top of page

Damn Yankees: vui một lần, bán triệu bản

Updated: Nov 9, 2023

Tui để ý thấy dạo gần đây hay có nhiều hơn những cuộc tranh luận về việc thần tượng âm nhạc của một ai đó là đáng khen hay đáng trách. Thường thì đó là khi thần tượng âm nhạc của mỗi người có chuyện, mà thiệt, đời sống nghệ sĩ phức tạp vãi, mà ai ít từng trải thì có khi nhạc nhẽo lại chả hay. Thế mới thấy khó cho khán giả, khi ủng hộ thói hư tật xấu thì rõ là không phải rồi, nhưng khi không tự dưng ghét lây cái thứ nhạc mình thích lâu nay thì cũng … kỳ quá. Tui biết là ông Kroon hãy còn lăn tăn lắm với Justin Timberlake, còn Kcid có lẽ cũng đau bụng chả kém phần xưa nay vì trót thích Axl Rose mà không dám mạnh miệng khoe ra.


Thế Kai tui mới nhớ tới một vị cầm thủ có cái tên Ted Nugent, người trước kia thời những năm 70s cũng ảnh hưởng dữ dội nọ kia cho giới trẻ lắm, mà sau rồi vì công khai quan điểm chính trị theo chủ nghĩa cực hữu, cộng với những biểu hiện màu mè về cuộc sống ưa súng ống lẫn việc treo cờ miền Nam trước cửa nhà đã khiến anh này bị không biết bao người ghét.


Dĩ nhiên là tui không thích mấy trò làm màu kiểu đó của nghệ sĩ, nên tạm thời không bàn mấy vụ quan điểm này, hôm nay ta chỉ nói chuyện chơi chơi về nhạc của anh này thôi ha. Bởi vì nhạc của anh nghe cũng được lắm mà nhất là ở thời những năm 70s, khối người đã chịu ảnh hưởng của Ted Nugent tới mức không ít người đã gán cho anh chức năng lấp chỗ trống cho những anh hùng guitar nước Mỹ sau khi Jimi Hendrix ra đi và trước khi Edward Van Halen kịp xuất hiện.

Ted Nugent

Mà cũng phải thôi bởi vì Ted Nugent xem ra vẫn là nghệ sĩ Mỹ hiếm hoi ở thập niên 70s có khả năng đứng mũi chịu sào trên sân khấu mà không cần phải đóng vai cầm thủ sau lưng một frontman tự hào. Nếu như nước Mỹ ở thời gian này hãy còn chao đảo về cuộc xâm lăng của người Anh, thì việc xuất hiện một kẻ ngạo nghễ trên sân khấu với cách chơi guitar đầy lôi cuốn, khả năng hát và trình diễn gây ép phê như Ted Nugent xem ra cũng là thứ được mong lắm. Chẳng phải Ace Frehley của KISS cũng đã từng làm nức lòng cả một thế hệ thiếu nhi nước Mỹ với cách chơi đàn đơn giản hiệu quả và thái độ ngạo nghễ của một show man đó ư?


Quen xuất hiện trên sân khấu ở trần đóng khố và đu dây ầm ầm lao ra như Tarzan, thứ thực ra đáng chú ý nhất của Ted Nugent lại là cây guitar Byrdland của Gibson. Không có nhiều tay guitar chơi cây này giống như Nugent bởi vì nó vốn là một cây guitar dành để chơi nhạc Jazz. Với body rỗng và cần đàn ngắn lại, cây guitar Byrdland được tạo ra chủ ý từ Billy ByrdHank Garland từ những năm 1955 (thời đó mới chỉ có pick up P90). Với thân đàn dù bự nhưng được thiết kế khá mỏng (đây là một trong những cây đầu tiên theo phong cách thiết kế thân mỏng này), cây Byrdland hóa ra lại cực dễ để sử dụng với cần đàn nhỏ và quan trọng là ngựa đàn được kéo lên vị trí gần giữa body khiến cho cần đàn có thể ngắn lại đáng kể. Mặc dù chủ ý lúc đầu của bộ đôi nghệ sĩ Jazz / Country kia là chế tạo ra cây đàn để dễ bấm những thế khó chơi nhạc Jazz, khi cây Byrdland vào tay Ted Nugent, nó trở thành cây đàn tuyệt hảo để chơi tốc độ và tạo ra những đoạn riff chơi trên nhiều dây phức tạp hơn thường bởi người chơi không còn phải mất công che chắn cho cây đàn của mình khỏi rít lên khi khuếch đại.

Tiếng đàn đặc trưng của Ted Nugent trong "Stranglehold"


Không ai ngờ rằng Ted Nugent đã khám phá ra âm sắc đặc biệt và cũng là đặc trưng của riêng anh từ cây Byrdland, bởi nó có thể quẹt trên nhiều dây cùng lúc mà âm thanh không bị nhòe. Cùng với “mốt" xài ampli khuếch đại hết cỡ để phá tiếng, Nugent phát hiện ra cây Byrdland “hấp thụ” được tiếng feedback một cách tuyệt vời thay vì tạo ra những âm thanh feedback chói tai như những cây khác. Tiếng feedback hòa trộn với tiếng guitar trở thành một âm sắc riêng của Ted Nugent thời đó.


Và với cái gốc là âm nhạc Motown của mình (Nugent lớn lên ở Detroit), cây Byrdland thế là có thể giúp Ted Nugent làm mọi thứ từ chơi rhythm để hát cho tới solo, từ chơi Blues, Country cho tới cả nhạc Southern Rock.


Nếu như bạn chưa từng nghe Ted Nugent, có thể thử bắt đầu với album solo đầu tay của anh Ted Nugent (1975) và nhất là Cat Scratch Fever (1977). Đó là những album đặc trưng cho cái tính cách gấu chó mà anh tự nhận là Motown City Madman, cũng như thứ âm nhạc cuốn và sôi động đã từng làm mưa làm gió thị trường âm nhạc trước khi có Van Halen xuất hiện và rồi cả những cuộc vui bất tận đến từ Glam Metal, thứ âm nhạc khiến cho khái niệm guitar hero bỗng trở nên bão hòa không cần thiết.


Nhưng mục đích chính của bài này là nói về Damn Yankees, một supergroup với sự góp mặt không ngờ tới của Ted Nugent vào cuối thập niên 80s đầu 90s. Đúng vậy, đã từng có khối kẻ cho rằng Ted Nugent, với cá tính của mình, sẽ không thể nào chơi trong một ban nhạc nữa, bởi vì gã chỉ quen với việc người khác phải chơi nhạc cho gã tỏa sáng.


Bắt đầu từ ý tưởng của John Kalodner, chuyên gia tìm kiếm tài năng của Geffen, khi ông tính chuyện kết hợp giữa một Ted Nugent thì đang bó gối chẳng biết làm gì ở giai đoạn cuối thập niên 80s, cùng tay rhythm guitar Tommy Shaw từ band Styx đang trục trặc trong sự nghiệp solo khi album của anh này (Ambition) bán không có chạy. Với kinh nghiệm trước đó vừa “trục vớt” được hai con tàu đắm là AerosmithGreat White và phục hưng sự nghiệp của họ, Kalodner đã đề nghị 2 người làm việc cùng nhau và tạo ra một supergroup.

Đam mê vô bờ bến của Ted Nugent khi chơi cùng Damn Yankees


Ngay từ khi mới gặp nhau, Tommy Shaw đã lấy được cái gật đầu của Ted Nugent. Gã nhận ra tâm hồn của Shaw cũng soulful y như gã, và thậm chí Nugent còn nhìn nhận Shaw còn giống như một người da đen chính hiệu tới từ Alabama chứ không phải là một gã da trắng chuyên hát ballad ỉ ôi. Shaw lớn lên trong tinh thần âm nhạc R&B của những James Brown hay Wilson Pickett, và cũng chia sẻ những tinh thần của âm nhạc Motown giống y như Ted Nugent. Hai tay này jam với nhau bằng cây acoustic và nhanh chóng cho ra bản “Come Again”. Đây cũng chính là bài hát đưa tui đến với Ted Nugent, bởi thú thực, khi lần đầu tiên tui được coi đoạn solo bài hát này, tui không thể tưởng tượng nổi niềm vui và sự đam mê vô bờ bến của gã guitarist chơi cái đoạn solo đó.


Kalodner thì thực dụng hơn, và đề nghị bộ đôi này viết khoảng 2-3 bài hit trước khi đám này muốn làm gì thì làm (công thức chiến thắng của Kalodner là khoảng 4 bài “thương mại’ là đẹp, còn đâu thì kệ). Ngay khi nghe tin ban nhạc Night Ranger chuẩn bị tan ra, Kalodner lập tức gọi tay bass của họ, Jack Blades, một gã vừa có thể viết nhạc và hát, tới để tham gia cùng. Jack Blades chính là mảnh ghép còn thiếu có thể dung hòa hai nghệ sĩ có tính cách khá trái ngược nhau như Shaw và Nugent (đấy là tui đoán dựa trên phong cách trình diễn).


Kết quả là họ viết một lèo cả chục bài hát, trong đó nổi tiếng nhất và được phát trên radio nhiều nhất có lẽ là “High Enough” và bản nhạc sau trở thành single đầu tay và đập vào mặt của họ, “Coming of Age”. Với Kalodner, vốn liếng để nổi như thế là đủ. Geffen lúc đấy không chịu đầu tư cho cái trò “supergroup” mà họ cho là nhảm nhí, nên Kalodner đã “bán” Damn Yankees cho Warner Bros.


Damn Yankees có âm thanh khá đặc trưng của riêng họ và khá là khác biệt so với những ban nhạc Glam Rock sắp suy tàn ở cuối thập niên 80s. Đó là phần hát bè tuyệt vời giữa Tommy Shaw và Jack Blades, những người đã quen với việc hát bè và phối giọng trong các band cũ của họ; và những tiếng guitar đầy châm chọc và khó lường bổ trợ cho bài hát tới từ Ted Nugent. Âm thanh của Damn Yankees như một thứ bia đặc trưng mà nhà pha chế tinh ý đã tạo ra sự cân bằng tuyệt vời giữa vị ngọt và đắng nhưng cũng không quên tạo ra một dư vị “fullbodied” dày cui cho thứ đồ uống này. Cùng với tay trống Michael Cartellone (vốn là tay trống của Tommy Shaw), Damn Yankees đã có tất cả những gì tinh túy nhất của Glam Rock thời đó: giai điệu, những câu riff, trống dồn dập, và cả những câu solo đáng nhớ. Họ xuất hiện ngay trước khi thứ âm nhạc Grunge từ Seattle quét sạch glam rock và ghi dấu ấn từ những nghệ sĩ tài năng đến với nhau không có áp lực và chỉ định tạo ra một thứ âm nhạc thật vui vẻ. Album đầu tay Damn Yankees cũng vì thế bán được tới hai đĩa bạch kim ở Mỹ với thứ âm thanh có lẽ gợi nhớ lại Van Halen ở thời vui vẻ nhất.

"Rock City" cuốn mà không nhàm với tiếng guitar đặc trưng của Ted Nugent


Album này còn có hai ca khúc đáng chú ý khác nữa. Đầu tiên là bản “Rock City” được vay mượn từ ý tưởng câu riff xưa cũ của Ted Nugent (“Just What the Doctor Ordered” trong album 1975 của anh) nhưng được làm hiện đại và cuốn hơn. Và tiếp đó là bản nhạc kết của album này, “Piledriver”, cũng là bài duy nhất có giọng hát của Ted Nugent. Bài này có phần guitar solo ở giữa đặc biệt hoành tráng. Hai ca khúc “Rock City” và “Piledriver” hoàn toàn là sự thể hiện mạnh mẽ của Ted Nugent, giúp cho album có sự cân bằng đáng kể nếu như những bài trước giọng hát cao chói vói của Tommy Shaw đã làm người nghe cảm thấy hơi một màu.

Ca khúc kết lại album theo cách không thể tuyệt vời hơn


Quan trọng hơn cả, Ted Nugent đã “chịu” kìm mình lại trong hầu hết các bài của album, và dùng sức mạnh cây guitar của mình để phục vụ cho bài hát, thay vì buông lơi và tìm cách phô diễn bản thân mình như thường thấy trong sự nghiệp của anh.


Thế nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Thành công không mong đợi từ hơn hai triệu đĩa bán được té ra chỉ khiến các anh em không còn nhiều mục tiêu phấn đấu trong album tiếp theo của họ, Don’t Tread (1992) và thậm chí nghe đồn, hãng đĩa Warner Bros đã bỏ ra 1 triệu đô đưa cho 4 vị để họ đừng ra thêm đĩa nữa và hãng đỡ phải mất công quản lý họ. Số tiền này chẳng qua cũng được trích từ lợi nhuận không ngờ từ album Damn Yankees “làm cho vui” ngày nào.

"High Enough" vẫn liên tục được phát trên radio ở Mỹ đến tận giờ


Ted Nugent sau đó quay lại làm nhạc solo và làm những trò lố thể hiện quan điểm chính trị của mình, trong khi Tommy Shaw Jack Blades quay trở lại với StyxNight Ranger. Michael Carlletone thì kiếm được vị trí chơi trống trong Lynyrd Skynyrd, nên xem ra ai cũng có nơi có chốn cả, và dù có đúng là họ đã từng nhận 1 triệu đô từ Warner Bros hay không, thì xem ra việc Damn Yankees không tiếp tục ra đĩa nữa cũng chả còn quan trọng mấy. Chỉ riêng sự nổi bật của album Damn Yankees năm 1990 giữa vô vàn các album Glam Rock, với những "High Enough" hay "Coming of Age" vẫn còn được phát liên tục trên radio ở Mỹ đến tận giờ, có lẽ đã là quá đủ rồi.


Hẹn gặp lại!


Kai

210 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page