top of page

Kool G Rap: người truyền lửa cho các rapper

Câu chuyện về những rapper đỉnh nhất mọi thời đại luôn là chủ đề gây tranh cãi khi mỗi ý kiến lại có cái lý riêng của họ. Nhạc Hip Hop thật kỳ lạ! Nếu như phần nhạc là những bản instrumental thường được một DJ hoặc producer tạo ra (trừ những trường hợp một rapper có khả năng tự sản xuất beat cho mình), thì để đánh giá một rapper, người ta chỉ còn đúng phần lời để đem lên cân đo đong đếm. Vậy mà chỉ trong phần lời đó, vẫn có nhiều tiêu chí để mỗi người sẽ có những thứ tự ưu tiên khác nhau trong việc đánh giá để dẫn đến mỗi danh sách những rapper giỏi nhất lại có sự khác nhau đầy phong phú.


Tuy vậy ở Thời Đại Hoàng Kim của Hip Hop (Golden Age), có một danh sách thường được những người trong giới đồng thuận nhất. Đó là Tứ Đại Anh Tài (Big Four) bao gồm Rakim, Big Daddy Kane, KRS OneKool G Rap. Điều đáng nể là Tứ Đại Anh Tài này là những người giúp đưa kỹ thuật trong phần lời của Hip Hop lên một tầm cao mới, trở thành những nền tảng vững chắc về kỹ thuật cho thế hệ sau tiếp tục phát triển. Và đây chính là lý do đối với tất cả các rapper thế hệ trẻ gia nhập làng Hip Hop sau Thời Đại Hoàng Kim, những cái tên của nhóm này gần như luôn nằm trong danh sách những bậc đàn anh được kính nể nhất, và quan trọng họ là những người mà thế hệ trẻ có thể học hỏi được nhiều nhất.


Họ học được kỹ thuật trau chuốt trong cách viết lời từ Rakim. Họ học được cách sáng tác đầy tung hứng từ Big Daddy Kane. Họ học được cách viết lời với đầy kiến thức từ KRS One.


Và họ - đặc biệt là những rapper theo lối rap kỹ thuật phức tạp sẽ học được các thứ kể trên từ Kool G Rap, mà trong đó có hai điều mà anh được coi là bậc thầy của những bậc thầy: (1) kỹ thuật gieo vần đa âm thượng hạng và (2) cách kể những câu chuyện mang chủ đề về xã hội đen đầy sáng tạo và chân thực.


Phần 1. Kool “Genius” Rap

Kool G Rap tôi luyện được kỹ thuật trong cách viết lời rap tới một đẳng cấp có thể nói là vượt trình rất nhiều người, kể cả với những rapper đồng lứa. Khi mà Rakim và Big Daddy Kane (người cùng nhóm Juice Crew một thời với G Rap) đã triển những kiểu gieo vần trong cùng một câu, lặp phụ âm, và vần đa âm thì cùng thời kỳ, G Rap đều làm được tất, và còn có phần nhỉnh hơn, đặc biệt với gieo vần đa âm.


Nói thế để các bạn cảm nhận về độ khó trong cách viết lời của G Rap và làm sao mà thế hệ sau như Black Thought, Biggie, Nas, Big Pun, Eminem phải nhắc tới cái tên Kool G Rap trong danh sách những đàn anh giỏi nhất mà họ ngưỡng mộ.

Trong track đầu tiên “It’s A Demo” mà G Rap ghi âm cùng DJ Polo tại phòng thu của Marley Marl vào năm 1986, mặc cho cái tên chỉ là một bản demo, G Rap đã triển đủ các kỹ thuật như sau:


“I supply the data, he’s the wheel (1) operator / We’re walking tall and we’re called the (1) terminators / I’m Kool (2) G Rap, and (3) he’s Polo / (2) He cuts (3) like a pro when I (3) go solo / He’s a record (4) spinner (4) winner, that (5) you can bet / Eats DJ’s for (4) dinner on his (5) table set / With cuts he (6) concocts and the party rocks / DJ’s want to (6) Xerox it out the box / A professional (7) performer, wheels of steel (7) trainer / One hundred percent excellent (7) entertainer / The (7) maker and (7) creator (7) of the lyrical(8) line / (9) Idea of (9) Shakespeare, (8) the mind of (8) Einstein / (7) Surrender, (7)pretender, (10) you don’t exist / As (10) a vocalist, (10) so you can kiss this / I’m Kool G Rap, (11) greatest of all times / And you can (11) see it, inside my rhymes”



Chỉ trong verse 1 của bài, G Rap đã triển một loạt kỹ thuật gồm: (i) gieo vần trong một câu bằng vần đa âm (checked); (ii) vần đa âm cùng phép ẩn dụ đa nghĩa giữa việc DJ Polo có thể xơi bọn DJ khác trên bàn tiệc bằng những vết cắt ngọt lịm với việc Polo dễ dàng ăn đứt trình độ làm beat với các đối thủ khác khiến chúng them muốn copy lại (ở số 4, 5, 6) (checked); rồi (iii) vần đa âm với phép so sánh rất đắt khi ví trình rap của chính bản thân G Rap với ý tưởng của nhà văn Shakespeare và bộ não của nhà bác học Einstein (ở số 8 và 9) (checked); và một loạt vần đa âm dài ấn tượng khác (như ở cụm số 2 & 3, số 10 và số 11) (checked).

Đây mới chỉ là bản demo, và ta mới chỉ dừng ở Verse số 1, và chưa kể tới các kỹ thuật khác như kiểu vần đa âm có láy phụ âm đầu ở verse số 3! Đúng ra là ý đồ ban đầu của Kool G Rap và DJ Polo chỉ là thu bản demo, nhưng vì phần lời nghe quá rát nên track “It’s A Demo” đã trở thành bản single sau đó. Bảo sao mà ngài Marley Marl phải mời ngay hai anh này vào nhóm Juice Crew gồm toàn những tài năng trong Hip Hop lúc bấy giờ.

Đây chính là lý do cho ý nghĩa của “Genius” của từ G trong nghệ danh của G Rap.

Theo lời của G Rap chia sẻ về vần đa âm, nó khó hơn nhiều với việc chỉ lặp 1 âm, hoặc bằng các từ đơn, hay chỉ dừng ở vần tại cuối mỗi câu. Nó là gieo vần những từ tưởng như không liên quan như “random luck” với “handsome fuck” và “vans and trucks”, nhưng khi đặt vào bối cảnh, thì phần rap vừa bắt tai mà lại mang đầy ý nghĩa.


Trong bài “Nuff Said” ở album Live And Let Die (1992), G Rap kết hợp từ dài với nhiều từ đơn lẻ được ghép vào thành vần đa âm rất lành nghề:

Here’s the motherfucking magnificent / I’ll even bag innocent motherfuckers, see suckers like they was ten a cent

Rồi anh gieo vần đa âm với một phần âm tiết trong một từ dài:

It ain’t a man in the land that can stand G Rap / Save that candy rap shit for the handicapped


Anh gieo vần đa âm theo phép ví von:

N****s will get slayed like a bunch of play pirates / Fucking with me, ya’ll would rather fuck with the AIDS virus

Ai có thể nghĩ ra cách ví von bọn hải tặc với đám virus AIDS tàn phá cơ thể như cách G Rap làm?

Anh đặt các âm vần liền nhau, vừa biến tấu cách đọc một chút, rồi kèm cả phép so sánh đầy “bệnh hoạn”:

The thicker the shit, the quicker the hit, I’m kicking a fit / Leaving n****s sicker than Liberace’s dick

Cái tên Liberace của nghệ sĩ thần đồng dương cầm người Mỹ một thời đã từng mắc căn bệnh AIDS cũng lại khớp với “AIDS virus” mà G Rap vừa nói đến ở ngay trên.

Và loạt vần dài tới 5 âm tiết:

‘Cause I’m bold and bigger, putting manholes in n****s / And holding triggers up to them gold diggers”

Kỹ thuật vần đa âm của G Rap trong bài “Poison” ở album Road To The Riches (1989) còn sử dụng phép ẩn dụ đa nghĩa vô cùng độc đáo. Verse đầu, anh ví bài rap của anh như thứ thuốc gây nhiễm độc (“infected”), như thứ phóng xạ (mà G Rap chơi chữ “radio-activated”) tới người nghe:


This is poison so be alert (1) and cautious / Those who (1) act courageous you will (1) get nauseous / (2) Infected or (2) contaminated / Turn on (3) your stereo never (3) come radio-(2)activated / Deadly (4) and fatal, poison (4) the title / My (4) recital hits the parts that (4) are vital / So tune (5) in the tone of (5) beats and poems / Polo's (6) headphonesbecomes a skull and (6) crossbones


Thứ thuốc độc trong bài rap của anh nó đánh mạnh vào những điểm yếu của cơ thể (“hits the parts that are vital”), biến nạn nhân chỉ còn lại đầu lâu xương chéo (“skull and crossbones”). Ngoài ra, cách láy phụ âm trong “tune in the tone” liền với “beats and poems” ở đoạn trên cũng được đưa vào rất khéo léo.

Rồi ở verse cuối, anh còn ví kỹ thuật rap của mình như những đường may thiết kế với đường cắt tinh xảo:


My brain is like a (1) factory (1) constantly (2) creating / Material stitch by stitch for (2) decoration / (3) Lyrics are (3) fabrics, beat is (2) the lining / My (4) passion (2) in rhyming is (4) fashion (2) designing / Now it gets ordered, 'cause people want (5) to sport it / (5) You bought it, if you didn't then you couldn't (5) afford it


Ở trên tôi bỏ qua một số vần 1 âm mà chỉ tập trung vần đa âm nhưng đã phủ kín đoạn verse được ví von đa nghĩa như vậy. Rằng bộ não của anh như một nhà máy luôn tạo ra những vật liệu để trang trí, trong đó lời rap của anh như chất liệu vải, còn phần beat như lớp lót đệm ở dưới. Sự đam mê về rap của anh như việc thiết kế thời trang vậy, rằng chỉ những ai đủ khả năng thì mới mặc được chúng, hay nói một cách khác chỉ những người có tài năng thì mới dám đọ sức với G Rap.


Kỹ thuật vần đa âm của anh còn được thử thách ở cấp độ kết hợp với chuỗi láy phụ âm, như lần anh được tay rapper Saigon mời tham gian trong bài “Letter P”:


“I got pinched, (1) placed in the pen, three (1) cases pending / I will (2) penetrate through your (2) chest plate, no (1) player-pretending / You (3) preschool poets are (3) pitiful, you playing wit' no (4) principle / Put out (3) public school, I (3) put a pencil in the (4) principal

Như Nas từng nói về sự ảnh hưởng cực lớn của Kool G Rap, cái cách mà G Rap tiếp cận và thuần thục lời rap đều hướng tới việc đưa phần lời rap đó lên cấp độ cao nhất có thể. Đó không dừng ở một loạt kỹ thuật viết lời và gieo vần kể trên, nó còn là cách flow mà anh sử dụng cho các bài.


Nếu như Rakim có lối giọng rap trầm và lạnh, Big Daddy Kane có kiểu giọng mượt, thì Kool G Rap có chất giọng “cứng như đá”. Anh rap nhanh, rap chậm, biến đổi flow và có biệt tài giữ hơi cực dài. Và như thể để mọi người càng được chiêm nghiệm sự kêu tai ở các vần đa âm anh viết, G Rap còn có lúc dùng nhịp chùm 3 để tăng tốc, chỉ cho đúng những âm vần đó, như trong bài “Ill Street Blues” trong album Live And Let Die.


I'm right in front of my front steps thinking of a plan / Looking like Raggedy Ann, no dough in hand kicking a can


Dù “Raggedy Ann” không hẳn đồng âm hết với “kicking a can”, nhưng khi G Rap bắn nhanh chùm 3 của âm “Raggedy” và “kicking a”, từ dưng bộ não bắt sóng ngay tới âm tiết được nhấn theo một cách rất khác lạ này.

Vậy nên có thể nói cái “thiên tài” / “Genius” của Kool “Genius” Rap trong kỹ thuật rap đạt tầm vô đối. Giống như bài tôi đã viết về track “The Anthem” của Sway & King Tech, kể cả bị kẹp giữa bởi một loạt anh tài cùng thời và ở các thế hệ sau, bao gồm: RZA, Tech N9ne, Eminem, Xzibit, Pharoahe Monch, Chino XL, và KRS-One, thì đoạn verse của riêng Kool G Rap, đối với tôi là gây ấn tượng mạnh nhất. Nói về vần đa âm thì riêng phần verse này, G Rap sử dụng đúng duy nhất một âm vần – mà lại còn dài 3 âm tiết trong suốt đoạn lời của anh. Âm vần này không chỉ nằm ở cuối câu, mà nó còn được chêm vào giữa, cùng nhiều biến tấu, với tổng cộng là 17 lần được gieo trong 11 câu.

Chẳng phải như vậy là cảnh giới cao nhất trong gieo vần đa âm ư?

Phần 2. Kool “Giancana” Rap


Tương tự như kỹ thuật gieo vần, Kool G Rap là rapper tiên phong trong việc viết nên những câu chuyện chân thực về thế giới xã hội đen. Nhiều người còn ghi nhận G Rap là người đầu tiên định hướng, phát triển và theo đuổi dòng mafioso rap, từ năm 1990, ở thời điểm mà thứ nhạc rap mang nội dung xã hội đen còn chưa được chuộng. Nhưng G Rap vẫn kiên trì theo đuổi, dù rằng cuối cùng phải vài năm sau, khi Raekwon phát hành album Only Built 4 Cuban Linx vào năm 1995, thì người nghe nhạc đại chúng mới bắt đầu quan tâm tới dòng nhạc này. Và có thể nói, nhờ G Rap thì không chỉ Raekwon, mà mới có những Scarface, Nas, Biggie, Jay Z theo đuổi nhánh này của Hip Hop.

Tựa như ý nghĩa thứ hai của chữ cái “G” trong nghệ danh Kool G Rap, cái tên “Giancana” lấy theo tên ông trùm một thời của mafia Mỹ - Sam Giancana phản ánh định hướng nghệ thuật trong nội dung rap này của anh. Có điều là viết những lời rap mang hơi hướng bạo lực sẽ không hẳn là nghệ thuật đỉnh cao nếu không được thể hiện qua các khung hình, những thước phim siêu thực được viết bằng ngôn từ mang tính điện ảnh của G Rap.


Như câu chuyện về những góc khuất của thành phố New York trong bài “Street Of New York” ở album Wanted: Dead Or Alive (1990), bài rap đã gây cảm hứng lớn cho Nas với bản “”N.Y. State Of Mind” sau này. Trong bài, G Rap kể:


Drug dealers drive around lookin' hard / Knowin' they’re sendin' their brothers and sisters to the graveyard / Every day is a main event, some old lady limps / The pushers and pimps eat shrimps / It gets tirin', the sound of a gun firin' / Then there's desire for the sound of a siren

G Rap dùng sự đối lập của hình ảnh ngày nào cũng có một sự việc xảy ra khi phát hiện mảnh xác người, với hình ảnh những tên trùm ma túy ngồi ăn những món đồ xa xỉ. Rồi sự đối lập giữa sự mệt mỏi của tiếng súng nổ và sự nóng lòng chờ tiếng cói cứu thương của những nạn nhân. Những phép đối lập trong cách kể chuyện này vẽ nên sự tương phản rất lớn trong các câu chuyện thực của G Rap.


Upstairs I cover my ears in tears / The man downstairs must have drank too many beers / 'Cause every day of his life he beats his wife / Till one night she decides to pull a butcher knife


Hình ảnh tượng hình của nhân vật bịt đôi tai bằng những giọt nước mắt (“cover my ears in tears”) mang đầy ý nghĩa của kẻ hàng xóm cảm thương nhưng bất lực trước người phụ nữ bị gã chồng bạo hành, cho đến ngày cô ta rút con dao trong bếp để tự cứu bản thân.


Trong bài “Train Robbery” ở album Live And Let Die (1992), G Rap viết nên một “bộ phim cướp đoàn tàu” đầy gay cấn. Câu chuyện của anh có đầy đủ từ định sẵn bối cảnh, trước khi giới thiệu từng nhân vật chính và đi vào phần hành động có đủ thoại và tình tiết gay cấn:


It's dark and it's midnight, the police in dead sight / Look through the fuckin tunnel and I see movin headlights / Fuck it I cock the baretta back and put my hood on / My shorties are game, I got the same shit they put on

Starin at this bitch for a minute / My man pulled out the mag, opened the bag and said / “Put all your fuckin money in it!" / Even the jewelry on the hands / He slapped the bitch up, and she cried / And begged him not to take her wedding band / Now everybody's in shock, and I'm walking past / The scared ass passengers with the nine millimeter cocked

I took the shit and hit the bastard hard / Ripped his pants clean off his ass and got the Visa and the MasterCard


Và sau những phân đoạn bạo lực và ghê tởm, câu chuyện chuyển hướng khi cảnh sát xuất hiện, gay cấn không kém mấy bộ phim hay chuyện tiểu thuyết:

Came back out with the iron *gun shot* / The next motherfucker to move, is dyin! / The train came to a stop, and who gets on it / To ruin the whole plot, was a motherfuckin cop



Ở bài “For Da Brothaz” trong album 4, 5, 6 (1995), G Rap kể một câu chuyện về cậu thiếu niên mới 14 tuổi dấn thân vào lối sống băng đảng để kiếm sống vì ước mơ theo nghiệp thể thao bị tan vỡ:


I knew a youngster, met him at 14, a very short scene / Fiendin' to make his dreams come true but see, money was caught mean / Started runnin' wild and livin' life type of foul that was my shorty's style / But deep down in heart he was still only a child / He was taking nice to ball, if he had height, y'all /Mighta been 'NBA Today', instead I watched his life fall”

Cái kết trái ngang sau ngã rẽ của cuộc đời cậu trong câu chuyện của G Rap kể, dù có thể không có gì mới mẻ so với bây giờ, nhưng ở thời kỳ đó, nó vẫn đi trước thời đại nhờ cách kể chuyện có cú twist khi người kết thúc cuộc đời cậu thiếu niên này chính là một kẻ còn nhỏ tuổi hơn cậu. Ý nghĩa của câu chuyện mà G Rap kể vì thế để nêu lên cái vòng lặp không lối thoát của cuộc đời những thanh thiếu niên da màu:


Started committin' murder after murder / Blasted the last n**** that tried to be so fast he flipped him like a burger / Slipped and became the victim of his own murder hunger / He got put six feet under by a small shorty that was younger

Cho đến về sau, như album Roots Of Evil (1998), Kool G Rap vẫn giữ được phong độ và thậm chí còn nâng tầm cách kể các câu chuyện cực hay của mình. Ví dụ như bài “Edge Of Sanity”, G Rap kể về một cặp đôi người da màu. Anh mở đầu mỗi phần verse bằng một câu cảm thán, ví dụ như: “I'm on the verge of commitin murder / My girl is gettin on my last nerve and i don't wanna hurt her” và kết thúc bằng cảm xúc của kẻ sắp rơi vào điên loạn: “I need rubber balls, cause i'm fallin off the edge of sanity” giúp đặt người nghe vào vị trí của nhân vật để họ hiểu được tâm trạng của kẻ đang bị dồn vào đường cùng. Chỉ vì tiền án của người con trai trong câu chuyện mà anh ta không được nơi nào nhận vào làm, và vì mưu sinh, anh lại sa vào con đường phạm tội. Để rồi sau khi ra tù, anh tìm lại người bạn gái đã phản bội anh bằng một vụ án mạng tàn bạo. G Rap ở đây mượn câu chuyện nhỏ của cặp đôi người da màu để nói chuyện lớn, tố cáo sự phân biệt với những tù nhân sau khi họ quay lại xã hội nhưng không được tạo điều kiện để hoà nhập để có một cuộc sống lương thiện. Và kết cục là ngoài cái chết, thì nhà tù gần như luôn là điểm đến cuối cùng không tránh khỏi của những phận người da màu.


Bài “A Thugs Love Story (Chapter I, II, III)” trong album này cũng là một đỉnh cao mới về kể chuyện. Như một bộ phim có đủ 3 chương hồi, G Rap kể cốt truyện vô cùng sống động mang đầy cảm xúc, mà để trích dẫn phần lời cũng không đủ thể hiện được. Nó thể hiện tài năng tuyệt đỉnh của một rapper không bị lệ thuộc vào yếu tố bạo lực để gây sốc trong các âm vần để rồi quên đi cái “hồn” và “con người” trong đó.

***

Điều đáng tiếc cho Kool G Rap là với tài năng thượng thừa như vậy, anh chưa bao giờ có được bản hit đáng chú ý để có được thành công thương mại như Rakim hay Big Daddy Kane trong Bộ Tứ Anh Tài (Big Four). Nhưng với những người trong nghề, có một thứ chắc chắn rằng những bài rap của anh đã được các đàn em theo đuổi nghiệp Hip Hop phân tích, học hỏi và ngấm từng vần, từng âm, từng ý tứ, từng lối rap hay cách kể chuyện để phát triển kỹ thuật theo cách riêng của mình.


Như lời G Rap chia sẻ, anh cảm thấy mục đích của cuộc đời anh là truyền năng lượng và kiến thức cho những rapper khác, để họ nuôi dưỡng và phát triển sự nghiệp thậm chí lớn lao và thành công hơn của chính Kool G Rap. Và có lẽ vì thế nhiệm vụ của anh là truyền cảm hứng cho một con người, mang cho họ cơ hội, dù trực tiếp hay gián tiếp, để người đó thoát khỏi kiếp nạn của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật mà thay đổi số phận và cuộc đời. Vì thế sẽ không ngoa nếu nói rằng không có Kool G Rap, thì sẽ khó có những tài năng được nảy mầm phát triển như Raekwon, Biggie, Nas, Jay Z, Eminem và một loạt những rapper thế hệ trẻ khác sau này, những người chú tâm theo đuổi sự nghiệp Hip Hop một cách nghiêm túc và mang trong mình những mong muốn đẩy giới hạn của âm nhạc lên một tầm cao mới.


Như thế chẳng phải là điều đáng kính nể ở một trong những rapper giỏi nhất mọi thời đại ư?

Hẹn gặp lại!


Kunt

193 views

Recent Posts

See All
bottom of page