Khi Scarface cùng Geto Boys diễn lần đầu tiên ở New York, những bài rap của nhóm nói về chuyện đường phố, về buôn bán mai thuý, về việc kiếm tiền bằng những nghề trái phép không được đón nhận một cách tích cực. Đám khán giả la ó trước một chủ đề lần đầu họ được nghe qua lời rap của một nhóm đến từ phía Nam nước Mỹ. Chuyện đường phố thì không lạ lẫm với người New York nhưng ngày đó Hip Hop bờ Đông chưa quen với những câu chuyện bị vạch trần như vậy. Mà không chỉ bờ Đông, dường như Geto Boys chính là nhóm nghệ sĩ đầu tiên đưa chủ đề nhạy cảm này tới người yêu nhạc Hip Hop ở khắp nước Mỹ.
Đó là lý do mà Chris Rock, một fan cứng của nhạc Hip Hop từng phải tuyên bố Scarface là một trong những rapper vĩ đại nhất mọi thời đại. Bởi vì nhạc của Scarface đã mở đường hướng cho những gì mà cả Tupac và Notorious B.I.G sau này làm. Trên cả điều đó, Rock còn nhận định nếu không có Scarface thì Jay-Z sẽ không tồn tại. Bởi vì những gì Jay rap đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính Face khi album đầu của tay rapper này tựa như nhạc của Face nhưng được phủ thêm một lớp sáng bóng.
Đúng vậy, Scarface được coi là một huyền thoại Hip Hop. Nhưng khoan hãy nói đến tài năng đó của anh cho tới phần sau.
Face thực ra ban đầu đem lòng yêu dòng nhạc Rock từ những ngày còn bé. Anh nghe KISS, Jimi Hendrix, Black Sabbath, ZZ Top, và nhiều nữa. Những người chú bác trong gia đình của anh là những thành viên chơi guitar và bass trong các ban nhạc. Nhờ đó, Face đã học được cả chơi đàn guitar từ trước khi anh tập rap. Có điều những ông chú của anh đều là những kẻ nghiện nặng. Bên cạnh việc học nhạc từ họ, Face học cả bộ môn hút hít từ những người này. Tuổi lên 8, anh đã biết thế nào là phê thuốc. Một ông chú sẽ nhét thuốc vào mồm Face, trong khi một ông khác ấn mạnh ngực, khiến anh có những lúc phê đến mức bất tỉnh, thứ mà họ gọi là “Indian Charge”.
Thế nhưng cũng từ những người này, Face đã trang bị trong mình các kiến thức nhạc giúp ích cho anh theo đuổi Hip Hop sau này. Học chơi guitar từ một ông chú đánh bass, tiếng đàn của Face vì thế nghe như những câu slapping và vuốt dây lên xuống dọc cần đàn. Và cũng vì thuận tay trái, anh có cách chơi khác người khi dùng cây đàn cho người chơi tay phải và xoay ngược đàn xuống để thuận với tay anh. Chính thế nên thế tay bấm các hợp âm của Face luôn khác với những người chơi khác.
Có lẽ bởi vậy, anh có những cảm nhận riêng của mình về hip hop, từ nhạc cho đến lời. Về nhạc, việc học đánh đàn guitar, đặc biệt từ người chú chơi bass, độ nhạy của anh với nhịp điệu giúp ích cho anh rất nhiều trong việc sản xuất beat sau này. Về lời, Face có cách sáng tạo của riêng mình để khai phá những ý tưởng mới. Giống như việc chơi đàn guitar xoay ngược cùng các thế bấm đảo lộn với những người chơi đàn truyền thống, cùng một chủ đề hay nội dung, cách tiếp cận câu chuyện của Face luôn đầy tính sáng tạo và mới mẻ.
Nghệ danh “Scarface” (tên thật là Bradley Jordan) mà anh dùng được lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng do diễn viên Al Paccino thủ vai. Nên cũng không phải là điều ngạc nhiên khi Face và nhóm Geto Boys lại rap về những mảnh đời diễn ra trên các góc khuất của khu phố, tương tự như nhiều rapper khác, dù là nơi anh lớn lên tại phía Nam nước Mỹ, cụ thể là Houston, Texas. Cùng với Geto Boys, vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, Scarface sớm trở thành một gương mặt đại diện tiêu biểu tiên phong cho Hip Hop tới từ miền Nam, trước khi những cái tên như OutKast hay Goodie Mob tiếp bước.
Có điều để trở thành gương mặt đại diện ưu tú đó, lời rap của Face thực tế mang tới nhiều lớp lang ẩn sâu đằng sau nghệ danh mang tính xã hội đen và bạo lực kia. Điều mà Face được nể trọng chính là ngoài những câu chuyện bạo lực diễn ra trước mắt, thời đó anh đã đi xa thêm một bước nữa, đó là xoáy sâu vào suy nghĩ, tâm tưởng của nhân vật trong bài (và nhiều khi là của chính Face) để người nghe có được cái nhìn rộng và đầy đủ hơn.
Bước đi đó thể hiện rõ ở bài “Mind Of A Lunatic” trong album Grip It! On That Other Level (1989) cùng với Geto Boys. Các đoạn verse của từng thành viên (kể cả Scarface) đều nặng hình ảnh máu me, bạo lực của một kẻ điên loạn, biến track này thành một trong những bài gây tranh cãi nhất thời đó. Không giống như tiêu đề của bài, phần lời chủ ý tả về hành động thay vì suy nghĩ bên trong của nhân vật. Dường như nhận ra chỗ hổng này, ở bản ghi âm lại trong đĩa The Geto Boys (1990), Face đã sửa phần lời của verse 3 của anh như sau:
“I sit alone in my four-cornered room staring at candles / Dreaming of the people I've dismantled / I close my eyes and in a circle / Appears the images of sons of bitches that I murdered / Flashbacks of bodies being fucked up / Once I attack, I'm like a pit on a rage that's going for guts”
Đến lúc này, người nghe mới được đặt vào một góc nhìn khác, qua chính ánh mắt của “kẻ điên” nhân vật trong bài. Đôi mắt nhìn trân trân vào ngọn nến, hình ảnh những nạn nhân đã ngã xuống dưới tay của hắn bỗng ùa về tâm trí. Đó liệu là sự hối hận hay vô cảm hay không không quan trọng, nhưng một góc nhìn từ sâu thẳm bên trong, những hồi tưởng về quá khứ tội lỗi cũng ít ra cho chúng ta nhận thấy kẻ sát nhân máu lạnh cũng có những khoảnh khắc ám ảnh bởi chính hành động của mình. Nhờ phần lời này mà câu chuyện của Scarface không những trở nên sống động hơn những đoạn verse của các thành viên còn lại trong Geto Boys, mà nó còn giúp bài rap bám sát chủ đề hơn, đồng thời hãm bớt mức độ bạo lực tràn ngập trong “Mind Of A Lunatic”.
Cứ như vậy, Scarface lại tạo ấn tượng mạnh mẽ với giới Hip Hop khi rap những phần lời kinh điển trong bài “Mind Playing Tricks On Me” ở album We Can’t Be Stopped (1991) với Geto Boys. Bài rap này ban đầu được Face tự viết riêng từ khi anh mới 19 tuổi. Với những suy nghĩ tiêu cực đến từ căn bênh trầm cảm, đã có lúc anh phải nhập viện để điều trị. Vì thế chủ đề của nó quá mới mẻ với nhạc Hip Hop ngày đó, và quá ấn tượng để hãng đĩa đề nghị đưa bài này vào album của nhóm Geto Boys với ba đoạn verse đều do Face viết, cộng thêm một đoạn Willie D sáng tác thêm. Kết quả là “Mind Playing Tricks On Me” đã mở ra một cánh cửa cho chủ đề mới của nhạc rap bấy giờ, khi một thế hệ sau đó khai phá vấn đề xung quanh chứng thần kinh hoang tưởng diễn ra trong tâm trí những kẻ dính dáng tới lối sống băng đảng, đồng thời tạo ra cảm hứng với thể loại horrorcore sau này.
“I'm paranoid, sleepin' with my finger on the trigger / My mother's always stressin' I ain't livin' right / But I ain't goin' out without a fight / See, every time my eyes close / I start sweatin' and blood starts comin' out my nose”
Ngoài những đoạn lời thể hiện sự ngang tàn bất chấp thường thấy trong các bài rap phong cách băng đảng, mấy ai dám nói về những điểm yếu của họ ẩn dấu bên trong, là hậu quả của những lần dính dáng tới bạo lực hoặc thậm chí các vụ thanh trừng giữa các nhóm như trong lời rap của Scarface. Anh rap về việc đi ngủ mà vẫn lo sợ khi tay kè kè bên khẩu súng, về việc mỗi khi đôi mắt nhắm lại, cơn ác mộng lại ập đến khiến anh bừng tỉnh mồ hôi nhễ nhại và những vệt máu chảy ra từ mũi.
“I often drift when I drive / Havin' fatal thoughts of suicide / Bang and get it over with”
Chỉ có Scarface ngày đó mới dám nói đến mặt tối của những kẻ buôn hàng cấm, về sự căng thẳng tột độ dẫn đến những suy nghĩ trầm cảm, muốn kết liễu bản thân. Đây cũng là thực tế đã xảy đến với chính Face khi anh đã từng có những suy nghĩ đó trong quá khứ. Chủ đề trong bài “Mind Playing Tricks On Me” này cũng là ý tưởng cho Biggie sau này sáng tác bài “Suicidal Thoughts” và cho những rapper trẻ hơn như Kid Cudi, Mac Miller, Drake tự tin viết những lời rap có chất liệu emo.
Trong sự nghiệp solo của mình, Scarface vẫn tiếp tục gây bất ngờ với các chủ đề mới mà không mấy rapper nào trên thị trường theo đuổi. Đó là “I’m Dead” trong đĩa đầu tay Mr. Scarface Is Back (1991). Giống như nhân vật bác sĩ tâm lý Malcolm Crowe (do Bruce Willis thủ vai) trong phim The Sixth Sense, nhân vật trong câu chuyện của “I’m Dead” thức dậy không có nhận thức về việc mình đã chết cho đến khi anh ta không nhìn thấy mình trong gương và khi người anh họ bước vào căn nhà rồi nhìn tấm hình của anh và nói “rest in peace”. Cả một bài rap với góc nhìn của một hồn ma thực sự một lần nữa đưa sự sáng tạo của Face vượt qua bất kỳ ranh giới nào trong nhạc Hip Hop trước đấy, trở thành một chủ đề mà Biggie khai thác trong album Ready To Die sau này.
Cũng trong đĩa solo đầu tay này, bài “Diary Of A Madman”, Face mượn hình ảnh cuốn nhật ký diary như một phép ẩn dụ để viết những đoạn hội thoại vang lên trong đầu nhằm nói chuyện với chính bản thân mình. Những ý nghĩ tự tử vẫn thi thoảng lại thôi thúc trong anh, một kẻ đang vật lộn kiếm tìm sự cân bằng nội tại:
“Dear Diary, I’m having a little problem / I can’t make it by myself maybe you can help me solve em / I’m confused and I don’t know what to do / I’m hoping you can help me cause there’s no one else to talk to / I want to die, but it ain’t for me / I try to talk to my dad, but my old man ignores me”
Tới những album sau, tiêu biểu như bản masterpiece The Diary (1994), người nghe vẫn không hết bất ngờ trước những gì Scarface có thể mang lại. Câu chuyện bạo lực và giết chóc như trong bài “I Seen A Man Die” chưa bao giờ lại khiến người nghe phải suy ngẫm nhiều như vậy, bởi Face nói về những hiện thực tàn nhẫn và số phận có thể khiến những kẻ tay vấy máu một ngày phải đền tội. Cái hấp dẫn trong lối thể hiện này là việc nhấn mạnh tới luật nhân quả, và thôi thúc người nghe phải nghĩ về những kết cục của việc “reo gió gặt bão” đến từ những hành động của mỗi người.
"I hear you breathin' but your heart no longer sounds strong / But you kinda scared of dying so you hold on / And you keep on blacking out and your pulse is low / Stop trying to fight the reaper, just relax and let it go".
Vào năm 2001, tức là 13 năm từ khi bước chân vào sự nghiệp, Scarface được ghi nhận giải thưởng “Best Lyricist” Source Award của tạp chí The Source. Điều đáng nói là anh chiến thắng giải này khi vượt qua những đàn em ở thời kỳ đỉnh cao như Jay-Z, Eminem, Prodigy và Talib Kweli, những người mà có thể dễ thấy ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Face, đặc biệt trong lối viết lời rap kể chuyện đa lớp nghĩa. Như vậy là ở tuổi nghề lâu như vậy, nhất là khi nhìn trong một bức tranh biến đổi không ngừng của Hip Hop, Face vẫn giữ vững phong độ và có vẻ như vẫn luôn mang tới những chủ đề mới mẻ trong nội dung rap của anh.
Trong album Untouchable (1997), bài “Smile” có góp giọng của Johnny P. và Tupac (vừa mới bị ám sát trước đó mấy tháng) được Face nói tới quá khứ của anh:
“Now, as I open up my story, with the blaze of your blunts/ And you can picture thoughts slowly, up on phrases I wrote / And I can walk you through the days that I done / I often wish that I could save everyone, but I'm a dreamer / Have you ever seen a n***a who was strong in the game / Overlookin' his tomorrows, and they finally came?”
Ở đoạn lời trên, “sự tương tác” với người nghe thể hiện qua đại từ xưng hô “you” để đưa chúng ta bước vào chính những khung cảnh đó, để chứng kiến những gì đã xảy ra với Face, và quan trọng hơn là để hiểu rõ những tâm tư của anh.
Hoặc với “Look Me In My Eyes” ở album The Last Of A Dying Breed (2000), qua cấu trúc không cần phải cân đối về độ dài giữa hai đoạn verse, Face liên tục muốn kẻ đối diện nhìn vào thẳng mắt anh, để chúng phải hiểu con người anh. Ở verse 1, kẻ đối diện đó là đám cảnh sát (“But now I must expose you, and tell my boys the truth / Listen up my niggas: "The F.B.I. been watchin' you" / Especially if you black, and tryin to leave the streets / And get off in this music, you see the way they doin me / Runnin in my crib, makin niggas lie / Nigga get a scapegoat and take this 25”), trong khi verse 2, kẻ đối diện lại chính là linh hồn, là chính bản thân con người của Face (“Look me in my eyes, I've told all I could tell you / And now you know too much, if you leak a word I'll kill you / You think that I'm insane, partially deranged? / You've had your chance to pick my brain, now explain.”)
Miễn bàn tới những Kid Cudi, Drake hay Mac Miller khi phong cách theo đuổi mang chất emo chịu ảnh hưởng rõ nét của Face, các rapper mà ngồi chung mâm trong ngày đàn anh Face nhận giải của The Source kể trên, bao gồm Jay-Z, Eminem, Prodigy và Talib Kweli đều đã từng động chạm các chủ đề trong lời rap của Face. Đó là màn đấu tranh tư tưởng trong “Kill Jay Z” của Jay-Z. Đó là cái thiện và cái ác trong mỗi con người ở “Guilty Conscience” của Eminem. Đó là những băn khoăn về sự tồn tại của một con người trong “Up North Trip” của Prodigy. Và đó là giới hạn của con người khi bị dồn đến đường cùng và luật nhân quả trong “She’s My Hero” của Talib Kweli.
Có thể thấy sức ảnh hưởng của Scarface để lại cho những rapper thế hệ sau không hề nhỏ. Sức ảnh hưởng đó không dừng ở lối kể chuyện phong phú, mà còn là nguồn cảm hứng khuyến khích họ tìm trong sâu thẳm suy nghĩ của mình và bộc lộ nó qua những lời rap, những vần thơ, những câu chuyện mà không phải dè chừng bất cứ lời đánh giá nào của người khác.
Từ những năm đầu thập niên 90 đó, giữa đám đông các MC với cái tôi đầy ngạo nghễ và tự tin để rap những lời đanh chát để hạ gục đối thủ, thì Scarface tự do thả lỏng mình để bộc lộ cảm xúc, kể cả đó là những suy nghĩ yếu mềm, thứ dường như là điều cấm kỵ ngày đó. Mặc dù gốc gác miền Nam đã hạn chế việc Face có thể trở thành một rapper tiếng tăm như các đồng môn, cho đến giờ, anh vẫn là một rapper được nhiều người kính nể. Hip Hop phía Nam có thể không có chỗ đứng đáng kể trong bản đồ Hip Hop nước Mỹ, nhưng sức ảnh hưởng của các anh tài đến từ đây, đặc biệt là nhân vật chính trong bài của chúng ta, đối với Hip Hop Bờ Đông và Bờ Tây là có thật, chứ không phải chỉ là câu chuyện tưởng tượng đang diễn ra trong tâm trí của “kẻ điên” Scarface.
Hẹn gặp lại!
Kunt
nể bạn Kunt viết cái bài này!