Willow Smith là một trong những người được giới truyền thông gán cho mác “nepo baby” dành cho thế hệ con cái của những người nổi tiếng, và sau đó theo đuổi công việc trong ngành nghề liên quan tới sự nghiệp của người cha người mẹ. Đi sâu hơn nữa trong khái niệm “nepo baby” đó là hàm ý liên quan tới con đường được trải thảm đỏ cho đám “con ông cháu cha” đó điềm nhiên tiến tới thành công và danh vọng nhờ quyền lực và mối quan hệ sẵn có trong ngành của bậc phụ huynh.
Đó là lý do cho đến tận thời điểm này, khi mà Willow đã cho ra tới tận 6 album solo và 1 album hợp tác cùng Tyler Cole mà cô gái này vẫn cảm thấy dị ứng khi một ai đó buông lời phán xét: “Úi giời con nhỏ đó thành công cũng là nhờ dựa hơi ông bà già nhà nó cả!".
Để nói về danh tiếng của bố mẹ cô thì cả Will Smith lẫn Jada Pinkett Smith đều thuộc hàng cặp đôi quyền lực của Hollywood, tốt có mà xấu cũng có. Ông bố Will Smith vừa là rapper và diễn viên nổi tiếng với đủ các giải thưởng cao quý, từ Grammy cho tới BAFTA, Quả Cầu Vàng và Oscar. Jada Pinkett thì từng hát cho ban nhạc Nu Metal tên là Wicked Wisdom, và là diễn viên cũng như người dẫn chương trình thuộc hàng có tầm ảnh hưởng lớn. Do vậy cũng không ngạc nhiên gì khi cả Willow và người anh Jaden Smith đều từng tham gia cả mảng điện ảnh lẫn âm nhạc.
Vậy nhưng nghệ danh của cô con gái nhà Smith trong ngành công nghiệp âm nhạc lại chỉ có độc một chữ: WILLOW, được viết hoa từng chữ cái một như để hô to và nhấn mạnh thương hiệu cá nhân mà không đả động gì đến cái họ Smith đầy quyền lực trong giới. Trong cái chủ đề “nepo baby” và những đánh giá thường thấy của người ngoài về những đứa trẻ ngậm thìa vàng từ trong nôi như Willow, tôi nghĩ việc cô bé phải đấu tranh để vượt qua cái bóng nhà Smith để chứng tỏ bản thân lại là câu chuyện đáng nể phục nhất.
Đó là vì khi nghe các album của cô và ngẫm ra định hướng nghệ thuật và cái gu nhạc của Willow thì mới thấy con đường âm nhạc mà cô gái theo đuổi không hề bằng phẳng và bình yên chút nào. Nói một cách khác, con đường đó nó đầy chông gai như chính những nốt nhạc, hợp âm và nhịp điệu trong các sản phẩm âm nhạc đầy dị thường của WILLOW.
Thuở ban đầu Willow còn chập chững bước đi trên con đường được dọn sẵn. Ở tuổi lên 10, cô bé phát hành đĩa đơn đầu tiên “Whip My Hair” mang đậm chất R&B và Hip Hop. Và đây là lẽ thường tình khi khuôn mẫu mà xã hội và ngành công nghiệp âm nhạc đã định hình cho những ca sĩ da màu khi dấn thân vào con đường nghệ thuật. Lúc đó Willow như một đứa trẻ cầm cuốn sách vỡ lòng đọc theo hướng dẫn làm thế nào để trở thành một ca sĩ. Cô bé không tham gia sáng tác hay sản xuất các nhạc phẩm đầu đời, và nếu cứ theo cái đà đó thì sớm hay muộn Willow cũng sẽ chỉ trở thành một nữ ca sĩ do những người khác nhào nặn ra.
Thế rồi Willow quyết định rũ bỏ hình ảnh cô bé “Whip My Hair” ngày nào, bất chấp việc đây vẫn là single bán chạy nhất đến nay của cô; bằng cách trút bỏ luôn cả bộ tóc, cạo trọc đầu và bước chân xa hẳn ra khỏi vùng an toàn của mình. Không chỉ từ bỏ Hip Hop, chất nhạc R&B cũng bị Willow gạt sang một bên để chuyển hướng sang phong cách nhạc đậm chất thể nghiệm qua âm thanh Neo Soul và Rock, hai thể loại không hề dễ nhằn đối với một nghệ sĩ trẻ, và đấy còn chưa nói đến chuyện ít thấy một nữ ca sĩ gốc Phi lại thử sức cả với dòng nhạc Rock. Nếu nhìn vào âm nhạc của những thành viên trong gia đình Willow theo đuổi thì nhạc Hip Hop của ông bố Will Smith và ông anh Jaden Smith cũng đều khác hoàn toàn với phong cách nhạc của Willow. Yếu tố liên quan gần nhất có lẽ chỉ là thứ nhạc Rock trong ban nhạc mà bà mẹ Jada Pinkett từng tham gia và âm hưởng Psychedelic xen lẫn trong các nhạc phẩm của cậu anh Jaden.
***
Trên kênh Youtube của David Bennett Piano có một clip dành riêng cho ca khúc nhạc Pop mà David gắn mác “điên rồ nhất của thế kỷ 21”. Đó là bài “Symptom Of Life” nằm trong album mới nhất – Empathogen (2024) của Willow. Đầu tiên đó là số chỉ nhịp 7/4 kỳ quặc hiếm thấy trong một bài nhạc Pop. Tuy nhiên, nó không chỉ là con số 7 nhịp lẻ trong mỗi khuông nhạc, mà còn là cách mỗi khuông được chia ra làm 4 cụm nốt nhạc qua phần chuyển hợp âm 4 lần trong 1 khuông. Thay vì cách nhấn vào từng nhịp của mỗi nốt đen một thì ở 3 cụm đầu tiên trong khuông nhạc, mỗi cụm sẽ gồm 3 nốt móc đơn, và để lại cụm cuối cùng gồm 2 nốt móc đơn và 1 nốt đen chấm; khiến cho các đoạn nhấn của bài càng kỳ quặc hơn. Tiếp đến là cách chuyển đổi hợp âm nhiều đến chóng mặt. Trên tông giọng Am (la thứ), các hợp âm trong khuông đầu tiên lần lượt là Am7(b13), Fmaj9, G9(add13) và Dm9(add13) được chơi theo đúng 4 cụm được chia kể trên, để rồi sau đó ở khuông nhạc tiếp theo, bài hát bỗng chuyển oạch sang hợp âm A (la trưởng) thay vì là Am, tạo sự pha lẫn giữa màu sắc tối của giọng thứ với một hợp âm trưởng. Ngoại trừ hợp âm A, các hợp âm trước đó đều là những hợp âm jazzy "đắt giá" mở rộng vô cùng phức tạp nhưng lại có âm sắc độc đáo khi được gắn kết mượt mà trên cây đàn piano.
Tôi không nhớ lần gần nhất có một ca khúc nhạc Pop nào được chơi với nhịp lẻ như vậy. Ngoại trừ "kẻ biến hình" Björk là hay đùa giỡn với nhịp phách, có lẽ chỉ có "I Was Made For Loving You", ca khúc mà Ed Sheeran viết nhưng không dám cho vào album của mình, hay xa hơn nữa thì là "Hey Ya!" của Outkast.
Chưa hết, bài kết cho album Empathogen này của Willow, "Big Feeling", còn điên hơn với nhịp 7 cho đoạn verse, nhịp 4 cho đoạn bridge, điệp khúc qua lại giữa hai khuông nhip 4 và một khuông nhịp 6, cộng với những đoạn chơi nhịp 4 nhưng thực ra là sự kết hợp giữa 7 và 5 ở cuối đoạn hook. Không ai khác mà chính tay trống kỳ cựu QuestLove đã khen ca khúc này hết lời về cấu trúc phức tạp của nó. Nhân tiện thì Willow, nhà sản xuất Chris Greatti, và tay trống Asher Bank chơi trong bài này vốn là bạn từ nhỏ và có cùng đam mê "cày" nhạc của King Crimson!
Thế nhưng để có được âm thanh không chỉ David Bennett, QuestLove, và những nhà phê bình âm nhạc khác ca ngợi đến vậy, Willow đã phải từng bước mày mò từ những ngày đầu, điều có thể thấy rõ qua từng album nhạc của cô gái.
Album đầu tay Ardipithecus (2015) có âm thanh Neo Soul phá cách, tuy nhiên định hướng nhạc của cô vẫn còn lập lờ khi chưa đưa được các bài hát đạt tới cảm xúc cuối cùng. Tới album The 1st (2017), Willow đã dường như đã hình thành một phần con đường cho mình khi số track trong nửa đĩa đều để lại dấu ấn của chất Soul hợp giọng hát của cô. Cái hay trong album này là những đoạn phá cách như phần hook phong cách Rock của bài “Human Leech”, tiếng đàn acoustic guitar lẫn tiếng kèn ở bài “Lonely Road”, hoặc kiểu hát mang phong cách Tori Amos trong bài “A Reason”. Đừng quên là chất thể nghiệm dị thường vẫn được tiếp nối ở album này và còn tiếp tục phát triển đúng hướng hơn nữa trong các nhạc phẩm sau. Đúng vậy, album cùng tên Willow (2019) có loạt các track rất ấn tượng như “Like A Bird”, “Female Energy, Part 2”, “Time Machine”, “PrettyGirlz”, “Samo Is Now”, “U Know”.
Kể từ khi Willow tham gia công việc sáng tác và sản xuất cho các nhạc phẩm của cô, có thể thấy cái gu khác thường của cô thể hiện rõ sự sáng tạo vượt hơn cả những người khác trong gia đình cô về tính nhạc. Các nhạc cụ được đưa vào phần mix hợp lý. Những vòng hợp âm jazzy, như bài “PrettyGirlz” rồi cách dùng nhịp lẻ trong “Samo Is Now” thực sự gây choáng ngợp với người nghe trước tài năng của một cô gái lúc này chưa đầy 20 tuổi.
Cho đến thời điểm này, Willow đã chứng tỏ khả năng sáng tạo hơn người của mình khi chèo lái âm nhạc đi theo các nhánh riêng mang màu sắc nhạc Soul, Neo Soul, Dream Pop của mình. Thế nhưng với nhạc Rock, cô hẵng còn loay hoay để tìm được bản mix tổng hòa phù hợp của riêng mình. Album đôi The Anxiety (2020) mà Willow hợp tác với Tyler Cole giống như những phép thử mạnh dạn hơn với nhạc Rock. Có điều số bài đủ sức nặng để tạo ấn tượng hẵng còn ít. Kể cả tới album Lately I Feel Everything (2021) sau đó cũng vậy, phần mix mang phong cách Pop Punk, Pop Rock dù được cải thiện nhưng Willow lại đánh mất đi yếu tố gây bất ngờ như vòng hợp âm dị và các nốt nhạc độc đáo trong giai điệu hát mà cô làm tốt ở mấy album trước đó. Hai track hay nhất của album cuối cùng lại là bài “t r a n s p a r e n t s o u l” và “Gaslight” nhờ năng lượng bốc lửa qua phần trình diễn của tay trống Travis Barker. Và rồi âm thanh Rock mà Willow kiên trì theo đuổi, bất chấp lời can ngăn của hàng đĩa, cuối cùng cũng được hoàn thiện theo một công thức tuyệt hảo, đậm khí thế của tuổi trẻ mà lại có cái hồn rất riêng của những nghệ sĩ da màu qua album Coping Mechanism (2022).
Tôi vẫn nhớ lần đâu nghe album Coping Mechanism. Đó là khi tôi chưa hề biết Willow là ai. Cái âm thanh Pop Punk với những yếu tố phức tạp không mấy khi thấy được trong thể loại này khiến tôi sững sờ và bất ngờ khi nó lại được thể hiện bởi một cô ca sĩ da màu. Coping Mechanism thực sự là bảng tổng hòa hoàn hảo của thứ nhạc mà những nữ ca sĩ như Avril Lavigne hay gần đây là Olivia Rodrigo hẵng còn thiếu. Với Avril Lavigne, cô chuyển tải những yếu tố cần trong dòng Pop Punk của tuổi trẻ nhưng sự đơn giản trong tính nhạc vẫn còn đó. Olivia Rodrigo làm tốt hơn với Guts khi có sự phá cách đầy cá tính. Có điều, yếu tố bất ngờ mang chất nghệ thuật lại được Willow làm tốt hơn cả.
Nếu để ý từ album trước đó, Lately I Feel Everything, Willow đã tìm được công thức gần như hoàn chỉnh với bài “t r a n s p a r e n t s o u l” kh icoo có được sự cân bằng giữa yếu tố Punk đầy năng lượng của tuổi trẻ nông nổi, nhưng cũng lại có yếu tố mềm trong các hợp âm thứ xen lẫn và cách cô ngân dài các nốt giai điệu ở điệp khúc trên các câu bass giai điệu.
Từ đó Willow áp dụng sang một đĩa nhạc hoàn chỉnh là Coping Mechanism, trong đó không chỉ là những power chord, mà còn là màu nhạc hơi tối và cảm xúc ở những giai điệu soulful nhưng được hát hết năng lượng của một rocker da màu. Bài “<maybe> it’s my fault” có những khúc đậm chất Pop Punk trong đoạn verse, thế nhưng lại chuyển đổi qua các khúc nhạc khác nhau không hề dễ đoán bởi sự phong phú trong cách chuyển đổi hợp âm lẫn tông giọng. Cách Willow hát xen kẽ những đoạn cao khàn đặc theo tinh thần của nhạc Rock, nhưng sau đó lại là lối ngân nga lên xuống cực ngọt dưới linh hồn của nhạc Soul. Rồi như bài “Falling Endlessly”, cái nốt nhạc cao vút mà Willow chọn trong câu điệp khúc thực sự lạ tai và khó đoán. Nó như đẩy cả bài nhạc sang hẳn một thế giới khác. Đó là vì Willow rất khéo léo khi chuyển đổi qua các vòng hợp âm khó đoán, dẫn dắt đôi tai người nghe làm quen với hợp âm C trong đoạn verse và C# trong đoạn pre-chorus nhưng rồi lại nhấn vào C#m ở điệp khúc. Không những vậy, âm giai nhạc Trung Đông ở đoạn pre-chorus xen giữa càng tăng sự tương phản của những khúc nhạc trong một album Pop Punk khác người. Trong khi mọi người thường cố chơi guitar cho nó có âm sắc giống như giọng hát thì Willow lại có cách thể hiện giọng ca của mình như một nhạc cụ.
Dễ dàng thấy là từ Coping Mechanism đến album Empathogen mới nhất, Willow lại một lần nữa gây bất ngờ khi quay ngoắt 180 độ, chuyển đổi từ thứ nhạc Punk đầy sức nặng sang một album trầm lắng và tĩnh lặng. Cô gái dường như còn lấy cảm hứng từ Fiona Apple qua cách sáng tác trên nền nhạc tối giản của bài “Home”, giống như Fiona và album Fetch The Bolt Cutters. Với những track nhạc nền đơn giản mà tiếng guitar làm chủ đạo trong “Ancient Girl”, “The Fear Is Not Real” và “Pain For Fun” (feat. St. Vincent), Willow vẫn tạo nên những ca khúc đầy mê hoặc qua cách hòa âm các lớp bè vocal tuyệt hay và cách luyến láy trên mọi nhịp điệu. Thực sự khả năng sáng tác giai điệu của Willow đã đạt tới đỉnh cao của tính sáng tạo.
Như ca khúc “Symptom of Life” có nhắc tới ở trên, tôi có cảm giác Willow cứ thế tuôn ra các câu nhạc giai điệu đầy phức tạp trên nền backbeat của tiếng đàn piano biến chuyển phức tạp và nhịp điệu lẻ của phần trống mà những nghệ sĩ hợp tác với cô thu âm gửi sang. Kể cả trên cùng những đoạn nhạc cùng hợp âm, cô lại có cách chọn các nốt nhạc khác nhau, lúc tạo sức căng, lúc lại giải tỏa cảm xúc theo một chiều hướng mới. Cái tài của cô là nốt nhạc mà Willow hát không nhất thiết nằm trong hợp âm của bài, mà lại là một nốt nhạc lạ, giúp mở rộng và tạo âm sắc mới cực ngọt, mà lại không bị ngang tai, thứ mà âm nhạc Pop ngày nay gần như vắng bóng.
***
Khi nhìn ngược lại sự nghiệp âm nhạc của Willow, chúng ta chợt nhận ra một cô con gái muốn thể hiện sự độc lập của mình bằng cách vùng thoát khỏi cái bóng của ông bố bà mẹ nổi tiếng bằng việc lựa chọn một con đường riêng khác xa lối đi bằng phẳng trải sẵn hoa hồng từ thời Willow thử sức với “Whip My Hair”. Và lối đi đó thậm chí còn không giống các nghệ sĩ nhạc Pop khác mà chúng ta nghe trên các bảng xếp hạng bởi sự khác thường trong phong cách nhạc của Willow. Bởi vậy sau những đoạn chông gai mà chúng ta có thể cảm nhận được những lần “bước hụt hay vấp” trong những album đầu tiên, các nhạc phẩm gần đây là minh chứng cho một WILLOW tự tin với phong cách nhạc đa dạng mà cũng lại rất riêng của cô.
Cứ xem Willow trong Tiny Desk Concert, hay ôm cây đàn guiar diễn cùng band trong chương trình The Tonight Show Starring Jimmy Fallon để hát những bài nhạc có độ phức tạp cao về giai điệu lẫn nhịp điệu thì mới thấy cô gái tự tin làm chủ âm nhạc của mình đến như nào. Vậy nên chắc chắn một điều là Willow có được thành công với thứ nhạc kén khách như này là hoàn toàn do tài năng của riêng mình, chứ không phải nhờ vào hoàn cảnh của một “nepo baby”.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments