Rhythm & Blues (R&B) có lẽ là thể loại với nhiều dòng chảy biến đổi nhất. Nếu so âm nhạc của nó từ những ngày đầu với các nhạc phẩm đương đại thì chúng khác biệt một trời một vực. Kể từ thập niên 1940, nó đã xuất hiện với ảnh hưởng từ Blues và Jazz cùng thứ nhịp điệu rập rình. Khi nhạc cụ guitar chủ đạo trong chất liệu Blues được “điện hóa”, những ban nhạc Rock từ nước Anh như The Rolling Stones and The Who mới gọi kiểu nhạc họ chơi là R&B. Thế rồi cái tên đó lại phải tự tách biệt để trở về với cộng đồng nghệ sĩ da màu khi chất liệu “rock” quá lấn át những gì người ta biết về R&B.
Đổi lại, ngày đó ở Mỹ, các phương tiện truyền thông gọi nhạc chơi bởi các nghệ sĩ da trắng là Rock N’ Roll, còn R&B trở thành cái mác dành cho những nghệ sĩ da màu và được đặt ở quầy riêng biệt trong các cửa hàng đĩa vinyl. Vì vậy R&B đã từng mang một ý nghĩa rộng hơn về mặt âm nhạc, nhưng lại hạn hẹp về ý nghĩa “sắc tộc”.
Khi R&B được giảm chậm lại tempo và đặt trọng tâm tới kỹ thuật và cảm xúc mạnh mẽ trong giọng hát, ngành âm nhạc mới bắt đầu gọi R&B dưới cái tên Soul Music, với những nghệ sĩ tiêu biểu như Aretha Franklin, Marvin Gaye hay Nina Simone. Vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, R&B lại tiếp tục biến chuyển với các dòng chảy âm nhạc sôi động hơn, với nhịp điệu rập rình nhưng phá cách trong nhịp phách để làm ra Funk, nhưng cũng lại đều chằn chặn với tiếng kick drum “four on the floor” để trở thành dòng nhạc Disco được rẽ nhánh từ đó. Tới những năm 80, thứ âm thanh R&B đương đại (contemporary R&B) xuất hiện khi nó sáp nhập nhiều chất liệu nhạc khác nhau, trong đó đáng kể nhất là Funk, Pop, Hip Hop và nhạc điện tử.
Chính thế nên khi thập niên 90 bắt đầu, sự lên ngôi của thể loại R&B đương đại ngày đó chứng kiến sự thay đổi và mở nhánh liên tục của các dòng chảy. Đó là New Jack Swing qua bàn tay của Teddy Riley (sau này lập ra nhóm Blackstreet) và Bernard Belle với nhịp điệu tempo nhanh và các bản beat được lập trình sẵn theo phong cách làm beat của Hip Hop, khởi đầu cho những năm 90. Rồi là Philly Soul có chất liệu nhạc Funk mượt mà đến từ Philadelphia qua nhạc phẩm tiêu biểu như album Cooleyhighharmony của Boyz II Men phát hành năm 1991. Vẫn có những nghệ sĩ phong cách “già” theo đuổi Soul R&B classic như Babyface, Luther Vandross, Anita Baker. Cũng lại có những nghệ sĩ mới phong cách “trẻ” làm nhạc R&B đậm chất Hip Hop hơn như TLC, Usher, Monica, Brandy.
Tưởng chừng thế là đủ rồi, ấy thế mà R&B vẫn mọc thêm được một nhánh nữa vào thời gian này. Đó là một nhóm nghệ sĩ “trẻ” theo phong cách “già” khi làm một kiểu nhạc R&B kén khách vào giữa thập niên 90, theo một dòng chảy mang tên Neo-Soul.
***
“Về định nghĩa thì Neo-Soul là một nghịch lý. “Neo” nghĩa là mới, còn “Soul” là vượt thời gian. Tất cả những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc Neo-Soul, theo nhiều cách khách nhau đều thể hiện thứ âm nhạc có sự cân bằng giữa chất liệu của Soul và luồng gió mới của đương đại. Họ thổi thêm hồn người vào nhạc R&B, thể loại nay được đúc theo một mẫu hoàn thiện, nhưng bị rập khuôn. Vì thế nên nhạc Neo-Soul cũng giống như món sushi vậy, nó được tạo ra để người nghe thưởng thức một cách tươi nguyên.” - Dimitri Ehrlich, Tạp chí Vibe.
Trước đây tôi đã từng viết bài về Erykah Badu và dòng nhạc Neo-Soul. Cùng với cô, người ta thường nhắc tới D’Angelo và Maxwell, được coi là bộ ba nghệ sĩ tiêu biểu đưa dòng nhạc này đến với công chúng.
Điểm chung của Erykah và D’Angelo, ngoài việc họ cùng là thành viên của Soulquarians – một tập thể những nghệ sĩ theo đuổi âm nhạc thể nghiệm của người da màu, còn là cách thể hiện âm nhạc theo phong thái Hip Hop, kết hợp với màu sắc Jazz và Funk. Cả hai đều hướng tới âm nhạc có sự tương quan nào đó với Hip Hop, nhưng lại không bị màu sắc nhạc thời thượng này nuốt chửng và bao trùm các nhạc phẩm. Riêng với Maxwell, âm nhạc của anh mang nhiều nét truyền thống nhất. Thay vì kiểu hát đưa đẩy theo nhịp điệu của Hip Hop như Erykah và D’Angelo, Maxwell lại hát lối hát chậm rãi, kéo dài phiêu và thả mình trên điệu nhạc có nhịp độ khá nhanh. Thay vì hát những lời hát mang một niềm kiêu hãnh, thậm chí chêm những từ chửi thề như hai người kia, Maxwell hát về những điều lãng mạn, về tình yêu đôi lứa của những con người gốc Phi.
Có thể nói chính chủ ý của Maxwell khi tránh xa khỏi những yếu tố liên quan đến Hip Hop đã làm nhạc của anh đậm tính Soul hơn, và mang nhiều nét “già” hơn những nghệ sĩ Neo-Soul khác. Bởi thế khi album đầu tay của anh mang tên Maxwell’s Urban Hang Suite được hoàn thành vào năm 1995, hãng đĩa Columbia đã không biết làm gì với nhạc của anh và cứ xếp nó trong xó trong suốt một năm.
Tấm bìa đĩa không hề có khuôn mặt của người nghệ sĩ giống như các cover artwork nhạc thường thấy, mà thay vào đó, một bức hình có đôi giày phụ nữ với danh sách tên các bài hát và đoạn barcode, trông hệt như bìa sau chứ không phải hình mặt trước của đĩa. Về nội dung, các track nhạc có những bài dài 5 đến 6 phút, một độ dài khó được phát trên radio. Không những thế, album này còn được mở đầu bằng bài “The Urban Theme” là một bản instrumental không có giọng hát của Maxwell và rồi được nhắc lại lần nữa trong track cuối cùng dưới một cách sắp xếp hơi khác đi, chậm rãi hơn. Bảo sao những ông lớn của hãng đĩa phải gãi đầu gãi tai, do dự trước khả năng thành công của Maxwell. Chỉ đến khi album Brown Sugar của D’Angelo tung ra thị trường và làm nóng lên cái tên “Neo-Soul” thì đĩa Urban Hang Suite của anh mới được bày bán trên các giá đĩa sau đó (1996).
Rốt cục, chất lượng nhạc cao cấp của Maxwell đã không làm thất vọng bất kỳ ai. Ngược lại, nó trở thành một tuyệt phẩm được ca ngợi hết mức.
Cũng phải nói là nhạc của Maxwell “già” và khó tiếp thị hơn những người đồng lứa thật. Không “già” sao được khi nhiều nhạc sĩ tham gia sáng tác cùng đều 50 – 60 tuổi, trong đó có cả Leon Ware, người đã giúp tạo nên phép màu cho Marvin Gaye và Michael Jackson. Không khó tiếp thị sao được khi ngày ấy chàng trai Maxwell mới ngoài 20 tuổi nhưng lại đi ngược xu thế để hát thứ nhạc chịu ảnh hưởng của Gaye và Prince.
Dòng nhạc Neo-Soul nhìn chung đi vào tổng thể của cả bài chứ không một nhạc cụ nào, kể cả phần vocal của ca sĩ, được làm chủ đạo. Trong đĩa Urban Hang Suite cũng là như vậy. Cả bầu không gian nhạc được làm nên từ những nhạc cụ sống. Phần nhịp điệu được lập trình nhưng ghi âm bởi các nhạc công chơi trên giàn trống và bộ gõ, gồm những người từng chơi cho Aretha Franklin và Michael Jackson. Tiếng keyboard phiêu bồng, tiếng guitar wah wah có, tình tứ có, và đặc biệt tiếng bass sâu, bài thì chảy mượt, bài thì rung bật tưng tửng qua âm slap bass đầy giai điệu như hát cùng Maxwell được chơi bởi những người đã từng thu âm cho The Temptations, Jackson 5, Sade và cả Funkadelic / Parliaments. Trong album còn có cả giàn kèn chơi trong bản instrumental ở đầu và cuối đĩa.
Thế còn giọng hát của Maxwell thì sao? Chất giọng “tan chảy” cả khi hát falsetto của anh rất hợp với phần sản xuất nhạc “mềm mượt” như nhung lụa. Thêm nữa là nhờ phần chuỗi hợp âm biến đổi đẹp với đặc trưng của các hợp âm thứ mở rộng trong dòng nhạc này mà chất Neo-Soul của album Maxwell mang nét jazzy trong âm sắc, funky trong nhịp điệu và soulful trong giọng hát. Các bài nhạc không quá rõ ràng về cấu trúc, nên tiếng hát của Maxwell cứ thế mà bay bổng trên đó.
Nên nhớ là dù có sự góp sức của những nghệ sĩ gạo cội khác được Maxwell mời về để tạo ra âm thanh vượt thời gian của Soul, nhưng chất Neo đến từ việc phần lớn các nhạc phẩm được sáng tác và sản xuất bởi Maxwell và Hod David - người bạn cạ cứng trong sự nghiệp âm nhạc của nhân vật chính của chúng ta. David đã hợp tác với Maxwell cho đến những album gần đây nhất. Chính họ đã thổi hồn của tuổi trẻ vào trong âm sắc, phần nhịp trống, cấu trúc bài, để nó tươi mới mà không bị ảnh hưởng bởi xu thế đương đại.
Đã có lúc những người bạn của anh phải đánh liều hỏi Maxwell sao không mời một vị khách rapper nào vào feature để mở rộng và “trẻ hoá” đối tượng người nghe, thì họ đều nhận được nụ cười và cái lắc đầu từ chối nhẹ nhàng của anh. Chưa bao giờ anh màng tới danh tiếng của những nghệ sĩ R&B khác. Hai album tiếp theo, Embrya (1998) và Now (2001), Maxwell có lộ diện khuôn mặt cùng mái tóc xoăn xù, cổ lỗ sĩ nếu so với chính đồng nghiệp D’Angelo, nhưng anh lại liều lĩnh chuyển mình khi làm nhạc theo phong cách khác hẳn với album đầu. Thứ nhạc đó gây bất ngờ cả với chính những fan trung thành nhất của Maxwell, như thể Neo-Soul lại được anh “làm mới” thêm lần nữa.
Thế rồi cả khi những album đó đạt những thành công nhất định và gặt hái các giải thưởng quan trọng, Maxwell cũng không vội vàng phát hành nhạc mới mà lại lặn mất tăm, trước khi lãng đãng tung ra BLACKsummers’night (2009) và blackSUMMERS’night (2016), cách nhau tới tận 7-8 năm. Với Erykah Badu và D’Angelo, họ cũng ở hoàn cảnh tương tự, khi mà số album trong bộ discography cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trên một bàn tay.
Tôi nghĩ điểm chung của những nghệ sĩ theo dòng Neo-Soul này là họ nắm toàn quyền kiểm soát với âm nhạc của mình, chưa bao giờ lệ thuộc vào một dòng chảy R&B nào cả. Bản thân họ cũng không bao bận tâm rồi trói buộc mình vào thứ nhạc mang cái mác Neo-Soul mà báo chí đặt ra để phân loại và tiếp thị. Không một album nào trong bộ discography của Maxwell lại quay về công thức âm nhạc trước đó. Với Erykah và D’Angelo cũng như vậy. Bởi những nghệ sĩ này luôn tự họ làm mới chính mình, và duy chỉ một thứ không bao giờ thay đổi:
Soul.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments