top of page

KRS-One & cuộc chiến với những người khổng lồ

KRS-One vốn nổi tiếng khi được biết đến là kẻ chiến thắng trong cuộc chiến bằng những bài diss được ghi âm chính thức đầu tiên của lịch sử Hip Hop, còn được mang cái tên “The Bridge Wars” bắt đầu từ giữa thập niên 80. Điều đáng nói là người mà KRS diss lúc đó chính là MC Shan, một ngôi sao đang lên và được bảo trợ bởi DJ kiêm producer huyền thoại Marley Marl. Còn KRS là ai? Anh lúc ấy chỉ là một thanh niên vô danh và vô gia cư. Người ta ví màn đấu đó giống như David nhỏ bé chiến đấu với gã khổng lồ Goliath.


Mà thực ra KRS-One không tự dưng lại đi khiêu chiến một cách vô cớ như vậy.


***

Cộc … cộc …


Tiếng gõ trên cửa phòng studio mà Mr. Magic (một DJ nổi tiếng làng Hip Hop ngày ấy), Marley MarlRoxanne Shanté đang ngồi cùng nhau làm nhạc bỗng vang lên. 


Bọn em là team bên Boogie Down Productions. Bọn em đang ở phòng thu kế bên và rất muốn mời mấy đại ca qua nghe thử bản demo bọn em mới ghi âm”


Lời mời của DJ Scott La Rock thay mặt cho KRS-One và nhóm Boogie Down Productions (BDP) mà mấy anh lập nên may mắn được Mr. Magic chấp nhận. Ngược hẳn với một BDP vô danh, ngày đó, tên tuổi của nhóm The Juice Crew đang nổi lên như cồn. Được lập ra bởi chính Mr. Magic, Juice Crew là cái nôi đưa một loạt tên tuổi của những rapper thế hệ New School tới thị trường (xin lưu ý là như bài viết trước đây của EmoodziK, “New School” được dùng cho giai đoạn thập niên 80 và nhanh chóng trở thành Thời Kỳ Vàng - Golden Age của Hip Hop) bao gồm MC Shan, Roxanne Shanté, Big Daddy Kane, Kool G Rap, Biz Markie, Masta Ace, v.v. Vậy nên sự khác biệt về vị thế của những con người trong 2 căn phòng studio lúc đó chỉ như câu đùa cợt của người Việt chúng ta hay nói: “Cống rãnh mà đòi sóng sánh với đại dương”.


Quả đúng như vậy. Ngay giữa chừng khi track “Success Is The Word” của DJ Scott La Rock và KRS-One đang dội ra từ hai bên loa, Mr. Magic bấm nút tắt cái bụp. Một không khí im lặng rợn người bao trùm căn phòng… cho đến khi Magic cất lời.


Bài này quá lởm. Bọn mày muốn biết thế nào là Hip Hop đúng nghĩa ư? Roxanne Shante, Marley Marl, MC Shan, Mr. Magic. Đó mới đúng là Hip Hop.


KRS tím mặt như bị ai đó cứa nhát dao vào tim. Anh không ngờ trước mặt anh, những biểu tượng cho Hip Hop ngày ấy có thể lại trịch thượng như vậy. Mr. Magic, Marley Marl và Shante đi ra khỏi phòng, không biết rằng họ đã châm ngòi một cuộc chiến lớn với đám vô danh kia.


ROUND 1


3 tiếng snare nện “chát chát chát” mở đầu bài “The Bridge” do Marley Marl sản xuất, tạo nên nhờ kỹ thuật “chopping” tiếng trống của bài “Impeach The President” của ban nhạc The Honey Drippers, nghe như những phát súng khai mào đầy khiêu khích, cùng với tiếng kèn sample được tăng reverb và bật ngược backward tạo chút gờn gợn ma quái. Trên con beat thô ráp đó, MC Shan rap lời tung hô khu Queensbridge nằm tại quận Queens, nơi cũng được biết với cái tên “The Bridge”, như một trong những cái nôi phát triển Hip Hop và đào tạo ra những tên tuổi lớn nhất trong bộ môn này.


Chỉ là những lời rap của Shan: “You love to hear the story again and again / Of how it all got started way back when / The monument is right in your face / Sit and listen for a while to the name of the place” và “This is the place where stars are born / And we are the only ones that can't be worn out / By any place any part of the world” - nghe không được lọt tai lắm với KRS-One.


Từ tuổi 16, sau khi bỏ nhà vì những trận đòn của mấy gã bạn trai của bà mẹ, KRS (tên thật là Lawrence "Kris" Parker) không có một chốn nương thân. Nhưng bản tính tự lập và đầy kiêu hãnh của anh nuôi dưỡng một nghị lực phi thường. Ăn đồ thừa của nhà hàng lục từ mấy thùng rác, ngủ trong công viên ở Brooklyn, vậy nhưng ban ngày KRS vẫn dành thời gian đến thư viện để nghiền ngẫm về khoa học, triết học, và tất cả những kiến thức trí tuệ bí truyền. Nên không lạ gì khi KRS sau này lấy cả nghệ danh "Teacha" vì anh muốn mang tới những kiến thức, giảng giải lại cho những người khác về những điều anh đã tích luỹ được. Chỉ riêng nghệ danh "KRS-One" cũng là những chữ viết tắt cuả cụm từ "Knowledge Reigns Supreme Over Nearly Everyone".


Người học bài học đầu tiên chính là MC Shan và điều KRS muốn "dạy dỗ" Shan là Hip Hop không bắt nguồn từ khu dân cư Queensbridge hay quận Queens. Quận Bronx mới là cái nôi sinh ra dòng nhạc này. Và mặc dù quận Brooklyn là nơi KRS lớn lên, Bronx lại là nơi anh tìm được chỗ trú ẩn và nương tựa cho chuỗi ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Bảo sao anh lại càng cảm thấy sự thôi thúc phải lên tiếng bảo vệ cho quận Bronx, cộng với mối thù từ lần Mr. Magic tỏ ý coi thường âm nhạc của anh và DJ Scott La Rock.

Bài “South Bronx” dưới nghệ danh Boogie Down Productions (BDP) được ra đời với phần beat do Scott sản xuất cùng với sự giúp đỡ của D-Nice (cũng trong nhóm BDP) vay mượn từ bản sample của bài “Get Up Offa That Thing”, “Funky Drummer” và “Get Up, Get Into It, Get Involved” của James Brown. Các nốt cao độ khác nhau của tiếng kèn trong bài nhạc lẫn phần vocal của James được chặt nhỏ ra rồi ghép lại làm nên phần beat có không khí tấn công hừng hực. Như lời của Questlove sau này ví von, “nhát chém” của tiếng kèn chỉ kéo dài trong có 1/8 giây đó uy lực lớn không tưởng.


Về phía KRS-One, anh đáp trả lại MC Shan như sau: “Party people in the place to be, KRS-One attacks / You got dropped off MCA 'cause the rhymes you wrote was wack / So, you think that hip-hop had its start out in Queensbridge? / If you pop that junk up in the Bronx you might not live”.


KRS đá xoáy chuyện MC Shan từng bị hãng ghi âm MCA dừng hợp đồng đột ngột vì single thất bại thảm hại, và vùi dập suy nghĩ lầm tưởng Hip Hop khởi nguồn từ Queensbridge, bởi câu trả lời đúng phải là Bronx. 


Tới đoạn verse 2, KRS tự nhận mình như “người thày” / “teacher” và bắt đầu giảng giải về lịch sử Hip Hop, từ những cái tên “Coke De La Rock”, “Kool Herc” và “Bam” (Afrika Bambaataa) cho tới chuyện những buổi tiệc có nhạc DJ bị dừng đột ngột bởi bạo lực, hay mọi người phải dùng trộm điện đèn đường để chiếu sáng cho những buổi tụ tập. Và sau bài giảng lịch sử miêu tả chân thực và sống động hơn hẳn “The Bridge” của MC Shan, KRS-One đập ngay câu: “As odd as it looked, as wild as it seem / I didn't hear a peep from a place called Queens”, từ “peep” được nhấn đó hệt như cú vả mạnh vào mặt hội Juice Crew dưới quyền lãnh đạo của Mr. Magic mà KRS mang mối tư thù.


Đối lại câu “Why don’t you wise up, show all the people in the place that you are bright” trong bài “The Bridge” của Shan, KRS giễu bằng “So why don't you wise up? Show all the people in the place that you are wack / Instead of tryna take out LL, you need to take your homeboys off the crack”. Không chỉ tuyên bố thẳng thừng MC Shan “rất lởm” / “wack” như cách Mr. Magic từng diss anh và Scott La Rock, mà còn đưa ra lời khuyên “Thay vì mày cố tiêu diệt LL (liên quan chuyện Shan từng diss LL Cool J vì ăn cắp beat của tay này) thì mày nên bảo đám tụi bay cùng nhau cai nghiện đi”.


Để một bài diss của những kẻ vô danh như anh và Scott có thể tạo hiệu ứng mạnh nhất, cả hai người đã thuyết phục DJ Red Alert - người quen của Scott, chơi bài “South Bronx” liền sau “The Bridge” trên radio mấy lần liền. Không dừng tại đó, khi hai bài đều được ghi âm trên cùng 1 tempo, KRS-One còn cố tình rap đoạn verse trong “South Bronx” theo cùng nhịp điệu của MC Shan trong “The Bridge”, đúng như cách anh thừa nhận ngay trong câu đầu tiên “Many people tell me this style is terrific / It is kinda different, but let's get specific”, thì làm sao không tránh khỏi việc khán giả nghe đài sẽ nhận ra sự tương đồng và dễ dàng đưa ra so sánh sự khác biệt về câu từ và nội dung thâm thúy cũng như thông thái hơn hẳn của “South Bronx”. Đến câu hook cũng được đổi từ “The Bridge, Queensbridge” trong bài của Shan thành “South Bronx, the South-South Bronx” dài âm tiết hơn để tăng sức mạnh tấn công trong phần hook. Kết quả là track “South Bronx” gây sốt và được bật liên tục trên các kênh radio. Mọi người truyền tay nhau những cuộn băng thu âm hai track diss nối tiếp nhau để ai cũng có thể so sánh và gật gù nhận ra một “South Bronx” thú vị hơn hẳn.


ROUND 2


Nhận thấy tình thế bất ổn nếu không tung ra đòn đáp trả, nhất là khi người dân bên Queensbridge đang ngóng chờ xem MC Shan và đội nhà sẽ phản công ra sao, ShanMarley Marl đã tung ra track “Kill That Noise”. Một lần nữa, bản beat đầy sức mạnh do Marley sản xuất là nền tảng vững chắc cho Shan bắn lời rap tấn công lại KRS-One và đội BDP. Phải công nhận là track này có phần flow đều và liền mạch hơn “The Bridge” với những lời đe dọa hâm nóng màn beef giữa hai MC này.


Never bite a rhyme, I don't live that way / But when I get dissed, violators pay / I'm a crowd motivator, MC annihilator / Never front the move 'cause I'm not a perpetrator / I don't really mind bein' criticized / But those who try to make fame on my name: die”.


Câu “Never bite a rhyme, I don’t live that way” là lời đáp trả cho việc KRS-One nhại lại flow của Shan trong “South Bronx”, điều mà KRS đã thừa nhận anh cố tình làm vậy để cà khịa những kẻ phía bên Queensbridge.


“Kill That Noise” nhìn chung là một track phản đòn khá ổn, ở thời điểm Hip Hop vẫn còn sơ khai với những màn diss qua các bản ghi âm như này. Chỉ là ngoài 1-2 chỗ đáp trả câu từ của KRS, còn lại điều Shan làm được chỉ vẫn dừng ở chỗ “bắn dọa”, thay vì có được câu nào nghe thực sự hiểm hóc.

Nhưng như vậy cũng đã đủ tăng sức ép lên phía Bronx và đội BDP. Dù sao chăng nữa, KRS-One hay BDP vẫn chưa là gì so với Juice Crew, MC Shan và đặc biệt là Marley Marl. Do đó, những người xung quanh KRS đều lo lắng khi lỡ để anh dại dột chọc tức “cả lò” Queensbridge. Có điều, vị “David nhỏ bé” KRS-One mang trong mình một tinh thần thiện chiến mãnh liệt còn cảm thấy thích thú trước sức căng giữa Bronx và Queens. Quan trọng là anh đã tìm ra điểm yếu và cơ hội để hạ gục “người khổng lồ” Marley Marl và Shan.


Phản đòn luôn và ngay, KRS-One, Ced Gee, DJ Scott La Rock, D-Nice cùng anh em trong team chộp lấy khung giờ trống ngắn ngủi ở studio và thu âm “The Bridge Is Over” trong đúng chưa tới 45 phút. Được sản xuất chính bởi KRS và Ced, bản beat của track này thậm chí đi xa hơn những gì mà Juice Crew làm được. Bên cạnh việc KRS là người chơi câu đàn piano nghe rùng rợn như vậy, Ced và anh đã đưa âm nhạc dancehall của người Jamaica vào, đánh dấu việc KRS trở thành một trong những MC đầu tiên kết hợp nhạc Hip Hop với giai điệu vùng đất Jamaica.


Phần vocal rap của KRS được thu âm hoàn hảo ngay từ lần thu đầu tiên. Và chưa bao giờ, phải rồi, chưa bao giờ nhạc Hip Hop có một bản diss ghi âm mà người MC lại tấn công trực diện và độc địa như vậy. Chưa bao giờ nhạc Hip Hop có một bản diss ghi âm mà người MC lại nói hẳn tên riêng của "kẻ thù" trong đoạn verse. Vậy nhưng KRS-One đã làm như vậy, không chỉ với mình MC Shan, mà cả toàn bộ Juice Crew, từ Mr. Magic, Marley Marl, MC Shan tới Roxanne Shanté.


Ở verse đầu tiên, KRS lấy đà bằng câu đáp trả chuyện nhại lại nhạc của MC Shan và Marley Marl như sau: “You can't sound like Shan or the one Marley / Because Shan and Marley Marl, dem a rhyming like they gay”. Ngay trong những câu đầu tiên đã cho thấy anh không có ý định giữ kẽ thêm một chút nào nữa. Vậy nên để nhắc lại cho khu Queensbridge nói riêng hay quận Queens nói chung, KRS nêu ra vai trò của mỗi quận trong New York như sau: “Manhattan keeps on making it, Brooklyn keeps on taking it / Bronx keeps creating it and Queens keeps on faking it”, cứa một nhát đau không tưởng.


Tới verse thứ hai, KRS tấn công không thương tiếc bằng những lời lẽ cực thâm độc: “We don't complain nor do we play the game of favors / Boogie Down Productions come in three different flavors / Pick any dick for the flavor that you savor / Mr. Magic might wish to come and try to save ya / But instead of helping ya out, he wants the same thing I gave ya”.

Với 3 thành viên DJ Scott La Rock, D-Nice và KRS-One trong Boogie Down Productions (BDP), KRS ví team của anh như một tập hợp có 3 vị “con kiu” để các thành viên Juice Crew lựa chọn. Và rồi đáng nhẽ Mr. Magic đến để cứu giúp chúng thì gã lại cũng muốn thứ mà KRS đang mơi đám Juice Crew, đó là được “thổi kèn” cho chính KRS.


I finally figured it out, Magic mouth is used for sucking / Roxanne Shanté is only good for steady fucking / MC Shan and Marley Marl is really only bluffing / Like Doug E. Fresh said, "I tell you now, you ain't nothing" / Compared to Red Alert on KISS and Boogie Down Productions”.


KRS không nể nang một chút nào khi nhắc tên từng người một trong những câu diss hạ gục qua những từ ngữ thâm nho độc địa trên hẳn mấy bậc so với nội dung của “Kill That Noise”.


Quan trọng là KRS-One rất khôn ngoan khi thay đổi chiến lược tấn công của hiệp đấu này. Thay vì tạo sự tương đồng về tempo và nhịp điệu của hiệp đấu trước để người nghe dễ hình dung và so sánh, thì trong vòng này, bài “The Bridge Is Over” có phong cách nhạc khác hẳn, tempo thì nhanh hơn, mật độ từ dày hơn, và đặc biệt phần flow biến chuyển hay hơn, lúc nhanh lúc vừa phải, lúc lên cao giọng giống như hát, lúc lại xuống thấp. Bởi đây mới chính là phong cách thực của KRS. Phong cách rap trong bài “South Bronx” của anh thực ra chỉ là màn đánh lừa khán giả, và thật lòng mà nói, lối flow nhại MC Shan đó quá đỗi nhàm chán mà lúc đầu tôi mới nghe trong album Criminal Minded (1987) của KRS, DJ Scott La Rock và D-Nice dưới cái tên Boogie Down Productions, tôi lầm tưởng anh chỉ rap được như vậy trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Thế nhưng chỉ đến bài “Word from Our Sponsor” - track thứ 4 trong album này trở về sau, lối rap tự do không cần bám theo nhịp phách của KRS đã bộc lộ, đầy tính tuyệt kỹ, và dĩ nhiên bài “The Bridge Is Over” nằm trong số này, làm nên một tuyệt tác của Hip Hop.


Giống như lời nhận xét của Chuck D trong nhóm Public Enemy, RakimKRS-One là hai kẻ tiên phong thay đổi lối flow của Hip Hop khi cả hai đã chế ngự và điều khiển các bản beat phải “chạy” theo mình. Đây là một cách nói hoa mỹ của Chuck, nhưng hoàn toàn đúng khi sự biến tấu trong nhịp phách của KRS-One và Rakim đầy tự do, không bị ràng buộc nhưng cũng lại không bị lạc nhịp. KRS còn đẩy xa hơn khi anh có những biến tấu cả trong âm điệu lẫn cao độ khiến người nghe không còn phải đón chờ các từ nhấn vào những phách chính, mà có thể cảm nhận đoạn rap theo một bức tranh “âm nhạc” tổng thể. Nói một cách khác, nếu như phần vocal rap của các MC khác chỉ như một bộ gõ bám theo nhịp trống dễ gây nhàm chán, thì kiểu rap của KRS-One như một nhạc cụ bay bổng đa dạng nhiều màu sắc.


Nhờ những yếu tố khác biệt và hơn tầm trong “The Bridge Is Over” so với “Kill That Noise”, một chiến thắng tuyệt đối đã thuộc về KRS-One và đồng đội BDP, những kẻ mới đây chỉ là đám người vô danh trong giới Hip Hop. Chiến thắng này tâm phục khẩu phục đến độ, Big Daddy Kane – một thành viên của Juice Crew cũng phải thừa nhận KRS đã thắng một cách xứng đáng, và những con người bên quận Queens cũng vẫn vui vẻ quẩy theo bài rap mang nội dung diss chính nơi ở của họ.


Sau “The Bridge Is Over”, sự nghiệp của MC Shan tụt dốc không phanh, còn KRS-One thì nổi lên thành một trong Tứ Đại Anh Tài (big 4) thời kỳ vàng của Hip Hop, cùng với Big Daddy Kane, Kool G Rap và Rakim. Nhưng niềm vui của KRS với chiến thắng đó cũng không được trọn vẹn bởi vài tháng sau đó, người bạn của anh - DJ Scott La Rock bị bắn chết oan trong khi cố gắng giảng hòa vụ cãi vã giữa D-Nice với mấy kẻ khác, hoàn toàn không liên quan gì đến The Bridge Wars.


ROUND 3


Phải rồi, hiệp đấu thứ ba đã diễn ra vào năm 2016, tức là tận gần 30 năm sau The Bridge Wars, mặc cho KRS-One đã có những hàn gắn với MC Shan và những người bên Juice Crew.


Trong một cuộc phỏng vấn, MC Shan nhắc lại vụ beef nổi tiếng của mình và rằng cả hai người họ chưa bao giờ từng thực sự đấu rap với nhau. Shan có phần chua cay trước những nhận định KRS-One đã hạ gục và Shan phải chịu nỗi nhục của kẻ thua trận một cách không xứng đáng. Để bào chữa cho việc im lặng sau “The Bridge Is Over”, Shan giải thích Marley Marl từ chối để bất kỳ ai đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc đấu này. Để rồi ở cuối buổi phỏng vấn năm 2016 đó, MC Shan đã thực hiện một màn freestyle mang tên “The Revenge Of The Walking Dead”.


Dĩ nhiên, KRS-One đã nhanh chóng đáp lại và đánh gục Shan bằng track “S.H.A.N. (Still Huggin’ A Nut)”. Chỉ riêng cái tên bài mang nghĩa “Vẫn ôm bi” được viết tắt thành tên của Shan đã cho thấy KRS không hề mất đi sự dí dỏm sắc bén trong ngôn từ của mình. Quả vậy, đó là những câu như “Technically, I ain't take you out, Shan, the crack did” (còn gì nhục hơn khi không được kẻ thù như KRS triệt hạ mà lại bị chửi là vì chơi thuốc mà gục), “You don't even rap good, G you not hood / You're the opposite of Nas, just spell your name backwards” (đánh vần ngược của “Shan” chính là “Nahs” quả là lối chơi chữ siêu đẳng chỉ số ít như KRS nghĩ ra) và loạt đạn súng máy chĩa thẳng vào Shan “Hip-hop didn't need your career, so I erase that shit / You done, the only way you gonna win this battle / Is if you bite my name and call yourself Shan One / With the "W," but you don't even think that fast / I'm the first and the last, you’re the worst from the past” (rất thâm khi “người thày” KRS phải hướng dẫn cho Shan cách diss lại anh bằng việc chơi chữ “Shan One” giống như “KRS-One” nhưng nên viết thành “Shan Won” có cùng cách phát âm thì mới thành kẻ thắng cuộc được, chỉ là Shan không đủ thông minh để nghĩ nhanh được như vậy khi gã là kẻ “worst from the past”, đối lập với một huyền thoại vĩnh cửu “the first and the last” như KRS).


Thực sự tôi cũng nể MC Shan khi liều lĩnh khơi mào lại câu chuyện. Vẫn biết cái ngày Shan còn đấu với KRS-One, thì đối thủ vẫn còn là kẻ vô danh trong khi bản thân được dưới trướng những vị tai to mặt lớn như Mr. Magic và Marley Marl. Khó trách được Shan khi không thể “biết người biết ta” mà dây với một rapper tài năng kiệt xuất như KRS. Thế nhưng sau đó nếu ông có dành thời gian nghe những nhạc phẩm của KRS, từ thời BDP cho tới khi solo, đặc biệt như album Criminal Minded (1987), By All Means Necessary (1988), Return Of The Boom Bap (1993) hay KRS-One (1995), ông phải nhận thấy chúng đều là những tuyệt tác của Hip Hop. Chẳng nhẽ MC Shan không học được gì từ người thày thông thái như KRS-One qua các track đỉnh cao như “Sound of Da Police”, “My Philosophy”, MC’s Act Like They Don’t Know”, “Criminal Minded”, “Outta Here”, “Mortal Thought”, v.v.?


Ít ra, MC Shan cũng phải nhìn ra một điều, đó là trong cuộc đấu The Bridge Wars ngày đó, KRS-One chưa bao giờ dừng lại để làm một “David” nhỏ bé, mà anh đã biến hình để thành một “tượng đài khổng lồ”. Giống như lời rap của Shan từng ca ngợi về Queensbridge trong “The Bridge”, KRS-One đã trở thành “the monument” trong lịch sử âm nhạc Hip Hop.

RIP DJ Scott La Rock (2.3.1962 – 27.8.1987)


***

Hẹn gặp lại!


Kunt

145 views

Recent Posts

See All
bottom of page