top of page

SZA: ca sĩ R&B hát nhạc Hip Hop

SZA tiếc đứt ruột vì phải từ bỏ đứa con tinh thần - bài “LouAnne Johnson” mà cô đã sáng tác cho album Ctrl. Cứ tưởng đinh ninh quả này cô đã tìm được âm thanh chính cho album studio đầu tay thì giờ nó lại được truyền tay sang Rihanna. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc SZA được mời đến viết nhạc cho Ri trong lần nữ hoàng kem trộn đang thực hiện dự án album Anti, nhưng SZA lại không nặn được ra ý nhạc nào cả.


Để khỏi bẽ mặt trước thần tượng Pharrell Williams có mặt trong buổi viết nhạc đó, cô bèn thể hiện thử bài “LouAnne Johnson” mà cô đã sáng tác dựa trên nhân vật của diễn viên Michelle Pfeiffer trong phim Dangerous Minds. Trên nền trống có nhịp kick drum gõ 3 lần, một nhát ở nhịp số 4 khuông nhạc trước và hai nhát ở nhịp số 1 và 2 ở khuông nhạc sau làm bài bị kéo trễ, giai điệu hát đều đều đi ngang lúc đầu xong vút lên cao rồi tụt xuống, nghe rất tréo nghoe, rồi còn mix với kiểu hát yodel để đến phần Post-Chorus giọng hát còn hơi lạc đi chút. Quả là một bài nhạc cực kỳ cá tính. Bảo sao Ri sau khi nghe xong nhất quyết đòi phải có ca khúc đó, còn SZA thì ngậm ngùi dâng tặng cho bà chị.

Kết quả là ca khúc của SZA được Rihanna sửa lại lời và tên để trở thành “Consideration”, mở đầu cho album Anti cực kỳ thành công của Ri, và SZA được mời tham gia thể hiện riêng phần Post-Chorus. Mặc dù có tên trong album được ca ngợi của nữ nghệ sĩ nổi tiếng như Ri, SZA vẫn thẫn thờ. Cô khóc rất nhiều. Bài hát đó cô còn thậm chí đã quay xong hết video và chuẩn bị tung ra để mớm hàng cho album đầu tay Ctrl.


Em sẽ không bao giờ có thể viết được bài nào hay hơn như vậy nữa!” – SZA nói với Kendrick Lamar, ông anh ở chung “mái nhà” mang tên Top Dawg Entertainment mà cả hai ký hợp đồng thu âm. Kdot chỉ đáp: “Đây mới là thử thách để dành cho những con người vĩ đại. Bởi chỉ có những người vĩ đại mới có thể tiếp tục làm ra những thứ còn hay hơn thế”.

***

Tôi nghe nhạc SZA từ lúc Ctrl phát hành và được người người truyền miệng. Có điều đó không phải là nhạc R&B tôi quen nghe. Âm thanh Alternative R&B của cô cũng na ná như một số bài phải lâu mới ngấm của Frank Ocean. Đó là kiểu hát nhanh, nhiều từ trong một câu, giọng điệu lên xuống liên tục nhưng không rõ sẽ đi về đâu bởi vòng hợp âm chơi đằng sau khá là chơi vơi lửng lơ. Nhạc R&B tầm những năm 90 khi pha với nhạc Hip Hop như mấy nghệ sĩ TLC hoặc Usher thể hiện đúng là có những kiểu giai điệu khó nắm bắt trong phần verse nhưng đến điệp khúc thì lại rất tình và mềm mại. Cảm giác như không phải tông giọng chính của bài có vai trò giải toả giống như nhạc Pop mà là cả phần điệp khúc của những bài R&B ngày đó làm cân bằng luôn âm sắc vì giai điệu R&B cực đẹp xen giữa.

Thế nhưng Alternative R&B của Frank Ocean và SZA thì khác nhiều, mà ở đây tôi thấy trong album Ctrl của cô, nó còn nặng tính Hip Hop hơn cả nhạc anh Frank. Bởi vì cô hát nhạc R&B như rap nhạc Hip Hop.

SZA tên thật là Solána Imani Rowe. Cô tự đặt cho mình nghệ danh SZA (đọc là “SIZ-uh”, giống từ “cái kéo” trong tiếng Anh nhưng không có âm “r” ở cuối) từ bảng chữ cái trong hệ tư tưởng Five Percent Nation (hay còn gọi là The Nation Of Gods And Earths). Với nghệ danh lấy cảm hứng từ chính RZA, thủ lĩnh nhóm Wu-Tang Clan, có thể thấy sức ảnh hưởng của văn hoá Hip Hop với âm nhạc của cô gái này lớn đến thế nào.

Ngày mà SZA vẫn còn chưa chú tâm vào sự nghiệp âm nhạc, cô còn không biết nhiều nghệ sĩ như những bạn đồng lứa. Âm nhạc mà cô nghe nhiều nhất là Miles Davis, Billie Holiday, Ella FitzgeraldLouis Armstrong, những thứ mà bố cô cho phép nghe ở nhà từ bộ đĩa của ông. Những nghệ sĩ khác mà SZA mò để nghe trộm là Wu-Tang Clan, Lil Jon trong máy nghe đĩa của cô chị và Common, Jay-Z, Bjork, Nas, Mos Def ở chiếc máy iPod tại khu luyện tập thể thao.

Đến khi chơi thân với Ashley, cô bạn cùng trường và thường được bố mẹ thả ở nhà cô bạn đó trước khi hai người đi làm, thì SZA mới được nghe nhiều hơn nhạc R&B của AaliyahAshanti. Do vậy SZA cũng chưa bao giờ hiểu được mình có hát hay thực sự không khi hệ quy chiếu của cô chỉ ở vài ba nghệ sĩ nữ mà cô được nghe, nhất là khi chất giọng của SZA lại không được mềm mại như họ. Tuy vậy cô vẫn mày mò tự làm và thu nhạc của mình, với sự hỗ trợ và khích lệ của ông anh Daniel.

Ngày SZA lần đầu gặp Terrence “Punch” Henderson - chủ tịch của hãng Top Dawg Entertainment là khi cô đang làm thuê cho 10Deep, công ty tài trợ cho show diễn của Kendrick Lamar ở New York vào năm 2011. Cô phụ trách bán đồ merchandise và được giao nhiệm vụ giao mấy bộ quần áo size lớn đến khách sạn của Punch sau đó. Lo ngại phải một mình chạm mặt mấy ông tai to mặt lớn, cô kéo theo cô bạn Ashley đi cùng. Chụp trên đầu cái headphone, Ashley mở nhạc lớn đến độ Punch phải hỏi “Cô nghe cái gì vậy?” Khi biết được đó là nhạc “nhà làm” của SZA nhưng quá tò mò trước âm thanh vang ra, Punch giật lấy cái headphone của Ashley để nghe kỹ hơn. Hai thứ gây ấn tượng sâu sắc với ông về SZA trong khoảnh khắc đó, một là giọng hát hay đến điên rồ, và hai là lời hát quá cá tính, giống như của một rapper.

Trước album Ctrl, tôi có nghe bản EP mang tên “Z” (2014) được phát hành bởi Top Dawg. Trong EP này SZA hát ngân nga nhiều hơn, đặc biệt với bài “Warm Winds” nghe rất ngọt ngào, từ câu bass cho đến giọng hát của cô.

Trong thứ nhạc R&B truyền thống hơn, kỹ thuật melisma ngân nga luyến láy trên mỗi từ là một đặc sản của dòng nhạc này, như thường thấy trong các album của Mariah CareyWhitney Houston. Đến lứa nghệ sĩ ngay sau đó chịu ảnh hưởng của Hip Hop như TLC, Mary J. Blige, Usher thì kỹ thuật melisma vẫn nhiều vì kể cả những phần verse hát hơi nhanh thì họ vẫn luôn dành những chỗ ngưng nghỉ để luyến láy một âm tiết nào đó. Bởi vì nói cho cùng thời đó giai điệu những bài nhạc R&B vẫn còn khá là rõ ràng và dễ nắm bắt.


Bài “Warm Winds” của SZA cũng thế.

Nhưng tới album Ctrl thì đó là một âm thanh khác rất nhiều. Cho tới khi tôi nghe lại đĩa nhạc này một lần nữa, vài tháng sau khi nó đã phát hành thì tôi mới bắt đầu hiểu hơn ý nhạc của nó.

Trên nền nhạc có chuỗi hợp âm chơi vơi và ít độ giải toả về âm sắc, sẽ rất khó để sáng tác một giai điệu rõ ràng. Nhưng đấy hoàn toàn không phải là mục tiêu của SZA. Trong Ctrl, điều cô muốn chuyển tải nhiều nhất là phần lời có số lượng từ nhiều hơn hẳn. Do đó nhiều lúc các từ gần nhau được hát trên cùng một nốt nhạc, sự lên xuống trong cao độ trước và sau đó hoàn toàn là độ cảm nhạc của SZA.

Giống như cách làm nhạc cùng ông anh Daniel từ thời chưa ký hợp đồng với Top Dawg, phần instrumental trong nhạc của SZA sẽ là những bản loop có vòng lặp, giống hệt như các bản beat mà các rapper sẽ viết lời để rap trên đó. Có điều, với rapper, họ chỉ chủ yếu cảm về nhịp điệu và cảm xúc tổng thể của một bản beat. Còn với SZA thì cô sẽ phải cảm sâu hơn mấy lớp nữa, một là vòng hợp âm, hai là nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ chủ đạo và câu bass được chơi trong bài, và ba là những khoảng trống để cô lấp đầy lời hát vào đó. Sau đó cô sẽ vào phòng thu và hát chúng. Nói là hát cũng không đúng vì cách SZA thể hiện qua chiếc micro giống như một rapper đang freestyle những âm vần. Chỉ khác là ngoài nhịp điều lời hát biến thiên khó đoán như flow của một rapper, giọng hát của cô lên xuống cao độ ở khúc này khúc kia đầy ngẫu hứng như một nghệ sĩ nhạc Jazz. Bảo sao thường SZA chỉ thu âm đúng 1-2 lần bởi nếu sau đó bản thu nghe vẫn chưa ổn thì có nghĩa là cảm xúc và sự ngẫu hứng lúc đó chưa thật sự “chuẩn”.

Chính thế nên giai điệu nhạc của SZA trong Ctrl thường khó nắm bắt và khó để hát theo. Khi nghe kỹ lại đĩa nhạc này, sự lên xuống cao độ ở một vài đoạn chênh nhau khá gắt nhưng giọng của cô chuyển đổi nhẹ nhàng và điêu luyện như một ca sĩ nhà nòi. Và lý do mà Terrence “Punch” Henderson quá đỗi ấn tượng ở giọng hát của SZA là khả năng tạo độ rung, sự thay đổi ở giọng điệu của từng ca từ kể cả lúc cô hát với nhịp độ nhanh, cùng với sự lên xuống của giai điệu cực tinh tế, vì trên nền hòa âm chơi vơi đó, nếu chọn nốt sai khi hát như vậy là sẽ phô ngay lập tức.


Lấy ví dụ bài “Supermodel”, track đầu của đĩa Ctrl. Khi ở đoạn dạo đầu, nhạc cụ chủ đạo chỉ có tiếng guitar quạt chả chậm rãi những hợp âm cực kỳ nghịch tai, thế mà SZA sáng tác được giai điệu chạy khắp các nốt nhạc mà không chệch tông một chút nào. Ấn tượng nhất là những điểm dừng kéo dài hơi như khúc “a new hoe, too” khi cô hát từ “hoe” ở một nốt cao để dồn hết sự chú ý của người nghe vào cái từ nhạy cảm đó. Hoặc ở khúc SZA hát “All up on Valentine's Day”, nốt nhạc cao hẳn của từ “Day” được hát đủ lực mà lên nhẹ bẫng. Sự luyến láy trong giọng hát của cô quả thật siêu đẳng.

Vì thế không phải là nhạc của SZA lại không có những đoạn melisma, một kỹ thuật mà người ca sĩ hát luyến láy một từ trên những nốt nhạc khác nhau. Dù ít hay nhiều, kỹ thuật này đều được dùng trong từng bài, bởi vì dù sao đó vẫn là thứ đặc sản của nhạc R&B, chỉ là nó xuất hiện ít hơn với dòng Alternative. Đoạn melisma mở đầu cho bài “Love Galore” (với sự tham gia của Travis Scott), xuất hiện làm ngọt hơn cho bài “Prom” có tempo upbeat, làm dịu hơn cho bài “Normal Girl”, hay làm bay bổng hơn cho “Pretty Little Birds”.


Phải nói là giọng hát của SZA thật đặc biệt. Đó là chất giọng hơi chút khàn và nghẹt lại, khiến cho cách thể hiện bài hát của cô nhiều cảm xúc. Bởi vậy, với track nhạc mềm mại nhất album Ctrl, bài “Drew Barrymore” (lấy từ chính tên của cô diễn viên nổi tiếng) cùng câu đàn guitar điện kỳ ảo chơi trên nền hợp âm “dễ nghe” và có độ giải tỏa rõ ràng hơn, SZA càng được dịp thể hiện giọng hát độc đáo đó. Đây cũng là bài mà phần điệp khúc được kéo chậm lại và có giai điệu cao vút ngọt ngào hiếm có trong album.

Sang tới đĩa SOS, số lượng track “dễ nghe” như vậy lại càng nhiều hơn, thứ làm cho tôi kết album này ngay lập tức. Một loạt các bài, “Kill Bill”, “Seek & Destroy”, “Love Language”, “Used”, “Shirt”, “Open Arms”, v.v. đều có các vòng hòa âm êm ái thể hiện qua chính những câu bass cực hay. SZA vẫn viết nhạc như vậy, vẫn những đoạn nhạc hát khá là nhanh, như một rapper, rồi lại có những lúc chậm kéo dài hơn, xen kẽ kỹ thuật luyến láy melisma, nhưng là trong một “khuôn đúc” tạo bởi một vòng hòa âm đẹp, nên giai điệu hát qua cảm nhận của cô tự nhiên lại càng đẹp hơn.

Với việc có đến hơn 90% các bài được SZA freestyle như các rapper, nên có những track, ví dụ “I Hate U” trong đĩa SOS được cô sáng tác trong vòng vỏn vẹn có 15 phút. Ý nhạc ngẫu hứng đã là một chuyện, bởi nó có thể đến từ năng khiếu cảm nhạc sâu sắc mà SZA đã cảm thụ từ các đĩa nhạc Jazz và Blues của người bố. Nhưng để viết được lời ngay tại chỗ như vậy, không cần viết sẵn cả một bản lyric một cách đầy đủ trên giấy trước khi thu âm thì lại là một tài năng đáng nể khác của cô.

SZA là cô gái có nhiều tâm tư, cảm xúc và đặc biệt nhạy cảm. Đã nhiều lần cô đăng đàn trách móc hãng đĩa về việc trì hoãn phát hành các album của mình, để rồi sau đó cô lại đính chính về sự tin tưởng của mình với tầm nhìn của Terrence “Punch” Henderson và Top Dawg. Ngay cả với chính album đầu tay Ctrl, biết là vì sự hy sinh bán đi đứa con tinh thần cho Rihanna sử dụng trong album Anti đã làm chậm lại tiến độ hoàn thành album vì SZA phải đi tìm một âm thanh chủ đạo mới cho đĩa, nhưng rồi sau đó, cô vẫn mắc phải cảnh một mình ngồi đắn đo để chọn ra một tracklist từ danh sách gần 200 bài được thu âm. Sự cầu toàn nhưng thiếu quyết đoán của SZA, khác xa cách cô làm nhạc, khiến cho hãng đĩa phải lấy trộm cả ổ cứng trong két để về chọn ra một danh sách cho Ctrl và phát hành nó. Vì thế ta có thể hiểu version của đĩa nhạc đó trên thị trường hoàn toàn không phải ý đồ của SZA. Tuy nhiên, bản đó vẫn đạt chất lượng cao nhờ tầm nhìn của Punch.

Quay lại về phần lời hát, cũng vì sự nhạy cảm trong mọi suy nghĩ của SZA mà dường như khả năng viết lời của cô cực kỳ xuất sắc, ở một đẳng cấp mà nhiều rapper còn không bằng, chứ đừng nói tới những nữ ca sĩ khác. Phần lời của SZA được viết như những lời tự sự, dựa trên các đoạn hội thoại có thật hoặc tưởng tượng của cô với những người xung quanh, hay với chính bản thân mình.

Trong album Ctrl, chủ đề chính của đĩa là những lời thú nhận bộc bạch dựa trên chính câu chuyện của bản thân, với các nội dung từ tình yêu, ghen tuông, mất niềm tin trong cuộc sống.


Ở bài “Supermodel”, SZA hát “Let me tell you a secret / I been secretly banging your homeboy / Why you in Vegas / All up on Valentine's Day?”, một bí mật hoàn toàn có thật nay cô cố tình kể hết ra như một màn trả thù với cậu bạn trai cũ không mấy tốt đẹp của mình. Cũng trong cùng bài, đoạn lời “That’s why I stayed with ya / The, the dick was too good / It made me feel good / For temporary love / You was a temporary lover” cũng lại gây sốc không kém vì độ chân thực trong ngôn từ.


Vậy nên không bất ngờ khi sau đó SZA sẽ hát những ca từ thẳng tuột không cần trau chuốt như một đoạn rap “Forrest Gump had a lot going for him / Never without pussy / Y’know, Jenny almost gave it all up for him” và “High key, your dick is weak, buddy / It’s only replaced by a rubber substitute” trong bài “Doves In The Wind” cùng với Kendrick Lamar.


Nhưng ở những khoảnh khắc trầm, người ta lại nghe cô hát về nỗi buồn của chính bản thân mình trong những mối quan hệ “Wish I was the type of girl that you take over to mama / The type of girl, I know my daddy, he'd be proud of” ở bài “Normal Girl”.


Lời ca của SZA quá đỗi gần gũi và chân thật nên người yêu nhạc của cô càng dễ tìm thấy sự gắn kết với thần tượng của mình. Điều đó lại tiếp tục được tìm thấy trong album SOS, khi SZA không hề mất đi phép màu nhiệm trong lối sáng tác lời xuất sắc.


Thử hỏi mấy ai dám thừa nhận một lần họ đã từng có ý định trả thù bằng cách giết chính gã người yêu cũ và ả mới của hắn như SZA trong bài “Kill Bill”, được viết dựa trên cảm hứng từ bộ phim cùng tên của Quentin Tarantino: “I might kill my ex, not the best idea / His new girlfriend's next, how'd I get here? / I might kill my ex, I still love him, though / Rather be in jail than alone” và sau đó một phần lời đầy tượng hình như mấy bài rap đậm chất bạo lực: “But, damn, you was out of reach / You was at the farmer's market with your perfect peach / Now I'm in amazement, playin' on my patience / Now you layin' face-down, got me singin' over a beat”. Ở đây SZA còn chơi chữ khi dùng từ “perfect peach” ngay sau câu “farmer’s market” để ví ả mới của tay người yêu cũ với đôi mông đào giống như một món hàng trên chợ.


Tiếp tục ở bài “Seek & Destroy”, cách gieo vần của SZA hấp dẫn theo cách đầy trần tục “Danger arise and I deflect it / New dick arrives and I erect it”. Hay ở “Blind” là âm vần đầy ẩn dụ: “Eatin' everything, n***a, no fasting / I don't care how much you knew me in the past tense / I ain't no Julia Stiles, this ain't no last dance, way past it”. Và cả một phần verse giữ nguyên một vần trong “Gone Girl” giữa những cụm từ “to process”, “I regress”, “I digest”, “I digress” với cả “in nonsense”, “the process” và “the worst yet” trong câu: “Can't think, it's too hard to process / Get around you and I regress / I decide what demons I digest / I'm just tired of repeatin', I digress / Tryna find deeper meanin' in nonsense / Tryna grow without hatin' the process / Tired of anticipating the worst yet”. Một lần nữa, khi lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên, SZA viết nên loạt những vần thơ đa nghĩa mà câu nào cũng đáng để suy ngẫm.


***

Vậy là cuối cùng SZA có làm ra được ra những nhạc phẩm hay hơn bài “Consideration” mà cô sáng tác cho Rihanna hay không? Đầu tiên chỉ cần nhìn vào kết quả đánh giá của giới phê bình với những lời khen có cánh dành cho album Ctrl (2017) và phản hồi vô cùng tích cực của người hâm mộ. Ctrl thậm chí còn được nhiều tạp chí xếp vào top các album hay nhất của năm đó, và riêng Rolling Stone còn đưa đĩa này vào danh sách 500 album hay nhất mọi thời đại. Tưởng vậy là quá thành công cho một nữ ca sĩ trẻ trong ngành công nghiệp âm nhạc, thế mà tận hơn 5 năm sau đó, một quãng thời gian quá dài đủ để cho một nghệ sĩ bị chìm vào quên lãng, SZA mới phát hành album thứ hai SOS (2022). SOS lần này còn được đánh giá cao hơn nữa và thành công về mặt thương mại hơn hẳn Ctrl. Với số điểm trên Metacritic cao hơn Ctrl, SOS giữ vị trí số 1 trên Billboard 200 tới 10 tuần, một thành tích mà ngoài SZA, chỉ có hai nữ nghệ sĩ khác đã từng làm được, đó là album 1989 của Taylor Swift (11 tuần) và album 25 của Adele (10 tuần).

Vậy với những nhạc phẩm có chất lượng không ngừng nâng cao, SZA có được coi là một nghệ sĩ vĩ đại như lời nhắn nhủ của Kendrick với cô ngày nào không? Cái này thì tôi nhường cho các fan tự đưa ra câu trả lời.


Hẹn gặp lại!

Kroon

1,166 views

Recent Posts

See All
bottom of page