm chí lo lắng, đặc biệt khi cô mang tới cho Frankie Crocker, một DJ cực kỳ nổi tiếng ở New York nghe thử. Dưới tàn dư của buổi Disco Demolition Night, Crocker cảnh báo Ross rằng album được phối theo ý tưởng của Rodgers và Edwards sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của cô. Đấy là chưa nói tới ca khúc đinh của album, “I’m Coming Out” mà Rodgers và Edwards viết theo nhiều lớp nghĩa, một là về ước mơ của Diana Ross được tự do dứt khỏi hãng Motown, và hai là lớp nghĩa đại diện cho ước mơ của cộng đồng LGBT được thể hiện con người thật của họ, điều mà xã hội ngày đó kỳ thị với chính văn hóa của âm nhạc Disco mang tới.

Kết quả là album Diana mà chúng ta nghe được là sản phẩm đã được một kỹ sư âm thanh khác của Motown mix lại, khác xa với ý đồ nhạc của Rodgers và Edwards, điều đã khiến hai anh này cáu tiết và suýt nữa đòi gạch tên họ ra khỏi credit của album trong vài trò nhạc sĩ kiêm sản xuất. Bản thu âm lại bị cắt bỏ những khúc breakdown dài đặc trưng của CHIC, được tăng tốc độ tempo, bị loại bớt các track nhạc cụ khác để phần vocal thu âm lại của Ross được nổi bật đưa về phía trước. Mãi tới năm 2003, khi album Diana được tái bản với phần mix gốc theo version của CHIC thì người nghe mới được dịp so sánh chúng.

Nếu các bạn tìm nghe album này trên Spotify thì rất nên nghe kỹ nửa cuối của đĩa, với phần hòa âm do Nile Rodgers và Bernard Edwards thực hiện, để tìm thấy sự khác biệt một trời một vực giữa hai phiên bản. Bất chấp chuyện bên Motown và Diana Ross than phiền là giọng hát của cô nghe bị chìm trong các lớp nhạc của CHIC version, tôi lại thấy trong phiên bản này, giọng hát của Ross được ghi âm dầy tiếng, và thể hiện được chất giọng cực hay của cô khi nó được các lớp nhạc synth, strings, guitar, v.v. tôn lên. Các track trong bản Motown phát hành nghe âm nhạc mỏng và rời rạc hơn hẳn phần hòa âm hoàn hảo của Rodgers và Edwards. Ví dụ như bài “Upside Down” CHIC version có tiếng synth sống động và đoạn bè hòa âm cuối bài rất hay, tô đậm khúc chuyển tông giọng của bài; “Friend To Friend” CHIC version nghe đầy đặn và ấm áp hơn hẳn; hoặc như ca khúc chính “I’m Coming Out” CHIC version có phần kèn lead dẫn dắt, và guitar đối ẩm đầu bài tạo cho cảm giác ngập tràn khi các nhạc cụ cùng hòa vào sau đó, chưa nói đến phần solo kèn trombone độc đáo.


Nhờ album Diana được tái bản với 2 version này mà tôi càng hiểu hơn sự thiên tài trong ý đồ làm nhạc của Nile Rodgers và Bernard Edwards. Vẫn biết là họ là tác giả của loạt những bản Disco có nhịp điệu funky và những bản hook hay khó cưỡng trong các album của CHIC, nhưng thực sự là việc hai anh lựa chọn các nhạc cụ và âm sắc của chúng trong mỗi bài là có hiệu ứng rất rõ. Đến những nhạc cụ không có tính chất funky như strings nhưng khi đưa vào các track chậm rãi hơn, hai anh vẫn làm cho chúng nghe thật ăn rơ, và thậm chí thành nhạc cụ chủ đạo, ví dụ như bài “Will You Cry (When You Hear This Song)”, “Open Up”. Hay như chính phần vocal đa phần là giọng nữ trong các nhạc phẩm của CHIC cũng là chủ ý của Rodgers và Edwards đưa vào để làm mềm cho âm nhạc.


Nile Rodgers

Nhờ đôi tai nhạy bén với công thức nhạc hit mà sau thành công với CHIC, Rodgers và Edwards mới được nhiều hãng đĩa và nghệ sĩ ngỏ lời nhờ giúp sức. Các album như We Are Family phát hành năm 1979 của nhóm nhạc Sister Sledge, Let’s Dance phát hành năm 1983 của David Bowie, Like A Virgin phát hành năm 1984 của Madonna đều có điểm chung là ngoài việc chúng được sản xuất bởi Nile Rodgers (và một vài trong số đó có sự tham gia của Edwards), thì chúng còn được giới phê bình đánh giá cao và mang lại những thành công thương mại lớn cho họ. Album We Are Family đã giúp nhóm Sister Sledge vực lại sự nghiệp âm nhạc của mình; album Like A Virgin thì giúp Madonna trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử bán được 5 triệu bản tại Mỹ; còn album Let’s Dance của David Bowie trở thành album bán chạy nhất của anh.


Bernard Edwards

Và các bạn biết không, album Diana của Diana Ross mà chúng ta đã nhắc tới ở trên cũng là nhạc phẩm được ca ngợi bởi giới phê bình và có doanh số tốt nhất trong sự nghiệp của chính Ross. Hóa ra, một sản phẩm âm nhạc được thai nghén bởi Nile Rodgers và Bernard Edwards không hề chấm dứt sự nghiệp của Ross ở một giai đoạn nhạy cảm với Disco như vậy, mà ngược lại, nó còn giúp cô tìm tới một đỉnh cao mới. Cũng có một khả năng là nếu Motown phát hành phiên bản của CHIC ngày đó sẽ không có được thành công thương mại lớn đến như vậy, nhưng chắc chắn là chất lượng vượt trội của phiên bản CHIC sẽ vẫn đảm bảo uy tín với giới phê bình và một kết quả doanh số bán đĩa không tồi.

Bởi nói cho cùng, điểm chung của tất cả chúng ta là ai mà chả cần những khoảng thời gian "good times" vui vẻ, thứ mà ta có thể tìm đến qua âm nhạc của CHIC, Nile RodgersBernard Edwards.


RIP Bernard Edwards (31.10.1952 – 18.04.1996)

Hẹn gặp lại!

Kroon

118 views

Recent Posts

See All
bottom of page