Họ chơi nặng nhưng không hẳn là Heavy Metal. Họ chơi đầy biến hóa và không thiếu những hợp âm dị lẫn nhịp lẻ, nhưng lại không phải Progressive. Họ có một ca sĩ có thể hát tới 4 quãng tám nhưng lại không phải thứ nhạc réo rắt như Glam Metal. Họ tới từ Seattle và định nghĩa ra thứ âm thanh Grunge đặc trưng nhưng họ không được nhiều người yêu mến như Nirvana. Họ là Soundgarden.
Hãy thử tưởng tượng bạn sống ở một nơi hẻo lánh như Mù Căng Chải, và bỗng một ngày những người ở xứ này bỗng tạo ra một thứ âm nhạc thay đổi cả lịch sử âm nhạc thế giới. Đó là một sự so sánh không hề quá đáng với âm nhạc Grunge tới từ Seattle, bởi nếu bạn ngước nhìn lên bản đồ nước Mỹ, thành phố này và cả bang Washington nằm thật hẻo lánh và côi cút ở góc Tây Bắc của nước Mỹ ngay sát biên giới với Canada – nơi mà với nhiều người Mỹ cũng chả khác gì “một nước lạ”. Không giống như những gì được mô tả đầy lãng mạn trong bộ phim của Tom Hank, Seattle khá là đơn độc và các hoạt động trong thành phố dường như chỉ phục vụ cho người dân địa phương. Các ban nhạc lớn thường không bao giờ màng ghé đến thành phố này - California thường là điểm dừng chân đông đúc cuối cùng và họa hoằn lắm thì mọi người sẽ lưu diễn ở Portland – nơi cách Seattle tới cả 200 cây số.
Trừ việc Seattle vẫn luôn được truyền tụng như là một thành phố có nhiều người chơi guitar bậc nhất thế giới. Những nghệ sĩ với tính cách dị không giống những thành phố lớn ở Mỹ như ở L.A. hay New York, nhưng lại chơi guitar siêu đẳng có lẽ là hai thứ nổi bật nhất khi nhắc tới những nghệ sĩ ở đây. Có thể gần xa đoán ra được, hoặc là họ sẽ độc đáo lắm, hoặc họ sẽ khó được chấp nhận trên thị trường. Chả thế mà lịch sử âm nhạc đã từng ghi nhận một tay guitar siêu dị nọ mang cái tên Jimi, đã không thể tìm được hợp đồng thu đĩa ở Mỹ bằng những màn trình diễn vô tiền khoáng hậu và phải lặn lội sang tận nước Anh xa xôi để bắt đầu sự nghiệp của mình. Hoặc có thể kể đến ban nhạc Heart của hai chị em nhà Wilson, những người chơi guitar có lẽ khối anh từ LA phải ghen tị.
Thế rồi trong bối cảnh khá ảm đạm đó ở Seattle của thập niên 80s, khi mọi sự chú ý về âm nhạc nói chung và nhạc Rock nói riêng đều dành cho sự vui vẻ bất tận đến từ party mang tên Glam Metal, xứ Seattle ngóc ngách nọ bỗng tòi ra đến 4 ban nhạc bán được hàng triệu album, và thậm chí còn làm được việc ghê gớm hơn là kết thúc cái party tưởng như không bao giờ kết thúc kia.
Face Lift của Alice in Chains, Nevermind của Nirvana, và Ten của Pearl Jam là những album mọi người thường nhắc tới khi nói về làn song grunge đến từ Seattle. Và Badmotorfinger của Soundgarden, một album có mặt cũng cùng thời gian với Nevermind và Ten vào năm 1991, lại dường như nhận được ít sự quan tâm hơn cả nếu như so với 3 album kia. Dĩ nhiên Soundgarden sau đó cũng có được chỗ đứng của họ với album kinh điển Superunknown năm 1994, Badmotorfinger có lẽ vẫn xứng đáng có được sự đón nhận khá hơn. Tỉ dụ như nếu nó được phát hành đúng như kế hoạch mà không bị trục trặc – tức là trùng vào ngày phát hành của Nevermind và Ten.
Với cá nhân tôi, cùng với Face Lift của Alice In Chain, Badmotorfinger xem ra sống tốt với thời gian hơn tất cả, nhất là khi người nghe đã trải qua rất nhiều cung bậc của sự thay đổi dòng chảy âm nhạc suốt hơn 30 năm qua. Như rượu vang vậy. Ít nhất thì đó là dư vị mà Nevermind và Ten không tạo ra được.
Hãy cũng điểm qua những điều khiến Badmotorfinger trở nên thật đặc biệt.
1. Soundgarden không có ý định chơi nhạc Pop như Nirvana hay Pearl Jam
Cảnh báo: bạn có thể không thích Soundgarden và thậm chí còn có thể cho rằng họ là phiên bản tay trái của Nirvana (tay phải thường được gán cho Pearl Jam). Hãy dừng đọc tại đây trước khi quá muộn!!!
Dù không ai có thể phủ nhận khả năng viết nhạc giai điệu của Kurt Cobain, và dù có thích hay không thích bản phối không nặng như ý muốn của Nevermind, Nirvana luôn khiến người nghe liên tưởng tới ảnh hưởng lớn nhất của Kurt, The Beatles. Nhưng nghe nhạc của Soundgarden sẽ khiến người ta muốn liên tưởng tới ai? Có thể là Punk Rock, có thể là một chút Heavy Metal như cách của Black Sabbath. Nhưng với những âm thanh lạ kỳ và cách xây dựng cấu trúc nhạc không theo chuẩn mực thường thấy, thậm chí tôi có thể liên tưởng tới nhạc Tool khi nghe Badmotorfinger.
Vốn bắt đầu sự nghiệp là một tay trống, Chris Cornell có khả năng viết lời trên phần nhạc chơi ở nhịp lẻ nhẹ như không. Cộng với sự trợ giúp đắc lực của tay trống có nền tảng chơi jazz là Matt Cameron, những phần bài chơi nhịp lẻ như trong “Outshine” (giữa 4/4 và 7/4), “New Damage” (9/4), hay thậm chí thú vị hơn như trong “Rusty Cage”, phần ý chính là 4/4 nhưng phần sau lại được chơi đầy biến đổi (3 x 3/4 + 5/4 + 3/4 + 2/4) có nên gọi là 19/4 không?
Không chỉ riêng Chris Cornell có khả năng chơi nhiều nhạc cụ, Ben Sheppherd, chơi bass, cũng vốn là một tay guitar. Tay trống Matt Cameron, thì cũng có khả năng sáng tác nhạc và các câu riff từ guitar. Quả là một xứ sở mà ai cũng có thể chơi guitar. Còn Kim Thayil, lead guitar, thì hóa ra lại không phải người Seattle mà tới từ Chicago, quê nhà của nhạc blues thần thánh.
Và cũng vì vậy, những con người này đã đem đến những màu sắc lạ lùng cho cách chơi guitar của họ.
2. Cách chơi guitar siêu dị của Chris Cornell và Kim Thayil
Tôi không thể tưởng tượng một thành phố chơi guitar thì sẽ trông như thế nào, mà chỉ có thể trầm trồ khi nghe những người ở thời đó thuật lại: mọi người đều ra đường và đeo guitar, và các phòng thu mở lên san sát như nhà dãy. Chắc có lẽ vì vậy, tất cả những người chơi đều tự khắc tìm tòi sâu hơn để tìm ra cho mình những tuyệt chiêu độc và lạ nhất. Thật may mắn vì chúng ta được nghe từ những người giỏi nhất trong số đó: Chris Cornell và Kim Thayil.
Thật vậy, tiếng đàn của Kim và Chris là thứ đại diện rõ rang nhất cho thứ âm thanh Seattle đó mà nghe phát có thể nhận ra liền. Âm thanh guitar nặng và đục nhưng lại không hề nhòe và khi chơi phần rhythm luôn gây cảm giác lo lắng đến tức ngực. Những hợp âm và cả giai điệu bài hát với những nốt dissonant nghịch tai có lẽ cũng đã là một đặc trưng của âm nhạc Seattle, thứ mà có lẽ trước đó chỉ có Ozzy Osbourne hay Black Sabbath là thể nghiệm nhiều hơn cả.
Kim Thayil và Chris Cornell cũng không ngại thể nghiệm trong tiếng đàn, như câu riff nghe như tiếng xe cứu hỏa trong bài “Room A Thousand Years Wide”, và có lẽ bài mà ai cũng biết là bài gì đấy “Black Hole Sun”, tiếng đàn thánh thót như tiếng chuông cổ tích xấu xí vậy. Đoạn riff mở đầu trong "Rusty Cage" chơi bằng 2 tiếng guitar lệch nhau với tiếng đàn chua ngoét có lẽ là một trong những phần mở đầu album ấn tượng nhất mà tôi từng nghe.
Không chỉ dừng lại ở đó, Chris và Kim còn liều mạng viết nhạc ở những tuning lạ lùng trên đàn guitar, như bài “Rusty Cage” chơi hẳn ở drop B (dây E thấp vặn trùng xuống tới B), “Outshined” ở drop D, hay thậm chí trong album sau Superunknown sau này, Chris Cornell còn nổi tiếng với bài “The Day I Tried To Live” vì chơi ở tuning E-E-B-B-B-B không hề giống ai!!! Hai anh thả sức thể nghiệm với các loại tuning tới mức Chris đã suýt thử cả tuning 6 dây đều E như thách thức của Jeff Ament, tay bass của Pearl Jam lúc đó. Dĩ nhiên đã không có tuning 6 dây giống nhau được chơi, nhưng ít nhất thì Chris cũng kịp viết ra “Mind Riot”.
Và quan trọng hơn cả, viết nhạc ở nhịp lẻ cũng có nghĩa là khước từ việc viết ra những ca khúc có thể nhảy nhót và headbang theo, những thứ mà lâu nay vẫn quen thuộc ở nhịp 4/4. Nó như một lời tuyên ngôn ngầm với nhạc Pop và cũng là lý do nhạc của Soundgarden luôn khiến bạn bất ngờ.
3. Ben Shepherd
Đã không có ai nhắc lại rằng Soundgarden là anh cả trong Big 4 của Grunge (họ thành lập từ năm 1984), đơn giản vì ở Seattle, mọi người đều tôn trọng nhau và giúp đỡ lẫn nhau, bởi cộng đồng chơi nhạc ở đó cũng không lớn và cũng… chẳng đi được đâu xa. Cũng nhờ Soundgarden mà Nirvana ký với Sub Pop, hãng đĩa nhỏ nhưng có chí lớn ở Seattle, với tham vọng tạo ra một Motown mới. Soundgarden cũng là band đầu tiên có hợp đồng với hãng đĩa lớn, lúc ấy là A&M.
Nhưng tới năm 1991, Soundgarden quả thực đứng ở ngã 3 đường. Sau nhiều năm ít chịu áp lực với hãng đĩa Sub Pop, tuần trăng mật ngắn ngủi với hãng đĩa A&M chỉ cho ra album Louder Than Love không như kỳ vọng, dù được sản xuất bởi Terry Date lừng danh (anh này sau sản xuất cho Pantera và Dream Theater). Câu chuyện này nghe khá quen, vì Soundgarden dường như đã làm theo vị tiền bối Rush ở nước lạ Canada, khi quyết theo đuổi âm nhạc của họ chứ không màng việc làm nhạc “mì ăn liền”.
Nhưng khó khăn càng thêm chồng chất khi lúc ấy tay bass từ đầu là Hiro Yamamoto lại rời nhóm không lâu sau khi ra Louder Than Love. Seattle hóa ra không lớn như mọi người tưởng và tất cả mọi người đều đã từng chơi cùng nhau. Các tay bass ổn ổn thì đều đã có chỗ.
Kim Thayil kiếm ra Ben Sheppherd, một tay guitar, nhờ quen với anh trai của Ben. Ben, dù rất khoái Soundgarden, vẫn nghĩ chuyện này chỉ là cho vui và còn kể với Kim rằng “mới tối qua hội Nirvana còn kêu tao qua chơi guitar”.
Thế rồi Ben cũng vác bát đến thử, và trượt oạch. Soundgarden chọn Jason Everman (trước đó đã từng chơi cho Nirvana) vì sự chuyên nghiệp và thuộc bài của anh này. Ông Ben Shepherd đi audition mà chả thuộc bài nào của Soundgarden trong khi band đang rục rịch chuẩn bị lên đường lưu diễn.
Ben Sheppherd tức tối nói với bạn gái “Chờ đấy, 6 tháng nữa bọn nó sẽ quay lại mời anh”. Thế mà lại thành thật!!!
Sau hơn 100 show cùng Jason Everman, Soundgarden quyết định sa thải anh này vì theo lời Cornell, ban nhạc “chả tòi ra thêm được ý tưởng âm nhạc nào lúc chơi cùng với Jason”.
Mang theo tinh thần Punk, và nhất là những kỹ thuật chơi guitar, Ben Sheppherd cũng mang theo một làn gió mới vào Soundgarden. Ben thậm chí gây ấn tượng cho Matt Cameron ngay trong những buổi tập đầu tiên khi hai người có thể khớp với nhau đầy ăn ý. Còn với Kim Thayil, Ben đem tới thêm tận 7 mối quan hệ viết nhạc cho Soundgarden: Ben và Kim, Ben và Chris, Ben và Kim + Chris, Ben và Kim+Chris+Matt, Ben và Kim + Matt. Giỏi toán như Kim quả nhiên hay viết được nhạc nhịp lẻ.
Phần bass solo trong “Rusty Cage”, hay câu bass vuốt ve điệu đà như chơi guitar trong “Outshined”, hoặc cả đoạn riff hừng hực của “Jesus Christ Pose” có lẽ là những thứ tôi thường nghe đi nghe lại từ Ben Sheppherd.
4. Khả năng sáng tác của cả 4 người
Điều ít ai để ý tới trong thời gian này là Chris Cornell đã bắt đầu bước vào độ chín của viết nhạc. Không nhiều người nhận ra ngay trước đó, Chris viết 5 bài demo cho bộ phim Singles của đạo diễn Cameron Crowe. Chưa kể, mới 1 tháng trước đó, anh còn thu âm Temple of the Dog cùng các đồng đội bên Pearl Jam để dành tặng bạn thân Andrew Wood vừa chết - một album đầy cảm xúc nhưng chính Chris cũng rất rạch ròi không mang theo vào Soundgarden vì không hợp. Tất cả những sản phẩm đó đều diễn ra trong khi viết Badmotorfinger.
Thì đây, Chris Cornell góp bút với “Holy Water”, “Rusty Cage”, “Outshined”, “Searching With My Good Eye Closed”, “Mind Riot”, “New Damage”. Vừa mới chân ướt chân ráo vào band, Ben Shepherd đã kịp góp 2 bài “Face Pollution” và “Somewhere”; Matt góp phần với những sáng tác như “Room A Thousand Years Wide”, “Drawing Flies”, và “Birth Ritual”. Soundgarden lúc ấy đã có những danh tiếng nhất định, đủ để Matt Cameron không cần phải đi làm thêm nữa mà có thể chuyên tâm vào viết nhạc. Anh thậm chí viết ra cả riff cho Kim Thayil chơi, như trong bài “Room A Thousand Years” và “Drawing Flies – chơi ở drop D. Kim Thayil gọi thêm Scott Grandlund vào solo saxophone để mấy bài này thêm phần hứng khởi. Nhân tiện thì Scott Grandlund cũng chơi guitar.
Đặc biệt nhất có lẽ là track “Jessus Christ Pose”, tất cả đám đều mang guitar vào phòng thu, và trước đó Chris vừa trông thấy Perry Farrell của Jane's Addiction làm cái pose đó. Matt bắt đầu bằng đoạn riff và cả đám hòa theo. Matt sau đó còn tạo ra đoạn drum riff độc nhất vô nhị.
Với tôi, Soundgarden có lẽ có một đội hình mạnh đều ở tất cả các cây nhất trong Big 4 của Grunge. Việc mỗi người đều tự chơi được guitar có lẽ vừa giúp ích rất nhiều trong việc sáng tác, lại vừa khiến mỗi người trong số họ hiểu được ý định của những người còn lại rõ hơn. Chỉ riêng về đóng góp của các ca khúc đã đủ thấy âm nhạc của họ phong phú nhường nào nếu so với 3 band còn lại, nơi âm nhạc thường được sáng tác bởi người chơi guitar chính.
5. Nếu như đĩa được phát hành đúng kế hoạch
Theo kế hoạch, album Badmotorfinger sẽ được phát hành cùng ngày với Nevermind của Nirvana và Ten của Pearl Jam. Chỉ có điều, bìa đĩa của album này in bị hỏng, và hãng đĩa đã phải cần thêm 2 tuần nữa để khắc phục.
Theo những người trong cuộc thời đó kể lại, khi thanh thiếu niên Seattle đi ra tiệm đĩa 1 tháng sau đó, đã không còn ai có thể mua được đĩa Nirvana. Nevermind đã được bán sạch bách. Và tất cả đều chọn Ten và Badmotorfinger, bởi vì Grunge khi đó là thứ cool nhất mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải có trong nhà. Ten, cũng như các album khác của Pearl Jam, có lẽ đều không tệ; nhưng tôi không nghĩ có thể so sánh được với Badmotorfinger hay Superunknown ở bất cứ thời điểm nào.
Và gián tiếp, điều đó cũng khiến đám trẻ ở Seattle trân trọng Badmotorfinger hơn ai hết. Nó có âm thanh đặc trưng, sự bất ngờ và biến chuyển trong âm nhạc, lẫn những kỹ thuật hát và chơi guitar mà không phải band nào ở Seattle cũng có thể sánh bằng.
Thực tế là Soundgarden đã chỉ có thể tận hưởng thành công nho nhỏ với Badmotorfinger và phải chờ tới khi họ ra Superunknown vào năm 1994, Soundgarden mới có thể lên tới vị trí mà họ xứng đáng. Ở chiều ngược lại, hàng chục triệu đĩa Nevermind đã đẩy Kurt Cobain vào chỗ anh không hề mong muốn – sự nổi tiếng quá mức.
Hãy nhớ, tất cả những con người này đều đến từ một thành phố chỉ có hơn 500 ngàn dân và thường xuyên không có một ban nhạc hay thần tượng lớn nào ghé thăm. Dù thích hay không, thành công từ tốn của Soundgarden đã nuôi dưỡng thứ âm nhạc độc đáo của họ và có thêm thời gian để chín muồi, trong khi Nirvana, ngập ngụa trong áp lực thành công không ngờ tới, đã loay hoay không biết nên làm thế nào với In Utero sau đó và rồi là cả kết cục không mong muốn của Cobain, một phần đến từ sự nổi tiếng mà anh không hề mong đợi.
Tôi vẫn còn quá nhiều câu hỏi “giá như” dành cho Nirvana, chẳng hạn như Nevermind được thu âm nặng hơn, hoặc In Utero được sản xuất bởi Scott Litt. Nếu như Cobain vẫn còn sống, hẳn là âm nhạc sau khi Grunge lụi tàn của Nirvana cũng sẽ là thứ đáng để trông đợi?
Và nếu như Badmotorfinger được phát hành cùng ngày với Nevermind và làm giảm cái sự hưng phấn của album này, biết đâu Kurt Cobain vẫn còn sống?
Nhưng cuộc đời thì lúc nào cũng trớ trêu, và nếu chỉ dựa trên sản phẩm trên kệ đĩa của 2 band này trong giai đoạn thịnh của Grunge đó, tôi sẽ vẫn luôn chọn Soundgarden.
Hẹn gặp lại!
Kcid
Kommentarer