D’Angelo là một nghệ sĩ kỳ tài và có tầm ảnh hưởng lớn cả với những người cùng thời với anh. Ngoài việc anh thuộc lứa nghệ sĩ tiên phong phổ cập dòng Neo-Soul, D’Angelo còn là người khiến cho một tay trống kỳ cựu có khả năng chơi cực chuẩn xác phải tập chơi sao cho thật giống một đứa con nít lên 3, và cùng anh này tạo nên tập thể các nghệ sĩ cùng một phong cách nhạc dưới cái tên Soulquarians.
Tay trống trong câu chuyện này chính là Questlove, thành viên kỳ cựu của ban nhạc Hip Hop - The Roots. Questlove đã nghe tới cái tên D’Angelo qua lời giới thiệu của hãng EMI từ lúc D đang chuẩn bị thu âm album đầu tiên Brown Sugar. Qua EMI, anh muốn ngỏ lời mời Quest qua chơi nhạc cùng. Thế nhưng cơ hội hợp tác đó bị vuột mất chỉ vì Quest có một định kiến với những nghệ sĩ hát nhạc R&B đương đại ngày đó. Nhìn tấm hình của D, Quest chỉ nghĩ lại một kẻ hát nhạc ỉ ôi mà không ở tầm của Otis Redding hay Stevie Wonder. Bỏ qua!
Thế rồi, trong buổi trao giải Source Award vào tháng 8 năm 1995, đúng 1 tháng sau khi album Brown Sugar của D’Angelo phát hành, Quest mới rời khỏi ghế ngồi của mình để bỏ về sớm sau khi chứng kiến sự chia rẽ của Hip Hop, những lời công kích giữa Hip Hop Bờ Đông với Bờ Tây và giải thưởng được trao cho Outkast đến từ Miền Nam trước sự la ó của khán giả. Trên lối ra, Quest chạm mặt với D’Angelo. Trong lúc chưa kịp phản ứng gì thì trong tay Quest đã là một cuộn băng cassette của chính album Brown Sugar. Giữa những mâu thuẫn của vùng miền xảy ra ngày hôm đó, Quest nhận ra ban nhạc The Roots và anh cần có thêm đồng minh. Tò mò trước cuộn băng của D, Quest bật lên nghe và tất cả những định kiến của anh về tay ca sĩ “hát nhạc R&B” đó ngay lập tức bị xóa bỏ.
D'Angelo không phải chỉ là một nghệ sĩ đơn thuần. Anh biết hát và chơi rất nhiều nhạc cụ, gồm piano, keyboard, trống, saxophone, guitar và bass. Giống như Prince, với Brown Sugar (1995), D gần như 100% tự tay viết, biên soạn, sản xuất, thu hát và chơi các nhạc cụ. Những track rất hay của đĩa như bài hát cùng tên “Brown Sugar”, “Me And Those Dreamin’ Eyes Of Mine”, “Shit, Damn, Motherfucker”, “Smooth” hay “Cruisin’”, đa phần các nhạc cụ chính như trống, bass, keyboard đều do D đảm nhiệm. Lối biên soạn hòa âm tối giản của anh làm nổi lên tiếng keyboard chơi rất phiêu và jazzy, còn đàn bass thì như chạy một câu giai điệu đối ẩm với tiếng hát của D. Dưới bàn tay giúp sức trong khâu sản xuất nhạc của Ali Shaheed Muhammad – thành viên nhóm A Tribe Called Quest, âm thanh chịu ảnh hưởng của Tribe là thứ gây chú ý với Questlove, người cũng học hỏi theo phong cách nhạc của Tribe khi chơi trong The Roots. Thế nhưng thứ mà Quest nắm bắt và ấn tượng nhất từ ý tứ nhạc độc đáo của D lại là về phần nhịp điệu. Quest nhận ra một sự tương đồng với kiểu nhịp trống mà producer J Dilla đã mang tới cho nhạc của nhóm The Pharcyde mà Quest mê mẩn từ ngày đó. Và đó cũng là “điểm G” gây kích thích cho D mà Quest phát hiện ra vào hôm nghe album Brown Sugar.
Đã một lần từ chối rồi, Questlove phải tìm cách “cưa cẩm” lại D’Angelo. Trong một màn trình diễn của The Roots tại lễ trao giải Soul Train Awards vào năm 1996, Quest để ý thấy D ngồi ngay phía dưới và không mấy hứng thú với nhạc The Roots đang chơi. Để gây chú ý, Quest nhớ tới “điểm G” và bèn “truyền thông điệp” tới D bằng cách chọn một kiểu chơi mà anh này biết sẽ khiến mọi người trong band bối rối. Nghĩ là làm, Quest chơi một đoạn dồn trống nghịch phách theo kiểu của Prince để lấy le với D. Trong khi cả ban nhạc quay ra nhìn với con mắt “Mày làm cái ..éo gì thế?” thì thái độ của D thay đổi hẳn, đầu anh gật gù theo nhạc. Quest mừng thầm “Á à! Tao bắt được thóp của mày rồi nhá”.
Show nhạc đó là lần đầu Questlove bắt đầu chuyển hướng cách chơi trống mới, còn D’Angelo thì bị thuyết phục hoàn toàn trước cùng một ngôn ngữ âm nhạc mà hai nghệ sĩ chia sẻ. Cả hai sau đó cùng hợp tác với nhau, không chỉ cho album tiếp theo của D, mà còn lập nên hội Soulquarians.
Thế nhưng sự tương đồng trong ngôn ngữ âm nhạc nào mà Quest tìm thấy ở trong album Brown Sugar để biết mà chơi trong Soul Train Awards năm đó?
Nghe bài “Brown Sugar”, track đầu tiên của đĩa, khi bộ gõ xuất hiện thì mới chỉ là tiếng hi-hat trong khuông đầu tiên, và đến khuông thứ hai chỉ độc có tiếng snare của nhịp số 2 vang lên nghe khá là lạc quẻ, nhưng tới khuông số 3 liền sau, thì lại chỉ có độc kick drum nhấn vào đầu và bỏ trống nhịp 3. Rồi từ đó, khi giọng hát của D’Angelo vào cùng với nhạc, trừ tiếng kick drum nhấn đầu khuông nhạc, thì phần kick drum ở giữa mỗi khuông luôn biến đổi, lúc nốt móc đơn, lúc nốt móc kép của 2-3 tiếng kick cùng một lúc, khiến cho nhịp 3 luôn mất đi độ nhấn cần thiết. Kiểu làm nhạc này của D được Quest ví như cách một thằng trẻ con 3 tuổi mơ màng nghịch chân bass của giàn trống vậy. Trong bài “Me And Those Dreamin’ Eyes Of Mine”, tiếng trống cũng có sự đảo phách và thay đổi liên tục qua từng khuông nhạc như vậy, như kiểu đánh thế nào cũng là đúng. Hay với bài “Shit, Damn, Motherfucker” cũng thế, ngoài tiếng hi-hat gõ đều đặn, cả kick drum lẫn snare thi thoảng có độ trễ hơi lệch sau hi-hat một chút, thứ đặc sản mà tay producer J Dilla, đã nhắc đến ở trên nổi tiếng về phong cách làm beat của anh.
Chính Questlove đã từng mê đứ đừ cách làm beat, đặc biệt là phần trống khó đoán của J Dilla (hay còn được biết với nghệ danh Jay Dee) sản xuất trong album Labcabincalifornia của nhóm The Pharcyde, như trong bài “Runnin’”. Bên cạnh phần kick drum đầy ngẫu hứng, cách đặt tiếng snare lúc hơi sớm, hoặc hơi trễ so với phách chính của J Dilla chính là phong cách mà vô tình D’Angelo cũng độc lập sáng tạo cho nhạc của anh từ album đầu.
Bởi sự đồng cảm về kiểu làm nhạc khác biệt, bên cạnh những hợp âm lạ tai jazzy, và cách tạo tiếng trống “kém hoàn hảo” vậy mà D’Angelo (ca sĩ và nhạc công có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ), Questlove (chơi trống và sản xuất nhạc), J Dilla (sản xuất nhạc), và sau có thêm James Poyser (chơi keyboard) tạo nên tứ trụ của Soulquarians, mà sau này có các thành viên như Erykah Badu, Q-Tip, Mos Def, Talib Kweli và Common.
Quay lại với nhân vật chính của chúng ta – D’Angelo. Thành công của album Brown Sugar của anh đã mở rộng đường cho dòng chảy của Neo-Soul, mà đến nghệ sĩ đồng lứa Maxwell còn phải thừa nhận nếu không có nó thì album Urban Hang Suite của anh này không biết khi nào mới được hãng đĩa Columbia đủ tự tin để phát hành ra thị trường. Ấy thế mà chỉ vì đánh mất ý tưởng và cảm hứng trong sáng tác nhạc, phải 5 năm sau D mới trở lại với album thứ hai Voodoo (2000).
Dĩ nhiên lần này có sự tham gia của Questlove trong vai trò chơi trống ở phần lớn đĩa và đồng sáng tác ở một số bài. D’Angelo vẫn là kẻ chủ trì trong việc sáng tác, sản xuất, biên soạn cũng như thu hát và chơi nhiều nhạc cụ.
Có điều là đĩa Voodoo lại khác xa Brown Sugar bởi sự kỳ quặc được đẩy xa hơn nữa của nó, và cũng vì thế, album này thực sự là khó nghe nhất của D’Angelo so với các nhạc phẩm đã phát hành của anh. Cả với những nghệ sĩ khác khi nghe album này cũng phải cảm nhận cái “khó nghe” tạo ra bởi sự “lộn xộn” đến từ những âm thanh khác nhau. Đó là phần trống chắc chắn lệch với tiếng click track nếu bật lên song song. Questlove tự nhận anh đã phải tự dạy bản thân mình để tập chơi lại trống theo kiểu như một thằng nhóc đang tập lại bài trống vỡ lòng. Đó không phải là độ trễ tạo cảm giác swing đung đưa, mà nó là sự thiếu chính xác của những tiếng snare, lúc vào cùng hi-hat, nhưng lúc lại sớm hoặc muộn so với nó, như bài “Playa Playa”. Đó còn là tiếng bass mà nhạc công Pino Palladino cố tình chơi trễ nải cả khi tiếng trống của Quest đã chạm đúng nhịp. Như trong bài “Feel Like Makin’ Love”, câu bass của Palladino đưa đẩy quanh tiếng trống tạo không gian âm nhạc tình tứ cần có cho bài. Và đó còn chính là giọng hát của D’Angelo nhả âm vào những khoảnh khắc để cố kéo chậm lại nhịp hơn nữa. Với “Chicken Grease”, giọng hát không nghe rõ lời của anh có những lúc như né khỏi nhịp gõ của Quest.
Tất cả âm thanh này nghe thực sự kỳ lạ và dường như có phần sai sai. Và đây chính là cái thiên tài của D’Angelo cùng những thành viên tham gia chính, dĩ nhiên có Questlove. Nếu như âm nhạc thường dùng các nhạc cụ khác như keyboard, guitar để chơi có độ trễ cho phần nhạc điệu, thì D lại chọn đúng trống và bass, thứ nhạc cụ đáng nhẽ đúng ra dùng để giữ nhịp, thì nay lại làm vai trò níu giữ đưa đẩy một cái tempo được giữ nguyên nhưng không được đồng nhất về nhịp điệu. Ngoài cách hát có sức ảnh hưởng của Marvin Gaye, lối làm nhạc này của D còn làm người ta liên tưởng tới phong cách của James Brown khi mọi nhạc cụ, bao gồm cả giọng hát đều là một “bộ gõ cho nhịp điệu”. Chỉ khác là mỗi “bộ gõ” này sẽ tự phiêu theo cách riêng của mỗi người chơi nó. Và vì thế giai điệu hát cùng ca từ được đẩy về phía sau, nhường ánh sáng chủ đạo chiếu lên những âm thanh nhịp điệu kỳ lạ này.
Cách làm nhạc nặng chất ảnh hưởng của tay producer J Dilla này cũng nằm ở việc đối lập âm nhạc hiện đại của cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000 ngày ấy. Khi mà công cụ nhạc điện tử cho phép người nhạc công chơi theo sát tiếng click track, và thậm chí có thể dùng máy tính để edit sau đó nhằm đảm bảo từng tiếng hi-hat, kick và snare được vào chuẩn xác tới từng mili giây (giới chuyên môn gọi là “rhythm quantization”). Còn với phong cách J Dilla, Questlove và D’Angelo, họ thổi hồn “người” vào cộng thêm sự biến tấu khó lường, nghe tưởng như thiếu chuyên nghiệp, nhưng lai tạo mới làn sóng mới cho thứ nhạc đối lập hoàn toàn với sự hoàn mỹ của nhịp điệu. Giống như bài “The Root” trong album Voodoo, nếu bỏ qua yếu tố về cao độ và hòa âm, chỉ riêng âm thanh phát ra của từng nhạc cụ và tiếng hát của D gộp lại đã đủ tạo sự thiếu thăng bằng sau mỗi cụm hai khuông nhạc.
Đấy là 5 năm để chuẩn bị cho một album như Voodoo và âm thanh đã khác nhiều so với Brown Sugar. Thế nên, khi album thứ ba Black Messiah (2014) phát hành 14 năm sau Voodoo, không ngạc nhiên gì khi âm nhạc của đĩa vẫn tạo ra quá nhiều sự bất ngờ mới lạ. Với tôi, Black Messiah là album hay nhất và một tuyệt phẩm của D’Angelo.
Vẫn là sự không hoàn hảo của nhịp phách giữa các track nhạc cụ tạo nên âm thanh đung đưa giữa điểm cân bằng chill hơn bao giờ hết, giờ D’Angelo đưa thêm cả yếu tố khó lường trong flow của bài nhạc. Nếu như “Ain’t That Easy” có sự mềm mại thì ngay sau đó, “1000 Deaths” lại có sự thô ráp của tiếng bass hơi rè đặc. Với thời lượng dài gần 6 phút, sự biến đổi của riêng bài “1000 Deaths” theo phong cách progressive này cũng đủ thấy cái thiên tài trong làm nhạc của D khi anh có thể sáng tác ra được một bài có độ phức tạp đến như này. Một lần nữa, với vai trò chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật của Black Messiah, anh lại cho thị trường âm nhạc thấy một tài năng hiếm có của âm nhạc hiện đại khi đảm nhiệm nhiều bộ môn khác nhau, giống như đàn anh Prince, và thậm chí cả Sly Stone bởi âm thanh funky của nó.
Tính đa dạng trong lối làm nhạc của D’Angelo còn thể hiện trong “Really Love” qua phong cách nhạc flamenco bởi tiếng đàn guitar thùng đầy lung linh trên nền giàn string tuyệt đẹp đằng sau. Vẫn là kiểu nhịp điệu lấp lửng không đều chằn chặn đó, nhưng nó không đánh mất đi không khí lãng mạn của bài. Hoặc với “Another Life”, âm thanh Neo-Soul được D làm dầy hơn bao giờ hết nhờ những hợp âm jazzy của đàn piano chơi cùng cả guitar lẫn đàn sitar điện, mà tất cả đều do D đảm nhiệm thể hiện và thu âm.
Trong Black Messiah, dấu ấn của Questlove còn được lưu lại rõ nét hơn cả thời Voodoo nhờ vào ý tưởng nhạc mà anh này mang đến trong bài “The Charade” sau khi nghe “Sugah Daddy”. Một ca khúc vô cùng funky như “Sugah Daddy” có sự hấp dẫn khó cưỡng dù về tổng thể nó còn kỳ quặc hơn cả bài “1000 Deaths”. Bộ gõ tạo bởi trống và tiếng vỗ tay. Giọng hát của D’Angelo thì được nâng đỡ bởi lớp nền tạo ra từ những câu đàn piano rất ngẫu hứng, và phần kèn nhấn nhá cùng tiếng bass lúc song hành cùng piano, lúc lại nhảy sang đối ẩm với kèn. Cả bài “Sugah Daddy” này nghe tựa như đã bị chặt ra nhiều khúc và ghép lại với những mảnh còn thiếu bị cố tình bỏ sót ra ngoài vậy.
Thế nên, Questlove mới phải vắt óc nghĩ sao cho phần trống của track “The Charade” đặt ngay trước phải tôn được nhịp điệu funky của “Sugah Daddy” liền sau đó. Học hỏi từ producer đại tài Quincy Jones khi khéo léo đưa “Beat It” lên trước “Billie Jean” trong album Thriller của Michael Jackson nhằm tôn hết nhịp trống rõ nét đều đặn và đặc trưng của “Billie Jean”, Quest nghĩ ra món “khai vị” của bài “The Charade” như sau. Do phong cách nhạc của “Sugah Daddy” là nặng chất nhạc của đĩa Voodoo trước đó nhất, Quest mới tìm những, ý tưởng tương phản với Voodoo. Đầu tiên là tiếng trống mang âm hưởng bộ lạc bằng cách chỉnh snare cho trầm xuống, và rồi thay những trống tom bằng chính những trống snare thường. Thứ hai là nhịp trống chơi đều đặn và dồn dập. Kết quả là “The Charade” mang một không khí hừng hực nguyên thủy, đối lập và làm rõ nét hẳn cho âm thanh chill và funky, và nhịp điệu không cần chuẩn xác của track “Sugah Daddy” xuất hiện liền sau đó.
Dấu ấn của D’Angelo trong Black Messiah vẫn chiếm phần lớn tỉ trọng. Nếu so anh với cùng Erykah Badu và Maxwell, bộ ba nghệ sĩ đưa Neo-Soul tới mainstream, quả thật D vẫn quá toàn tài. Giống như Questlove bắt đầu luyện nhịp trống từ lúc lên 3, D’Angelo (tên thật là Michael Eugene Archer) tự học piano cũng từ độ tuổi này và có thể chơi hết một bài của Prince, để rồi lên 5 anh đã đã thừa sức chơi đàn cùng cha trong nhà thờ. Nhờ vậy, những nhạc cụ khác sau này được D luyện tập thuần thục một cách nhanh chóng nhờ đôi tai nhạy bén về nhạc và nhịp của mình.
Mang tư tưởng của một người nghệ sĩ thực thụ và toàn tài như Prince, D là kẻ không dễ chiều. Questlove đã phải mất đến 4 năm để luyện lại kiểu đánh trống lệch với click track sau khi liều lĩnh kéo D về với đội của mình. Còn những nhạc công khác không nhiều người được D nhờ tới, ngoài có lẽ là tay bass Pino Palladino vì hiểu được thứ nhạc gì mới khiến D có thể gật gù. Bởi đến chính D’Angelo, anh cũng không tự hài lòng với bản thân. Bằng chứng là trong gần 2 thập kỷ anh mới phát hành được vỏn vẹn 3 album. Và tới giờ, đã gần 10 năm kể từ Black Messiah, vẫn chưa thấy bóng dáng nhạc phẩm solo nào mới của D. Tôi đoán anh vẫn bị rơi vào trạng thái bí ý tưởng và cảm hứng nhạc như hai lần trước. Nó không phải vì D không sáng tác được bài nhạc nào cả, mà vì có thể những thách thức anh tự đặt ra cho định hướng âm nhạc của album mới luôn quá khó cả với chính anh. Từ Brown Sugar cho đến Voodoo lẫn Black Messiah, các album này đều mất nhiều năm để hoàn thiện, thế nhưng khi đã tung ra thị trường, chất nhạc của mỗi album luôn đặt ra những chuẩn mới cho dòng nhạc Soul, thậm chí cả với âm nhạc đương đại.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Comments