top of page

Marty Friedman: Ai mà cần Megadeth cơ chứ?

Bạn có bao giờ từng nghĩ tới việc mình đang ở trên đỉnh thế giới, và thế rồi đùng một cái, có thể rời bỏ tất cả và đi tới một đất nước xa lạ sinh sống? Nghe thì như phim, nhưng thực tế là Marty Friedman, vốn là cựu lead guitar của Megadeth đã từng làm chính xác như thế. Đó hoàn toàn không phải là một quyết định bồng bột của một nghệ sĩ, mà thay vào đó, Marty Friedman đã sống khỏe ở Nhật suốt từ những năm 2000 tới giờ. Anh lập gia đình với người vợ Nhật, dẫn các chương trình TV ăn khách ở Nhật, và còn tiếp tục ra các album solo mang phong khách không lẫn vào đâu được của mình: nặng, giàu giai điệu, và sẵn sàng đẩy người nghe tới một thế giới hoàn toàn khác lạ. Với một sự nghiệp đồ sộ gồm 13 album solo chính thức đã được trình làng, 6 album cùng Megadeath ở thời kỳ đỉnh cao, và 2 album ở thời kỳ đầu với band Cacophony nơi anh đánh cặp cùng thần đồng và cũng là ông bạn thân Jason Becker; chưa kể vô số các nhạc phẩm tham gia cùng các nghệ sĩ khác, trong tương lai nhìn lại, Marty Friedman hoàn toàn có thể sánh ngang với những tượng đài âm nhạc hiện đại như Hans Zimmer. Nhưng liệu tới thời điểm hiện tại, âm nhạc của anh có dễ được chấp nhận đến thế?


Khi Megadeth vỡ trận ở cuối thập niên 80s vì cách hành xử nặng mùi Mai Thúy của các thành viên trong band, hẳn ai cũng nhớ Dave Mustaine chỉ giữ lại “ông em” Ellefson và sa thải cả tay trống Chuck Behler lẫn lead guitar của band lúc đó là Jeff Young. Trong khi vị trí trên giàn trống nhanh chóng được lấp bởi Nick Menza, vốn là technician của Behler, vị trí lead guitar đã tốn không ít công sức của Mustaine. Dave đã thử cả những tay guitar tới từ Canada, vài tay từ Texas, cùng vô sô các tay guitar trong khu vực L.A, mà nổi tiếng nhất trong số đó hẳn là Darrel Dimebag của Pantera – anh này không được nhận chỉ vì “đòi hỏi” phải vào band với điều kiện có cùng ông anh Vinnie Paul của mình. Người cuối cùng mà Dave Mustaine ngó ngàng tới là một gã chơi guitar có mái tóc uốn xù nửa cam nửa đen do sếp Mike Varney của hãng đĩa Shrapnel giới thiệu cùng cái đĩa CD có tựa là Dragon’s Kiss. Mustaine chỉ nhét cái đĩa CD vào nghe thử vì tò mò xem âm nhạc của cái tay có mái tóc kỳ quặc kia sẽ nghe như thế nào. Megadeth đã thay đổi vĩnh viễn từ ngày đó với sự tham gia của Marty Friedman.

Cùng Dave Mustaine: bản thu lead guitar đầu tiên của Marty Friedman trong R.I.P 1990


Marty Friedman đã trình làng phong cách của mình với thế giới trong một album được ghi nhận là đỉnh cao của Thrash Metal ngay từ bài đầu tiền “Holly Wars” với đoạn solo flamenco nghe cực kỳ lạ tai với những nốt nhạc chơi với theo cách của riêng anh. Liền tiếp sau đó là "Hangar 18" – ca khúc mà Marty Friedman đã solo đúng y như lời nhà sản xuất Mike Clink dặn "bài này hát về Aliens và Martians nên phải solo như kiểu mày đến từ ngoài không gian”. 2 track sau đó "Take No Prisoners", "Five Magics" như để mồi vào 3 track “đinh” liền tù tì cực hay là “Poison Was The Cure", "Lucretia", và nhất là "Tornado Of Souls".


Đến đây tất cả những người lần đầu nghe album này có lẽ đã nhận ra lead guitar mới của Megadeth “khác thường” đến thế nào. Phần solo của anh luôn có sự biến đổi nhất định mà không bị bó buộc vào 1 vòng hòa âm hay một kiểu tiết tấu, lối chơi nhanh như vũ bão nhưng không hề bó buộc vào những màn shredding nhàm chán, và nhất là những cú nhéo cũng như cách chọn những nốt lạ hoắc nằm hoàn toàn ngoài hợp âm nhưng được Marty Friedman khéo léo nhéo dây 1 hoặc 2 bậc để kéo nó thật nhanh trở về nốt thuộc hợp âm đó.


Đó cũng là cách chơi độc nhất vô nhị của Marty Friedman – anh thường xuyên không chơi ở nốt đúng trong hợp âm, mà bend/nhíu từ một nốt ngoài hợp âm để rồi mỗi khi vibrato dây thật mạnh sau đó, nốt nhạc như chỉ chực rớt ra khỏi vị trí mong manh của nó trong hợp âm.


Đó cũng không phải tuyệt chiêu duy nhất của Marty Friedman, bởi vì dường như anh có thể làm được tất cả. Từ âm hưởng flamenco (“Holy Wars” chẳng hạn) cho tới những kết hợp với nhạc cổ điển, từ việc shredding điệu nghệ (dù Marty Friedman chúa ghét bị gọi là shredder) cho tới việc ngân một nốt nhạc suốt vài khuông khi ai đó cần một câu solo bluesy – Marty trình diễn tất cả trong âm nhạc của mình.


“Poison Was The Cure” là ca khúc mà Marty thu đoạn solo đầu tiên cho cả album, “Tornado of Souls” đưa anh lên hàng siêu sao trong các tay lead guitar, còn “Lucretia” có lẽ cần phải có một giáo sư âm nhạc để giảng giải nó được phát triển như thế nào.


Và nếu như có nhiều người vẫn còn thắc mắc lý do tại sao khi các metal head kết nhạc của Megadeth đều thường quay ra chê bai Metallica, thì chính là vì phần nhạc của Megadeth nghe thú vị hơn rất nhiều. Metallica chắc chắn sẽ tạo ra một ca khúc hit chắc cú và đậm đặc để rồi người nghe ai cũng thích và trầm trồ “đây chính là Metallica”, nhưng Megadeth luôn có cách khiến cho bài hát của họ trở nên biến hóa khôn lường, mà có lẽ từ khi có Marty Friedman chơi lead guitar, Dave Mustaine mới thả sức sáng tạo và xây dựng bài phức tạp đến vậy.

Cùng Jason Becker: shred điên cuồng tung não trong Cacophony


Trước khi đến với Thrash Metal, Marty Friedman đã có thời gian chơi thứ nhạc pha trộn giữa tốc độ điên cuồng, Neo-Classical, và cả những âm hưởng phương Đông ảo diệu khôn lường. Đó là vào đầu năm 1987, khi Marty Friedman đang chuẩn bị cho album solo đầu tay của mình với hãng đĩa Shrapnel, hãng đĩa chuyên đỡ đầu và phát triển các nghệ sĩ chơi guitar ở thập niên 80s. Anh đã hoàn thành cỡ 80% phần nhạc và chuẩn bị vào phòng thu thì sếp Mike Varney gọi điện và kêu Marty nghe thử demo của một tay guitar mới 16 tuổi mang cái tên Jason Becker.


Marty miễn cưỡng gọi Jason Becker tới nhà để jam, nhưng ngạc nhiên thay, Marty lập tức kết anh bạn trẻ với tài năng vô tiền khoáng hậu này – dù rằng chính Marty Friedman phải thừa nhận âm nhạc của Jason Becker thời Cacophony hãy còn chưa định hình như âm nhạc của Jason Becker sau đó. Marty Friedman lập tức thay đổi thái độ bởi vốn là người ưa những bản nhạc hòa tấu có nhiều lớp guitar và cấu trúc phức tạp, với Becker, đây sẽ là cơ hội có một không hai để hai người có thể đưa âm nhạc của Marty Friedman lên sân khấu diễn live.


Và thế là Cacophony ra đời. Marty Friedman viết lại các tổng phổ của mình để tạo ra những chố trống cho Jason Becker phô diễn tài năng của mình, và hai người cùng ngồi chọn ra những ý tưởng hay ho của Jason Becker giữa đống demo để cùng nhau xây dựng bài hát. Tới tận bây giờ, khi Marty Friedman đã có số có má rồi, anh vẫn không bỏ cách làm việc đó và vẫn cùng xây dựng bài hát với những người mà anh cộng tác kể cả khi đó là trong album của họ như Kiko Loureiro hay Nita Strauss – những bản nhạc có sự tham gia của Marty Friedman thường không dễ dàng để nắm được cấu trúc chỉ sau 1 vài lần nghe.

Cùng Kiko Loureiro: Imminent Threat giữa thời CoviD


Thú thực thì với tôi, hai album của Cacophony là một sự xa xỉ về cách chơi guitar với rất nhiều ý tưởng độc đáo và cách chơi nhanh và cuốn với lối chơi guitar bè tốc độ và chính xác chưa từng thấy – tất cả đều bị cào bằng bởi phần hát khá là ngô nghê như một bản copy chắp vá của thứ Glam Metal thời đó. Tôi đã từng nghe Cacophony và thầm thấy may mắn cho Marty Friedman khi anh được chọn vào Megadeth – trước khi tôi được nghe các album solo của Marty Friedman sau đó.


Chính Marty Friedman cũng đã từng thừa nhận, Megadeth đã giúp anh thảnh thơi phát triển thứ âm nhạc của mình. Chứ sao, khi anh còn nghèo rớt và thu các album solo của mình sao cho miễn là bán được, Marty cũng chấp nhận luôn việc phải chơi thứ nhạc nặng và nhanh điên cuồng như cách anh làm album Dragon’s Kiss, bởi vì đó là thứ mà sếp Mike Varney yêu cầu. Megadeth đã đem lại cho Marty Friedman thứ mà ai cũng cần: tiền bạc (Rust In Peace và các album sau đó của Megadeth đều đạt platinum). Marty Friedman đã lấy ra những ý tưởng mà chắc chắn không thể làm cùng Megadeth và cho vào album solo thứ hai của mình: Scenes (1992).


Kể cũng may, vì sếp Varney sau khi “gửi gắm” được Marty Friedman cho Megadeth đã trở nên thoải mái hơn với anh rất nhiều và sẵn sàng để cho Marty làm thứ nhạc gì anh muốn. Tình cờ, Marty quen được tay keyboard lúc ấy là Brian BecVar, hai người đã cũng nhau dạo qua các ý tưởng của album Scenes và qua âm thanh của keyboard, đột nhiên Marty Friedman cảm được những bài hát của mình theo kiểu khác. Scenes hoàn toàn không phải là một album Thrash như kiểu của Dragon Kiss, và thậm chí đôi chỗ trong album này với phần synth, người nghe thậm chí còn cảm thấy khó để tưởng tượng đây là Metal.


Với sự trợ giúp đắc lực của BecVar, Mary Friedman bỗng có một người đối trọng không phải tay guitar và có lẽ cũng từ đây, âm nhạc trong các album solo của Marty Friedman bắt đầu định hình với nhiều tính “nhạc” mang theo sự đẹp đẽ và ngọt ngào hơn. Anh luôn sẵn sàng để cho phần dây, phần giao hưởng, violin, và sau này là cả những nhạc cụ truyền thống của Nhật lên tiếng và chiếm một thời lượng đáng kể của bài nếu nó giúp cho bài hát, thay vì chú trọng hoàn toàn vào cây đàn guitar. Với Scenes, lần đầu tiên Marty Friedman không có một áp lực gì và đã cho ra một album nhạc tuyệt hay với chính xác những gì anh thích phô bày. Steve Fontanon, kỹ sư âm thanh của hãng Shrapnel lúc đó đã phải thốt lên “đây là một masterpiece”.

Cùng BecVar: Tibet và Angels từ Scenes 1992


Nếu mọi người để ý cách Marty Friedman chơi, tất cả sẽ đều nhận ra cái tay phải cầm miếng gảy của Marty Friedman nhìn “dị” và không tự nhiên như những người khác. Đó là cách anh vòng bàn tay xuống tận phía dưới dây đàn và gập ngược cổ tay để cho miếng gảy của mình như được móc từ dưới lên. Theo cách lý giải của Marty Friedman, anh vốn ghét chặn bịt dây đàn, và đây là cách Marty để cho các dây đàn của mình được kêu một cách thoải mái. Trái ngược với hầu như tất cả các tay guitar chơi nhạc nặng muốn cho tiếng đàn của mình phải được chặn bịt sạch sẽ, tiếng đàn của Marty nghe nặng không cần giấu diếm và luôn có cái sự thô ráp của những dị âm và tiếng ồn – kết quả của việc “giải phóng” cho các dây đàn kể cả những dây không chơi nốt – và nhờ đó tiếng đàn luôn sẵn sàng để thay thế cho giọng hát, điều khó nhất để cho những bản nhạc instrumental trở nên thu hút người nghe so với các bài hát thông thường.


Thế rồi ở nửa sau thập niên 90s, Marty Friedman bắt đầu chú ý nghe nhạc từ nữ ca sĩ Kohmi Hirose và lập tức bị choáng ngợp bởi những hợp âm “đắt” mà nhạc J-Pop thường sử dụng – cách Marty Friedman gọi những hợp âm có thêm những chữ cái và số, như những hợp âm nhạc Jazz chẳng hạn. Anh thậm chí chạy tới nhờ Rick Beato dạy xem nhạc của Kohmi Hirose chơi hòa âm kiểu gì. Dĩ nhiên là Marty biết chơi những hòa âm đó, nhưng anh thấy mình không thể tạo ra những thứ lớp lang như vậy nếu không hiểu được logic và lý thuyết ở phía sau. Nhờ Rick Beato, Marty Friedman như được mở ra một chân trời hoàn toàn mới về hòa âm và cách chuyển đổi chord mà anh chưa từng nghĩ tới.


Thế là Marty bắt đầu một khóa học tiếng Nhật ở trường Đại học Oklahoma. Trong những lần đi lưu diễn ở Nhật, dù là cùng Megadeth hay với ban nhạc solo của mình, Marty luôn cố gắng tự nói tiếng Nhật khi được phỏng vấn, bất chấp việc band lúc nào cũng có thông dịch viên và bất chấp luôn việc người nghe có thể thấy mắc cười trước ngôn ngữ ngô nghê của anh. Và dĩ nhiên, Marty Friedman cũng bất chấp luôn việc có vài người trong Megadeth không thích anh tự nhiên chuyển qua yêu nhạc J-Pop.


Và khi cánh cửa Megadeth sập lại với Marty Friedman, anh quyết định chuyển sang Nhật sinh sống. Tại đây, Marty Friedman phát hiện ra rằng, hóa ra văn hóa của nước Nhật và J-Pop lại chính là nơi tổng hòa những gì tinh túy nhất mà một kẻ chơi Rock như anh hằng mong mỏi: âm nhạc đầy hứng khởi, chord progression phức tạp, và nhạc nào thì cũng luôn có chỗ cho guitar solo. Nôm na theo cách của người Nhật thì đi người ta đi hát karaoke thì phải có chỗ cho người ta nghỉ, ấy thế nên bài nào cũng phải nhét một đoạn solo dù hay dù dở. Phận làm anh chơi guitar, nếu giỏi, hẳn là đắt khách, còn nếu dở, thì hẳn cũng không đến nỗi thất nghiệp ở xứ này. Khái niệm “J-Pop” theo định nghĩa của Friedman, thì không có nghĩa là nhạc Pop mà đơn giản là hầm bà làng của những thứ nhạc ở đây. Thế mới có chuyện những band nhạc ủm củ tỏi hát lào khào như Maximum The Hormone cũng được coi là J-Pop.


Ấy là còn chưa kể tới những nét truyền thống trong âm nhạc cổ truyền của Nhật bằng cách này hay cách kia vẫn luôn len lỏi được qua chiều dài lịch sử và vẫn luôn hiển hiện trong âm nhạc J-Pop. Người nhật còn có hẳn những hợp âm riêng của họ như Japanese pentatonic chẳng hạn. Ấy là chưa kể tới việc nhạc cụ hiện đại vẫn kết hợp chơi cùng với các nhạc cụ truyền thống, nơi mà số lượng nốt nhạc và hợp âm sẽ phải bị giảm bớt đáng kể để có thể chơi cùng với đồ truyền thống như cây đàn Koto chẳng hạn. Chính Marty Friedman đã từng được đề nghị làm một chương trình quảng cáo cho ngân hàng SMBC của Nhật và anh phải chơi "Canon in D" của Pachelbel với cây Koto nọ.

Cùng Steve Vai trong "Viper" - Loud Speaker 2006


Định cư ở Nhật, sau một album có phần nhạt nhòa là Music For Speeding (2003), Marty Friedman dường như đã tìm ra được một con đường mới cho sự nghiệp solo của mình với Loud Speaker (2006). Thành quả của việc thấm nhuần văn hóa nước Nhật, nói tiếng Nhật (Marty Friedman thậm chí tự đi thương thảo hợp đồng ghi đĩa cho mình bằng tiếng Nhật với hãng nội địa Avex), văn hóa nước Nhật đã thấm đẫm trong album Loud Speaker này, tới mức có vài chỗ người nghe bỗng chốc quên mất nguồn gốc Thrash Metal của anh, dù rằng trong album này có hai sự góp mặt cỡ bự của John Petrucci (track “Black Orchid”) và Steve Vai (track “Viper”).


Nếu như tới đây, tất cả các fan của Marty Friedman (và Megadeth) như tôi đều cảm thấy hài lòng với sự khởi đầu mới cho âm nhạc của Marty, và hoàn toàn thấy ok nếu như suốt quãng đời còn lại anh trở thành ông Marty Japan và chơi thứ nhạc như vầy, thì hóa ra Marty Friedman còn có thêm những kế hoạch khác!

Từ sau Loud Speaker, Marty Friedman bỗng trở nên năng suất lạ thường và dường như đã trở thành 2 tính cách tồn tại song song. Những ý tưởng âm nhạc hãy còn xen lẫn giữa nhạc Nhật và nhạc Metal kiểu phương Tây nay bỗng tách thành hai dòng chảy hoàn chỉnh: những album Metal hòa tấu nặng nhưng đầy giai điệu đúng kiểu của Marty Friedman (nhưng là phiên bản sống ở Nhật), và những album nhạc Nhật mà Marty Friedman chơi lại cũng như tự sáng tác.


Đó là những album solo như Bad D.N.A (2010), Inferno (2014), và Wall of Sound (2017) theo dòng chảy của Marty Friedman truyền thống; cùng với xen kẽ là những album chơi lại nhạc J-Pop theo phong cách metal (bộ ba Tokyo Jukebox 1-2-3) hay những album chơi nhạc Nhật trong band Metal Clone cùng vô số các nhạc phim và các dự án tham gia cùng các nghệ sĩ J-Pop khác.


Inferno là album điển hình của Marty Friedman “sống khỏe trên nước Nhật”, với cách làm một album tổng thể có một câu lick đầy khắc khoải chủ đề xuyên suốt cho cả album, được làm đầy lên bởi sự tham gia của những người cộng tác lừng danh khác như Greg Bissonette trên giàn trống, Alexi Laiho chơi guitar, hay Jørgen Munkeby chơi saxophone. Một album cực kỳ phức tạp được kết lại với track “Horrors” soạn cùng với người bạn chí cốt Jason Becker với đoạn polyrhythm và đổi tempo cực hào hứng ở cuối. Inferno, với tất cả sự phức tạp nhưng đầy hào hứng của nó, có lẽ chất lượng hơn tất cả các album của Megadeth từ khi không còn Marty Friedman và cho tới khi tìm được Kiko Loureiro ở vị trí lead guitar.

"Hyper Doom" - đây mới là nơi gìn giữ thứ thrash metal hảo hạng nhất


Cũng phải thôi, vì Marty Friedman đâu có biến mất. Anh vẫn còn tất cả những mối quan hệ với những người chơi nhạc và cộng tác ngày trước. Anh chỉ đơn giản là đã trở nên mạnh mẽ và rộng mở hơn rất nhiều trong ý đồ âm nhạc của mình sau thời gian sống ở Nhật.


Và với “tính cách” còn lại của mình, bộ ba album Tokyo Jukebox (2009, 2011, 2021) là sự đại diện hoàn hảo cho cái sự ngông phá cách nhưng đầy cầu thị của Marty Friedman. Anh muốn người nghe biết tới nhạc Nhật nhiều hơn, trong khi tìm mọi cách “Friedman” hóa J-Pop. Dễ nhận ra, bài nào nhanh thì anh vặn chậm lại (như bản “Romance No Kamisama” của Kohmi Hirose), còn bài nào chậm thì anh vặn nó nhanh lên (Marty cũng bình sinh là fan của Punk và Hardcore). Không chỉ thế, việc góp nhặt các bản nhạc trong 3 album Tokyo Jukebox còn đem tới thông điệp mà Marty Friedman muốn gửi gắm: nhạc J-Pop có thừa sự thú vị chứ không phải chỉ đơn giản đó là nhạc Pop. Đó là độ nặng và tốc độ điên cuồng của “Tsume Tsume Tsume” – bản nhạc hiếm hoi mà Marty Friedman chơi gần như bản gốc của Maximum the Hormone vì nó quá hoàn chỉnh – với phần trống được chơi bởi một cô gái; đó là “Polyrhythm” của nhóm girl band Perfume – bài hát của các idol nhí nhảnh nhưng lại có phần nhịp lẻ cực chất ở giữa.

Cover lại Kohmi Hirose, một trong những người đưa anh tới nước Nhật


Cho dù đó là nhạc tự biên hay nhạc cover, Marty Friedman chưa bao giờ thiếu đi sự thú vị và biến chuyển trong nhạc của mình. Chỉ có điều, người nghe sẽ phải tự đào sâu và phát hiện ra trong các bản nhạc của anh – một điều có lẽ tốt với những người đã thích nhưng có thể là rào cản với những người muốn tìm tới nhạc của anh.


***

Album Risk (1999) của Megadeth cũng là album cuối cùng có sự tham gia của Marty Friedman và cũng là album cuối cùng trong thập niên 90s của Megadeth với đội hình kinh điển của họ. “Breadline” là bản nhạc đã đẩy Marty Friedman khỏi Megadeth. Đó là bài hát mà khi Marty đã thu xong đoạn solo của anh, đám quản lý của Megadeth không thích kiểu chơi “vui vẻ” đó và đòi Dave Mustaine tự solo bởi bài này dự tính sẽ trở thành single mà Dave thì vốn biết cách làm sao để cho nó nghe ăn khách. Dave miễn cưỡng thu đoạn solo và yêu cầu đám quản lý: hoặc các ông thông báo cho Marty Friedman – hoặc tự đi mà yêu cầu Marty thu lại đoạn solo.  

Tài sản quý giá của tôi - một chiếc pick mà Marty Friedman ném xuống từ sân khấu

Và đến khi cả đám cùng nhau nghe bản thu hoàn chỉnh trước khi in, phần solo của Dave Mustaine đã vang lên. Marty Friedman ứa nước mắt ngay lúc đó, và Dave chột dạ hiểu là không ai báo trước vụ đổi nhạc cho anh lead guitar dễ mến. Với Friedman, nếu họ không cần phần lead của anh thì anh cũng không cần có mặt ở Megadeth nữa làm gì.


Thế là Marty Friedman đi mua vé bay sang Nhật.


Hẹn gặp lại!


Kcid

608 views

Recent Posts

See All
bottom of page