top of page

Man di mọi rợ như Iggy Pop & The Stooges

Pừm pừm páp pừm pừm pừm páp pừm …

 

Âm thanh hừng hực của tiếng guitar riff mở đầu bài “Raw Power” được James Williamson chơi với khuôn mặt lạnh lùng. Tiếng guitar to, khỏe và đầy đặn. Ngược lại, chiếc micro mà Iggy Pop đang cầm thì hầu như không phát ra tiếng. Gã đập mạnh cái mic vào đùi, rồi nện vào chân mic, nhưng cũng chỉ đủ tạo những âm thanh lụp bụp yếu ớt. Đến bài tiếp theo, Scott Asheton bắt đầu đếm nhịp bằng cách nện một tay đeo găng lên trống snare, còn tay kia để trần vỗ lên hi-hat. Ông anh Ron ôm cây bass với bộ dạng như con sói gườm mắt nhìn xung quanh, và thành viên mới của band, Scotty Thurston nắm chặt cạnh đàn piano như chỉ chờ tung ra một nguồn năng lượng của quỷ.

(T-P): James Williamson, Iggy Pop, Scott Asheton & Ron Asheton

Cả khán đài chật ních người, gồm cả Alice Cooper, Lou Reed, Todd Rundgren, The New York Dolls.

 

Được một lúc Iggy bắt đầu leo qua các hàng ghế của khán giả đang ngồi. Bỗng dưng chiếc ghế gã dẫm chân lên bị trượt kéo cả Iggy va vào chiếc bàn kính đổ xuống sàn vỡ ra thành nhiều mảnh. Gã đập mạnh cả người xuống đống kính vỡ đấy, khiến cả thân bị rạch nhiều đường với những mẩu kính cắm vào khắp da thịt.

 

Iggy lồm cồm bò trên sàn. Gã điên tiết nhặt những mẩu kính vỡ lên và lại ném xuống. Gã cáu vì chiếc micro không phát ra tiếng, cáu vì sân khấu quá nhỏ khiến gã vừa diễn vừa phải để ý để không va vào người Ron hay James. Không rõ cố tình hay vô ý, những mảnh kính đã rạch những vệt dài trên ngực Iggy từ lúc nào không hay, để lộ ra những dòng đỏ tươi chảy và rẽ ra các nhánh lan khắp cơ thể Iggy. Những vệt máu đỏ đó vương vãi trên sàn và thậm chí bắn xuống phía khán giả đang ngồi bên dưới, tựa như một họa sĩ đang cầm chiếc cọ ngập màu nước vẩy lên “tác phẩm” của mình.


Mặc kệ, Iggy vẫn tiếp tục diễn. Gã còn lấy cuộn băng dính để băng lại vết thương nhưng không ăn thua. Để rồi cuối buổi anh bạn Alice Cooper đã phải đưa Iggy vội tới phòng cấp cứu.

 

Đó là những gì đang diễn ra trên sân khấu của buổi diễn ở Max’s Kansas City tại New York vào một ngày cuối tháng 7 năm 1973 khi Iggy Pop và The Stooges quay lại Mỹ biểu diễn trước khi cả đám tan rã lần thứ 2 vào năm 1974.

 

***

The Stooges được thành lập vào năm 1967 khi Iggy Pop (tên thật là James Newell Osterberg) quyết định bỏ lại giàn trống – thứ nhạc cụ gã đã gắn bó từ nhỏ và sau đó chơi tại vị trí đó trong các ban nhạc địa phương, để rồi bước lên vị trí frontman trong một ban nhạc của riêng mình sau khi chứng kiến show diễn của Jim Morrison cùng The Doors. Iggy muốn chơi thứ nhạc Blues mới với những chất liệu ảnh hưởng bởi Garage Rock của The SonicsThe Kinks. Lý do mà Iggy rủ hai anh em nhà Asheton vào band vì cả Ron lẫn Scott chơi guitar và trống vừa bẩn bựa mà cũng lại đầy năng lượng và khí thế, đúng thứ mà gã đang kiếm tìm, chưa kể hai người này cũng ham hố chuyện tiệc tùng hệt như gã. Cùng với Dave Alenxander – kẻ vừa mới tập tành chơi bass, ban nhạc khi ấy mang tên Psychedelic Stooges được lập ra và sớm có được danh tiếng tại Detroit nhờ lối trình diễn hoang dại ngay từ những ngày đầu.



Đúng vậy. Phong cách biểu diễn của ban nhạc The Stooges nói chung và của frontman Iggy Pop nói riêng vẫn là một cái gì đó rất dị thường. Nó là sự kết hợp của một James Brown, một Jim Morrison và một Mick Jagger, nhưng mức độ tàn bạo được nhân lên cấp độ nhiều lần. Nó không chỉ là cái thái độ ngông cuồng của Punk mà Iggy tạo ảnh hưởng tới các thế hệ nghệ sĩ sau đó, mà nó thật sự man di mọi rợ khi những yếu tố bạo lực, dâm dục, máu me, dơ dáy đều xuất hiện trong những buổi biểu diễn của Iggy Pop và ban nhạc, đặc biệt kể từ khi họ có hợp đồng ghi âm với Elektra và cho ra album chính thức.

 

Trên sân khấu, có những lúc Iggy tạo những tư thế dị hợm, rồi lấy tay véo cả đống thịt trên người kéo mạnh như thể muốn xé toạc chúng khỏi cơ thể mình.  Có lúc gã nắm bàn tay lại để tự đấm vào mặt mình, lấy đầu người khác để đập vỡ mấy chai rượu, và thậm chí làm những trò dơ dáy như “khoe hàng” ngay giữa bàn dân thiên hạ, hay bĩnh ngay một bãi trên sân khấu, rồi lấy cốc đựng nước đá đổ vào trong quần, nhặt từng miếng ra mút lấy mút để rồi ném xuống khán giả.

 

Những lúc đó, các thành viên trong ban nhạc đều đứng cách xa Iggy Pop và hầu như không di chuyển mấy, để dành toàn bộ sân khấu cho gã chạy khắp nơi. Nhưng chừng đó cũng chưa đủ cho Iggy. Gã còn phi người về phía khán giả để các cánh tay đón lấy và đưa gã lướt trên những con sóng người từ điểm này tới điểm khác. Đôi lúc vớ phải đám đông không mấy hào hứng, Iggy gặp phải kết cục đập cả mặt xuống dưới sàn. Bởi vì không phải ai cũng hiểu và cảm nhận được những gì đang diễn ra trước mặt hay những âm thanh đang nã vào hai bên tai khi xem hoặc nghe nhạc của The Stooges ngày đó.

 

Bằng chứng là Iggy Pop và The Stooges chưa bao giờ có được thành công nào đáng kể trong giai đoạn sự nghiệp của mình. Trước khi được cả thế giới công nhận với sức ảnh hưởng lớn đến Punk Rock của những Ramones, Sex Pistols, rồi Pop Punk của Green Day, và một loạt những nghệ sĩ ban nhạc khác như Sonic Youth, Guns N’ Roses, Kurt Cobain, Rage Against The Machine, v.v. thì kết quả thương mại qua doanh số bán đĩa của 3 album đầu tay, The Stooges (1969), Fun House (1970) và Raw Power (1973) đều làng nhàng vào thời điểm được phát hành. Trước khi được coi là một trong những ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại và vinh danh vào Rock And Roll Hall of Fame, âm nhạc của The Stooges từng bị giới phê bình chê bai bằng những từ nặng nề như “ngu ngốc”, “nhạt nhẽo” và “không thể nuốt nổi”.

 

Proto-Punk kết hợp với Garage Rock là những chất liệu chính trong 3 album đầu của The Stooges nhưng chúng có thể được chia ra làm hai thời kỳ.


Thời kỳ đầu tiên trước khi ban nhạc bị hãng đĩa Elektra đuổi thẳng cổ vì cả band, ngoại trừ đúng Ron Asheton, nghiện ngập heroin và trở thành đám ăn tàn phá hại trên sân khấu, và sau đó The Stooges tan rã lần thứ nhất. Trong thời kỳ này, ban nhạc cho ra được hai album - The Stooges (1969)Fun House (1970) với Ron Asheton khi ấy đảm nhiệm vị trí chơi guitar. Kiểu nhạc của band chơi nếu nghe qua lúc đầu sẽ thấy đó là chuỗi vòng lặp về cấu trúc, hòa âm, rồi đôi lúc cả chính lời hát. Thế nhưng cái hay nằm ở việc mỗi bài dần dà được đẩy lên cao trào về cuối và bỗng chốc biến hóa điên loạn đầy ngẫu hứng.

 

Cách làm nhạc này hoàn toàn hợp với lối trình diễn mang phong cách hoang dã tưởng chừng như chỉ là những trò lố mà Iggy và ban nhạc tạo dựng. Âm nhạc của The Stooges giống như cả đám đang lên đồng cúng tế trong một nghi thức bộ lạc thổ dân. Nhịp trống đều nhưng đầy đặn phủ khắp không gian bài nhạc của Scott Asheton. Câu bass của Dave Alexander chơi vừa đủ để giữ nhịp theo tiếng trống. Tiếng đàn bẩn, rè vẩn đục của cây guitar mà Ron Asheton chơi không cần quá kỹ thuật nhưng hiệu quả về hiệu ứng trong các bài, đặc biệt phù hợp với phong cách và giọng hát của tay frontman. Iggy Pop có kiểu hát tưng tửng bất cần, không quan tâm đến độ ngân của các nốt, và có lúc mặc kệ cả chuyện phát âm chuẩn từng ca từ, ví dụ như trong bài “Real Cool Time”.

 

Ở nửa đầu mỗi bài nhạc, các thành viên sẽ làm chắc nhiệm vụ của mình, hệt như bộ lạc thổ dân đang thực hiện nghi thức vừa nhảy và khấn xung quanh đống lửa. Sau đó đến nửa cuối, khi bài nhạc chuyển sang khúc cao trào, ngọn lửa bỗng bùng lên, cháy phừng phực trước nhịp trống và tiếng bass chơi dồn dập, tiếng đàn guitar điện kêu than và rít lên đan xen với tiếng hát.



Như ở album đầu tiên, phong cách âm nhạc thể nghiệm của producer John Cale (thành viên ban nhạc The Velvet Underground) đúng là mang tới không khí âm nhạc rất dị ở các vòng lặp nhạc cụ. Tiếng đàn thô ráp của Ron Asheton giúp tôn “1969”, “I Wanna Be Your Dog”, “No Fun”, “Not Right” hay “Little Doll” lên rất nhiều. Bởi cách chơi ngẫu hứng với những nốt đàn thô kệch quái thai của Ron chính ra lại là phần giai điệu chính dễ nắm bắt hơn giúp cho kiểu hát khi gầm gừ, khi thì gằn hoặc gào lên của Iggy Pop được thể hiện đầy tự do và hoang dã.

 

Tới album thứ hai, Fun House, cấu trúc bài và hòa âm phức tạp hơn là kết quả của lối chơi lên tay hơn hẳn của Ron Asheton. Trên nền trống biến hóa qua mỗi bài của Scott, Ron tạo những câu riff nghe rất bắt tai, xen lẫn những khúc chuyển hợp âm phức tạp tạo màu sắc phong phú cho âm nhạc của The Stooges. Các câu đàn guitar solo, như trong bài “Down On The Street”, “T.V. Eye”, “Dirt”, “Fun House” của Ron giúp đẩy khúc nhạc chuyển hướng tới một không gian chao đảo đầy điên loạn.

 


Bảo sao khi trình diễn trên sân khấu, Iggy Pop như kẻ bị nhập hồn không thể cưỡng được trước những âm thanh kì bí này. Bị nhập hồn cũng phải, những lần gã biểu diễn trên sân khấu, hầu như gã không đọng lại trong trí nhớ những gì đã xảy ra lúc đó cho tới khi có người khác nhắc lại. Chuyện đó diễn ra từ lúc Iggy bị thôi thúc mách bảo để tự hủy hoại bản thân mình cho tới khi gã chuyển sang trạng thái thù địch, chỉ muốn tấn công kẻ đối diện. Các trạng thái cảm xúc đó khiến cho gã miễn nhiễm với đau đớn gây ra bởi những va đập, bầm dập hay chảy máu.

 

Tiếc là người Mỹ ngày đó vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận âm nhạc của The Stooges. Và hãng đĩa Elektra cũng vậy, hay đúng hơn là họ không chịu đựng nổi sự điên loạn không kiểm soát nổi của Iggy Pop và các thành viên, đặc biệt khi đám người này còn dính sâu vào nghiện ngập.



Nhưng tay nghệ sĩ người Anh - David Bowie thì ở tâm thế trên cả sẵn sàng.

 

Từ đầu bài đến giờ tôi vẫn chưa nhắc tới cái tên Bowie có phải không? Anh này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hai ngắn ngủi của Iggy Pop và The Stooges, mà còn xuyên suốt sự nghiệp solo âm nhạc của Iggy sau này. Là kẻ luôn yêu thích sự đột phá mới mẻ với phong cách nhạc bất cần, Bowie mê đắm âm nhạc của The Velvet Undergound, chất thể nghiệm của band, nên cũng dễ hiểu khi Bowie nhanh chóng tìm thấy nguồn cảm hứng từ một nghệ sĩ như Iggy Pop.

 

Anh này lôi kéo Iggy sang nước Anh để gây dựng lại sự nghiệp. Bên cạnh Iggy lúc này, chỉ còn mỗi tay guitar James Williamson, bạn của anh em nhà Asheton, người mới tham gia The Stooges trong chốc lát thì sự nghiệp của band đã đi tong. Tay bass Dave Alexander thì đã bị đuổi khỏi nhóm từ lúc trước do Dave không diễn nổi nhạc trên sân khấu vì nhậu say khướt (Dave sau đó mất vì viêm tụy do chứng nghiện rượu vào năm 1975). Cả Ron và Scott Asheton thì đã quá ngán với tính tình và cách cư xử khó đoán của Iggy.

 

Dưới sự trợ giúp của Bowie, Iggy có được hợp đồng ghi âm với hãng MainMan và bay sang London để bắt đầu lại sự nghiệp. Ý định của tay nghệ sĩ người Anh này là cắt đứt Iggy khỏi đám nhạc công “làng nhàng” như anh em nhà Asheton để gã tập trung sang một định hướng mới. Có điều là Bowie lúc đó quá bận với album Ziggy Stardust, nên Iggy rủ ngay James Williamson sang để viết nhạc cùng. Rồi cũng vì trong đám nhạc công tại Anh Quốc mà gã định tuyển chọn, không có một ai đủ thỏa mãn về khí chất hoang dại và máu lửa, Iggy đã lại rủ anh em nhà Asheton quay trở lại để tiếp tục chơi nhạc cùng, bất chấp sự phản đối của Bowie và hãng đĩa. Lý do mà Ron và Scott Asheton trở lại với gã ca sĩ quái dị này cũng vì hai tên không có sự lựa chọn nào tốt hơn để thoát khỏi cuộc sống vô định sau khi The Stooges tan rã. Đổi lại lần này James nắm giữ vị trí chơi guitar chính vì anh là người bạn gắn bó với Iggy trong suốt thời gian khó khăn và kỹ thuật chơi đàn của James cũng được đánh giá cao hơn. Do đó Ron miễn cưỡng chuyển sang chơi cây bass.


Sự thay đổi về vị trí hai cây trong ban nhạc giúp album thứ ba Raw Power (1973) có được sự khác biệt mới mẻ nhờ kỹ thuật chơi đàn điêu luyện của James Williamson. Đối với tôi, album Raw Power và hai album trước đó, đặc biệt là Fun House, có chất lượng ngang ngửa nhau. Nhưng nếu như Ron Asheton tiếp cận cây đàn theo cách mang không gian âm nhạc nguyên sơ và bẩn bựa vào bài đầy ngẫu hứng, thì James Williamson tạo ra những câu riff có sự trau chuốt và chắc chắn về nhịp điệu lẫn hòa âm. Các nốt nhạc trong câu đàn solo ở bài “Your Pretty Face Is Going To Hell”, “Penetration”, “Raw Power”, “Death Trip” được James chơi rõ nét và kiểm soát chặt chẽ, dù trên tempo nhanh hay chậm. Trên cả, anh vẫn giữ được tinh thần thô ráp và hoang dã trong những khúc nhạc cao trào của The Stooges mà Iggy Pop và Ron Asheton mang tới từ những ngày đầu tiên.



Album Raw Power cũng là nhạc phẩm mà người nghe lần đầu chứng kiến những nét “văn minh”, “lịch lãm” ẩn giấu trong Iggy Pop qua bản ballad “Gimme Danger” và “I Need Somebody” (mà sau này Iggy thể hiện rõ hơn trong các nhạc phẩm solo), hai track đối lập với phong cách dị hợm của gã nhưng được giữ lại trong album dưới sức ép của hãng đĩa. Các bản demo còn lại đều bị hãng đòi loại bỏ vì âm thanh quá gai góc và hỗn loạn bất chấp đó là chủ ý của Iggy Pop. Bởi vậy mặc dù bản mix lại dưới tay của David Bowie không hề đúng với mong muốn của gã, đấy lại là điều kiện duy nhất để Raw Power được phát hành.

 

Người Anh hóa ra lúc đó cũng chưa sẵn sàng để đón nhận âm nhạc của Iggy Pop và The Stooges, cũng như lối trình diễn khác thường của ban nhạc.

 

Buổi diễn duy nhất được thu xếp cho Iggy Pop và The Stooges để ra mắt khán giả nước Anh vào một ngày tháng 6 năm 1972 đã khiến hãng ghi âm phải ra quyết định hủy hết các show tiếp theo. Người ta sốc khi nhìn Iggy uốn éo thực hiện những hành động dị hợm. Họ kinh hãi khi gã lao người xuống và leo ngay trên người họ.

 

Iggy vẫn vậy, gã như loài ăn thịt săn mồi nhìn chăm chăm xuống đám thú rừng vây quanh để thị uy. Gã sẵn sàng nhào tới phía trước để uy hiếp những ai muốn đối đầu. Kể cả những kẻ hung hăng nhất cũng phải do dự mỗi khi gã trồi người dậy đứng trên sân khấu.



***

Sự nghiệp của The Stooges lại kết thúc một lần nữa sau album Raw Power với các thành viên mỗi người một ngả. RonScott Asheton theo đuổi các dự án âm nhạc của riêng từng người. James Williamson thì bỏ hẳn sự nghiệp âm nhạc để chuyển sang học môn vi tích phân và kỹ sư điện. Trong quá trình đó anh này vẫn thi thoảng hợp tác cùng Iggy để làm nhạc cho một vài album solo của gã, trước khi dứt hẳn âm nhạc sau những mâu thuẫn với Iggy và David Bowie (James đã luôn cảm thấy Bowie chỉ lợi dụng The Stooges từ khi ban nhạc thu âm Raw Power).


Còn Iggy Pop, dưới sự giúp đỡ của Bowie - người bạn chân tình đã nâng đỡ gã trong quãng thời gian khó khăn nhất, tiếp tay “hàng nóng” cho gã trong những lần cai nghiện, và hỗ trợ sáng tác cũng như sản xuất ra hai album đầu tay – The Idiot (1977)Lust For Life (1977) được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp solo của gã. Để Iggy có đủ tài chính trang trải cuộc sống, Bowie thậm chí còn thu âm lại ba bài nằm trong nhạc phẩm solo của Iggy mà Bowie đã sáng tác cùng gã, đó là “China Girl”, “Tonight” và “Sister Midnight”, để đưa vào album mình. Nhờ danh tiếng và thành công thương mại của Bowie ngày đó, tiền bản quyền mà Iggy nhận được là con số không nhỏ để gã vực dậy lại được cuộc đời và sự nghiệp.

 


Không ai ngờ rằng, một nghệ sĩ ngông cuồng và liều lĩnh đến bất chấp như Iggy Pop lại vững vàng và bất hoại đến vậy. Gã bền bỉ cho ra tới 19 album solo trải dài từ cuối những năm thập niên 70 cho tới nay. Gã kịp tái hợp ban nhạc The Stooges vào năm 2003 cùng với anh em nhà Asheton cho tới khi Ron qua đời vì cơn đau tim vào năm 2009, và James Williamson đã đồng ý trở lại sau gần 30 năm để lấp vào vị trí guitar đó. The Stooges chỉ chấm dứt sau khi đến lượt Scott Asheton mất cũng vì cơn đau tim vào năm 2014. Sau đó đến lượt người bạn thân David Bowie cũng ra đi vì căn bệnh ung thư gan vào năm 2016.



Còn gã vẫn lầm lì duy trì cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của mình, để rồi có thêm một tuyệt phẩm Every Loser (2023), trong đó gã quay trở lại với phong cách nhạc thô ráp và đầy năng lượng của thời The Stooges, dưới sự trợ giúp của loạt anh tài, từ Duff McKagan, Eric Avery, Chris Chaney, Dave Navarro cho tới Travis Barker, Stone Gossard, Taylor Hawkins, Chad Smith, và Josh Klinghoffer.


Long live Iggy Pop - “The Godfather of Punk”

RIP Dave Alexander (3.6.1947 – 10.2.1975)

RIP Ron Asheton (17.7.1948 – 6.1.2009)

RIP Scott Asheton (16.8.1949 – 15.3.2014)

RIP David Bowie (8.1.1947 – 10.1.2016)

 

***

 

Hẹn gặp lại!

 

Kink

534 views

Recent Posts

See All
bottom of page