top of page

Tản mạn (ep. 20): Crosby, Stills, Nash & Young và cái tôi của người nghệ sĩ

Updated: Nov 3

(Lời đề: chúng tôi biết các bài viết của EmoodziK vốn dĩ đều dài và cần thời gian để đọc, thế nhưng cũng xin cảnh báo các bạn bài viết này sẽ còn dài gấp đôi bình thường vì phạm vi bao trùm của nó tới không chỉ về những nghệ sĩ David Crosby, Stephen Stills, Graham Nash và Neil Young; mà còn cả những ban nhạc quan trọng trong lịch sử âm nhạc thế giới như The Byrds, Buffalo Springfield, The Hollies và các dự án âm nhạc liên quan tới những nghệ sĩ huyền thoại này)

 

Woodstock ‘69, 3h30 sáng ngày Thứ Hai, 18 tháng 8, cuối cùng cũng đến lượt David Crosby, Stephen Stills và Graham Nash bước lên sân khấu để biểu diễn các bài trong album đầu tay của bộ ba dưới nghệ danh Crosby, Stills & Nash (CSN) vừa mới phát hành cách đấy 3 tháng. Đúng ra là lần xuất hiện tại Woodstock 69, thành viên thứ 4 mới được kết nạp là Neil Young cũng có mặt trên sân khấu cùng cả band, và đáng nhẽ là buổi biểu diễn ngày đó có thể được nhiều người nhớ đến như màn trình diễn của bộ tứ Crosby, Stills, Nash & Young (CSNY), thế nhưng Young nằng nặc yêu cầu đám quay phim không được chĩa máy vào mặt mình. Lý do một phần vì Young hẵng còn hồi hộp khi chơi nhạc cùng 3 tay kia, và một phần vì ông ghét bị ghi hình trong một đại nhạc hội lớn như này. Mà cũng chẳng phải mỗi Young, đến Stephen Stills còn nói vào micro trước khi cả nhóm bắt đầu diễn là: “Chà, đây mới là lần thứ hai tụi này diễn nhạc trước đám đông đó. Bọn tui đang sợ không vãi nổi c*t đây này”.

(T-P): Stephen Stills, David Crosby, Graham Nash & Neil Young

Ngày đó đúng là CSNY mới chỉ diễn lần thứ hai, với lần đầu xuất hiện trước công chúng là một show diễn trước đó 2 ngày tại Chicago mà Joni Mitchell là người diễn mở màn cho họ. Còn nỗi sợ thì đến từ sức ép của việc phải chứng tỏ một siêu ban nhạc Folk Rock chơi ra sao trước mặt những nghệ sĩ đồng lứa tại Woodstock hôm đó, bao gồm Jimi Hendrix, Sly StoneJanis Joplin, những người đều đang đứng bên cánh sân khấu để theo dõi. Chứ đám đông gần 500 ngàn người dưới kia chả ảnh hưởng gì tới David Crosby, Stephen Stills, Graham Nash hay Neil Young. Chứ sao, dù gì thì mỗi người họ đều đã tạo tiếng vang cho riêng mình từ trước khi vào nhóm rồi. Crosby thì đến từ band The Byrds, Stills thì đến từ band Buffalo Springfield, Nash thì đến từ band The Hollies, còn Young thì có cả kinh nghiệm trong Buffalo Springfield lẫn sự nghiệp solo và chân trong chân ngoài với band Crazy Horse.

 

Nói đến đây thì chắc các bạn cùng có thể đoán được phần nào số phận của một siêu ban nhạc như CSNY. Chỉ là khác với một supergroup như Cream có thời gian tồn tại ngắn ngủi mà ông Kcid đã từng viết, sự nghiệp của CSNY trải dài hơn với vô vàn lục đục.

 

Phần 1. David Crosby và band The Byrds

 

The Byrds được nhen nhóm lập nên từ đầu năm 1964 bởi Roger McGuinn (ngày ấy còn được biết đến với tên Jim McGuinn), Gene ClarkDavid Crosby. Cả 3 người họ đều chia sẻ chung đam mê với nhạc Folk mà họ đều từng chơi ngày đó và thứ âm nhạc mới mẻ cuốn hút của The Beatles đến từ nước Anh. Nhận thấy tương lai của nhạc Folk truyền thống bị che mờ trước làn sóng xâm nhập đến từ nước Anh, McGuinn mới cùng các thành viên The Byrds chuyển sang chơi dòng nhạc này bằng nhạc cụ guitar điện nhằm tạo ra cầu nối gắn kết giữa nhạc Folk với nhạc Rock.



Âm nhạc của The Byrds vì vậy mang dáng dấp của cả phong cách Bob Dylan lẫn The Beatles. Đến ca khúc nổi tiếng của chính Bob Dylan là “Mr. Tambourine Man” cũng được ông dành tặng cho band dù nó còn chưa được phát hành. Dưới bàn tay của The Byrds, hay đúng hơn là của McGuinn (tiếng nhạc cụ trong riêng single “Mr. Tambourine Man” ngày đó là do McGuinn và các nhạc công của The Wrecking Crew thể hiện), âm thanh rung vang đặc trưng của cây Rickenbacker 12 dây mà McGuinn chơi đã định hình nên phong cách nhạc đặc trưng của ban nhạc, cũng như tạo ảnh hưởng lớn tới thị trường âm nhạc lúc bấy giờ.

 

Điểm độc đáo thứ hai mà The Byrds ghi dấu ấn trong đĩa đơn này, cũng như ở phong cách làm nhạc của band về sau là hòa âm bè rất hay của các thành viên, trong đó David Crosby sẽ phụ trách sắp xếp các lớp bè và ông thường đảm nhận phần bè cao giúp đưa tiếng hát của The Byrds trở nên bay bổng. Ngoài ra, Crosby cũng là người có những ý tưởng độc đáo trong việc sắp xếp nhịp điệu câu nhạc khác thường cho band.

(T-P): Chris Hillman, David Crosby, Michael Clarke, Roger McGuinn & Gene Clark

Với thành công của The Byrds ngay từ album đầu tiên Mr. Tamourine Man (1965) giúp phổ biến dòng nhạc Folk Rock, ban nhạc đã được báo chí ghi nhận như nhóm nghệ sĩ ở Mỹ có thể thách thức sự thống trị của The Beatles cũng như phong trào du nhập âm nhạc đến từ Anh Quốc. Nhịp điệu, tiếng đàn guitar âm vang, hòa âm bè của The Byrds vì thế tạo ảnh hưởng lớn tới các nghệ sĩ đồng hương như Simon & Garfunkel, The Lovin’ Spoonful, The Mamas & The Papas, Jefferson Airplane, rồi cả những nghệ sĩ trong và ngoài nước khác thuộc thế hệ sau này như The Smiths, R.E.M., The Stone Roses, v.v. Mặc dù cây đàn 12 dây mà Roger McGuinn chơi cũng là từ sau khi ông xem George Harrison chơi nhạc cụ này trong album A Hard Day’s Night, về sau chính Harrison cũng thừa nhận mình mượn ý nhạc của câu riff mà McGuinn thể hiện trong bài “The Bells of Rhymney”.



Có thể thấy tiếng tăm của The Byrds ở tầm cỡ đó không những là động lực thúc đẩy các thành viên phát triển tài năng của từng người họ, mà cái tôi của mỗi người, đặc biệt của David Crosby cũng lớn dần lên, nhất là sau khi cây viết nhạc chính - Gene Clark rời nhóm vì không thể làm một “chú chim” / “a Byrd” do sợ bay, vai trò đó đã được đẩy lại sang cho Crosby, McGuinn, và tay bass Chris Hillman trong quá trình sản xuất 3 album rất hay của band, Fifth Dimension (1966), Younger Than Yesterday (1967)The Notorious Byrd Brothers (1968). Lối viết nhạc của Crosby mang chất thể nghiệm, mới lạ và có phong cách psychedelic như hòa âm guitar phá cách sau giai điệu hát rất ngọt ở bài “What’s Happening?” mà ông sáng tác riêng hay “I See You” được Crosby viết cùng McGuinn, thứ giúp cho chính album Fifth Dimension thành nhạc phẩm có ảnh hưởng lớn đến dòng Psychedelic Rock. Một trong những sáng tác đỉnh nhất của Crosby phải kể đến bài “Everybody’s Been Burned” nằm trong album Younger Than Yesterday, khi mà câu guitar riff ma quái dẫn dắt giai điệu hát lững lờ trên vòng hòa âm đầy tăm tối.

 

Thế rồi chuyện gì đến cũng xảy đến. Các thành viên của The Byrds bắt đầu khục khặc xuất phát từ những tính cách mâu thuẫn và cái tôi của các thành viên, trong đó Crosby là kẻ lạc lõng nhất. Trong lần biểu diễn của band tại Monterey Pop Festival, Crosby luôn mồm lải nhải các chủ đề nhạy cảm bất chấp sự khó chịu ra mặt của những thành viên còn lại. Ông động chạm đến vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy, rồi bàn luận chuyện lợi ích của việc khuyến khích các lãnh đạo và chính trị gia trên thế giới sử dụng thuốc ảo giác LSD. Không dừng ở đó, Crosby còn giúp đỡ ban nhạc đối thủ là Buffalo Springfield để chơi thế chân thay cho Neil Young cũng ngay tại buổi nhạc hội đó.



Khi thu âm cho album tiếp theo - The Notorious Byrd Brothers, khủng khoảng lại xảy đến khi tay trống Michael Clarke bỏ nhóm bất thình lình sau khi cãi vã, còn David Crosby từ chối ghi âm phần hát của ông cho bài “Goin’ Back”, bản cover của Carole King vì ban nhạc định đưa track này vào thay cho “Triad”, ca khúc mà Crosby viết mang chủ đề gây tranh cãi về mối quan hệ vợ chồng tay 3 trong một gia đình. Quan điểm của Crosby ngày đó là muốn ban nhạc tập trung ghi âm các ca khúc tự sáng tác thay vì dựa vào thành công thương mại của những bản cover. Còn quan điểm của Roger McGuinn và Chris Hillman là họ không thể đánh liều với bài nhạc mà Crosby sáng tác, nhất là khi single trước đó – “Lady Friend” do ông viết thất bại thảm hại về mặt thương mại. Nhưng quan trọng hơn cả, tính cách ngày một ương bướng của ông trong band chỉ càng khiến ban nhạc nổi đóa. Vì những mâu thuẫn này, Crosby liên tục vắng mặt trong các buổi thu âm của album mới khiến cho McGuinn và Hillman cuối cùng cũng phải tống ông khỏi band.

 

Lý do mà hai thành viên này đưa ra quyết định đuổi Crosby là vì ông là kẻ vênh váo đáng ghét khó bảo. Còn về phía Crosby, ông thừa hiểu tính khí của mình và chỉ tóm gọn một câu: “Họ tống cổ tôi khỏi The Byrds chỉ bởi vì tôi là thằng khốn nạn”.

 

Phần 2. Stephen Stills, Neil Young và band Buffalo Springfield


Buffalo Springfield đã suýt không thành một ban nhạc huyền thoại trong lịch sử âm nhạc nước Mỹ, nếu số phận không dàn xếp cho Stephen Stills gặp lại Neil Young sau khi hai người họ từng đụng mặt tại Ontario vào năm 1965.

 

Young đã cùng đồng hương người Canada là tay bass Bruce Palmer lái xe tới L.A. để tìm gặp Stills với mong muốn lập band cùng ông. Sự việc bắt nguồn từ lúc Palmer rủ Young tham gia ban nhạc Canada của gã tên là The Mynabirds với lời mời rất đơn giản: “Ông vào chơi cùng band của tôi đi, có tay ca sĩ da đen, rồi bọn tôi chơi nhạc Rock N’ Roll và với cả, không ai quan tâm ông chơi con đàn 12 dây và hát như thằng ái đâu nên ông đừng lo”. Tay ca sĩ gốc Phi mà Palmer nhắc tới chính là Rick James, thế nhưng sau khi James bị thủy quân Mỹ tóm vì tội đào ngũ, The Mynabirds giải tán vì mất hợp đồng ghi âm. Palmer và Young mới phải đem đống nhạc cụ đi cầm để tậu con xe cổ Pontiac và lái xe tới L.A.

 

Sau gần một tuần lùng sục khắp các quán bar và café để tìm Stephen Stills vì không biết chỗ ông ở, Young và Palmer đã bỏ cuộc lên xe để rời khỏi L.A. Thế nhưng trong lúc kẹt xe, phía bên chiều ngược lại, trên con xe tải trắng mà Stills lái cùng Richie Furay – thành viên chơi cùng ông trong band Au Go Go Singers và The Company, Furay bỗng nhìn ra Young nên hai người họ chuyển vội làn để tiến lại gần sau xe của Young và Palmer. 



Đoàn tụ, họ thu nạp thêm tay trống Dewey Martin để lập ra Buffalo Springfield, trong đó Stephen Stills, Neil YoungRichie Furay đảm nhiệm vai trò vocal và guitar, còn Bruce Palmer phụ trách cây bass. Trong band, Stills và Young còn phụ trách thêm các nhạc cụ khác như keyboard, piano và harmonica, cũng như đóng vai trò sáng tác chính cho band, với Furay góp bút trong giai đoạn sau.


(T-P): Neil Young, Rich Fury, Dewey Martin, Bruce Palmer & Stephen Stills

Buffalo Springfield được thành lập vào tháng 4 năm 1966, chỉ trong đúng một tuần sau lần gặp gỡ định mệnh đó. Rồi chỉ vài ngày sau, ban nhạc đã có cơ hội chơi mở màn đầy ấn tượng cho band hàng đầu của nước Mỹ ngày đó – The Byrds. Vài tháng sau đó, ban nhạc phát hành đĩa đơn đầu tay "Nowadays Clancy Can't Even Sing" do Neil Young sáng tác, rồi tung ra album đầu tay cùng tên ban nhạc, “Buffalo Springfield” (1966). Thế nhưng phải tới đĩa đơn thứ hai không nằm trong album là ca khúc phản chiến mang tên “For What It’s Worth” mà Stephen Stills sáng tác, ban nhạc mới có được thành công khi ca khúc lọt vào Top 10 bảng xếp hạng Billboard. Album đầu tay đó ngay lập tức được phát hành lại với ấn bản mới, thay thế track “Baby Don’t Scold Me” bằng bản hit “For What It’s Worth”.



Được nhận định như ứng cử viên trong nước tiếp theo để đối đầu với làn sóng âm nhạc Anh Quốc, bên cạnh The Beach BoysThe Byrds, trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi 2 năm, Buffalo Springfield cũng phần nào kịp tạo nên dấu ấn cho nền âm nhạc nước Mỹ với sức ảnh hưởng cho dòng Folk Rock, Psychedelic Rock và Country Rock, tương tự như ban nhạc đối thủ The Byrds của Roger McGuinn và David Crosby.

 

Sự độc đáo trong phong cách nhạc của Buffalo Springfield phải kể đến cách ban nhạc không chỉ hòa âm bè giọng hát mà còn hòa âm tiếng đàn 3 cây guitar của Stephen Stills, Neil Young và Richie Furay cực tinh tế, giúp cho từng chi tiết âm sắc đều được quyện vào nhau, đặc biệt qua kỹ thuật chơi đàn của Stills và Young có thể nghe rõ ở các câu lick âm sắc clean trong “Flying On The Ground Is Wrong” hay phần solo trên cây guitar thùng của hai người trong “Come Right Out And Say It”. Lối chơi của hai người này còn khác nhau về phong cách khi Stills thường chơi các câu đàn giai điệu bluesy còn Young tạo âm sắc thô ráp góc cạnh hơn, ví dụ như tiếng guitar chém bên tai của Young giúp làm nền cho câu đàn tinh gọn của Stills trong bài “Leave”. Đến album thứ hai Buffalo Springfield Again (1967), người nghe được thưởng thức các câu đàn nâng tầm hơn của hai con người này. Trong bản “Bluebird”, Stills ôm cây guitar thùng lúc đầu tỉa các nốt đàn ấm áp “đối đáp” với tiếng guitar điện sắc lẹm của Young, trước khi chuyển sang một mình solo rải các nốt cả thấp lẫn cao trên cần đàn ở khúc interlude cuối. Không chỉ vậy, Stills và Young còn thử nghiệm với cách chơi mới, như trong bài “Everydays”, Stills rải các nốt piano ngắt nghỉ lững lờ còn Young lại nhấn đúng một nốt nhạc trên cây guitar điện với tiếng phơ kéo dài suốt mấy khuông nhạc để rồi đợi tới lúc hợp lý, ông đưa cây guitar dí sát vào con amply để tạo tiếng dội ngược rít lên cao như tiếng đàn violin.

 

Nói đến đây các bạn có thể thấy vai trò quan trọng có phần ngang cơ giữa Stephen StillsNeil Young ở trong band như nào. Giống như tiếng đàn đối ẩm giữa hai cây họ chơi, sự đối trọng và cái tôi của hai thành viên tài năng này cũng là mầm mống cho mâu thuẫn của một rừng mà có tới hai hổ.



Cả Stills lẫn Young đều có khả năng chơi nhiều nhạc cụ. Tài năng sáng tác nhạc của họ thì cũng một chín một mười. Nếu như trong album đầu tiên, Young viết ra ca khúc tuyệt đỉnh “Nowadays Clancy Can’t Even Sing” thì Stills cũng đưa ban nhạc đến đỉnh cao thành công với “For What It’s Worth”. Rồi tới đĩa thứ hai, Stills viết ra được bản jazzy mang hai nhịp điệu song hành trong “Everydays” hay bài nhạc có cấu trúc phức tạp như “Bluebird”, thì Young viết ra “Mr. Soul” chỉ trong có 5 phút từ câu riff lấy cảm hứng từ bài “(I Can’t Get No) Satisfaction” của The Rolling Stones trên cây đàn 12 dây được chỉnh theo “double drop D tuning” hay bài “Expecting To Fly” mang một giai điệu đẹp với biến đổi cả về nhịp điệu lẫn tông giọng.



Nếu như không phải vì Richie Furay sở hữu chất giọng ngọt ngào và đi vào lòng người nhất thì có lẽ hai người kia cũng lại tranh nhau hát chính. Thế nhưng, cái tôi của Stephen Stills và Neil Young cũng đủ để hai người ngấm ngầm tranh giành vị trí thủ lĩnh trong band.

 

Với sự đa tài trong khả năng chơi nhiều nhạc cụ và thu âm, Stills luôn có đủ ngón nghề để thể hiện khả năng âm nhạc hơn người. Nếu ông thấy ai đó làm một thứ gì hay ho thì kiểu gì ngày hôm sau Stills cũng sẽ làm cái đó, nhưng phải hay hơn và kỹ thuật hơn. Với tính cách cầu toàn, Stills là kẻ có tính thích kiểm soát và sẵn sàng đối mặt với những ai muốn thách thức ông về khía cạnh sáng tạo và đường hướng âm nhạc. Đó là lý do số bài ông tham gia hát chính ngang bằng với Furay ở album đầu và chỉ thua anh này một chút trong album sau. Có thể nói Stills có được ưu thế hơn Young trong vai trò lãnh đạo nhóm. Bảo sao ông còn được đặt cho biệt danh “Captain Many Hands” mà ông tiếp tục thể hiện tính cách đó khi gia nhập CSN / CSNY.

 

Đổi lại Young hoàn toàn ngang cơ với Stills về đóng góp sáng tạo trong ban nhạc, từ số lượng các bài được sáng tác cho mỗi album, cho đến các câu đàn solo mang cá tính riêng biệt. Nhưng thứ mà Young làm được hơn cả Stills là khả năng viết ca từ đầy chất câu chuyện và điện ảnh khi ông có thể tách rời thời gian và không gian thành những mảnh khác nhau trước khi ghép chúng lại theo các cách kỳ lạ để vẽ nên những khung cảnh đầy trừu tượng giống như Young viết ra trong ca khúc “Nowadays Clancy Can't Even Sing": “To sing in the meaning of what's in my mind /  Before I can take home what's rightfully mine / Joining and a-listening and talking in rhymes / Stopping the feeling to wait for the time”; hay như cách ông nói đến những trải nghiệm “đi cảnh” từ thứ thuốc ảo giác trong bài “Flying On The Ground Is Wrong” và “Burned” đầy sáng tạo, cũng mang theo hàm ý về trạng thái cơ thể ông sau những lần căn bệnh động kinh tái phát.

 

Nếu như Stephen Stills là kẻ cầu toàn thích kiểm soát thì Neil Young lại lập dị một mình một phách. Sự mâu thuẫn giữa hai tính cách của hai con người này bởi thế chả mấy chốc gây xung đột trong band. Young căm ghét chất lượng thu âm của tất cả các album của Buffalo Springfield. Ông cũng là kẻ sẵn sàng “bỏ bom” đồng đội vì những lý do rất cá nhân. Lần Neil Young bỏ diễn ở Monterey Pop Festival khiến cho David Crosby của The Byrds phải chơi thế chân cũng chỉ bởi vì Young không muốn diễn cho đám khán giả bỏ tiền đi xem show của cả trăm band thay vì những người hâm mộ âm nhạc thực sự của riêng ban nhạc ông chơi. Sau khi tay bass Bruce Palmer bị trục xuất khỏi nước Mỹ vì tội tàng trữ mai thúy, ban nhạc lại càng rời rạc hơn. Young ngày một ít xuất hiện, cả trong các buổi thu âm lẫn những buổi hòa nhạc, để cho Stills phải đảm nhận hết các phần guitar lead.

 

Khi mà số phận đã dàn xếp để Stills gặp lại Young và lập band thì cũng chính số phận đã nhanh chóng an bài cho dấu chấm hết của Buffalo Springfield sau khi ban nhạc gặp phải loạt những rắc rối pháp lý liên quan đến hàng cấm, là giọt nước tràn ly cho sự đổ vỡ của một ban nhạc đầy tiềm năng và hứa hẹn.

 

Phần 3. Graham Nash và band The Hollies

 

Đĩa đơn đầu tiên mà bộ ba Crosby, Stills & Nash phát hành khi mới lập nhóm là “Marrakesh Express” – một ca khúc do Graham Nash sáng tác. “Marrakesh” của Nash giúp supergroup này ghi dấu ấn với thị trường âm nhạc và cho đến giờ đó vẫn là single duy nhất của cả bộ ba CSN cũng như bộ tứ CSNY lọt vào top 40 bảng xếp hạng ở Anh Quốc. Vậy mà mỉa mai thay, cũng cùng ca khúc “Marrakesh Express” này, Nash bị ban nhạc của ông là The Hollies trước đó từ chối thẳng thừng để sử dụng cho album mới, một trong những tác nhân để Nash quyết định rời nhóm.


(T-P): Allan Clarke, Graham Nash, Bobby Elliott, Tony Hicks & Eric Haydock

Cùng với The Rolling StonesThe Kinks, The Hollies là một trong những ban nhạc Anh Quốc đến sau trong công cuộc chinh phục thị trường nước Mỹ vào giữa thập niên 60. Khác với âm thanh nặng và chịu ảnh hưởng của Blues của hai ban nhạc kia, The Hollies chơi âm nhạc mang phong cách Pop gần gũi cùng với phong cách hát hòa âm 3 bè tuyệt hay. The Hollies được lập ra bởi đôi bạn thân từ thuở tiểu học là Graham Nash và Allan Clarke. Cả hai đã từng là cặp chơi đàn guitar và song ca theo phong cách The Everly Brothers từ bên kia nước Mỹ, để thỏa mãn tình yêu âm nhạc và mục đích cưa gái khi nhận thấy các cô bu lấy mình sau mỗi buổi diễn. Với đội hình ban đầu gồm Allan Clarke (lead vocal, harmonica và rhythm guitar), Graham Nash (rhythm guitar, hát phụ và thi thoảng hát chính trong một số ca khúc), Tony Hicks (lead guitar và hát bè), Eric Haydock (bass) và Bobby Elliott (trống), ban nhạc ban đầu chủ yếu biểu diễn và thu âm các bản cover.

 


Đối với Nash, ở thời kỳ này việc cover nhạc của những nghệ sĩ khác hoàn toàn bình thường vì rất nhiều band khác đều như vậy. Thế nhưng khi ông bắt đầu viết nhạc và khuyến khích đồng đội của mình là Clarke và Hicks tham gia, họ bắt đầu có được thành công nhất định. Dưới bút danh “L. Ransford” là tên của người ông của Nash được dùng thay cho bộ ba cây viết Nash, Clarke và Hicks, The Hollies bắt đầu có bản hit tại Anh Quốc với bài “We’re Through”. Ở những album đầu, số lượng bài tự band sáng tác chưa nhiều nhưng đều tạo ấn tượng nhất định qua giai điệu gần gũi và lối hát 3 bè của 3 cây viết nhạc này. Dần dà, cách sáng tác bắt đầu lên tay như việc đổi tông giọng lạ tai trong “Oriental Sadness” và cách chuyển hợp âm với nốt trầm giảm dần cao độ tương tự như ca khúc “Michelle” của The Beatles trong bản “Fifi The Flea” mà Nash hát chính nghe rất bắt tai.


Trong khâu sáng tác, Graham Nash luôn là người khởi nguồn tạo ra các câu nhạc để hai thành viên kia đóng góp ý tưởng vào sau đó. Chính vậy nên sự tự tin trong viết nhạc của ông ngày một tăng dần, lớn cùng với khả năng sáng tạo, chơi nhạc, cũng như cái tôi của Nash trong The Hollies. Việc Nash tự hào với âm nhạc do ông và band sáng tác hoàn toàn là điều hiển nhiên, khi mà với cá nhân tôi, hai album hay nhất của The Hollies là For Certain Because (1966)Evolution (1967) đều là hai nhạc phẩm gồm các sáng tác mới, không sử dụng một bản cover nào như ở các album trước của band.



Dù có thể đối với Nash, ông vẫn tiếp tục nâng tầm trong các nhạc phẩm mà ông đóng góp sau này cho CSN và CSNY, cũng như ở các dự án âm nhạc khác liên quan, nhưng sự sáng tạo của The Hollies nói riêng trong hai album này quả thực chín muồi. Trong For The Certain Because, ban nhạc chuyển sang phong cách Folk Rock phù hợp với thị trường nước Mỹ, mà cũng lại tăng sức hấp dẫn của các bài nhạc lên rất nhiều. Như “Pay You Back With Interest” có lối đổi nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm, “It’s You” có vòng biến đổi hợp âm cực kỳ phong phú, hay “What Went Wrong” có thêm bộ kèn làm tăng sự phong phú về mặt âm sác cho nhạc của The Hollies. Lối hát bè đỉnh cao của bộ ba Clarke, Nash và Hicks vẫn phát huy trong “Crusader” và “Stop Stop Stop”, hai bài mà tay guitar lead Tony Hicks đưa tiếng đàn banjo rất thú vị vào. Trong Evolution, ban nhạc lại thể nghiệm âm thanh Psychedelic mang tới những sản phẩm hoàn thiện còn hấp dẫn hơn nữa. “Stop Right There” đưa tiếng violin vào trên nền nhạc thay đổi hợp âm liên tục, “Water On The Brain” có tiếng kèn tuba đầy lạ lẫm, “Lullaby To Tim” có phần vocal của Nash bị bóp méo và đoạn nhạc ngắn của dàn nhạc xuất hiện rất bất ngờ, hoặc “Ye Olde Toffee Shoppe” có phần mix cực chất.



Theo đà đó, đáng nhẽ The Hollies sẽ lại tiếp tục với các sáng tác mới và thể nghiệm các dòng nhạc, ít ra đó là logic suy nghĩ của Graham Nash. Nhưng không. Sau album Butterfly (1967), các thành viên còn lại dường như có vẻ mệt mỏi với công sức sáng tác và rủi ro về mặt thương mại. Khi album Dear Eloise / King Midas In Reverse (1967) (được đổi tên từ Butterfly trong ấn phẩm phát hành tại thị trường Mỹ) thất bại, nội bộ của band trở nên lục đục. Cả Allan Clarke và Tony Hicks thì muốn ghi âm các bài nhạc Pop dễ tiếp cận người nghe hơn, còn Nash thì không. Đỉnh điểm là khi ban nhạc từ chối ca khúc do Nash sáng tác là “Marrakesh Express” để rồi chuyển hướng thu âm cả một album chỉ toàn các bản cover nhạc của Bob Dylan đã là giọt nước tràn ly khiến Nash cay cú và liên tục tranh cãi với tay producer Ron Richards, dù ông cuối cùng cũng vẫn ngậm ngùi thu âm bài “Blowin’ In The Wind”.

 

Cú chốt hạ cuối cùng cho quyết định rời The Hollies mà Graham Nash gọi là “ban nhạc nhà quê tỉnh lẻ” trong hồi ký của ông là khi ông được gặp David CrosbyStephen Stills. Một tối năm 1968, Nash lái xe đến nhà cô bạn gái của ông ngày ấy là Joni Mitchell huyền thoại tại thành phố Los Angeles, ông nghe thấy tiếng 2 gã đàn ông trong nhà. Đó là Crosby và Stills. Cả hai đang ăn tối với Mitchell. Thế rồi Crosby quay sang Stills nói: “Ê Stephen, bồ tèo chơi thử bài nhạc mà chúng ta đang viết cho Willy (nick name của Nash) nghe xem”. Quá ấn tượng trước ca khúc mang tên “You Don’t Have To Cry” mà Crosby và Stills thể hiện tại phòng khách nhà Mitchell, Nash liền bắt hai người đó chơi lại. Sau hai lần, ông lại đề nghị họ: “Quả là bài hát tuyệt vời – hai ông làm ơn chơi thêm một lần nữa thôi”. Nhưng khác cái, lần này Nash đã thuộc lời và ngẫu hững luôn phần bè cao của ông vào bài hát cùng với Crosby và Stills. Giọng hát 3 người họ gắn chặt với nhau, và chỉ trong vỏn vẹn 30 giây, đôi mắt ba nghệ sĩ Crosby, Stills & Nash sáng bừng khi họ tìm ra hòa âm đồng điệu đặc trưng của CSN sau này.

  

Phần 4. CSN, CSNY, C, S, N, Y hay CN, SY – chả quan trọng

 

Cái tôi của mỗi thành viên trong bộ 3 Crosby, Stills & Nash (CSN) thể hiện rõ ngay trong tên nghệ danh được đặt từ họ của mỗi thành viên (điều tôi nghĩ không thể làm được ở Việt Nam bởi chúng ta sẽ có một cái tên đại loại như Nguyễn, Nguyễn & Nguyễn hay Nguyễn, Nguyễn, Nguyễn & Trần). David Crosby, Stephen StillsGraham Nash làm vậy để đảm bảo không ai trong số họ có thể sau này dùng nghệ danh đó để làm nhạc hay biểu diễn như cách mà các thành viên còn lại trong The Byrds và The Hollies tiếp tục dẫn dắt sau khi mỗi người họ đã cất công góp phần gây dựng danh tiếng cho những cái tên đó (riêng Dewey Martin – tay trống và thành viên cũ trong Buffalo Springfield đã lên ý định lập ra nhóm New Buffalo Springfield nhưng rồi sau đó phải đổi sang New Buffalo khi bị Stephen Stills và Neil Young kiện). Lý do thứ hai cho việc đặt tên như vậy là CSN có thể là bàn đạp cho từng người phát triển các dự án âm nhạc solo cho riêng họ.

 

Ngay trong album đầu tiên mang tên “Crosby, Stills & Nash” (1969), bộ ba đã ngay lập tức có được thành công và danh vọng khi phát triển phong cách nhạc đầy tính thể nghiệm đúc tích từ thời họ chơi trong các band trước. Với âm thanh gộp cả Folk, Blues lẫn Jazz, CSN đốn đổ bất kỳ ai nghe phải âm nhạc kỳ diệu mà mỗi người họ viết ra qua giọng ca 3 bè tuyệt kỹ. Chưa hết, từng người họ mang lại khác biệt và điểm mạnh riêng. Với Crosby đó là những bài hát về vẫn đề xã hội như track “Long Time Gone” hay lãng mạn đậm chất thơ ca như “Guinnevere” được ông sáng tác với kiểu tuning chỉnh dây và số chỉ nhịp lạ lẫm. Với Nash là những giai điệu Pop dễ gần với người nghe như track “Lady Of The Island”, bài hát cùng với bản hit “Marrakesh Express” được ông sáng tác từ thời trong band The Hollies nhưng đều bị gạt bỏ. Và với Stills là khả năng chơi nhiều nhạc cụ và thu âm, cũng như đưa chất liệu nhạc Folk và Country vào các bản Rock một cách khéo léo như track “Helplessly Hoping” hay “Suite: Judy Blue Eyes”, một bài nhạc dài 7 phút được chia thành 4 hồi như một vở nhạc kịch.



Trong album đầu này, Stephen Stills đóng vai trò dẫn dắt cả nhóm. Với tầm nhìn định hướng rõ rệt của mình, Crosby và Nash đều vui vẻ nhường chỗ cho Stills thỏa sức khám phá và thu âm. Ngoài việc góp giọng cho cả album, Crosby và Nash chỉ thu âm guitar của mình trong các bài mà mỗi người họ sáng tác. Còn Stills – kẻ cầu toàn với biệt danh “Captain Many Hands” lo toan cho đủ các nhạc cụ guitar, bass, keyboard và trống của toàn bộ đĩa, ngoại trừ đúng bài “Guinnevere” và “Lady Of The Island”. Người ta nói là đúng ra là Stephen Stills cũng định đặt tên theo trình tự họ của ông đặt trước Crosby, thế nhưng thuận mồm nhất thì vẫn phải là Crosby ngay đầu, và vì thế Stills ở liền sau rồi mới tới Nash, dù về mặt trình tự trong bảng chữ cái ABC, Stills đúng ra phải đặt dưới cùng (và chỉ trước Neil Young khi tay này vào nhóm).

 

Rồi, đến đây chúng ta đều thấy chả có gì phải phàn nàn với bộ 3 vững chắc như kiềng ba chân Crosby, Stills & Nash. Đã thế thành công ngoài mong đợi của album đầu tay càng cho thấy họ chả có lý gì cần đến một kẻ thứ 4 vào nhóm.

 

Âu cũng vì mỗi vấn đề nằm ở chuyện họ chợt nhận ra là không thể nào thể hiện được phần bè 3 lớp đồng thời đảm nhiệm các nhạc cụ như trong đĩa mà không có thêm một thành viên có khả năng chơi nhiều nhạc cụ. Dưới sự gợi ý của trùm hãng Atlantic Records lúc bấy giờ, cái tên Neil Young được nêu lên.

 

Về mặt lý thuyết, đây là một ý kiến không tệ chút nào nhất là với tài năng xuất chúng của Young. Nhưng tính cách khó chịu như hạch nổi tiếng của Young trong giới là điều khiến cả hội lăn tăn. Như lời miêu tả của Nash trong cuốn hồi ký, việc đưa Young vào nhóm giống như việc ném một quả lựu đạn đã tháo kíp vào giữa đám đông vậy, tất cả mọi trung tâm chú ý phải là dành hết cho gã. Với Young, ban nhạc nói chung chỉ như những bàn đạp, trạm dừng nghỉ cho gã hướng tới mục đích cá nhân. Không ai có thể đặt sự tin tưởng ở Young trong việc gã sẽ có mặt đúng giờ cho một buổi thu âm hay biểu diễn, hệt như cách đã xảy ra từ thời Buffalo Springfield.

 

Lúc này đây, chỉ có kẻ cũng có tính cách khó ưa như David Crosby là đồng thuận với việc để Young tham gia. Còn Stephen Stills, người đã phải chịu đựng kha khá tính khí thất thường ngày nào của Young cũng mãi mới gật đầu sau khi được hãng đĩa thuyết phục. Chỉ có Nash là do dự vì ông không muốn ban nhạc tuyển thêm một ai hết. Thế quái nào mà sau buổi gặp gỡ với Neil Young, Nash lại tâm phục khẩu phục trước tính cách vui nhộn và dễ gần đến khó ngờ của Young, đến độ như chia sẻ của Nash, ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí là vận động tranh cử cho Young làm thủ tướng của Canada nếu Young tham gia ứng cử. Có điều tay quản lý của Young cũng khéo léo chả kém. Gã đặt ra điều kiện để Young vào nhóm là cái tên CSN phải thêm chữ “Y” vào để thành Crosby, Stills, Nash & Young (CSNY).

 

Với danh tiếng của Young, CSNY thực ra không phải là ý tưởng tồi. Nó chỉ tồi ở chỗ, ngay khi bộ tứ bắt đầu tập dượt nhạc, bản tính khó đỡ của Young đã lòi ra. Ban nhạc bỗng nhiên chuyển từ tập thể dân chủ 3 người để trở thành chế độ quân chủ dưới sự “lãnh đạo” của Young. Tất cả mọi người đều sợ gã bởi Young mà nói là làm. Gã mà tức chửi thề “Đệt mịa các ông, tôi cút đây” là Young cút thật.

 

Nếu như CSN đã vận hành như một ban nhạc thì CSNY lúc này giống như một dự án âm nhạc có tính nhất thời. May mắn là từng người họ vẫn kịp mang sức mạnh riêng của mình để đóng góp cho CSNY. David Crosby có sức sáng tạo vô hạn trong cách sắp xếp hòa âm các lớp bè, thậm chí có màu sắc Jazz ở trong đó. Stephen Stills đa tài nhất nhóm khi ngoài việc chơi được rất nhiều nhạc cụ và giỏi trong kỹ thuật thu âm, ông còn tinh trong cách làm nhạc cảm xúc đặc trưng có màu Blues trong đó. Graham Nash sở hữu chất giọng ngọt ngào nhất trong CSNY nhờ độ nhạy về cách thể hiện các giai điệu nhạc Pop từ thời The Hollies và giúp tạo ra các bản hit cho nhóm. Còn Neil Young chắc chắn toàn diện nhất về kỹ năng sáng tác, đặc biệt trong lối viết lời đầy thơ ca, cũng như mang chất điện ảnh ở tầm ngang ngửa với Bob Dylan lẫn Joni Mitchell.



Nhờ đó, theo ý kiến của tôi, album tiếp theo Déjà Vu (1970) nghe còn sướng hơn cả đĩa trước. Ca khúc “Almost Cut My Hair” do Crosby sáng tác và hát solo có một giai điệu bluesy tuyệt hay. Với phần lời về chủ đề cắt đi mái tóc dài mang tính biểu tượng cho sự phản kháng, ca khúc được tiếp thêm sức nặng bởi phần solo guitar đôi của Stills và Young. Ca khúc “Carry On” do Stills viết ra để mở đầu album là bản ghép của hai bài nhạc mà ông từng sáng tác dang dở trước kia, với ca từ mang thông điệp gửi tới chính CSNY về việc 4 người họ đều phải cố gắng để duy trì một siêu ban nhạc mơ ước như này. Ngoài phần trống, các nhạc cụ khác bao gồm guitar thùng, guitar điện, slide guitar, organ, bass và bộ gõ đều do mình Stills đảm nhiệm; và riêng đoạn bridge có phần bè acapella của Stills, Crosby và Nash là khúc chuyển ấn tượng sang một nhịp điệu thay đổi chậm hơn. Ca khúc “Our House” do Nash sáng tác trên nền nhạc cụ chủ đạo là piano và harpsichord do chính ông chơi mang màu sắc sáng cho album, được thu âm 3 bè tuyệt hay với Stills và Crosby. Và ca khúc “Country Girl” mà Young viết ra là một bản nhạc mang cấu trúc phức tạp khi nó gắn kết 3 khúc nhạc lại với nhau, thể hiện tham vọng trong cách làm nhạc không ngừng nâng tầm của ông. “Country Girl” được sản xuất theo phong cách “wall of sound” như Phil Spector đã từng tạo ra, giúp cho bài nhạc có không gian âm nhạc rộng và hoành tráng, đúng như cách mà Young luôn mường tượng trong các sáng tác của ông.



Tôi nghĩ nhờ Young mà cái tôi của 3 người kia cũng lại được đánh thức, giúp cho sự cạnh tranh ngầm của cả 4 người trong sáng tạo âm nhạc được vươn xa hơn. Nhưng nó cũng lại khơi dậy những mâu thuẫn tiềm ẩn của 4 con người mang 4 tính khí khác nhau. Nói một cách khác, với chất xúc tác là Neil Young và mai thúy, để giữ hòa khí cho một siêu ban nhạc mơ ước như CSNY là chuyện không dễ chút nào. Nhất là khi cả 4 người họ đều xuất phát từ các ban nhạc đã đạt nhiều thành tích và danh vọng nhờ công lao của từng người thì sự tự hào và niềm kiêu hãnh trỗi dậy là đương nhiên.

 

Bốn người họ cạnh tranh nhau cả về sự sáng tạo trong việc làm nhạc lẫn việc cua gái ở bên ngoài. Khi jam nhạc, rất nhiều lần Nash ôm đàn bần thần ngồi giữa Stills và Young đang “cãi nhau” bằng các câu riff hay giành giật nhau những đoạn guitar solo. Ở ngoài đời, những vụ việc tương tự như lần Nash rủ cô ca sĩ Rita Coolidge đi hẹn hò thì Stills lại gọi cho cô để phét là Nash ốm nên ông sẽ đi thay không hề hiếm. Để rồi Stills và Coolidge chuyển về sống chung được vài tuần thì Nash lại cua lại Coolidge về tay mình, dẫn đến sự cay cú giữa chính hai người này.

 

Thay vì là một tập thể có chung “giọng nói” là tiếng hát hòa âm tuyệt đẹp của 4 con người, cái tôi của từng thành viên biến họ thành những kẻ khó ưa. Crosby thì từng dọa sẽ bỏ tour chỉ vì phòng khách sạn của ông gió lùa vào quá nhiều hay chuyện ông dành cả giờ để chửi mắng nhân viên chỉ bởi vì người này đun atisô quá tay. Stills thì điều hẳn một phi cơ riêng đến Colorado chỉ để ship két bia ưa thích của ông và cũng từng đôi lần cố tình chơi phần solo quá dài so với quy định. Nash mặc dù thuộc tuýp người dễ ưa hơn 3 kẻ còn lại cũng từng bực bội với nốt nhạc cuối được thu âm trong bài “Our House” của mình, đến độ ông bắt tay kỹ sư âm thanh phải bay từ San Francisco tới Los Angeles và kiếm cho ra cây đàn piano Steinway chỉ để thu lại đúng một nốt nhạc đó ngân sao cho đủ dài theo ý muốn. Còn Young, với tính khí thất thường như đã nói ở trên, không lạ gì khi có những lần ông còn lôi cả mấy con khỉ vào trong phòng khách sạn chỉ để quậy phá.

 

Thế rồi, “dự án âm nhạc” CSNY cũng tạm ngưng vì nhiều lý do khác nhau, để lại khoảng thời gian mỗi thành viên tập trung cho các dự án âm nhạc của mình. Bên cạnh các album solo của mỗi người, Stephen Stills còn kịp lập ra band Manassas với Chris Hillman – thành viên trước đây của The Byrds, Graham Nash và Neil Young thì ghi âm chung ca khúc “War Song”, rồi Nash với David Crosby đi tour riêng và cho ra album đôi mang tên hai người, hay Crosby cho ra album tái hợp với band The Byrds của ông.



Và cứ như vậy, trong khoảng thời gian CSNY quay lại để thực hiện chuyến lưu diễn chung vào năm 1974 cho tới khi họ phát hành thêm album nữa của bộ tứ, thì các thành viên cũng lại kịp làm một đống việc, trong đó có cả phá đám. Trong một dịp để cả 4 người tái hợp để thu âm thì Young lại làm việc ông vẫn hay làm, đó là đột ngột bỏ đi sau một trận cãi vã, để lại 3 người kia chuyển hướng thu âm dưới cái tên CSN. Thế nhưng dự định đó cũng lại không đi tới đâu khi Stills và Nash quay ra đấu khẩu khiến cho Stills cầm ngay con dao banh xa lam thẳng tay phá nát bản thu master của bài “Wind On The Water” sau khi Crosby và Nash không chịu thu âm bè cho bài “Guardian Angel” của ông. Crosby và Nash (CN) quay ra rủ nhau đi tour riêng, còn Stills và Young lại theo đuổi dự án solo, trong đó Young tiếp tục hợp tác với ban nhạc Crazy Horse ưa thích của mình. Rồi không chịu kém cạnh với CN, Stills và Young (SY) cũng bắt tay kết hợp cho ra album đôi. Cho tới lần C, S, N và Y được lôi kéo lại cho album dở dang của CSNY, Stills và Young đã xóa sạch phần thu âm của Crosby và Nash từ bản thu master chỉ vì CN bỗng dưng lặn mất hút để tập trung thu âm nhạc riêng của hai người này. Bộ đôi SY cũng chả bền lâu được bao nhiêu khi trong chuyến lưu diễn năm 1976, Young bỏ dở giữa chừng bằng một tin nhắn vỏn vẹn: “Thân gửi Stephen, thật nực cười khi có những thứ khởi đầu bột phát như nào thì kết thúc bột phát như vậy. Ăn l*n đi. Ký tên Neil” khiến cho Stills phải tự lo nốt tour diễn đó một mình. Còn CN cũng nào đâu giữ được tình bạn tri kỷ khi về sau Crosby liên tục nói xấu về Nash một cách vô cớ. Thế nhưng bằng phép màu nhiệm nào đó, 3 hay 4 người họ lại có dịp tìm lại với nhau để chơi nhạc, để thu âm, hay biểu diễn.

 

Cho đến giờ, CSNY vẫn là ban nhạc đầu tiên mà mỗi thành viên đều được 2 lần vinh danh trong Sảnh Danh Vọng “Rock And Roll Hall of Fame”. Chỉ khác cái là trong khi Crosby, Stills và Nash được vinh danh hai lần cho hai ban nhạc họ tham gia (Crosby với The Byrds và CSN, Stills với Buffalo Springfield và CSN, Nash với The Hollies và CSN) thì Young được hai lần với tư cách trong Buffalo Springfield và sự nghiệp solo để đời của mình. Có lẽ phần nào chính Rock And Roll Hall Of Fame cũng nhìn ra CSN mới là một ban nhạc còn Neil Young, như chính lời ông tự miêu tả mình, chỉ như chiếc vệ tinh trôi nổi không tìm được bến đỗ ở CSNY, dù những đóng góp của Young không hề nhỏ.

 

Sau vô vàn các biến cố, mâu thuẫn xảy đến với 4 nghệ sĩ này, cuối cùng từng người trong số họ vẫn luôn dành sự kính nể chân thành với tài năng của những kẻ còn lại. Bởi quy cho cùng, nếu không nhờ sự hợp lực của những anh tài CSNY ngày ấy, thì ai mà biết được sự nghiệp của họ có sớm được chắp cánh bay cao đến vậy không.


***

David đã mất nhưng âm nhạc của cậu ấy vẫn sống mãi. Là linh hồn của CSNY, giọng hát và năng lượng của David thực sự là trái tim của ban nhạc. Những bài hát mà David sáng tác theo đúng tinh thần mà chúng tôi luôn tin và hướng tới, đó là sự vui vẻ và hào hứng để chơi nhạc cùng nhau” – Neil Young

 

Tôi biết mọi người thường tập trung vào sự bất ổn trong mối quan hệ giữa các thành viên trong ban nhạc, thế nhưng thứ mà luôn luôn quan trọng đối với David và tôi hơn bất kỳ thứ gì trên đời là niềm vui thuần khiết của thứ âm nhạc mà chúng tôi tạo nên, thứ âm thanh mà chúng tôi cùng nhau khám phá ra, và tình bạn sâu đậm mà chúng tôi đã chia sẻ trong suốt bao năm qua” – Graham Nash

 

David và tôi từng đối đầu với nhau khá nhiều lần, thế nhưng chúng thường chỉ là những vụ cãi vã bột phát dù cũng đủ khiến chúng tôi cảm thấy nóng gáy. Tôi rất mừng vì cả hai đều đã làm lành. Cậu ấy quả thực là một tượng đài âm nhạc vĩ đại và khả năng cảm nhận về hòa âm của David ở cái tầm của một thiên tài. Đó là thứ keo gắn kết tất cả mọi người, khi mà giọng hát của chúng tôi, giống như đôi cánh của Icarus, bay cao vươn tới Thái Dương” – Stephen Stills

 

RIP David Crosby (14.8.1941 – 18.1.2023)


***

Hẹn gặp lại!


Kink & Kroon

102 views

Recent Posts

See All
bottom of page