top of page

Garbage: Người thành công luôn có lối đi riêng

Tôi nhớ trên kênh MTV vào nửa cuối thập niên 90, cụ thể vào năm 1998, các bản video âm nhạc đa phần là những hình ảnh tươi sáng như “You’re Still The One” của Shania Twain, hơi xám xịt hơn chút nhưng trữ tình như “Truly Madly Deeply” của Savage Garden, pha chút bạo lực nhưng nhạc vẫn ủy mị như “Nice & Slow” của Usher. Còn với thứ nhạc đậm chất Rock hơn chút mà được phát nhiều trên MTV thì cũng chỉ có Hole và “Celebrity Skin” với hình ảnh dịu mắt nhờ sắc đẹp của các cô gái trong band, Korn và “Got The Life” hay The Offspring và “Pretty Fly (For A White Guy)” với những khung cảnh sáng ngoài trời, và nếu có dị dị như “Ava Adore” của Smashing Pumpkins thì vẫn đầy đủ màu sắc. Thế nên chen giữa những bản MV phổ biến đó là một ca khúc và phần video tôi vẫn nhớ cho đến giờ.


Trong những khung hình đen trắng zoom gần không lộ mặt trong 20 giây đầu tiên của video, giọng hát của nữ ca sĩ trong ban nhạc được phát ra từ cặp môi đen xì rất là dị hợm. Về phần nhạc, kể cả câu riff của cây guitar cũng chơi những nốt ma quái song hành với giọng hát đa phần ở dải tông trầm.

[Pre-Chorus]

I think I'm paranoid / And complicated / I think I'm paranoid / Manipulate it

[Chorus]

Bend me, break me / Anyway you need me / All I want is you / Bend me, break me / Breaking down is easy / All I want is you”.


Rồi khi bài nhạc vào cao trào của phần pre-chorus lẫn chorus thì nó vẫn quái đản về sự tương phản của nhạc khi đoạn pre- nghe ồn ào được tiếp nối bằng âm thanh sạch nhưng ma mị của tiếng đàn điện tử. Còn phần hình ảnh trong video thì vẫn vậy. Vẫn những hình ảnh đen trắng giật cục của các thành viên ban nhạc, trong đó khuôn mặt cô ca sĩ cũng chỉ xuất hiện thoáng chốc trong các khung hình lúc sáng, lúc tối, lúc bị làm méo mó dị dạng.

Đó là bài “I Think I’m Paranoid” của ban nhạc Garbage trong album Version 2.0 (1998) và dù đó đã là album thứ hai của họ, thứ âm nhạc ngày đấy đã khác bọt so với nhiều bài được phát trên MTV lúc bấy giờ lắm rồi, đủ để tôi vẫn phải ấn tượng cho đến bây giờ, cả về phần hình lẫn phần tiếng. Bởi lẽ Garbage đã được lập ra và thành công cũng nhờ những quyết định liều lĩnh, không giống một ai.

Sự nghiệp của một producer đang lên như diều đã có thể bị hủy hoại...

Khi Garbage phát hành album đầu tay cùng tên vào năm 1995, những bản copy đầu tiên được gửi tới giới truyền thông mà không đính kèm thông tin nào của thành viên ban nhạc cho phần giới thiệu với báo chí mặc dù trong số 4 người họ, đã có 1 kẻ danh tiếng nổi như cồn trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Đó chính là Butch Vig.


Trong Garbage, anh đóng vai trò drummer kiêm sản xuất nhạc cho band. Thế nhưng trong giới, Vig đã được mọi người săn đón bởi anh đã là một producer thành danh khi sản xuất ra những album để đời, trong đó có Bricks Are Heavy của L7, Dirty của Sonic Youth, Gish và Siamese Dream của The Smashing Pumpkins, và dĩ nhiên Nevermind của Nirvana. Với một hồ sơ đẹp như mơ vậy, đúng ra Vig cũng chả cần đi tìm việc đâu hết khi chắc chắn ngày đó hẳn có nhiều nghệ sĩ và hãng đĩa muốn bàn tay vàng của anh tham gia. Đổi lại, anh tự tay chôn mình vào một ban nhạc mới lập ra, vô danh, và đi tìm thành công mới trên thứ âm nhạc của Vig và đồng đội. Cũng không lạ gì khi đã có rất nhiều người phải cảnh báo với anh rằng, nếu album của Garbage thất bại thì nó cũng đồng nghĩa với việc sự nghiệp của Butch Vig, bao gồm cả vai trò làm producer, cũng có thể bị chấm dứt đồng loạt.

Đã thế, Vig còn không thèm dùng tên tuổi của mình để quảng bá cho Garbage và đĩa nhạc đầu tiên bởi anh không muốn người ta nhìn vào anh như một “thủ lĩnh” – người có kinh nghiệm dày dặn nhất của ban nhạc hay nghĩ rằng Garbage chỉ như một dự án ngoài lề có cũng được, không có cũng chả sao của tay producer này.

Tuy nhiên cũng còn một lý do nữa cho việc Vig không muốn để lộ tên mình.

Thứ nhạc Alternative Rock pha với âm thanh điện tử đầy lạ lẫm có thể không tìm được chỗ đứng trên thị trường…

Với những người biết đến Butch Vig, album đầu của Garbage gây sốc hoàn toàn bởi nó nghe không giống chút gì với nhạc đậm chất Grunge hay đầy ắp âm thanh ồn ào của guitar mà anh vẫn sản xuất cho các nghệ sĩ như Smashing Pumpkins và Nirvana.

Với sự hợp tác của anh cùng hai đồng nghiệp, trong đó có Duke Erikson (người đã cùng Vig chơi trong mấy band liền trước đó và nay đảm nhiệm guitar, bass và keyboard trong band), Steve Marker (người đảm nhiệm vai trò kỹ sư âm thanh cho mấy band của hai anh kia trước đây và nay chơi guitar và keyboard cho Garbage), họ đều muốn làm thứ gì đó thật sự khác biệt. Thử tưởng tượng với những người đã phải tham gia mix hoặc sản xuất tới cả nghìn bài nhạc Rock như họ thì một âm thanh đi ngược với truyền thống của trống-guitar-hát bỗng dưng trở nên hấp dẫn lạ thường. Chính điều đó đã thôi thúc dẫn họ tới âm thanh điện tử mà chính cả Erikson lẫn Marker đều có dính dáng đến khi đảm nhiệm việc chơi cả đàn keyboard trong band. Bớt ồn ào hơn, mà lại mang hơi hướng hiện đại là nguyên nhân đa phần người nghe nhạc, đặc biệt fan của Butch Vig, đều có cảm thấy có gì đó sường sượng khi nghe album Garbage. Nếu như bài “I Think I’m Paranoid” trong đĩa thứ hai đã là thứ gì quái đản từ đàn keyboard vang lên trong phần điệp khúc thì ngay từ đĩa đầu tiên, nó đã len lỏi trong nhiều bài nhạc.


Ở bài “Only Happy When It Rains”, sau phần guitar solo chơi những nốt quái dị, đến verse 3 bài hát bỗng chuyển hẳn màu sắc, từ âm thanh guitar điện ầm ĩ sang âm thanh điện tử ngập tràn. Bài “As Heaven Is Wide” thì được khoác một chiếc áo khác hẳn version thu âm đầu tiên. Từ một bài nặng chất Rock, bản cuối cùng trên đĩa chuyển ngoắt sang âm thanh Techno với phần trống drum loop kỳ lạ với nhạc Rock ngày đó.

Rồi chán với cảnh cắm đầu vào thu nhạc mà cả band jam cùng một lúc cho đến hết bài, Garbage chọn cách sáng tác theo kiểu tìm cảm hứng từ một vài khuông nhạc thú vị mà họ chơi thử, cho lên giàn máy rồi làm sample bật thành một đoạn loop để rồi tiếp tục cùng nhau jam tiếp từ đoạn nhạc đó. Bảo sao có rất nhiều bài mà bản cuối cùng ghi âm khác xa những gì khi mới được thai nghén.

Với cá nhân Butch Vig, anh còn mê kiểu không gian âm thanh Hip Hop với những phần sample mà anh nghiền ngẫm của Public Enemy. Nên đó là lý do một nhạc phẩm Alternative Rock như album Garbage còn dùng cả âm thanh sample tiếng trống trong "Man Of Straw" của Single Gun Theory để cho vào bài “Queer”, sample tiếng trống trong "Train In Vain" của The Clash và câu dồn trống ở "Orange Crush" của R.E.M. để đưa vào bài “Stupid Girl”.

Nhưng một chất liệu quan trọng không kém trong âm nhạc còn nằm ở giọng hát của cô ca sĩ Shirley Manson, một phong cách cũng khác những gì người ta thường nghe.

Giọng hát nhẹ và trầm trong nhạc Rock đúng ra sẽ không thể tạo được cao trào mà mọi người mong chờ từ các band ngày đó…

Các thành viên nam của Garbage trước đây đã từng tham gia những band chỉ toàn đực rựa và đến thời điểm cả ba anh Butch Vig, Duke Erikson và Steve Marker tụ lại, họ mong có được một nhân tố mới – nữ giới nhưng phải cá tính như Patti Smith, Debbie Harry hay Siouxsie Sioux. Thêm nữa, nữ thành viên này phải hát giọng hát không cần lên gân lên cốt, cũng như không cần hát những nốt cao và chói trong chất giọng nữ thường thấy.

Với những ban nhạc Rock, dù ca sĩ là nam hay nữ giới, họ sẽ thường cố gắng làm nhạc sao cho những khúc cao trào phải đưa được giọng hát lên những dải cao để gây hứng thú và bắt tai nhất với người nghe. Những band có frontman như Nirvana, U2, Green Day cho đến những band có frontwoman như The Cranberries, Hole, No Doubt nhìn chung đều cần những nốt nhạc cao so với âm vực của người ca sĩ để bộc lộ cảm xúc trong bài hát thật sự rõ nét.


Nhưng với Shirley Manson, với chất giọng mỏng và nhẹ, cách cô xử lý bài hát đa phần đều ở dải trầm, kể từ khi cô vẫn còn hát cho band nhạc cũ Angelfish. Đây chính là điều khiến cho ba anh của Garbage phải mời cô về thử giọng vì lối hát này của Manson khớp đúng với phong cách nhạc mà ba người họ đang tìm kiếm. Thử nghe kỹ các bài của Garbage sẽ thấy đa phần cô chọn dải trầm và dải trung của âm vực của chính mình. Có những nốt nhạc cao hơn mà Manson có thể vẫn với lên tiếp một cách thoải mái nhưng rồi cô lại chọn phương án để giọng hát của mình bay là là trên mặt nước, tựa như một nhạc cụ hòa cùng các nhạc cụ chơi bởi những thành viên khác. Từ đó, dải cao của mỗi bài sẽ được lấp đầy lúc cần thiết, khi là nhờ tiếng đàn guitar điện, khi là qua âm thanh điện tử đầy màu sắc. Rất nhiều lúc, giọng hát của Shirley Manson như thở gằn các nốt nhạc rất thấp, đối lập hẳn những nốt nhạc cụ bay cao ở trên, giúp cho những tiếng đàn còn lại, kể cả âm sắc của phần trống dù không bao giờ đóng vai trò chơi theo cao độ nhưng lại như phủ đầy ở khoảng giữa. Và cũng rất nhiều lần, đoạn pre-chorus có giai điệu đưa đẩy lên cao nhưng rồi đến phần điệp khúc, giọng hát của Manson lại giáng xuống dải trầm, để cho những âm thanh khác được phô trương thay cho giọng hát của cô.

Chính bởi vậy, khi mới xuất hiện, ban nhạc Garbage không hề thuộc hẳn về một dòng nhạc nào cụ thể. Nếu đứng cạnh những band chơi Alternative Rock, Garbage chính ra lại có màu sắc poppy bởi những tiếng đàn synth điện tử. Nhưng khi đứng cùng những nghệ sĩ nhạc Pop, phong cách dị hợm và vẫn hơi ồn ào của Garbage lại càng không đạt chuẩn. Bởi cuối cùng ngày ấy có ai lại đi trộn tiếng guitar có phần grungie với âm thanh Techno và thậm chí theo phong cách Hip Hop?

Dĩ nhiên những lựa chọn phong cách nhạc của cả 4 thành viên đều là những quyết định táo bạo khi họ mới ra mắt thị trường. Cũng giống như quyết định dũng cảm của mỗi bên vào cái ngày một cô gái người Scotland chân ướt chân ráo đến gặp 3 gã đàn ông Mỹ lạ mặt ở một nơi hẻo lánh chỉ vì một cuộc gọi mời từ tay quản lý của ban nhạc.

Đã không có một mối nguy hiểm nào xảy đến với Manson khi cô một mình đến gặp Vig, Marker và Erikson, những tay nghệ sĩ mang bộ dạng kỳ bí và có phần dị hợm qua hình ảnh họ thể hiện trên các bản MV và những bức hình chụp ban nhạc. Đã không có một quyết định đánh trượt với màn thử giọng lần đầu thất bại đến thảm hại của Manson khi cô không thể tìm cảm hứng để sáng tác một phần giai điệu và lời hát ngay tại chỗ khi ngồi trong phòng thu cùng ba anh còn lại. Manson đã nói dối với họ rằng cô vẫn hay sáng tác nhạc và lời khi ở Angelfish nhưng thực tế là kinh nghiệm sáng tác của cô chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Sự bối rối và bí bách của căn phòng studio ngày đó không chỉ đến từ trình độ còn non của Shirley Manson, mà còn từ cái tin về cái chết của Kurt Cobain được người trong ngành báo cho Butch Vig ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên đó.

Có điều một niềm tin nào đó thôi thúc giữa đôi bên, cũng giống như niềm tin của ban nhạc với thể loại nhạc khác người mà họ sau này theo đuổi, đã tạo dựng một cơ hội khác để lập nên một đội hình ban nhạc 4 người được giữ vững từ ngày đầu cho tới bây giờ. Khi Shirley Manson có được buổi audition lần thứ hai với Butch Vig, Duke Erikson và Steve Marker, sự tự tin và chủ động của cô đã giúp Manson viết ra phần lời và cùng ba anh hoàn thiện phần khung xương của bài “Stupid Girl”, “Vow” và “Queer” cho album đầu tiên.

Đúng như dự đoán, những khác biệt trong âm nhạc của album Garbage đầu tay cũng khiến thị trường phải mất một thời gian dài để làm quen với thứ nhạc không chỉ khác xa những gì một producer tài ba từng đứng sau thành công của Nirvana, Sonic Youth và The Smashing Pumpkins, mà còn khác nhiều với những gì âm nhạc được phát trên sóng radio lẫn TV. Phải đến một năm sau ngày phát hành, album Garbage mới leo lên được vị trí số 20. Nhưng khi thị trường đã tiếp nhận âm nhạc của Garbage, đặc biệt sau thành công lớn của single “Stupid Girl”, thì con số đĩa được bán ra cũng được cải thiện rõ rệt và cho đến giờ album này đã bán được 4 triệu bản trên toàn cầu. Về mặt chất lượng, số điểm các nhà phê bình đưa ra cho album đầu tay của Garbage đa phần gần như tuyệt đối, là minh chứng cho đường lối riêng rõ nét, dù liều lĩnh nhưng vẫn mang một tầm nhìn chuẩn mực của những nghệ sĩ vốn dĩ đã có kinh nghiệm lâu năm trong ngành âm nhạc.


Với tôi, album Garbage đầu tiên này vẫn là nhạc phẩm xuất sắc nhất của band, tiếp đến album thứ hai – Version 2.0 (1998) và gần đây là album No Gods No Masters (2021). Thứ âm thanh điện tử pha với tiếng guitar điện ồn ào cùng giai điệu nhạc rất hay qua giọng hát ma quái của Shirley Manson thực sự vẫn là tuyệt chiêu của Garbage, chỉ là họ làm ra chúng với một phong cách rõ nét và đầy tự tin hơn. Kể cả khi diễn live, đã có những lúc tôi tò mò Garbage sẽ xử lý ra sao những khúc nhạc biến tấu điện tử thì lại bị choáng ngợp bởi cách xử lý trên cây đàn guitar đầy tinh tế của Steve Marker khi anh không chỉ đổi âm sắc của guitar qua phơ, mà còn chuyển cả câu riff thổi luồng gió mới cho bài hát giữa những màn phối hợp nhịp nhàng với cùng Butch Vig, Duke Erikson và dĩ nhiên Shirley Manson.


Về khía cạnh thành công và độ nổi tiếng, Garbage chắc chắn thua xa những ban nhạc lẫy lừng mà Butch Vig từng giúp sức trước đây. Kể cả tính về độ phổ biến của họ với người nghe nhạc trên thế giới, cụ thể tại thị trường Việt Nam, chắc Garbage cũng không bằng được nhiều ban nhạc cùng thời, mà tôi dự đoán số người đọc bài viết này của EmoodziK về band cũng sẽ chỉ là một con số khiêm tốn. Tuy nhiên, những gì mà ban nhạc làm được, đặc biệt về chất lượng âm nhạc qua các lựa chọn và định hướng vô cùng liều lĩnh của mình thì vẫn đáng được coi là một thành công cực kỳ đáng nể. Chí ít là sự nghiệp âm nhạc của anh Butch Vig không bị tiêu tan và vẫn được giao phó công tác sản xuất nhạc, ngoài các album cho chính Garbage, nay còn thêm cả Green Day, Foo Fighters, Muse lẫn Goo Goo Dolls.

Nghĩ lại, đến như cái tên mang nghĩa “Rác Rưởi” đầy tiêu cực của band cũng lại là một lựa chọn liều lĩnh khác người, trước khi thị trường có thể nhận ra vẻ đẹp thực sự của thứ Rác này, đúng như lời chia sẻ của Butch Vig ngày nào:

"I hope that all this garbage will become something beautiful!"


Hẹn gặp lại!

Kink

275 views

Recent Posts

See All
bottom of page