top of page

Michael Schenker: Anh hùng không màng danh vọng

Michael Schenker có lẽ là tay guitar bị “phớt lờ” nhất trong tất cả các vị anh hùng guitar. Nếu nói về tầm ảnh hưởng về Rock nặng ở thời kỳ đầu, Michael nhà Schenker có lẽ không thể đứng thấp hơn vị trí thứ 4 ngay sau bộ ba trinity của nhạc Rock gồm những Tony Iommi, Ritchie Blackmore, và Jimmy Page. Nhưng mặc dù có một sự nghiệp dài hơi đáng nể trải dài 5 thập kỷ, những hào quang và sự đón nhận dành cho Michael Schenker đều được để dành cho những con người xung quanh gã: UFO, ban nhạc do Michael gây dựng, được tính là ban nhạc Anh quốc giàu ảnh hưởng, Scorpions thì dĩ nhiên là của Klaus Meine và Rudolf Schenker, và thậm chí ông anh Rudolf nhà Schenker còn sở hữu nguyên một dòng đàn Flying V signature của Gibson, cây guitar mà Michael Schenker giúp truyền bá rộng rãi ở thập niên 70s với hai nửa màu đen trắng cũng do Michael Schenker tạo ra nốt. Lâu lâu, Rudolf còn tự hào khoe với ông em Michael rằng cụ vừa mới gặp Slash hay Joe Perry của Aerosmith và thậm chí mấy tay này còn sấn sổ tới vỗ vai Rudolf: “Chào Michael!”

Đây mới là Michael Schenker

Không nhiều người để ý, Michael Schenker bắt đầu sự nghiệp từ khi mới 16 tuổi khi trở thành lead guitar của Scorpions trong album đầu tay của họ, Lonesome Crow (1972). Những nhạc phẩm như “In Search of the Peace of Mind” và nhất là bản nhạc dài 13 phút “Lonesome Crow” đã gây được không ít sự chú ý về tài năng guitar dị thường của thần đồng nước Đức với khả năng cấu trúc bài hát và cách tạo ra những chuyển biến thú vị trong một bài nhạc dài. Nhưng ngạc nhiên thay khi Scorpions bắt đầu gây được sự chú ý, Michael Schenker cũng lặng lẽ bỏ đi. Theo lời gã, Scorpions đã không ghi credit bất cứ bài nào cho Michael, dù rằng khối người trong cuộc biết thừa rằng khơ khớ số bài hát trong Lonesome Crow là từ Michael chứ không phải Rudolf nhà Schenker.


Dù sao thì tài năng vô tiền khoáng hậu này đã không thoát khỏi con mắt tinh tường của Phil Mogg, gã phi công lái Vật Thể Bay Không Xác định UFO tới từ nước Anh láng giềng khi Scorpions còn đi đánh khởi động cho UFO. Ngay khi nghe tin Michael Schenker chuồn khỏi Scorpions, Phil Mogg lập tức mời Michael Schenker vào band ngay giữa tour của UFO vào năm 1974 và nghe đồn Michael Schenker thậm chí không cần học trước bài và nhảy vào chơi luôn cùng UFO. Có lẽ không cần phải nói nhiều về album đầu tiên của UFO khi có Michael, Phenomenon (1974), với “Rock Bottom” và “UFO”, những ca khúc mà có lẽ ai tập chơi guitar cũng đều từng miệt mài tập luyện chỉ mong tạo ra được cái “màu” trong tiếng đàn thô ráp như một ngón tay ngoáy thẳng vào màng nhĩ đó.


Không chỉ thế, Michael Schenker còn tạo ra hình ảnh của một anh hùng guitar từ rất sớm với cây Gibson Flying V của mình. Thử nghĩ xem, ngoài Tony Iommi “định hình” với cây Gibson SG, có lẽ Michael Schenker là người tiếp theo khiến cho tất cả đám trẻ con phải phát cuồng với một cây guitar nhất định nào đó bởi vì vị “anh hùng” của chúng chơi nó. Chắc chắn đó là từ rất lâu trước khi thế giới kịp hiểu khái niệm anh hùng guitar là gì và một “đứa trẻ” mang cái tên Edward Van Halen xuất hiện.


Nhưng trong cái công cuộc đi tìm nghệ thuật có thể giãi bày hết ý đồ của mình, Michael cuối cùng cũng té khỏi UFO ngay trước khi họ phát hành album Strangers in the Night cũng chỉ bởi gã cho rằng Phil Mogg cũng quá ư tính toán. Và thế sau vài lần thử sức như một miếng ghép với những Aerosmith hay Ozzy Osbourne, thậm chí còn thử quay lại với Scorpions trong Lovedrive (1980) mà không tìm được sự hòa hợp, gã đã tự tạo ra Michael Schenker Group (MSG) vào đầu thập niên 80s, bước đi chắc chắn là ngược lại với tất cả sự kỳ vọng của các fan nhạc Rock trông đợi những màn trình diễn hoành tráng trước hàng chục ngàn người từ những band nhạc lớn nhất.


MSG đã trở thành nơi trú thân cho Michael Schenker suốt từ đó, nơi gã có thể thỏa thích tạo ra thứ âm nhạc mình đeo đuổi mà không phải bận tâm tới danh vọng, cũng là nơi gã tự tách ra khỏi bối cảnh nhạc Rock khi Metal trở thành một thứ kỳ vĩ trong thập niên 80s. MSG chỉ chơi ở những hội trường khiêm tốn trước những khán giả trung thành tiếp tục dõi theo hành trình của bậc virtuoso ít tiếng tăm này.


Nhân dịp Michael Schenker và MSG của gã vừa ra album kỷ niệm 50 năm sự nghiệp và chơi lại những ca khúc của gã từ thời UFO, hãy cũng điểm lại 5 dấu ấn đáng nhớ nhất của Michael Schenker, những thứ dường như ít được để ý tới sau khi Michael Schenker rời khỏi UFO cuối thập niên 70s.


1) UFO: nơi phơ wah được dùng để tạo ra tiếng đàn đặc trưng


Chính Michael Schenker đã phải thừa nhận, trong suốt thời gian đầu sự nghiệp của mình, mỗi ngày đều là từng ngày gã lặng lẽ kiến tạo tiếng đàn của riêng mình. Có lẽ album đầu tay cùng UFO, Phenomenom chính là nơi Michael Schenker bắt đầu tìm ra tiếng đàn của riêng mình. “Doctor Doctor” có lẽ là minh chứng điển hình nhất trong việc Michael Schenker lần tìm từng nốt nhạc như một bản instrumental (bài này vốn là một bản instrumental của Michael), cho tới khi Phil Mogg xuất hiện và biến nó trở thành một ca khúc bất hủ với phần lead guitar của Michael đóng vai trò câu lick gây ép phê ở các đoạn nghỉ. Và “Rock Bottom”, chắc chắn là sự hoàn thiện của tiếng đàn này với phần rhythm và solo nay đã đi vào dạng kinh điển.


Có lẽ mỗi chúng ta nếu như đã từng tập tành chơi theo các câu đàn của UFO và Michael Schenker thường không mấy gặp khó khi “dò” ra phần rhythm của họ. Cái khó nằm ở chỗ tái hiện lại âm thanh như tiếng đàn của Michael, một thứ âm thanh vừa trầm đục thô ráp như một ngón tay chọc vào lỗ tai, lại vừa có độ nhớp nháp và kết dính giữa các nốt nhạc với nhau nghe thật kỳ dị.


Bí quyết nằm ở chỗ Michael Schenker sử dụng cục phơ wah như một bộ lọc để tạo ra âm sắc đó. Tui tình cờ phát hiện ra điều này khi bật cục phơ wah lên và thay vì để nó ở vị trí cao nhất hay thấp nhất, nếu đặt cố định bàn đạp đâu đó ở giữa thì sẽ tạo ra được âm sắc như tiếng guitar chơi trong một chiếc hộp sắt tây nhưng lại kết dính sền sệt như thế.


Michael Schenker thậm chí còn biến nó thành một thứ của riêng mình bằng cách mở cục phơ Wah của mình ra và gắn cố định cái bánh xe điều chỉnh bên trong lại để khỏi phải lo tìm kiếm thứ âm thanh mà mình cần. Dĩ nhiên Michael không phải người đầu tiên xài phơ Wah làm bộ lọc cho tiếng đàn vì trước gã, ít nhiều thì George Harrison hay Jimmy Page đều đã thử nghiệm với cục phơ này theo nhiều cách. Nhưng chắc chắn những cây guitar sau gã đều luôn nhắc tới Michael Schenker như là người đã giúp họ tạo ra tiếng đàn của riêng họ. Hãy hỏi Randy Rhoads, Dave Mustaine hay Kirk Hammett.


Album ưa thích nhất của tui trong thời UFO: Force It (1975).


2) MSG: nơi tiếng đàn tiếp tục bay xa ngoài những khuôn khổ


Không quá khi nói rằng Michael Schenker rung dây đàn bằng cả sức nặng cơ thể mình. Ti vẫn còn nhớ như in trong một chương trình TV nọ khi Kirk Hammett (Metallica) được jam cùng với thần tượng của anh là Michael Schenker, và sau khi Kirk rất chân tình hỏi “vậy chứ cụ rung dây đàn thế nào”, Michael Schenker đã rất thật khi trả lời “bằng cả người tao!”.


Nếu như ai vẫn còn ngờ ngợ trong việc phân biệt đâu là ông anh Rudolf và đâu là ông em Michael của nhà Schenker, thì để tui chỉ cho bạn nhé. Michael Schenker thời trẻ luôn đừng chụm chân với cái khe góc chữ V trên cây Gibson Flying V của gã tựa hẳn lên một chân, và đó là cách cả cây đàn như được gắn chắc lên cơ thể của Michael khiến cho mỗi lần gã rung dây đàn thì đó là từ cả sức nặng của cả người. Đó là lý do khiến Michael Schenker thời trẻ luôn nhìn với dáng vẻ “co quắp” với cây đàn của mình, trong khi Rudolf thì luôn tỏ ra mạnh mẽ và nguy hiểm với chân dang rộng khi chơi đàn. Họ có thể cùng mang họ Schenker và chơi cùng một kiểu đàn, nhưng chắc chắn Rudolf đã không bao giờ có thể khiến cây guitar có thể nức nở như Michael.


Cũng vì thế, những cái tên về các vị anh hùng guitar chịu ảnh hưởng từ tiếng đàn của Michael Schenker kể ra không ít. Không quá khi nói rằng đa số các tay guitar ở thập niên 80s đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Michael Schenker, nếu không vì cách căn chỉnh tiếng đàn, thì cũng là cách nhéo và rung dây, nếu không vì cách chọn chơi ở hợp âm thứ với pentatonic scale, thì cũng là cách chơi phối hợp giữa giai điệu và tốc độ một cách mượt mà.


Nhưng bất kể việc người đời ca tụng gã như là một anh hùng guitar giàu ảnh hưởng tới đâu, điều tuyệt vời nhất ở Michael Schenker là gã không bị “đóng khung” bởi một thứ âm nhạc cố định. Michael Schenker thường xuyên ra đĩa cùng MSG cũng như những nhạc phẩm solo của mình và người nghe luôn có thể tìm được những ý tưởng mới cũng như sự bất định hình trong âm nhạc của gã. Thậm chí kể cả khi Michael Schenker muốn bỏ chơi guitar điện và chuyển sang chơi acoustic.


Album ưa thích của tui trong thời kỳ đầu của MSG: Assault Attack (1984).


3) Chơi acoustic và hơn một thập kỷ thâu các album solo


John Norum, cựu lead guitar của Europe, có lẽ là người hạnh phúc nhất khi Michael Schenker tuyên bố chuyển qua chơi acoustic và quyết định bán hết số đàn điện và amply. Anh này nhanh chóng mua lại toàn bộ đồ chơi của Michael Schenker vì tất cả đều là đồ analog, và quan trọng hơn là sợ Michael Schenker sẽ nhanh chóng đổi ý.


Tất cả là vì trước đó, sau khi ra album unplugged quá thành công với người cộng sự Robin McAuley trong ban nhạc McAuley Schenker Group (vẫn gọi là MSG), Michael Schenker quyết tâm chuyển sang chơi acoustic. Album solo đầu tiên của gã với acoustic guitar, Thank You (1993), nghe lạ và cực kỳ tươi mới với chỉ có guitar, bass mà không cần trống.


Nhưng dù sau này vẫn tiếp tục với Thank You 2 và 3, Michael Schenker nhanh chóng nhận ra thứ đồ chơi ưa thích của gã vẫn là guitar điện, và sự kết hợp giữa acoustic và electric guitar trong những album đầu thập niên 2000s đã đưa tới một diện mạo hoàn toàn mới cho Michael.


Ngạc nhiên thay, từ sau khi thu Unplugged với M.S.G vào năm 1992, Michael Schenker dường như chỉ tập trung vào làm các album solo chỉ gồm guitar hòa tấu trong suốt hơn một chục năm cho tới khi ra album đáng kể tiếp theo với MSG là Arachnophobiac vào năm 2003.


Album solo của Michael Schenker ưa thích của tui trong giai đoạn này: Thank You (1993), Adventures of Imagination (2000), và Dreams and Expressions (2000)


4) MSG, Temple of Rock và thoát khỏi bệnh sợ sân khấu


Những người làm việc cùng Michael Schenker thường khó chấp nhận việc gã là một người sợ sân khấu. Ai mà có thể tin được một bậc virtuoso cỡ như Michael lại là một người sợ đám đông, và thường phải dùng tới thuốc an thần để có thể lên sân khấu suốt từ những năm 70s, và hậu quả sau đó là chứng nghiện riệu, thứ thần dược giúp gã tìm lại cân bằng trước, trong khi, và sau mỗi show diễn.


Đó có lẽ cũng là lý do ngăn Michael Schenker và ban nhạc của gã, MSG, không thể to lớn hơn, bởi Michael Schenker sẽ không thể chơi trước những sân vận động hàng chục ngàn người. Đối tượng khán giả của họ trong nhiều năm vẫn luôn là những hội trường vài ngàn là cùng, và có lẽ điều đó cũng ngăn nhạc của MSG và solo band của Michael Schenker tới được với nhiều người hơn.


Thế rồi, kỳ lạ thay, vào năm 2008, Michael bỗng phát hiện ra mình hết sợ đám đông!


Giai đoạn thập niên 2010s chứng kiến Michael Schenker bỗng trở nên tích cực trong trình diễn cùng MSG và thậm chí gã còn lập thêm một band mới mang tên Michael Temple of Rock để phát triển các ý tưởng solo của mình nhưng có sự kết hợp với những ca sĩ cũ đã từng cộng tác như Graham Bonnet, Robin McAuley, và cả những bậc virtuoso khác như tay keyboard Derek Sherinian hay tay trống Simon Phillips.


Michael Schenker cũng thử làm việc với ông anh Rudolf của mình vài lần, chỉ để nhận ra rằng, hai anh em nhà Schenker không thể có cùng chí hướng trong âm nhạc.


Album của Temple of Rock ưa thích: Temple of Rock (2011).


5) Cây signature guitar hóa ra thuộc về Rudolf Schenker

Đây không phải Michael Schenker

Có lẽ dù muốn hay không, câu chuyện về Michael Schenker sẽ không thể hoàn thiện nếu không có Rudolf Schenker. Dù là ông em kém Rudolf tới gần 7 tuổi, Michael Schenker té ra lại có mọi thứ Rudolf Schenker hằng mong mỏi. Đó là tài năng chơi guitar vô tiền khoáng hậu (bắt đầu thu nhạc chuyên nghiệp từ 16 tuổi cùng Scorpions), sự nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới châu Âu (UFO nổi tiếng ở thị trường Mỹ có lẽ cả chục năm trước Scorpions), và dĩ nhiên rồi, một hình ảnh một anh hùng guitar với cây đàn không thể lẫn đi đâu được.


Có lẽ suốt cả sự nghiệp của mình, Michael ý thức được điều này hơn nhiều so với những gì khán giả để ý. Kỳ khôi là ở chỗ, khi còn nhỏ Michael có lẽ đã từng phải mặc lại đồ hay chơi lại đồ chơi của anh mình, thì khi có sự nghiệp, Rudolf lại là người dường như xài lại hết những thứ do Michael tạo ra. Cây flying V màu trắng đen, những ca khúc bước ngoặt, và dù có thích hay không, thì Rudolf Schenker và các đồng đội của cụ này ở Scorpions vẫn luôn nằm trong những ban nhạc Rock hàng đầu thế giới với những ca khúc để đời. Chỉ có những câu đàn là thứ Rudolf không bao giờ tạo ra được, và cả cái gật đầu của ông em cho thêm một dự án cộng tác với nhau nữa.


Michael Schenker thậm chí tin rằng mình được sinh ra trên đời này để giúp cho anh của mình trở nên thật nổi tiếng. Và dù bạn có thích hay không, thì Michael vẫn sẵn lòng để cho Rudolf sở hữu cây thương hiệu cây guitar signature Gibson Flying V kia, thứ mà chắc chắn đã bán được vô khối có lẽ từ hai cái tên Randy Rhoads và Michael Schenker.


Michael vẫn luôn tạo ra những thứ âm nhạc mới với tốc độ khó tin ở thời hiện đại với khoảng 1 album mỗi năm bởi gã không cần phải chứng minh gì với thế giới nữa. Danh vọng là thứ mà ông anh Rudolf vẫn theo đuổi, còn với Michael, đó là sự toàn tâm toàn ý với nghệ thuật và tạo ra những thứ âm nhạc có thể tự bạch và truyền cảm hứng. Sẽ không có những ca khúc như “Wind of Change”, nhưng nếu ai vẫn còn cần những câu đàn mới lạ và một vài giờ đắm chìm trong thứ nhạc Rock thuần khiết sẵn sàng xuyên thủng màng nhĩ, thì sẽ vẫn luôn có discography đồ sộ với khoảng 50 album của Michael Schenker.


Có lẽ tới đây tui không cần giải thích thêm việc tại sao mà Phil Mogg, Klaus Meine, hay Rudolf Schenker đã không xuất hiện trong album mới nhất của gã, My Years with UFO (2024), mà thay vào đó là Slash, Axl Rose, Dee Snider, Derek Sherinian, cùng những người khác. Thêm một album ưa thích nữa của tui dành cho MSG.


Hẹn gặp lại!


Kai

254 views

Recent Posts

See All
bottom of page