Ông Kink từng kể cho tôi chuyện về ban nhạc Faith No More với loạt những nhạc phẩm xuất sắc. Nhưng một điều nực cười là lần mà họ bước một bước hụt trong sự nghiệp lại là khi ban nhạc phát hành album mang cái tên rất kêu, Album Of The Year, để rồi đó trở thành đĩa nhạc bị đánh giá thấp nhất trong sự nghiệp âm nhạc của họ, ngược hẳn với tiêu đề của nó.
Câu chuyện đó bỗng gợi tôi nhớ đến rapper Big Sean, người mà những fan của nhạc Hip Hop sau khi nghe nhạc của anh thường sẽ chia ra làm hai nhóm: (1) thích và (2) coi thường. Hai nhóm này đối lập đến độ, trong các cuộc bàn luận về 4 vị rapper của những thập niên 2010 trở lại đây mà xứng đáng được tạc tượng như hình điêu khắc của 4 vị tổng thống của nước Mỹ trên Núi Rushmore sẽ là Kendrick Lamar, Drake, J. Cole và (điền vào chỗ trống), thì vị thứ 4 này sẽ là Big Sean nếu đó là fan của anh, còn những anti sẽ gạt phăng để chọn lấy một ai khác như Future hoặc Nicki Minaj trước khi không quên buông vài lời chê bai Sean bằng những từ nặng nề như “rác”. Có điều, sự coi thường dành cho Big Sean lan rộng đến mức, thật khó nghĩ anh sẽ thấy sao khi từng đặt tên cho hai album studio đầu tay của mình với đầy sự tự tin, lần lượt là Finally Famous (2011) và Hall Of Fame (2013).
Người Việt ta thường có câu “Nói trước bước không qua” và với trường hợp của Big Sean, anh đã nói trước hai lần liền và đều gần như có thể coi là hai lần bước hẫng.
Hẫng lần 1
Đầu tiên là album Finally Famous. Thực ra, khi Sean tung ra album chính thức đầu tiên này, anh đúng là “mãi rồi cũng nổi tiếng”. Đĩa đơn “My Last” với sự tham gia của Chris Brown đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của thể loại Rap và album này đạt vị trí số 3 trên Billboard 200 ở tuần đầu tiên, trước khi tụt xuống vị trí số 9 ở tuần sau đó với số lượng đĩa bán ra cũng không hẳn xuất sắc. Dưới trướng của người đỡ đầu Kanye West, album này quy tụ đầy đủ những anh tài gồm No I.D., The Neptunes và dĩ nhiên Kanye trong vai trò sản xuất, cùng với Lupe Fiasco, John Legend, Chris Brown trong vai trò khách mời feature trong các bài rap.
Nhưng mà để cho ra được album Finally Famous vào năm 2011 này, thực tế là trước đó Big Sean đã phải phát hành tới 3 bản mixtape, Finally Famous Vol. 1: The Mixtape (2007), Finally Famous Vol. 2: UKnowBigSean (2009) và Finally Famous Vol. 3: BIG (2010). Tức là phải sau 3 năm rưỡi kể từ khi phát hành mixtape đầu tiên thì album phòng thu của anh mới chính thức được bày lên kệ tại các cửa hàng đĩa, để anh có thể yên tâm tuyên bố “finally famous”, dù là tôi nghĩ cái tên “Finally Released” sẽ phù hợp hơn với hoàn cảnh này.
Phải nói đây là một sự nỗ lực, cần cù và đặc biệt lòng kiên nhẫn đáng nể từ phía Big Sean kể từ khi anh được ký hợp đồng thu âm với một người nổi tiếng như Kanye West.
Trước tiên phải quay về thời điểm năm 2005, khi Big Sean nghe một cậu bạn mách là Kanye West sẽ ghé qua bên đài 102.7 FM trong đợt quảng bá album Late Registration, anh đã chạy vội tới để đón đầu và xin Kanye cơ hội được thể hiện trình rap của mình. Sau một hồi lưỡng lự, Ye cho Sean cơ hội freestyle thử, và từ 16 khuông nhạc, bỗng chốc màn diễn thử đó của Sean đã được kéo dài tới 10 phút. Nhưng phải mất tới 2 năm sau, Sean mới được Ye ký hợp đồng thu âm với G.O.O.D. Music. Theo thường lệ, những nghệ sĩ mới sẽ mất 1-2 năm từ khi ký hợp đồng để có được cơ hội tung ra album đầu tiên, nhưng thành công không đến với Sean dễ dàng như vậy.
Với bản mixtape đầu tiên mang tên “Finally Famous” được phát hành chỉ vài tuần sau album Graduation của Kanye West, Big Sean không thể lọt vào radar của thị trường mainstream để có thể tìm được thành công xứng đáng với chữ “famous”. Không nản chí, Sean tiếp tục với hai mixtape sau đó, trong đó riêng bản mixtape thứ hai, có tới 30 track, cho thấy sự quyết tâm để chứng tỏ bản thân đến nhường nào. Trong bản mixtape thứ hai, một track đáng lưu ý là bài “Say You Will” khi Sean tường thuật về việc anh may mắn đã được lọt mắt xanh của Kanye như nào (“And it’s a dream come true that you signed me / Big Sean, G.O.O.D. Music signee / People asking me how it happened, man I tell 'em / I Rolex-ed the situation and just had perfect timing”), nhưng cũng lại vất vả khó khăn ra sao khi chưa có được sự chú ý quan tâm của chính Ye và hãng đĩa ra sao (“Meetings at the label saying they gon' make Sean blow / Turned the radio on and do I hear Sean? No / Man please do not gimmick me, put me on the shelf and not remember me / And treat me like a John Doe”, trong đó “John Doe” mang nghĩa chỉ một người vô danh) đầy chân thành trên nền nhạc instrumental của chính bài rap cùng tên nằm trong album 808s & Heartbreak của Ye.
Rồi tới khi Big Sean dần có được tiếng vang sau mixtape thứ hai và thứ ba, đó là thời khắc hoàn hảo để anh tung ra album đầu tay cho hãng đĩa G.O.O.D. Music và hướng tới “danh tiếng” trong giới mainstream mà anh vẫn khắc khoải có được. Nhưng không, lịch phát hành vào tháng 9 năm 2010 của album đã lại phải dời lại đến cuối tháng 6 năm 2011 để nhường sóng cho album My Beautiful Dark Twisted Fantasy của Kanye West và Man On The Moon phần 2 của Kid Cudi.
Khi album Finally Famous được tung ra, ngoài mấy bản hit single, đáng chú ý còn là những track nhạc như “I Do It” hoặc “Get It (DT)”. Trong “I Do It”, bên cạnh phần lời khá thú vị, Sean còn đưa những từ lạ tai lạ mắt như “widdity-wid”, “sippity-sip”, “giggity-get”, “cock-a-mamian”, “zaniest”, “insaniant”, “Merced-iance” để gieo vần và tạo độ dính trong phát âm, tăng sức hấp dẫn cho flow. Nhưng bắt tai nhất là cách Sean đọc cụm từ “I do it, do it” và “Boy” trong đoạn pre-chorus với kiểu giọng trầm và chill, nhất là khi với người Việt Nam mà nghe Sean nói từ “Boy” sẽ thấy âm điệu đó còn bắt tai hơn rất nhiều vì âm phát ra rất giống với từ “Bu0i” bậy bạ mà các bậc phụ huynh sẽ nạt ngay nếu bắt gặp con mình lỡ mồm nói ra. Trong “Get It (DT)”, Sean thể hiện sự sâu sắc của lời rap qua những đoạn lời đầy ẩn dụ như “Imagine and make it happen, I prayed about it and grabbed it / My life is a fucking movie, the baddest bitches get casted / I'm in a race with myself to see who could get it the fastest”; hay như “Look: I turn all my problems to ash / All my wants into haves and then divided it by half / Pass it on to my man, write my will out then / Pass it on to my fam and finally become a man”.
Và thế là sau bao năm nỗ lực và cứ tưởng như Big Sean sẽ sớm nhón chân vào thị trường Hip Hop mainstream khi ở dưới trướng Ye, thì phải mất tới khoảng 6 năm sau cái ngày anh gặp được Kanye, thì Sean mới “cuối cùng trở nên nổi tiếng” thực sự. Âu cũng tại anh đã quá vội vã đặt cái tên đó cho ngay từ bản mixtape đầu tiên.
Hẫng lần 2
Rồi tiếp đến là khi Big Sean phát hành album Hall Of Fame. Tôi nghĩ ý đồ của Sean khi đặt tên này cũng để theo cùng chủ để “danh vọng” một cách đồng nhất. Thế nhưng đen cái là mặc dù đa phần lời đánh giá của giới phê bình là tích cực, có một điểm chung mà người ta đồng tình, đó là album không đủ tầm để xếp vào hàng nhạc phẩm kinh điển như cái tên “Hall of Fame” / “Đại sảnh Danh vọng” hướng tới. Không những thế, về mặt thương mại, Sean còn bị dính phải cái dớp của lời nguyền album thứ hai khi số đĩa bán ra đã bị giảm so với đĩa đầu tay, và chỉ tới tuần thứ hai, khi nó tụt từ vị trí số 3 xuống hẳn số 24 là mọi người đã đủ kết luận Hall Of Fame là một sản phẩm thất bại về doanh thu. Album này thiếu sức hút đến mức đám Pitchfork còn chả thèm viết review.
“Thất vọng” có lẽ là từ thích hợp để tả cảm nghĩ của những người đang yêu mến Big Sean từ mấy bản mixtape và album đầu tay của anh. Đã thế, vào năm 2012, Sean tiếp tục là cái tên gây sốt khi phát hành thêm mixtape thứ tư – Detroit, cũng như đồng thời xuất hiện trong 2 single “Mercy” và “Clique” ở Cruel Summer - album tổng hợp của Kanye West và hãng đĩa GOOD Music, khi anh được rap cùng với Ye, Jay-Z, Pusha T và 2 Chainz. Thế nên, sức nóng của cái tên “Big Sean” cộng với kỳ vọng cho một album thứ hai xuất sắc mang tên Hall Of Fame càng dễ dẫn tới sự thất vọng tràn trề khi album này ra lò.
Một số lời chê nhẹ nhàng là đĩa nhạc có quá nhiều track filler để lấp đầy mà không có mục đích hay định hướng. Nặng hơn chút là Big Sean dường như thích tỏ vẻ thể hiện khi đặt tên cho một album mất hẳn sức hút của đĩa Finally Famous, đã thế còn cắt bỏ một track nhạc gây bão trước đó mang tên “Control” với sự tham gia của Kendrick Lamar và Jay Electronica. Lý do cho “Control” không xuất hiện trong album này là bài nhạc không xin phép được cho bản sample, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, đó cũng là điều tốt vì Sean không nên đưa một bài mà bị khách mời Kendrick tỏa sáng, che mờ hoàn toàn “vị chủ nhà” trong album của mình như vậy.
Có điều nặng nề nhất chính là từ sự thất vọng với album này mà nó tạo ra một làn sóng những lời phê bình cay nghiệt đeo đẳng suốt với Sean cho tới cả những năm gần đây. Miễn bàn sâu tới Double Or Nothing (2017), album hợp tác của anh với producer Metro Boomin mà Sean bị chê là rap lạc điệu và có nhiều đoạn lời không chỉ thiếu trau chuốt mà còn kém sáng tạo (ví dụ như đoạn lời “Pussy so good, I never fuck you in the ass / Got a long dick, that shit barely fit” trong bài “So Good”). Khi mọi người đào bới từ những album đầu tiên cho đến giờ, mặc cho lối flow của Big Sean nghe khá là sướng tai trong âm sắc lẫn nhịp điệu, chính phần nội dung lời của anh lại gặp vấn đề lớn nhất. Lỗi thường gặp của Sean là những câu punchline của anh một là đánh trúng mục tiêu, còn không thì sẽ trượt một cách thảm hại. Các rapper dù giỏi cũng có những lúc bị vấp khi sáng tác ra đoạn lời gây khó chịu, nhưng với Sean, anh có vẻ bị thường xuyên hơn và khi vấp, anh sẽ trượt ngã đến sml.
Ví dụ như trong bài “I Do It” ở album Finally Famous, có đoạn “She put that thong on my groin-groin / And then it go boing!” nghe đến mức khó hiểu sao Sean có thể rap một đoạn lời kém chất lượng đến như vậy. Rồi ở bài “You Don’t Know” trong ablum Hall Of Fame, Sean bị lặp từ hoặc có lối gieo vần thiếu sáng tạo khi rap: “And get fucked up like we was out of town / Woah, then get fucked up and go get out of town”, hay “Lose not to much champagne, no throwing up / One time for the set, please go throw it up”, hoặc cách chơi chữ giữa “feelings” (cảm xúc) và “fillings” (trám răng trong nha khoa) không mang lại ý nghĩa sâu xa cho đoạn lời “I don't give a fuck about feelings, I ain't no dentist, either I did, I do or I didn't”.
Đối với những người Mỹ cùng chung văn hoá và lịch sử, họ còn cảm nhận được mức độ “dở” trong phần lời của Sean một cách rõ nét hơn như trong bài “All Figured Out” của album Hall Of Fame, đoạn lời “They taught me that I had to dream, black history month / I wake up and treat the day like stack history month / I'm talkin' Malcolm Flex, Jessie Rackson / Front of the plane: I'm Rozay Parks” của Sean thực sự không nên phát ra từ mồm anh. Lý do vì với mọi sự tôn trọng dành cho tháng tôn vinh những con người gốc Phi như Sean, anh không nên nói theo kiểu “với tôi tháng nào cũng như vậy”, và khoe khoang theo cách biến hóa những cái tên của những nhân vật lịch sử, từ Malcolm X thành Malcolm Flex (với flex nghĩa là khoe mẽ như các bạn đã biết), từ Jessie Jackson thành Jessie Rackson (mà Racks nghĩa bóng chính là tiền), và từ Rosa Parks thành Rozay Parks (trong đó không chỉ Rozay mang nghĩa rượu champagne, mà cụm từ “front of the plane” trước đó cũng ám chỉ việc Sean được ngồi khoang hạng nhất trên máy bay để liên tưởng tới hành động nhà hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng cho người da màu - bà Rosa Park đã từng bị bắt vì không nhường ghế phía trước trên xe buýt cho một gã đàn ông da trắng). Nói một cách khác, Sean dùng những phép liên tưởng thiếu kính trọng tới những con người đã giành cuộc đời họ đấu tranh cho những người cùng sắc tộc với anh, chỉ để cho mục đích khoe khoang, có phần trịch thượng.
Đây là lý do mà khi Big Sean phát hành album Dark Sky Paradise (2015) sau đó, anh không những nhận được nhiều lời khen ngợi vì bước chuyển hướng trong nội dung chân thành và bộc bạch về bản thân, thay cho phần lời lẽ tự kiêu trước đó, mà album thứ ba này còn được nhiều cảm tình của người nghe hơn, dẫn tới số lượng đĩa bán ra tốt đến không ngờ. Ngay tuần đầu tiên Dark Sky Paradise đã đạt vị trí số 1 trên Billboard với số đĩa bán ra gấp 2,5 lần Hall Of Fame và cho tới giờ, tổng số đĩa bán được và nghe trên nền tảng stream của Dark là 2 triệu bản, so với con số 500 nghìn khiêm tốn của Hall.
Và các bạn còn thấy điểm gì khác biệt nữa không? Đó là cái tên “Dark Sky Paradise” của album thứ ba này cũng dường như mang một hàm ý đa nghĩa với hình ảnh đối lập của một “thiên đường” với “khung trời tối tăm”, khác xa một “Đại sảnh Danh vọng” được tuyên bố đầy vội vã.
***
Với cá nhân tôi, album Hall Of Fame của Big Sean không tệ tới vậy, dù là các track trong đó không có nhiều đoạn verse đủ gây ấn tượng. Thậm chí cùng với Finally Famous, Hall Of Fame, Dark Sky Paradise, và gần đây là Detroit 2 (2020) đều là những album ưa thích của tôi khi nghe nhạc của Sean. Bởi nhìn chung về mặt âm điệu, anh rất biết cách sáng tác những đoạn flow nghe rất cuốn lỗ tai.
Ví dụ như trong album Hall, bài “Nothing Is Stopping You” có phần beat đảo phách khá là khó để bắt theo nhưng Sean rap ngon ơ trên nền nhạc đó. Hoặc như “10 2 10”, anh có cách đổi nhịp điệu lẫn cao độ của giọng rap phù hợp cho con beat khá hoành tráng này.
Rồi trong album Dark, cũng trên nền trống lệch phách khó như “Blessings” mà Sean cũng lạng lách qua nhịp flow cực trơn tru. Anh thể hiện kỹ thuật rap hơi dài không đứt trong nhiều track như “All Your Fault” và “Deep”, và khả năng bám chắc nhịp chính cả khi rap những chùm âm nhịp lẻ kéo dài rất khó trong “Paradise”. Hay trong album Detroit 2, tôi rất thích cách Sean tăng tốc từ flow đều đặn theo đúng nhịp phách sang nhịp độ các từ nhanh hơn cuốn vào nhau ở cuối verse 1, và đổi giữa tông trầm và tông cao cũng như tăng nhanh tốc độ cuối verse 3 cực chất trong bài "Respect It".
Về nội dung, Sean vẫn có những đoạn lời hay như:
- “Yeah, praying to a sky all black / Looking at the stars like they finna talk back / Looking at my phone like she finna call back / But last night I feel like probably ended all that / 'Cause by now, she woulda sent a text in all caps / Then another one tryna take it all back” trong bài “Beware” ở album Hall Of Fame. Không cần cầu kỳ nhưng chỉ cần mở đầu như vậy là Sean đã nói lên bao nhiêu thứ từ khung cảnh như đồng cảm với hoàn cảnh của nhân vật.
- “I live the life I deserve, blessed / Fuck a vacay, I feel better at work / I mean, whatever it's worth, I give whatever I'm worth / For my n****s who gon' go to Hell and back for me / I'ma give 'em Heaven on Earth / Or a hell of a check, yeah, whichever come first / Blessings on blessings on blessings / Look at my life, man, that's lessons on lessons on lessons” trong bài “Blessings” ở album Dark Sky Paradise. Một đoạn lời tâm sự đầy chân thành của Sean, khi mà không chỉ có vần đa âm mà còn đoạn lặp từ “blessings” với “lessons” hay và ý nghĩ vô cùng.
- ”And I'll never take that shit for granted even when the marble floor and counter top is all granite / Back before I got paid any advances, back when my rollie was ticking, no dancing / N****, never did I slip or I panic, even if I was the captain of Titanic / Riding through the north Atlantic, homie, I never jumped crew or abandoned, homie” trong bài “Paradise” ở album Dark Sky Paradise. Sean gieo vần hai âm gần nhau “granted” và “granite” để nói đến việc anh luôn coi trọng những gì mình có cả khi vật chất anh đã đầy đủ, hay như cách anh nói khéo chuyện anh luôn giữ bình tĩnh và làm chủ như vị thuyền trưởng của tàu Titanic, không bỏ bạn bỏ bè, kể từ khi cuộc sống anh còn nghèo khó (với hình ảnh ẩn dụ của chiếc Rolex giả nên mới có tiếng kim đồng hồ kêu tick trong “my rollie was ticking”).
- "No more breaks, dawg, it's time to break hearts / I don't take disrespect, I take charge / I'm in the mirror lookin' at a work of art / Hard work don’t mean shit if it ain't smart" trong bài "Harder Than My Demons" ở album Detroit 2. Phần mở đầu ấn tượng trên dẫn dắt người nghe tới một đoạn verse dài với đầy năng lượng và kiêu hãnh của Sean, như một lời cám ơn tới Chúa đã cho anh niềm tin để nỗ lực thể hiện mình, bất chấp sự coi thường của những kẻ mà anh ví như "demons".
Dù vậy, tôi cũng hiểu cho những ai buông lời chê bai Sean. Bởi nhiều khi chỉ cần một số câu rap gây tụt hứng trong một bài rap chất lượng ok cũng có thể đủ khiến người ta gạt khỏi playlist của mình. Thế nên dù Sean có thể chăm chỉ và nỗ lực hết mình khi sáng tác, nhưng chỉ một lúc ngơi ra và trở nên dễ dãi mà anh có thể đánh đổi phần nào chất lượng trong tổng thể một bài rap hoặc với cả một album. Đây chính là yếu tố dẫn tới việc các đĩa nhạc của Sean sau này dù có đạt mức khá ổn về mặt chất lượng, nhưng chúng không thể nào với tới một chuẩn mực cao hơn; thậm chí có lúc còn thất bại thảm hại, như trường hợp của đĩa Double Or Nothing bị chê tơi bời dù có bàn tay vàng của producer Metro Boomin.
Thế nên nhạc của Big Sean mới chia người nghe làm hai thái cực. Ai ghét thì sẽ luôn có lý do để đay nghiến. Còn ai ưa thì cũng có thể tặc lưỡi mà bỏ qua. Biết đâu nếu Sean không từng đặt những cái tên nghe quá kêu như “Finally Famous” và “Hall Of Fame” thì mọi người sẽ bớt soi sét hơn chăng?
Hẹn gặp lại!
Kunt
Comments