top of page

Beastie Boys: 3 lần thay đổi nhạc Hip Hop

Trong một show diễn mở màn cho Run-D.M.C. tại nhà hát Apollo vào năm 1986, các thành viên của Beastie Boys được mọi người dặn dò: “Nghe này, các cậu muốn diễn trò gì trên đó cũng được, nhưng cấm có nói từ “n****” đấy nhé”. Biết trước 3 anh chàng sẽ hăng máu khi được rap trong một dịp quan trọng như vậy, lời dặn dò trên không thừa chút nào. Bởi vì giống như đám trẻ con luôn thích làm ngược lại những gì người lớn cấm đoán, quả nhiên khi bài “She’s On It” được khởi động, bỗng dưng ông Ad-Rock cầm mic hô vang với khán giả đứng phía dưới “Các anh em n**** ơi, cùng giơ tay lên nào!”. Đám đông khán giả toàn người da màu trợn mắt nhìn. Mike D ngoái đầu ngó về phía sau khán đài đầy bối rối, còn MCA thì chỉ muốn bỏ khỏi sàn diễn ngay lập tức. Ad-Rock cố lấy sức bình sinh hét lớn “Coi nào, coi nào!!!” nhưng không một ai giơ cánh tay lên cả. Beastie Boys quá may mắn khi không bị ai ở đám đông phía dưới nhảy lên sân khấu để nện cho một trận, đấy là chưa nói đến bị ăn đạn. Cả nhóm chỉ kịp hoàn tất bài rồi chạy vội khỏi sân khấu, gọi ngay một chiếc taxi để rời khỏi hiện trường mà không dám đợi chiếc xe buýt chở đi lưu diễn đưa về.


Từ câu chuyện đó, thật khó để tưởng tượng rằng Beastie Boys sẽ một ngày trở thành những nghệ sĩ huyền thoại khi mà những di sản họ để lại cho lịch sử âm nhạc hiện đại thật sự vĩ đại hơn nhiều so với hình ảnh nhí nhố của 3 anh chàng cầm mic lên rap. Tôi đã từng không thể nghe nổi nhạc của Beastie Boys vì tông giọng rap cao như hét vào mic đôi lúc gây chói tai theo phong cách phổ biến của nhạc Hip Hop thời kỳ đó. Nhưng sau khi nghe những lời ca tụng của một người bạn về sự sáng tạo trong lời rap của Beastie Boys, tôi mới nghiền ngẫm các album của họ và phát hiện thêm rằng đằng sau phần vocal có ca từ thú vị, sự sáng tạo còn nằm trong phong cách làm nhạc đi trước thời đại của bộ 3 này. Nói một cách cụ thể hơn, chỉ riêng trong giai đoạn 6 năm, với 3 album đầu tay Beastie Boys đã có đến 3 đóng góp lớn vô cùng quan trọng cho lịch sử phát triển không chỉ của Hip Hop nói riêng, mà còn cho âm nhạc hiện đại nói chung.

 

Lần thứ nhất: Bỏ nhạc cụ mà cầm mic lên và chiếc cầu nối đa sắc tộc 

 

Câu nói sử dụng ngôn từ nhạy cảm của Ad-Rock mà tôi có nhắc tới ở đầu bài viết dù không có ý xúc phạm hay phân biệt, nhưng nó suýt huỷ hoại cơ hội của Beastie Boys để dựng lên cây cầu kết nối giữa âm nhạc Hip Hop với số đông người nghe nhạc đa sắc tộc. Thế nhưng âm nhạc và tài năng của họ đã cứu vãn tình thế.

 

Được thành lập từ năm 1981 bởi 3 thành viên Adam “Ad-Rock” Horovitz, Adam “MCA” YauchMichael “Mike D” Diamond, “biến thể” ban đầu của Beastie Boys thực ra là một ban nhạc chơi Hardcore Punk mang tên The Young Aborigines, với năm thành viên trong đó có Mike D. Thế rồi khi tay bass rời nhóm, MCA mới vào thế chỗ và họ đổi tên thành Beastie Boys, trước khi Ad-Rock gia nhập để thế chân một thành viên khác. Cú ngoặt thay đổi định hướng âm nhạc đến với họ khi track “Cooky Puss” nằm trong bản EP cùng tên trở thành bản underground hit trong giới Hip Hop. Dù bài nhạc mang chất Comedy nhiều hơn là Hip Hop nhưng chừng đó cũng đủ để Beastie Boys đổi hẳn sang dòng nhạc này và thu gọn lại còn 3 thành viên.

 

Khi Ad-Rock, MCA và Mike D bỏ chơi nhạc cụ và cầm mic rap, họ đã tìm được thành công không tưởng ngay với album đầu tay Licensed To Ill (1986). Được sản xuất bởi Rick Rubin lúc ấy đã có kinh nghiệm với album Radio của LL Cool J và Raising Hell của Run-D.M.C., album Licensed được Rick thêm nhiều chất liệu nhạc Rock trộn với Rap để dễ tiếp cận với đối tượng khán giả da trắng hơn, giống như cách ông đã sản xuất bài “Walk This Way” nằm trong album Raising Hell của Run-D.M.C., track nhạc đột phá là phiên bản Rap Rock của bài nhạc cùng tên do Aerosmith sáng tác.

 

Ở thời điểm khi mà nhạc Hip Hop còn đang bị coi là quá đậm chất văn hóa của người da màu thì sự xuất hiện của 3 anh chàng người Do Thái bỗng dưng xóa nhòa rào cản về sắc tộc, nhất là khi âm nhạc của họ gây ấn tượng mạnh với khán giả số đông bởi hai gam màu tương phản giữa Hip Hop và Rock. Bên cạnh việc Licensed To Ill trở thành album Hip Hop đầu tiên đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng với số lượng đĩa bán ra lên tới cả 10 triệu bản riêng ở thị trường Mỹ, album này có có sức ảnh hưởng tới loạt nghệ sĩ như Rage Against The Machine, Limp Bizkit, hay Eminem, trong đó riêng anh chàng rapper da trắng còn phát hành album Kamikaze với hình bìa theo phong cách của chính album Licensed.


Về mặt nhạc, Rick Rubin vẫn để lại các dấu ấn đầy sự sáng tạo trong thể loại Rap Rock, trong đó ấn tượng nhất phải là hai track “Fight For Your Right” và “No Sleep Till Brooklyn” có sự tham gia của Kerry King – guitarist của ban nhạc Slayer. Vào thời điểm đó Rick cũng đang tham gia sản xuất cho album Reign In Blood của Slayer nên ông mời luôn Kerry đến để thu âm phần guitar lead trong đó có cả đoạn solo độc đáo ít thấy trong các bản beat của nhạc Rap. Nhờ âm thanh guitar được thu âm trực tiếp theo đúng tinh thần của từng bài thay vì là những đoạn sample mà hai track nhạc này đầy sức sống và năng lượng của một bài nhạc Rock khiến cho phần thể hiện vocal của 3 anh Beastie Boys cũng hăng máu hơn. Ngoài ra một vài track đáng chú ý về phần nhạc như “Paul Revere” có những đoạn loop được bật ngược backwards, hay “Slow Drive” và “Brass Monkey” có tiếng nhạc cụ kèn giúp làm mới cho một album nặng chất Rap Rock như này.

 

Về mặt lời, cũng không bất ngờ cho một album nhạc suýt được đặt tên Don’t Be A F*ggot lại có những bài mang nội dung phân biệt nữ giới hay kỳ thị người đồng tính như các track “Girls”, “Brass Monkey” và “Paul Revere” mà sau này các anh trong Beastie Boys phải lên tiếng xin lỗi. Tuy vậy, xét theo một khía cạnh tích cực, Mike D, Ad-Rock và MCA đều thành công trong việc chứng tỏ cho giới yêu nhạc Hip Hop rằng họ có khả năng viết những phần lời mang tính dẫn dắt câu chuyện khéo léo và dí dỏm, dù đôi lúc bị quá đà. Các anh còn sáng tạo khi viết ra đoạn bridge kỳ quặc trong bài “Rhymin’ and Stealin’” với đúng câu “Ali Baba và bốn mươi tên cướp” (“Ali Baba and the Forty Thieves”) được lặp đi lặp lại.


Về tổng thể, đối với cá nhân tôi, Licensed To Ill không phải là album ưa thích của Beastie Boys do về mặt âm thanh, nó có chút nhàm tai về kiểu nhạc beat và có chút chói tai trước lối flow ở tông cao nghe càng rát hơn trên nền trống nện chan chát.

 

Vậy nhưng với âm thanh thời thượng ngày đó, album đầu tay của Beastie Boys thực sự không chỉ thu hút đối tượng khán giả da trắng, những người chưa từng thích nghi được với âm nhạc Hip Hop, mà còn được đón nhận tích cực bởi những đồng môn da màu thuộc hàng ngũ các MC tài năng như Chuck DBig Daddy Kane. Lý do là vì Mike D, MCA và Ad-Rock đã luôn thể hiện đúng con người họ, một kẻ tấu hài, một trai hư và một cậu trai dễ thương. Beastie Boys chưa bao giờ là đám trẻ trâu thích nhạc Punk nay cố gồng để bắt chước những rapper da màu. Họ không rap về đồ trang sức hay khoe của, mà nội dung lại rất thuần chất những rapper da trắng ngày đó hay làm. Giống như lời nhận xét của Joseph "Run" Simmons – thành viên của nhóm Run-D.M.C., âm nhạc của Beastie Boys giúp anh biết thêm những thứ ngớ ngẩn mà đám thanh niên da trắng thường làm, ví dụ như “whippet” – hít khí cười N2O. Có thể chính chất “trẩu tre” mà 3 anh mang tới từ khởi nguồn nhạc Punk của họ ngày đấy lại tạo thêm nét phong phú cho âm nhạc Hip Hop nói riêng và âm nhạc nói chung.

 

Lần thứ hai: Tiến gần tới bàn turntable và nghệ thuật sampling

 

Nếu như Licensed To Ill còn khiến tôi ngần ngại với âm nhạc của Beastie Boys thì đến album thứ hai, Paul’s Boutique (1989), nó đã đốn đổ tôi hoàn toàn. Ngoài việc album Paul này được xếp vào tuyệt phẩm đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Beastie Boys, như Chuck D của nhóm Public Enemy tiết lộ, đây còn là nhạc phẩm được cộng đồng Hip Hop da màu rỉ tai nhau là có phần beat được sản xuất hay nhất cho đến giờ. 

 

Nhưng trước tiên phải nói đến chuyện bước ngoặt trong âm nhạc của Beastie Boys được xảy đến sau khi 3 anh cùng quyết định rũ bỏ hình ảnh “trẩu tre” rap những lời rap vô tri và trên nền nhạc còn quá “đơn giản” so với những gì họ mong đợi. Điều này dĩ nhiên vấp phải sự phản đối của hãng đĩa Def Jam cùng nhà sản xuất kiêm đồng sáng lập hãng là Rick Rubin. Chia tay với Def Jam và Rick, Beastie Boys ký hợp đồng với Capitol Records và EMI Records, với mong muốn tạo các sản phẩm âm nhạc bớt tính thị trường hơn, và tập trung vào chiều sâu cũng như tính nghệ thuật của nó.

 

Họ gặp được cặp đôi The Dust Brothers. Dust Brothers nắm giữ trong tay một kho tàng các bản beat được sản xuất đầy trau chuốt qua kỹ thuật cắt dán lồng ghép những mẩu sample nhạc khác nhau thành một bài hoàn chỉnh có nhiều lớp nhạc chồng lên nhau. Ban đầu dự định của cặp đôi này là phát hành chúng như những bản instrumental để chơi tại các hộp đêm, bởi họ không bao giờ nghĩ  thứ âm thanh dầy đặc đó lại phù hợp cho một bài rap. Kể cũng đúng khi đa phần các con beat mà chúng ta nghe từ các album Hip Hop thời điểm này đa phần đều đơn giản với ít lớp nhạc cụ / âm thanh sample. Với âm thanh thưa thớt đó, sẽ có nhiều khoảng “thở” cho phần nhạc để các MC có thể “điền vào chỗ trống” những lời rap của mình.

 

Do đó khi Dust Brothers nghe Beastie Boys bày tỏ muốn viết lời rap trên phần production của một cơ số bài họ đã sản xuất, cả hai đều rất ngạc nhiên. Dust Brothers thậm chí còn ngỏ ý việc lược bỏ một số âm thanh thế nhưng Beastie Boys vẫn yêu cầu sử dụng nguyên bản. Vào lúc đó, số beat do bộ đôi này sản xuất đã đủ cho một nửa thời lượng của album Paul’s Boutique rồi. Vậy nên việc còn lại là 3 anh chàng của Beastie Boys sẽ cùng hoàn tất nửa còn lại với bộ đôi Dust Brothers. 

 

Với sơ sơ trong khoảng 100 đến 300 bản sample được thống kê nằm trong album Paul, đĩa nhạc này là một bức tranh vĩ đại của vô vàn các mảng màu âm nhạc khác nhau, từ Funk, Soul, Rock cho đến Rap, Jazz và những nhánh nhạc khác. Chúng được “mượn” từ những nghệ sĩ như Curtis Mayfield, Eagles, Afrika Bambaataa, Sly & The Family Stone, Funk Factory, The Beatles. Riêng như bài “The Sounds Of Science” có phần sample từ ca khúc “The End” của The Beatles đã khiến đại diện của ban nhạc này phải đâm đơn kiện, điều mà mấy anh trong Beastie Boys còn lấy làm khoái chí “Còn gì ngầu hơn khi bị chính The Beatles kiện cơ chứ?”. Tính sơ sơ, Beastie Boys đã phải trả khoảng 250 nghìn Đô La Mỹ cho những nghệ sĩ kiện họ vì đã “mượn” nhạc mà không xin phép. Đây là một con số quá nhỏ so với phí bản quyền mà sau này những nghệ sĩ khác phải trả cho việc sample nhạc của người khác, điều khiến cho việc sản xuất ra một album như Paul’s Boutique gần như là không thể lặp lại được.


Quay lại với phần nhạc được sản xuất trong album Paul’s Boutique, điều đáng nể trong cách lồng ghép vô vàn các mảnh nhạc với nhau là sự ăn rơ đến từ những đoạn nhạc không liên quan nhưng khi đặt chồng lên nhau, chúng lại hòa hợp cả về nhịp lẫn hòa âm. Có nhiều bài trong album, ví dụ như “Car Thief” ngoài việc đưa phần hát bè vào cùng beat, thì tiếng bass và guitar cũng đều đồng hành theo cùng vòng hợp âm, như thể chúng được tạo ra từ một lò studio vậy. Bất kỳ âm thanh nhạc cụ nào mà người nghe nghe được, như là tiếng bộ gõ, tiếng guitar hay bass xuất hiện lúc nào đều hợp lý lúc đó. The Dust Brothers và Beastie Boys tinh tế đến độ họ sẽ để tiếng bass xuất hiện điểm suyết, tạo hiệu ứng tương phản về không gian nhạc, bởi mỗi khi đàn bass vang lên, mọi thứ trở nên ấm áp vô cùng. Đã thế những track như “Shake Your Rump”, “The Sounds Of Science” lại có những khúc chuyển beat giữa bài chứ không hề bị lặp một cách nhàm chán mà ta thường thấy ở beat của nhạc Hip Hop bấy giờ. Hoặc như “Hey Ladies”, bên cạnh âm thanh được chơi rất funky, ở giữa bài còn có khúc instrumental break với tiếng bass hay vô cùng. Ở thời điểm cuối thập niên 80 lúc bấy giờ mà có những nghệ sĩ / nhạc sĩ kỳ tài như The Dust Brothers và Beastie Boys có thể tạo ra thứ âm nhạc đi trước thời đại như vậy quả là đáng ngưỡng mộ.

 

Nhờ phần nhạc đậm chất sáng tạo đó, lời rap của Mike D, MCA và Ad-Rock cũng thú vị hơn rất nhiều. Xuất phát từ sở thích ném trứng xuống người đi đường của Beastie Boys, nghe ngớ ngẩn là vậy nhưng bài “Egg Man” có đủ sức hút qua các đoạn lời dí dỏm đầy tượng hình, từ “I looked out the window, seen his bald head / Ran to the fridge and pulled out an egg / Scoped him with my scopes, he had no hair / Launched that shot, and he was caught out there”, “Which came first, the chicken or the egg? / I egged the chicken, and then I ate his leg” đến “It's not like the crack that you put in a pipe / But crack on your forehead; here's a towel, now wipe”. Trong “Car Thief”, Beastie Boys ví đám bắt chước lối rap của người khác như bọn ăn trộm xe ô tô, từ  “See, I'm a city slicker, I, I ain't no townie / Right now, I wish I had another hash brownie / And like Ricky always said, you've got to toke and pass / Or Mookie's gonna kick your motherfucking ass”, “I smoked up a bag of elephant tranquilizer / Because I had to deal with a money-hungry miser / Had a 'caine-filled Kool with my man, Rush Rush / Saw my teeth fall in the sink when I started to brush” đến “All the wife beaters and all the tax cheaters / Sitting in the White House pulling their peters / Buy my cheeba from the cop down the street / The only cop with a rope chain when he's walking the beat”.


Cái cách mà 3 anh Mike D, MCA và Ad-Rock rap nối đuôi nhau cũng là phong cách độc đáo cho nhạc Hip Hop của Beastie Boys. Với 3 chất giọng khác nhau, Ad-Rock rap âm cao chói lanh lảnh, Mike D mang theo phong thái khệnh khạng trong giọng điệu, và MCA có giọng trầm và khàn, 3 người họ liên tục tiếp lời của người kia tạo nét đa dạng như âm nhạc của họ vậy. Lối flow này dĩ nhiên sẽ không thể tạo cơ hội cho từng người tỏa sáng mà người nghe sẽ được thưởng thức bản rap của một team 3 người về mặt tổng thể. Vậy nhưng kiểu rap nối đuôi với các từ trong cùng 1 câu của 3 thành viên này coi vậy lại rất khó khi thu âm cũng như diễn live. Đó là vì mỗi người họ không chỉ phải thuộc lời của bản thân mình mà có phải biết vào đúng nhịp và ngừng đúng phách. Nếu coi giọng rap của mỗi thành viên như một nhạc cụ riêng biệt thì Mike D, MCA và Ad-Rock đều là những nhạc công tài năng đang chơi điểm suyết các cụm nốt nhạc ở các phách nhịp khác nhau trong bài, rất funky nếu nhìn riêng lẻ, nhưng lại rất hòa hợp khi ghép với nhau.

 

Cũng phải thôi, bởi 3 người họ đều là những nhạc công thực thụ khởi nguồn từ một ban nhạc chơi Hardcore Punk cơ mà.

 

Lần thứ ba: Cầm nhạc cụ lên và vươn khỏi ranh giới Hip Hop

 

Album Paul’s Boutique là một thất bại thảm hại về mặt thương mại khi phát hành. Đến mức những ai dính líu đến Beastie Boys tại hãng Capitol đều bị cho nghỉ việc và các sếp lớn đều quá chán trước một Beastie Boys gây bão một thời nhưng nay lạc lõng giữa làn sóng Gangsta Rap lấp vùi tất cả. Phải đến một thời gian sau, người ta mới nhìn nhận hết được chất nghệ thuật thuộc hàng tuyệt tác của album Paul.

 

Nếu như Paul’s Boutique đánh dấu cột mốc định hướng nghệ thuật đưa Beastie Boys vào hàng ngũ những vị bố già của dòng Alternative Rap, thì những gì bộ 3 này làm tiếp theo kể từ album Check Your Head (1992) trở về sau mới lại đưa họ lên tầm cao mới vươn ra khỏi ranh giới nhạc Hip Hop. Bởi đó là khi MCA, Mike D và Ad-Rock quay lại với gốc gác khởi nguồn sự nghiệp âm nhạc của mình khi cầm nhạc cụ lên để chơi và thu âm cho Check Your Head và các album khác sau này. Và chính yếu tố nhạc cụ sống cùng với âm thanh Rock nặng hơn trước, album Check Your Head được coi là một trong những nền tảng giúp nhen nhóm nên ý tưởng hình thành nhánh nhạc Nu-Metal vào cuối thập niên 90.

 

Vào thời điểm Beastie Boys vùi đầu vào studio cho album thứ ba, hãng đĩa Capitol gần như là bỏ mặc và để 3 anh thích làm gì thì làm với sản phẩm âm nhạc tiếp theo. Bỗng dưng 3 người họ được tự do toàn quyền sáng tạo, và nảy sinh ý tưởng: quay lại gốc gác nhạc Punk, quên luôn cây micro, tìm tới thứ nhạc cụ họ từng chơi để làm nhạc. Ad-Rock đeo cây guitar, MCA ôm cây bass, còn Mike D ngồi bên dàn trống. Cái khác lần này là họ không chỉ chơi nhạc Rock nữa, mà còn jam các đoạn nhạc Funk, Jazz lẫn R&B. 

 

Việc Beastie Boys sử dụng nhạc cụ để làm nhạc cho album Check Your Head một phần để bớt phụ thuộc vào các bản sample mà tiền bản quyền có thể đội lên gấp bội, và phần nhiều giúp các anh chủ động trong sáng tạo. Giờ đây Mike D, MCA và Ad-Rock có thể thổi hồn vào các bản beat bằng những nhạc cụ sống mà các anh chơi và thu âm, biến Beastie Boys trở thành một trong số ít những nhóm nghệ sĩ Hip Hop có thể chơi và sử dụng nhạc cụ trong việc thu âm album cho mình, bên cạnh StetsasonicThe Roots. Vậy nên từ thời điểm này, có lẽ cũng không ngoa khi gọi Beastie Boys là một ban nhạc Hip Hop, thay vì là nhóm Hip Hop như trước đây.

 

Thế nhưng không thể không kể đến công lao của hai nhân tố quan trọng trong cột mốc chuyển hướng âm nhạc này của Beastie Boys. Người đầu tiên là Mario Caldato Jr. – kỹ sư âm thanh cho Beastie Boys ở album Paul’s Boutique, nay đảm nhận vai trò sản xuất cho Check Your Head và đồng sản xuất cho Ill Communication (1994) và Hello Nasty (1998) sau đó. Và chính Mario là người đã giới thiệu ban nhạc với nhân tố thứ hai, đó là Mark “Money Mark” Ramos Nishita

 

Bình sinh Money Mark làm nghề thợ mộc và chỉ là một tay chơi keyboard nghiệp dư, vậy mà tài nghệ chơi nhạc cụ và hiểu biết nhạc lý của Mark lại còn vượt trội so với 3 anh trong Beastie Boys. Mark sẽ thường chơi ngẫu hứng một đoạn nhạc và hướng dẫn Ad-Rock và MCA để chơi theo tông giọng mà anh đang lướt ngón trên các phím đàn. Và như vậy, Ad-Rock, MCA và Mike D cứ thế jam nhạc theo. Sự ăn rơ trong cách làm nhạc của Money Mark với band đã nhanh chóng biến anh thành một “Beastie Boy” thứ 4 không chính thức và Mark đã theo sát cùng Beastie Boys cho tới những album cuối cùng.

 

Các đoạn nhạc mà họ jam cùng nhau được thu âm và tách ra thành những bản “sample” mới để rồi sau đó ghép lại cùng một số bản “sample” của những nghệ sĩ khác thành các bản beat mang phong cách Hip Hop nhưng lại chịu ảnh hưởng của vô vàn các dòng nhạc khác nhau.


Trong album Check Your Head, người nghe có thể cảm nhận sự sống động trong các bản beat, ví dụ như tiếng trống đảo phách ở “Funky Boss”, câu guitar riff đậm đặc trên nền trống rất Rock ở “Gratitude”, “Pass The Mic” và “So What’Cha Want”, tiếng đàn bass mở đầu đối ẩm với tiếng kèn chơi cố tình lạc điệu trước khi câu guitar lick xuất hiện trong “Stand Together”, hay track nhạc cực funky “Live at P.J.’s” có câu bass và bộ gõ chơi hay vô cùng. Rồi qua bàn tay ma thuật của thành viên không chính thức - Money Mark, anh mang tới không gian âm nhạc tuyệt đỉnh, đặc biệt ở các track không lời như “Lighten Up”, “Pow”, “Groove Holmes” dẫn dắt lối chơi funky cho cả đội.


Cũng chính bởi phần nhạc được chơi, thu âm và sản xuất trong các track cho album Check Your Head vượt xa kỳ vọng, ban đầu Beastie Boys ngần ngại viết lời rap cho chúng và MCA còn định đề nghị phát hành dưới dạng một album thuần instrumental. Nhưng khi 3 anh rapper Do Thái nhí nhố ngày nào tìm được cảm hứng từ những cảm xúc trưởng thành hơn, họ đã hoàn tất album bằng những phần lời sáng tạo và chơi chữ đầy thú vị. Từ “But now I want y'all to move it / Put your point on the floor and just prove it / And I'm smurfin', not rehearsin', gettin' live, y'all / A little puffy, so you know what, I'm doin' right / ‘Cause that's the kind of frame of mind I'm in / I got this feelin' that it's back again / So don't touch me, 'cause I'm electric / And if you touch me, you'll get shocked”, “This one goes out to my man, the Groove Merchant / Coming through with beats for which I've been searching / Like two sealed copies of expansions / I'm like Tom Vu with yachts and mansions” trong bài “Professor Booty” tới “But like a dream I'm flowing without no stopping / Sweeter than a cherry pie with Reddi-Wip topping / Going from mic to mic, kickin' it wall to wall / Well I'll be calling out to people like a casting call” trong bài “So What’cha Want”.

 

Sau album Check Your Head, Beastie Boys vẫn không ngừng làm mới âm nhạc của họ. Khi mà Ill Communication (1994) một lần nữa chứng minh cho mọi người rằng những thể loại đối nghịch nhau như Rock, Jazz và Hip Hop có thể cùng tồn tại trong một album một cách hoà hợp, thì đến Hello Nasty (1998), với sự tham gia của Mix Master Mike đảm nhiệm bàn turntable, âm nhạc của band lại càng phá cách và tự do hơn qua âm thanh mời gọi của nhạc điện tử, mà vẫn giữ được nét funky. Khi To the 5 Boroughs (2004) do Beastie Boys tự tay sản xuất với chuỗi những bài đầy năng lượng tuổi trẻ và có phần production rất cuốn hút dù không cần phức tạp như các đĩa trước, thì The Mix-Up (2007) lại là một album thuần instrumental mà 3 anh từng định làm liều với Check Your Head trước đây. Và rồi album cuối cùng Hot Sauce Committee Part Two (2011), được phát hành chỉ 1 năm trước khi MCA qua đời ở tuổi 47 vì căn bệnh ung thư, cho thấy Beastie Boys chưa bao giờ mất phong độ, bất chấp việc âm nhạc họ chưa bao giờ ngưng biến đổi.


Bộ discography tuyệt hảo mà Beastie Boys để lại không chỉ để người ta ôn lại thời kỳ 3 cậu choai choai da trắng người Do Thái phá vỡ rào cản sắc tộc để đưa Hip Hop đến với số đông, mà họ còn vươn xa hơn vậy khi đập tan những khác biệt giữa nhiều thể loại nhạc và mang chúng lại gần nhau. Vô hình trung, Beastie Boys không chỉ mở cánh cửa cho những rapper da trắng như Eminem, Mac Miller, Yelawolf, truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ Hip Hop thể nghiệm âm nhạc đa dạng như trường hợp của Aesop Rock, El-P, Kanye West, Kendrick Lamar mà còn tạo nền móng cho cả những ban nhạc Rap Rock và Nu Metal như Rage Against The Machine, Limp BizkitLinkin Park. Trên tất cả, thứ sẽ mãi trường tồn khi mọi người nhắc đến Beastie Boys, đó chính là phong cách âm nhạc mang cảm xúc thuần khiết và chân thực trải dài suốt 3 thập kỷ.

 

If you can feel what I’m feeling then it’s a musical masterpiece / If you can hear what I’m dealing with then that’s cool at least / What’s running through my mind comes through in my walk / True feelings are shown from the way that I talk” – MCA trong bài “Pass The Mic”

 

RIP Adam “MCA” Yauch (5.8.1964 – 4.5.2012)

 

***

Hẹn gặp lại!


Kunt

156 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page