top of page

Derek Sherinian: Tắc kè bông

Đã có ai từng thách bạn chọn một nghệ sĩ/ban nhạc nếu chỉ được mang một discography của một ai đó ra đảo hoang sống một mình trong nhiều năm? Tất nhiên lời thách thức này chỉ mang tính hình tượng, nhưng cái ý niệm cô độc trên đảo hoang cũng khiến khối người phải nâng lên đặt xuống bởi ngoài kia không thiếu những discography đồ sộ thuộc về một ai đó, những cũng thật khó khăn để chọn một bộ discography có đầy đủ các thể loại nhạc và những cung bậc cảm xúc khác nhau để làm vui cho ta suốt một chặng đường dài. Tui sẽ chọn Derek Sherinian, tay keyboard kỳ cựu của làng nhạc Prog, chứ không phải một bậc virtuoso kỳ vĩ hay một giọng ca day dứt nào khác. Bởi không hiểu bằng cách nào, Sherinian có thể quy tụ xung quanh mình tất cả những bậc chơi nhạc kỳ tài nhất của thời hiện đại trong các nhạc phẩm xuyên thời gian của mình.


Bộ discography của Derek Sherinian đơn giản sẽ mang theo những tên tuổi cự phách khác trong làng chơi nhạc theo nó. Không phải nhìn đâu xa khi chỉ cần vào Spotify và tìm kiếm cái tên Derek Sherinian, bạn sẽ thấy kết quả liên quan kéo hoài không hết.


Và sau đây hãy cũng tụi tui chiêm ngưỡng những công trình kỳ vĩ nhất của anh.


1. Sự nghiệp solo có một không hai


Nhắc đến dòng nhạc Progressive, không phải cứ là tay guitar biết viết nhạc, a.k.a John Petrucci, thì mới đảm bảo thành công đối với thể loại nhạc cầu kỳ này. Khi bạn có một tay keyboard biết cách làm nhạc với một tay trống, đó mới là nơi âm thanh của prog được bay xa tới những vùng trời âm nhạc ngoài thói quen của người nghe. Chứ sao, tay keyboard nọ sẽ thừa sức “vẽ vời” ra những vùng trời âm thanh, trong khi tay trống sẽ biết cách để lấp đầy nó với cách xây dựng cấu trúc bài và nhịp điệu để tạo ra những câu chuyện chương hồi. Chả gì thì Progressive Rock vốn bắt nguồn từ việc phát minh ra cây melotron với âm thanh ảo diệu nghe vừa quyền lực lại vừa quý phái, vừa day dứt lại vừa mạnh mẽ, thứ âm thanh có thể giúp đưa âm nhạc tới những nơi đôi tai chưa từng tới; thứ âm thanh từng giúp The Beatles vượt ra khỏi thứ âm nhạc đẹp đẽ của họ để phiêu du tới những vùng thể nghiệm từ thời Revolver (1966).


Tui đang nói tới Derek Sherinian cùng cộng sự đắc lực của anh là tay trống Jazz kiêm Rock Simon Phillips. Vốn tự nhận là Tắc kè bông, Derek Sherinian có lẽ có thể chơi bất cứ thể loại nào và ghép vào bất cứ ban nhạc nào một cách không tì vết. Anh đi diễn cùng từ những rocker kỳ cựu như Alice Cooper hay Billy Idol tới những bậc virtuoso như Steve Vai hay Yngwie Malmsteen.


Sherinian/Phillips cùng Yngwie Malmsteen và Zakk Wylde (và Tony Franklin)


Nhưng với những tác phẩm solo của mình, Derek Sherinian thậm chí còn đẩy mối quan hệ này lên cao hơn một bậc: anh tự chọn nghệ sĩ tham gia trong từng track cùng mình và Simon Phillips. Đó là những Zakk Wylde, Yngwie Malmsteen, Al Dimeola, và Steve Lukather trong Black Utopia (2003); Allan Holdsworth, Steve Stevens, và John Sykes trong Mythology (2004); cho tới những album gần đây như Phoenix (2020)Vortex (2022), Sherinian mang tới những cái tên khủng khác nữa như Nuno Bettencourt, Steve Vai, Ron “Thal” Bumblefoot, Kiko Loureiro, Michael Schenker, hay Joe Bonamassa. Anh có thể "biến hình" liên tục và cân với tất cả những người đó. Đó là lý do tui cho rằng sự nghiệp solo của anh có một không hai.


Nếu như trong nhạc Rock, người ta thường trông đợi tiếng keyboard để tạo ra những âm thanh “khoa học viễn tưởng” hoặc “kinh dị” để lấp đầy vào chỗ trống hoặc tạo ra những đoạn dạo đầu đáng nhớ, và cái âm thanh sạch sẽ đó thường nhanh chóng bị che khuất mỗi khi tiếng đàn guitar phá tiếng cất lên. Nhạc Rock, có lẽ muôn thuở vẫn là thứ âm nhạc mà guitar phá tiếng và trống đàn áp hết các nhạc cụ khác, và lâu lâu một vài tiếng keyboard kinh điển như tiếng hammond organ hay melotron sẽ “được phép” xuất hiện.


Sherinian/Phillips cùng Zakk Wylde và Allan Holdsworth (và Tony Franklin)


Có lẽ vì lý do này mà không có nhiều nghệ sĩ chơi keyboard thực sự đã để lại dấu ấn như cách mà các anh hùng guitar từng làm. Trước thì có Jon Lord John Paul Jones được thả sức sáng tạo với các nhạc phẩm của Deep Purple và Led Zeppelin, còn sau thì những thứ âm nhạc giàu keyboard chỉ thường bị “áp đặt” dưới cái danh “Neo Classical” như kiểu của Yngwie Malmsteen hay các ban nhạc tới từ Bắc Âu. Những nghệ sĩ chơi keyboard cự phách nhất xem ra thường chọn đê chơi với một tay guitar virtuoso như cách Jan Hammer kết hợp với Jeff Beck, còn đâu thì sẽ quay lại chơi với các nghệ sĩ nhạc Jazz hoặc Fusion nếu muốn được thả sức tung hoành.


Xem ra Derek Sherinian là người thấu hiểu điều này hơn ai hết, nhưng vì cái máu đã trót gắn với dòng nhạc Rock này, Sherinian vẫn liên tục làm nhạc Rock và luôn biết cách nhường giọng trong các bản nhạc của mình cho tiếng guitar và nhiều chỗ sẵn sàng chơi lùi lại như một tay keyboard “trung bình” để tiếng guitar vọt lên ngay trong chính album của mình. Nhưng nếu đã nghe quen nhạc của Derek Sherinian, sẽ thấy tiếng keyboard của anh luôn có phần bass dày và chơi rất thấp, khiến cho phần dây luôn nghe thật trầm và u tối. Cùng với cách chọn hợp âm tinh quái với các nốt nhạc nghịch tai, Sherinian luôn tạo ra phần nền và không gian cho bản nhạc ngay từ đầu để cho “giọng” của cây guitar luôn có điều kiện nhảy nhót trong đó. Nếu chỉ nghe một album solo của Derek Sherinian, ta nghĩ ngay anh này thật may mắn được cộng tác với những tay guitar lừng danh. Nhưng khi theo dõi cả bộ discography của anh từ đầu những năm 2000s tới giờ, ta mới nhận ra sức sáng tạo đáng ngạc nhiên của Sherinian và khả năng “tuyển dụng” những bậc guitar virtuoso khác để phục vụ cho những bản nhạc mà anh và Simon Phillips dựng lên. Cũng chả giấu gì mọi người, đó chính là cảm nhận của tui khi mới nghe Black Utopia, và chỉ tới khi có dịp kinh qua những album solo khác, tui mới lờ mờ nhận ra di sản đáng nể mà anh này đang dần gây dựng cho riêng mình.


Sherinian/Phillips cùng Kiko Loureiro (và Tony Franklin)


Nhưng Derek Sherinian không thể tự nhiên đi ra không từ đâu cả và thuyết phục được các nghệ sĩ lừng danh cộng tác cùng mình phải không. Danh tiếng của tay keyboard này có lẽ đến từ quá khứ có lẽ còn nổi tiếng hơn sự nghiệp solo của chính anh, nơi anh từng góp mặt suốt nửa sau thập niên 90s trong ban nhạc Progressive nổi tiếng nhất thế giới: Dream Theater.


2. Dream Theater


Với những người yêu mến Dream Theater (DT), sẽ vẫn luôn có một sự so bì không hề nhẹ giữa Derek Sherinian và Jordan Rudess, hai (trong ba) tay keyboard kỳ cự của DT. Ai cũng biết Jordan Rudess đã chơi cùng DT suốt từ Metropolis pt. 2 (1999) tới giờ, trong khi Derek Sherinian chỉ có dịp góp mặt trong một EP và một album duy nhất. Jordan Rudess vốn luôn là tay keyboard được ưu ái sau thời của Kevin Moore (với Images and Words và Awake), trong khi Derek Sherinian chỉ là sự lựa chọn thứ hai và chỉ được nhận vào DT sau khi Rudess từ chối (nhờ học cùng ở Berkelee với mấy anh kia). Chứ sao, Jordan Rudess đã thuyết phục hoàn toàn được bộ đôi John Petrucci và Mike Portnoy trong dự án bên lề mang tên Liquid Tension Experiement (1 và 2) của họ. Và drama đã xảy ra khi tới cuối thập niên 90s, ngay khi Jordan Rudess bỗng nhiên đổi ý gật đầu, Derek Sherinian ngay lập tức bị sa thải khỏi ban nhạc trong một cuộc họp báo. Cay đắng thay khi những người đồng đội làm nhạc cùng mình không thể nói thẳng việc họ không cùng chơi với nhau, nhưng xem ra đó cũng là cách vận hành của DT khi sau này chúng ta lại được chứng kiến một màn sa thải y hệt xảy ra với tay trống Mike Mangini sau khi Mike Portnoy ngỏ ý trở lại DT vào năm 2023.


Nhưng theo tui, Derek Sherinian mới chính là người đưa DT tới tầm phổ biến tới vậy với EP A Change of Season và sau đó là album Falling Into Infinity (1997).

Sherinian/Portnoy cùng John Petrucci


A Change of Season thì khỏi nói rồi, đây có lẽ là album ưa thích của ưa thích của ưa thích của tất cả các tín đồ Progressive – thứ mà dù gọi là EP nhưng còn dài hơn khối album đầy đủ khác  với 7 chương chơi liền tù tì trong 23 phút. Thứ được tạo ra từ những bản jam thời đầu của DT và được chính các fan hằm hè ép ban nhạc phải thu âm bằng được.


Falling Into Infinity, thì chắc chắn là album dễ tiếp cận hơn cả của Dream Theater, một phần cũng bởi áp lực của hãng đĩa không muốn DT tạo ra thêm những album quá phức tạp và nhiều chuyển biến.


Dấu ấn lớn nhất của Derek Sherinian trong album này có lẽ là tiếng keyboard solo đối ẩm với John Petrucci, với tiếng keyboard đặc sệt theo kiểu “cổ điển” của mình. Có lẽ sẽ không quá khi nói rằng, Sherinian đã tìm ra âm thanh đặc trưng trong tiếng keyboard của anh, giống như cách Jon Lord xác lập tiếng đàn hammond organ của mình trước đây, tại chính album Falling này. Không chỉ gắn bó với cây hammond và cây moog quen thuộc, truyền thuyết kể lại rằng Sherinian đã làm việc không ngừng nghỉ cùng với Jack Hotop, kỹ sư âm thanh của KORG để tạo ra tiếng keyboard nghe đậm chất lead guitar cho cây Korg Trinity của anh, và cả những tiếng keyboard "rợn người" khác của Sherinian đều mang hơi hướng phá tiếng và đanh đá ngang ngửa với âm thanh guitar. Trong các buổi biểu diễn của DT, Derek Sherinian cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên chơi cây keyboard gắn thẳng đứng (thay vì nằm ngang), mẫu hình cool ngầu sau đã ảnh hưởng tới khối nghệ sĩ chơi keyboard sau này.


Không chỉ thế, Derek Sherinian cũng có không ít đóng góp không được để ý mấy trong Metropolis Pt. 2 mà chỉ khi nghe được phần bootleg của Metropolis Pt. 2 trong đĩa Falling demo, người nghe mới thấy có khối đoạn keyboard sau được xài trong album này.


Thế nên trên giấy tờ, Derek Sherinian không làm gì sai cả và dù có thể hiểu được DT lúc đó cũng tự rối beng với chính họ sau khi bị ép phải ra một album “dễ dãi” và cần một luồng gió mới, việc bị sa thải đột ngột có lẽ vẫn đắng ngắt với Derek Sherinian mãi tới sau này, và không ít lần anh này buông lời cạnh khóe tới người kế cận của mình, Jordan Ruddess.


Vậy chớ Derek Sherinian đã làm gì sau khi bị đá khỏi DT? Sherinian thực ra lúc đó đã bắt đầu manh nha ghi âm dự án “Planet X”, trước khi bùng nổ với sự nghiệp solo như đã nhắc ở trên. Dù thích hay không, thì đâu đó trong các dự án âm nhạc của Sherinian luôn có sự tập trung nhất định vào việc chứng minh rằng DT đã đánh giá thấp anh.


3. Planet X


Planet X là dự án solo đầu tiên của Derek Sherinian cùng tay trống Virgil Donatti, một tay trống có gốc nhạc Jazz nhưng có kỹ thuật cực kỳ siêu đẳng và khả năng viết nhạc ngon lành.


Cũng giống như các nhạc phẩm solo của mình sau này, phần keyboard của Sherinian thường để mở đầu và tạo ra phần nền vững chắc để sau đó giọng lead guitar và lead keyboard sẽ song hành xây đắp dần nên cấu trúc của bài. Virgil Donatti thậm chí còn làm được nhiều hơn Simon Phillips, với cái món polyrhythm (đa nhịp) độc chiêu của anh khi không ít lần tạo ra groove, mân mê nó, trước khi đưa sang cho Sherinian gìn giữ để rồi Donatti bỗng lẳng lặng chuyển sang một nhịp độ khác hẳn, đôi lúc nghe thật lạc quẻ với tất cả phần còn lại của ban nhạc, trước khi tất cả gặp lại nhau ở đầu khuông nhịp sau vài khuông.


Sherinian/Virgil Donatti cùng Brett Garsed


Âm nhạc của Planet X là nơi có khá nhiều không gian để keyboard có thể thở và giãi bày, dù rằng “giọng” cho những giai điệu chính vẫn thường được tạo ra bởi cây guitar (nhất là sau có sự tham gia của Tony Macalpine từ album Universe). Điều khiến tui khoái nhất ở Planet X chính là cấu trúc chặt chẽ giữa những chương hồi, thứ từng khiến cho A Change of Seasons của DT nghe thật hấp dẫn, và giờ còn có nhiều sức hút hơn bởi độ khó khi trình diễn các ca khúc nhiều chương hồi mà không có giọng hát dẫn dắt. Riêng về khoản này, tui cực nể Derek Sherinian và những tay trống anh cộng tác cùng, những người không chỉ giỏi chơi những tổng phổ phức tạp và thay đổi liên tục, mà còn luôn biết cách thêm thắt những yếu tố của bộ gõ để âm nhạc trở nên thật đa chiều.


Có lẽ Planet X là nơi Derek Sherinian có thể thỏa mãn rất nhiều fan của Prog, nhưng cũng là nơi anh nhận ra chưa chắc đã có nhiều fan của Hard Rock thuần túy dễ đón nhận.


Thế là Derek Sherinian tiếp tục ấp ủ một loạt những album rock dễ tiếp cận hơn hẳn với một superband khác: Black Country Communion.


4. Black Country Communion


Không hổ danh là Tắc Kè Bông, Derek Sherinian xuất hiện trong một supergroup thiên về Hard Rock cùng những tên tuổi lừng danh khác như tay bass kiêm ca sĩ Glenn Hughes, tay guitar Joe Bonamassa, và tay trống Jason nhà Bonham. Anh được chính nhà sản xuất Kevin Shirley lừng danh giới thiệu khi ý định ban đầu của band này là chơi với 2 tay guitar.


Nếu đặt bản thân tui vào vị trí một Rock fan ưa âm thanh Hard Rock 4/4 với phần hát đây sức mạnh và các câu guitar solo réo rắt, thì Black Country Communion (BCC) chắc chắn tick tất cả các yêu cầu. Nhưng nếu nói đến sự bất ngờ và các yếu tố đáng nhớ, BCC có vẻ không phải chỗ có thể dụng hết các thế mạnh của Sherinian như âm sắc, biến đổi nhịp, và những hợp âm nghịch tai. Và mặc dù rất thích cái thứ âm thanh thẳng thắn đậm chất Hard Rock của BCC, Jason Bonham không phải là một tay trống như Virgil Donatti hay Simon Phillips để khiến tui có thể thả bản thân mình cho âm nhạc của họ cuốn đi. Derek Sherinian chơi tròn vai như một tay keyboard, nhưng trong BCC, rõ ràng những âm thanh đầy cảm hứng đã không còn chỗ để xuất hiện nữa.


Sherinian/Jason Bonham cùng Joe Bonamassa


Có lẽ vì thế, Derek Sherinian vẫn luôn mang theo một sứ mệnh khác tồn tại song song với thành công BCC: tiếp tục ấp ủ các ý tưởng Progressive trong cái dòng nhạc vốn đã rất chật chội này.


5. Sons of Apollo và Whom Gods Destroy


Không biết có phải vị đắng từ lần bị Dream Theater sa thải vẫn luôn ở đó trong Derek Sherinian hay không, nhưng dường như những album Instrumental Prog khét lẹt mà Sherinian tạo ra cùng Virgil Donatti và Simon Phillips dường như chưa bao giờ là đủ. Sherinian luôn đau đáu tạo ra những nhạc phẩm có người hát. Sau khi tình cờ tham gia với “sếp cũ” Mike Portnoy trong dự án Portnoy Sheehan Macalpine Sherinian (P.S.M.S) vào năm 2013 với album Live In Tokyo tập hợp những bản nhạc từ các dự án riêng của 4 con người này (do ràng buộc với hãng đĩa), tình bạn giữa Mike Portnoy Derek Sherinian dường như đã được nối lại bởi rõ ràng lúc này Mike Portnoy cũng đã không ở trong DT. Cùng với Billy Sheehan trong đội hình P.S.M.S kia, họ chiêu nạp thêm Ron “Thal” Bumblefoot chơi guitar và nhất là ca sĩ đa năng Jeff Scott Soto để tạo ra Sons of Apollo không lâu sau đó.


Sherinian/Portnoy cùng Bumblefoot và Billy Sheehan


Thế rồi sau 2 album được phát hành, tham vọng trở thành tân vương trong làng nhạc Prog bỗng bị dội một gáo nước lạnh khi Mike Portnoy trở lại Dream Theater. Sons of Apollo rã đám không kèn không trống như vậy đó trong khi Derek Sherinian và Bumblefoot đã viết được kha khá nhạc cùng nhau. Kết nạp thêm tay trống Bruno Valverde (từ Power Metal band Angra), tay bass trên Youtube Yas Namura, và nhất là ca sĩ Dino Jelusick từ Croatia, Derek Sherinian và Bumblefoot đã trình làng Prog band mới toanh "nửa già-nửa trẻ" của anh vào năm 2024 mang cái tên Whom Gods Destroy và album cực đáng nghe Insanium (2024).


Nói cho cùng, làng nhạc Prog nó cũng nhỏ bé lắm nên cũng không có ai ghét nhau nhiều như báo chí thổi phồng đâu. Nôm na thì những người trong thế giới Prog chắc đều ít nhiều từng “đi lại” với nhau và tất cả những nghệ sĩ Prog, dù có cá tính và ương ngạnh đến mấy, cũng luôn dành sự nể trọng nhất định dành cho nhau. Họ biết thừa, thế giới này đâu có nhiều người có thể chơi nhạc ở cái tầm như những người họ, thế kiểu gì rồi cũng chỉ có ngần ấy người chơi nhạc được với nhau mà thôi. Lịch sử đã cho thấy các thành viên của Emerson Lake & Palmer, King Crimson, Genesis, Yes, và các band Prog thời trước đều ít nhiều xuất hiện trong các album của nhau, hoặc tráo đổi các thành viên cho nhau. Derek Sherinian thực ra vẫn quay lại chơi nhạc cùng Dream Theater và Jordan Rudess mỗi khi được mời đi lưu diễn, hay thậm chí mời John Petrucci tham gia “Czar of Steel” trong album Blood of the Snake (2004) của anh cùng những bậc virtuoso khác đó thôi.


Sherinian/Bumblefoot/Valverde với Whom Gods Destroy


Và cứ chờ cùng tui xem: Jordan Rudess có lẽ sẽ mãi chết tên với Dream Theater, trong khi đó Derek Sherinian thì tui tin khi đến cuối đường sẽ cực thành công trong việc tạo ra một đế chế của riêng mình.


Riết rồi không hiểu do dạo này hay nghe Prog hay vì bị ảnh hưởng bởi mấy ông Kink và Kcid mà tui giờ viết lách cũng dài thòng mất rồi.


Hẹn gặp lại!


Kai

2 views
bottom of page