top of page

Stone Temple Pilots: Mọi lỗi lầm của Scott Weiland

Khi Jannina, người vợ đầu của Scott Weiland lái xe tới đón anh ở tù sau khi nộp tiền bảo lãnh, câu đầu tiên cô nghe được từ chồng mình là lời cầu xin đầy vật vã cho anh được tới gặp kẻ chuyên cấp hàng quen thuộc vì anh không thể chịu đựng nổi thêm nữa. Trước lời từ chối thẳng thừng và không mảy may nhượng bộ của Jannina, Scott đã làm điều ngu xuẩn là mở cửa và nhảy ra khỏi xe trong khi con Mustang mui trần đang lăn bánh trên đường. May cho anh là xe lúc đó mới chạy ở tốc độ 20km/h, nên anh mới giữ được mạng sống để mò ra bốt điện thoại... gọi cho kẻ bán hàng và bắt ngay taxi đến đó. Tất cả chỉ để Scott nạp thêm vào người thứ đã hủy hoại cuộc đời và ảnh hưởng tới sự nghiệp không chỉ của mình anh, mà còn cả chính ban nhạc Stone Temple Pilots lẫn nhóm supergroup Velvet Revolver mà anh tham gia cùng.

(T-P): Scott Weiland, Robert DeLeo, Dean DeLeo & Eric Kretz

Làm gì thì làm nhưng đừng có động tới heroin đó”. Lời khuyên nhủ đắt giá của Dave Mustaine đã bị Scott Weiland bỏ ngoài tai khi ban nhạc Stone Temple Pilots (STP) có dịp được đi lưu diễn cùng Megadeth ở thời điểm họ mới phát hành album đầu tay Core (1992). Bất chấp lượng fan ngày một đông đảo nhờ việc diễn mở màn cho Megadeth và Rage Against The Machine, STP lại từ chối đi tour với Aerosmith sau đó. Thay vào đó, ban nhạc chọn những buổi hòa nhạc có quy mô nhỏ với giá vé rẻ hơn để tiếp cận những fan của chính họ. STP muốn chứng tỏ với thị trường âm nhạc rằng họ có thể tự mình gây dựng sự nghiệp mà không cần dựa hơi kẻ nào hay bắt chước bất kỳ ai.


Quyết định này sâu xa bắt nguồn từ chuyện album Core của họ bị đám phê bình chê bai và coi khinh những thành công của ban nhạc. Điều nực cười là Rolling Stone còn trao danh “Worst New Band” cho STP trong cùng một năm mà độc giả của tạp chí đó lại bầu chọn họ là “Best New Band”. Giới báo chí coi STP chỉ như những kẻ cơ hội, may mắn được ký hợp đồng thu âm với hãng lớn như Atlantic Records từ những ngày đầu tiên và nay lại “đú” theo thứ âm nhạc Grunge thời thượng trong khi STP không hề có gốc gác Seattle như những ban nhạc đang được tôn vinh kia.


Khi STP tham gia tour diễn mang tên The Bar-B-Q Mitzvah cùng với The Flaming Lips và Butthole Surfers, vào tháng 8 năm 1993, chưa đầy 1 năm kể từ khi album Core được phát hành, cái ngày định mệnh đã xảy đến khi Scott được dịp thử heroin lần đầu tiên. Thành viên của ban nhạc Butthole Surfers là người đã đưa anh vào đời với thứ bột trắng đó. Scott đã dùng chất kích thích từ những năm cấp 3, nhưng thứ mà Dave Mustaine ngày trước khuyên anh không bao giờ động tới lại là cái anh tìm hiểu và tò mò nhất. Những thần tượng của anh, từ The Rolling Stones, John Lennon tới Perry Farrell - frontman của Jane’s Addiction đều đã nếm trải và mang tới những thăng hoa trong âm nhạc mà Scott thèm muốn. Quả nhiên là vậy, show diễn mà anh và các thành viên của STP đêm đó hoá trang thành ban nhạc KISS chưa bao giờ có thể tuyệt diệu hơn, ít nhất là đối với Scott.


Tiếc là cái ngày định mệnh đó đánh dấu sự khởi đầu của quãng thời gian kéo dài hơn 2 thập kỷ đưa Scott Weiland cùng STP (và sau này là Velvet Revolver trong khoảng thời gian ngắn ngủi) vươn tới những đỉnh cao bao nhiêu thì thứ bột trắng đó cũng nhấn chìm anh xuống địa ngục sâu thẳm bấy nhiêu.


Ban nhạc Stone Temple Pilots (STP) khởi nguồn từ buổi gặp đầy cơ duyên giữa Scott Weiland và tay bass tài năng Robert DeLeo. Theo như lời kể của Robert, qua câu chuyện giữa Scott và anh này, họ tình cờ phát hiện cả hai đều đang hẹn hò với cùng một cô gái, nhưng thay vì lao vào choảng nhau, sự ngưỡng mộ trước tài năng của kẻ đối phương đã dẫn Scott và Robert đi tới quyết định lập band mới, và không quên đá ngay cô bồ bắt cá hai tay.


Sau một vài thay đổi nhân sự, Scott và Robert kéo được Eric Kretz về chơi trống và thuyết phục ông anh của Robert là Dean DeLeo chơi guitar, tạo nên bộ khung 4 thành viên hoàn chỉnh.


Như đã đề cập ở đầu bài viết, khi album Core được phát hành, STP bị giới báo chí chê bai mỉa mai thậm tệ, phần nhiều vì sự tương đồng khó có thể phủ nhận với những ban nhạc Grunge nổi tiếng khác. Chỉ bởi STP không đến từ Seattle nên họ càng bị coi như những kẻ cơ hội đi copy lại công thức nhạc của người khác để kiếm lời. Nghe Core quả thật cũng dễ ngộ nhận thứ âm nhạc tới từ Seattle. Sơ sơ âm thanh rè đậm đặc của nhạc cụ cùng lời hát mang màu sắc tối tăm, những đoạn điệp khúc cao trào. Nhưng quả thật sự liên tưởng lớn nhất lại đến từ giọng hát mà Scott Weiland thể hiện trong đĩa này.


Scott từ nhỏ đã hát trong những dàn đồng ca nên anh không chỉ giỏi trong cách sắp xếp bè cho phần vocal, mà còn biến hóa giọng hát của mình mà người ta ví như khả năng của một chú tắc kè hoa. Bởi thế nên khi nghe Core, có những track như “Plush”, Scott hát gằn giọng hệt như Eddie Vedder của Pearl Jam, rồi sang “Creep”, anh hát kéo dài giọng chậm rãi như Kurt Cobain của Nirvana. Đây chính là yếu tố khiến cho album Core dù được viết nhạc và thu âm tốt nhưng lại gây lấn cấn về một hình ảnh thiếu nét riêng và độc đáo của một ban nhạc mới nổi.


May thay, kể từ album thứ hai, Purple (1994) trở đi, STP đã chứng tỏ 4 người họ thừa sức để tạo nên âm nhạc của riêng họ, thậm chí khác xa những gì các ban nhạc cùng thời đang theo đuổi, như cách STP sử dụng chất liệu Psychedelic Rock ở album thứ 3, Tiny Music... Songs from the Vatican Gift Shop (1996). Trong album Tiny Music, ban nhạc còn sử dụng những nhạc cụ khác lạ như organ, vibraphone và kèn trumpet. Tới thời điểm đó, những kẻ từng coi nhẹ STP đã phải thay đổi hoàn toàn cái nhìn về ban nhạc. Tạp chí Rolling Stone đánh giá đây là album xuất sắc nhất của band và thậm chí còn đưa hình 4 thành viên lên bìa của ấn bản phát hành đầu năm 1997. Tạp chí Pitchfork thì ban đầu chấm điểm liệt 0,8 nhưng sau đó đã nâng hẳn lên 7,4 vào năm 2021. Còn tay thủ lĩnh Billy Corgan của The Smashing Pumpkins phải ngả mũ trước âm nhạc của STP dù trước đó có sự coi thường, để rồi anh này còn xếp giọng ca của Scott vào hàng vĩ đại nhất của thế hệ cùng thời, bên cạnh Kurt CobainLayne Staley.


Dĩ nhiên tài năng của các thành viên trong ban nhạc STP không phải bỗng dưng đột phá từ khi thành lập. Trái với những gì người ta lầm tưởng chuyện STP được hãng Atlantic ký hợp đồng thu âm là một sự may mắn cho một ban nhạc mới toe, Scott Weiland và anh em nhà DeLeo là những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm khi chơi trong các band khác nhau từ khi họ mới 15 tuổi.


Trong STP, chính ra Robert DeLeo là người có đóng góp rất lớn. Bên cạnh khả năng chơi bass đáng nể, Robert đã tích góp kinh nghiệm về thu âm và sáng tác khi anh dành khoản tiền thừa kế của người bố để mua một căn hộ và làm một phòng studio cho riêng mình. Nói là âm nhạc của STP, đặc biệt trong album Core bị chê vì thiếu nét cá tính riêng là không đúng. Ảnh hưởng của nhạc Jazz từ ngày bé là thứ luôn thôi thúc Robert viết nhạc Rock theo hướng jazzy hơn. Các bài nhạc của STP vì thế có những biến đổi hợp âm phức tạp khi những hợp âm mở rộng của Jazz được chêm vào. Chưa kể chuyện Robert biết chơi cả guitar lẫn bass cũng giúp anh tinh tế hơn với các âm sắc khác biệt theo cách sắp xếp của những nốt nhạc trong cùng một hợp âm.


Ở bài “Plush”, cách Robert viết ra đoạn guitar riff từ phong cách ragtime và thêm câu lick chạy mấy nốt liền cách nhau ½ cung ở phần intro cho thấy sự sáng tạo trong lối sáng tác, phức tạp không kém những hợp âm mang màu sắc huyền bí mà anh đưa vào. Đấy là về phần guitar mà một bassist như Robert viết ra cho ông anh Dean chơi. Còn riêng phần bass, anh luôn có những cách làm tăng tính nhạc cực hay cho STP. Trong bài “Creep”, sau phần điệp khúc được Robert chơi từng nốt bass lên cao dần để tạo cao trào, anh mới chêm một câu fill của bass với những nốt cực lạ tai không hề có trong hợp âm làm sáng bừng cảm xúc qua đoạn chuyển đó. Nhờ đôi tai thẩm âm cực nhạy, Robert mới viết được cả những bài nhẹ nhàng mà không hề sến sủa nhờ cách chuyển hợp âm cá tính trong “Interstate Love Song”. Trong bài này, anh chơi bass như một nghệ sĩ của Motown khi ngón tay chạy liên tục, vừa chơi vừa nhẩm theo nhịp trống của Eric.


Ở vị trí phía sau giàn trống, lối chơi của Eric Kretz mang tới không gian âm nhạc chuẩn chỉnh theo phong cách mỗi bài, trải dài qua các track và những album khác nhau. Không cần click track, trong phòng thu, Eric có thể giữ nhịp chặt chẽ và làm bộ nền chắc nịch để Robert sáng tạo những câu bass của anh. Cái hay trong lối chơi của Eric là từng thành phần của bộ trống được anh chọn gõ cây dùi lên hoàn toàn có chủ ý cho tính nhạc của nó. Ví dụ như bài “Lounge Fly”, tiếng gõ trên các cây tom treo lẫn tom sàn khiến cho không gian bài nhạc được nới rộng hơn. Ngoài ra Eric cũng là người đóng góp sáng tác cho ban nhạc. Đoạn bass như súng bắn tỉa mà Robert chơi chính là do Eric viết ra để song hành cùng nhịp trống dồn dập mà anh chơi trong “Trippin’ On A Hole In A Paper Heart”.


Với Dean DeLeo, quả thật ban nhạc rất may mắn khi thuyết phục được ông anh trai của Robert bỏ nghề kinh doanh đang rất thành công để quay về với tình yêu âm nhạc mà anh đã từng theo đuổi khi chơi trong band từ khi mới học cấp 3. Trong thời gian đầu, Dean còn ngần ngại chuyện bỏ nghề và chỉ giúp STP book các lịch diễn ở những nơi anh quen biết nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho ban nhạc của em mình. Thế nhưng sau một lần jam nhạc thử cùng 3 thành viên còn lại, sức nóng của sự phối hợp ăn ý (nhất là khi Dean và Robert từng chơi cùng nhau trong band thuở trước) giữa 4 người họ đã khiến anh vứt bỏ hết để tập trung lại với sự nghiệp âm nhạc. Tiếng đàn của Dean có uy lực và tỏa sáng, đưa nhạc của STP lên những cảnh giới mới mà họ chưa đặt chân tới. Cùng với sự giúp sức của Robert, Dean viết những đoạn riff mang nhiều màu sắc độc lạ cho nhạc của STP, cộng với những lớp âm sắc guitar tinh tế. Thế nhưng tài năng của Dean còn là những đoạn guitar solo sáng lóa đầy bất ngờ, như cách anh chơi ở đoạn bridge của bài “Unglued” và “Down”, hay đẩy đến cuối bài trong “Sin”, “Lounge Fly” và “Pop’s Love Suicide”.


Cuối cùng và cũng là nhân tố quan trọng mà chúng ta đều biết, Scott Weiland. Không dừng ở khả năng trình diễn hoang dại cuốn hút, hay giọng hát có khả năng thay đổi theo từng kiểu nhạc, mà Scott còn được đánh giá cực cao trong khả năng nhạy bén viết ra những giai điệu bắt tai. Thần tượng Karen Carpenter, tiếng hát của Scott luôn đượm chất soul, như một Karen phiên bản nam, đặc biệt ở những bài sâu lắng. Sau khi album Core bị chê bai bởi cách Scott thể hiện các bài hát giống như mấy vocalist của mấy ban nhạc đến từ Seattle, đến Purple, giọng hát của anh quay về nguyên bản theo sắc thái giọng hát của chính mình, nhưng vẫn giữ được âm sắc trầm dầy. Đến album Tiny Music... Songs from the Vatican Gift Shop, để hoà hợp với kiểu nhạc Psychedelic khác với trước của band, anh chọn lối hát trên dải tông cao mà khàn đục…

Nếu cứ như vậy thì có lẽ ban nhạc STP dễ dàng vươn tới những đỉnh cao mới khi về mặt thương mại, họ liên tục gặt hái thành công. Có điều là kể từ khi Dean tham gia STP, ban nhạc chơi nhạc cũng nặng hơn và Scott không còn sáng tác lời hát vô thưởng vô phạt nữa. Anh bỗng đắm chìm trong các tác phẩm nghệ thuật thơ, những cuốn tiểu thuyết kỳ dị, các bộ phim avant-garde phá cách, để rồi từ đó anh thay đổi, tự biến mình thành một người nghệ sĩ có tâm hồn bị dày vò hành hạ. Có thể bởi lẽ đó, Scott tự đưa mình đến với thứ bột trắng chết người đó, như thể mong muốn tìm tới những chiều không gian mới. Cái hình bìa của đĩa Purple vẽ một cậu bé cưỡi con kỳ lân bay trên mây, đằng sau mấy vị tiên nữ chính là hình bao bì đựng “China White”, thứ bột trắng mà Scott tôn thờ như vị thuốc tiên. Là thuốc tiên đối với Scott, nhưng nó lại là thứ “độc dược” huỷ hoại nội tạng của bộ máy STP. Những hành vi không kiểm soát, xao nhãng với công việc chính của ban nhạc nhanh chóng đẩy Scott khỏi sự gắn kết với mọi người như những ngày đầu. Trước đây, anh có thể nhậu nhẹt say xỉn với đồng đội nhưng không bao giờ bỏ bê việc làm nhạc và đi diễn, thì nay, thứ “văn hoá heroin” mà Scott tôn sùng đã đảo lộn tất cả.


Sau khi ra tù vì tội tàng trữ hàng cấm, Scott đăng ký để vào trung tâm cai nghiện. Nhưng rất nhiều lần, cứ tưởng anh đã thành công đẩy lùi cơn nghiện thì ở một dịp khác, anh bỗng bập lại vào nó. Chất độc đó ngấm sâu vào máu Scott khiến anh đi ra rồi quay lại chỗ cai nghiện đến cả chục lần. Có những lúc anh biến mất khỏi phòng thu mấy ngày liền, rồi đột ngột xuất hiện trong bộ dạng như đống giẻ rách, người hôi rình, thiếu ngủ trầm trọng. Đã có thời điểm anh tiêu tốn tới 3 ngàn đô mỗi tuần chỉ để thoả mãn và giải thoát mình khỏi sự bí bách dằn vặt mỗi khi cơn nghiện quay trở lại.


Các chuyến lưu diễn bị cắt ngắn hơn dự tính. Các kế hoạch thu âm album bị trì hoãn. Đến ngay chính album thứ hai Purple còn suýt không thành hình vì lục đục nội bộ, chủ yếu giữa Scott và các thành viên, đặc biệt là với Dean DeLeo. Nếu để ý, các hình bìa album của band còn không có hình chụp cả nhóm, tất cả là vì không ai muốn đứng chung trong một khung hình với Scott. Đến cả việc giao tiếp trong nhóm với tay ca sĩ cũng được 3 thành viên kia thực hiện gián tiếp qua ông quản lý. Để rồi khi căng thẳng đẩy tới đỉnh điểm, cuộc ẩu đả giữa Scott và Dean đã là giọt nước tràn ly chia rẽ ban nhạc.

Với Velvet Revolver (VR) xem ra tương lai Scott Weiland cũng chẳng khá khẩm hơn. Cứ ngỡ ở trong một đội hình với 3 thành viên Slash, Duff McKaganMatt Sorum đều từ một “lò nghiện ngập” Guns N’ Roses ra (thậm chí Scott còn từng ở chung trại cai nghiệm với Matt) thì các thành viên sẽ chia sẻ chung một sự “tương đồng” nào đó. Nhưng không. Scott vẫn lại là điểm kết nối lỏng lẻo nhất. Về mặt âm nhạc, tổng thể VR vẫn ghi được những dấu ấn cho người yêu nhạc lẫn phê bình. Họ bán được tới cả 4 triệu bản cho album đầu tay và ẵm ngay 1 giải Grammy cho bài “Slither”. Các âm thanh chơi tiếng nặng và quện vào nhau. Giai điệu hát của Scott vẫn lôi cuốn vậy. Thế nhưng về tổng thể, vẫn có một sự rời rạc giữa tiếng hát của Scott và phần nhạc phía sau. Gọi là nhạc nền phía sau cũng không đúng bởi âm thanh VR chơi vẫn mang đậm nét của một ban nhạc chơi cho Slash hơn là được dẫn dắt bởi vị trí ca sĩ như Scott.


Đây chính là lý do cảm giác của chính anh khi hát trong VR không được trọn vẹn. Với Scott, anh không cảm thấy cái hồn của mình trong đó như từng diễn ra từ thời STP. Chưa kể chuyện nghiện ngập không giải quyết nổi của tay ca sĩ này cũng khiến những thành viên kia bức xúc không kém những gì xảy ra với đồng đội cũ ở STP. Ở những ngày tháng cuối trong giai đoạn ngắn ngủi của ban nhạc VR, Scott cũng lại bị cô lập khi không một thành viên mở lời nói chuyện. Những câu nói bật ra nếu có đều là những lần cãi vã trên sân khấu.


Vậy nên cuối cùng Scott cũng một lần nữa bị đá khỏi nhóm và may mắn được STP đón nhận để tái hợp, trước khi các bên cũng lại không chịu đựng nổi nhau.


Scott Weiland đã có nhiều cơ hội được làm lại sự nghiệp và cuộc đời nhưng anh chưa bao giờ giữ được chúng. Lý do cho việc anh luôn phải tìm lại đến với chất kích thích là chỉ có nó mới làm tâm trí anh tĩnh lặng, và đưa anh đến những chốn không còn những hổ thẹn, tội lỗi và những ký ức buồn. Rồi cũng vì nó, anh cuối cùng cũng tìm tới yên bình ở cõi vĩnh hằng khi đang lưu diễn cùng ban nhạc The Wildabouts, cùng một cái kết đã xảy đến với cậu em trai Michael Weiland gần 9 năm trước và tay guitarist Jeremy Brown trong band Wildabouts mới gần 9 tháng trước đó.


I am not dead and not for sale” là câu cuối cùng trong cuốn hồi ký của Scott Weiland được phát hành năm 2012. Trong thâm tâm, anh vẫn luôn mong mỏi được sống để viết nhạc và hát, được vẽ tranh và viết sách, được truyền cảm hứng cho người khác, và được để lại dấu ấn cho đời về một con người luôn làm mọi việc bằng cả trái tim và linh hồn.


RIP Scott Weiland (27.10.1967 - 3.12.2015).



***

Hẹn gặp lại!


Kink

251 views

Recent Posts

See All
bottom of page