Sau khi album đầu tay cùng tên – The Stone Roses (1989) được phát hành và được tiếp lửa bởi thành công của đĩa đơn “Fools Gold”, ban nhạc The Stone Roses bỗng chốc trở thành ban nhạc quan trọng nhất lịch sử phát triển âm nhạc của nước Anh vào thời điểm chuyển giao giữa thập niên 80 và 90. Lúc đó khi The Smiths đã tan rã, báo chí trong nước liền quay sang tung hô The Stone Roses và đặt hết kỳ vọng vào ban nhạc có tiềm năng để trở thành nhóm nhạc vĩ đại tiếp theo này. Đó không hề là sự ảo tưởng bởi album đầu tiên mà bốn thành viên của band mang tới là thứ âm nhạc đột phá, vừa có dáng dấp của các dòng nhạc từ những thập niên trước đó, vừa mang theo phong cách nhạc thịnh hành ở Anh lúc bấy giờ, đặc biệt tại thành phố Manchester. Trên đỉnh cao danh vọng, Ian Brown – frontman của The Stone Roses đã phát biểu: “Chúng tôi là ban nhạc có tầm quan trọng nhất trên thế giới hiện nay bởi chúng tôi có những bài hát hay nhất và đấy là chúng tôi còn chưa thể hiện hết tiềm năng của cả nhóm” và khi được hỏi khi nào band sẽ đánh sang thị trường nước Mỹ thì Brown đáp: “Chúng tôi chưa tới đó bởi nước Mỹ chưa xứng đáng có được The Stone Roses”.

Thế rồi vì những rắc rối lùm xùm, những lý do chủ quan lẫn khách quan, phải mất đến 5 năm sau, album thứ hai của The Stone Roses mới được hoàn thành và tung ra thị trường. Theo tinh thần không chút khiêm nhường, cái tên album Second Coming mang ý nghĩa “sự trở lại lần thứ hai của Chúa Giê-su" lại không mang tầm ảnh hưởng đến như vậy. Thị trường đón nhận nhạc phẩm này không mấy mặn mà. The Stone Roses lỡ nhịp đà và nhanh chóng bị bỏ quên trước làn sóng nhạc Grunge và Britpop. Album Second Coming (1994) của họ thậm chí còn bị bỏ xa phía sau đĩa nhạc phát hành trước đó mấy tháng là Definitely Maybe, một nhạc phẩm của Oasis. Mỉa mai thay, The Stone Roses – thần tượng của anh em nhà Gallagher – những kẻ đã quyết tâm lập ra ban nhạc cho riêng mình sau khi xem show của nhóm, nay lại bị tụt hậu và che mờ bởi chính thế hệ đàn em. Để rồi giờ đây nhắc tới sự nghiệp của The Stone Roses, người ta chỉ nhớ đến duy nhất tuyệt tác đầu tay được coi là một trong những album hay nhất của nền âm nhạc nước Anh, tạo nên bởi một ban nhạc từng được coi là một The Beatles hay The Smiths tiếp theo.
“I don't have to sell my soul / He's already in me”
The Stone Roses (sau đây xin viết tắt thành SR) chính ra được lập từ đầu những năm 80, vào cùng thời điểm với ban nhạc The Smiths, vậy nhưng phải mất một thời gian dài đến cuối thập niên thì SR mới phát hành được album đầu tiên, khi mà The Smiths đã kịp tung ra 4 album và tan rã. Như vậy là quãng thời gian 5 năm để SR cho ra album thứ hai kể ra cũng không phải là quá lâu nếu nhìn theo cách vận hành của ban nhạc. Hai thành viên sáng lập, cụ thể là Ian Brown (ban đầu chơi bass xong sau đó chuyển sang ca sĩ) và John Squire (guitarist) đều là những nghệ sĩ cực kỳ tài năng và tham vọng. Bằng chứng là họ đã phải loay hoay suốt một thời gian dài để tìm ra âm thanh ưng ý, thậm chí đã có hẳn một album mang tên Garage Flower được thu âm vào năm 1985 nhưng bị xếp xó. Rồi mãi tới lúc SR rủ được Gary “Mani” Mounfield về đảm nhiệm vị trí cây bass vào năm 1987 thì ban nhạc mới chơi ra được thứ nhạc groovy mà họ kiếm tìm bấy lâu nay, nhờ vào tiếng bass chơi cực hợp rơ của Mani với nhịp trống của Alan “Reni” Wren, tạo cái khung chắc chắn cho Ian Brown và John Squire viết nhạc và lời trên đó.
Thuộc hàng ngũ tiên phong của xu thế mang tên “Madchester” dành cho các ban nhạc đến từ thành phố Manchester theo phong cách phối nhạc giữa các dòng Indie Rock với Psychedelic Rock, Acid House và Pop của thập niên 60, album The Stone Roses (1989) thổi một luồng gió mới cho âm nhạc Anh Quốc. Trong khi các band khác sử dụng nhạc cụ synth và drum machine thì SR đưa nhạc Rock cùng các nhạc cụ sống quay trở lại mà vẫn tạo ra sự liên kết với nhạc Dance thời thượng.
The Stone Roses thực ra là một album kỳ lạ, ít nhất là đối với tôi, khi mà những lần đầu nghe chưa đủ để thấm phong cách nhạc hầm bà lằng nhưng được phối rất sáng tạo này. Hoặc có thể giai điệu và hoà âm sáng màu có phần khó nắm bắt, hệt như cảm nhận của tôi khi nghe nhạc phẩm đầu tay của The Smiths, là thứ cản trở để hiểu được SR. Cho tới khi các track nối tiếp trong album The Stone Roses hé mở từ từ để lộ ra chất nhạc quyến rũ qua tài năng của từng thành viên trong ban nhạc. Cũng giống như The Smiths, tôi thấy SR là một ban nhạc toàn tài, chứ không phải là 1-2 thành viên chính toả sáng, làm mờ những kẻ còn lại. Khi mới nghe các bản demo, nhà sản xuất nhạc John Leckie đã nhận ra 4 người họ phối hợp rất nhịp nhàng và có những khúc nhạc trau chuốt về kỹ thuật, đủ cho thấy các thành viên hẳn phải tập dượt kỹ lưỡng và có trình độ mới tạo ra được thứ âm thanh xuất sắc như vậy.
Alan “Reni” Wren & Gary “Mani” Mounfield
Xin bắt đầu bằng bộ đôi làm nên cái khung nhạc vững chắc cho SR mà không hề nhàm chán bởi lối chơi funky.
Alan “Reni” Wren từng được chính Pete Townshend ca ngợi là tay trống có tài năng bẩm sinh giỏi nhất kể từ thời sau Keith Moon (chính Townshend còn rủ Reni về chơi trống cho album solo của ông nhưng anh này từ chối). Album The Stone Roses được thu âm không cần đến click track, vậy nhưng Reni có thể chơi nhịp điệu của một bài trong thời gian dài với tempo đều đặn mà không phải đổ giọt mồ hôi nào cả. Giàn trống được anh này rút gọn chỉ còn lại đúng 3 mẩu, vậy mà Reni vẫn có thể tạo ra được âm thanh trống bao trùm cực rộng và nhiều bất ngờ bằng sự biến hóa khôn lường qua những câu shuffle, tiếng chập mở hi-hat, tiếng nện snare vào những khoảnh khắc vô cùng táo bạo. Trong bài “I Wanna Be Adored” ở album The Stone Roses, Reni vào theo nhịp bass của Mani bằng tiếng hi-hat nhưng khi đưa cả giàn vào, anh cố tình dã tiếng snare lệch phách ở khuông nhạc liền trước để tạo nhịp điệu nghịch tai rất thú vị. Nhưng khi đã vào bài thì Reni luôn có lối tiếp cận nhịp điệu funky cuốn hút, chịu ảnh hưởng bởi John Densmore - tay trống trong ban nhạc The Doors. Rất nhiều âm thanh vang lên liền tiếp nhau trên giàn trống 3 mẩu đó, đảo phách trong nhịp điệu nhưng giữ chắc về tốc độ, giúp cho phong cách trống trong nhạc của SR nghe như những câu trống breakbeat của nhạc điện tử, nhưng lại có hồn bởi người chơi chúng.
Với Gary “Mani” Mounfield, sự hiện diện của anh trong SR là mảnh ghép hoàn hảo cuối cùng để ban nhạc đi theo đúng hướng nhạc của mình. Tiếng đàn bass của Mani chơi nhanh bám một cách chuẩn xác theo tiếng trống của Reni. Đã thế những nốt đàn được anh đánh ra mang âm sắc groovy, hòa hợp cho bộ nhịp điệu của band. Ở hai track đầu của album The Stone Roses là “I Wanna Be Adored” và “She Bangs The Drums”, tiếng bass của Mani dẫn bài đầy mê hoặc. Rồi trong “Made of Stone”, ngoài việc chơi giữ nhịp, anh bassist vẫn có những khoảnh khắc biến tấu với câu bass đầy giai điệu để chơi đối ẩm cho tiếng hát của Ian Brown và tiếng guitar solo của John Squire.
Nhờ sự kết hợp ăn ý chặt chẽ giữa bộ trống của Reni và cây bass của Mani, ban nhạc SR đạt được ý nguyện, đó là tạo ra âm thanh Psychedelic Rock của thập niên 60 từ tiếng đàn guitar của Squire, giai điệu Pop thập niên 80 qua giọng hát của Brown, trên nền nhạc Funk của thập niên 70 cộng thêm chất liệu Dance đương đại tạo ra từ bộ nhịp điệu của Reni và Mani mà không cần tới một nhạc cụ điện tử nào cả. Thứ nhịp điệu mang năng lượng thôi thúc cho đôi chân, vừa funky mà vẫn lại groovy đó quả nhiên không mấy band nào có thể tạo nên được. Chỉ là giống như Ian Brown và John Squire nhận định, cá nhân tôi cũng thấy tiếng trống và bass của band vẫn nghe chưa đủ sướng, và có thể được đẩy lên phía trước nhiều hơn nữa thì người nghe mới thấm hơn được kỹ thuật và tài năng của Reni và Mani trên các cây nhạc cụ của họ.
John Squire & Ian Brown
Âm thanh đa màu sắc trong nhạc của SR hẳn được đóng góp nhiều nhất bởi John Squire nhờ vào lối chơi đầy kỹ thuật và hiệu quả trong cách hòa âm các track đàn của anh lồng vào nhau. Phong cách rõ nhất của Squire là cách anh rải các dây âm lanh lảnh hoặc chuyển sang dồn dập các câu riff xoắn với nhau. Và đừng quên Squire có thể chơi solo điệu nghệ, xứng tầm cho một trong những tay guitarist giỏi nhất của nước Anh thời kỳ đó. Có những người có thể không đặt John Squire ở hàng ngũ những guitar hero, và chính anh cũng không tự nhận mình thuộc tầm cao thủ, nhưng thứ hơn người mà Squire làm được chắc chắn là cách anh tạo ra các câu đàn đa dạng, lồng chúng vào với nhau để tạo hiệu ứng hòa âm cực hay. Nó giống như cách mà anh hay thử nghiệm trong lối vẽ tranh trừu tượng theo trường phái Pollock (tiêu biểu như tấm hình bìa album của SR), Squire luôn tìm tòi sự mới mẻ bằng cách sử dụng các con phơ, căn chỉnh các bộ amplifier, “vẩy” các câu đàn khác nhau vào phần nền “nhịp điệu” tạo ra bởi Reni và Mani.
Ở bài “Waterfall”, tiếng đàn chơi hợp âm rải của Squire tạo tiếng bện với giai điệu hát của Ian Brown, rồi đến khúc instrumental break cuối bài, anh “vẩy” các câu đàn khác để chuyển màu của bài từ giai điệu poppy đều đặn sang âm thanh funky, hứa hẹn cho một album nhạc có nhiều biến chuyển không hề dễ đoán. Quả đúng như vậy, càng nghe tiếp tới các track sau trong album The Stone Roses, người nghe càng được thấy một ban nhạc có lối chơi kỹ thuật toàn tài. Như “Made Of Stone”, khúc instrumental break phô diễn đủ hết tiếng trống và bass chơi nhịp điệu rất hay, và chúng xoắn vào cùng với tiếng đàn solo biến thiên chạy từ tai này sang tai kia của Squire. Phải nói là các câu đàn mà tay guitarist này chơi luôn mang giai điệu hấp dẫn, với dáng dấp của một kẻ thấm nhuần nhạc Led Zeppelin (điều mà John Squire không hề giấu diếm sau này với album Second Coming của The Stone Roses).
Còn với Ian Brown, kẻ ban đầu vào nhóm ở vị trí chơi bass nhưng sau đó đảm đương vai trò ca sĩ cũng giúp Squire chắp bút sáng tác giai điệu và lời hát. Lối viết nhạc của Brown mang màu sáng của nhạc Pop, dù không phải là thứ nhạc poppy dễ nắm bắt. Giọng hát của anh thì không phải là điểm mạnh, nhất là trong các buổi diễn live, Brown có những lúc hát bị lạc điệu. Thế nhưng tiếng hát bằng giọng điệu từ thành phố Manchester đó lại cuốn hút qua phần lời mang đúng tinh thần của giới trẻ Anh Quốc ngày bấy giờ. Đó là những phần lời đầy ngạo nghễ như “I don't have to sell my soul / He's already in me” (bài “I Wanna Be Adored”), rồi “Kiss me where the sun don't shine / The past was yours but the future's mine / You're all out of time” (bài “She Bangs The Drums”), hoặc “I am the resurrection and I am the life / I couldn't ever bring myself / To hate you as I'd like” (bài “I Am The Resurrection”).
Qua đó nội dung của ca từ mà Brown viết ra càng hợp màu trẻ trung trên thứ nhạc thôi thúc của Reni và Mani, cũng như tạo cảm hứng để John Squire bay với cây đàn guitar của mình. Cứ nghe bài “I Am The Resurrection” dài tới hơn 8 phút mới thấy sự phối hợp đồng đều cả ban nhạc 4 thành viên này hiệu quả ra sao. Bài nhạc được sáng tác khởi nguồn từ câu riff trong bài “Taxman” của nhóm The Beatles được Mani nghịch ngợm chơi ngược từ cuối đổ về trước. Cả band sau đó liền phát triển thành bản anthem đề cao cái tôi của tuổi trẻ. Các khúc nhạc nối tiếp tăng sức nóng dần đều cho tới đoạn outro ở nửa cuối bài, khi mà cả Ian Brown cũng tham gia với bộ gõ bongos tăng màu sắc của phần hoà nhạc 4 cây đan chéo nhau điệu nghệ.
“Fools Gold” - đĩa đơn khai phá thành công cho SR để rồi sau đó được đưa thêm vào album đầu tay cũng vậy. Nó là tổ hợp hoàn hảo của đủ các thể loại Funk, Psychedelic, Pop, Dance mà không bị loạn xới chút nào. Trên đoạn breakbeat nổi tiếng từ bài “The Funky Drummer” mà tay trống Clyde Stubblefield thể hiện cho nhạc phẩm của James Brown, Reni đã tập theo để tạo ra đoạn loop dài cho các thành viên còn lại chêm tiếng nhạc cụ của họ vào mà không làm mất đi cái vibe độc đáo đó. Mani chơi câu nhạc bass mà anh mượn cảm hứng từ bài “Know How” của Young MC do Kevin O’Neal thể hiện. John Squire thì chơi qua mấy con phơ wah-wah và plucking theo phong cách của Johnny Cash cộng với âm chặn đến từ mấy dây trầm. Giọng hát của Ian Brown thì theo lối thì thầm vừa đủ nghe, nhằm hướng âm thanh funky của phần nhịp điệu làm trung tâm cho bài. “Fools Gold” vì thế gây nóng thị trường bởi kiểu nhạc quá lạ lẫm và cuốn hút tới vậy. Nó còn là minh chứng cho người ta thấy được những dòng nhạc không mấy liên quan tới nhau vẫn có thể được hoà hợp và đem tới một nhạc phẩm độc đáo.
“The past was yours but the future's mine / You're all out of time”
Sau đỉnh cao thành công của album The Stone Roses, cả thị trường âm nhạc nước Anh đặt hết kỳ vọng vào ban nhạc. Bất chấp số lượng đĩa bán ra không phải là một con số quá ghê gớm (tới giờ album này mới chỉ bán hơn 4 triệu bản toàn cầu), thế nhưng phong cách nhạc độc đáo của SR là thứ người ta kỳ vọng sẽ chèo lái cho sự phát triển âm nhạc nước Anh ở đầu thập niên 90. SR có được cả sự cool ngầu giống một The Velvet Underground lẫn khả năng chơi nhạc theo phong cách của một Led Zeppelin. Sức ảnh hưởng của band tới thế hệ sau thì quá rõ. Ví dụ như The Verve hướng tới hoà âm đa dạng của các track nhạc cụ (với chính John Leckie sản xuất nhạc cho album đầu tay của họ - A Storm In Heaven), Blur thì đem Baggy - nhánh nhạc Alternative Dance của Anh mà SR phổ cập vào album đầu tay Leisure, còn Oasis, đặc biệt là anh em nhà Gallagher thì học theo cái thái độ ngạo nghễ xuyên suốt sự nghiệp.
Trong khi những ban nhạc trẻ đó đâm chồi nảy lộc thì SR lại thụt lùi và dần tàn lụi. Họ vướng vào những rắc rối pháp lý trong quá trình chấm dứt hợp đồng thu âm với Silvertone Records. Vụ kiện khiến cho kế hoạch thu âm album tiếp theo bị tạm ngưng tới 2 năm. Đã thế trong thời điểm đó, SR cũng không thèm đi lưu diễn tại Mỹ. Cái tôi quá lớn của band khiến họ từ chối diễn mở màn cho những nhóm nhạc Mỹ như Red Hot Chili Peppers, Pearl Jam hay Soundgarden. Trong nước SR cũng không khá khẩm hơn là bao. Ban nhạc lười tham gia phỏng vấn với báo chí truyền thông, rồi nếu có thì cũng chỉ là những câu trả lời cụt lủn, kết thúc bằng đôi mắt vô hồn của hai anh trưởng nhóm - Ian Brown và John Squire. Chả mấy chốc, tiếng thơm huyền thoại của SR bị che lấp bởi cái mác trịch thượng thiếu thân thiện.
Tour thì không tour, nhạc mới cũng không có. Đến khi giải quyết xong vụ kiện tụng thì cả Brown và Squire lại bận với việc gia đình. Cho tới khi cả nhóm trở lại studio thì cái đà và nhiệt huyết đều đã nguội, khiến cho Second Coming phải mất thêm tới 14 tháng để hoàn tất, và khi ra mắt, SR bỗng trở nên lạc lõng trước một thế giới đã vận hành biến đổi đón nhận làn sóng Grunge bên Mỹ, rồi Britpop tại Anh.
Đối với tôi, Second Coming vẫn là một album hay dù nó không được nhiều nhà phê bình đánh giá cao. Đó có thể không phải là nhạc phẩm độc đáo mang nét riêng của đám thanh niên ngày nào đến từ Manchester, nhưng màu nhạc Blues Rock đậm nét trong Second Coming thực sự vẫn rất hấp dẫn, ít nhất với kẻ mê chất liệu Blues như tôi. Loạt những track như "Driving South", "Daybreak", "Begging You", "Good Times", "Tears", và "Love Spreads" mang những câu đàn bluesy tuyệt hay mà John Squire ấp ủ thực hiện trước đó. Trong một album mà đa phần được viết bởi mình Squire, không ngạc nhiên khi phần hoà âm guitar càng dầy và cầu kỳ. Bài "Tears" chẳng hạn, sự chuyển đổi giữa guitar thùng chơi lúc đầu sang phần cao trào trống bass dồn dập và guitar điện solo sau đó dễ dàng liên tưởng tới thứ nhạc của Led Zeppelin ngày nào. Cũng bởi Second Coming thiên về nét nhạc Blues Rock cầu kỳ ở các lớp guitar, mà âm nhạc của SR bỗng thiếu vắng màu nhạc Pop và Dance Anh Quốc đặc trưng mà người hâm mộ nhớ về SR.
"Second Coming" hay "Sự hồi sinh để trở lại lần thứ hai" của SR không còn mang sức mạnh thần kỳ của 5 năm trước đó. SR nhanh chóng tụt dốc và tan đàn xẻ nghé. Đã có những tia hy vọng cho những lần tái hợp của band nhưng một album thứ ba đã không bao giờ trở thành hiện thực. The Stone Roses có thể không phải là ban nhạc có tầm quan trọng nhất thế giới, nhưng album The Stone Roses (1989) đó vẫn mãi là nhạc phẩm quan trọng trong lịch sử âm nhạc hiện đại của nước Anh, và phần nào đó với thế giới.
Âu cũng là điều đáng để tự hào!
"I am the resurrection and I am the life"
Hẹn gặp lại!
Kink