14 tháng 5 năm 1988. Đó là show biểu diễn long trọng kỷ niệm hãng đĩa Atlantic Records tròn 40 tuổi. Debbie Gibson bước xuống khỏi sân khấu sau lượt trình diễn của mình và đụng ngay Doug Morris, cựu chủ tịch hãng Atlantic, cùng Ahmet Ertegun lừng danh (người đồng sáng lập hãng Atlantic) và được hai sếp lớn này đề nghị tới chụp hình cho tạp chí Rolling Stone. Chính xác thì tạp chí này muốn chụp hình Gibson cùng với Led Zeppelin và The Who. Áp lực ghê thiệt chớ, cơ mà lúc đó Debbie Gibson mới có 17 tuổi!
Chừng đó đã đủ nói lên Debbie Gibson nổi tiếng thế nào.
Sinh ra ở Brooklyn và được đào tạo từ bé bởi bà mẹ Diane, người sau này cũng trở thành quản lý của cô và sắp đặt hết con đường để đi tới thành công của một ngôi sao nhạc pop tuổi teen, Debbie Gibson chơi piano và viết nhạc từ khi mới 5 tuổi. Cô cũng quen với việc thường xuyên phải đi biển diễn ở câu lạc bộ 3 buổi 1 tuần xen kẽ với việc đi học, để quen dần với việc biểu diễn và cũng để làm quen với những người tới từ các kênh âm nhạc trong vùng cũng như may ra thì gặp được người của hãng đĩa.
Chiến thuật này nhanh chóng đem lại thành công khi Debbie Gibson được ký với hãng đĩa Atlantic sau khi một vị tuyển trạch viên nghe được bản “Only in My Dreams” do cô sáng tác. Bài này sau trở thành single đầu tiên của album đầu tay, Out of the Blue (1987), được phát hành thậm chí trước khi Gibson bước sang tuổi 17. Album này có tới 4 single lọt vào top 10 là "Only in My Dreams", "Shake Your Love", "Out of the Blue", và bản "Foolish Beat" thậm chí leo một lèo tới vị trí No. 1. Debbie Gibson đã trở thành nữ nghệ sĩ trẻ nhất thế giới tự sáng tác, sản xuất, và trình diễn một bản nhạc No. 1 và thậm chí còn được sách kỷ lục Guiness ghi nhận. Cho đến tận bây giờ sau tất cả những hiện tượng của Miley Cyrus hay Billie Eilish, vẫn chưa ai có thể phá được kỷ lục này của Gibson.
Album Out of The Blue sau đó đạt được 3 đĩa Platinum ở Mỹ, và đem lại thành công nhanh chóng cho nữ ca sĩ sau đó được mệnh danh là công chúa nhạc Pop. Sự thành công đã che mờ đi sự thật là Gibson vẫn chỉ là một cô gái tuổi teen và không thể đương đầu với những áp lực của người lớn, huống chi là của một người nổi tiếng. Mẹ cô và cô lúc này phải làm việc với cả ê kíp cả 100 người, và thành công là điều gần như không thể nằm ngoài sự trông đợi.
Album thứ hai của Gibson, Eletric Youth phát hành năm 1989, đã đưa cô lên hàng siêu sao với một loạt các hit như “Lost In Your Eyes” hay “Electric Youth”. Album này đứng ở vị trí No. 1 tới 5 tuần và sau đó bán được 4 triệu bản. Tất cả người nghe đều cảm thấy cuốn hút với những ca khúc đầy sức sống và ca ngợi tình yêu mãnh liệt nhưng trong sáng của Gibson, chủ đề có lẽ đã quá quen thuộc ở thập niên 80s khi thế giới hãy còn muốn có thật nhiều phút giây party vui vẻ và mọi người dường như thích được coi là ngây thơ khờ khạo. Debbie Gibson đã trở thành Billie Eilish từ khi Billie Eilish chưa ra đời, và thậm chí đã được tâng lên thành người có khả năng đối trọng với “cô gái hư” Madonna.
Thế nên dù trên mọi giấy tờ, Debbie Gibson là một ngôi sao khá “sạch” thì thực tế, cô đã phải tìm tới bác sĩ trị liệu để điều trị chứng căng thẳng bồn chồn của mình. 17 tuổi, Debbie Gibson bắt đầu phải sử dụng Xanax và Prozac, những loại thuốc giúp điều chỉnh sự hưng phấn dành cho người bị trầm cảm, cũng bởi cơ thể của Gibson không còn đủ khả năng tạo ra thêm adrenaline giúp cô có thể đương đầu với khối lương áp lực và công việc khổng lồ kia. Mỉa mai thay, nhờ Xanax, lâu lắm rồi Gibson mới được cảm thấy mình được bình thường trở lại.
Nhờ mấy thứ thuốc này, Debbie Gibson có thể tự làm mọi việc hàng ngày trở lại và biểu diễn. Nhưng rồi mọi thứ càng trở nên rắc rối hơn khi cơ thể cô bắt đầu rối loạn với cái sự hưng cảm. Cô thậm chí không thể ngồi ăn tối cùng gia đình hay bạn bè vì trong người lúc nào cũng hừng hực dưới tác dụng của thuốc.
Cùng với việc âm nhạc thế giới dường như bị quét sạch bởi thứ nhạc Grunge lạ lẫm đến từ Seattle, Debbie Gibson cũng không thể kịp thay đổi theo trào lưu và kiệt sức. Và đó cũng là một trong những sự biến mất đáng ngạc nhiên nhất của nhạc Pop: công chúa nhạc Pop ở trên đỉnh thế giới trong hai album đầu tay và sau đó không thể lặp lại thành công được nữa.
Ôi cái ngành công nghiệp âm nhạc nó mới thật tàn ác làm sao, khi những nghệ sĩ tài năng không cần bàn cãi lại không thể tiếp tục tồn tại nếu như họ không biết thích ứng. Chỉ sau một album không bán được, thị trường và các hãng đĩa ngay lập tức có thể quên họ. Những con người sừng sỏ qua nhiều thời kỳ như Madonna hay Tina Turner, họ đều có đủ bản lãnh để thay đổi và chưa kể, họ phải làm nhiều thứ khác ngoài âm nhạc để được nhắc tới. Còn Gibson? Cô chuyển qua hát nhạc kịch Broadway từ thập niên 90s tàn khốc.
Rất nhiều năm tôi đã thắc mắc về sự thay đổi trong sự nghiệp của Debbie Gibson và hy vọng cô ca sĩ này có thể tái hiện được thành công của Out of The Blue và Electric Youth trước đó, bởi tôi không tin rằng tài năng viết nhạc có thể tự nhiên biến mất như thế. Nhưng sau nhiều năm nghĩ lại, có lẽ đó là một bước chuyển hợp lý cho sự tồn tại của cô. Bởi vì từ khi chuyển qua hát nhạc kịch Broadway, Debbie Gibson không còn phải phụ thuộc vào những thứ thuốc an thần lẫn kích thích hưng cảm nữa.
Gibson đã sẵn sàng để chuyển sang một trang khác của sự nghiệp với ít sự hào nhoáng hơn. Cô lần lượt diễn các vai Eponine (cô con gái nhà Tê-nác-đi-ê trót yêu anh sanh ziên nghèo Ma-ri-út) trong vở Les Miserables, cô sinh viên Sandy (trót yêu anh John Travolta) trong vở Grease, và cả vai Belle (trót yêu anh Beast) trong vở Beauty and The Beast trên sân khấu Broadway ở New York.
Nếu như thị trường âm nhạc khắc nghiệt kia không thể chấp nhận âm nhạc của Debbie Gibson (cô vẫn tiếp tục ra các album solo trong thập niên 90s), sân khấu Broadway, với lớp khán giả “chững chạc” hơn, đã hoàn toàn bị thuyết phục trước giọng hát tuyệt đẹp của cô gái này. Chắc chắn cô vẫn có thể hát, và hát tuyệt vời.
Chưa kể, ở một nơi mà thị trường âm nhạc ít bị chi phối bởi sự dẫn dắt của các hãng đĩa hơn như nước Nhật, Debbie Gibson vẫn là một ngôi sao lớn trong suốt nhiều năm. Gibson thậm chí còn phát hành một album lời Anh nhưng nhạc J-pop mang tên Ms. Vocalist (2010) cho riêng thị trường Nhật, với những bản hit nổi danh của J-pop như “Tsunami” hay “I Love You”. Nhân tiện, cùng với Debbie Gibson, ca sĩ Eric Martin của band Mr. Big cũng rất được hâm mộ ở Nhật và anh này không hề kém cạnh mà thậm chí được làm hẳn một series album dưới cái danh Mr. Vocalist để phát hành trên xứ sở Phù Tang.
Thật không may là những năm tháng sau đó, Debbie Gibson được chẩn đoán mắc hội chứng Lyme. Những năm tháng dùng thuốc an thần trước đây chỉ khiến cho căn bệnh này trở nên tệ hơn bởi sự rối loạn trong hệ thần kinh.
Thế rồi đùng một cái vào năm 2021, Debbie Gibson phát hành album The Body Remembers, với những bài hát được cô viết trong thời gian COVID. Ở tuổi 50, Debbie Gibson bỗng trở lại sau thật nhiều biến cố và dường như sung sức hơn bao giờ hết.
Album này như là một sự tổng hòa tuyệt vời giữa những thứ cũ và mới. Bản dance pop mở đầu “One Step Closer” là một bài nghe thật lạ lẫm nhưng cũng thật quen thuộc với thứ âm nhạc pop thời hiện đại và mở ra một chuỗi các bài hát sôi động như kiểu của “Electric Youth” ngày nào. Phần giữa của album là những bản nhạc dựa trên piano acoustic với chuỗi hợp âm lọt tai và sức nặng của bản nhạc được đem tới trực tiếp từ giọng hát. Nghe những bản như “Strings” hay “Legendary”, tôi mới chợt ngẩn người ra rằng tại sao lâu nay âm nhạc nước Mỹ không còn ai viết thứ nhạc như vậy nữa; trong khi nhạc Pop của châu Á như J-Pop và K-Pop dường như vẫn làm rất sáng tạo những ca khúc theo phong cách này.
Sự cộng tác của rất nhiều tài năng trẻ như tay viết nhạc mới 19 tuổi Sean Thomas, EDM DJ Dirty Werk, nữ DJ kiêm keyboard đã từng đoạt giả Grammy Tracy Young (track “One Step Closer”), và thậm chí cả tay guitar shredder khét tiếng như DJ Ashba (từng chơi cho Guns 'N Roses và hiện là lead guitar của Sixx A.M) trong track “Legendary” và “Freedom”; đã đem lại sự đa dạng và sức trẻ tươi mới đầy hứng khởi cho album này.
Cũng không thể không nhắc tới track làm lại “Lost In Your Eyes” được chuyển thể thành bản song ca với Joey McIntyre của New Kids on the Block, một người bạn thân đã cùng sát cánh cùng Debbie Gibson qua suốt bao thăng trầm (Debbie Gibson đã từng hát mở màn cho NKOTB ngày xưa) cũng là một nét hoài niệm vừa đủ của Gibson.
Bạn sẽ có cảm giác thế nào nếu như bạn ở trên đỉnh thế giới khi mới 18 tuổi, và sau đó không thể trở lại đỉnh cao đó nữa? Nghĩ cho cùng, xem ra những vấp váp ở thời trẻ của những người ở thế hệ trước như Debbie Gibson hay Cyndi Lauper có lẽ đã trở thành nguồn cảm hứng và cả những bài học cho những nghệ sĩ trẻ nổi tiếng sớm sau này, dù rằng có lẽ không ai trong số những người nổi tiếng được sinh ra và sẵn sàng để nổi tiếng cả.
Nhờ những câu chuyện như của Debbie Gibson, ta mới thấy trân trọng hơn cái sự mong manh giữa những bản lĩnh và sự lì lợm của những nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Ed Sheeran, Miley Cyrus, The Weeknd, Dua Lipa, hay mới đây nhất là Billie Eilish.
Bạn có thể thích nhạc của người này và chê nhạc của người kia, nhưng có lẽ chỉ tới khi một nghệ sĩ sụp đổ, người nghe và cả thị trường âm nhạc mới nhận ra những chỉ trích hay phê phán của họ có tác dụng tiêu cực nhường nào.
Hãy hy vọng rằng nghệ sĩ của bạn hay của tôi sẽ đều giữ được sự “cool ngầu” để đứng vững trước dư luận và tiếp tục tạo ra những sản phẩm được ưa thích.
Hẹn gặp lại!
Kcid
Comments