Vẫn biết các fan nghe nhạc Metal luôn là những người nghe “nguy hiểm” nhất và sẵn sàng gây chiến hơn bất cứ thể loại nhạc nào, ấy thế mà không hiểu nhà báo hay phê bình nào lại đặt ra một trở ngại oái ăm dành cho các fan của thể loại này: ai là Big 4 của dòng Thrash Metal? Tôi có thể tưởng tượng ra vẻ hồ hởi của mấy vị phê bình này khi lần lượt đặt Metallica, Megadeth, Slayer vào 3 vị trí đầu trước khi quay qua nhìn nhau: ai ở vị trí số 4 nhỉ? Một nửa thường chọn Anthrax, còn nửa kia sẽ bầu cho Testament, và cuối cùng Anthrax được chọn. Thế mới thành chuyện. Và đáng nhẽ cũng không nên thành chuyện!

Đây nhé, nếu xét về phần nhạc, Testament có vẻ làm tốt hơn Anthrax trong viết nhạc, nhưng khi biểu diễn live, Anthrax dường như lại được các fan nhớ đến nhiều hơn. Testament có Alex Skolnic, một trong những tay lead guitar cự phách không chỉ của dòng nhạc Thrash; trong khi Anthrax có Scott Ian, một trong ba tay chơi rhythm guitar hay nhất thế giới theo đánh giá của Dave Mustaine, và Charlie Benante, tay trống Thrash có lẽ là toàn năng nhất trong các Thrash band. Xét về vị trí địa lý, cũng hơi kỳ cục nếu chọn thêm 1 band tới từ cùng nơi với 3 anh lớn kia là bờ Tây nước Mỹ (loanh quanh khu vực California) – Testament cũng vậy trong khi Anthrax thì một mình một cõi tới từ bờ Đông (New York). Và đến khi EmoodziK bọn tôi phải nhắm mắt chọn ai đó để hoàn thiện nốt cái bộ Tứ nhạc Thrash này, chúng tôi đánh đánh liều đi cùng với Anthrax.
Bởi rõ ràng về danh tiếng họ không thể sánh với 3 anh lớn kia, nhưng điều thú vị lại chính là ở chỗ, họ không hề chọn sứ mệnh phải trở thành Thrash band vĩ đại trong khi mọi người cứ hùng hục đi nhét họ vào. Tôi vẫn thường đùa với các anh em khác trong Zik là Anthrax đáng nhẽ phải được coi là superband, bởi các dự án ngoài lề của các thành viên của họ nghe cực hay, và nếu Anthrax chơi với đúng trình độ bằng tổng của các thành viên của họ cộng lại, họ chả thua kém bất cứ ai cả.
1. Cha đẻ của Rap Metal
Now we're Anthrax and we take no shit
And we don't care for writing hits
The sound you hear is what we like
I'll steal your pop-tarts like I stole your … socks!
Đoạn rap trên mở đầu bản “I’m the Man” của Anthrax từ EP cùng tên được phát hành năm 1987, và có lẽ nó lột tả được gần như chính xác kiểu nhạc trào phúng của Anthrax khi rõ ràng chữ chốt lại của đoạn nhạc là ‘socks’ không hề có ý định gieo vần với ‘shit’ và ‘hits’.
Được thành lập từ khu Queens của New York, cái nôi của hip hop đương đại, bởi tay guitar Scott Ian, tay bass Dan Lilker, và ca sĩ Neil Turbin, nhưng phải đến khi Scott Ian kiếm ra tay trống Charlie Benante, người cùng chia sẻ sở thích nghe Metal tới từ nước Anh cũng như dòng nhạc Hardcore Punk, và tay guitar Dan Spitz tới từ ban nhạc Overkill, Anthrax mới có được một bộ khung xứng tầm với cái tên nghe cực ngầu của họ. Sau album đầu tay không mấy thành công, Fistful of Metal (1984), bộ khung của Anthrax được hoàn thiện với ca sĩ Joey Belladona và tay bass Frank Bello (vốn là cháu của Charlie Benante). Đây có thể coi là đội hình kinh điển của Anthrax, những người đã tạo ra âm thanh Thrash của thập niên 80s cùng Metallica, nhưng cũng là những kẻ gây tranh cãi nhất khi dường như không bao giờ định hình trong âm thanh cho riêng mình.
Và đó cũng là lý do Anthrax không ngại thử nghiệm với Hip Hop, thứ mà có lẽ không chỉ các thrash band khác mà rộng ra là tất cả các Metal band ở thập niên 80s không bao giờ có ý định thử nghiệm. Chớ sao, con người ta đến từ New York thì cái chất có lẽ nó cũng khác bọt so với đám từ Hollywood và California kia.
For a heavy metal band raps a different way
We like to different and not cliche
They say rap and metal can never mix
Well all of them can suck our…
Sexual organ in the lower abdominal area!
(đáng nhé phải là "dicks!", rap nhầm rồi!!!)
Nói về khoản chơi Rap Metal này thì thực ra nó nhàn nhã như nhâm nhi café cho những kẻ Thrash các nhạc cụ của họ ở tốc độ chóng mặt như Scott Ian hay Charlie Benante. Điều hay ho là ở chỗ Anthrax dám đưa hai thứ không ai nghĩ có thể sống chung được là Metal và Hip Hop vào cúng một chỗ, với câu riff chơi nặng trên nền trống không quá phức tạp nhưng nện rất mạnh, và cứ thế các câu rap được dịp bay là là ở tầm trung trên nền ‘beat’ nghe cực kỳ khác bọt với nhạc hip hop thông thường, thứ mà có lẽ phải đến hơn chục năm sau đám trẻ mới phát hiện ra là nghe thật cool với các band thời thượng như Korn, Limp Bizkit và band ai cũng biết là ai đấy đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Anthrax dạo nào.
Đỉnh cao của Rap Metal trong nhạc của Anthrax có lẽ tới vào năm 1991, khi họ làm lại “Bring the Noise” cùng Public Enemy và phát hành trong album tổng hợp Attack of the Killer B's (những bản nhạc ở B side). Vị thế tiên phong trong làng Rap Metal có lẽ đã được xác định với Anthrax (dù không ai nhắc tới Aerosmith và Run-DMC), nhưng vị thế của Anthrax trong ngành thrash metal cũng từ đây mang theo một dấu hỏi to đùng khi âm thanh thrash metal dường như đã dừng lại sau 3 album: Spreading the Disease (1985), Among the Living (1987), và State of Euphoria (1988).
Tệ hơn, họ sa thải nốt cả ca sĩ chính Joey Belladona ngay khi thập niên 90s mới chớm.
2. Khủng hoảng về frontman
Joey Belladona có lẽ là một trường hợp khá hẩm hiu trong làng Metal. Không giống như những ca sĩ Thrash Metal khác thường gầm gừ hoặc hét (có lẽ vì phải bận chơi cả rhythm guitar), Joey Belladonna đem tới cho Anthrax một lối hát bay bổng và giàu giai điệu. Nhưng điều đó không đảm bảo là các fan sẽ thích anh – cũng giống như việc các ban nhạc Metal giàu giai điệu của châu Âu thường khó được chấp nhận ở Mỹ.
Một điều đặc biệt nữa khiến Anthrax khác hẳn những Thrash band khác, là nhạc của họ không thiên về những đề tài “sắt thép” như những band khác (chiến tranh, chính trị, máy móc, v.v.) mà rộng mở hơn về các đề tài hàng ngày như tình yêu và cuộc sống.
Thế, đùng một cái khi tưởng như Anthrax đã tìm ra được âm thanh của họ sau 3 album của thập niên 80s, Scott Ian sa thải Joey Belladonna sau khi thu album Pesistence of Time (1990) với lý do ban nhạc “đụng trần” rồi và cần phải thay đổi, và thay vào đó là John Bush từ band Amoured Saint, một người rõ ràng có giọng hát thậm chí uy lực hơn hẳn Joey Belladonna.
Của đáng tội, đây xem ra lại là lựa chọn hợp lý khi anh này thu một lèo 4 album với Anthrax ở thập niên 90s và đầu 2000s; trong khi Joey Belladonna tội nghiệp chật vật với sự nghiệp solo và phải sống qua ngày ở những band chơi nhạc cover cũng như đi cắt cỏ thuê. Đấy, cái nghiệp xướng ca nó nghiệt lắm, nếu như anh chỉ có giọng mà không có sáng tác thì cuộc sống cũng bấp bênh như ai.
Nhưng như để trêu ngươi cái tham vọng thay đổi của Anthrax, tay ca sĩ John Bush đùng đùng xin nghỉ sau album We've Come for You All (2003), và như để tự trêu ngươi chính tham vọng của mình, Scott Ian quyết định gọi-lại Joey Belladona. Joey tội nghiệp chỉ kịp đi tour với Anthrax trong khoảng 2 năm, trước khi phát hiện ra mình đã bị sa thải nhờ… đọc báo điện tử trên internet. Ca sĩ mới của Anthrax lần này là Dan Nelson, người thậm chí còn kịp thu 1 album với band trước khi anh này cũng bị sa thải nốt. Scott Ian luýnh quýnh gọi-lại John Bush được một thời gian, trước quyết định tung quyền trợ giúp tối thượng để lại-gọi-lại chính Joey Belladonna.
Làm sao một ban nhạc có thể ổn định khi chính trưởng nhóm của họ không thể quyết định được ai sẽ đứng trước ánh đèn spotlight đại diện cho cả band. Quan trọng hơn, làm sao một ban nhạc có thể ổn định khi người hát chính của họ chỉ như một kẻ làm thuê.
3. Làm chơi còn hay hơn thật
Có lẽ không cần chờ tới khi Joey Belladona bị thay bởi John Bush thì người ta mới thắc mắc về âm thanh đại diện cho Anthrax. Không chỉ làm nhạc rock pha với hip hop, các thành viên của Anthrax còn có những album chơi bên ngoài hay hơn và chất hơn album của chính họ, chả khác gì tự lấy tay vả vào mặt của mình hết bên trái với bên phải và tự rủa mình “quỷ sứ chơi gì mà còn hay hơn cả thật!”.
Chớ sao, ngay sau khi thu âm album Spreading the Disease (1985), do vẫn còn thời gian dư trong phòng thu nên Scott Ian và Charlie Benante quyết định gọi ông bạn Dan Lilker chơi bass và ca sĩ Billy Milano thu chơi một album nhạc nhảm dưới cái tên S.O.D (hay Stormtrooper Of Death). Cái tên album Speak English Or Die (1985) mà khối người dè bỉu là nặng tính phân biệt chủng tộc, thực ra cũng chỉ là trò đùa nhảm của Scott Ian cho cái dự án mà anh không nghĩ là sẽ nghiêm túc này.
Của đáng tội, album Speak English Or Die bỗng trở thành một hiện tượng của thứ sau được gọi là Cross Metal (lai giữa Hardcore Punk và Heavy Metal).
Với cá nhân tôi, âm thanh trong album này nghe ngon hơn hẳn Spreading the Disease kia dù rằng cả hai đều được thu ở cùng một chỗ trong cùng một khoảng thời gian. Tiếng guitar của Scott Ian nghe rành rọt và thay đổi tốc độ liên tục, tạo nên rất nhiều sự dịch chuyển. Tiếng trống của Charlie Benante thậm chí còn nhanh và mạnh hơn theo lối chơi Hardcore Punk truyền thống. Album thậm chí còn có nguyên một câu chuyện liên quan tới nhân vận Sargaent D, khiến nó có bề ngoài tựa như một album concept.
Chưa kể, Charlie Benante còn được biết đến ở album này như là người tiên phong sử dụng “blast beat” trong bài “Milk”.
Blast beat, như tất cả những người nghe Thrash Metal, Groove Metal, hay Extreme đều biết, là loại beat mà một vài bộ phận trên giàn trống sẽ được chơi từng thứ một và lặp đi lặp lại cực kỳ nhanh (chẳng hạn như kick-snare-tom-cymbal lặp đi lặp lại liên tục) và tạo ra cảm giác kích động một điên cuồng trong lỗ tai người nghe. Dĩ nhiên Benante đã nhiều lần khẳng định anh không tạo ra blast beat mà chỉ mượn ý tưởng của nó từ Hardcore Punk và dường như là người đầu tiên xài chiêu này trong Metal.
Nhắc đến Charlie Benante, mặc dù anh không nổi tiếng như Lars Urlich (Metallica) và chơi nhanh cỡ như Dave Lombardo (Slayer), tôi cho rằng anh mới là tay trống toàn diện nhất trong các ban nhạc Thrash Metal. Không chỉ là một trong những người tiên phong chơi chân bass đôi với tốc độ chóng mặt (nhờ lấy cảm hứng từ “Fast As A Shark” của Accept), Charlie Benante còn có thể chơi đa thể loại từ Funk, Country, Rock 'N Roll cho tới, dĩ nhiên rồi, Hip Hop. Khi Pantera của thập niên 2020s quyết định đi lưu diễn trở lại mà không “cần” tới anh em nhà Abbott, Charlie Benante chính là tay trống của Pantera thay cho Vinnie Paul đã khuất.
Ngộ cái là, sau khi thu nhạc với S.O.D thì Charlie Benante cũng không động tới chiêu blast beat cho Anthrax nữa, nhưng món này đã trở thành một điều không thể thiếu trong âm nhạc của những người sau này từ Slayer cho tới Slipknot.
Trong một diễn biến khác, Scott Ian cũng tự tìm được ánh hào quang cho riêng mình không chỉ với S.O.D mà còn với ban nhạc superband của riêng anh cùng mấy thành viên của Fall Out Boy mang cái tên The Damn Things. Album đầu tay của họ, Ironiclast (2010) nghe chắc chắn hay hơn album cùng thời điểm của Anthrax là Worship Music, nơi mà ca sĩ của band là Dan Nelson cũng chuẩn bị mất việc. Ai mà ngờ khi tay guitar của Fall Out Boy là Joe Trohman có thể chơi lead guitar khét lẹt cỡ đó trên nền rhythm mà Scott Ian tạo ra.
Làm sao một ban nhạc có thể tập trung như một khối thống nhất khi các thành viên của họ thậm chí còn tận hưởng nhiều sự tán dương hơn với các dự án bên ngoài. Đó là còn chưa kể tới superband chơi nhạc siêu dị của Scott Ian và Dave Lombardo với Mike Patton (Faith No More) là Mr. Bungle.
4. Các thành viên quá đa tài
Thành công của Scott Ian và Charlie Benante ở bên ngoài Anthrax thực ra rất đáng kể vì nó đã chứng tỏ được trình độ chơi nhạc thượng thừa của hai anh này, nhưng cũng chỉ ra một vấn đề to đùng khi họ không thể tận dụng được hết sức sáng tạo đó khi kết hợp cùng các thành viên khác trong Anthrax. Không chỉ thế, các thành viên của Anthrax còn có thừa những sự mất tập trung khác còn quan trọng hơn cả ban nhạc của chính họ.
Dan Spitz, lead guitar của Anthrax, vào đầu thập niên 90s bỗng chuyên tâm đi học nghề chế tác đồng hồ, để rồi sau album Stomp 442, anh bỏ hẳn nghề chơi lead guitar để trở thành nhà chế tác đồng hồ chuyên nghiệp được Thụy Sĩ chứng nhận. Scott Ian thì lang thang đi vẽ truyện tranh cho DC Comics và mở nhà hàng cùng Jerry Cantrell của Alice In Chains, chưa kể còn bận dẫn chương trình Rock Show cho kênh VH1. Charlie Benante thì hơi nhạt, vì không có thêm sở thích nào nghe leng keng ngoài âm nhạc, nên chọn chơi cả lead guitar thêm cho các ban nhạc mà anh tham gia. Đấy là tôi còn chưa kể đến việc Joey Belladonna còn có nghề tay trái đi cắt cỏ trong khi đi hát trong các cover band (sau khi bị sa thải), dù rằng tôi cũng không chắc đây có phải là đam mê của anh hay không.
Kể cũng khó cho một ban nhạc khi các thành viên của họ không nhất thiết phải có động lực đẩy band đi xa hơn trong khi họ có quá nhiều thứ hấp dẫn khác để làm. Và nghiệt cái là khi ban nhạc đi không đúng hướng, thì việc dễ hơn cả với Scott Ian là sa thải quách ca sĩ của họ.
Ấy là còn chưa kể, mỗi khi bí bách, Anthrax lại tung ra các bản nhạc cover từ những thứ nhạc đã truyền cảm hứng cho họ, khi thì là những band từ nước Anh như Iron Maiden hay Motörhead; những Prog band như Rush hay Kansas; và cả những Hardcore Punk yêu thích của cặp Ian/Benante. Trộm vía là lần nào mấy thứ này cũng đều bán được (chẳng hạn như đĩa Killers of B’s) mỗi khi Scott Ian và các đồng đội bí ý tưởng, và đôi lần nghe nom còn hay hơn nhạc của chính Anthrax và phù hợp với cái tính cách ưa trào phúng của họ.
5. 5 tốt hơn 4
Tôi sẽ không thể kết luận giữa Testament và Anthrax ai xứng đáng vào Big 4 của ngôi đền Thrash Metal hơn, bởi vì trong Testament, cái nhà anh Alex Skolnic kia chơi guitar cũng gớm lắm. Nhưng chắc chắn các thành viên Anthrax đã có những cuộc phiêu lưu và các câu chuyện (không nhất thiết phải là âm nhạc) kỳ thú hơn.
Và thú thực, nếu cứ theo phương Đông ghét số 4 đi, tại sao anh em không làm quách Big 5, hay nhóm Ngũ Đại, đi cho lành. Thế có phải là cả Anthrax lẫn Testament đều sẽ có mặt trong hàng top không, hỡi các fan của Exodus và Overkill. Emoodzik lúc nào cũng chia bài thành 5 mục, thấy không?
Hoặc giả, chơi hẳn BIG7 lun cho lớn, để cả Exodus và Overkill cũng vào luôn cho đủ bộ.
Đúng không hả các fan của Kreator?
Hẹn gặp lại!
Kcid