top of page

Công thức nhạc Rap của JPEGMAFIA

JPEGMAFIA là nghệ sĩ mà thực ra ban đầu chỉ chú tâm vào vai trò producer để sản xuất beat, nhưng hóa ra không ai nuốt nổi nhạc của anh. Nó khó nghe và khó viết lời để rap theo. Thế là anh đành phải tập tành làm rapper để chuyển tải những ý đồ của mình trên những con beat kỳ quặc khác người đó. Đối với những ai nghe phải nhạc Rap của JPEGMAFIA ắt hẳn đa phần cũng không mê nổi nhạc của anh trong lần đầu trải nghiệm. Nó đầy tính thể nghiệm và những tiếng ồn ào, nhiễu loạn của thứ Experimental Hip Hop và Noise Rap mà anh theo đuổi.


Tôi may mắn khi nghe nhạc của anh từ album LP! (2021) vì đây có lẽ là đĩa nhạc dễ tiếp cận hơn hẳn, chứ không như mấy nhạc phẩm đầu tay của anh, những album thô ráp và khó hiểu gần bằng thứ nhạc mà Earl Sweatshirt làm trong Some Rap Songs. Cả đến khi đã nghe quen tai hơn thì album mới Scaring The Hoes (2023) mà anh rap cùng Danny Brown cũng có những phần âm thanh đan xéo loạn xạ, để rồi phải nghe tới lần thứ 5 thì tôi mới thực sự ngấm và thích nó. Âu cũng là vì flow và delivery của JPEGMAFIA luôn thay đổi để nổi bật trên nền nhạc nhiễu loạn đó.


Bản thân tôi đã từng nghĩ nhạc Rap nặng về công thức và tính lặp, nhiều hơn hẳn các thể loại nhạc khác. Nên sự khác biệt lớn nhất một rapper có thể tạo ra cho mình là sáng tác và trau chuốt lời rap. Tuy nhiên đến khi nghe dòng Experimental Hip Hop, đặc biệt nhạc của JPEGMAFIA thì tôi đã hiểu ra nhận định đó rất sai lầm.


***

JPEGMAFIA tên thật là Barrington Hendricks (hay còn được gọi với cái tên “Peggy”). Chịu cảnh phân biệt sắc tộc nặng nề ở thuở niên thiếu, Peggy quyết định nhập ngũ ở tuổi 18, không phải vì anh là một công dân yêu nước, mà đơn giản chỉ là với một thanh niên da màu nghèo khó, lựa chọn này không tệ hơn là bao so với việc có thể “chết” với cuộc sống thực tại.


Trong thời gian nhập ngũ, Peggy đã có lúc đóng quân ở nơi chiến tuyến tại Iraq. Và để giải toả giữa những cuộc chiến căng thẳng, anh có một chiếc máy tính xách tay cho phép anh có thể tải nhạc về để nghiền ngẫm trong những ngày cuối tuần. Bất chấp đường truyền Internet nơi đó không nhanh và ổn định như quê nhà, Peggy vẫn xoay sở để có được những album như My Beautiful Dark Twisted Fantasy của Kanye West, Kush & Orange Juice của Wiz Khalifa, Teflon Don của Rick Ross, v.v. Là người mê nhạc Hip Hop, sở thích âm nhạc của Peggy cũng mở rộng tới cả những nghệ sĩ thuộc các dòng nhạc khác như Björk, James Blake, Janelle Monaé, Radiohead, và cả Hanson, Britney Spears lẫn The Backstreet Boys.


Peggy đã tập tành làm nhạc trên các phần mềm download về máy tính từ những ngày còn đang trong quân đội. Nhưng nhạc mà anh sản xuất không hề giống những nghệ sĩ anh nghe. Thứ giống nhất chỉ là những tính thể nghiệm mang đậm cá tính nhạc của người nghệ sĩ, như những Kanye West, Björk, James Blake, Janelle Monaé, hay Radiohead làm được. Nghệ sĩ có thứ nhạc gần sát nhất với nhạc của anh để so sánh là Kanye, người mà Peggy thần tượng từ những ngày đầu tiên, nhiều đến độ anh “ghét” chính người đàn anh này vì không thể lý giải nổi cách làm nhạc phức tạp nhưng ai cũng có thể tiếp cận được của Ye. Có lẽ thế nên anh học nhiều từ những yếu tố thể nghiệm táo bạo trong Yeezus, album vốn dĩ đã lạ tai nhất của Ye, rồi loại bỏ phần lớn những yếu tố quen thuộc để làm ra thứ nhạc “khó nghe” đậm chất JPEGMAFIA. Nhạc của Peggy mang những nét gai góc của một tuổi thơ dữ dội, thô ráp như những hạt cát của vùng Trung Đông nơi chiến trường anh trải qua.


Đây nhé, ở album đầu tiên Black Ben Carson, bài “Drake Era” không hề có nhiều nhạc cụ trong bản mix, chủ yếu là trống và những âm thanh sạn lạo xạo thay cho hi-hat, rồi bài “Cuck” là tiếng rè đặc vỡ vụn như nhạc của anh Trent Reznor khi sản xuất cho Nine Inch Nails, hoặc “You Think You Know” có phần intro lung linh huyền ảo lừa đảo cho phần beat đen tối phía sau chủ yếu là tiếng trống, bộ gõ và các hiệu ứng.


Có thể thấy cách làm nhạc của Peggy là chặt vụn ra rồi xới tung để rồi khi ghép vào, chúng không cần phải thành hình thành khối gì hết, mà thay đổi liên tục chỗ này chỗ kia, giống như những dòng suy nghĩ vẩn vương đã bị vấy đục của anh rapper này vậy.


Đây chính là thứ nhạc mà khác gần như 180 độ với những cảm nhận về Rap trước đây của tôi. Những con beat của những vòng lặp từ hoà âm cho tới nhịp điệu, dần dà có những biến tấu ngẫu hứng qua bàn tay của Kanye West nhưng vẫn có cấu trúc bài quen thuộc. Sau đó nhạc Hip Hop lại dần bị đẩy xa khỏi những gì thân quen trong thời đại dòng nhạc này phát triển mạnh mẽ thông qua các nền tảng streaming, thậm chí có cấu trúc dài hơi biến đổi trong cùng bài về các nhịp điệu lẫn hoà âm, như nhạc của Travis Scott. Để rồi những nghệ sĩ theo dòng Experimental Hip Hop ở một thái cực khác như JPEGMAFIA lại càng đưa thứ nhạc này ra những vùng đất âm thanh mới không có giới hạn, thế rồi cuối cùng cái thường gọi là “công thức” dễ thấy ở Hip Hop không còn tồn tại nữa.


Peggy luôn đưa những chất liệu “khó nhằn” vào nhạc của anh. Không nói tới những thay đổi của beat, ở album Veteran (2018) có tiếng kêu kéo dài như sắp đứt hơi trong “Real Nega”, âm thanh của độc riêng phần trống và bộ gõ trong “Rock N Roll Is Dead”, giọng ê a rùng rợn trong “Rainbow Six”. Những album sau đấy dù beat có “dễ nghe” hơn thì chúng vẫn có âm thanh rè vỡ vụn đặc trưng như bài “BMT” ở album LP! (2021), hoặc phần trống nhanh đầy hung hãn phủ lên trên âm thanh jazzy chậm rãi trong “Jack Harlow Combo Meal” ở album Scaring The Hoes (2013).


Vậy nên cái gọi là “công thức” có thể tóm gọn lại để tả nhạc của JPEGMAFIA chỉ là: hiệu ứng giọng hoặc nhạc cụ làm nền với âm sắc vỡ vụn, nhịp trống đanh chát mạnh mẽ và vô vàn những đoạn sample không ai nghĩ tới. Anh sample một loạt từ nhạc của LL Cool J, KRS One, Kanye West, Michael Jackson, Ol’ Dirty Bastard cho đến The Cardigans, Kelis, ‘N Sync, Britney SpearsTaylor Swift, v.v. Không một giới hạn nào về thể loại cho tới phong cách nhạc.


Vì những phần sample này mà việc xin phép tác giả của chúng cũng gặp khó khăn, dẫn đến việc riêng album LP! của Peggy có đến hai version, online và offline với bản offline mang đầy đủ trọn vẹn ý tưởng của anh. Rồi cũng vì những kiểu sample khác người đó, điều gây bức xúc cho Peggy còn là chuyện nhiều người xung quanh anh chất vấn Peggy cả về những đoạn nhạc mà anh tự nghĩ và tự chơi trên chiếc keyboard của mình.

Về phần rap, tài năng sáng tác lời và lối flow hừng hực đầy khí thế nhưng biến đổi nhịp điệu liên tục theo đúng màu sắc của từng khoảnh khắc trong beat của JPEGMAFIA là thứ gắn kết chặt chẽ kiểu nhạc bị băm vằm vỡ vụn. Bởi thế mà ban đầu không ai muốn rap trên nhạc của anh, mà chỉ mình Peggy hiểu ý đồ nhạc của bản thân để viết lời trên đó.


Trong bài “The 27 Club” ở album Black Ben Carson, Peggy mượn ba nhân vật nổi tiếng nhất trong 27 Club là Jimi Hendrix, Janis JoplinKurt Cobain, rồi rap từ góc nhìn của ba người này và phản ánh hiện thực của xã hội một cách châm biếm mỉa mai.


Khi anh là Jimi, anh tự nhìn mình như một nghệ sĩ mang một phong cách khác người nhưng cấp tiến cho sự phát triển của âm nhạc, đồng thời đá đểu giới phê bình chia làm 2 phe nhưng phe nào cũng thượng đẳng, và rồi kết cục một rapper underground như anh cũng vẫn bị ngó lơ bởi cả hai. “So fuck a black fan, crackers make figures / ‘Cause God don’t like ugly and no one likes n****s” là một lời cay độc về kết cục đen tối của Jimi, đại diện cho những nghệ sĩ da màu như Peggy.


Khi anh là Janis, anh tự giễu mình như những nghệ sĩ da trắng kiếm tiền từ việc hát nhạc da màu. Những câu giễu về sự bất bình đẳng sắc tộc giữa những nghệ sĩ thật thâm thuý, từ “Big Momma Thorton my ball and chain / Bitch I'ma do you like Elvis did, never get credited” (khi thành công của bài hát được sáng tác riêng cho Big Momma Thorton không là gì lúc nó được Elvis hát lại) cho đến “Pot kettle rhetoric, vocal chords need severin' / I never had an original bone in my skeleton” (để nói đểu những nghệ sĩ da trắng phải gắng sức hát, phá nát hết giọng vì cố đu theo thứ nhạc của người da màu khi họ không hề thừa hưởng gốc gác của một người con gốc Phi).


Khi anh là Kurt, anh tự cô lập mình. Giàu sang vì thành công trên đỉnh sự nghiệp, Peggy như thể sướng quá hoá rồ, nhạy cảm trước từng lời nói của bàn dân thiên hạ. “YouTube confessin' in the comment section / Dick gettin' hard off a thumbs up blessin' / And when you get ignored / It's like, "Fuck, now I'm stressin'!"”.


Cả ba nghệ sĩ này đều là những huyền thoại mà Peggy lấy nguồn cảm hứng. Nhưng với đầu óc đen tối, anh là con người luôn nhìn các vấn đề ở nhiều góc cạnh khác nhau. Cả khi đó là những thần tượng / anh hùng của mình, Peggy cũng nhìn xuyên thấu cả những mặt xấu xí của họ, một trong những lý do mà anh đặt tên cả một album là “All My Heroes Are Cornballs” (2019) để thể hiện những cái nhìn mỉa mai này.


Với những huyền thoại mang tính hình tượng mà JPEGMAFIA vẫn có thể viết nên những thứ xấu xí thì có thể hiểu xã hội nước Mỹ nói chung và thị trường âm nhạc nói riêng sao tránh được mũi dùi qua ngòi bút của anh. Vậy nên cũng không lạ gì khi anh có những track như “I Just Killed A Cop Now I’m Horny” mang một cái tên còn sốc hơn những gì N.W.A. từng làm với “Fuck Tha Police”. Giống như câu anh thường nhắn nhủ trong các bài rap “You think you know me”, không ai có thể hiểu tận tường con người Peggy, cũng như không ai có thể thoát được lời rap tấn công tứ phía của anh.


Ở bài “1539 N. Calvert”, Peggy nhắm tới Drake (“I need all my bitches same color as Drake / If they not, then they gettin' rocked”), John Lennon (“Pull my case, boy (Okay), I beat that shit like Lennon beat his bae”), rồi cả youtuber chuyên kênh review nhạc Hip Hop (“I need a bitch with long hair like Myke C-Town”).


Trong “Kenan Vs. Kel”, anh không tha một ai chống lại mình (“‘Cause when I'm rollin' / I'm dressin' up like I'm Prince Peach / And if you sendin' in Marios to defend me / You better make sure to break all the Grammys / Kill all the winners, losers, nominees”).


Trong “Rebound”, sự ngông nghênh của Peggy thể hiện qua sự mỉa mai kẻ thù của mình bằng những cụm từ chơi chữ liên quan những nghệ sĩ như Seal (“Look at the preacher and look at the spiel / Swear on the bible, I keep it concealed / Kissed with no roses, I left 'em like SEAL”), Britney Spears (“He told me to stop dissin' his kin (Huh?) / Oops, I did it again”), qua lời thách thức kẻ thù nặng chất sỉ nhục (“All them threats be makin' me hard (It's hard) / Opposite of who you really be (For real) / All that shit that you did to your girl / I just wish that you'd do it to me”) bằng hình ảnh đa nghĩa đối lập giữa “cứng” (Peggy) và “mềm” (bọn kẻ thù), liên quan giữa việc anh thấy “nứng” khi bị chúng doạ và “thèm khát” được “đối xử” như cách bọn chúng làm với ghệ của chúng, để anh có cơ hội trả đòn.


Vì thế “công thức” viết lời rap của Peggy là lối thể hiện cường điệu mang tới hiệu ứng gây sốc, tựa như phần nhạc của anh, nhưng cũng lại đen tối mỉa mai qua lối flow đầy hung hãn.


Gọi là “công thức” như vậy, nhưng cách Peggy sáng tác nhạc lẫn lời vẫn chưa bao giờ hết yếu tố bất ngờ. Hệt như nhạc của anh, lời rap của Peggy như xới tung mọi thứ lên một cách hỗn loạn có kiểm soát, để mà khi ngẫm lại tổng thể, chúng mang đầy hàm ý. Âm nhạc của anh nhìn chung không thể nhìn theo một chiều thời gian từ giây nhạc đầu tiên cho tới khi kết thúc, mà nó là một khung cảnh, hoàn cảnh hoặc không gian mà Peggy dựng lên và đặt các nhân vật anh liên tưởng tới vào trong đó, soi kỹ từ đủ các góc nhìn, để rồi đúc kết chúng bằng những lời rap thâm thuý, có phần cay đắng như quá khứ trong cuộc đời của anh. Người ta nghĩ thứ âm nhạc và lời rap được anh cố tình làm vậy để làm hình ảnh, nhưng sự thật thì Peggy luôn cảm thấy như vậy.


Vậy nên tôi nghĩ “công thức” nhạc của JPEGMAFIA lại chính là cốt lõi của một nghệ sĩ dù có cái nhìn tiêu cực, thì đó đúng thực vẫn bắt nguồn từ những suy nghĩ của chính con người anh. Vậy nên “công thức” nhạc đó vẫn chưa bao giờ đánh mất sự bất ngờ.


You think you know me” .


Hẹn gặp lại!


Kunt

590 views

Recent Posts

See All
bottom of page