top of page

Redman và hai cạ làm nhạc

Truyền thuyết kể rằng vào năm 1990, trong một show diễn của bộ đôi EPMD tại New York, Erick Sermon mới mời một rapper có nghệ danh là Redman lên làm một màn freestyle. Đây không phải lần đầu Redman xuất hiện cùng EPMD. Ngoài việc được Red được tạo cơ hội làm phụ tá cho nhóm từ việc lo toan hậu cần đến vác túi đồ nghề, anh này còn được đảm nhận vị trí DJ trên sân khấu trong tour diễn của EPMD và đôi lúc được dịp thể hiện sở trường freestyle của mình. Nhưng lần này thì khác. Redman freestyle hẳn một bài khoe về bản thân sử dụng từng chữ trong bảng chữ cái ABC.


Tôi không thể tìm được bản thu âm hay lời rap của màn trình diễn này, nhưng chỉ biết là vì quá đỗi ấn tượng trước tài năng của Redman, Erick Sermon đã đưa anh vào ngành công nghiệp âm nhạc, biến anh thành một rapper chuyên nghiệp khi được góp giọng trong hai bài “Hardcore” và “Brothers On My Jock” với EPMD trong album Business As Usual và sau đó Sermon còn giúp chung tay đồng sản xuất album đầu tay của Redman mang tên Whut? Thee Album (1992), tuyệt phẩm ghi dấu tài năng của một huyền thoại với trình độ rap và sản xuất nhạc bậc thầy.


Nhạc cùng Erick Sermon


Bên cạnh việc buôn bán mai thuý kiếm thêm ở tuổi thanh thiếu niên, Reggie "Redman" Noble còn làm nghề DJ tại các vũ trường và các buổi tiệc từ trước khi gặp được Erick Sermon. Thế rồi tua nhanh đến lúc được trao cơ hội rap chung trong album của EPMD, Redman mới tạo nên tên tuổi trong giới underground, và đến tai Q-Tip, người đã thuyết phục hãng Def Jam ký hợp đồng thu âm với Red, làm bàn đạp cho anh được bắt tay vào một sản phẩm đầu tay chuyên nghiệp để giới thiệu ra thế giới.

Album Whut? Thee Album ghi danh chủ yếu hai người, Erick Sermon cùng Redman trong vai trò sản xuất beat. Đã từng làm DJ và biết chút ít thao tác mix nhạc, nhưng bàn thu âm trong phòng studio quá đỗi hoành tráng và phức tạp, nên Red phải tốn công sức rất nhiều để tìm tòi, vừa sáng tác lời, vừa chế nhạc, một mình. Một mình cũng là vì dù Sermon đóng vai trò như thầy hướng dẫn, Red cũng chỉ học được vài chiêu thu âm chính từ Sermon lúc đầu, còn đâu anh phải tự bơi và chỉ được Sermon nâng đỡ những lúc thật sự cần thiết. Ấy thế mà những track do Red sản xuất chính vẫn nghe mượt như một producer dày dạn lâu năm.


Rất khó để biết được cụ thể từng bài trong album Whut có bao nhiêu phần là chất xám của Erick và bao nhiêu của Red, nhưng về tổng thể không hề có sự “vấp” nào trong beat của các bài. Album Whut đánh dấu một bước đi lạ của Hip Hop Bờ Đông ngày ấy khi sample nhạc P-Funk của bố già George ClintonParliaments và còn được phát hành vài tháng trước cả The Chronic của Dr. Dre. Khác nhạc Bờ Đông là vậy, beat của Whut cũng không hề bị giống G-Funk của Bờ Tây.


Cách mix nhạc có phần tăm tối, mang màu sắc hơi “điên loạn” đúng theo concept của kẻ điên Redman ở đĩa nhạc này. Không thể nhận ra đoạn nhạc của “Atomic Dog” của George Clinton qua âm sắc ghê rợn ở bài “Watch Yo Nuggets”. Chỉ lờ mờ nghe ra “P. Funk (Wants To Get Funked Up)” của Parliaments trong bài “Da Funk” do phần lớn track được làm u ám đối ngược hẳn. Đến một bài gọi là nhẹ nhàng hơn như “Tonight’s Da Night” thì cũng phải lấy câu piano lick ma quái trong bài “A Few More Kisses To Go” của Isaac Hayes làm chủ đạo.


Chính Redman cũng học theo Erick Sermon khi dùng những khúc nhạc Funk, chế theo cách riêng và thêm vào khúc chuyển nhạc giữa bài. Đây là chiêu thức để khuấy động, và cũng tạo ra một phong cách táo bạo nhằm thể hiện nhân vật “điên” đa nhân cách trong câu chuyện, tiêu biểu như “I’m A Bad” với đoạn nhạc giữa nghe rất lạc quẻ khi Redman nhét một đoạn nhạc điện tử của Kraftwerk phá ngang bầu không khí.


Dù vai trò tham gia sản xuất của Erick Sermon cùng Redman trong album Whut không thể rạch ròi để đánh giá nhưng sự ảnh hưởng của Erick trong cách làm beat, đặc biệt lối pha trộn các đoạn nhạc đá nhau về âm giai để tạo sức căng mà Erick làm trong các nhạc phẩm của EPMD có thể nghe rõ trong mấy đĩa đầu của Redman, bao gồm cả album thứ hai Dare Iz A Darkside (1994), khi mà vai trò sản xuất chính đã được nhường hết cho Red. Nhờ thế khi Erick quay lại tiếp tục tham gia sâu hơn trong các album sau của Redman trong vai trò sản xuất, nhưng lần này đa phần có sự phân định giữa bài do mình Erick đảm nhận và bài do mình Red đảm nhận, thì ta lại thấy một sự chuyển đổi mượt mà từ track này sang track khác dù beat do hai producer khác nhau đảm nhiệm.


Như trong tuyệt phẩm khác của Redman, album Muddy Waters (1996), không thể nhận ra đâu là beat do Erick làm hay đâu là do Red làm, nhờ tính đồng nhất về tempo bài, nhịp điệu của câu bass và âm thanh các nhạc cụ sample khác đều mang cùng một màu nhạc “ấm” hơn hai album trước. Sự biến tấu đi có lẽ chỉ ở nửa cuối đĩa khi Erick chọn kiểu beat có màu soulful hơn trong những track rất hay như “Da Bump” hay “Yesh Yesh Y’all”. Album Doc’s Da Name 2000 (1998) rất hay khác của Redman cũng là ví dụ tương tự cho thấy sự ăn ý hiểu nhau của hai nghệ sĩ trong vai trò producer khi họ vừa có những bài cùng tung hứng lẫn nhau, vừa có những bài tự biên, lần này theo màu sắc nhạc sáng hơn, nhưng vẫn không hề lệch pha. Chưa kể tới Red có phần nhỉnh hơn “thày” của mình lần này khi sản xuất được bản beat hay vô đối với câu đàn đặc trưng trong đoạn hook của bài “Da Goodness” mà anh rap chung với Busta Rhymes.


Kể cả sau thời kỳ này, Redman giảm bớt việc làm beat hơn, và nhờ tới chất xám của Erick nhiều hơn, như ở album Blackout! rap đôi với Method Man chẳng hạn, thì track “The ?” mà Red một mình sản xuất nghe vẫn đầy cái sự ngầu như ở các track khác có bàn tay giúp đỡ của Erick.


Rap cùng Method Man


Trong màn freestyle năm 2015 ở chương trình BET Hip Hop Awards Cypher, Redman cùng với hai đồng đội của anh trong nhóm Def Squad bao gồm Keith Murray và chính mentor của Red là Erick Sermon đã có dịp chứng tỏ những lời rap đẳng cấp thực thụ của một kẻ từng chinh chiến từ khi chỉ là một nghệ sĩ underground. Phần rap của Erick và Keith đều hay, nhưng đoạn verse của Red nằm giữa thực sự quá chất. Nó vượt trội hơn hẳn nhờ lối flow cực hay và phần lời thâm thuý dí dỏm.


Ngay sau câu kết chất lừ của Erick “Your careers 2Pac spelled backwards, Caput, Homey”, Redman tỉnh queo tiếp nối bằng một tràng phê lỗ nhĩ. Lối gieo vần đa âm kỹ thuật qua những từ đơn từ phức xen lẫn như “stab at it”, “asthmatic”, “back at it”, “Craftmatic”, “ask Jared”. Cách chơi chữ rất hay trong “I tell my bitch, be easy like you straight outta Compton” khi chữ “easy” cũng đồng âm với nghệ danh của Eazy-E, trưởng nhóm N.W.A. đến từ chính Compton. Và dĩ nhiên không thể thiếu lối rap dí dỏm mà anh học hỏi từ đàn anh Biz Markie mà Red từng một thời rong ruổi cùng khi đi khắp New York “I get brain when I text, I'm typing LOL / Chick on her knees like SMH, get it” (SMH khi viết đầy đủ thành “shake my head” thì lại hiểu thành “thổi kèn”, một nghĩa khác chúng ta thường liên tưởng khi viết SMH, bởi tư thế của cô gái lúc này lại đang quỳ gối, đúng hệt như nghĩa bóng “I get brain” mà Red vừa rap trong câu trước đó).


Đoạn freestyle ở buổi Cypher năm 2015 đó của Redman gây bão trong cộng đồng Hip Hop khi họ không ngờ một ngày được nghe trình độ đỉnh cao của một rapper huyền thoại nhưng ít được giới mainstream để ý. Ở tuổi 45 ngày đó, Redman chứng minh cho đàn em thấy những người như anh vẫn là bậc thày khi động tay tới chiếc micro, và anh đã từng toả sáng chói nhất trong bất kỳ track nào mà anh rap chung với người khác. Bảo sao mà Eminem không thể hết lời ca ngợi và xếp ngay “Reggie” ở vị trí đầu trong các rapper giỏi nhất khi anh rap trong bài “Till I Collapse”.


Với kỹ thuật gieo vần siêu hạng, chơi chữ đẳng cấp, những câu punchline dí dỏm nhưng thâm đấm chết người, Redman đã cho thế giới thấy tài năng của anh ngay từ những ngày đầu, đặc biệt với riêng 3 đĩa đầu tay giờ được xếp vào hàng các nhạc phẩm kinh điển. Trong ba đĩa này, Red không mấy khi cần mời các rapper khác vào rap chung trừ “người thày âm nhạc” Erick Sermon và mấy anh em trong nhóm Def Squad.

Nhưng ở album thứ ba Muddy Waters, track mang tên “Do What Ya Feel” xuất hiện Method Man. Mỗi người đảm nhiệm hai phần verse, sắp xếp đảo nhau, nhưng ngang tài ngang sức về kỹ thuật. Nếu như Method Man được ví như “gã dẻo mỏ” với kỹ thuật flow mượt nhất trong nhóm Wu-Tang Clan, thì nay xếp chung cùng Redman, một rapper cũng có lối flow lôi cuốn không kém tẹo nào. Cái hay trong phong cách của hai anh này là tông giọng của Method Man ấm và bình tĩnh hơn đối lập với giọng cao và lên xuống nhấn nhá của Redman, giúp cho người nghe dễ phân biệt. Nhưng sự tương đồng của họ nằm ở lối gieo vần dày và cách họ phát âm một số từ hơi kéo dài ra hoặc trẹo đi để bài rap cuốn hơn, giống như Red trong phần verse 2 và Meth trong phần verse 4.


Đây không phải là lần đầu họ biết nhau hay rap chung. Red biết Meth từ trước khi anh ký với Def Jam. Rồi anh cùng Meth còn ghi âm chung single “How High” và rap chung với Tupac trong bài “Got My Mind Made Up” ở album All Eyez On Me.


Sự ăn ý giữa Red và Meth đã nổi bật từ ngày đầu hợp tác. Cả hai tung hứng nhau trong bài “How High” khéo tới độ, không chỉ rap đan xen trong đoạn hook, mà còn bổ trợ nhau giữa những phần verse. Khi Method Man nhắc tới bầu trời thì Redman rap về những hành tinh, rồi khi Meth nói chuyện triệt hạ đối phương thì Red cũng nối tiếp chủ đề. Nội dung của cả hai dù bạo lực nhưng lại tiết chế đủ để phần ý nghĩa của lời rap lột tả khi suy ngẫm. Do vậy, chuyện ghi âm chung hẳn cả album là chuyện không thể không làm. Blackout! (1999) cho thấy thời lượng nhạc hơn tiếng đồng hồ cũng không hề có khoảnh khắc nào lạc điệu giữa hai người.


Ở bài “Blackout”, khi verse 1 Red có nhắc tới bộ phim One Eight Seven để nói chuyện bạo lực học đường thì verse 2 Meth cũng đề cập phim I Know What You Did Last Summer để nói chuyện tương tự. Tới verse 3 với cả hai anh rap chung, chủ đề “bài học cuộc đời” cũng lại được dùng làm trọng tâm để Red và Meth viết lời. Sự tương phản nhưng đồng điệu khéo léo tới mức sau khi Red nói “I scored 1.1 on my SAT / And still push a whip with a right and left AC” thì Meth đối câu bằng “I spit a .41 revolver on New Year's Eve / With the mic in my hand, I mutilate MCs”.


Hay trong “Cereal Killer”, Red và Meth kể hai câu chuyện đầy tượng hình của hai kẻ sát nhân hàng loạt. Chúng hấp dẫn ở chỗ câu chuyện của Meth về kẻ cạy khoá mò vào trong nhà trong đêm tối để thực hiện hành vi thì chuyện của Red lại trắng trợn đến độ tên sát nhân đạp thẳng cửa ngay buổi tiệc và nã súng vào những người trong nhà.


Và không thể không nói tới bản “Da Rockwilder” chỉ dài hơn 2 phút nhưng được Method Man và Redman rít một hơi dài đầy chữ nghĩa. Meth mở màn với những từ ngữ liên hệ tới phong cách kungfu của Wu-Tang Clan và bài “Protect Ya Neck” nổi tiếng của nhóm: “Microphone checka, swingin' sword lecture / Closin' down the sector, supreme neck protector / Better warn 'em kid, Mr. Meth's a boiling pot / ‘Bout to blow his lid from the pressure, too hot for TV”. Với phép ẩn dụ về độ nóng của lời rap của mình, Meth như chiếc nồi hơi sắp tung bật nắp, nhằm ẩn ý việc anh sẽ nói toạc móng heo hết những suy nghĩ không cần che đậy của mình.


Still homes, I'm never satisfied like the Stones / We don't condone bitin', see them skull and crossbones / Protecting what I'm writing / Don't clash with the Titan who blast with a license / To kill rap recitings” - Meth tự thấy mình không vừa lòng như mấy ông trong Rolling Stones (và ca khúc nổi tiếng “(I Can’t Get No) Satisfaction”) trước bọn chỉ đi nhái lại lời và phong cách rap của anh (“don’t condone bitin’”), người giờ đã là một vị thần (“Titan”) trong lịch sử Hip Hop. Vần trong vần, từ 1 âm cho tới cả 6 âm, đoạn verse trên của Meth không quên kết thúc đầy uy lực của bom tấn “Again, same song armed with the mega bomb / Blow you out the frame and then I'm gone”, tạo cảm hứng cho Redman rít một hơi dài tiếp theo.


Yo, I was gone too but we roam, cellular phones / Doc, Meth back in the flesh, blood and bones” - theo ý của vị thần mà Meth đã nhắc ở trên, Red nối tiếp bằng hình ảnh những Titan như anh và Meth dù đi du hành thế gian thì họ vẫn nắm bắt thế giới từ mọi nơi. Vần trong vần, Red rap một đoạn dài phức tạp với các âm vần cuốn với nhau “Don't condone, spend bank loans on homegrown / Suckers break like Turbo and Ozone / When I grab the broom / Moon-walk platoon hawk, my goons bark / Leave you in a blue lagoon lost (True) / Three nines in the glove with Masu, D-Don and The Gov'”. Nhưng đỉnh cao là khi anh dùng những hình ảnh đa nghĩa khi rap “You ship off keys and we ship Grand Pianos”, một mặt nói về trình buôn hàng cấm của bọn kia chỉ ở tầm kilo (“keys”) còn anh và Meth là cả công (với hình ảnh những cây đàn đại dương cầm, so với chỉ những “phím đàn” / “keys” mà bọn kia chở); và mặt khác anh ví bọn khác chỉ rap “lệch tông” / “off keys” so với trình độ toàn diện của anh và Meth. Phép so sánh này lại càng khớp với ý Meth nói tới chuyện đám “đi nhái” / “bitin’” lại phong cách của hai anh ở verse đầu tiên.


Do vậy cũng không ngạc nhiên khi Redman đối ẩm lại với chính Method Man khi kết phần verse đầy uy lực vũ trang: “Sawed off shotgun, hand on the pump / Sippin' on a forty, yo, smokin' on a blunt / Bust my gun, y'all, Red and Meth didn't jump”.

***

Redman giỏi là vậy nhưng xét về độ ghi nhận của số đông, anh có khi không nổi tiếng như hai cạ làm nhạc của mình - Erick Sermon và Method Man. Có nhiều lý do có thể dùng để giải thích vì sao Redman ít được nhắc tới trong danh sách những rapper vĩ đại nhất. Đó có thể là vì anh chưa bao giờ có một bản hit trên mainstream. Đó có thể là anh chưa có một bài rap đi quá sâu vào cảm xúc cá nhân. Hay có thể anh chưa được ở trong một nhóm Hip Hop làm nên điều vĩ đại như EPMD và Wu-Tang Clan.


Có điều nếu đánh giá trên tổng thể gồm các khía cạnh kỹ thuật viết lời, gieo vần, flow hay và chất lượng nhạc đồng đều thì tôi thấy Redman hơn nhiều người lắm. Và nếu xét về độ chiến thì Red có thể át sóng nhiều rapper trong cùng một bài, có kỹ năng freestyle thần sầu; và tài năng sản xuất nhạc hơn người. Như thế là quá toàn diện cho một nghệ sĩ Hip Hop thực thụ rồi.


Hẹn gặp lại!


Kunt

112 views

Recent Posts

See All
bottom of page