top of page

Def Leppard: Rock có còn nặng khi Rock an toàn?

Có một thống kê khá giật mình giữa các ban nhạc Rock ở thị trường Mỹ. Đó là chỉ có 4 ban nhạc Anh Quốc bán được hơn 10 triệu đĩa tại đây được nhiều hơn 1 lần. Ngoài 3 ông lớn Beatles, Led Zeppelin, và Pink Floyd, thì band thứ tư là Def Leppard. Xin lỗi Queen, Rolling Stones, và cả Elton John nhé!


Nếu như số liệu trên còn chưa đủ thuyết phục, tôi có một số liệu khác gần gũi với thực tế hơn. Chỉ có 2 ban nhạc Rock tôi có thể mở trong lúc đứng rửa bát, tức là lúc cuối ngày khi những tia hy vọng cuối cùng về một ngày có chút vui tươi đã tắt ngấm và tôi vẫn còn có cơ hội có thể bị ai đó cằn nhằn vì mở nhạc đêm khuya. Band thứ nhất là Kiss, và band thứ hai là Def Leppard.


Miễn là ăn tiền” – ai đã nói vậy trên EmoodziK nhỉ?


Tin tốt là có khá nhiều album của Def Leppard để lựa chọn ngoài hai đĩa thuộc hang kinh điển về thương mại mang tên PyromaniaHysteria kia. Đĩa hay nhất đối với tôi có lẽ là High n’ Dry, và tiếp sau đó là Adrenalize (1991). Không thể phủ nhận sự ổn định đáng ngạc nhiên của ban nhạc Rock nhiều chị em thích này qua suốt hơn 4 thập kỷ, và thậm chí mới vừa rồi, họ lại tiếp tục ra album Diamond Star Halos (2022) đầy hứng khởi với thứ Glam Metal bỗng nhiên được trở lại.


Đúng là Def Leppard đã trở thành cái tên đảm bảo ăn tiền, nhưng cũng vì thế, âm nhạc của họ luôn có một sự an toàn nhất định. Tiếng guitar không chơi quá nặng và dày đặc dù họ có trong tay hai tay guitar thượng thừa như Phil Collen và Vivian Campbell, tiếng trống một hai với âm thanh cực trau chuốt, và giọng hát đầy chất rock của Joe Elliot kia, dường như không bao giờ muốn thử sức với những câu gào thét mà chỉ cất giọng khàn ngọt ngào làm mê mệt các chị em. “Love Bites” hay “Make Love Like a Man”, thế đấy.


Có phải tôi vừa vừa nhắc đến hai chữ thượng thừa khi mô tả hai tay guitar của Def Leppard? Vivian Campbell, hẳn ai cũng biết tài năng của anh khi được không ai khác ngoài Ronnie James Dio chọn mặt gửi vàng cho sự nghiệp solo của ông, với những màn trình diễn đã đi vào kinh điển trong Holy Divers (1983) hay The Last in Line (1984).

Còn Phil Collen, chắc hẳn cũng đã từng làm khối người ngạc nhiên khi được Joe Satriani lừng danh mời tham dự tour G3 (và sau đó là G4), một vinh dự mà ngoài những cái tên hiển nhiên như Steve Vai, John Petrucci, hay Eric Johnson, khán giả ít nhất cũng thường trông đợi để được trông thấy những người như Paul Gilbert hay Joe Bonamassa trong đội hình. Collen đã làm thỏa mãn những khán giả hoài nghi nhất trong suốt tour diễn với những màn shredding (đúng nghĩa là shredding đấy!) điên cuồng khác hẳn với những màn trình diễn réo rắt cùng Def Leppard. Dù rằng khả năng shred và chơi alternate picking của Collen đã được đồng đội của anh, Vivian, thừa nhận từ rất lâu. Chính Vivian Campbell từ khi tham gia Def Leppard cũng ít chơi guitar solo hẳn lại mà lùi lại chơi rhythm, cũng bởi Phil Collen quá toàn năng trong phần solo guitar rồi.


Nhưng nếu chỉ xem những màn trình diễn của Def Leppard, dù rằng đã mắt lắm rồi, khán giả cũng không ngờ Phil Collen đã giữ lại hết cho riêng mình khi anh chơi trong ban nhạc lớn, những người anh em của anh đã chơi cùng nhau trong suốt hơn 4 thập kỷ với ít sự thay đổi đến mức khó tin trong lịch sử nhạc Rock. Có lẽ với tất cả những gì xảy ra sau tai nạn xe hơi khiến tay trống Rick Allen mất một cánh tay hồi năm 1984, và rồi sau đó vào năm 1991 tới lượt người đồng đội chơi guitar ăn ý Steve Clark chết sớm vì chất kích thích khi mới chỉ 30 tuổi, Phil Collen đã chọn cách tiếp tục cùng Def Leppard và chèo lái ban nhạc theo đuổi một sứ mệnh có lẽ không giống bất cứ ban nhạc nào: sự trường tồn.


Thành lập vào năm 1977 từ hai người bạn thân Rick Savage chơi bass và Pete Willis chơi guiar, Joe Elliott xin được vào band với vai trò guitar thứ hai nhưng rốt cục lại được định đoạt là ca sĩ của ban nhạc. Chả sao, Elliott nghĩ ra cái tên nghe kêu lách chách là “Deaf Leopard”, và các anh em còn lại cuối cùng quyết định chơi chữ lại thành Def Leppard cho ngầu. Steve Clark, tay guitar thứ hai, và tay trống Rick Allen sau đó tham gia và họ cùng nhau cho ra một lèo On Through the Night High n’ Dry vào 2 năm đầu của thập niên 80s.


Def Leppard nhanh chóng gây được chú ý với thế giới ngay ở album thứ hai của họ, High n’ Dry (1981). Đặc biệt hơn, album này xuất hiện ở ngay tâm của cơn bão mang tên New Wave of British Heavy Metal (NWOBHM), đâm ra cũng khối người đã liệt “Báo Điếc” vào thể loại này. Của đáng tội, nếu như nghe những “It Don’t Matter” hay “Answer To The Master” từ album này, chắc hẳn cũng khối người đoán rằng mấy tay này cũng đang dần đạt tới mức "90% loading" để trở thành một NWOBHM band mới. Chí ít thì họ cũng đã chơi guitar ở level của Thin Lizzy hay Whishbone Ash rồi.


Nhưng Def Leppard không phải là Iron Maiden và dường như giống một phiên bản của Judas Priest ở thời đầu hơn. Họ có khả năng tấn công đôi tai bằng bộ đôi chơi guitar đa năng với khả năng chơi được cả rhythm và lead lẫn khả năng tương hỗ lẫn nhau. Nhưng Leppard không đề cao sự chính xác, khoa học, và tốc độ trong âm nhạc của họ. Trái lại, họ là một blues rock band với khả năng tăng tốc. Steve Clark Pete Willis trong album High n’ Dry dường như chờ đến lượt để chơi phần guitar của mình như những vị tiền bối jam nhạc Blues trước đó, chứ không phải là những tay đua nước rút với khả năng chuyền cây baton cho người tiếp theo tại những câu nhéo nốt chơi vơi.


“Lady Strange” và đặc biệt là “Switch 625”, ca khúc làm nên tên tuổi của ban nhạc Mutation lừng danh Hà Nội thuở trước, là hai trong rất nhiều những điển hình chơi guitar kiểu Def Leppard: mạnh mẽ, chắc chắn, nhưng mỗi người đều chờ đến lượt của mình. Tiếng trống điện tử đặc trưng của Rick Allen có lẽ cũng là thứ khiến cho âm nhạc của Def Leppard nghe lạ tai và khác biệt với NWOBHM Anh quốc.


Túm lại thì dường như ai cũng nhận ra ngay từ đầu Def Leppard thực ra đã xác định họ là band chơi nhạc kiểu Mỹ chứ British Heavy Metal cái nỗi gì. Chớ sao, ngay từ album đầu tay của mình, Def Leppard đã không ngần ngại hát “Hello America”, và đi tour ở Mỹ còn nhiều hơn cả ở Anh. Đến High n’ Dry, Leppard mở màn ngay bằng ca khúc đậm chất Delta Blues, “Let It Go”, với tiếng guitar và cả tiếng cowbell nữa!!! Chả mấy chốc, ai ai cũng nhận ra màn nâng cấp ngoạn mục của Def Leppard khi Joe Elliot đã có thể nói chuyện và hát bằng accent Mỹ đặc sệt – Def Leppard nhanh chóng “chú thích” điều này rằng nhạc Rock bắt nguồn từ nhạc Blues, mà cái thứ nhạc này hát bằng accent Anh Quốc nghe nói cứ sao sao. Chả phải tiền bối của họ là Mick Jagger cũng trở nên nổi tiếng nhờ ngộ ra thứ văn hóa Blues vùng Delta từ rất sớm đó ư?


Màn nâng cấp ngoạn mục thứ hai thậm chí còn quan trọng hơn, đó là việc nhà sản xuất đại tài Mutt Lange bắt đầu nhận sản xuất cho ban nhạc và cũng từ High n’ Dry, ông bắt đầu một kỷ nguyên thành công cho Def Leppard mà kết quả cuối cùng là tới hơn 100 triệu album được bán trong sự nghiệp của họ.


Nếu như bạn trót quên, thì Mutt chính là người đã tạo ra Highway To Hell trước đó và mở ra cánh cửa đưa AC/DC vào nước Mỹ. Ông cũng là người khích lệ AC/DC tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của họ khi ca sĩ Bon Scott chết đột ngột, để tiếp tục cùng Brian Johnson và album Back in Black vào năm 1980. Nôm na thì người đàn ông này ngoài khả năng sản xuất, thì dường như ông còn có khả năng tạo ra những câu chuyện “feel good”.


Nhưng trước mắt, Def Leppard tìm ra tay guitar Phil Collen để thay thế vị trí của Pete Willis, lúc này đang ngập ngụa trong riệu chè và khả năng chơi guitar đã bị sút giảm nghiêm trọng. Đội hình kinh điển của Clark-Collen-Allen-Savage-Elliot-và-Lange đã cho ra mắt Pyromania vào năm 1984, album đầu tiên đạt kim cương (bán được trên 10 triệu ở Mỹ) của Def Leppard.


Steve Clark ca ngợi Mutt Lange rằng cuối mỗi ngày, mọi người đều rời khỏi studio với trình độ chơi nhạc tiến bộ hơn và đó là nhờ Mutt. Phil Collen thì ca ngợi Mutt Lange lúc nào cũng thách thức giới hạn của mọi người, như cố hát một nốt cao hơn hay nhéo dây đàn lên thêm chút nữa. “Bạn giỏi lên trước khi bạn kịp nhận ra khi làm việc với Mutt” – Phil Collen kết luận.


Thế nên dù thích hay không, tôi cũng phải cho là cái sự thiên tài của Mutt Lange trong âm nhạc của Def Leppard thời thập niên 80s hiển hiện ở khắp mọi nơi. Từ câu riff đáng nhớ trong “Pour Some Sugar…” đến tiếng cowbell ẩn hiện trong “Foolin”. Nhân tiện, Mutt Lange đúng là mẫu nhà sản xuất mà lâu nay EmoodziK vẫn luôn tìm kiếm: càng nhiều cowbell thì càng tốt. Theo những số liệu vô dụng thì album nào Mutt Lange sản xuất cũng có ít nhất 2 bài có cowbell - vì người Mỹ hẳn là thích cowbell (theo một số liệu cũng vô dụng khác)


Nhưng có lẽ sự hiện diện của Mutt Lange là cần thiết nhất khi Rick Allen không may dính tai nạn ô tô khiến anh sau đó phải bị cắt đi cánh tay trái chơi snare. Suy sụp, dù vẫn cố gắng tỏ ra can đảm, Rick Allen và có lẽ tất cả những người xung quanh anh lúc đó đều cho rằng sự nghiệp chơi trống thế là hết.


Tất cả, trừ Robert John “Mutt” Lange.


Mutt đến gặp Rick trong bệnh viện và động viên anh chơi trống trở lại. Mutt gợi ý rằng những gì trước đây Rick làm bằng tay trái thì chỉ việc truyền xuống chân trái y chang và thay chiếc dùi trống bằng pedal mà thôi. Bị thuyết phục bởi ý tưởng đó, Rick vẫn ngần ngại rằng chưa ai từng làm như thế.


Thì cậu chính là người tiên phong” – Mutt Lange dứt khoát, và tất cả sau đó là lịch sử.


Thế là Mutt Lange đã cứu rỗi một ban nhạc Rock lần thứ hai. Tai nạn của Rick Allen tưởng như đã là một cú đánh knock out vào tham vọng của Def Leppard, thì họ đã bật dậy như Rocky Balboa vào năm 1985 và trở lại với Hysteria, album có lẽ là thành công nhất của ban nhạc – lại thêm một album đạt kim cương nữa.


Câu chuyện giữa Mutt Lange, Rick Allen và sự không đầu hàng nghịch cảnh của Def Leppard chắc hẳn tốt cho rất nhiều người, nhất là những người không may mắn bị tàn phế. Có lẽ nó cũng không cố ý giúp cho Def Leppard bán được nhiều đĩa hơn, nhưng theo tôi về mặt âm nhạc, dù muốn hay không thì đó cũng là điểm kết của những sự thử nghiệm trong âm nhạc của Def Leppard.


Tôi không thể tưởng tượng được những giờ phút chịu đau và luyện tập để dùng chân trái thay cho tay trái để chơi snare của anh. Thậm chí trong một đoạn phim tài liệu của Def Leppard, Rick Allen đã từng kể rằng lần đầu anh đứng dậy từ chiếc giường bệnh viện, anh đã té về bên phải bởi cơ thể anh không thể ngờ khối lượng mất đi từ tay trái lại lớn như vậy. Rick đã tập bắt đầu từ việc đi bộ với một nửa cơ thể “nặng” và nửa bên kia “nhẹ” như vậy, để rồi có thể tiếp tục chơi nhạc, thu nhạc, và thậm chí đi lưu diễn trên sân vận động. Với tất cả sự tôn trọng dành cho Rick Allen, phần giữ nhịp của giàn trống dù có thể được duy trì bằng sự bù đắp của đôi chân, nhưng điều này cũng phải trả một cái giá không nhỏ khi phần trống đã thiếu đi những sự bất ngờ. Đã không còn những lần tăng nhịp bằng cách chơi nhịp kép trên hi-hat, cũng như không còn những tiếng fill nghịch nhịp giữa tiếng snare và kick – dĩ nhiên rồi vì tay phải còn phải giữ hi-hat. Tôi chợt nhận ra mình đôi lúc thật xấu xí.


Thế rồi tất cả đều nỗ lực hơn và không để Rick Allen phải một tay gánh team, và sự đột biến có thể thấy đến từ khắp nơi trong Hysteria. Đó là câu riff và đoạn verse như hát rap của “Pour Some Sugar”, đó là phần bè “Love bites, love bleeds” của chính Mutt Lange trong “Love Bites”, đó là những câu riff guitar ngắn và im lặng ngay tại tiếng snare để tôn phần trống lên của cặp Clark/Collen như trong “Don't Shoot Shot Gun”, và cả những phần solo guitar đôi đặc trưng với thật nhiều giai điệu. Tất cả đã tạo nên một Hysteria thật đáng nhớ.


Có lẽ ban nhạc Rock thành công nào cũng cần một câu chuyện “feel good” giúp danh tiếng của họ truyền đi được xa hơn. Và riêng Def Leppard, thì họ có đến 2 câu chuyện như vậy. Ngay sau thành công rực rỡ của Hysteria, Def Leppard phải nhân thêm 1 cú knock out không thể gượng dậy nữa, đó là sự ra đi của Steve Clark.


Họ đã từng được mệnh danh là ‘The Terror Twins’ bởi thứ âm thanh và cả sự ăn ý ngoài đời giữa hai người bạn, Steve Clark đã từng tìm thấy ở Phil Collen sự ăn ý thậm chí còn hơn cả ông bạn cũ Pete Willis để tạo ra thứ âm thanh đặc trưng của Def Leppard bên cạnh tiếng trống điện tử của Rick Allen và giọng hát nhiều phần bè của Elliott. Ngược lại với kiểu chơi tự học của Collen, Steve Clark vốn xuất thân từ trường lớp guitar cổ điển và với sự sáng tạo của mình, Steve Clark đã từng được mệnh danh là The Riff Master. Phil Collen sẽ chơi một nốt nếu nốt đó nghe hay, còn Steve Clark sẽ phản biện rằng nốt đó có thể không đúng về nhạc lý. Steve Clark giàu giai điệu và nhịp điệu, và không hề thiếu những khoảng lặng để nốt nhạc rung lên theo cách bluesy; trong khi Collen thiên về kỹ thuật và sự chính xác trong từng tiếng phím gảy. Họ trái ngược nhưng bổ trợ cho nhau theo cách đầy tự nhiên, và khỏi phải nói thì bạn hiền không thể không chia nhau sở thích riệu thuốc.


Nhưng rõ ràng sự đóng góp của Riff Master đã đi xuống thấy rõ trong Hysteria, và dường như mọi thứ đã bắt đầu trông đợi vào bàn tay chèo lái của Phil Collen và Mutt Lange từ đây. Joe Elliott thì đã quá định hình với cách hát truyền cảm của mình mà không thể thay đổi (hoặc phá giọng) thêm nữa. Rick Allen thì không thể một tay che cả bầu trời. Và tất cả mọi người đều thấy Steve Clark trở nên nghiệp ngập và đi xuống như thế nào. Vô tình, Clark đã làm theo đúng cách mà Pete Willis đã gây rắc rối cho chính anh trước đây.


Tới mức vào năm 1990, Steve Clark đã được đề nghị nghỉ ngơi và cai nghiện trong 6 tháng và ban nhạc đã không làm gì trong suốt thời gian đó. Chỉ để nhận được tin dữ vào tháng 1 năm 1991, Clark chết trong căn nhà ở London của mình dưới ảnh hưởng của hỗn hợp riệu và thuốc. Mọi việc đen tối tới mức đã có những tin đồn rằng Phil Collen đã tính tới việc bấm nút tự hủy cho Def Leppard.


Lần nay Phil Collen đảm nhiệm sứ mệnh cứu lấy Báo Điếc. Và việc đúng đắn đầu tiên anh làm là… bỏ rượu.


Phil Collen đã tự thu toàn bộ phần guitar đôi cho album tiếp theo của Adrenalize bằng việc chơi lại phần của Clark theo bản demo đã có. Việc còn lại là tuyển tay guitar thay cho Clark.


Các fan của Def Leppard đã từng khấp khởi khi thấy cựu cầm thủ của WhitesnakeThin Lizzy, John Skyes, đứng nói chuyện cùng Joe Elliott. Rồi thì cầm thủ đang thất nghiệp Adrian Smith từ Iron Maiden cũng có vẻ như được liên hệ. Nhưng cuối cùng Vivian Campbell đã được chọn vì vừa có khả năng chơi guitar lại có thể hát bè tốt như Steve Clark.


Nhưng cũng từ sau Adrenalize, tôi không thể nhớ tên thêm 1 ca khúc đáng nhớ nào của Def Leppard nữa, dù vẫn mua một vài album của họ và trong số đó vẫn có vài chiếc nghe được.


Có lẽ có nhiều phần chìm của tảng băng hơn là những gì Def Leppard thể hiện trên sân khấu và trong âm nhạc của họ, thậm chí ngoài sức tưởng tượng mà một ban nhạc 5 người có sức công phá sân vận động từng đêm có thể làm.


Tôi vẫn thường tự tưởng tượng ra những vết đau mỗi khi nghe nhạc của Def Leppard, như vết đau thể xác mà Rick Allen phải cắn răng chịu để chơi nhạc, cũng như vết đau tinh thần mà Phil Collen đã từng phải mím chặt môi để kéo ban nhạc vượt qua. Không ít lần nó đã khiến tôi tự hỏi “việc gì phải làm ra một thứ hơn thế này nữa?” Đòi hỏi một ban nhạc phải tiếp tục thay đổi ra khỏi khu vực an toàn của họ hoàn toàn có thể dẫn tới sự sụp đổ, chứ chưa nói gì đến việc đội hình của họ vốn đã sứt mẻ sẵn rồi. Đâu có thiếu những ví dụ về số phận của những glam band cùng thời trước làn sóng của Grunge đâu.


Đổi lại, chúng ta có một ban nhạc sẵn sàng thử thách sự nghiệt ngã của thời gian, những người sẵn sàng làm thỏa mãn khán giả trung thành của họ trong một set 3 tiếng đồng hồ và dường như ở tuổi 60, họ vẫn chưa muốn ngừng lại. Đã không có một ban nhạc thứ hai như Def Leppard.


Tôi đã từng quan niệm play safe thì không có rock hard, nhưng họ đã khiến tôi phải thay đổi thành càng khỏe thì càng có thể rock hard.


Bởi tưởng như khi cuộc đời đưa bạn trái chanh đã là chua lắm rồi, thì hóa ra khối người uống nước chanh rồi mới biết mình còn bị đau bao tử nữa.


Thế nên mỗi lần đi ra đường mà thấy câu khẩu hiệu: AN TOÀN LÀ BẠN TAI NẠN LÀ THÙ, tôi lại tự lẩm bẩm một mình vế sau:


“… Xin đừng nghịch ngu, hãy nghe Leppard”.


Hẹn gặp lại!


Kcid

902 views

Recent Posts

See All
bottom of page